Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 24 Thường Niên, Năm B
- NIỀM AN ỦI THẦM LẶNG
Thật an ủi biết bao khi biết rằng một người có vị thế và tầm quan trọng như ông Phêrô trong Giáo hội sơ khai lại có thái độ đáng trách đến như vậy. Ông là người bàn rùn chăng? Không hẳn, ông là người yêu mến Chúa chân thành: ông không muốn Chúa đi vào con đường đau khổ. Nhưng chính ông lại là người cản lối kế hoạch của Thiên Chúa. Điều chúng ta cần nhớ là ông Phêrô chỉ là một con người, và ngay cả người hoàn hảo nhất cũng mắc sai lầm (errare human est). Ông Henry Ford, vua xe hơi đã làm thay đổi thế giới như thế nào. Ông đã thay đổi cách thức mọi thứ được lắp ráp, được tiếp thị và cách chúng ta đi lại. Nhưng bạn có biết ông đã quên cài số lùi cho chiếc xe đầu tiên do ông sáng chế không? Không chỉ vậy, ông còn không làm một cái cửa đủ rộng để lái xe ra khỏi căn nhà ông mới xây. Nếu đến Greenfield Village, người ta vẫn còn thấy nơi ông khoét một cái lỗ lớn trên tường để đẩy xe mỗi khi đi ra ngoài.
- VÁC THÁNH GIÁ HẰNG NGÀY
Chúng ta mang thánh giá để nhắc nhở chúng ta phải nhận trách nhiệm một phần về thập giá mà Chúa Giêsu đã chịu. Họa sĩ Rembrandt vẽ tác phẩm nổi tiếng về cảnh Chúa chịu đóng đinh, có tên là “Ba cây thánh giá”, hiện được trưng bày tại bảo tàng Louvre ở Paris. Tuy nhiên họa phẩm này có một điều rất khác thường. Trong số những khuôn mặt đám đông nhốn nháo dưới cây thánh giá, ông đã vẽ chính mình vào đó. Đó là cách ông muốn nói rằng ông không thể vô tư nhìn cuộc đóng đinh như một khách bàng quan, nhưng đã thực sự tham gia vào biến cố khủng khiếp đó. Thật vô cùng đáng tiếc, có nhiều người không bao giờ nhìn nhận điều này.
* Có thể chúng ta cũng cần học thái độ của Rembrandt. Tôi phải xác định sự kiện Chúa đóng đinh bao gồm chính mình trong đó. Nó không chỉ đơn giản là câu chuyện về Chúa; đó là vấn đề của chính chúng ta. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu thách thức chúng ta vác thập giá bước theo Người.
- VĂN HÀO SHAKESPEARE VÀ CHÚA GIÊSU
Nhà viết tiểu luận người Anh thế kỷ 19, Charles Lamb, người đã có công đưa kịch tác gia W. Shakespeare trở lại sự nổi tiếng trên ánh đèn sân khấu. Charles Lamb đã từng tham gia vào một cuộc thảo luận về câu hỏi ai là thiên tài văn học vĩ đại nhất mọi thời đại. Hai cái tên cuối cùng xuất hiện: William Shakespeare và Chúa Giêsu thành Nazareth. Lamb kết thúc cuộc tranh luận khi nói: “Tôi sẽ cho bạn biết sự khác biệt giữa hai người này. Nếu Shakespeare bước vào căn phòng này ngay bây giờ, tất cả chúng ta sẽ đứng dậy chào đón ông ta, nhưng nếu Chúa Giêsu bước vào, tất cả chúng ta sẽ quỳ xuống và tôn thờ Người”. – Có sự khác biệt nền tảng giữa bậc vĩ nhân xuất thân từ Nazareth và tất cả những danh nhân khác mà bạn có thể nghĩ đến. Chúa Giêsu là Thiên Chúa; còn tất cả những người khác, bất kể họ là gì, làm gì, chỉ là những kẻ khờ khạo bước lên sân khấu trong một thời gian ngắn rồi biến mất.
* Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu thực sự là ai, và cho trình bày những điều kiện để chúng ta có thể trở thành môn đệ của Người.
- SỐNG DẤN THÂN
Theo nghiên cứu do viện Gallup thực hiện, 12% người Mỹ “sống tinh thần dấn thân mạnh mẽ”. Họ là những người thực sự hiểu rõ lời Chúa Giêsu nói: “Hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình và theo Tôi”. Gallup xác quyết rằng các thành viên của nhóm này là “một loại hạt giống khác biệt với phần còn lại của dân số theo ít nhất bốn cách này: 1. Họ sống hạnh phúc hơn. 2. Gia đình của họ mạnh mẽ hơn. 3. Họ khoan dung hơn với những người thuộc các chủng tộc và tôn giáo khác nhau. 4. Họ có tinh thần cộng đồng.” – Họ tham gia vào việc phục vụ người khác. Chính việc chấp nhận vác thánh giá đã thực sự tạo ra khác biệt đó.
- VÁC THÁNH GIÁ
Trên những ngọn đồi trập trùng ở phía bắc New Jersey có một ngôi nhà thờ nhỏ, ở đó một cây thánh giá lớn bằng đá được gắn liền với một bức tường bên trong. Lúc ấy có xảy ra câu chuyện: một người giàu có của giáo xứ không thích đặt cây thánh giá ở đó và nói rằng nó thật chướng mắt. Ông đề nghị ủng hộ cho nhà thờ một khoản tiền lớn để lấy cây thánh giá ra khỏi bức tường và thay thế bằng một cửa sổ kính màu mà ông cho là đẹp mắt. Nhưng khi ông trình bày ý tưởng của mình với hội đồng giáo xứ, họ nói với ông: “Chúng tôi không thể làm những gì ông yêu cầu. Kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà thờ đã đặt cây thánh giá tại đó; nó mang lại độ vững cho toàn bộ cấu trúc công trình. Nếu lấy cây thánh giá đi, nó sẽ phá hủy ngôi nhà thờ.”
* Đấng là Kiến trúc sư của ơn cứu chuộc chúng ta đã thiết kế Giáo hội phải mang thánh giá. Thập giá đem lại sức mạnh cho Giáo hội. Nếu lấy thánh giá đi chúng ta không còn Giáo hội nữa.
- NGHỊCH LÍ CỦA TIN MỪNG
Câu chuyện thật hi hữu: mười một người bị treo lơ lửng trên một sợi dây cáp dưới một chiếc trực thăng trong một nỗ lực giải cứu. Có mười người người đàn ông và một phụ nữ. Bất ngờ viên phi công đưa ra mệnh lệnh: một người trong số này phải buông tay; nếu không mọi người sẽ chết hết. Người phụ nữ lên tiếng ngay, nói rằng cả cuộc đời của bà đã là hy sinh – vì con cái, vì chồng và cha mẹ – và bây giờ bà sẵn sàng hy sinh lần cuối cùng bằng cách buông tay. Cùng với lời tuyên bố đó là tiếng hoan hô vang dội của mười người đàn ông! Điểm nhấn của câu chuyện vẫn là lòng hi sinh quên mình của phụ nữ (nhất là phụ nữ Việt Nam!) Nhưng đặt trong bối cạnh phụng vụ hôm nay câu chuyện này đánh thức niềm tin của chúng ta vào sức mạnh của Tin Mừng, bởi vì nó cũng chứa đầy những điều bất ngờ, đảo ngược, nghịch lý và những đường lối kín ẩn mà bề ngoài dường như không có ý nghĩa. Bình thường làm sao chúng ta có thể chấp nhận nghích lí: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc 8,35). Nhưng nếu chúng ta thực sự mở lòng đón nhận Lời Hằng Sống thì chúng ta sẽ được cứu độ.
- THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ
Thánh Gioan Thánh Giá, trong những năm cuối cùng cuộc đời ngắn ngủi của ngài, đã xin Chúa cho ba ân huệ: không chết với tư cách là bề trên của bất kỳ tu viện Cát Minh nào; chết ở một nơi mà không ai biết đến; và chết sau khi đã chịu nhiều đau khổ. Những lời cầu xin này đã được Chúa đón nhận. Trong những năm cuối đời – ngài qua đời ở tuổi 49 – ngài đã bị các bề trên tước bỏ mọi chức vụ, và một số người thậm chí còn định trục xuất ngài ra khỏi Dòng mà chính ngài đã giúp cải cách. Tiếp theo ngài được gửi đến một ngôi nhà mà không ai biết ngài, nơi mà bề trên không ưa ngài, đã cho ngài ở một căn phòng tồi tệ nhất trong tu viện, và phàn nàn một cách cay đắng về chi phí tốn kém cộng đoàn phải chịu do sức khỏe suy yếu của ngài. Cuối cùng, sự đau khổ của thánh nhân càng trở nên gay gắt hơn khi cả chân và lưng của ngài đều bị lở loét. Khi nhận thấy cái chết đang cận kề, Gioan, thay vì tìm kiếm sự chăm sóc y tế, đã ngỏ lời với bề trên, cầu xin sự tha thứ vì tất cả những phiền toái và chi phí mà ngài đã gây ra cho anh em. Vị bề trên đã vô cùng xúc động, cũng xin Gioan tha thứ tất cả và rời khỏi phòng trong nước mắt chan hòa. Cha bề trên này sau đó đã được ơn biến đổi, đến nỗi sau này ngài được an nghỉ một cách tốt lành thánh thiện. Cũng trong đêm đó, Gioan đã không còn cảm thấy đau đớn hay vật vã nữa, ngài đã sốt sắng dâng phó linh hồn cho Đấng Tạo Hóa của mình và ra đi êm ái. – Tất cả những điều này không trả lời ngay cho câu hỏi: “Tại sao Chúa để cho có đau khổ?” Có lẽ chúng ta có thể bắt đầu thấy ý nghĩa của nó hiện ra nếu chúng ta đóng khung câu hỏi theo cách khác. “Liệu thánh Gioan Thánh Giá, đấng mà gương sáng của ngài đã làm biến đổi đời sống biết bao người trong hơn 400 năm qua kể từ khi ngài qua đời, liệu ảnh hưởng đó có xảy ra không nếu thánh giá chưa bao giờ đi vào cuộc đời ngài?” Câu trả lời chắc chắn là không, bởi vì đau khổ là một điều gì đó thiêng liêng; nó có sức tập họp tất cả những người muốn nên giống Chúa Kitô, Đấng đã chọn thánh giá để cứu chuộc thế giới.
- ĐIỀU ƯỚC CỦA VUA CHARLEMAGNE
Vua Charlemagne sống từ năm 742 đến năm 814 sau Công nguyên. Ông đã chinh phục phần lớn Tây Âu, bao gồm Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan, một phần của Ý, Đức, Áo và Tây Ban Nha. Quân đội của Charlemagne đi đến bất cứ đâu, họ đều truyền bá đường lối giáo dục và luân lí Kitô giáo. Nền cai trị của ông đã thống nhất và ổn định phần lớn châu Âu, khiến ông trở thành một trong những nhà cai trị quyền lực nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mặc dù với uy quyền lớn lao như vậy Charlemagne đã sắp xếp trước cho cái chết của mình. Ông truyền lệnh rằng trước khi niêm ấn quan tài, xác ông phải được đặt ở chỗ công khai, mà trên tay có một câu Lời Chúa trong bài đọc hôm nay: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?”
- BẰNG CHỨNG KHOA HỌC VỀ LINH HỒN
Một số người có thể đã biết câu chuyện về Đạt Văn. Đạt Văn là một người đàn ông sống cô độc. Cuộc đời của ông bị bủa vây bởi nghèo đói và thiếu thốn. Ông sống phần lớn cuộc đời của mình ở một thị trấn khai thác đồng ở vùng núi hiểm trở Bắc Sơn. Nhưng câu chuyện về Đạt Văn lại có một chút rắc rối. Ngày 2-1-1946, ông lấy giấy viết di chúc. Một thời gian sau chẳng ai nghe nói gì về ông nữa. Tuy nhiên nhà chức trách lại phải chịu trách nhiệm giải quyết di chúc của ông. Mười sáu năm sau khi ông mất, người ta phát hiện ra rằng ông đã để lại hai trăm ngàn đôla cho một “nghiên cứu khoa học chứng minh linh hồn người ta sẽ rời bỏ thân xác khi chết”.
* Chúng ta thấy linh hồn ở chính nơi chúng ta xây dựng tình yêu thương, hy vọng, bình an, niềm vui và những cảm xúc tích cực khác. Chúng ta không thể ghi lại những cảm xúc này trong phong thí nghiệm, tuy nhiên chúng ta vẫn biết nó tồn tại.
- TRÀ DƯ TỬ HẬU
Hoàng đế Napoléon Bonaparte chiêu đãi một số tướng lĩnh của ông trong một bữa tối. Buổi dạ tiệc thật hoành tráng, thật tuyệt vời; thức ăn gồm sơn hào hải vị và rượu vang được bày biện rất phong phú. Napoléon và những vị khách của ông uống rượu cognac và hút xì gà. Rồi trà dư tửu hậu: thực khách ngà ngà bắt đầu hăng hái tranh cãi về Chúa Giêsu. Napoléon chăm chú lắng nghe nhưng ông không nói gì. Hầu hết các vị khách cho rằng Chúa Giêsu chỉ là một người đàn ông bình thường. Tuy nhiên hoàng đế của họ phát biểu: “Này các quý ông, các bạn đã sai hết rồi. Đàn ông thì tôi biết tất. Chúa Giêsu còn hơn cả một con người! Ngài là một vị Thiên Chúa”
* Đức tin của chúng ta không phải là vấn đề biết về Chúa Giêsu. Đó là một hành trình khám phá để biết Người. Napoléon là một trong những người trực giác biết rằng Chúa Giêsu hơn cả một con người.
- KHÔNG BỎ CHÚA
Có hai du khách đang trên đường, thì một con gấu đột nhiên xuất hiện. Cả hai đều chạy nhanh hết sức có thể. Một người lao đến một cái cây bên đường, trèo lên và nấp vào cành của nó. Người kia không thể leo lên và ẩn nấp, vì vậy, anh ta đã ném mình xuống đất và giả vờ như đã chết. Con gấu đến và đánh hơi thấy người đàn ông đang nằm trên mặt đất. Người đàn ông giữ lặng yên hoàn toàn và nín thở vì biết rằng loài gấu không chạm vào xác chết. Con gấu cho là anh đã chết nên bỏ đi. Khi nhìn thấy bờ biển trong xanh cuốn hút, người du khách trốn trên cây vội tuột xuống và hỏi người bạn đồng hành của mình: “Con gấu đã nói gì với bạn khi nó ghé sát miệng vào tai bạn?” Người bạn đồng hành trả lời: “Nó bảo tôi đừng bao giờ đi du lịch nữa với một người bỏ rơi bạn mình ngay từ cái nhìn nguy hiểm đầu tiên!
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm