Gợi Ý Và Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm C

print

Gợi Ý Và Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm C

Lm Gs Trần Đình Thụy

Theo cha Philippe Rouillard[1], mỗi Chúa nhật trong Mùa Vọng đều có một chủ đề. Chúa nhật I Mùa Vọng, tiếp nối lễ Chúa Kitô Vua – kết thúc năm Phụng vụ, nối kết “đã và sẽ”, Lời Chúa nhắm đến việc “tỉnh thức trông chờ ngày trở lại của Chúa”.

  1. Gợi ý các Bài đọc

MÙA VỌNG TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ[2]

a. Mùa Vọng hiện hữu (tạo dựng)

Thánh vịnh 18 đã diễn tả: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (c.2). Nhưng qua thư Rôma, thánh Phaolô đã dạy cho chúng ta: “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11,29) và một cách rõ ràng hơn: “Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thụ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại” (Kn 1,14).

b. Tạo dựng tiến về cánh chung

Cao điểm thời gian của vũ trụ không nhằm đến sự tàn lụi mà nhắm đến sự thành toàn của nó. Chính vì vậy mà Tin mừng Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng hôm nay nói tới: Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì saocác quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển (Lc 21,25-26). Dẫu vậy, trước những tai họa của vũ hoàn: Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến (c.27). Quyền năng và vinh quang sáng chói này tạo nên sức mạnh và nói cho biết Triều đại Thiên Chúa (x.c 31) và với Chúa Giêsu, Ngài là lời hứa và là sự xác thực của Triều đại Thiên Chúa mà những người công chính đón chờ ơn cứu độ (x.c. 28).

Cũng như thực tại trong vạn vật, Thiên Chúa đã kêu gọi cho thành hiện hữu, nó tiếp tục hiện hữu trong điều kiện tốt hơn. Chính vì thế, Ngài đã trở nên lời hứa thần linh, và qua đó “…chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13). Dù chỉ mới khởi đầu bằng hình ảnh ẩn dụ, nhưng công lý này đã hiện diện; và nó là tiền trưng báo trước cho vinh quang Thiên Chúa được tôn vinh trên các tầng trời (x.Tv 18).

c. Chúa đã đến, ta sống, Chúa lại đến

Trong khuôn khổ nhiều mối liên kết cách ngẫu nhiên trong cuộc sống, ngay cả các phận số như đã được sắp xếp với nhiều ưu đẳng, sự điều độ, sự tinh khiết tinh thần và thân xác, sự nghèo khó được coi như sự từ bỏ từ nội tâm về những lợi ích nhất thời. Những nhân đức này bị người đời đánh giá một cách không tương xứng là “thụ động”; nhưng chúng thực sự mang nghĩa “tích cực” đối với chúng ta. Các nhân đức đó dự trước vào Mùa Vọng cánh chung trong khi chúng nâng đỡ chúng ta đạt đến sự thống trị mọi sự trong Đức Kitô.

Sứ điệp Mùa Vọng nói cho chúng ta: với Người và nhờ Người, chính chúng ta thống trị vũ hoàn đã được tạo dựng, nếu chúng ta biết đón nhận sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chỉ nhờ vào Thiên Chúa hằng sống mà mọi loài tìm ra sự sống của chính mình.

Italie

  1. Áp dụng tâm tình Thánh Giuse

a. Ơn gọi hiện hữu làm người

Ta nhìn xem trời đất muôn vật trật tự lạ lùng trong vũ trụ, liền biết có Đức Chúa Trời là Đấng tạo thành và an bài mọi sự (Giáo lý Tân Định số 5). Thế nhưng, nhiều người trẻ hôm nay lại “cứ ngỡ” thiên nhiên vạn vật này tự nó có, chẳng đặt vấn đề. Chủ thuyết duy vật cũng khẳng định như vậy!

Phải biết đặt vấn đề: Tại sao có vũ trụ? Tại sao có tôi? Và cả dám đặt vấn đề: Tại sao có ông Thánh Giuse? Câu trả lời chính xác nhất là: Do Thiên Chúa mà muôn vật muôn loài được hiện hữu, trong đó có từng người chúng ta.

