Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Năm A

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Năm A

 1. PHÉP LẠ THÁNH THỂ 1

Giáo hội ghi nhận một phép lạ xảy ra vào năm 1263. Một linh mục người Đức tên là Peter thành Prague, khi đi hành hương đến Rôma đã dừng chân tại Bolsena. Ngài được mô tả là một linh mục rất đạo đức, nhưng lại là một người cảm thấy rất khó tin vào mầu nhiệm biến đổi Bản Thể (Transubstantiatio) trong Bí tích Thánh Thể. Trong khi cử hành thánh lễ tại mộ thánh Christina, ở Bolsena, Ý, ngài chưa kịp đọc  lời Truyền phép (Consecratio) thì máu bắt đầu chảy ra từ Mình Thánh, rồi chảy ra trong tay ngài, trên bàn thờ và khăn thánh. Vị linh mục hết sức hoảng hốt. Lúc đầu, ngài cố gắng giấu các vết máu, nhưng sau đó ngài đã dừng cử hành Thánh lễ và yêu cầu được đưa đến thành phố lân cận Orvieto, nơi Đức Giáo hoàng Urbanô IV khi đó đang cư trú. Đức Giáo hoàng đã lắng nghe lời vị linh mục kể và ban ơn xá giải cho ngài vì tội thiếu đức tin khi cử hành Thánh lễ. Sau đó, Đức Giáo hoàng cử các sứ giả đến để điều tra ngay sự kiện đặc biệt này. Khi tất cả sự thật đã được xác định chắc chắn, ngài truyền lệnh cho Đức Giám mục giáo phận mang đến Orvieto Mình Thánh và tấm vải lanh có vết máu. Trước sự hiện diện của các tổng giám mục, các hồng y và các chức sắc khác của Giáo hội, Đức Giáo hoàng đã cử hành một đoàn rước đông đảo, với tất cả lòng sùng kính suy tôn, ngài long trọng đặt các thánh tích trong nhà thờ chính tòa Orvieto. Tấm khăn bằng vải lanh mang những vết máu vẫn còn được lưu giữ và trưng bày tại Nhà thờ Orvieto, Ý. Qua phép lạ này, Đức Giáo hoàng Urbanô IV đã truyền cho thánh Tôma Aquinô soạn các kinh nguyện phụng vụ để tôn sùng Bí tích Thánh Thể. Một năm sau phép lạ, vào tháng 8 năm 1264, Đức Giáo hoàng Urbanô IV đã giới thiệu các sáng tác của vị thánh, đồng thời bằng một tông sắc đã thiết lập lễ kính Mình Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi). (Theo tài liệu của cha Eugene Lobo S.J., Rôma)

2. PHÉP LẠ THÁNH THỂ 2

Phép lạ Thánh Thể nổi tiếng xảy ra ở Lanciano, cũng ở Ý, vào khoảng năm 700. Một tu sĩ sợ mình mất ơn gọi đã cử hành Thánh lễ; và trong lúc truyền phép, bánh đã trở thành thịt và rượu biến thành máu. Mặc dù thật sự là phép lạ này đã xảy ra hơn 1300 năm trước, ngày nay người ta vẫn có thể nhìn thấy thịt được đặt trong mặt nhật và máu trong chén thánh thủy tinh, được trưng bày công khai. (Chén thánh thủy tinh nằm bên dưới mặt nhật). Tôi đã có vinh dự được chiêm ngắm thánh tích phép lạ Thánh Thể này trong thời gian tôi ở Ý. Máu đã đông lại và bây giờ đóng thành năm cục trong chén thủy tinh. Vào năm 1971 và 1981, một phòng thí nghiệm của bệnh viện đã xét nghiệm máu thịt và khám phá ra rằng thịt đó là từ cơ tim, một mô của cơ tim, vì vậy chúng ta có thể nói đó là trái tim của Chúa Giêsu, Thánh Tâm; và máu thuộc nhóm máu AB. Vào năm 1978, các nhà khoa học của cơ quan NASA đã thử nghiệm máu trên tấm khăn liệm Turin và thật là thú vị, họ cũng phát hiện ra rằng máu đó thuộc nhóm AB. (Tấm khăn che đầu Chúa Kitô trong Gioan 20,6 (Sudarium) cũng thuộc nhóm máu AB.) Mặc dù sự thật khoa học là thịt và máu của con người không thể được lưu giữ trong thời gian 1300 năm, các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm của bệnh viện đều không tìm thấy dấu vết của bất kỳ chất bảo quản nào. Một điểm thú vị cuối cùng về năm cục máu đông trong chén thánh là khi người ta cân một trong năm cục, nó có cùng trọng lượng như năm cục máu với nhau, cân hai trong số chúng cũng bằng cả năm cục máu. Vẫn kỳ lạ là, bất kể người ta cân các cục máu đông riêng lẻ hay cân chung theo cách nào đó, chúng luôn có trọng lượng như nhau. Điều này gợi cho người ta thấy Chúa Giêsu trọn vẹn hiện diện trong Thánh Thể dù nhỏ bé đến đâu. Đây là hai phép lạ Thánh Thể mà tôi đã thấy và đã được Giáo hội chứng thực sau khi điều tra cẩn thận. (Theo lời kể của cha Tommy Lane).

