Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B

 “Chúng ta là những người thích nghe các câu chuyện về đời sống hằng ngày cũng như trong đời sống đức tin…Các câu chuyện đi sâu vào những nơi kín ẩn nhất trong chúng ta và mở ra cho chúng ta những cách thế mới và thân tình để hiểu nhau – Nuala Kenny

 

  1. CON LỪA CHÚA GIÊSU CƯỠI

Có một câu chuyện ngụ ngôn cổ kể về con lừa đã đưa Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong Chúa nhật Lễ Lá. Chú lừa non nghĩ rằng cuộc rước được tổ chức là để tôn vinh nó. “Tôi là một con lừa độc nhất vô nhị!” Con vật có thể đã nghĩ một cách phấn khích như vậy. Khi nó hỏi mẹ nó rằng liệu nó có thể đi một mình trên con phố vào ngày hôm sau để được tôn vinh một lần nữa hay không, mẹ nó nói: “Không, con chẳng là gì nếu không có Ngài đã cưỡi con.” Năm ngày sau, con lừa non nhìn thấy một đám người rất đông trên đường phố. Hôm đó là thứ sáu Tuần Thánh, và những người lính đang đưa Chúa Giêsu đến đồi Canvê. Chú lừa con không thể cưỡng lại sự cám dỗ về một buổi cung nghinh hoàng gia khác. Nó bỏ qua lời cảnh báo của mẹ và phóng nhanh ra đường, nhưng phải bỏ chạy vì bị quân lính đuổi theo và mọi người ném đá nó tới tấp. Vì vậy, con lừa con cuối cùng đã học được bài học rằng nó chỉ là một con lừa tội nghiệp nếu không có Chúa Giêsu cưỡi lên.

* Khi bước vào Tuần Thánh, các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình để xem liệu chúng ta có mang Chúa Giêsu trong mình và làm chứng cho Ngài qua cuộc sống của chúng ta hay không.

  1. VUA GIÊSU TIẾN VÀO THÀNH THÁNH

Tác giả người Hy Lạp Plutarch mô tả cách các vị vua khải hoàn tiến vào một thành phố. Ông kể về một vị tướng La Mã, Aemilius Paulus, người đã giành chiến thắng quyết định trước quân Macêđônia. Khi Aemilius quay trở lại Rôma, cuộc rước khải hoàn tôn vinh ông kéo dài ba ngày. Ngày đầu tiên được dành để trưng bày tất cả các tác phẩm nghệ thuật mà Aemilius và quân đội của ông đã cướp được. Ngày thứ hai được dành cho tất cả vũ khí của quân Macêđônia mà họ đã chiếm được. Ngày thứ ba bắt đầu với phần còn lại của chiến lợi phẩm với 250 con bò đực, có sừng dát vàng. Số tiền này tương đương hơn 17.000 cân vàng. Tiếp sau đó là vị vua bị bắt và bị sỉ nhục của Macêđônia cùng với đại gia đình của ông ta. Cuối cùng, Aemilius tự mình tiến vào thành Rôma, cưỡi trên một cỗ xe lộng lẫy. Aemilius mặc một chiếc áo choàng màu tím, được đính các lá vàng. Ông cầm vòng nguyệt quế của mình trên tay phải. Ông đứng trên một chiếc xe, tiến đi cùng với một dàn hợp xướng lớn hát những bài quân nhạc hùng tráng, ca ngợi những thành tích quân sự của Aemilius vĩ đại.

* Thưa các bạn, đó là cách một vị vua trần gian tiến vào một thành phố, nhưng còn Vua các vua thì sao? Người chỉ cưỡi trên một con lừa non theo lời ngôn sứ Dacaria đã mô tả. Vua các vua, Đấng Messia, đến không phải trên một con chiến mã oai hùng, mà cưỡi một con lừa khiêm tốn.

  1. THẬP GIÁ QUA NHIỀU THẾ KỶ

Cho đến thế kỷ thứ năm sau Công nguyên, các Kitô hữu đầu tiên thường tránh trưng bày thập giá với thân thể của Chúa Giêsu. Thật sự, ngay cả những cây thánh giá trần cũng hiếm khi được trưng bày cho đến thế kỷ thứ tư sau Công nguyên. Như J. H. Miller đã giải thích, có nhiều lý do khiến Giáo hội miễn cưỡng dựng hình tượng cây thánh giá công khai. Đối với nhiều người Do Thái và dân ngoại, thập tự giá phô bày sự mâu thuẫn dường như không thể dung hòa của niềm tin Kitô giáo, theo đó một người bị đóng đinh cũng là vị Thiên Chúa. Khi các tà giáo khác nhau tấn công vào thần tính hoặc nhân tính của Chúa Kitô thì biểu tượng cây thập giá dường như càng làm trầm trọng thêm cuộc xung đột và đối kháng tư tưởng ấy. Hệ quả là hình ảnh thập giá đã bị tránh né. Phải đến thế kỷ thứ tư (dưới thời trị vì của Constantine), thập giá mới bắt đầu xuất hiện ở mọi nơi trước công chúng như là biểu tượng riêng của Kitô giáo. Mặc dù xuất hiện rộng rãi trong nghệ thuật và kiến ​​trúc Kitô giáo, thập giá vẫn là một biểu tượng đa chiều ý nghĩa. Nơi xà ngang của nó, cái chết giao thoa với sự sống; tội lỗi gặp được ơn cứu rỗi; sự khuất phục nối liền với chiến thắng; trần gian kết nối với siêu việt. Thập tự giá phô bày vừa những khía cạnh hèn hạ nhất của thân phận con người vừa phản ánh vẻ cao cả và uy nghiêm nhất của thần tính.

* Như nhà thần học Karl Rahner đã từng giải thích: “Thập giá Chúa Kitô cho thấy rõ nhất tội lỗi thực sự là gì. Thập giá Chúa Kitô đã không ngần ngại mở toang điều mà thế gian vẫn muốn giấu kín cho chính nó: rằng nó đã nuốt chửng Con Thiên Chúa trong tội lỗi mù quáng điên rồ- một tội lỗi mà sự căm ghét độc ác đã thực sự bùng cháy tiêu tan khi được tiếp xúc với tình yêu Thiên Chúa.

  1. BỎ CHÚA HAY BỎ VIỆC

Constantine là đại hoàng đế La Mã đầu tiên theo Kitô giáo. Cha của ông, Constantius I, người kế vị Điôclêtianô lên ngôi hoàng đế vào năm 305 sau Công nguyên, là một người ngoại giáo nhưng có trái tim ôn hòa đối với các Kitô hữu. Người ta kể rằng sau khi Constantine lên ngôi, ông đã phát hiện ra rằng nhiều người theo Kitô giáo đã nắm giữ những công việc quan trọng trong chính phủ và trong triều đình. Vì vậy, ông ban hành một mệnh lệnh hành pháp cho tất cả những Kitô hữu đó: “Hoặc là các bạn từ bỏ Chúa Kitô hoặc từ bỏ công việc.” Phần lớn các Kitô hữu đã bỏ công việc của họ chứ không bỏ Chúa. Chỉ có một số kẻ hèn nhát từ bỏ tôn giáo vì sợ mất việc làm. Hoàng đế hài lòng với đa số những người đã thể hiện sự can đảm của họ và giao lại công việc cho họ trong khi ông đuổi hết những người đã cam tâm bỏ lòng trung thành với Chúa để giữ công việc. Ông nói với họ: các bạn không trung thành với Chúa của các bạn, thì các bạn cũng không trung thành với tôi!”

 * Hôm nay chúng ta cùng với một đám đông vô danh no nức rước Chúa vào Thành Thánh để đi tới những ngày đau khổ, chúng ta có dám đứng lên ủng hộ Chúa khi Người bị tuyên án tử hình không?

  1. DẤU THẬP TRÊN CỔ CON LỪA

Dù sách Tin Mừng không ghi rõ, chúng ta biết rằng đây không phải là chuyến cưỡi lừa đầu tiên của Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Bản văn của Mátthêu không trình bày chi tiết về việc Giuse đã cùng Maria đi Ai Cập và trở lại Nazarét bằng phương tiện gì. Tin Mừng Luca cũng không mô tả cách Maria và Giuse hành trình đến Bếtlêhem như thế nào. Nhưng tất cả chúng ta đều lưu dấu trong đầu hình ảnh Mẹ Maria mang thai ngồi trên lưng một con lừa khỏe mạnh. Tâm trí của chúng ta in rõ hình ảnh Mẹ Maria ẵm Chúa ngồi trên con vật đó để chạy trốn đến Ai Cập, rồi hành trình trở về nhà tại Nazarét sau khi vua Hêrôđê chết. Truyền thống của Giáo hội từ lâu đã cho rằng để tôn vinh sự phục vụ khiêm nhường của con lừa đối với Chúa Giêsu, con vật đã được khen thưởng bằng một “dấu ấn hình thập giá” vĩnh viễn, bởi đó hầu hết các con lừa đều có hình chữ thập đen đặc trưng trên vai vững chắc của chúng.

* Nếu sứ mệnh của Giáo hội là mang Chúa Kitô đến trong thế gian, thì có thể nói mỗi chúng ta được kêu gọi trở thành một con lừa, tận tụy, trung thành, vượt khó…và tiến bước!

  1. “TÔI CHỈ BIẾT TÔI YÊU CHÚA GIÊSU”

Trong một lớp xã hội học về tôn giáo tại Đại học Virginia, giáo sư yêu cầu các sinh viên trong lớp nhập môn cho biết về niềm tin tôn giáo và những cam kết của mình. Một cô gái trẻ tên là Barb cho biết cô theo Kitô giáo. Vị giáo sư hỏi thêm: “Bạn đi theo truyền thống đức tin Kitô giáo nào? Chủ thuyết mộ đạo Bắc Âu, Anh quốc, hay chủ thuyết nào khác?” Cô sinh viên không hiểu câu hỏi của ông. Cuối cùng cô ấy nói: “Thưa ông, tôi không biết chính xác ý của ông; tôi chỉ biết tôi yêu Chúa Giêsu”.

* Là Kitô hữu nghĩa là đồng hóa với Chúa Giêsu hơn là thuộc về một danh xưng Kitô nào khác: Tôi là một Kitô hữu giáo viên hơn tôi là một giáo viên Kitô hữu; tôi là một Kitô hữu công nhân viên hơn tôi là một công nhân viên Kitô hữu…

  1. CON LỪA BIẾT NÓI

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao lừa là con vật duy nhất trong Kinh Thánh biết nói? Karl Barth (một nhà thần học Tin Lành nổi tiếng) trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ 80 của mình đã đưa ra lời chứng của mình. Ông nói: “Kinh Thánh có nói về một con lừa, hay nói đúng hơn là một con lừa cái, nó biết dùng lời nói phản đối ông Bơliam đánh nó (Ds 22,28-30). Còn theo sách Dacaria 9,9 một con lừa được diễm phúc mang Chúa Giêsu đến Giêrusalem.”…“Nếu tôi làm được điều gì đó trong cuộc sống này để phục vụ Chúa và tha nhân thì tôi cũng làm như thân phận một con lừa: mang một gánh nặng những suy tư thần học và những trải nghiệm thiêng liêng để trình bày về đời sống Kitô hữu, mà các môn đệ của Chúa nói: ‘Thầy chúng tôi cần nó!’ Vì vậy, dường như Chúa đã vui lòng sử dụng tôi vào lúc này, tôi sẵn sàng phục vụ hết sức mình…”

* ĐHY Roger Etchegaray (1922-1919) cũng đã viết một cuốn sách “Comme un âne, j’avance” (như một con lừa tôi tiến bước) để nói lên thái độ phục vụ của mình cống hiến cho Giáo hội. Quả thật, những tư tưởng lớn đều gặp nhau!

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm