Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm B         

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm B

  1. MỘT BÀI KIỂM TRA MẮT

Cha De Mello kể một câu chuyện có thể giúp chúng ta kiểm tra tình trạng mù lòa của mình về tâm linh. Một ẩn sĩ hỏi các đệ tử của mình: “Khi nào thì ngươi biết đêm đã kết thúc và trời rạng sáng?” Người đệ tử thứ nhất nói: “Tôi nghĩ rằng trời sáng khi tôi có thể phân biệt một cây sồi với một cây phong.” Vị ẩn sĩ nói: “Không.” Người đệ tử thứ hai trả lời: “Tôi biết trời sáng khi tôi có thể phân biệt một con bò với một con cừu ở một khoảng cách xa.” Một lần nữa, vị ẩn sĩ không đồng ý. Người thứ ba trả lời: “Trời sáng khi không còn thấy ngôi sao nào trên nền trời trong xanh.” “Đó cũng là một câu trả lời sai,” vị ẩn sĩ nói. Sau đó, ông giải thích: “Chúng ta biết được trời sáng khi có thể nhận ra một người là con trai hay con gái của Chúa, và do đó, họ là anh chị em của tôi.”

  1. XIN ƠN NHÌN THẤY ĐƯỢC

Một người đàn ông và con trai đi cắm trại trên núi. Họ thuê một hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm dẫn họ vào tận giữa khu rừng rộng mênh mông. Họ được nhìn ngắm những danh lam thắng cảnh trên núi mà bản thân họ chưa bao giờ thấy. Người hướng dẫn lớn tuổi đó liên tục chỉ ra vẻ đẹp và những điều kỳ diệu mà người qua đường có thể không bao giờ nhận ra. Chàng trai trẻ bị cuốn hút bởi khả năng của người hướng dẫn nhìn thấy rất nhiều cảnh vật lạ lùng xung quanh. Một lúc nọ, chàng trai bị ấn tượng đến nỗi thốt lên: “Cháu cá là ông thậm chí còn nhìn thấy được cả Chúa ở đó nữa.” Người hướng dẫn già mỉm cười trả lời: “Con ơi, khi cuộc sống ngày càng trôi qua, con càng khó nhìn thấy bất cứ thứ gì khác ngoài Chúa ở đó.” (Jack McArdle từ And That’s the Gospel Truth! Trích dẫn bởi cha Botelho).

* Vì thế chúng ta cũng hãy xin với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin cho con nhìn thấy được…” (Mc 10,51)

  1. KHÔNG MUỐN NHÌN THẤY

Câu chuyện này xảy ra trước khi bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ hai. Một người đàn ông đưa vợ sắp sinh, đi sinh ở một bệnh viện Công giáo. Trước mặt người phụ nữ là một cây thánh giá treo trên tường trong phòng của chị ta. Người đàn ông không tin Chúa nói với cô y tá: “Hãy mang cây thánh giá đó đi. Tôi không muốn đôi mắt của đứa con sắp chào đời của tôi nhìn thấy Chúa”. Rồi đứa bé được sinh ra trong đêm đó; và vào buổi sáng, người cha vô thần hỏi y tá: “Con trai tôi thế nào?” “Cậu ấy ổn,” y tá trả lời, “nhưng cậu ấy sẽ không bao giờ nhìn thấy Chúa.” Người cha nói: “Đó đúng là mong muốn của tôi”. Y tá nói thêm: “Đó là mong muốn rất độc ác nhưng nó đã được đáp ứng: đứa trẻ bị mù bẩm sinh!” (Theo cha Benitez).

  1. HỒNG ÂN ĐƯỢC NHÌN THẤY

Helen Keller là một phụ nữ rất dũng cảm, bà đã truyền cảm hứng cho nhiều người trong tình trạng vừa điếc vừa mù của mình. Trong một bài báo có tựa đề Ba ngày để xem, bà phác họa những điều bà muốn nhìn thấy nếu trong ba ngày được khôi phục thị lực. Đó là một bài báo có âm hưởng mạnh mẽ, mời gọi nhiều người suy nghĩ. Bà nói, vào ngày đầu tiên, bà muốn gặp bạn bè. Ngày thứ hai, bà sẽ dành để ngắm nhìn thiên nhiên. Ngày thứ ba, bà muốn ở lại trong thành phố quê hương New York, ngắm nhìn thành phố bận rộn hối hả trong một ngày sinh hoạt của nó. Bà kết luận bài báo bằng những lời sau: “Tôi là người mù có thể đưa ra một gợi ý cho những người còn được nhìn thấy: hãy sử dụng đôi mắt của bạn như thể ngày mai bạn sẽ không còn được nhìn thấy ánh sáng…” Quả thật, bệnh mù trong thế kỷ 20 còn tồi tệ hơn nhiều so với thời Chúa Giêsu. Bởi thế một trong những sứ vụ của Đấng Messia là mở mắt người mù. Khi Chúa Giêsu công bố sứ mệnh cứu thế của mình, Người nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi…Ngài sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…và cho người mù được sáng mắt” (Lc 4,18).

  1. TỰ DO ĐỂ LÀM GÌ

Có một câu chuyện được cho là có thật về tổng thống Abraham Lincoln, xảy ra ngay trước khi cuộc Nội chiến kết thúc. Các chủ đất ở vùng Deep South muốn cắt giảm lỗ lã, đã giải phóng các nô lệ của họ trước khi chế độ nô lệ bị cấm. Lúc đó, tổng thống Lincoln đã tổ chức một cuộc đấu giá nô lệ. Một cô gái trẻ được dẫn vào khu đấu giá, trước mặt tất cả những người ra giá và những kẻ trố mắt tò mò nhìn cô. Với thái độ thách thức và coi thường, cô gái nhìn lướt qua đám đông, hối thúc một người nào đó bắt đầu cuộc đấu giá. Lincoln khai mở phiên đấu giá và ông đã thắng, sở hữu được người phụ nữ trẻ, tuy nhiên cô ta đã tỏ ra bất cần đời và hiếu chiến. Cô ấy hỏi: “Ông định làm gì tôi đây?” “Tôi muốn giải phóng cho bạn,” tổng thống trả lời. “Giải thoát cho tôi? Ý ông là gì? Cho tôi tự do ư? Tự do để làm gì?” Abraham Lincoln nói: “Tự do! Tự do để sống, để làm những gì bạn muốn làm. Tự do để làm một con người”. Người phụ nữ ngạc nhiên đáp lại: “Vậy thì tôi chọn đi với ông.”

 * Sau một đời khao khát tự do, điều đầu tiên mà người nô lệ này chọn khi được tự do là đặt mình lại dưới quyền của một người khác. Đây cũng là ơn gọi của chúng ta. Chúa Giêsu đến giải thoát chúng ta khỏi gông cùm tội lỗi, cho ta được tự do… Xin cho chúng ta biết sử dụng tự do của mình để trở thành người môn đệ trung tín của Chúa.

  1. NHỮNG ƠN BẤT NGỜ

Năm 1949, một người lính trẻ trở về nhà sau chiến tranh và nhận ra mẹ mình đang bị bệnh suy thận nặng. Bà cần được truyền máu ngay lập tức để có thể sống sót. Thật không may, không ai trong gia đình thuộc nhóm máu rất hiếm của mẹ là âm tính AB; và vào thời đó người ta lại chưa xây dựng ngân hàng máu. Người lính trẻ quyết định tụ tập cả gia đình để từ biệt mẹ. Khi đang lái xe từ bệnh viện về nhà, anh ta dừng lại để đón một người lính khác muốn đi nhờ xe. Người quá giang nhận ra nước mắt của chàng trai trẻ và hỏi anh ta có chuyện gì. Chàng trai thảng thốt kể lại câu chuyện về người mẹ sắp chết của mình. Trong im lặng, người quá giang tháo thẻ bài của mình và đưa cho người lính. Trên thẻ ghi nhóm máu của anh ấy: AB âm tính. Người mẹ đã được truyền máu vào đêm hôm đó và hồi phục hoàn toàn. Bà sống thêm 47 năm sau đêm định mệnh đó.

* Một sự trùng hợp chăng? Chúng ta chỉ biết được rằng những sự trùng hợp như thế này xảy ra khá thường xuyên đối với những người có đức tin, và họ gọi đó là được ơn Chúa chữa lành, cũng như trường hợp anh Bartimê hôm nay.

  1. CHẤP NHẬN TRỞ NÊN MÙ

Có một giai thoại rất là ý nghĩa trong cuốn sách Khi điều xấu xảy ra với người tốt, của tác giả Harold S. Kushner. Có hai người bán hàng là đối thủ cạnh tranh gay gắt với nhau. Các cửa hàng của họ lại nằm đối diện nhau. Mỗi ngày người này ngồi ở ngưỡng cửa theo dõi công việc kinh doanh của người kia. Nếu một người có được khách hàng, anh ta sẽ mỉm cười đắc thắng trước đối thủ của mình. Một đêm nọ, một thiên thần xuất hiện với một người chủ cửa hàng trong giấc mơ và nói: “Chúa đã sai tôi đến để báo cho anh một tin vui. Ngài sẽ ban cho bạn bất cứ thứ gì bạn xin, nhưng tôi cũng muốn nói thêm cho bạn biết rằng bất cứ thứ gì bạn nhận được, đối thủ của bạn sẽ nhận được gấp đôi. Nếu bạn muốn giàu có, người đàn ông bên kia đường sẽ giàu gấp đôi ”. Người đàn ông cau mày một lúc và nói: “Được rồi, mong muốn của tôi là, đánh cho tôi mù một mắt, để người đàn ông đối diện sẽ bị mù cả hai mắt.” (John Pichappilly trong Bàn tiễ Lời Chúa; trích dẫn bởi cha Botelho).    