  1. THIÊN ĐÀNG TRÊN MẶT ĐẤT

Tiến sĩ Scott Hahn là một mục sư Tin lành, người đã có hai mươi năm nghiên cứu sách Khải Huyền. Ông thừa nhận rằng, khi nỗ lực nghiên cứu sách Khải Huyền, ông cảm thấy mình giống như một người đang đứng trước một cánh cửa bị khóa, và phải tìm đúng chiếc chìa khóa trên chuỗi móc khóa. Không có chiếc chìa khóa nào phù hợp, cho đến khi ông liên kết sách Khải Huyền với Thánh Lễ. Và theo ý kiến ​​của ông, đó là chìa khóa phù hợp nhất. Kinh nghiệm của ông sau đó đã truyền cảm hứng cho nhiều người đến nỗi một năm sau, chính ông xin được hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo. Tóm lại, đây là luận điểm của ông: Chìa khóa để hiểu sách Khải Huyền là Thánh Lễ. Nói cách khác, Thánh Lễ là cách duy nhất một Kitô hữu có thể thực sự hiểu sách Khải Huyền. Ngày nay, Tiến sĩ Scott Hahn, một người đàn ông đã kết hôn sống rất hạnh phúc và là cha của sáu đứa con, là Giáo sư Thần học và Kinh Thánh tại một trường Đại học và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh Thánh Ứng dụng. (NB. Riêng người dọn bài này biết rằng, vào ngày 21 tháng năm 2021 ông mới có một người con, tên là Jeremiah Hahn được chịu chức linh mục; và một người con nữa là chủng sinh cũng đang chuẩn bị chịu chức linh mục. Người bạn đời của ông, bà Kimberly Hahn cũng là một giáo sư thần học và tác giả nhiều cuốn sách). Giáo sư Scott Hahn thẳng thắn và thực tế khi nhận xét rằng, đối với hầu hết người Công giáo, Thánh Lễ Chúa nhật hoàn toàn không phải là Thiên đàng. Thật vậy, ông thẳng thắn nói thêm: đó thường là một giờ không thoải mái, bị ngắt quãng bởi những đứa trẻ la hét, những bài thánh ca thì nhạt nhẽo được chọn hát không chính xác, những bài giảng lạc đề và những người ăn mặc như thể họ đang đi dự tiệc, dã ngoại hoặc chơi bóng đá. Tuy nhiên, đây là niềm xác tín của ông: “Khi chúng ta tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa nhật sốt sắng, chúng ta chắc chắn sẽ được phúc Thiên đàng. Và điều này đúng với mọi thánh lễ mà chúng ta tham dự, bất kể chất lượng của thánh nhạc hay sự nhiệt thành của người thuyết giảng. Thánh Lễ – và tôi muốn nói mỗi Thánh Lễ – là Thiên đàng ngay trên mặt đất!”

  1. TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT VĨ ĐẠI NHẤT

Một trong những chủng sinh dẫn khách du lịch tham quan đại Giáo đường thánh Phêrô đã kể cho tôi nghe một câu chuyện thú vị. Anh ấy dẫn đầu một nhóm du khách Nhật Bản, những người hoàn toàn không biết gì về đức tin của chúng ta. Với sự cẩn trọng đặc biệt, anh đã giải thích những kiệt tác tuyệt vời về nghệ thuật, về điêu khắc và kiến trúc cho đoàn khách. Cuối cùng họ kết thúc tại Nhà nguyện Thánh Thể, anh cố gắng hết sức để giải thích ngắn gọn đó là gì. Khi cả nhóm giải tán, một người đàn ông lớn tuổi, người đã luôn chú ý đến các lời thuyết minh, ở lại và hỏi: “Thứ lỗi cho tôi, cậu có thể giải thích thêm câu ‘Mình Thánh Chúa’ được không?” Người chủng sinh đã làm theo yêu cầu, sau đó người đàn ông thốt lên: “À, nếu đúng như vậy thì những gì trong nhà nguyện này là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị hơn bất cứ thứ gì khác trong vương cung thánh đường này!”

* Lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta năng tôn sùng Bí tích Cực Trọng và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể.

  1. RƯỚC LỄ TRÊN MẶT TRĂNG

Qua Bí tích Thánh Thể Chúa muốn chúng ta tưởng nhớ đến Người bất kỳ nơi nào, khi nào. Phi thuyền Apollo 11 đã hạ cánh xuống mặt trăng vào Chúa nhật, ngày 20 tháng 7 năm 1969. Có lẽ nhiều người đều nhớ những lời đầu tiên của phi hành gia Neil Armstrong khi ông bước chân lên bề mặt mặt trăng: “Đây là một bước nhỏ của một người, nhưng là một bước tiến khổng lồ của nhân loại”. Nhưng ít ai biết về bữa ăn đầu tiên được ăn trên mặt trăng. Phóng viên Dennis Fisher cho biết rằng Buzz Aldrin, phi hành gia NASA đã đưa lên tàu vũ trụ một hộp nhỏ đựng Mình Thánh Chúa do một linh mục của ông cung cấp. Khi tàu vũ trụ vừa chạm mặt trăng, Aldrin gửi một chương trình phát thanh về Trái đất mời gọi khán thính giả chiêm ngắm sự kiện trọng đại này và cùng nhau tạ ơn. Tiếp đó, để giữ sự riêng tư ông xóa nhòa chương trình phát sóng ấy và đọc to một câu Lời Chúa: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”. Tiếp theo, trong thinh lặng ông tạ ơn Chúa vì chuyến du hành lên mặt trăng đã thành công; rồi ông rước Mình Thánh Chúa, và dâng mặt trăng cho Chúa Giêsu. Cuối cùng, ông bước xuống mặt trăng và đi bộ trên đó cùng Neil Armstrong.

* Buzz Aldrin muốn trải nghiệm được hiệp thông với Chúa trên mặt trăng. Cách xa trái đất hằng nghìn dặm ông muốn kết hiệp với Đấng đã tạo dựng, đã cứu chuộc, và thiết lập tình bằng hữu với con người qua Thánh Thể.

  1. CẦN NHÀ TẠM

Nguyên tổng giám mục Giáo phận San Francisco, Đức cha John Quinn, rất thích kể câu chuyện về Mẹ Têrêsa và dòng Thừa sai Bác ái của bà đến mở cộng đoàn của họ trong giáo phận. Đức Tổng Quinn cứ băn khoăn bảo đảm với Mẹ Têrêsa rằng tu viện của họ, tuy không được rộng rãi sang trọng lắm nhưng lại khá thoải mái. Ngài nhớ lại khi Mẹ Têrêsa đến, ngay lập tức bà ra lệnh dỡ bỏ hết các tấm thảm dưới đất, chỉ cho treo một cái điện thoại nhỏ trên tường, bỏ hết các tấm nệm trên giường,.. và cứ tiếp tục bỏ nhiều hạng mục khác. Mẹ Têrêsa giải thích cho vị tổng giám mục còn đang bối rối: “Tất cả những gì chúng con thực sự cần trong tu viện là Nhà Tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa!”

  1. LÒNG TÔN SÙNG THÁNH THỂ CỦA THÁNH ELIZABETH ANN SETON

Hai trăm năm trước, một phụ nữ phái Tin lành Trưởng lão xinh đẹp, trẻ trung đi cùng chồng, một thương gia, đến nước Ý du lịch nghỉ dưỡng. Họ để lại bốn trong số năm đứa con ở nhà cùng với các thành viên khác trong gia đình. Họ lên đường đến Ý, với hy vọng rằng sự thay đổi khí hậu có thể giúp ích cho chồng của bà, người mà công việc kinh doanh thất bại đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của ông. Chuyện  bi thảm lại xảy đến, khi ở Ý ông ta đã bất ngờ chết tại Liverno. Góa phụ trẻ đau buồn đã được một gia đình Ý, những người làm ăn thân quen của người chồng qua đời tiếp đón bà khá nồng nhiệt. Bà ở lại với họ trong ba tháng trước khi có thể thu xếp để trở về Mỹ. Góa phụ trẻ rất ấn tượng về đức tin Công giáo của gia đình chủ nhà, đặc biệt là lòng sùng kính Chúa Giêsu Thánh Thể: việc họ thường xuyên tham dự Thánh lễ, cử chỉ tôn kính khi rước Mình Thánh Chúa, lòng kính sợ đối với Mình Thánh Chúa trong những ngày lễ trọng khi giáo xứ tổ chức rước kiệu Thánh Thể. Trái tim đau buồn tan vỡ của bà dần dần được chữa lành vì bà cũng khao khát được kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Và khi trở về nhà, bà đã xin được hướng dẫn về Đức tin Công giáo. Ngay sau khi được đón nhận vào Giáo hội, bà mô tả lần đầu tiên được rước Chúa trong Bí tích Thánh Thể là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời bà. Chính tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 14 tháng 9 năm 1975, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã phong thánh cho người phụ nữ này, Elizabeth Ann Seton, là vị thánh bản xứ đầu tiên của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ. Bí tích Thánh Thể đã thôi thúc và nâng đỡ bà kết hợp với Thiên Chúa và Giáo hội.

  1. THÁNH BỔN MẠNG CỦA TRẺ EM RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU

Chân phước Imelda Lambertini đã có một trải nghiệm đầy sốt mến về Thánh Thể. Cô bé sống ở Bologna, Ý, vào những năm 1300. Cô ước muốn trở thành một nữ tu ngay từ khi còn là một cô gái nhỏ, và cô đã gia nhập dòng Đa Minh năm chín tuổi, với ý muốn chuẩn bị tốt hơn cho ngày cô sẽ đón nhận tu phục. Mong muốn lớn nhất của cô là được rước lễ, nhưng vào thời đó, trẻ em phải ít nhất mười hai tuổi mới được chấp nhận. Imelda xin phép được một đặc ân ngoại lệ, nhưng cha tuyên úy từ chối. Cô liên tục cầu nguyện để được sự cho phép đặc biệt. Lời cầu nguyện của cô đã được đáp lại một cách kỳ diệu vào dịp lễ Thăng Thiên năm 1333. Sau Thánh Lễ, cô ở lại chỗ của mình trong nhà nguyện, nơi một nữ tu đang cất các bình thánh vào trong tủ. Đột nhiên, nữ tu nghe thấy một tiếng động và quay về phía Imelda. Bà thấy lơ lửng giữa không trung trước mặt Imelda đang quỳ cầu nguyện là Mình Thánh Chúa, tỏa sáng trong ánh sáng rực rỡ và mạnh mẽ. Nữ tu hoảng sợ chạy đi tìm cha tuyên úy. Khi cha tuyên úy đến, thì các nữ tu khác và nhiều giáo dân cũng đã chen chúc đi vào nhà nguyện, tất cả đều kinh ngạc. Khi cha tuyên úy nhìn thấy Mình Thánh Chúa sáng chói bay lơ lửng, ngài mặc lễ phục và vội đi đến chỗ Imelda, ngài nhận lấy bánh thánh trên tay và cho cô bé rước lễ. Một ít phút sau, sau khi đám đông đã giải tán, mẹ bề trên tu viện đến chỗ Imelda để gọi cô đi ăn sáng. Bà thấy cô gái vẫn đang quỳ với nụ cười trên môi. Nhưng Imelda đã chết. Cô đã chết vì tình yêu, trong sự ngây ngất sau khi rước Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Chúa còn mong muốn được ở bên cô hơn cả những gì cô khao khát được ở bên Người! Thi thể của chân phước Imelda không bị phân hủy, và ngày nay người ta vẫn có thể nhìn thấy trong Nhà thờ ở Bologna nơi cô được an táng. Cô là thánh Bổn Mạng của các trẻ em rước lễ lần đầu.

  1. ĐÂY LÀ TRÒ ĐÙA GÌ VẬY

Một cha xứ cho biết nếu ngài thấy một người dự lễ về sớm, ngài cho ngăn lại và nhắc họ rằng chỉ có một người rời Bữa Tiệc Ly sớm! Đó là Giuđa. Nhưng một cha xứ khác nghe vậy nói, tôi sẽ không làm thế, tôi muốn làm những gì thánh Philipphê Nêri đã làm. Khi thấy một người nào đó rời khỏi nhà thờ ngay sau khi rước lễ, vị thánh này đã cử người phục vụ với nến và chuông đi cùng người đó. Anh chàng này bực tức xông vào nhà thờ và chạm trán với vị linh mục. Anh ta bức xúc: “Trò đùa gì thế này?” Thánh Philipphê Nêri điềm đạm nói: “Đó không phải là trò đùa đâu. Các quy tắc phụng vụ nói rằng Mình Thánh Chúa phải được hết sức tôn kính. Bạn rời khỏi nhà thờ ngay sau rước lễ mà không cầu nguyện tạ ơn. Bạn đang mang Mình Thánh Chúa trong mình. Vì vậy tôi đã yêu cầu các thừa tác viên đi cùng bạn để tôn vinh Ngài!”

* Sau khi Rước lễ, bạn và tôi chính là nhà tạm. Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện trong tâm hồn chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta có thánh ca Hiệp lễ, thời gian thinh lặng thánh, lời nguyện Hiệp lễ. Chúng ta cần đặc biệt hiệp thông với Chúa trong những giờ phút này.

  1. Lời cầu nguyện tạ ơn sau Thánh Lễ của thánh Padre Pio (Piô Năm Dấu)

“Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì con cần Chúa hiện diện để con không quên Ngài. Chúa biết con dễ dàng lìa bỏ Chúa như thế nào.

Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì con yếu đuối và con cần sức mạnh của Ngài, để con không thường xuyên sa ngã.

Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì Ngài là sự sống của con, và nếu không có Ngài, con sẽ không có lòng nhiệt thành.

Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì Ngài là ánh sáng của con, và nếu không có Ngài, con sẽ chìm trong bóng tối.

Lạy Chúa, xin ở lại với con để cho con thấy ý muốn của Ngài.

Lạy Chúa, xin ở lại với con để con nghe tiếng Ngài và bước theo Ngài.

Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì con tha thiết yêu mến Ngài, và muốn luôn ở bên Ngài.

Lạy Chúa, xin ở lại với con nếu Ngài muốn con trung thành với Ngài.

Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì tâm hồn con nghèo hèn, con muốn đó là nơi an ủi của Ngài, và là tổ ấm của tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với con, vì trời đã muộn và ngày sắp tàn; cuộc đời con đang trôi qua mau; cái chết, sự phán xét, vĩnh cửu đang đến gần. Con cần Chúa tái tạo sức mạnh cho con.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm