Giảng Lễ Khấn đầu năm 2021: Hội Dòng Con Đức Mẹ,

print

Lễ Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời

(Lc 2,16-21)

Giảng Lễ Khấn đầu năm 2021:

Hội Dòng Con Đức Mẹ, Bình Thủy, Cần Thơ

          Kính thưa Đức cha, quý cha, quý bề trên, quý tu sĩ, và toàn thể cộng đoàn;

          Được ĐGM trao trọng trách chia sẻ trong lễ khấn; hơi căng và khá bí, tôi chạy ngay tới Đức Mẹ, mẹ ơi, cứu con, sát nút rồi, chỉ còn 3 ngày chẵn.

          Lễ hôm nay đúng ra là: “6 Trong 1”: + 1. Cuối tuần bát nhật GS + 2. Tết đầu năm dương lịch. + 3. Ngày thế giới cầu cho Hòa bình. + 4. Bổn mạng Hội Dòng CĐM và Họ đạo Bình Thủy. + 5. Kim Khánh của dì Pélagie Phước và là dịp một số dì khấn lần đầu, khấn trọn. + 6. Có ĐGM và quý cha, quý dì, quý thân hữu và quý khách đầu năm đến “xông đất” tại Bình Thủy. – Xin chúc mừng, mừng chung mọi lý do cho chắc ăn, kẻo lỡ quên, bỏ sót. 

– Về Tết đầu năm mới dương lịch, mỗi người thêm 1 tuổi, “Càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan, nhân đức trước mặt TC và loài người”, (xin chúc mừng).

– Về Hòa bình, bình an cho suốt năm: Năm 2019 thế giới đã nhận món quà khủng khiếp do Virus Corona 2019 tặng với tên là Covid-19. Năm nay thôi cứ cầu xin Chúa ban cho 2 chữ Bình an.

– Dịp Bổn mạng hội dòng, cũng là dịp một dì mừng lễ Kim khánh khấn dòng, một số dì tuyên khấn, và được Đức cha, quý cha, quý dì, quý thân hữu và quý khách tới, xin tạ ơn Chúa và tri ân tình người. 

– Bây giờ xin phép tập trung vào 1 chủ đề trong đời sống tu trì nhân dịp lễ Kim khánh và lễ khấn dòng.

– Trong cuốn Đường-Hoàn-Thiện của thánh Têrêsa Avila, tiến sĩ Hội thánh, ngài có nhắn nhủ con cái nữ tu của ngài với chủ đề ở chương 15, như sau: “Lợi ích đạt được khi biết chịu đựng không chữa mình, mặc dầu bị phạt khi không lầm lỗi.”

– Mới đọc cái chủ đề, thấy hơi oải. Ôi, nó cũ quá rồi, xưa quá rồi, quá đát từ lâu, thời nay ai lại làm như thế! Phải chăng đây là kiểu tu “vâng lời tối mặt”; dù bề trên sai mình đi trồng cây ngược đầu, cứ vâng lời mà làm. Ôi còn đâu là nhân bản tối thiểu, đâu là sự hợp lý, sự khôn ngoan, sự tôn trọng lý trí, đối thoại và phẩm giá con người!

– Tôi  đã thử đưa đề tài này ra trong lớp liên dòng các nữ tu để xem các chị có ý kiến ra sao, và được trả lời: “Thưa cha con thấy đây là thuộc về các vị tu sĩ siêu đẳng ngày xưa; chứ chúng con thì xin thua”.

– Về sau này, khi cầu nguyện, tôi thấy đây chỉ là câu trả lời trong một lớp học môn tu đức và tâm lý. Tâm lý, “lý của cái tâm”. Thế còn môn học tạm gọi là “siêu-nhiên-lý” thì sao.

          Tôi nghĩ:  Câu“Lợi ích đạt được khi biết chịu đựng không chữa mình, mặc dầu bị phạt khi không lầm lỗi” không hẳn chỉ là biết đè nén sự cay đắng, tức tối, tự ái. Nhưng vấn đề chính ở đây là: Không tập trung nhìn vào chính vụ việc, chính biến cố đang xảy ra; không tập trung vào cách ứng xử của bề trên, nhưng tập trung nhìn vào chính bản thân của mình. Mình hãy lo tu sửa, làm chủ được chính con người của mình; làm sao mình biết tự nguyện xay nát cái tôi của mình, như hạt lúa thành bột, để rồi Chúa Thánh Thần sẽ dễ dàng dùng bột đó đúc nặn nên bất cứ hình thù nào Ngài muốn, bất cứ hoàn cảnh và công tác nào ngài định dành cho tôi. Tôi từ bỏ cái tôi, để rồi sẽ lấy lại nó, sau khi đã được tu sửa. Tôi sẽ là dụng cụ thật dễ sử dụng theo Ý Chúa. Khi đó, đời tôi sẽ trở nên như cây bút để Chúa tùy nghi sử dụng, như thánh Têrêsa Hài Đồng nói. Đời tôi sẽ trở thành thành bài thơ, sẽ trở thành như cây sáo, như Tagore nói, và Thần Khí sẽ thổi vào nó, và vang lên những làn điệu vi vu trầm bổng. Tôi sẽ là cánh buồm sẵn sàng đón nhận luồng gió Thần Khí, và tôi sẽ mạnh bạo ra khơi.

          Muốn được như vậy, cái tôi của tôi phải được tôi luyện trong “lò bát quái” cực kỳ của Chúa. Tôi không còn mải miết để bảo vệ cái tôi, che chắn cho cái tôi, bảo toàn cái tôi ở tầm mức tạm gọi là tâm lý nhân bản tối thiểu, theo cái nhìn của người đời. Tôi cần tự nguyện chịu tử đạo hằng ngày, để cục vàng được thanh luyện tinh ròng hơn. Đâu là theo sát Đức Kitô, với việc “tự hủy, tự bóc lột mình”. Đâu là noi theo phong cách sống của Đức Kitô: hiến thân, quên mình, phục vụ, tìm niềm vui khi đem hạnh phúc cho người, dù mình phải thiệt thân.

          Vấn đề chính yếu ở đây, chính là trình độ của đức khiêm nhường nơi tôi; của việc làm chủ được cái tôi của mình. Tôi không cay đắng, ấm ức, tức tối, nhưng an bình, thoải mái, vui vẻ tận đáy lòng. Bằng không, người ta có thể đưa ra nhận xét rằng: tôi “càng tu, thì chất tu càng mỏng đi, và cái tôi càng dầy lên”. Hoặc như nhà thơ Lê Đạt phê phán cách sống  qua bài thơ Ông Bình Vôi; nói lên tình cảnh một số người, càng sống, tấm lòng, con tim, cái lõi càng nhỏ bé lại:

   Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

    Y như một cái bình vôi

    Càng sống càng tồi

    Càng sống càng bé lại…

          Người ta có thể nghĩ là tôi ngu, không biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, thiếu suy nghĩ, thậm chí là hèn. Nhưng trong cầu nguyện, Chúa đã chỉ cho tôi sự khôn ngoan của Chúa. Chúa đã chỉ cho tôi phải nhắm mục tiêu xa hơn, cơ bản hơn, thay vì luẩn quẩn với mấy bước nhỏ nhoi, với tính toán của cái tôi tầm thường vụn vặt của mình. Làm sao tôi tránh khỏi phải chứng kiến cảnh tạm gọi là “càng thắng, càng thua”: Khi một người cứ mải miết tranh đua để đôi co, để giành phần thắng, để quyết tâm vạch mặt chỉ tên, xúc phạm người khác, cứ đòi phải rạch ròi trắng đen… Thắng quá như thế, cuối cùng, chắc chẳng ai dám đề nghị cho người đó khấn để trở thành thành viên vĩnh viễn của một cộng đoàn. Tôi tự nghĩ, nếu bản thân tôi ổn thì cộng đoàn mới ổn, và khi đó công tác mục vụ tôi làm mới có giá trị thật.

          Để minh họa cho sự tinh luyện này, xin mượn câu chuyện Luyện gà trong sách Cổ Học Tinh Hoa:

          Vua Tuyên Vương sai Kỷ Sảnh nuôi một con gà chọi.

+ Được mười hôm, vua hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?” – Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà hăng lắm, chưa thấy gà khác đã muốn chọi rồi”.

+ Cách mười hôm, vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?” – Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được. Gà còn hăng, mới thấy bóng gà khác đã muốn chọi rồi”.

+ Cách mười hôm, vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?” – Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà còn hơi hăng, trông thấy gà khác đã muốn chọi rồi”.

