Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 2 Phục Sinh

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 2 Phục Sinh

  1. LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG HÀNH ĐỘNG

Tạp chí TIME năm 1984 đã in hình một trang bìa rất đáng chú ý: trong một phòng giam có hai người đàn ông ngồi trên hai chiếc ghế xếp bằng kim loại. Chàng trai trẻ mặc một chiếc áo len cổ lọ màu xanh, quần jeans xanh và giày màu trắng. Người đàn ông lớn tuổi mặc một chiếc áo choàng trắng đội một chiếc mũ sọ màu trắng trên đầu. Họ ngồi đối mặt với nhau, cận cảnh và rất riêng tư. Họ nói nhỏ để người khác không nghe thấy cuộc trò chuyện. Người thanh niên đó tên là Mehmet Ali Agca, kẻ ám sát Giáo hoàng (hắn đã bắn và làm ngài bị thương vào ngày 13 tháng 5 năm 1981); người đàn ông kia là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nạn nhân chủ mưu của tên ám sát. Đức Giáo hoàng nắm lấy bàn tay đã cầm khẩu súng mà viên đạn của nó đã găm vào cơ thể của ngài. Đây là một biểu tượng sống động của lòng thương xót. Sự tha thứ của Đức Gioan Phaolô II mang đậm dấu ấn tình yêu Kitô giáo. Hành động của ngài với Ali Agca đã nói thay cho hàng nghìn lời diễn đạt. Ngài ôm lấy kẻ thù của mình và xin ân xá cho anh ta. Vào cuối cuộc gặp mặt kéo dài 20 phút của họ, Ali Agca đã cầm tay Đức Giáo hoàng và đặt lên trán của mình như một biểu hiệu của sự tôn kính. Đức Giáo hoàng dịu dàng bắt tay anh. Khi rời phòng giam, Đức Giáo hoàng nói: “Những gì chúng tôi đã nói với nhau phải được giữ bí mật. Tôi đã nói chuyện với anh ấy như một người anh em mà tôi đã tha thứ và anh là người đã hoàn toàn tin tưởng tôi”.

* Đây là một mẫu gương thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đó chính là Lòng Thương Xót mà thánh Faustina đã cảm nghiệm và chia sẻ với chúng ta.

  1. “VẬY THÌ TÔI SẼ THƯƠNG XÓT”

Hoàng đế Napoléon đã tỏ ra rất xúc động trước lời cầu xin ân xá của người mẹ cho đứa con trai là quân nhân của bà. Tuy nhiên, Hoàng đế nói rằng vì đây là lần phạm tội nặng thứ hai của người lính, nên công lý đòi hỏi anh ta phải chết. Bà mẹ van nài: “Tôi không yêu cầu công lý, tôi xin lòng thương xót.” Nhưng hoàng đế nói: “Nó không đáng được thương xót!” Bà mẹ kêu lên: “Thưa ngài, sẽ không cần  lòng thương xót vì nó đáng bị như vậy, nhưng lòng thương xót là tất cả những gì tôi cầu xin với ngài.” Vẻ đau khổ và cách biện luận rạch ròi của người mẹ đã thúc đẩy Napoléon trả lời: “Vậy thì, tôi sẽ thương xót.”  

* Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta suy ngẫm về tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, như được trình bày trong Kinh Thánh và như Chúa Giêsu đã sống, giảng dạy, cũng như thực hành qua sứ vụ của Người.

  1. THƯA ÔNG ĐÓ LÀ ĐIỀU TÔI SỢ

Có một câu chuyện về một người lính nọ được đưa đến trước mặt đại tướng Robert E. Lee. Anh bị buộc tội đã hành động vi phạm quân luật, người lính run rẩy sợ sệt. Vị tướng nói với anh ta: “Anh đừng sợ. Ở đây bạn sẽ được công lý soi tỏ”. Người lính nhìn viên tướng và nói: “Thưa ngài, đó chính là điều tôi sợ.” Giống như người lính đó, ông Phêrô có lý do để run sợ. Ông đã khoe khoang về lòng dũng cảm của mình, rằng ông sẽ luôn sát cánh và bảo vệ Chúa Giêsu. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu cần ông nhất, thì ông đã bỏ rơi Chúa. Có lẽ người ta có thể tha thứ cho ông vì ông đã bị cơn thèm ngủ đè nặng. Nhưng sau đó với tất cả ý thức, ông đã chối bỏ Chúa Giêsu ba lần, với cùng một lời khẳng định: “Tôi không biết người ấy. Một tảng đá mà như thế! Theo công lý nghiêm minh, Phêrô lẽ ra phải bị trừng phạt, ít nhất, bị tước bỏ tư cách người đứng đầu Giáo hội. Tuy nhiên, qua cuộc khổ nạn, Chúa Kitô đã mở ra một công lý sâu xa hơn, vượt qua những khuôn khổ cố hữu của con người. Đó là những gì chúng ta sẽ khám phá và trải nghiệm về Lòng Chúa Thương Xót này.

  1. NÂNG CAO TINH THẦN CHO NHAU

Bạn đã bao giờ nhìn thấy đàn ngỗng bay theo hình chữ V chưa? Đó là một điều tuyệt vời khi người ta tìm hiểu để biết rằng cấu hình đó là điều hết sức cần thiết để những con ngỗng có thể sống còn. Nếu chú ý lắng nghe, chúng ta có thể nhận thấy tiếng đập cánh của chúng đồng loạt bật lên tiếng rít mạnh trong không khí. Và đó chính là bí mật về sức mạnh của chúng: ngỗng đầu đàn cắt ngang sức cản của không khí, tạo ra lực đẩy giúp cho những con chim phía sau nó mất ít năng lượng hơn. Đổi lại, việc đồng loạt vỗ cánh giúp những con chim phía sau bay dễ dàng hơn, v.v. Mỗi con chim sẽ lần lượt làm đầu đàn. Những con bị mệt thì dạt ra rìa của chữ V để nghỉ, và những con còn lại lao về phía điểm đầu của chữ V để dồn thúc bầy ngỗng bay tiếp. Nếu một con ngỗng trở nên quá kiệt sức hoặc bị bệnh và phải bỏ ra khỏi đàn, nó không bao giờ bị bỏ rơi. Một thành viên mạnh hơn trong bầy sẽ theo con yếu hơn đến chỗ nó nghỉ và đợi cho đến khi con chim đủ khỏe để bay trở lại. Cùng nhau hợp tác thành đàn, ngỗng có thể bay ở cự ly xa hơn 71%, với công việc ít hơn tới 60% năng lượng.

  1. CHỮA BỆNH CHO NỖI BUỒN

Có một câu chuyện cổ của Trung Quốc về một người phụ nữ có đứa con trai duy nhất đã chết. Trong nỗi đau buồn tột độ, bà đến gặp một vị đạo sư và nói: “Lời cầu nguyện nào, câu thần chú huyền diệu nào có thể làm cho con trai tôi sống lại được?” Thay vì đuổi bà ấy đi hoặc cố gắng giải thích cho bà ấy, đạo sĩ nói: “Bà hãy đi tìm cho tôi một hạt cải từ một ngôi nhà chưa bao giờ biết đến nỗi buồn. Tôi sẽ dùng để xua đuổi nỗi buồn của bà ra khỏi cuộc sống”. Người phụ nữ tất tả đi ngay để tìm hạt mù tạt kỳ diệu đó. Trước tiên, bà ấy đến một ngôi biệt thự lộng lẫy, gõ cửa và nói: “Tôi đang tìm một ngôi nhà chưa bao giờ biết đến nỗi buồn. Đây có phải là một nơi như vậy không? Điều này rất quan trọng đối với tôi”. Họ nói với bà ấy: “Chắc bà đã đến nhầm chỗ rồi!” Và họ bắt đầu mô tả tất cả những điều bi thảm gần đây đã xảy ra với gia đình họ. Người phụ nữ tự nhủ: “Ai có thể giúp đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh này hơn tôi, những người cũng gặp bất hạnh như tôi?” Bà ta ở lại một thời gian để an ủi họ, rồi lại tiếp tục đi tìm một căn nhà chưa bao giờ biết đến nỗi buồn. Nhưng ở bất cứ nơi nào bà ấy đến, từ những căn nhà nhỏ tồi tàn đến những nơi nơi sang trọng khác, bà ấy đều nghe thấy hết những chuyện bất hạnh này đến nỗi buồn khác. Mỗi lần như vậy bà lại tìm cách lan tỏa những năng lượng tích cực để xua tan nỗi đau của người khác, đến nỗi cuối cùng bà ấy đã quên đi cuộc tìm kiếm hạt cải kỳ diệu, và cũng quên luôn nỗi buồn trong việc mất đứa con yêu dấu.

  1. DỤC TỐC BẤT ĐẠT

Một người đàn ông nhìn thấy một tổ kén của một con bướm. Một lát sau, anh ta thấy có một lỗ nhỏ xuất hiện. Anh ngồi và quan sát con bướm trong nhiều giờ và thấy nó cố gắng ép cơ thể mình chui qua cái lỗ nhỏ đó. Nhưng dường như không tiến thêm được chút nào, như thể nó đã bò xa nhất có thể rồi. Vì vậy, người đàn ông quyết định giúp nó, anh lấy một cái kéo và cắt bỏ phần còn lại của tổ kén. Con bướm sau đó nhô ra khỏi tổ một cách dễ dàng. Nhưng nó có một cơ thể sưng tấy và đôi cánh nhỏ, teo tóp. Người đàn ông tiếp tục quan sát con bướm vì anh ta mong đợi rằng, bất cứ lúc nào, đôi cánh sẽ dang rộng và nở ra để có thể nâng cơ thể của nó lên. Nhưng cả hai điều đều không xảy ra! Thật sự, con bướm đã phải dành phần đời còn lại của mình để bò xung quanh với cơ thể sưng tấy và đôi cánh teo tóp. Chứ không bao giờ có thể bay được. Điều mà người đàn ông, với lòng tốt và sự vội vàng của mình, đã không hiểu là cái tổ kén gò bó đó và sự nỗ lực chui ra là cần thiết đối với con bướm. Chui qua lỗ nhỏ là cách mà quy luật tự nhiên đã sắp đặt để ép một chất lỏng từ cơ thể nó vào đôi cánh, tạo cho nó có thể sẵn sàng cho chuyến bay khi nó thoát ra khỏi kén.

* Đôi khi những nỗ lực và phấn đấu chính là thứ chúng ta cần trong cuộc sống. Nếu Chúa cho chúng ta đi qua cuộc đời mình mà không gặp bất kỳ trở ngại nào, điều đó có thể khiến chúng ta tê liệt. Chúng ta sẽ không thể mạnh mẽ như chúng ta có thể; chúng ta không bao giờ có thể bay! Vì vậy, những thử thách trong cuộc sống có thể là một dấu chỉ của lòng Chúa thương chúng ta.

  1. MỌI SỰ LÀM CỦA CHUNG

Theo sách Công vụ Tông đồ những Kitô hữu đầu tiên đều “một lòng một ý”. Họ chia sẻ tài sản của mình cho nhau, để không ai thiếu thốn. Một số thậm chí đã bán đồ đạc của họ và gom vào quỹ chung để chu cấp cho mọi người trong cộng đoàn. Tinh thần bác ái cao quý này không tồn tại lâu lắm, bởi vì trong những năm sau đó, những đấng lập ra các dòng tu đã phải khôi phục lại tình trạng sở hữu chung như một phần của luật dòng của họ. Vì vậy, khi thánh Bênêđictô (Biển Đức) viết điều luật cho các tu sĩ của mình vào thế kỷ thứ sáu, ngài đã ra lệnh: “Hãy để mọi sự làm của chung cho tất cả mọi người.” Con người vốn mang bản tính sở hữu. Do đó không phải tất cả các tu sĩ Bênêđictô đều sống theo lý tưởng nghèo khó cá nhân. Một lần kia một tu sĩ đã đi giảng tĩnh tâm cho một tu viện nữ gần đó. Để bày tỏ lòng cảm ơn, các nữ tu đã trao cho thầy dòng vài chiếc khăn tay. Mặc dù tu luật ghi rằng không một tu sĩ nào được nhận bất cứ thứ gì mà không qua tu viện trưởng, nhưng thầy dòng này quyết định giữ món quà nhỏ lại cho riêng mình mà không thông qua bề trên. Anh chỉ đơn giản là nhét chiếc khăn tay vào trong tu phục của mình. Nhưng việc này không bị bỏ qua. Khi anh trở lại tu viện, bề trên Bênêđictô đã mắng anh: “Làm sao mà ma quỷ lại tìm được đường đi vào tâm hồn anh như thế?” Thầy dòng này vô cùng bối rối, vì anh ta đã quên chiếc khăn tay mình đã giữ lại. Nhưng lỗi của anh đã bị tiết lộ cho tu viện trưởng Bênêđictô. Ngài nói mạnh: “Có phải vì tôi không có mặt, nên anh mới nhận những chiếc khăn tay đó phải không?” Ngay lập tức vị tu sĩ nhận biết mình có lỗi, anh quỳ xuống trước vị thánh, xin ngài tha thứ và trao món quà lại cho bề trên.

* Khi nói về cộng đoàn tín hữu đầu tiên đây là một nét son của họ, nhưng chắc chắn mỗi thành viên phải phấn đấu rất nhiều mới có thể duy trì được lí tưởng ấy. Tham vọng của cộng sản nguyên thủy: “các tận sở năng, các mãn sở nhu” (làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu) đã hoàn toàn thất bại, và bị coi là hão huyền!

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm