Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Đức Mẹ Mân Côi,

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Đức Mẹ Mân Côi,

  1. ĐỨC MẸ PHÙ HỘ

Nếu bạn có cơ hội đến thăm Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ ở thành phố Turin, miền bắc nước Ý, thì ở phía sau nhà thờ, bạn sẽ nhìn thấy một bức tranh mô tả giấc mơ nổi tiếng của người xây dựng vương cung thánh đường, thánh Gioan Bosco. Ở giữa bức tranh là một con tàu lớn đang chiến đấu một trận chiến ác liệt trên biển. Con tàu bị bao vây bởi một hạm đội lớn của kẻ thù đang nỗ lực bắn phá nó bằng đạn đại bác và bom cháy; nó húc các mũi nhọn sắc bén của chúng vào mạn tàu. Một người đàn ông mặc đồ trắng đứng ở mũi tàu cố gắng hướng dẫn nó vào bờ an toàn. Cách một khoảng bằng chiều rộng của con tàu là hai cột cao mà tàu phải đi qua để vào bờ. Trên đỉnh của một trong hai cây cột là hình ảnh của Mẹ Maria với dòng chữ “Phù hộ các giáo hữu” được viết bên dưới; trên đầu của cột kia là hình bánh thánh màu trắng, với dòng chữ “Ơn cứu độ của người tín hữu” bên dưới. Mỗi khi một tàu địch thành công trong việc tạo ra một vết nứt ở mạn tàu, một cơn gió nhẹ thổi đến từ các cột trụ vá lại lỗ thủng. Vào một lúc nọ, theo lời kể của giấc mơ, thuyền trưởng mặc áo trắng bị thương và chết, những người trong tàu của kẻ thù reo hò và vui mừng. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, mọi người trên con tàu bầu một thuyền trưởng mới, cũng mặc đồ trắng, đứng dậy ngay để tiếp tục hướng dẫn con tàu đến nơi an toàn. Cuộc chiến tiếp tục diễn ra ác liệt, nhưng thuyền trưởng mới thành công bẻ lái con tàu giữa hai trụ, đưa nó vào cảng. Ngay sau khi nó được neo vào hai cột, tất cả các tàu địch đã bỏ chạy, va vào nhau và vỡ ra từng mảnh. Đột nhiên, mặt nước tĩnh lặng, và một sự bình yên bao trùm trên biển. Cũng trong bức tranh này là những hình ảnh khác giúp chúng ta suy niệm về lễ trọng kính Đức Mẹ Mân Côi. Thánh Gioan Bosco, một vị thánh nhiều giấc mơ trong cuộc đời của mình, đã nhìn thấy cảnh tượng được mô tả trong bức tranh này vào một đêm tháng Năm năm 1862. Ngài hiểu ngọn cờ là hình ảnh của Giáo hội, thuyền trưởng mặc áo trắng là biểu tượng của Đức Thánh Cha, và những con tàu của kẻ thù là Satan đang đánh phá và bách hại Giáo hội. Hai cây cột và những hình ảnh đặt trên đó tiêu biểu cho sự bảo vệ và giúp đỡ mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ cung cấp cho Giáo hội lữ hành trên dương thế. Trong khi trình bày cách giải thích này, người ta cũng có thể đưa ra nhiều so sánh giữa những hình ảnh này với kinh nghiệm riêng của mỗi người khi tiến về phía trước trong cuộc hành hương về quê trời. (Cha David Rider; do cha Tony Kayala trích dẫn.

  1. MẸ LÀ MẸ CỦA CON

Năm 1929, chỉ 17 ngày trước sinh nhật thứ 9 của mình, cậu bé Karol Wojtyla – vị Giáo hoàng Gioan Phaolô II tương lai – từ trường học về nhà vào buổi tối. Cậu đã quen với việc nhìn thấy cha mình – một người lính mạnh mẽ trong quân đội Ba Lan – quỳ gối cầu nguyện trên sàn gỗ cứng trong phòng khách nhà họ. Tuy nhiên ngày hôm đó, khi Karol nhìn thấy cha mình cầu nguyện, cậu thấy đầu gối cha mình ướt đẫm trong một vũng nước mắt. “Có chuyện gì vậy, Papa?” Giáo hoàng tương lai hỏi cha mình. “Karol à, mẹ của con vừa mới mất rồi!” là câu trả lời của cha cậu. Quá bất ngờ, và không biết phải làm gì, cậu bé tám tuổi chạy ra khỏi nhà, vội đến nhà thờ giáo xứ ở Wadowice, cách căn hộ Wojtyla chưa đầy nửa dãy nhà. Cậu bước vào nhà thờ và gần như theo bản năng, chạy lên lối giữa đến quỳ gối trước tượng Đức Mẹ, và với chính giọt nước mắt của mình, cầu nguyện với Ngài: “Lạy Mẹ Chúa Giêsu, con không biết tại sao Chúa bắt mẹ con về nhà Cha vào thời điểm này. Nhưng con biết một điều: Bây giờ Mẹ là mẹ của con!” Đức Thánh Cha, ngài đã phó dâng cho Đức Mẹ trước sinh nhật thứ chín, tiếp tục dâng mình cho Đức Mẹ luôn mãi. Khẩu hiệu của ngài, “Totus Tuus,” xuất phát từ lời cầu nguyện dâng mình cho Đức Mẹ của thánh Louis Marie Grignion de Montfort, người đã cầu nguyện mỗi ngày: “Hỡi Maria! Con là tất cả của Mẹ, và tất cả những gì con có đều là của Mẹ. Con hoàn toàn đón Mẹ vào nhà của con. Hỡi Maria! xin ban cho con trái tim của Mẹ,” để con có thể yêu mến Chúa hơn. (Theo cha Roger J. Landry)

  1. KHÁC BIỆT THẬT SỰ

Một cậu bé đánh giày miệt mài làm công việc của mình ở Nhà ga Trung tâm Thành phố New York. Khi cậu chà mạnh đôi giày sáng bóng của một người đàn ông sang trọng, tượng ảnh Đức Mẹ bằng bạc đeo trên cổ cậu lắc qua lắc lại. Người đàn ông tò mò hỏi: “Con trai, cái vòng bạc quanh cổ con là gì vậy?”- Đó là ảnh của mẹ Chúa Giêsu,” cậu bé trả lời. Người đàn ông hỏi tiếp: “Tại sao lại là ảnh của bà ấy?” Cậu bé nói: “Bà ấy cũng không khác gì mẹ của ông ạ.” “Có thể vậy đấy, nhưng thật sự có một sự khác biệt lớn giữa Con của bà và cháu.”

* Lòng sùng kính của cậu bé đối với Mẹ Maria có thể là lời nhắc nhở tôi: Mẹ Maria đóng vai trò gì trong đời sống của tôi? Mẹ đã giúp tôi lớn lên trong đời sống thiêng liêng thế nào? (Theo cha Mark Link, trong Vision 2000).

  1. AI LẠI KHÔNG CÓ MẸ

Đức ông Tonne kể câu chuyện về một linh mục ở một thành phố nhỏ tiểu bang Alabama, nơi hầu hết là những người theo đạo Tin lành Baptít. Mùa Giáng Sinh năm ấy, vị linh mục quyết định thiết kế  một máng cỏ Chúa Hài Đồng ở quảng trường thành phố. Vị linh mục cùng với một số giáo dân đại diện giáo xứ đi đến một số doanh nghiệp và gia đình giàu có để quyên góp kinh phí. Khi họ đến gặp một biên tập viên giàu có của tờ báo địa phương, vị linh mục giải thích về công việc đầy ý nghĩa của mình: “Nhiều người, nhất là các trẻ em sẽ được truyền cảm hứng để nhìn thấy Chúa Giêsu, Đức Mẹ, thánh Giuse và các con vật dễ thương ngay tại trung tâm thị trấn.” Biên tập viên đồng ý giúp đỡ, nhưng với điều kiện không được đặt tượng Maria trong máng cỏ. Bởi vì “nó sẽ tôn vinh cộng đoàn Công giáo của các bạn”. Vị linh mục nói: “Hãy nói cho tôi biết làm thế nào một người con sinh ra mà không lại không có mẹ, thì tôi sẽ đồng ý để tượng Maria ra ngoài”. Người biên tập tờ báo không trả lời được, và Mẹ Maria với Chúa Con nổi bật ở quảng trường thành phố mùa Giáng Sinh ấy.

  1. BIỂU TƯỢNG CỦA NIỀM TIN

Knute K. Rockne không chỉ là cầu thủ nổi tiếng nhất trong lịch sử thể thao của Đại học Notre Dame; anh còn là một trong những huấn luyện viên vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Mỹ. Tuy nhiên sự nghiệp của Rockne đã kết thúc quá sớm và bi thảm. Chiếc máy bay mà anh đi vào ngày 31 tháng 3 năm 1931, đã bị rơi ở vùng nông thôn gần Bazaar, Kansas. Thật mau chóng, các nhà chức trách vội vã đến hiện trường nơi chiếc máy bay bị cháy rụi nằm đó. Họ truy tìm danh tính của các nạn nhân, nhưng đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thi thể của những người bị cháy sém. Nhưng họ không gặp vấn đề gì khi nhận ra huấn luyện viên nổi tiếng Rockne. Anh ta là người có một chuỗi Mân Côi vẫn còn cuốn quanh bàn tay.

* Cha Robert F. McNamara đọc câu chuyện này nói: “Tôi tin chắc rằng cả cái chết và sự sống…không thể tách anh ấy ra khỏi lòng yêu mến Đức Mẹ.”

  1. MỘT SỐ NGƯỜI TIÊU BIỂU

Người ta thấy Mẹ Têrêsa luôn đọc kinh Mân Côi ngay cả những lúc bận việc nhất. Ông Daniel O’Connell, một chính trị gia được mệnh danh là “Người cha của dân tộc Ireland” đã đọc kinh Mân Côi trong phòng riêng của mình trước mỗi phiên họp của quốc hội, và không có gì lạ khi Ireland được gọi là “Xứ sở của Kinh Mân Côi”. Người nổi tiếng phát động đọc Kinh Mân Côi, Fr. Peyton, thách thức chúng ta: “Dành ra mười phút để lần chuỗi Mân Côi ở nhà, bạn sẽ biến ngôi nhà của bạn thành thiên đàng bình an.” Nhà khoa học vĩ đại, William Ampere – khám phá ra điện năng-, khi về già đã truyền cảm hứng và cải đạo cho Frederick Osanam (người sáng lập Hội thánh Vinh Sơn Phaolô), bằng cách đọc Kinh Mân Côi hàng ngày tại một hang động. Những lời cuối cùng của nhà bác học Louis Pasteur với y tá của mình trước khi ông qua đời cách xa nhà mình là: “Hãy nói với vợ tôi rằng tôi chết đang lúc đọc kinh Mân Côi.”

  1. LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ

Tạp chí Life ước tính rằng lời cầu nguyện “Kính mừng Maria” được đọc khoảng hai tỷ lần mỗi ngày; và mỗi năm có từ năm đến mười triệu người hành hương đến Đền Đức Mẹ Guadalupe ở Thành phố Mexico. Nhiều tín hữu cũng thường đi hành hương đến các địa điểm của Đức Mẹ ở nhiều nơi khác trên thế giới. Đức Maria được cầu nguyện như là đấng bênh vực, che chở, và trợ giúp. Ngay cả trong lĩnh vực thể thao cũng đề cập đến sự can thiệp của Đức Mẹ: đường chuyền cứu nguy cuối cùng của một đội bóng đang thua cuộc từng được gọi là “đường chuyền kinh Kính mừng”. Đức Maria cũng được những tín đồ Hồi giáo tôn kính. Được biết, khi nhà tiên tri Muhammad dọn sạch các tượng thần ra khỏi Kaaba ở Mecca, ông chỉ cho phép duy nhất một bức bích họa của Đức Mẹ đồng trinh Maria ẵm Chúa Giêsu Hài Đồng được ở lại. Trong Kinh Qur’an, Mẹ Maria được mô tả là người được gửi đến với danh hiệu “lòng thương xót cho thế giới.”

  1. BIỂU TƯỢNG SỐNG ĐỘNG

Có một câu chuyện rất ý nghĩa kể về một chuyến tàu lửa, trong chuyến hành trình dài và tẻ nhạt. Một số người lớn tuổi của một viện dưỡng lão muốn đi đến một điểm nghỉ dưỡng, vào thời gian nghỉ hè. Tại một nhà ga, một người mẹ trẻ với một cô gái nhỏ bước vào tàu. Đứa trẻ mỉm cười với tất cả những khuôn mặt nhăn nhó, ưu tư, cau có xung quanh mình và bắt đầu chạy lăng xăng từ lòng người này sang lòng khác nói chuyện, hét lên vui vẻ và vỗ nhẹ vào tay mọi người. Ngay lập tức, bầu không khí ảm đạm và im lặng ngột ngạt trong đoàn tàu được thay đổi thành một niềm vui và hạnh phúc.

* Chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui mừng và tạ ơn nhớ đến sự hiện diện của Đức Maria và Con của Mẹ là Chúa Giêsu đã biến đổi cái thế giới vô vọng, không có niềm vui và tội lỗi này thành một nơi vui tươi và hạnh phúc.

  1. CHUYỆN VUI

Cô Thanh Lan là giáo lí viên dạy lớp giáo lí lớp sữa đức tin ngày Chúa nhật. Cô vừa giải thích xong về lễ Đức Mẹ Mân Côi cho các em trong lớp học của mình. “Bây giờ,” cô ấy nói, “những ai muốn lên Thiên đàng để nhìn thấy Đức Mẹ thì giơ tay.” Tất cả bọn trẻ đều giơ tay ngoại trừ cô bé Hân ngồi ở hàng ghế đầu. Cô Thanh Lan hỏi: “Em không muốn lên Thiên đàng sao, Hân?” Hân rưng rưng nước mắt nói: “Em không thể. Mẹ em bảo em phải về thẳng nhà ngay sau giờ học giáo lí!”.

 

Một ngày nọ, Chúa Giêsu đi dạo quanh Thiên đàng và bất chợt nhận thấy có một số người đang lẩn trốn tại các con đường quanh công viên, những người này đã được xét là không được vào Thiên đàng. Ngài vội tìm thánh Phêrô ở cổng và nói với ông: “Phêrô, anh đã được giao nhiệm vụ của mình mà không chu toàn; anh đưa sai người vào Thiên đàng.” Phêrô than van với Chúa: “Xin đừng trách con, Chúa ơi”. “Con từ chối họ giống như Chúa đã truyền lệnh. Nhưng họ lại đi vòng ra phía sau, và Mẹ của Chúa đã mở cửa cho họ vào! Và con thực sự là ‘bó tay chấm com luôn!’”

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm