Giáo Lý Dự Tòng: Gặp gỡ 1: Thiên Chúa gặp gỡ con người

print

Gặp gỡ 1: Thiên Chúa gặp gỡ con người

I. DẪN VÀO LỜI CHÚA

– Cầu nguyện đầu giờ.

– Một người theo thuyết hoài nghi những chuyện tôn giáo hỏi một bà cụ đạo Công Giáo : Làm sao cụ có thể chứng minh Thánh Kinh là Lời Chúa, Lời luôn được coi là nền tảng của Giáo Lý Đạo Công giáo ? Cụ bà hỏi lại : Vậy con có thể chứng minh là có mặt trời trên không trung không ? Anh ta trả lời : Có chứ ạ, vì mặt trời sưởi ấm, chiếu sáng, soi đường cho con ! Bà cụ đáp lại : Cũng thế, Thánh Kinh thực sự là Lời Chúa…vì Thánh Kinh sưởi ấm, soi sáng cho Bà, cho hàng tỷ người suốt mấy ngàn năm qua !…Cuộc trao đổi cho chúng ta thấy về con đường Thiên Chúa Gặp Gỡ con người qua Thánh Kinh…

Mời Bạn bắt đầu cuộc hành trình Gặp Gỡ ấy qua việc tìm hiểu về Giáo Lý Đạo Công Giáo, cũng gọi là Đạo Thiên Chúa. Gọi là  Đạo Thiên Chúa vì đây không phải là con đường do con người tìm tòi ra, nhưng là con đường do Thiên Chúa tìm đến gặp gỡ con người mà chúng ta sẽ trao đổi trong Gặp Gỡ 1 này, dựa trên Lời Chúa sau đây :

II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do thái (Dt 1, 1-2) :

“Thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các Ngôn Sứ mà phán dạy cha ông chúng ta. Nhưng vào thời sau hết, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Con của Người”. 

Đó là Lời Chúa (Tạ ơn Chúa).

III. DẪN GIẢI LỜI CHÚA

A. Vì sao Thiên Chúa đã muốn đến gặp gỡ con người ?

“Vì Thiên Chúa đã yêu con người…đã muốn tất cả những ai tin Con của Người thì được sống đời đời”  (Ga 3, 16).

B. Thiên Chúa đến với con người qua những con đường nào ?

  1. Con đường “trí khôn” :

Thư gửi tín hữu Rô-ma (1, 19-20) viết : “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ : Thực vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được, tức là quyền năng và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể thấy được qua công trình tạo thành ấy của Người”.

Như vậy, nhờ trí khôn, con người có thể gặp gỡ, nhận biết Thiên Chúa, bằng hai cách :

(1) Bằng nhìn ngắm vũ trụ :

–           “Những gì hiển nhiên trước mắt” là các công trình nơi vũ trụ.

–           Khi nhìn ngắm các công trình trong vũ trụ, trí khôn ta suy ra ngay rằng : “Có khói thì phải có lửa”… Cũng vậy, khi nhìn ngắm vũ trụ với trật tự lạ lùng, vẻ đẹp kỳ diệu, con người nhận ra phải có Thiên Chúa  là Đấng dựng nên và an bài.

(2)  Bằng nhìn vào lòng mình :

Ngoài ra, khi nhìn vào lòng ta, ta thấy có “lương tâm, tự do, và khát vọng hạnh phúc vô biên” :

–           Lương tâm là tiếng nói giúp phân biệt lành dữ : làm được điều tốt lành, ta cảm thấy lòng mình an vui; làm điều xấu, ta thấy bức rức..!

–           Tự do : là khả năng giúp ta chọn điều tốt thay vì điều xấu. Khi biết chọn làm điều tốt lành là ta đã sử dụng đúng sự tự do.

–           Khát vọng hạnh phúc vô biên : tận đáy lòng, con người luôn khát vọng vươn tới vô tận, tới hạnh phúc vô biên, như lời cầu nguyện của Thánh Au-gu-ti-nô : “Chúa đã dựng nên con, nên lòng con khắc khoải, cho tới khi tâm hồn con được an nghỉ trong Chúa !” (Tự thuật 1, I, 1).

Như vậy, trí khôn, lương tâm, tự do, khát vọng hạnh phúc vô biên là những khả năng, những ân huệ mà chỉ Thiên Chúa mới có thể trao ban, để nhờ đó con người có thể nhận biết, hiệp thông với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, những khả năng này rất hạn hẹp, do ảnh hưởng của tội lỗi, cám dỗ và những hoàn cảnh xấu, nên trí khôn ta không phải lúc nào cũng sáng suốt; lương tâm ta rất dễ bị lu mờ, sai lệch vì nhiễm lây những ảnh hưởng xấu; những ước vọng của ta cũng dễ bị những cám dỗ làm sai lầm ! Thế nên, để nhận biết những mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa, con người không thể chỉ dựa vào soi dẫn của lý trí, họ còn cần tới sự “Mặc Khải” của Thiên Chúa.

  1. Con đường “Mặc Khải” :

(1) Mặc Khải là gì ?

