Giáo lý Dự Tòng: Gặp gỡ 3 – Chúa Giê-su, Đấng sáng lập đạo

print

 

Gặp gỡ 3 – Chúa Giê-su, Đấng sáng lập đạo

Phần 2: Cuộc sống trần gian của Con Thiên Chúa làm người

I. DẪN VÀO LỜI CHÚA 

– Cầu nguyện đầu giờ.

– Một trang nhật ký của các nhà truyền giáo ở Phi châu có kể : Một nhà buôn da trắng đạo gốc, thấy một thổ dân đang đọc sách, ông ta hỏi : Anh đọc gì vậy ? Anh thổ dân trả lời : Tôi đang đọc Thánh Kinh, Lời Chúa Giê-su ạ. Ông da trắng cười khỉnh và nói: Những thứ đó, ở quê tôi đã lỗi thời lắm rồi ! Anh thổ dân đáp ngay: Nếu ở Phi Châu da đen này mà Thánh Kinh cũng lỗi thời, thì ông đã bị ăn thịt lâu rồi ạ ?

Câu truyện cho chúng ta thấy giá trị của Tin Mừng, với những trang đầu tiên mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giê-su trong cuộc sống trần gian, qua hai giai đoạn : “Thời thơ ấu, cuộc sống ẩn dật” “Thời sống công khai của Người”, như Tin Mừng Lu-ca sau đây :

II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA(Mc 1,14-15) :

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô :

“Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đó là Lời Chúa (Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen…).

III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA

HAI GIAI ĐOẠN CUỘC SỐNG TRẦN GIAN
CỦA CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI :

I/ Giai đoạn I: Thời thơ ấu, cuộc sống ẩn dật :

1/ Mầu nhiệm Giáng Sinh : Khung cảnh Giáng Sinh : Thiên Chúa Ngôi Hai ẩn mình nơi một bé thơ, sinh ra trong cảnh đơn nghèo, nơi hang đá máng lừa, tại thành Bê-lem nhỏ bé, các mục đồng chất phác là những chứng nhân đầu tiên (x. Lc. 2, 1-20).

  • Bài học của Giáng Sinh :

.  Hãy “trở nên trẻ nhỏ” (Mt 18, 3-4) : phải khiêm tốn, tự hạ, nên bé mọn mới được vào Nước Trời.

. Hãy “sinh ra từ trên cao” : hãy trở nên con cái Thiên Chúa, bằng cách mỗi ngày trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô”, làm cho “Chúa Ki-tô được thành hình” trong đời sống của chúng ta (x. Gl 4, 19).

2/ Mầu nhiệm thời thơ ấu :

Một số biến cố đã được Tin Mừng ghi lại :

2/1. Đức Giê-su chịu cắt bì (x. Lc 2, 21) :

– Là dấu chỉ Người phục tùng Lề Luật.

– Dấu chỉ này báo trước bí tích Thánh Tẩy của Người.

2/2. Đức Giê-su tỏ mình cho dân ngoại (Lễ Hiển Linh) :

  • Các Đạo Sĩ từ phương Đông đến bái lạy (x. Mt 2, 1).
  • Ý nghĩa sự kiện :

. Chúa Giê-su tỏ mình là Đấng Cứu Độ trần gian.

. Các “Đạo Sĩ” chính là những hoa quả đầu mùa của Tin Mừng Cứu Độ, đại diện cho đông đảo các dân ngoại được gia nhập dân Chúa, trong đó có mỗi người chúng ta.

2/3. Đức Giê-su được dâng vào Đền Thờ :

  • “Khi đến ngày lễ thanh tẩy…, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa” (x. Lc 2, 22).
  • Ý nghĩa sự kiện: sự kiện này cho thấy :

. Đức Giê-su là con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa.

. Cùng với ông Si-mê-on và bà An-na, toàn thể Ít-ra-en đang mong đợi đến gặp Đấng Cứu Thế.

. Đức Giê-su chính là “Ánh sáng muôn dân”.

2/4. Đức Giê-su được Thánh Giu-se đem trốn sang Ai cập :

  • “Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng : này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập…, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đó !” (x. Mt 2, 13-18).
  • Ý nghĩa biến cố :

. Biến cố trốn sang Ai cập cùng với việc bách hại các Thánh Anh Hài cho thấy: cuộc đời cứu thế của Chúa là cuộc đời phải chịu bách hại, vì “Ánh Sáng” luôn bị bóng tối chống đối.

. Việc Chúa từ Ai-cập trở về gợi lại biến cố Xuất Hành của Dân Chúa xưa, và giới thiệu Đức Giê-su là “Đấng giải phóng tối hậu”.

2/5. Đức Giê-su được tìm thấy trong Đền Thờ :

  • “Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên Đền… Xong kỳ lễ, hai Ông Bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem…”(x. Lc 2, 41-52).
  • Ý nghĩa sự kiện : Qua lời thưa “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở Nhà Cha con sao ?”, Đức Giê-su hé mở cho thấy mầu nhiệm Người hoàn toàn hiến thân để thi hành sứ mạng Chúa Cha trao.

3/ Mầu nhiệm cuộc sống ẩn dật tại Na-da-rét :

  • Dạy ta bài học cho “đời sống nơi gia đình”, hiếu thảo, vâng phục cha mẹ :

. Là  Thiên Chúa cao sang, Người chấp nhận sống trong một gia đình đơn nghèo, Người dạy ta : hãy quý trọng gia đình, dù gia đình mình chỉ đơn nghèo, không quyền quý cao sang.

. Nơi gia đình, Người hằng vâng phục Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a, Người nêu gương chu toàn giới răn thứ bốn “hãy thảo kính cha mẹ”.

. Sự vâng phục này là hình ảnh của việc Người hằng vâng phục Thánh ý Chúa Cha.

. Chính sự vâng phục này khởi đầu công trình tái tạo những gì A-đam đã phá đổ vì tội không vâng phục.

  • Dạy ta bài học “thầm lặng” : Dù là Con Thiên Chúa, suốt 30 năm, Người không tỏ lộ gì trổi vượt. Người dạy chúng ta quý chuộng sự thầm lặng, vì đó là bầu khí tuyệt vời và tối cần cho tâm hồn, cho sự phát triển, rèn luyện ta nên người.
  • Dạy ta bài học “quý trọng lao động” : Lao động thì nhọc nhằn, nhưng đem lại ơn cứu độ, vì lao động cho ta cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, phục vụ lợi ích mọi người, và rèn luyện chính bản thân mình.

II/ Giai đoạn II: Thời sống công khai.

1/ Chúa Giê-su khởi đầu đời sống công khai, với 2 biến cố :

a. Chịu phép rửa :

Năm 30 tuổi, Đức Giê-su khởi đầu cuộc sống công khai, bằng việc đến chịu phép rửa của ông Gio-an Tẩy Giả, nơi sông Gio-đan. Khi ấy, Chúa Thánh Thần, dưới hình bồ câu, ngự xuống trên Người, và có tiếng từ trời phán : “Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17).

Đức Giê-su đã tỏ mình là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa. Và qua phép rửa tại sông Gio-đan, Người  báo trước “Phép Rửa bằng máu”, là cuộc khổ nạn và cái chết “hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha” của Người, để cứu chuộc con người : vì khi tự ý bước xuống dòng sông Gio-đan,“Đấng vô tội đã thành tội nhân vì chúng ta”(2 Cr 5, 21).

b. Chịu cám dỗ :

“Được Thánh Thần thúc đẩy”, Đức Giê-su vào hoang địa, ăn chay 40 đêm ngày. Sau những ngày đó, sa-tan đến cám dỗ Người 3 lần. Biến cố này mang ý nghĩa cứu độ:

  • Chúa Giê-su, A-đam mới luôn trung thành…A-đam cũ sa ngã !
  • Chúa Giê-su là tôi tớ hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
  • Việc Chúa Giê-su chiến thắng ma quỉ trong hoang địa thể hiện trước chiến thắng trong cuộc khổ nạn, khi Người luôn tuyệt đối vâng phục Chúa Cha với tình con thảo.

