Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm C
BỨC HỌA CỦA REMBRANDT
Năm 1986 cha Henri Nouwen, nhà thần học và nhà văn người Hà Lan, đã đi tham quan St. Petersburg, Nga, Leningrad trước đây. Trong khi ở đó, ngài đã đến thăm bảo tàng Hermitage nổi tiếng, nơi ngài nhìn thấy, cùng với nhiều thứ khác, bức tranh của Rembrandt về Đứa con hoang đàng. Bức tranh được đặt ở một hành lang và nhận được ánh sáng tự nhiên của cửa sổ gần đó. Cha Nouwen đã đứng trong hai giờ, bị mê hoặc bởi bức tranh đặc sắc này. Khi ngài đứng đó, mặt trời thay đổi, và từ góc của ánh sáng thay đổi, ngài lại thấy một khía cạnh khác của bức tranh được hé lộ. Sau đó, ngài viết: “Trong ngày có bao nhiêu thay đổi thì cũng có bấy nhiêu bức tranh Đứa con hoang đàng”.
* Chúng ta khó thấy điều gì mới trong dụ ngôn Người con hoang đàng vì chúng ta đã nghe câu chuyện này quá thường xuyên. Tuy nhiên, tôi gợi ý rằng giống như Henri Nouwen đã nhìn thấy cả chục khía cạnh khác nhau trong bức tranh Đứa con hoang đàng của Rembrandt, thì chính câu chuyện này cũng có nhiều khía cạnh khác nhau.
- CON XIN LỖI MẸ
Roy Angell từng kể một câu chuyện rất hay về một góa phụ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, người đã mất đi đứa con trai duy nhất và chồng của bà. Bà lại đặc biệt cay đắng vì người hàng xóm của bà có năm người con trai, mà lại không mất một ai. Vào một đêm nọ, trong sự đau buồn tột độ của mình người phụ nữ này đã có một giấc mơ. Một thiên thần đứng trước mặt bà và nói: “Bà có thể nhìn thấy con trai của bà trở lại một lần nữa trong vòng mười phút. Bà sẽ chọn mười phút nào? Bà muốn đưa cậu ấy trở lại như một đứa trẻ nhỏ, một cậu bé có khuôn mặt bẩn thỉu, một cậu học sinh mới bắt đầu đi học, một học sinh mới hoàn thành trung học, hay như một người lính trẻ đã ra đi dũng cảm trong chiến tranh?” Người mẹ suy nghĩ một vài phút và sau đó, trong giấc mơ của mình, nói với thiên thần rằng bà sẽ không chọn những hình ảnh như vậy. Bà nói: “Hãy để chính tôi đưa nó trở lại. Khi còn là một cậu bé, trong một lúc tức giận, nó đã giơ hai nắm đấm lên dấn về phía tôi và nói: “Con ghét mẹ! Con chán mẹ!” Tiếp tục nhìn thiên thần, bà nói: “Trong một thoáng chốc cơn giận của nó nguôi ngoai và nó quay trở lại với tôi, khuôn mặt nhỏ nhắn bẩn thỉu của nó đẫm nước mắt, nó vòng tay ôm lấy tôi. Nó nói: ‘Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ vì con đã quá bất hiếu. Con hứa sẽ không bao giờ tồi tệ nữa và con yêu mẹ bằng cả trái tim mình. Hãy để nó trở về với tôi như vậy’, người mẹ thổn thức. Tôi chưa bao giờ yêu nó nhiều hơn thời điểm đó khi nó thay đổi thái độ và quay lại với tôi”. [Roy Angell, Shields of Brass, (Nashville: Broadman Press, 1965), trang 70].
* Chúa Giêsu nói rằng đây là cách Thiên Chúa cảm nhận về mỗi con người tội lỗi chúng ta.
- CẶP ĐÔI HOANG ĐÀNG
Tôi từng biết một cặp vợ chồng trẻ, người đã giành được giải thưởng lớn trong một chương trình truyền hình có tên “Kim tự tháp một trăm nghìn đô la”. Một hôm, họ cho tôi xem một đoạn băng của chương trình và tôi thấy họ ở đó trên tivi, nhảy lên nhảy xuống và la hét như mọi người vẫn làm trong các chương trình trò chơi. Họ đã giành được nhiều tiền hơn họ từng tưởng tượng. Giấc mơ Mỹ đã thành hiện thực. Nhưng việc giành được tất cả số tiền đó thực sự đã hủy hoại cuộc đời của họ. Trong khi trước đây họ luôn sống tiết kiệm thì giờ đây, họ ăn chơi xả láng và gánh những khoản nợ kếch xù. Khi tôi gặp họ, họ sắp mất tất cả những gì đang có và đang trên đường ly hôn.
* Tôi biết nhiều người muốn có cơ hội thành đạt! Có lẽ bạn cũng muốn có cơ hội đó. Nhưng hãy nhớ rằng, cặp đôi này thực sự rất đáng buồn. Họ là những đứa con hoang đàng.
- LÀM SAO BỊ LẠC
Một ngày nọ, ông nội và đứa cháu gái của ông đi dạo thì bỗng ông nhận ra rằng họ đã đi xa hơn rất nhiều so với những lần đi bộ trước đó. Ông hỏi cháu gái của mình: “Cháu có biết chúng ta đang ở đâu không?” Cô gái nói: “Không!”- “Cháu có biết làm thế nào để về nhà không?” Một lần nữa cô gái nói: “Không!” Sau đó, ông nội hỏi: “Nếu cháu không biết cháu đang ở đâu hoặc làm thế nào để về nhà, điều đó có nghĩa là cháu bị lạc?” Cô gái nói: “Không, ông ơi! Làm sao cháu có thể bị lạc nếu cháu ở bên ông? ”
- SINH VIÊN HOANG ĐÀNG
Cha Brady Whitehead, tuyên úy của Đại học Lambuth ở Tennessee, kể về câu chuyện có thật của một sinh viên có cha mẹ bị chết thảm trong một tai nạn. Chàng sinh viên này nghiễm nhiên trở thành người được hưởng di sản. Theo Brady, anh sinh viên bắt đầu phung phí tiền cho những chuyến du lịch xa hoa. Anh ấy thậm chí còn mời thêm bạn bè cùng đi để ăn chơi. Anh ta tiêu tiền quá nhanh đến nỗi một ngày nọ, cha Brady gọi anh vào văn phòng của mình và nói chuyện với anh. Ngài nói với tư cách là tuyên úy của trường rằng, ngài cảm thấy mình có trách nhiệm phải đặt câu hỏi về thói quen chi tiêu của anh. Anh sinh viên trả lời: “Nhưng điều quan trọng là cha không biết số tiền tôi được thừa kế.” Cha Brady nói: “Chà, có thể là như vậy, nhưng ngay cả đối với một tài sản lớn thì cũng có hồi kết.” – Chà, cậu sinh viên không nghe lời, và cha Brady cho biết vào thời điểm cậu ta tốt nghiệp trường Lambuth, tất cả tiền của cha mẹ cậu ta đã biến mất.
- ĐỨA CON HOANG ĐÀNG
Một thiếu niên đến gặp mục sư của mình để xin lời khuyên. Cậu bé nói: “Con đã bỏ nhà đi, và đã làm một số điều mà sẽ khiến bố con tức giận khi ông ấy biết. Con nên làm gì?” Mục sư suy nghĩ một lúc và trả lời: “Hãy về nhà và thú nhận tội lỗi của cậu với cha cậu, ông có thể sẽ tha thứ cho cậu và đối xử với cậu như đứa con hoang đàng.” Một thời gian sau, cậu bé báo cáo với mục sư: “Chà, con đã nói với bố những gì con đã làm, nhưng ông ta đã suýt giết chết đứa con hoang đàng!”
- CẦN PHẢI HÒA GIẢI
Elsa Joseph là một phụ nữ Do Thái bị dứt bỏ hai đứa con yêu quý của mình, cả hai đều là gái, trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhiều năm sau, bà mới biết ra rằng cả hai cô con gái của mình đều đã bị giết bằng khí độc tại trại Auschwitz. Từng là một nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng, Elsa phản ứng với tin tức bi thảm này là chọn lấy cây đàn violin của mình và đi chơi ở Đức. Và ở đó trong phòng hòa nhạc quê hương của những kẻ giết các con bà, bà chơi đàn vĩ cầm và kể câu chuyện của mình, kêu lên tới Thiên đàng như để báo thù. Nhưng bà không tìm cách báo thù. Bà nói về nhu cầu sâu xa của thế giới là phải hòa giải và tha thứ, nếu không thì thế giới này sẽ tự xé nát nó. “Nếu tôi, một người mẹ Do Thái, có thể tha thứ cho những gì đã xảy ra”, bà nói với khán thính giả của mình không chỉ ở Đức, mà ở Bắc Ireland, Lebanon và Israel, “thì tại sao các bạn không thể xóa bỏ sự khác biệt của mình và hòa giải với nhau?”
* Trong các bài học Lời Chúa hôm nay, Thiên Chúa vô cùng nhân từ và tha thứ cũng thách thức chúng ta với cùng một câu hỏi.
- THA THỨC VÀ ĐƯỢC THA THỨ
Cách đây một thời gian, một phụ nữ đã viết một lá thư cho Ann Landers mô tả mối quan hệ tồi tệ từng tồn tại giữa cô và người anh. Phải đến cái chết của cha, cô mới có thể tha thứ cho người anh và một lần nữa coi anh như một người anh em. Một thời gian sau khi hòa giải, anh trai cô lên cơn đau tim và chết trong vòng tay của cô. Cô ấy kết thúc bức thư của mình bằng đoạn văn cảm động này. “Tôi biết ơn những năm tháng chúng tôi đã sống với nhau, nhưng tôi có thể hét lên khi nghĩ về thời gian chúng tôi đã bỏ lỡ vì chúng tôi quá ngoan cố và thiển cận để có thể hòa hợp. Bây giờ anh ấy đã ra đi, và tôi rất đau lòng”.
* Các bài đọc hôm nay là một lời mời gọi để chúng ta xem xét lại các mối quan hệ trong cuộc sống và sống phù hợp với lời dạy của Chúa Giêsu. (Mark Link trong Sunday Homilies; do cha Botelho trích dẫn).
- SAO KHÔNG THA THỨ
Câu chuyện kể về một người lính trong lúc chiến đấu. Anh ta uống rượu rất nhiều và luôn là mối đe dọa cho các đồng đội. Sĩ quan chỉ huy của anh đã mắng anh vài lần. Nhưng lúc ấy anh đã ném cuốn sách vào người chỉ huy. Đại tá nói với trung úy của mình: “Tôi đã tạo cho anh ấy nhiều cơ hội thay đổi, nhưng không có tác dụng.” Viên sĩ quan này trả lời: “Thưa đại tá, ông đã trừng phạt anh ta nhưng không hiệu quả. Tại sao không tha thứ cho anh ta?” Đại tá chấp nhận lời đề nghị này. Với người lính, ông nói: “Tôi đã phạt anh nhiều lần. Sự trừng phạt đã không có tác dụng. Lần này tôi sẽ tha thứ cho anh. Nhiều tội của anh sẽ bị xóa khỏi lí lịch cá nhân của anh.” Người lính tưởng phải thụ án trước tòa án quân sự, đã gục xuống và khóc nức nở. Từ đó anh ta không bao giờ uống rượu nữa.
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm