Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật Mùa Giáng Sinh, Năm B
KHÔNG CÓ PHÒNG TRONG QUÁN TRỌ
Taj Mahal là một trong những lăng mộ đẹp và tốn kém nhất từng được xây dựng, nhưng có điều gì đó còn hấp dẫn hơn về sự khởi đầu của nó. Năm 1629, khi người vợ yêu quý của nhà lãnh đạo Ấn Độ Shah Jahan qua đời, ông đã ra lệnh xây dựng một lăng mộ tráng lệ để tưởng nhớ bà. Shah đặt quan tài của vợ mình ở giữa một khu đất rộng và việc xây dựng ngôi đền được vội vã khởi công xung quanh nó. Nhưng sau vài năm kinh doanh, sự đau buồn thương nhớ vợ của Shah đã nhường chỗ cho niềm say mê các dự án thương mại. Vào một buổi tối muộn, khi đang đi quan sát công trình, ông tình cờ vấp phải một chiếc hộp gỗ trong bóng tối, và ông ta đã nhờ một số công nhân đưa nó vào cất trong một cái kho chứa đồ đạc. Sau đó nhiều tháng ông mới nhận ra rằng quan tài của vợ ông đã được lưu giữ một cách bất cẩn trong một cái kho chứa những đồ vật vô dụng. Do khởi đầu đáng buồn này mà lăng mộ đã mất đi một số chi tiết tinh xảo trong xây dựng.
* Truyền thuyết trên là một câu chuyện có liên quan đến cách một số người mừng lễ Giáng Sinh hôm nay. Đôi khi chúng ta quá chú tâm đến mặt lễ hội của ngày Giáng Sinh mà quên mất Đấng mà chúng ta cần phải tôn thờ, khiến Người “Không có phòng trong quán trọ tâm hồn”.
- NGÀI ĐÃ ĐẾN THĂM TÔI
Cách đây khá lâu, có một vị vua thông thái và nhân từ cai trị ở xứ Ba Tư. Ông ấy yêu mến thần dân của mình. Ông muốn thấy cảnh họ sống như thế nào. Ông muốn biết những khó khăn của họ ra sao. Do vậy, ông thường mặc quần áo của một người lao động hoặc một người ăn xin và đến nhà những người nghèo thăm hỏi. Không ai mà ông đến thăm nghĩ rằng ông là vua của họ. Một lần kia, ông đến thăm một người đàn ông rất nghèo sống trong một căn nhà tồi tàn. Ông cùng ăn thức ăn thô đạm mà người này đã ăn. Ông nói những lời vui vẻ, tử tế với chủ nhà. Rồi ông bỏ đi. Một thời gian sau, ông lại đến thăm người đàn ông nghèo này một lần nữa và tiết lộ danh tính của mình bằng cách nói: “Tôi là vua của nhà ngươi!” Nhà vua những tưởng người đàn ông chắc chắn sẽ ngỏ xin một món quà hoặc một đặc ân nào đó, nhưng ông ta không làm như vậy. Thay vào đó, ông ấy nói: “Ngài đã rời cung điện và vinh quang của mình để đến thăm tôi trong nơi tối tăm, tồi tàn này. Ngài đã ăn những thức ăn tầm thường của tôi. Ngài đã mang lại niềm vui cho trái tim tôi! Đối với những người khác, ngài đã ban tặng cho họ những món quà vật chất giàu có. Còn đối với tôi ngài đã trao tặng chính mình!”
* Vua vinh quang, Đức Giêsu Kitô đã đến thăm ngôi nhà của chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta biết chính nhờ Người mà ân sủng và sự thật được ban tặng (Ga 1,17).
- MÓN QUÀ GIÁNG SINH KÌ LẠ
Một lần nọ, một gia đình giáo dân ở một giáo xứ rất nghèo đã rộng rãi mua một bộ tượng đắt tiền để trang hoàng lễ Giáng Sinh cho nhà thờ giáo xứ. Họ đã làm việc chăm chỉ để có được một bộ tượng bằng đồ sứ rất quý hiếm cho hang đá. Nhà thờ được mở rộng cửa vào ngày lễ Giáng Sinh để mọi người có thể đến thăm hang đá. Vào buổi tối, khi cha xứ đến khóa cửa, trước sự kinh ngạc của ngài, ngài thấy tượng hài nhi Giêsu bị mất tích. Khi bước đến cửa gần đó, ngài thấy một cô gái nhỏ với một chiếc xe đẩy bước vào nhà thờ. Cô ấy đi thẳng vào hang đá, đưa Chúa Giêsu ra khỏi xe đẩy và cung kính đặt Người vào trong máng cỏ. Khi cô đang bước ra ngoài, cha xứ ngăn lại và hỏi cô đã làm gì với tượng hài nhi Giêsu. Cô ấy nói với ngài rằng trước Giáng Sinh cô đã cầu nguyện với Chúa Giêsu cho cô có một chiếc xe đẩy. Cô hứa với Chúa rằng nếu khi nào bắt đầu đi dạo, cô sẽ tặng Người món quà Giáng Sinh là cho Người đi chuyến đầu tiên trong đó. Cô đã có được chiếc xe đẩy của mình nên cô đã giữ lời hứa.
* Lễ Giáng Sinh khơi lên lòng quảng đại ở mọi người, nhất là nơi trẻ em. Món quà Giáng Sinh chúng ta dâng cho Chúa Hài Đồng là gì?
- MỐI TÌNH KÌ DIỆU
Kierkegaard (triết gia Đan Mạch) kể câu chuyện ngụ ngôn về một vị vua yêu một cô hầu gái. Nhà vua đem lòng yêu một cô hầu gái nghèo. Ông muốn cưới nàng làm vợ. Khi ông hỏi các cố vấn của mình: “Tôi phải ngỏ lời cầu hôn với nàng như thế nào?” Họ trả lời: “Bệ hạ chỉ cần xuất hiện trong tất cả sự vinh quang của mình, với y phục rực rỡ của hoàng gia trước nơi ở khiêm tốn của người hầu gái, và cô ấy sẽ ngay lập tức bị choáng ngợp và gục ngã dưới chân ngài, và ngài sẽ sở hữu cô ấy.” Nhưng chính điều này lại làm cho nhà vua hết sức băn khoăn. Ông không muốn phô trương địa vị vương giả để chinh phục người yêu. Ông nghĩ, để đáp lại tình yêu chân thành của mình, ông muốn tình yêu của cô được trao ban một cách tự do, chứ không bị khuất phục. Cuối cùng, nhà vua nhận ra chân lý của tình yêu, rằng: sự tự do cho người được yêu đòi hỏi sự bình đẳng đối với họ. Vì vậy, vào một đêm khuya, sau khi tất cả các cố vấn đã đi ngủ, vua lẻn ra ngoài qua một cánh cửa phụ và xuất hiện trước mặt cô hầu gái, ăn mặc như một người hầu để bày tỏ tình yêu của mình với cô ấy.
* Rõ ràng đây là câu chuyện ngụ ngôn về Giáng Sinh. Thiên Chúa đã chọn bày tỏ tình yêu của Ngài đối với con người bằng cách trở nên một người như chúng ta.
- “THẦY CỦA ANH CÓ GÌ CẦN KHAI BÁO KHÔNG?”
Trong bộ phim “Câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể, Vua của các vị vua”, có một phân cảnh rất thu hút sự chú ý của nhiều người. Đó là, sau khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số người trẻ trở thành tông đồ của Người. Đầu tiên, Người gọi các ông Phêrô và Andrê, Giacôbê và Gioan. Trong cảnh này, người ta thấy Chúa Giêsu đang đi trên đường cùng với họ và một số môn đệ khác. Khi các ngài đi ngang qua trạm của người thu thuế Mátthêu, anh ta hỏi Chúa Giêsu: “Ông có gì để khai thuế không?” Nhưng vì tiếng ồn ào huyên náo của đám đông nên Chúa Giêsu không nghe thấy gì. Do đó, Mátthêu quay sang hỏi Gioan: “Thầy của anh có điều gì để khai báo không?” Ngay lập tức Gioan trả lời: “Vâng, có tình yêu của Người dành cho anh đó!”
* Như Chúa Giêsu đã nói với Mátthêu, Người cũng có điều gì đó muốn ngỏ với chúng ta trong mùa Giáng Sinh này. Đó là tình yêu Người dành cho chúng ta. Vâng, Chúa Giêsu yêu thương chúng ta tha thiết. Và Người muốn ở với chúng ta luôn mãi. Do đó danh của Người là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
- LẠC ĐÀ TRÊN NÓC CUNG ĐIỆN HOÀNG GIA
Vị vua của xứ Balkh (miền bắc Afghanistan) tên là Ebrahim ibn Adam rất giàu có của cải vật chất. Nhưng đồng thời, ông ấy cũng là người thành tâm, không ngừng nỗ lực để trở nên giàu có về mặt thiêng liêng. Một đêm nọ, nhà vua bị đánh thức khỏi giấc ngủ bởi những bước đi lộp cộp nặng nề trên mái nhà phía trên giường của ông. Hết sức cảnh giác, ông ta hô lên: “Ai ở đó?”
– “Một người bạn,” có câu trả lời từ mái nhà. “Tôi đã đánh mất lạc đà của mình.”
Vô cùng tức giận vì sự vô lí và ngu ngốc đó, Ebrahim hét lên: “Đồ ngu! Mày lại tìm một con lạc đà trên mái nhà của tao à? ”
-“Đồ ngốc!” Giọng nói từ mái nhà đáp lại. “Còn ông đang tìm kiếm Chúa trong bộ quần áo lụa là gấm vóc và nằm trên chiếc giường vàng, phải không?”
* Câu chuyện này được nhà thần học dòng Tên Walter G. Burghardt kể lại. Ngài cho biết thêm là: những lời nói đơn giản này đã khiến nhà vua khiếp sợ đến mức ông đã trỗi dậy khỏi giấc ngủ, và sau đó biến đổi để trở thành một vị thánh đáng chú ý nhất. Vào mỗi dịp Giáng sinh, Chúa Giêsu cũng hỏi mỗi người chúng ta cùng một câu hỏi: “Các bạn đang tìm kiếm Ta ở đâu? Trong những thánh đường được trang hoàng lộng lẫy và được chiếu sáng hay trong những ngôi nhà tồi tàn của những người nghèo khổ và thiếu thốn?”
- MỘT CÁCH CỬ HÀNH GIÁNG SINH
Khi Đức Giáo hoàng Julius I cho phép ngày 25 tháng 12 được coi là ngày sinh nhật của Chúa Giêsu vào năm 353 sau Công nguyên, ai có thể nghĩ rằng nó sẽ trở thành một cảnh tượng như ngày nay? Vào năm 1223, khi Thánh Phanxicô Assisi sử dụng một hang động gần chỗ ngài ở để dựng một máng cỏ bằng rơm, và bạn của ngài, Vellita, mang vào đó một con bò và một con lừa, giống như những người ở Bêlem thực sự, có ai thấy được ý tưởng mới lạ đó sẽ còn tiến đến đâu trải qua nhiều thế kỷ tiếp theo. Khi Giáo sư Charles Follen thắp nến trên cây thông Noel đầu tiên ở Mỹ vào năm 1832, ai có thể nghĩ rằng những món đồ trang trí Giáng Sinh sẽ trở nên công phu cầu kì như ngày nay? Có một truyền thuyết (chưa được kiểm chứng) kể lại rằng Martin Luther chịu trách nhiệm về nguồn gốc của cây thông Giáng Sinh. Câu chuyện này kể rằng vào một đêm Giáng Sinh, khoảng năm 1500, ông ta đi bộ qua khu rừng phủ đầy tuyết và bị thu hút bởi vẻ đẹp của tuyết lấp lánh trên cây. Những cành cây phủ đầy tuyết lung linh dưới ánh trăng rất sống động. Về đến nhà, ông dựng một cây linh sam nhỏ và chia sẻ câu chuyện Giáng Sinh với các con. Ông trang trí cây thông Noel bằng những ngọn nến nhỏ rồi thắp lên để tôn vinh ngày sinh của Chúa Giêsu.
* Trong năm 2020 này, tuy gánh nặng kinh tế dịch Covid-19 tạo ra, người ta vẫn cảm thấy phấn khích để trang trí cầu kỳ và thương mại hóa rầm rộ xung quanh lễ Giáng Sinh. Chúng ta hẳn có một thái độ khác để cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh, đó là tập chú vào Đấng mà chúng ta kỷ niệm ngày sinh của Người.
Lm. Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm và hiệu chỉnh