Giải thích một số từ ngữ trong đạo Công Giáo – Đạo yêu thương

print

Giải thích một số từ ngữ trong đạo Công Giáo

Bí Tích

Dấu hiệu hữu hình người ta có thể thấy, nghe, sờ mó được. Ví dụ: nước, dầu, lời nói. Trong nghi thức tôn giáo, những chất liệu này được dùng để diễn tả thực tại vô hình, qua đó người tin Chúa cảm nhận Thiên Chúa đang có mặt ở đó để chữa lành, tha thứ, nuôi dưỡng, ban sức mạnh để sống yêu thương.

Cứu độ

Cứu là giúp, chữa trị, giải thoát khỏi cảnh đau thương. Độ là cứu vớt, đưa từ bờ này sang bờ kia. Cứu độ có nghĩa là sự giải thoát, chữa lành của Thiên Chúa, để đưa chúng ta từ đời sống cũ đến đời sống mới, nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người.

Đấng Cứu Độ

Cũng được gọi là Đấng Cứu Thế hoặc Đấng Cứu Chuộc. Giáo Hội Công Giáo  dành riêng tước hiệu Đấng Cứu Độ cho Đức Giêsu Kitô. Bằng cách hiến trọn thân mình cho Thiên Chúa và loài người, Đức Giêsu Kitô đã đưa nhân loại thoát vòng nô lệ tội lỗi, để tiến đến tình trạng tự do của con cái Thiên Chúa.

Giám Mục

Đức Giám Mục là người kế vị Các Thánh Tông Đồ, để chăm sóc đời sống đức tin của các cộng đoàn Kitô hữu. Thông thường, Đức Giám Mục là người đứng đầu một giáo phận.

Giáo Hoàng

Đức Giáo Hoàng là từ được dùng để chỉ người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, còn gọi cách kính trọng là Đức Thánh Cha. Đức Giáo Hoàng hiện nay (2013-) là vị giáo hoàng thứ 266 trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, lấy danh hiệu là Phanxicô.

Giáo lý

Những nội dung cốt yếu và căn bản của một tôn giáo. Giáo lý của đạo Công Giáo được trình bày đầy đủ và chính thức trong cuốn Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.

Nhà Thờ

Cũng được gọi là Giáo Đường hoặc Thánh Đường, là nơi các tín hữu thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện và tham dự các nghi thức phụng vụ. Cấu trúc Nhà Thờ gồm hai phần chính: phần cung thánh và phần dành cho giáo dân.

Linh Mục

Người chăm sóc đời sống thiêng liêng. Các linh mục cộng tác và chia sẻ trách nhiệm với vị giám mục giáo phận để chăm sóc đời sống thiêng liêng của một cộng đoàn được trao phó cho các ngài.

Linh hồn

Sự sống thiêng liêng, phần thâm sâu và giá trị nhất nơi con người. Linh hồn con người được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng, chứ không do cha mẹ sinh ra. Linh hồn thì bất tử.

Phúc Âm

Phúc có nghĩa là điều lành; Âm là tin báo. Phúc Âm là Tin tốt lành, nên cũng được gọi là Tin Mừng. Sách Phúc Âm chỉ bốn quyển sách đầu tiên trong bộ Thánh Kinh Tân Ước, do bốn tác giả Matthêu, Maccô, Luca và Gioan ghi chép lại cuộc đời, lời giảng dạy, cuộc khổ nạn và sự sống lại của Chúa Giêsu.

Rửa Tội

Giáo Hội Công Giáo có bảy bí tích: Rửa Tội: là bí tích đầu tiên, nền móng cho tất cả đời sống Kitô hữu, là cửa dẫn vào Giáo Hội. Nhờ bí tích Rửa Tội, con người được giải thoát khởi tội lỗi, trở nên con cái Thiên Chúa… và chi thể trong Thân Thế mầu nhiệm của Đức Kitô. Bí tích Rửa Tội cũng được gọi vắn tắt là Phép Rửa.

Thánh Kinh

Sách Thánh Kinh của Giáo Hội Công Giáo gồm 73 cuốn, chia làm hai phần chính: Cựu Ước (46 cuốn) và Tân Ước (27 cuốn).

Thiên thần

Cũng được gọi là Thiên sứ. Theo niềm tin của người Công Giáo, các thiên thần là những thụ tạo thiêng liêng, được Thiên Chúa dựng nên để sống trong hạnh phúc trọn vẹn với Ngài và thi hành sứ mệnh Ngài trao phó.
– Mỗi người chúng ta đều có một Thiên thần hộ mệnh, gìn giữ và khuyên bảo làm những việc lành.

Tiên tri

Tiên có nghĩa là trước, hướng dẫn; tri là hiểu biết, thông truyền.
– Trong Kinh Thánh, tiên tri là người được Thiên Chúa gọi làm sứ giả của Chúa. Các tiên tri nhân danh Chúa mà nói và thông truyền sứ điệp của Thiên Chúa, đôi khi báo trước những điều sẽ xảy ra. Các tiên tri cũng được gọi là ngôn sứ.

Tu sĩ

Các Kitô hữu dâng hiến trọn vẹn đời sống và tình yêu của họ cho Thiên Chúa, vì  thế, họ từ bỏ mọi sự để bước theo Chúa Giêsu trong đời sống khó nghèo, độc thân
khiết tịnh, vâng phục.

Tín điều

Những chân lý đức tin và luân lý mà các tín hữu buộc phải tin, sau khi đã được Giáo Hội định tín.

Tội lỗi

Theo nghĩa thông thường, tội lỗi là điều làm trái pháp luật, trái với điều luật của tôn giáo. Theo Thánh Kinh, tội lỗi là lỗi phạm đến chân lý, trái với lương tâm ngay chính, xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân.

Tôn giáo

Một tín ngưỡng có tổ chức với hệ thống giáo lý và niềm tin vào Đấng thiêng liêng. Tôn giáo thế hiện lòng con người khao khát Thiên Chúa và luôn mong mỏi tìm kiếm Ngài, hoặc ít ra là những giá trị Chân-Thiện-Mỹ.