* Thật khủng khiếp! Tức giận, ghen có thể dẫn chúng ta đến tình trạng mùa quáng như thế.

  1. THỎA MÃN MỘT ĐIỀU ƯỚC

Truyền thuyết của người Do Thái cổ xưa có kể về một người mù đã kết hôn nhưng không có con. Dù cuộc sống vất vả nhưng anh chưa bao giờ than van. Một ngày nọ, khi người mù đang ngồi bên bờ sông, thì tiên tri Êlia từ trên trời hiện đến với anh và nói: “Dù đời sống con vất vả nhưng con chưa bao giờ phàn nàn, vì thế Đức Chúa Trời sẽ ban cho con một điều ước”. Người đàn ông tội nghiệp cau mày, nói: “Chỉ một điều ước sao? Tôi mù, tôi nghèo và tôi không có con. Làm thế nào chỉ một điều ước có thể thỏa mãn mọi vấn đề của tôi? Nhưng hãy cho tôi hai mươi bốn giờ để tôi có thể quyết định một điều ước.” Anh về nhà và kể cho vợ nghe chuyện đã xảy ra. Cô vợ mỉm cười với anh và nói: “Anh cứ ăn ngon và ngủ yên, vì tôi biết anh sẽ ước điều gì.” Anh trở lại vào sáng hôm sau và nói với Êlia khi ông xuất hiện lần nữa: “Tôi ước được nhìn thấy các con tôi dùng bữa trên những chiếc đĩa bằng vàng.” Điều ước đã được thực hiện, và người đàn ông và vợ anh sống hạnh phúc trong những ngày còn lại của họ.

* Ngoài ý nghĩa liên quan đến bài Phúc Âm hôm nay, câu chuyện còn nói lên sự kết nối chặt chẽ giữa các thế hệ trong gia đình Do Thái, có lẽ cũng giống các gia đình Việt Nam: cha mẹ sẵn sàng hi sinh cho con cái.

  1. TƯ TẾ MUÔN THUỞ

Đức ông Patrick J. McGee đã từng làm cha xứ nhiều năm của nhà thờ Đức Trinh nữ Maria, bang Massachusetts. Được nhiều người gọi thân mật là “Paddy McGee”, vị linh mục của giáo phận Fall River này được các giáo dân yêu mến và kính trọng vì ngài sống khiêm tốn hài hòa với mọi người, thực hành đường lối mục vụ nhẹ nhàng uyển chuyển. Tám mươi lăm mùa hè trong cuộc đời đã trôi qua khiến cơ thể ngài mỗi ngày như teo tóp lại. Tuy nhiên tinh thần ngài lại rất minh mẫn, mái tóc bạc trắng để lộ phần đầu hói chỉ làm nổi bật đôi mắt xanh lam tĩnh lặng và trầm tư. Tuy nhiên, vào năm 1949, sau gần sáu mươi năm trong sứ vụ linh mục, Paddy bắt đầu đau yếu. Ngài buộc phải từ bỏ công việc giáo xứ đang hoạt động thành công, và cuối cùng phải nằm bẹp trên một chiếc giường nhỏ, mà từ đó ngài không bao giờ đứng dậy được nữa. Hai cha phó rất tận tâm của ngài còn cảm thấy rất buồn khi thấy ngài rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Vị cha xứ không tỏ ra đau đớn nhiều, nhưng họ biết giờ kết thúc không còn xa. Hai cha phó luôn túc trực bên giường bệnh của ngài. Một ngày nọ cha McGee bất ngờ ngồi dậy trên giường. Ngài tự ban phép lành cho mình một cách chậm rãi và thành kính, đọc những lời cầu nguyện thống hối bằng tiếng Latinh (confiteor) mà các linh mục thường đọc vào đầu Thánh lễ. Rồi tiếp tục từ đó, môi ngài mấp máy thầm đọc những lời cầu nguyện theo trình tự của Thánh lễ. Một lúc sau ngài giơ hai tay lên như thể đang nâng Mình Thánh đã được truyền phép. Tuy nhiên, sức khỏe của ngài không còn nữa và ngay lúc đó đầu ngài chúi nhanh về phía trước. Một cha phó nhẹ nhàng giúp ngài nằm lại trên gối. Ngài thì thầm: “Hãy cho tôi rước lễ!” Nhưng đã quá trễ rồi, ngài rơi vào tình trạng hôn mê nặng và êm ái ra đi ngay sau đó. (Theo cha Robert F. McNamara).

* Bài đọc hai hôm nay trích từ thư Hipri, nói về chức tư tế của Chúa Kitô. Chúa Giêsu không phải là một tư tế theo truyền thống của Cựu Ước thuộc chi tộc Aaron. Người được chính Chúa Cha đặt làm tư tế thượng phẩm. Chức tư tế mới này là vĩnh cửu, và Chúa Giêsu muốn chia sẻ cho loài người.    

            Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

print