2/ Chúa Giê-su đi loan báo Nước Thiên Chúa :

Sau khi Gio-an bị bắt, Đức Giê-su trở về Ga-li-lê, Người loan báo và kêu gọi : “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15) :

  • Người khai nguyên Nước Trời nơi trần gian, để chu toàn ý Chúa Cha, là quy tụ mọi người, quanh Con của Người là chính Đức Giê-su Ki-tô. Cuộc tập họp này đã làm thành cộng đoàn Hội Thánh.
  • Tất cả mọi người đều được kêu mời gia nhập Nước Thiên Chúa.
  • Để diễn tả những mầu nhiệm về Nước Thiên Chúa, Người thường dùng các “dụ ngôn”, vd. dụ ngôn : Hạt cải[1]; Men trong bột [2]/[3]

3/ Chúa Giê-su thực hiện “các dấu chỉ Nước Thiên Chúa” :

  • Khi làm những dấu lạ (Cv 2, 22) để giải thoát một số người khỏi những đau khổ đời này, như đói khát, bệnh tật, cái chết, Đức Giê-su đã thực hiện những dấu chỉ Nước Thiên Chúa, chứng tỏ Người là Đấng Thiên Chúa sai đến, và Nước Thiên Chúa  đã xuất hiện giữa nhân loại.
  • Tuy nhiên, Người không đến để chỉ tiêu diệt những đau khổ đời này, mà là để giải thoát con người khỏi kiếp nô lệ lầm than hơn cả, đó là nô lệ tội lỗi. Chính nô lệ này ngăn cản con người không còn được làm con Thiên Chúa, cũng như gây ra biết bao thứ nô lệ, đau khổ khác.

4/ Chúa Giê-su thành lập Hội Thánh :

  • Người đã chọn nhóm Mười Hai, “Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành các bệnh nhân” (Lc 9,2).
  • Si-mon Phê-rô được Người chọn làm đầu nhóm Mười Hai.

5/ Chúa Giê-su Hiển Dung (Lc 9, 28-36) :

Biến cố này mang những ý nghĩa quan trọng :

  • Chúa Ki-tô tỏ bày vinh quang của Người trước cuộc tử nạn, Người cho thấy : “Để đi vào vinh quang” (Lc 24, 26) Người  chấp nhận trải qua thập giá tại Giê-ru-sa-lem.
  • Người Hiển Dung, với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần qua “đám mây” và của Chúa Cha qua tiếng phán : “Đây là Con Ta…”. Như vậy, công trình cứu độ là của Chúa Ba Ngôi.

6/       Chúa Giê-su khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem (Mt 21, 1-11 ) :

Chúa Giê-su, ngồi trên lưng lừa, long trọng tiến vào Giê-ru-sa-lem. Cho thấy : Đức Giê- su chính là Vị Vua Cứu Thế, Người  sắp hoàn tất Vương Quốc Cứu Độ của Người,  bằng cuộc Vượt Qua : vượt qua cuộc khổ nạn và cái chết, để tiến đến Phục Sinh vinh hiển.

IV. NÓI VỚI CHÚA

Đọc kinh “Đức Cậy” (Trang 155), xin ơn trông cậy vững vàng nơi Đức Giê-su Ki-tô, là Thiên Chúa làm người để cứu độ ta.

V. NHỚ LỜI CHÚA

1. H. Cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu đã diễn ra thế nào ?

T. Chúa Giêsu đã sinh ra tại Bê-lem, sống ẩn dật tại Na-da-rét nước Do Thái. Khoảng ba mươi tuổi, Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Sau cùng Người chịu chết trên thập giá thời Phong-xi-ô Phi-la-tô, rồi sống lại và lên trời.

2. H. Đời sống ẩn dật của Chúa Giê-su dạy chúng ta điều gì ?

T. Đời sống ẩn dật của Chúa Giê-su dạy chúng ta hai điều :

–        Một là sống thánh thiện trong đời sống thường ngày qua cầu nguyện, lao động và yêu thương;

–        Hai là sống hiếu thảo với cha mẹ.

3. H. Khi rao giảng, Chúa Giê-su loan báo điều gì ?

T. Khi rao giảng, Chúa Giê-su loan báo và mời gọi mọi người gia nhập Nước Thiên Chúa (Mc 1,15).

VI. SỐNG LỜI CHÚA 

Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Đọc kinh cám ơn để cám ơn Chúa Giê-su đã xuống thế làm người cứu chuộc con (Trang 156).

—-

[1] Mt 13, 31-32; Mc 4, 30-32; Lc 13, 18-29.

[2] Mt 13, 33; Lc 13, 20-21.

[3] Mt 22, 1-10; Lc 14, 15-24.