+ Mười hôm sau, vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”. – Kỷ Sảnh thưa: “Được rồi. Gà bây giờ, cho nghe thấy tiếng gà khác cũng không cho vào đâu. Trông, thì tựa như gà gỗ; mà thực, thì đủ các ngón hay. Gà khác coi thấy cũng đủ sợ, phải lùi chạy”.

Lời bàn trong sách:

  1. Chưa trông thấy gà khác, đã muốn chọi, thế là tức khí hão, chớ vị tất chọi mà đã được.
  2. Trông thấy bóng gà khác, đã muốn chọi, thế là cậy khỏe, chớ vị tất chọi mà đã được.
  3. Trông thực thấy gà khác đã muốn chọi, thế là còn hiếu thắng chớ vị tất chọi mà đã được.

          Chỉ đến lúc mất hết tất cả tức khí, cậy khoẻ, hiếu thắng, luyện đã được hình toàn, thần toàn, đủ hết cả ngón hay, mà trông bề ngoài trơ ra như gỗ, là lúc ấy mới chọi được, có khi không phải đợi chọi, gà khác ngó thấy cũng đủ sợ mà trốn tránh rồi. Thế mới hay những bậc thánh hiền chỉ thu cái tài vào khuôn phép, nên cái khí vào tâm thần, chỉ cốt trong mình cho đầy đủ, không có ý gì tranh cạnh với ai, mà thiên hạ hồ dễ đã ai tranh cạnh nổi. Chờ những kẻ chỉ vụ bề ngoài, chăm chăm danh lợi, có tranh giành mới lấy làm vui lòng, có tham lam mới lấy làm mãn nguyện, còn những hạng tầm thường, có khi hại đến thân mà vẫn tự đắc cho là phải.

          Thưa cộng đoàn, luyện gà mà còn là như vậy. Chẳng có một lý tưởng để theo; chẳng có một mẫu gương để phấn đấu, mà theo sát; thế mà bắt con gia cầm phải từ bỏ đủ thứ. Nó phải bỏ mọi thứ hỉ nộ ái ố, phải thay đổi đến bản tính tự nhiên của nó. Nó đã rũ bỏ toàn bộ tính khí của nó đi để trở thành con số không, một hình ảnh gợi ta nghĩ đến chuyện “tự hủy”, “tự bóc lột”, “trở nên khó nghèo”. (Gợi cho chúng ta hình ảnh Chúa Hài Đồng nơi máng cỏ). Nhưng mục đích để làm gì? Chỉ để hơn thua một chút trong sân gà!

          Thế còn luyện người, tu luyện thì sao? Câu chuyện nhắc chúng ta quan tâm trau dồi đời sống nội tâm. Hãy xét xem ta đang quen chấp nhất thế nào? Tính hữu chấp đang nặng nề tới đâu trong đời ta?  Cái tôi, cái ý riêng có đang làm quyền trong đời ta không? Hơi một chút là đòi phải cho ra lẽ. Nếu ta đã điều hành được ý riêng, hoặc có thể nói, “nếu ta khuất phục được chính bản thân ta” theo ý Chúa, thì việc vâng lời, tuân phục bề trên là chuyện nhỏ. Nếu ta biết trở nên nghèo khó, làm trống tâm hồn khỏi các ý riêng ích kỷ, chúng ta trở nên giàu có, và từ đó dễ dàng dồn hết tình yêu để kết hợp mật thiết với Đấng Lang Quân chí thánh.

          Để kết luận, xin chúc quý tu sĩ, đặc biệt quý dì mừng lễ hôm nay tu đắc đạo, đạt tới cái người ta quen gọi là “thành chánh quả”. Có thể hiểu là có được Hoa quả của Thần khí là yêu thương, hoan lạc, và bình an. (Gl 5, 22). Như thế chúng ta “trở thành dấu hiệu xán lạn trong Giáo Hội, và tiên báo vinh quang Thiên Quốc”. (GL, điều 573).

          Lạy mẹ Maria, mẹ đã vâng phục với tiếng Fiat; mẹ miệt mài suy niệm các biến cố đời Chúa trong lòng, xin mẹ dạy chúng  con biết noi theo. 

          Mẹ ơi, con cám ơn!    

Bình Thủy, Cần Thơ, 1.1.2021

Lm Matt. Hoàng Đình Ninh