Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, Năm C

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ

Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, Năm C

 1. VUI LUÔN TRONG CHÚA

Một buổi sáng nọ, khi văn hào Mark Twain (Samuel Clemens: 1835-1910) và một người bạn đồng môn đang đi bộ từ nhà thờ về nhà, họ nghe thấy tiếng sấm sét ầm ầm trên đầu và ngay lập tức mưa bắt đầu rơi nặng hạt. Khi họ nháo nhào tìm nơi trú ẩn, bạn của Twain lo lắng hỏi: “Anh có nghĩ rằng mưa sẽ mau dừng lại không?!” “Mưa xong phải dừng lại chứ!”, Twain mau mắn đáp. –Sự lạc quan lành mạnh của Twain nhắc chúng ta cần nhìn mọi thứ như chúng vốn là. Thay vì phóng đại những khó khăn bình thường trong cuộc sống thành những thảm họa to lớn và do đó kết thúc bi thảm, những người lạc quan duy trì một cái nhìn tích cực giúp họ đối phó một cách hợp lý trước mỗi hoàn cảnh cụ thể. Khi Phaolô mời gọi các tín hữu Philípphê thể hiện sự lạc quan tương tự, ngài cũng cho họ biết ngay những ưu điểm của thái độ ấy. Thật vậy, họ có thể vui mừng và thậm chí luôn vui mừng, không chỉ đơn giản vì họ đã học biết cách duy trì một cái nhìn tích cực đối với cuộc sống, mà bởi vì Thiên Chúa, nguồn mọi sự bình an đã ở gần họ! (Theo tài liệu của cha  Sanchez).

2. CHUYỂN TIẾP

(Pay It Forward)

Bộ phim Pay It Forward (dựa trên tiểu thuyết của Catherine Ryan Hyde) có cùng một chủ đề: nguồn gốc của niềm vui và hạnh phúc, liên quan đến phụng vụ hôm nay. Phim kể về câu chuyện của một giáo viên lớp bảy (Eugene Simonet) và cậu học sinh mười một tuổi (Trevor). Vào ngày đầu tiên của lớp học, giáo viên viết lên bảng câu thực tập này: “Em hãy nghĩ về một điều gì đó mới mẻ sẽ làm thay đổi thế giới, và hãy hành động theo những gì em nghĩ.” Ý tưởng này hấp dẫn cậu Trevor, người sống với một bà mẹ đơn thân, nhưng lại là một người mẹ nghiện rượu. Cậu cố gắng biến ý tưởng của mình thành hành động bằng cách giúp mọi người, mà cậu nghĩ đến lượt họ, sẽ “pay it forward” bằng cách giúp người khác. Cậu vẽ một vòng tròn trong cuốn sách bài tập và viết tên của mình ở giữa. Từ vòng tròn đó, cậu kéo dài ba đường kẻ, ở cuối đường kẻ là ba đường tròn nữa. Trong vòng tròn đầu tiên, cậu viết tên mẹ của mình. Cậu sẽ cố gắng giúp bà từ bỏ chứng nghiện rượu. Trong vòng tròn thứ hai, cậu viết tên của một bạn cùng lớp đang bị các bạn nam lớn hơn trong trường bắt nạt. Cậu sẽ coi đó là nhiệm vụ của mình phải bảo vệ người bạn này. Trong vòng thứ ba, cậu viết tên của giáo viên phụ trách lớp, người mà cậu sẽ cố gắng thuyết phục để yêu mẹ mình. Đây là những thách thức lớn đặt ra với cậu bé. Bộ phim sau đó cho thấy những trở ngại mà cậu thiếu niên phải đối mặt trong nỗ lực thay đổi thế giới quanh mình. Cuối cùng, phim Pay It Forward truyền cảm hứng cho chúng ta về khả năng biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn, thay đổi mỗi người bằng những “hành động tử tế ngẫu nhiên” và bằng tình yêu thương. Bộ phim dạy chúng ta rằng khi ai đó làm cho chúng ta một việc tốt, chúng ta cũng nên “pay it forward” bằng lòng tốt của mình.  Kết quả cuối cùng là hòa bình và niềm vui được trải rộng. Đó là chủ đề chính của các bài đọc Chúa nhật III Mùa Vọng hôm nay. 

3.VẾT BỚT

Nathaniel Hawthorne có viết một truyện ngắn mang tựa đề “Vết bớt bẩm sinh”. Đó là câu chuyện về một người đàn ông kết hôn với một phụ nữ rất xinh đẹp nhưng lại có một vết bớt trên má trái. Cô luôn coi đó là một nét đẹp, nét duyên thầm, nhưng chồng cô lại cho là dấu hiệu của sự không hoàn hảo, một khuyết điểm. Nó bắt đầu ám ảnh anh đến nỗi tất cả những gì anh có thể nhìn thấy trên khuôn mặt của vợ chỉ là vết bớt. Anh không thể nhận ra vẻ đẹp, sự duyên dáng hay nhân cách tuyệt vời của vợ. Anh chỉ tập trung vào những gì anh cho là thiếu sót. Anh cứ chê bai cô cho đến khi cuối cùng cô phải chịu phẫu thuật để loại bỏ cái gọi là “tiêu điểm bất toàn”. Vết bớt cuối cùng cũng mờ đi, nhưng sức khỏe của cô cũng hao mòn dần. Trong tâm trí của Hawthorne, vết bớt đó gắn liền với con người của cô ấy và ngay sau khi nó được xóa bỏ, cô ấy đã chết. Một người tìm kiếm sự hoàn hảo cuối cùng chẳng được gì. Đó không phải là điều Chúa muốn.

* Khi nghĩ về Mùa Vọng và nghe những từ như “ăn năn”, “hoán cải” “hoàn hảo”…, nhiều khi chúng ta có những ý nghĩ tiêu cực trong tâm trí. Nhưng Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết sám hối là điều tích cực. Sám hối có nghĩa là thay đổi hướng đi riêng để trở về với con đường của Chúa, hầu đạt được mục tiêu Chúa dành cho cuộc đời bạn. (Cha Tony)

  1. BIẾN ĐỔI

Trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, các lực lượng cộng sản xâm chiếm thành phố Hungnam và bắt đầu hành quyết hàng loạt những người Triều Tiên bị nghi ngờ có thiện cảm với Mỹ. Hải quân Mỹ đã đối phó với hành động tàn bạo này bằng cách cử 200 tàu đến sơ tán những người tị nạn khỏi Hungnam. Vào ngày 22 tháng 12 năm 1950, thuyền trưởng Leonard LaRue và thủy thủ đoàn đã lái con tàu của họ, Meredith Victory, đến bến cảng Hungnam. Nó được đưa vào hoạt động như một tàu phục vụ người tị nạn. Hơn 14000 người tị nạn Triều Tiên tuyệt vọng chen chúc lên tàu. Thuyền trưởng LaRue cầu nguyện trong im lặng khi người của ông nhổ neo và hướng đến Hàn Quốc. Trong vài ngày tiếp theo, thủy thủ đoàn và hành khách phải chịu đựng nhiệt độ đóng băng. Chỉ có tạm thức ăn và nước uống để giúp họ bớt cồn cào bụng dạ, nhưng không đủ để thỏa mãn cơn đói của họ. Họ thường xuyên gặp nguy hiểm trước hỏa lực của kẻ thù. Trong lúc khó khăn, thuyền trưởng LaRue lại nhận thấy có sự thay đổi trong thái độ cư xử của những người lính của mình. Họ đã tặng thức ăn và quần áo của chính họ cho những người tị nạn. Bảy đứa trẻ được sinh ra trên con tàu, mỗi đứa trẻ đều được đỡ bởi các thủy thủ tận tâm. Vào ngày lễ Giáng sinh năm 1950, tàu Meredith Victory đã đến được bến cảng an toàn, thuyền trưởng LaRue cảm tạ Chúa; ông chợt nghĩ đến Mẹ Maria, thánh Giuse và Chúa Giêsu cũng đã biết cái đói, cái lạnh và sự nguy hiểm. Không một sinh mạng nào bị mất trên chuyến hải trình. Thuyền trưởng Leonard LaRue đã nhận được các giải thưởng quân sự cao của chính phủ Hàn Quốc và Hoa Kỳ vì đã tham gia cuộc giải cứu người tị nạn đầy khó khăn.

