Giáo Lý 5 Phút GPCT Tháng 1/2019: Giáo Huấn 5-9 (Có Giải Thích)

print

Giáo Lý 5 Phút GPCT Tháng 1/2019: Giáo Huấn 5-9 (Có Giải Thích)

 

GIÁO HUẤN SỐ 5: CÁC ĐAM MÊ.

GIÁO HUẤN SỐ 6: LƯƠNG TÂM..

GIÁO HUẤN SỐ 7: LƯƠNG TÂM NGAY THẲNG & CHÂN THẬT.

GIÁO HUẤN SỐ 8: HUẤN LUYỆN LƯƠNG TÂM..

GIÁO HUẤN SỐ 9: PHÁN ĐOÁN SAI LẦM..

GIÁO HUẤN SỐ 5: CÁC ĐAM MÊ

H.Các đam mê là tốt hay xấu? (390)

T. Các đam mê được xem là tốt hay xấu, khi được dùng làm điều tốt hay điều xấu. Chúng có thể được thăng hoa thành các nhân đức hay thoái hoá thành các thói hư tật xấu.

Lời Chúa dạy ta rằng: “Đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến phục vụ lẫn nhau”. Những hành động chúng ta làm còn bị chi phối bởi các đam mê, là yêu, ghét, ước muốn, sợ hãi, vui, buồn, phẫn nộ. Theo lời Chúa Giê-su, “từ lòng người” phát xuất các rung động đam mê này.Ta cần phải dùng lý trí điều khiển các đam mê. Để nhờ Chúa Thánh Thần tác động, những tình cảm của ta được kiện toàn, nghĩa là được luôn hướng tới mến Chúa yêu người, tới hạnh phúc đích thực. Như lời Thánh vịnh: “Cả tấm thân con cùng tấc dạ, hướng lên Chúa Trời hằng sống, mà hớn hở reo mừng” .

Đức thánh cha Phan-xi-cô đã khích lệ chúng ta trước những đam mê rằng: “Giáo hội, vốn thánh thiện, nhưng lại được hình thành bởi các tội nhân… Khi bạn cảm thấy bị cám dỗ ì ạch trong những yếu đuối (đam mê xấu), hãy hướng mắt về Đức Ki-tô chịu đóng đinh, và nói: “Lạy Chúa! Con là tội nhân khốn khổ, nhưng xin Chúa có thể làm phép lạ cho con nên khá hơn một chút…” .

GIÁO HUẤN SỐ 6: LƯƠNG TÂM

H. Lương tâm là gì? (391)

T. Lương tâm là luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã đặt sẵn trong lòng con người, để soi dẫn họ làm lành lánh dữ.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Mỗi người chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình, trước mặt Thiên Chúa” . “Luật trong lòng con người” đây là tiếng lương tâm, là lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong lòng ta, là điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người, nơi con người hiện diện một mình với Thiên Chúa, và tiếng nói của Chúa vang dội trong cõi lòng ta” .

Chúng ta có gương sống của Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Cần : Quan bảo thầy cứ nhắm mắt lại, để quan cho lính lôi qua Thánh giá rồi tha về, nhưng thầy khảng khái đáp: “Thưa quan,mắt nhắm được, chứ lòng đâu nhắm được!”.

GIÁO HUẤN SỐ 7: LƯƠNG TÂM NGAY THẲNG & CHÂN THẬT

H. Thế nào là lương tâm ngay thẳng và chân thật ? (394)

T. Đó là lương tâm phù hợp với những gì là đúng và tốt, theo lý trí và Lề luật của Thiên Chúa.

Lời Chúa trong thư Thánh Phao-lô xác định về lương tâm ngay thẳng và chân thật rằng:“Chúng tôi tự hào, là lương tâm chúng tôi làm chứng rằng: chúng tôi lấy sự thánh thiện và chân thành Thiên Chúa ban, mà cư xử với người ta”. Như vậy, trong lời nói và hành động, ta phải trung thành tuân theo điều lý trí cũng như lòng mình biết là chính đáng và ngay lành, vì đó là do lương tâm, “là lề luật tinh thần của con người, nhưng vượt trên con người. Nó ra lệnh, nêu lên những trách nhiệm và bổn phận, những gì chúng ta phải tránh sợ, và những gì chúng ta được phép ước muốn… Đó là vị đại diện thứ nhất trong các đại diện của Chúa Ki-tô, và là sứ giả của Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta sau bức màn, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, trong cuộc sống tự nhiên cũng như ân sủng”.

Vì vậy, trước lối sống xô bồ hiện nay, thường khiến chúng ta trốn tránh hồi tâm kiểm điểm… chúng ta càng phải lắng nghe lời nhắn nhủ, từ kinh nghiệm hoán cải của Thánh Au-gu-ti-nô: “Hãy quay về với nội tâm, để tự vấn lương tâm. Trong mọi sự chúng ta làm, hãy nhìn lên Thiên Chúa, Ngài chứng giám cho chúng ta” .

GIÁO HUẤN SỐ 8: HUẤN LUYỆN LƯƠNG TÂM

H. Làm thế nào để huấn luyện lương tâm ngay thẳng và chân thật? (395)

T. Phải huấn luyện lương tâm qua việc thấm nhuần Lời Chúa, và các giáo huấn của Hội thánh, qua việc cầu nguyện, xét mình, nghe theo lời khuyên của những người đạo đức khôn ngoan.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này, với đức tin và lương tâm ngay thẳng”.

Việc huấn luyện lương tâm là nhiệm vụ phải phấn đấu, theo đuổi suốt đời. Từ nhỏ, trẻ em phải được hướng dẫn để nhận biết, và thực hành theo lương tâm. Lương tâm ngay thẳng và chân thật phải theo 3 nguyên tắc căn bản: Một là không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt; Hai là làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình ; Ba là tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ.

Chúng ta có gương tận tâm huấn luyện của thánh nữ I-nê Thành:

Con gái bà đã làm chứng trước tòa án phong thánh rằng: “Mẹ chúng con rất chăm lo giáo dục con cái. Chính mẹ dạy đọc sách và học giáo lý, sau lại dạy cách tham dự Thánh lễ và xưng tội rước lễ. Mẹ thúc giục chúng con cho bằng được mới thôi…”.

GIÁO HUẤN SỐ 9: PHÁN ĐOÁN SAI LẦM

H.Có những nguyên nhân nào khiến ta đưa ra những phán đoán sai lầm không? (397)

T. Có ba nguyên nhân này:

– Một là do không chịu học hỏi, khiến lương tâm ta thiếu hiểu biết.

– Hai là do thói quen phạm tội, khiến lương tâm ta dần dần trở

nên mù quáng.

– Ba là do những hoàn cảnh bên ngoài tác động đến lương tâm.

Những nguyên nhân này đã được Lời Chúa cảnh báo: “Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng, nên đức tin của họ đã bị chết chìm”. Vì 3 guyên nhân trên, ta phải chịu trách nhiệm về điều sai lầm đã làm… Nếu không thể khắc phục     được tình trạng thiếu hiểu biết, hoặc nếu phán đoán sai lạc không do trách nhiệm của người đó, thì người đó không chịu trách nhiệm về điều xấu đã làm. Nhưng điều xấu vẫn là xấu; phải ra sức uốn nắn lương tâm khỏi sai lầm, qua việc rèn luyện lương tâm, như Giáo Huấn số 8 tuần trước đã dạy.

Chúng ta có tấm gương tuyệt vời của ba Thánh binh sĩ Au-guti-nô Huy, Ni-cô-la Thể, Ða-minh Ðạt: sau khi yếu đuối chối đạo, ba ông quyết tìm lại lương tâm bình an, sửa lại gương xấu đã làm, nên sau khi đi xưng tội, từ Nam Định, ông Huy và Thể đã vào tận kinh đô Huế, xin cho cả ba được tuyên xưng đức tin.

Đến tháng 6.1839, các Ngài đã được phúc tử đạo.