Từ cõi hỗn mang Thiên Chúa gọi “cho có” (x. St 1,1-27), nghĩa là Ngài tạo dựng từ hư vô do quyền năng của Ngài: Thiên Chúa, trong công trình tạo dựng trần gian và con người, đã cho thấy chứng từ đầu tiên và phổ quát về tình yêu toàn năng và sự khôn ngoan của Ngài, đây là lời loan báo đầu tiên về kế hoạch nhân hậu của Ngài, một kế hoạch có mục đích là công trình tạo dựng mới trong Đức Kitô (GLHTCG số 315).

Mục đích tạo dựng không thêm gì cho Chúa, mà là chia sẻ vinh quang và cho con người được dự phần vinh phúc với Ngài: “Thiên Chúa đã tạo dựng trần gian để biểu lộ và truyền thông vinh quang của Ngài. Sự vinh quang mà vì đó Thiên Chúa đã tạo dựng các thụ tạo của Ngài, là để chúng được dự phần vào sự chân thiện mỹ của Ngài” (GLHTCG số 319).

b. Ơn gọi của Giuse trong chương trình cứu độ

Thật hạnh phúc: chúng ta có là do Thiên Chúa quyền năng tạo dựng. Câu hỏi thứ hai theo triết học là: “Tôi sống ở đời này để làm gì?” Đã là con người, mỗi người chúng ta phải nhận ra ý nghĩa của sự hiện hữu: Tôi là ai? Tôi phải làm gì?

Trong chương trình cứu độ, Thánh Giuse đóng vai trò khá quan trọng:

  • Được chọn làm chồng trinh khiết của Đức Maria: “Giuse là hôn phu của Trinh nữ cùng do bởi hôn ước mà thôi, chứ không hề có việc đi lại thường tình. Nhưng bởi là hôn phu, ông được làm cha Đức Giêsu, theo một nghĩa cao trọng hơn danh nghĩa dưỡng phụ”.[3]
  • Được chọn làm cha nuôi Đấng Cứu Thế: Giuse đáng gọi là cha Chúa Cứu Thế… là ‘một tôi tớ trung thành khôn ngoan’ Chúa đã đặt bên cạnh Đức Maria để làm Đấng an ủi Mẹ, là cha nuôi nấng Con, và trung thành cộng tác vào công cuộc lớn lao của Chúa… Phúc Âm không ngần ngại tặng ông tước hiệu đó. Thánh Luca chép: ‘Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?’ (Lc 2,49).”.[4]

Thánh Giuse luôn nhận ra, đón nhận và thực thi ý Chúa trong tin tưởng và phó thác:

  • Ở Galilê: Ông bà vâng chiếu chỉ Hoàng đế Augustô. Thánh Kinh chép rằng: Giuse đi Bêlem cùng với Maria sắp đến ngày sinh (x.Lc 2,4tt).
  • Ở Bêlem: Sứ thần đến với ông Giuse báo mộng rằng: hãy trỗi dậy, đem Hài Nhi trốn sang Aicập (x. Mt 2,3). Ông Giuse thi hành lệnh thần truyền đem Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập. Bà Maria dầu mới sinh con còn non nớt, cũng một dạ phục tùng, lên đường giữa đêm khuya.
  • Ở Aicập: Sứ thần hiện ra báo mộng cho ông Giuse ở bên Aicập rằng: hãy trỗi dậy, đem Hài Nhi về Israel (x. Mt 2,19).
  • Ở Giuđê: khi biết Áckhêlao thay Hêrôđê thì ông sợ, thế là theo như lời Thiên Chúa báo mộng, ông lánh sang vùng Galilê (x. Mt 2,19-23).

c. Thánh Giuse đến – chu toàn sứ mệnh – đi về cánh chung

Như đã nói trên: mỗi người đến trong trần gian đều có giá trị và sứ vụ riêng mình. Thánh Giuse là con người, nhưng được Thiên Chúa tuyển chọn với vai trò quan trọng trong việc Thiên Chúa nhập thể.

Ngài đã nhập vai hết sức xuất sắc. Nhưng xuất sắc đây không phải do tài cán của ngài, mà là việc sống kết hợp để “nhận ra ý Chúa” và lập tức “làm theo ý Chúa soi sáng” (Bốn lần Sứ thần Chúa báo mộng cho ông Giuse: (1) Đón nhận Maria (Mt 1,18-25, Lc 2,1-7); (2) Đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang ai cập (Mt 2,13-18); (3) Từ Ai cập trở về Ítraen (Mt 2,19-22a); (4) Từ miền Giuđê lui về miền Galilê (Mt 2,22a-23)).

Xong vai trò Chúa đã sắp xếp như Giuse trong Cựu ước (trích St 45,7: “Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em, để giữ cho anh em một số người sống sót trong xứ, và để cứu sống anh em, nhằm thực hiện cuộc giải thoát vĩ đại”), Kinh Thánh không ghi rõ ràng ngày giờ Thánh Giuse tạ thế. Nhưng tương truyền ngài đã ra đi trước khi Chúa Giêsu xuất hiện công khai; bởi vì 3 năm Chúa Giêsu rao giảng, không có ghi chép nào nói về sự xuất hiện của Thánh Giuse.

Suốt đời đã âm thầm vâng lời và phó thác trong việc thực thi ý Chúa. Chắc hẳn Chúa sẽ đón nhận ngài vào trong vinh quang vĩnh cửu. Hội thánh đã nhận ngài làm quan thầy[5]; cách riêng ngài cũng là quan thầy của Hội thánh Việt Nam[6].

Nhân dịp Mùa Vọng, chúng ta nên bình tâm suy xét lại: Tôi phải làm gì, sống cách nào để xứng đáng với cương vị hiện tại của mình là người giáo dân tốt, người môn đệ tốt?

Tất cả rồi sẽ qua đi. Rồi chúng ta cũng sẽ trình diện trước mặt Chúa với “những gì đã lo, đã nói, đã làm”.

  1. Suy nghĩ và cầu nguyện
  • Có bao giờ tôi ý thức về sự hiện hữu của chính mình trong hiện tại này không?
  • Với vai trò tôi đang sống (giáo dân, tu sĩ, linh mục), tôi đã noi gương Thánh Giuse thế nào? Trong chương trình cứu độ: phải sống thế nào để chính tôi được cứu độ; và qua tôi, người khác nhận ra và cũng được hưởng ơn cứu độ?

—-

[1]x.Philippe Rouillard, sđd.

[2] Lược dịch KEPHAS – Le Missel de la Vie Chrétienne, Fayard, 1999, T.I p 22-23.

[3] Để hiểu và yêu mến Thánh Giuse hơn, Lm Gs Trần Đình Thụy, 2020, trang 17.

[4] Sđd, trang 18.30.

[5] Đức Piô IX, trong thông điệp “urbi et orbi” ngày 9 /12/1870, đã tuyên bố Thánh Giuse là quan thầy của Giáo hội hoàn vũ.

[6] Tông Hiến Apostolatus Officium, được ban hành ngày 23/12/1673 bởi Đức Giáo Hoàng Clemente X, châu phê thỉnh nguyện của Công đồng Đàng Ngoài họp tại Dinh Hiến / Phố Hiến (14/02/1670) dưới sự chủ tọa của Đức Cha Lambert de la Motte. Công đồng này chính thức xin nhận Thánh Giuse làm quan thầy; Tông Hiến Sacrosancti Apostolatus, được ban hành ngày 17/08/1678 bởi Đức Giáo Hoàng Innocentê XI đáp ứng thỉnh nguyện của ba vị Đại diện Tông toà là các Đức cha Lambert de La Motte (Đàng Trong), Pallu (Đàng Ngoài) và Cotolendi (Nam Kinh). Qua Tông Hiến này, Thánh Giuse được tôn nhận là quan thầy các giáo phận truyền giáo Trung Hoa (với cả Đàng Trong, Đàng Ngoài, Lào, Đại Hàn, Hung Nô); Thư chung của HĐGM Việt Nam gửi Công đồng dân Chúa nhân dịp Hội nghị Thường niên diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 6 – 11/10/1997, trong đó, nhất trí xác nhận Thánh Cả Giuse là quan thầy Giáo Hội Việt Nam. Nên lưu ý, vào lúc này, Các Thánh Tử Đạo VN đã là quan thầy của GH Việt Nam rồi (1990).