* Bốn năm sau, thuyền trưởng LaRue rời quân ngũ để gia nhập một tu viện Benedictine, nơi ông muốn dành trọn phần đời còn lại của mình cho Chúa. Trong nhật ký, ông viết: “Dấu chỉ thật rõ ràng, không thể nhầm lẫn đến với tôi rằng, trên tàu Christmastide ở vùng biển nguy hiểm và đầy đe dọa ngoài khơi Hàn Quốc hôm ấy, bàn tay của Chúa đã điều khiển con tàu của tôi.” [Thomas Fleming, “Hàng hóa quý giá”, Guideposts (tháng 12 năm 2002), trang 29-32]

  1. GẶP CHÚA TRỰC DIỆN

Một câu chuyện cổ Nga kể về một người nông dân tên là Diametric, người giống như ông Simêon trong Phúc Âm thánh Luca (2,26), mong muốn được gặp Chúa mặt đối mặt trước khi chết. Ông cầu nguyện với thánh Nikolas, vị hứa sẽ ban cho ông điều ước. Vị thánh tiếp tục chỉ cho ông địa điểm và ngày giờ gặp gỡ Chúa. Khi thời gian cho biến cố trọng đại gần đến, Diametric phải bắt đầu cuộc hành trình dài để đến nơi hẹn. Ông chỉ có một điều trong đầu: cuộc gặp gỡ Chúa. Nhưng trên đường, ông lại gặp một người nông dân già bị hỏng xe. Lúc đó ông ở vào thế tiến thoái lưỡng nan: phải dừng lại giúp người nông dân hay phải vội để đến đúng hẹn với Chúa? Trái tim nhân hậu của ông đã chiến thắng, ông quyết định ở lại để giúp sửa cái xe hàng cho người nông dân già. Ông phải mất hàng giờ để làm xong công việc đó và do vậy không bao giờ còn cơ hội gặp được Chúa nhãn tiền. Đêm đó, thánh Nikolas xuất hiện với ông trong một giấc chiêm bao và nói: “Bạn của tôi ơi, bạn đã gặp Chúa rồi. Nó đã xảy ra khi bạn giúp người đàn ông vô danh đó đang gặp khó khăn.” (Trích dẫn bởi Cha Benitez).

  1. NÓNG LÒNG MONG ĐỢI

Trong câu chuyện ngụ ngôn thần tình của Antoine de Saint-Exupéry, Hoàng tử bé (Le Petit Prince, 1943), nhân vật chính trẻ tuổi đến từ một hành tinh khác, bỗng thấy mình bị mắc kẹt trên trái đất. Sợ hãi và hoang mang, anh ta được một con cáo tận tình giúp đỡ trong những ngày hoạn nạn. Khi hoàn cảnh buộc cả hai phải xa nhau, con cáo nằng nặc đòi cho được họ phải ấn định thời gian chính xác cho lần gặp mặt tiếp theo. Khi hoàng tử bé hỏi cáo về sự khăng khăng của nó muốn có một thời điểm chính xác, cáo trả lời: “Bởi vì nếu tôi biết bạn đến vào lúc bốn giờ chiều, thì tôi sẽ bắt đầu cảm thấy hạnh phúc ngay vào lúc ba giờ!”

* Theo một nghĩa nào đó, tiên tri Sôphônia cũng muốn khuấy động sự phấn chấn tương tự nơi những người cùng thời với ông. Ông muốn nói: “Chúa sắp đến rồi. . . Ngày đó đang đến rất nhanh, bạn đã có thể bắt đầu hạnh phúc rồi đó!” (Tài liệu của cha Sanchez).