–           Là việc “Thiên Chúa đã phán dạy”, nghĩa là đã ngỏ lời, đã tự tỏ mình ra, cho ta biết Người  là ai, Người  muốn gì nơi con người.

–           Lý do là vì Người yêu thương con người : Người  muốn ta nhận biết Người  sâu xa hơn, để yêu mến, hiệp thông với Người hơn, nhờ đó, ta sống xứng đáng là con cái của Người và được hạnh phúc thật ở đời này, và ở cuộc sống đời đời.

(2) Cách thức Mặc Khải :

– Thiên Chúa đã dùng hành động (Vd. Tạo dựng, chọn Dân riêng…) và lời nói (Vd. Hứa Đấng Cứu Thế; phán dạy các Tổ Phụ…).

– Và Người  đã từng bước, qua các giai đoạn của lịch sử cứu độ, để tỏ ra và thực hiện chương trình tình thương cứu độ của Người.

(3) Các giai đoạn Mặc Khải :

– Giai đoạn Nguyên Tổ : Cho dù Nguyên Tổ phạm tội, mặc khải vẫn không gián đoạn, vì ngay sau khi ông bà phạm tội, Thiên Chúa đã  tìm đến và hứa ban ơn cứu độ (x. St 3,15).

– Giai đoạn các Tổ Phụ : lời hứa cứu độ được Thiên Chúa nhắc lại và củng cố, qua các giao ước với Ông No-ê, với các Tổ Phụ……….  

                                        Abra-ham,  I-sa-ác ,     Gia-cóp 

– Giai đoạn dân Ít-ra-en : qua các Ngôn Sứ như  Ê-li-a, I-sa-i-a, Giê-rê-mi-a, Ê-zê-ki-en…, Thiên Chúa làm sáng tỏ hơn lời hứa cứu độ, chuẩn bị cho Dân Chúa đón chờ Đấng Cứu Thế.

– Giai đoạn Mặc Khải trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô : cuối cùng, những gì Thiên Chúa chỉ nói từng phần với các Ngôn Sứ, thì Người đã nói hết, trong một lần và cùng một trật nơi Con Một của Người là Đức Giê-su Kit-ô, là Lời duy nhất và hoàn hảo…

  1. Con đường lưu truyền “Mặc Khải” :

Theo thánh Phê-rô (2 Pr. 1, 20) : “Chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy” Lời Thiên Chúa đã được nói ra, cũng vậy, chính nhờ Người hướng dẫn, các Tông Đồ đã lưu truyền lại những Lời đó bằng hai cách:

(1) Bằng văn tự (Thánh Kinh) : “Được Thánh Thần linh hứng, các Tông Đồ và những người thân cận với các ông đã viết lại Tin Mừng Cứu Rỗi”  , là viết lại Lời Thiên Chúa, cùng với Cựu Ước, đây chính là Thánh Kinh.

(2) Bằng truyền miệng (Thánh Truyền) : Trước khi viết lại, các Tông Đồ đã truyền lại bằng lời rao giảng, bằng gương sống…những điều học được từ miệng Đức Ki-tô khi sống chung với Người và thấy Người xử sự, hoặc những điều các Ngài được Thánh Thần gợi hứng.

Tiếp theo, để “Tin Mừng luôn được gìn giữ toàn vẹn và sống động mãi, các Tông Đồ đã để lại những vị kế nhiệm, đó là các Giám Mục và trao lại cho các Giám Mục quyền giáo huấn”. Sự chuyển thông sống động qua các thế hệ này, được gọi là Thánh Truyền. 

(3) Bằng Huấn Quyền Hội Thánh : Thánh Kinh và Thánh Truyền là những kho tàng vô giá chứa đựng Lời Thiên Chúa, nên “Không ai được tự tiện giải thích” (Thánh Phê-rô); việc giải thích được ủy thác cho Huấn Quyền sống động của Hội Thánh, nghĩa là cho các Giám Mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng.

IV. NÓI VỚI CHÚA (Đứng Cầu Nguyện)

Đọc kinh “Lạy Cha” (trang 155 ). Xin cho con được gặp Chúa mỗi ngày trong tình con thảo với Cha trên trời.

V. NHỚ LỜI CHÚA

1/ H. Ta có thể nhận biết Thiên Chúa bằng cách nào ? 

T. Ta có thể nhận biết Thiên Chúa bằng hai cách này :

– Một là nhìn xem vẻ đẹp kỳ diệu và trật tự lạ lùng của vũ trụ.

– Hai là khi nhìn vào lòng mình, thấy có tiếng lương tâm bảo ta làm lành lánh dữ. Có tự do và khát vọng hạnh phúc vô biên.

2/ H. Mặc Khải là gì ?

T. Mặc khải là việc Thiên Chúa tỏ bày cho con người biết Thiên Chúa là ai và Người muốn gì. Nhờ đó con người có thể nhận biết Thiên Chúa và hiệp thông với Người .

3/ H. Thánh Kinh là gì ?

T. Thánh Kinh là sách ghi chép Mặc Khải của Thiên Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần .

VI. SỐNG LỜI CHÚA

Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Mỗi ngày tôi sẽ đọc một đoạn Tân Ước.