GẶP GỠ 9 : CHÚA GIÊ-SU TRAO BAN ĐỨC MA-RI-A CHO HỘI THÁNH
I. DẪN VÀO LỜI CHÚA
– Cầu nguyện đầu giờ.
– Cô A-dè-le Du-bois, 35 tuổi, bị bệnh phổi, lao xương sống, không thể đi lại nổi ! Sau hai năm liệt giường, cô được đem tới Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày 22.9.1928, cô đã được lành bệnh.
Bác sĩ Ca-ron, người đã tận tâm săn sóc cho cô suốt cuộc hành trình, khi mục kích cô lành bệnh cách lạ, đã xem xét kỹ lưỡng và đã tuyên bố ngày 21.10.1928 : “Tôi ký tên là Fe-li-ci-en Ca-ron, bác sĩ chuyên khoa, xin tuyên bố : việc cô A-dè-le Du-bois lành bệnh thật là ơn siêu nhiên. Đối với tôi còn thật là phép lạ cả thể vì đã thức tỉnh tôi, làm cho một đức tin đã chết được sống lại. Tôi đã bỏ đạo 43 năm, bây giờ tôi xin trở về với Thiên Chúa, và sung sướng vô cùng là sẽ được lên Rước Lễ để rước lấy Thiên Chúa của tôi”. Ngày 4.11.1928 ông cho khắc trên tấm bảng ghi ơn : “Ngàn lần con cám ơn Mẹ Lộ Đức”[1].
Qua câu truyện, chúng ta thấy sự can thiệp của Mẹ Ma-ri-a trong Hội Thánh. Vì sao vậy ? Vì “Chúa Giê-su đã trao ban Đức Mẹ cho Hội Thánh”. Để làm chi vậy ? Ta thấy, suốt cuộc đời của Chúa Giê-su, từ khi được thụ thai trong lòng mẹ cho đến khi trút hơi thở trên Thánh Giá, luôn có sự hiện diện của Mẹ Ma-ri-a, vì vậy, Người cũng muốn Hội Thánh phải luôn có sự hiện diện của Mẹ Ma-ri-a. Chúng ta lắng nghe Phúc âm Gio-an thuật lại lời trao ban thật cảm động này.
II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA (Ga 19, 25-27) :
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an :
“Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giê-su có Mẹ Người… Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người thương mến, Chúa Giê-su thưa cùng Mẹ rằng : Thưa Bà, này là con Bà. Rồi Người lại nói với môn đệ : Này là Mẹ con”.
Đó là Lời Chúa (Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa).
III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA
Qua thánh Gio-an, Chúa Giê-su đã trao ban Mẹ Ma-ri-a cho Hội Thánh, và trao ban Hội Thánh cho Mẹ Ma-ri-a, vì vậy, qua các thời đại, Hội Thánh luôn sùng kính Đức Ma-ri-a như Mẹ của mình…Mẹ có vai trò đặc biệt trong công trình cứu chuộc của Chúa Ki-tô và trong Hội Thánh :
A. Đức Ma-ri-a là Mẹ :
- Mẹ của Chúa Giê-su Ki-tô :
Mẹ đã được Thiên Chúa chọn gọi, và Người đã sai sứ thần Gáp-ri-en đến báo tin cho Mẹ :“Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su” (Lc 1, 31). Đức Mẹ đã “xin vâng”, và Chúa Giê-su đã được “cưu mang bởi quyền năng Chúa Thánh Thần”(Mt 1,20) trong cung lòng Đức Mẹ, vì vậy Đức Mẹ đích thực là mẹ của Chúa Giê-su Ki-tô.
- Mẹ của Hội Thánh :
* Vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giê-su, mà Người là Đầu Hội Thánh[2].
* Vì khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, Chúa Giê-su đã trối thánh Gio-an, là đại diện Hội Thánh, cho Mẹ:“Này là Mẹ con”.
* Tước hiệu Đức Ma-ri-a Mẹ Hội Thánh có nguồn gốc xa xưa,
từ thời thánh Au-gu-ti-nô (354-430) và thánh Lê-ô Cả (400-461). Trong nhiều thế kỷ, tước hiệu Mẹ Hội Thánh đã xuất hiện trong một số văn bản của các tác giả thiêng liêng và trong giáo huấn của Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XIV (1675-1758) và Lê-ô XIII (1810-1903). Năm 1964, ngay trong thời gian họp Công Đồng Va-ti-ca-nô II, Đức Thánh Giáo Hoàng Phao-lô 6 đã chính thức tôn phong Đức Mẹ là “Mẹ Hội Thánh”. Ngày 11.2.2018, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã ấn định Lễ nhớ “Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh”, vào thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống mỗi năm.
- Mẹ của chúng ta (GLHTCG 968) :
– Vì mỗi người chúng ta là một phần chi thể của Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Ki-tô là Hội Thánh, nên khi là Mẹ của Chúa Ki-tô, là Mẹ của Hội Thánh, Mẹ Ma-ri-a cũng là mẹ của mỗi người chúng ta.
– Mẹ còn thực sự là mẹ của mỗi Ki-tô hữu, vì Mẹ là máng thông ban sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Và giờ đây, trên quê trời, Mẹ vẫn tiếp tục cầu bầu và thông ban các ơn phúc phần xác phần hồn cho đoàn con của Mẹ nơi trần gian kêu cầu Mẹ.
B. Đức Ma-ri-a được ban các đặc ân :
Với tư cách là Mẹ Chúa Ki-tô, Mẹ Hội Thánh, Mẹ Ma-ri-a được Thiên Chúa ban bốn đặc ân :
- Đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa :
Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI (1931) viết trong Thông điệp “Ánh sáng Chân lý” : “Đấng đã sinh Chúa Giê-su xứng đáng được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Nếu con người của Chúa Giê-su Ki-tô là một và là Thiên Chúa, thì chắc chắn mọi người phải gọi Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, chứ không chỉ là Mẹ của Đức Ki-tô con người mà thôi”.
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 495, cũng viết : “Quả thật, Đấng mà Mẹ đã cưu mang làm người bởi phép Chúa Thánh Thần, Đấng thật sự là con Mẹ theo xác phàm, chính là Con vĩnh cửu của Chúa Cha, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Đức Ma-ri-a thật sự là Mẹ Thiên Chúa”.
- Đặc ân vô nhiễm nguyên tội :
Tín điều Vô Nhiễm Nguyên tội do ĐGH Pi-ô IX công bố năm 1854 : “Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a ngay từ lúc đầu tiên tượng thai, bởi ân sủng và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, chiếu theo công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô Đấng cứu độ loài người, đã được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ tội tổ tông”[3]; Đức Ma-ri-a suốt đời vẫn tinh tuyền, không hề phạm một tội riêng nào.
- Đặc ân đồng trinh trọn đời :
– Đức Ma-ri-a đã được đặc ân đồng trinh khi thụ thai và khi sinh hạ Đức Giê-su, vì Mẹ đã thụ thai Chúa Giê-su trong cung lòng Mẹ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.
– Mẹ được đặc ân giữ mình đồng trinh trọn đời vì Mẹ là “nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38), đã tự hiến trọn vẹn cho thánh ý Thiên Chúa, bằng trọn xác hồn, và bằng cả cuộc đời. “Đức Ma-ri-a vẫn còn đồng trinh khi thụ thai, khi sinh Con, khi bồng ẵm Người, khi cho Người bú mớm, là người mẹ đồng trinh, vĩnh viễn đồng trinh”[4].
- Đặc ân lên trời cả hồn lẫn xác :
Năm 1950, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII định tín việc Đức Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác. Tín điều này vốn đã được các tín hữu từ ngàn xưa tin kính, đó là : “Thân xác của Người phụ nữ đã trao ban thể xác cho Con Thiên Chúa đã không phải chịu định luật của sự thối rữa”. “Mẹ đã được đưa lên hưởng vinh quang Nước Trời cả xác cả hồn…”[5].
C. Sùng kính Đức Trinh Nữ diễm phúc.
Trong lời kinh Ma-nhi-phi-cát, Đức Ma-ri-a đã nói : “Hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 48).
Thật vậy, “từ thời rất xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu ‘Mẹ Thiên Chúa’, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó”[6]. Vì vậy, chúng ta phải đặc biệt tôn kính và yêu mến Đức Ma-ri-a, bằng cách :
– Tham dự các ngày lễ kính Đức Mẹ như :
Lễ Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa (1.1); lễ Mẹ dâng Chúa vào Đền Thánh (2.2); lễ Đức Mẹ Lộ Đức (11.2); lễ Truyền Tin (25.3); lễ Đức Mẹ thăm viếng (31.5); lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ (16.6); lễ Đức Mẹ Ca-mê-lô (16.7); lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời (15.8); lễ sinh nhật Đức Mẹ (8.9); lễ Đức Mẹ sầu bi (15.9); lễ Đức Mẹ Mân Côi (7.10); lễ Đức Mẹ dâng mình (21.11); lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8.12).
– Siêng năng cầu nguyện với Đức Mẹ qua các kinh nguyện : như các kinh : Kính Mừng, Trông Cậy (trang 155,157), Lạy Nữ Vương (trang 156), Hãy nhớ (trang 156), kinh Cầu Đức Bà, < nhất là kinh Mân Côi, là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng (trang 157).
– Noi gương bắt chước các nhân đức của Đức Mẹ :
Truyền thống kể ra 12 nhân đức đã kết trên đầu Mẹ triều thiên 12 ngôi sao, đó là : 1) Ba nhân đức đối thần : Tin, cậy, mến. 2) Bốn nhân đức trụ : Khôn ngoan, Công bằng, Can đảm, Tiết độ. 3) Ba nhân đức theo lời khuyên Phúc Âm : Khiết tịnh, Khó nghèo, Tuân phục. 4) Hai nhân đức theo gương Chúa Giê-su: Hiền từ và Khiêm nhượng.
IV. NÓI VỚI CHÚA
Đọc 3 kinh Kính Mừng (Trang 155).
V. NHỚ LỜI CHÚA
1/ H. Vì sao Đức Ma-ri-a là Mẹ chúng ta ? (c. 87)
T. Vì Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su, Đấng cứu độ mọi người, nên Mẹ cũng là Mẹ chúng ta.
2/ H. Sau khi được lên trời, Đức Ma-ri-a trợ giúp Hội Thánh thế nào ? (c. 187)
T. Sau khi được lên trời, Đức Ma-ri-a tiếp tục chuyển cầu cho con cái mình, và là tấm gương cho các tín hữu về đức tin cũng như đức ái.
3/ H. Chúng ta phải tôn kính Đức Mẹ Ma-ri-a thế nào ?
T. Chúng ta phải đặc biệt tôn kính và yêu mến Đức Ma-ri-a, bằng cách tham dự các ngày lễ kính Đức Mẹ, siêng năng cầu nguyện với Đức Mẹ qua các kinh nguyện, nhất là kinh Mân Côi, và noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ.
VI. SỐNG LỜI CHÚA
Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm :
Tôi học thuộc lòng 20 Mầu Nhiệm Mân Côi (Trang 157).
—
[1] Tinmung.net: Truyện kể về Mẹ.
[2] “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh” (Eph 1, 22).
[3] Tông sắc Ineffabilis Deus, DS 2803/ GLHTCG, số 491; số 843.
[4] Au-gu-ti-nô: Sermo 186, 1: PL 38, 999.
[5] x. Hiến chế Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, số 59.
[6] GLHTCG, số 971.