  1. SỬA CHỮA THẾ GIỚI

Một người bạn đã chỉ cho tôi một trang web mời gọi mọi người đóng góp các giải pháp hoặc ý kiến ​​về “cách sửa sai thế giới”. Họ đã đề ra nhiều biện pháp khắc phục thú vị, đa dạng, từ “cách chạy xe cẩn thận ngoài đường” đến “việc giải quyết nạn đói trên thế giới”… Giống như hầu hết các phát minh hoặc những ý tưởng mới được thai nghén, tất cả dường như vẫn thiếu một thứ gì đó. Tuy nhiên, chính những gì bỏ qua lại là nhân tố chính giúp tìm ra một giải pháp thỏa đáng. – Trong Bài đọc I hôm nay (Sp 3,14-18) “vấn đề” về thế giới đã được nói rõ. Có quá nhiều tai ương xảy ra trong đời sống khiến người ta kinh hãi rụng rời. Bất công xã hội và thiếu tình yêu thương là căn nguyên của mọi vấn đề, gây ra và làm trầm trọng thêm do sự bất trung của dân Chúa. Các tiên tri đã chỉ ra “khả năng cốt lõi” để giải quyết vấn đề: công lý và tình yêu. Sôphônia hôm nay cho chúng ta biết: “Chúa sẽ vui mừng hoàn hỉ, sẽ lấy tình thương của Ngài mà đổi mới dân Chúa”. Thiên Chúa đã đi bước trước, Ngài xử với chúng ta bằng tình thương và sự tha thứ. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải sống với tha nhân như vậy. Chỉ như thế chúng ta mới “sửa sai được thế giới”. Hãy bắt đầu ngay trong Mùa Vọng này!

  1. CHUYỆN MỘT CON VỊT

Charles L. Allen đã từng kể về một con vịt trời. Chú vịt này có thể bay cao và bay rất xa, nhưng một ngày nọ, nó đáp xuống một chuồng trại. Ở đó cuộc sống chắc chắn ít thú vị hơn nhưng lại dễ dàng hơn. Vịt bắt đầu ăn no và sống với những con vịt đã được thuần hóa và dần dần nó quên cách bay. Nó trở nên béo mập và lười biếng. Tuy nhiên, vào mùa xuân và mùa thu, khi những con vịt trời bay cao trên bầu trời xanh, có điều gì đó khuấy động bên trong nó, nhưng nó không thể đứng dậy để tham gia bay cùng chúng. Một bài thơ về con vịt này kết thúc bằng những dòng như sau: Nó từng là một con vịt khá đẹp so với hình dáng của nó, / Nhưng nó không còn phải là con vịt mà nó đã từng như trước. [Charles L. Allen, In Quest of God’s Power (Old Tappan, N.J: Fleming H. Revell Co., 1952).]

* Có thể chúng ta không muốn mình trở thành một kiểu người tầm thường nào đó. Nhưng cuộc sống đời thường, theo năm tháng kéo ghì bạn xuống. Cần có một lực đẩy mạnh giúp chúng ta bật dậy để bước theo một ơn gọi thiêng liêng. Sức mạnh đó đang ở trong ngày hôm nay, trong thời gian hồng ân là Mùa Vọng.

  1. TẠI SAO KHÔNG ĐÁNH ĐÒN

Anh Bob Beasley thuộc về một cộng đoàn Giáo hội Tin Lành Giám lý ở Canada, một Giáo hội theo truyền thống là rửa tội bằng cách dìm người xuống giếng. Một ngày chủ nhật nọ, khi gia đình trở về từ nhà thờ, cô con gái nhỏ của anh hỏi: “Bố ơi, tại sao mục sư lại đẩy anh chàng đó xuống nước? Tại sao hả bố?” Vợ của Bob đã cặn kẽ trả lời câu hỏi của con, nhưng cô gái nhỏ tên là Rena, không hài lòng. Tối hôm đó, Bob và vợ đã cố gắng đưa ra câu trả lời từ quan điểm của tín đồ Giám lý mà tâm trí của một đứa trẻ có thể hiểu được. Họ nói về tội lỗi và nói với Rena rằng khi một người quyết định sống cho Chúa Giêsu và “hướng thiện”, họ phải được rửa tội. Hai người cố gắng giải thích rằng nước tượng trưng cho việc Chúa Giêsu rửa con người khỏi tội lỗi; khi họ ra khỏi nước thì trở nên “sạch”, điều đó có nghĩa là từ đó họ sẽ cố gắng trở nên “tốt hơn”. Rena nghĩ về điều này một lúc và hỏi lại: “Tại sao nhà thuyết giáo không đánh đòn anh ta?”

(Trích dẫn bởi Dale Bigham, www.ardenroadbaptist.com/sermon/ephesians/ephesians28.html.)

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm