Đức Tổng Marek Zalewski Giảng Lễ Tại Nhà Thờ Chánh Tòa Cần Thơ

Bài Giảng  Của Đức Tổng Marek Zalewski Tại Nhà Thờ Chánh Tòa Cần Thơ

Hôm nay chúng ta nghe câu chuyện đó từ đoạn Tin mừng, khoảnh khắc kết nối với chúng ta khi Chúa Giêsu chữa người đầy tớ tê bại của viên đại đội trưởng, và Chúa rất ấn tượng về đức tin của ông đặt trọn nơi Ngài. Để hiểu rõ giá trị câu chuyện này hơn, tất cả chúng ta hãy tìm hiểu bối cảnh và tình huống mà trong đó sự tương tác giữa Chúa chúng ta và viên đại đội trưởng đã diễn ra.

Vào thời điểm ấy, vùng đất Giuđa cũng như Galilêa và Samaria, là những nơi Chúa thi hành thừa tác vụ cứu độ con người, đều nằm dưới sự thống trị của Đế quốc Rôma.

Có thể viên đại đội trưởng hay viên quan bách quân này là thành phần của quân đoàn Rôma hoặc quân đội đóng trong vùng vì mục đích gìn giữ hòa bình và bố trí lực lượng. Như vậy, viên đại đội trưởng được nhắc đến trong Tin mừng hôm nay có thể không phải là người Do Thái.

Người Do Thái sống tại Giuđêa chẳng hạnh phúc gì khi sống dưới ách cai trị của Rôma vì họ phải đóng thuế và tuân thủ các nghĩa vụ khác, mặc dù người Rôma tôn trọng phong tục và đức tin của người Do Thái, cho phép họ tiếp tục cuộc sống của mình như vốn có.

Người Do Thái xem thường mọi giao thiệp với người Rôma, cũng như với người ngoại, người Hy Lạp và tất cả những người không tin vào Thiên Chúa hoặc không giữ luật Môisê. Một người Do Thái không nên vào nhà một người ngoại, nếu không người ấy sẽ bị coi là ô uế và bất xứng.

Như vậy, nếu Chúa Giêsu vào nhà viên đại đội trưởng, Ngài sẽ bị coi là ô uế, và kẻ thù của Chúa sẽ có lý do để công kích Ngài, vì cấu kết với dân ngoại.

Viên đại đội trưởng hẳn là nhận thức được thực tế này, và có thể đó là lý do tại sao ông thốt lên những lời nổi tiếng đúng lúc với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tới tôi được khỏi bệnh”.

Đây là những lời mỗi người và mọi người chúng ta thốt lên trong mỗi buổi cử hành Thánh lễ sau Kinh Chiên Thiên Chúa, khi Ngài (chính) là Mình và Máu Châu Báu được tặng ban cho chúng ta, những kẻ tội lỗi.

Nhận ra chúng ta là những tội nhân, chúng ta hãy thốt lên những lời giống như viên đại đội trưởng. Ông biết Chúa Giêsu là Đức Chúa, và nhận ra thực tế và sự thật ấy, và làm thế nào ông ta, một người ngoại, không xứng đáng với Chúa Giêsu, một người Do Thái, và hơn thế nữa, với tư cách là Đức Chúa và Chủ Tể vạn vật, đến nhà ông.

Vì thế, ông tin rằng, vì chúa Giêsu là Đức Chúa và là Thiên Chúa, Ngài chỉ cần phán một lời, và ý định của Ngài sẽ được thực hiện, và người đầy tớ được chữa lành.

Niềm tin này hẳn tương phản với sự thiếu lòng tin giữa những người Chúa Giêsu đã thực hiện các phép lạ và những việc lạ lùng, ngay cả với các môn đệ và những kẻ theo Ngài.

Thậm chí những người Pharisiêu và những thầy thông luật còn đòi Chúa Giêsu cho họ những dấu lạ từ trời để họ tin vào Ngài. Những con người ấy đã thấy những dấu lạ được thực hiện nhưng vẫn không tin, vì họ đã chủ động chọn không tin vào Thiên Chúa và cứng lòng chống lại Ngài.

Đây là lời nhắc nhở tất cả chúng ta là những Kitô hữu, điều mỗi người và mọi người chúng ta phải lĩnh hội từ đức tin của viên đại đội trưởng. Chúng ta cần được truyền cảm hứng từ đức tin và sự dấn thân thuần khiết mà viên đại đội trưởng đã bày tỏ với Chúa, tin vào Ngài hơn là nói lời bào chữa và nghi ngờ những gì Ngài có thể làm. Thật không may nhiều người trong chúng ta thường không bày tỏ với Chúa với cùng một niềm tin viên sĩ quan đã thể hiện.

Vì vậy, điều quan trọng là trong Mùa Vọng này, chúng ta nên chuẩn bị bản thân chu đáo: con tim, thể xác, tâm trí, và linh hồn, toàn thể con người chúng ta, để chào đón Chúa Giêsu, không chỉ đơn thuần kỷ niệm việc giáng sinh của Ngài trong trần gian, mà thay vào đó là đón rước Ngài đến với chúng ta cách trọn vẹn, đến với cả con người chúng ta.

Chúng ta đã đón nhận Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể nơi Thánh lễ, nhưng thật sự chúng ta có suy ngẫm về những gì chúng ta đã nhận được, đó không gì khác hơn là chính Chúa không? Amen.

print