Hạnh Các Thánh Tháng 1

print

Hạnh Các Thánh Tháng 1

Nguồn :tantungchua1.wordpress.com

Ngày 1/01: Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa. 1

Ngày 2/01: Thánh Basile Cả (330-379) và Thánh Gregoire thành Naziance (330-390). 2

Ngày 3/01, Danh thánh Chúa Giêsu. 4

Ngày 07/01: Thánh Raymond de Penyafort – linh mục. 7

Ngày 7/01: Thánh Giuse Trần Văn Tuân. 9

Ngày 13/01: Thánh Hilaire – giám mục, tiến sĩ hội thánh. 12

Ngày 13/01: Thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm – Chánh Án (1780-1859). 14

Ngày 13/01: Thánh Giuse Phạm Trọng Tả – Chánh Tổng (1800-1859). 16

Ngày 13/01: Thánh Luca Phạm Trọng Thìn – Chánh Tổng (1820-1859). 19

Ngày 17/01_Thánh Antoine – Đan viện phụ (251-356). 22

Ngày 20/01: Thánh Fabianô – Giáo hoàng và Thánh Thánh Sebastianô, Tử Ðạo. 24

Thánh Sebastian, Tử Ðạo. 25

Ngày 21/01 – Thánh Agnès (Inê) – Trinh nữ, tử đạo. 25

Ngày 22/01 – Thánh Vincent – Phó tế, tử đạo. 27

Ngày 22/01: Thánh Matthêu Anphong Leziniana (Đậu) – Linh Mục (1702-1745). 28

Ngày 22/01: Thánh Phanxicô Gil de Federich (Tế) – Linh Mục (1702-1745). 31

Ngày 24.01 – Thánh Francois De Sales – Giám mục và tiến sĩ Hội thánh. 35

Ngày 25/01: Thánh Phaolô tông đồ trở lại 38

Ngày 26/01 – Thánh Timôthê và Titô – giám mục. 40

Ngày 27/01: Thánh Angela Merici, Trinh nữ.. 42

Ngày 28/01: Thánh Thomas D’Aquin – Linh mục, tiến sĩ hội thánh. 42

Ngày 30/01: Thánh Tôma Khuông – Linh mục (1780-1860). 45

Ngày 31/01: Thánh Gioan Bosco – Linh mục. 49

 

Ngày 1/01: Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa

Lễ trọng

 

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, được cử hành vào ngày 01 tháng 01, trùng với ngày bát nhật Giáng Sinh, nhớ đến việc cắt bì và đặt tên cho Chúa Giêsu, khởi đầu năm mới, và cũng là ngày cầu cho hòa bình thế giới.

Trước khi canh tân Phụng Vụ, lễ trọng này được phổ biến trên khắp thế giới và được Đức Giáo Hoàng Piô XI xác định vào ngày 11.10.1931, nhân dịp kỷ niệm 1500 năm Công đồng Êphêsô. Trong niên lịch mới, lễ này gợi lại ngày thứ tám sau Giáng Sinh. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết: “Ngày lễ trọng ấy nay được đặt vào mồng một tháng giêng theo như tập tục xa xưa của Phụng Vụ Rôma. Lễ này được dành riêng ca tụng việc Đức Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu độ và tán dương tước vị cao quí đặc biệt do phần đóng góp ấy đem lại cho Người Mẹ rất thánh, Đấng có công giúp chúng ta đón tiếp Tác Giả của sự sống” (Marialis Cultus 5).

 

  1. Thông điệp và tính thời sự

Giáo Hội Byzantin mừng lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày tiếp theo lễ Giáng Sinh; Giáo Hội Copte lại mừng ngày 18 tháng 01.

  1. Khi cử hành chức Thiên Mẫu đồng trinh và thần linh của Đức Maria, chúng ta cũng đồng thời thờ lạy Con của Mẹ (xem lời nhập lễ). “Bởi Phép Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria đồng trinh” (Kinh Tin Kính các thánh Tông Đồ). Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa và là Chúa chúng ta. Đức Maria, vì là Mẹ Con Thiên Chúa, nên cũng là Mẹ Thiên Chúa! Chân lý đức tin này càng ngày càng được tỏ rạng trong cuộc tranh luận về Thiên Chúa Ba Ngôi và Kitô học trong ba thế kỷ đầu. Công đồng Nicéa, năm 431, tuyên bố cách long trọng: “Đấng Emmanuel (Đức Kitô) thật sự là Thiên Chúa và, vì lý do này, Đức Trinh Nữ thật sự là đấng sinh ra Thiên Chúa (theo tiếng Hy Lạp: Théotokos = Mẹ Thiên Chúa), vì Mẹ sinh ra, về mặt xác thể, Ngôi Lời nhập thể, Đấng xuất phát từ Thiên Chúa.”

Chức Thiên Mẫu của Đức Maria nói lên rõ ràng việc thụ thai và sinh hạ Đức Kitô, nhưng cũng nhấn mạnh đến hành động đức tin tự do và cá nhân của Mẹ Thiên Chúa, “Đấng đã giúp chúng ta đón nhận Tác Giả sự sống là Đức Giêsu Kitô” (lời nguyện nhập lễ). Công đồng Vaticanô II tuyên bố, Đức Trinh Nữ đã nói lên tiếng fiat vào ngày Truyền tin (“Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói” – Lc 1,38), “lãnh nhận Ngôi Lời của Thiên Chúa vừa trong tâm hồn, vừa trong thể xác của mình… mang lại ơn cứu độ cho mọi người không những trong việc hợp tác như công cụ thụ động trong bàn tay Thiên Chúa, nhưng với sự tự do của đức tin và sự vâng phục” (LG 53 & 56).

Chức Thiên Mẫu của Đức Maria, vừa thần linh, vừa đồng trinh. “Việc sinh hạ Đức Kitô không làm suy giảm nhưng thánh hiến sự trinh khiết vẹn toàn của Mẹ”. Phụng Vụ của Hội thánh luôn tôn vinh Mẹ là đấng “Trọn đời đồng trinh – Aeiparthenos” (sách Giáo lý toàn cầu 499). Một sự đồng trinh sung mãn, vì Đấng Toàn Năng đã nhìn đến phận hèn tớ nữ của Người, đã làm biết bao sự trọng đại cho người nữ này : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).

  1. Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô, cũng là Mẹ Hội Thánh (kinh hiệp lễ).

Đức Maria “đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta” (LG 61).

  1. Ngày lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cũng cử hành việc Cắt bì và đặt tên cho Chúa Giêsu, đúng như lời Phúc Âm trong Thánh lễ : “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà Sứ thần đã đặt, trước khi Hài Nhi thành thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21)

Các phương diện khác của thánh lễ – Lễ đầu năm và ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới (bài đọc đầu tiên của Thánh lễ: “… Xin Thiên Chúa quay mặt lại với ngươi và đem lại bình an cho ngươi !” (Ds 6,22-27) không làm cho chúng ta chia trí. Như ghi chú của Pierre Jounel trong sách lễ: tất cả dẫn chúng ta đến với Đức Kitô và Mẹ của Người.

Enzo Lodi

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 2/01: Thánh Basile Cả (330-379) và Thánh Gregoire thành Naziance (330-390)

Giám mục tiến sĩ hội thánh

Lễ nhớ

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Vì tình bạn chân tình của hai vị thánh mà chúng ta cử hành chung thánh Basile Cả (+01.01.379) và Grégoire thành Naziance (+ 25.01.390). Được Giáo Hội Đông Phương cũng như Tây Phương tôn kính như tiến sĩ Hội thánh, các ngài cùng với Grégoire thành Nysse, đồng bạn, ba vị nổi danh Cappadociens, đã đem lại cho thần học Kitô giáo hệ thống hóa và công thức hóa đầu tiên.

Giáo Hội Đông Phương đã đặt thánh Basile Cả và thánh Grégoire thành Naziance, cùng với thánh Gioan Kim Khẩu giữa hàng “tiến sĩ đại kết” và tôn kính họ như “Ba vị thánh tôn quí nhất”.

Thánh Basile sinh năm 330 tại Césarée thành Cappadoce (ngày hôm nay là Thổ Nhĩ Kỳ) trong một gia đình Kitô giáo với 10 người con, trong số đó có 3 làm giám mục : Basile, Grégoire thành Nysse và Pierre thành Sébaste. Ngài đã theo học tại Césarée, Constantinople, Athène, tại đây, ngài kết thân với Grégoire thành Naziance. Được rửa tội vào lúc 25 tuổi, Basile ngưng chức vụ giảng sư khoa hùng biện, để bước vào một đời thầm lặng và cầu nguyện. Ngài đã đi nhiều nơi để gặp các nhà khổ tu nổi tiếng, và khi trở về, ngài thành lập nhiều Đan viện. Trong thời gian này, ngài hợp tác với thánh Grégoire Naziance viết tác phẩm Philocalie (hợp tuyển các tác phẩm của Origène) ; tiếp đến là các sách Lề luật luân lý, Lề luật chi tiết, Lề luật ngắn. Các tác phẩm này ảnh hưởng rất nhiều trên đời sống Đan viện; chúng ta cũng biết sau này Luật dòng của thánh Bênêđictô đã được tham khảo với “cha chúng ta là thánh Basile”. Vào năm 370, Basile trở thành giám mục tại Césarée. Trong 8 năm ở ngôi giám mục, ngài đã hoạt động thật kinh ngạc, chống lại bè rối Arius, thành lập các nhà thương, nhà trọ. Trong các tác phẩm tín lý, phải kể đến sách “Chuyên đề về Chúa Thánh Thần”, được viết để bảo vệ tín điều Chúa Ba Ngôi của Kitô giáo.

Là một trong các nhà thuyết giảng lừng danh trong thời đại mình, thánh Basile nắm vững lý thuyết hùng biện để trình bày giáo lý cách trong sáng và đơn sơ. Ngài luôn lo lắng để giao hòa hai Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương, bị chia rẽ vì những cuộc tranh luận về tín lý và vấn đề cá nhân ; ngài làm việc để chuẩn bị cho sự hiệp nhất, nhưng đã qua đời vào ngày 01.01.379 lúc 50 tuổi, hai năm trước ngày khai mạc Công đồng chung Constantinople (381).

Thánh Grégoire Naziance, cũng được sinh ra tại Cappadoce, là bạn đồng song với thánh Basile mà ngài gặp ở Athènes và đã kết thân. Được sinh ra trong một gia đình của các thánh (mẹ là thánh Nonna, chị là Gorgonie và em là Césaire), Grégoire thích sự yên tịnh và tránh các lời mời gọi trong chức phận giáo phẩm. Nhưng rồi cũng phải nhận chức giám mục tại Sasimes và từ chối không trở thành người cộng tác với cha mình tại Naziance. Vào năm 380, ngài được trao cho chức Thượng Phụ Giáo chủ ở Constantinople, nhưng chỉ ở lại thành này 18 tháng. Thành phố này bị tiêm nhiễm lạc giáo Arius ; Thánh Grégoire thích từ nhiệm để trở về Naziance chuyên tâm lo việc học hành và chiêm ngắm. Ngài viết : “Không có gì làm tôi khao khát cho bằng đối thoại thầm kín với tâm hồn và với Thiên Chúa.” Mộ chí mà ngài ghi sẵn cho mình, cho thấy một tâm hồn thật tế nhị, bị cuộc đời làm thương tổn : “Ôi lạy Đức Kitô là Vua, tại sao Chúa lại bắt con trong cái lưới này ? Tại sao Chúa bắt con tùng phục cuộc đời tạm bợ này ? Con bị quay cuồng trên các cuộn sóng, con đã làm mồi cho nhiều người tham lam, con sống với thân xác vỡ vụn, con phải chống lại các mục tử ! Con đã không có bạn bè, con chỉ gặp sự bất trung và khi phải chiến đấu với bệnh tật, con đã mất đi các con cái của con.”

 

  1. Thông điệp và tính thời sự
  2. Kinh Tổng nguyện gợi lên giáo huấn và gương mẫu của hai thánh Basile và Grégoire Naziance, qua đó Thiên Chúa muốn soi sáng cho Hội thánh của Người.

Phụng Vụ Các Giờ Kinh đề nghị trong suốt năm Phụng Vụ 8 bản văn rút từ các tác phẩm của thánh Basile và 7 bài của thánh Grégoire Naziance. Thánh Basile được gọi là thánh Cả “Le Grand” và vị thứ hai được gọi là “Nhà thần học” vì ảnh hưởng của họ trên nhiều lãnh vực của Kitô giáo.

  1. Thánh Basile được gọi là “Tổ phụ các đan sĩ Phương Đông”, tổ chức đời sống đan tu, sẽ trở thành truyền thống trong Hội thánh, ngay cả cho Phương Tây : kinh nguyện Phụng Vụ, đọc Thánh Kinh, rước lễ thường xuyên, xưng thú tội lỗi, lao động chân tay, công tác bác ái : nhà thương, trường học, nhà trọ. Ngài nói với các đan sĩ của mình : “Hãy tạ ơn Đấng đã ban cho anh em đôi tay để làm việc, một lý trí để hiểu biết, những chất liệu cho dụng cụ của chúng ta. Như thế sản phẩm do tay chúng ta làm ra, không có mục đích nào khác hơn là vinh quang của Thiên Chúa”.

Thánh Basile cũng được gọi là “giám mục xã hội”. Tư tưởng của ngài về các vấn đề xã hội, ngay cả trong thời đại chúng ta, cũng còn phải chú ý. Trong một bài giảng, ngài nói: “Anh hà tiện nói : tôi phạm lỗi với ai, trong khi tôi chỉ giữ lại những gì thuộc của tôi ? Nhưng hãy nói cho tôi nghe, của cải nào thuộc về anh ?… Nếu như mỗi người chỉ giữ lại những gì cần thiết cho bản thân, và cái gì dư thừa anh ta ban cho những kẻ bần cùng, sự giàu nghèo sẽ bị xoá đi” (Bài giảng thứ 6 chống lại sự giàu sang).

Thánh giám mục thành Césarée không thoả mãn với các bài giảng về công bằng xã hội, ngài phải làm gương. Thế là, gần thành giám mục của ngài, ngài xây một thành phố mới mà người ta gọi là Basiliade ; trong đó có nhà trọ, viện dưỡng lão, nhà thương và một nhà thờ giữa thành phố. Ngài xin các giám mục có quyền kế vị hãy hoạt động như thế trong các miền đồng quê. Ngài viết thư cho chính quyền Cappadoce : “Tôi phạm lỗi với ai khi xây nơi trú ngụ cho khách lạ, cho lữ khách hay cho những ai cần nâng đỡ sức khỏe ?”.

  1. Phụng Vụ Kinh sách đề nghị một bản văn ca tụng tình bạn thánh thiện của Grégoire Naziance với thánh Basile : “Chúng tôi sống chung ở Athène…Chúng tôi cùng có chung hy vọng về sự sung mãn đáng khao khát nhất : khoa học… Chúng tôi thực tập lề luật của Chúa khi cùng gợi lên tình yêu đối với nhân đức. Và nếu không quá kiêu ngạo mà nói rằng, người này đối với người kia là lề luật và mẫu mực giúp phân biệt cái tốt cái xấu” (Bài giảng của thánh Grégoire Naziance trong ngày lễ an táng thánh Basile). Trong một lá thư khác, thánh nhân thú nhận : “Mỗi người có điểm yếu : của tôi là tình bạn và các bạn hữu”. Thực sự, đó không phải là “điểm yếu”, tình bạn chân thực là một hồng ân thiện hảo từ Thiên Chúa Ánh sáng mà đến ; tình bạn này được ban cùng với sự khôn ngoan cho kẻ “theo đuổi và van xin Thiên Chúa” (câu đáp).

Enzo Lodi

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 3/01, Danh thánh Chúa Giêsu.

 

Lễ Kính Thánh Danh Chúa Giêsu Có Ý Nghĩa Gì?

Lm. Phan Tấn Thành, O.P.

Thiết tưởng nên biết rằng với cuộc cải tổ lịch phụng vụ sau công đồng Vaticanô II, lễ kính Danh thánh Chúa Giêsu bị bãi bỏ, nhưng gần đây, với việc phát hành Sách lễ Rôma lần thứ ba (vào tháng 2 năm 2002), thì lễ này lại được du nhập như lễ nhớ nhiệm ý. Để tìm hiểu ý nghĩa của lễ này, chúng ta cần phân biệt ba khía cạnh. Thứ nhất là khía cạnh thần học: Danh thánh Chúa Giêsu có ý nghĩa gì? Thứ hai là khía cạnh lịch sử: lòng tôn kính Danh Thánh Chúa Giêsu trải qua thời đại. Khía cạnh thứ ba là lễ phụng vụ kính Danh Thánh Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ lần lượt đi từng điểm một.

Dưới khía cạnh thần học, Danh Thánh Giêsu có ý nghĩa gì?

Trong nguyên ngữ Do Thái, Giêsu – Jeshua là tiếng tắt của Jehoshua có nghĩa là “Giavê (Thiên Chúa) cứu chữa”. Theo Mt 1,21 và Lc 1,31, đây là tên mà thiên sứ truyền đặt khi Đức Maria bắt đầu mang thai. Thực ra tên này không phải là hoàn toàn mới lạ trong lịch sử Do Thái. Trước đó nhiều người đã mang tên đó rồi, chẳng hạn như ông Giosua (hay Giosuê), người kế vị ông Môsê lãnh đạo dân tộc Israel trên đường vào Đất hứa. Trong gia phả của Đức Giêsu được ghi lại ở Luca 3,29, ta thấy trong hàng tổ tiên cũng đã có người mang tên này. Tuy nhiên, nơi Đức Giêsu Nadarét danh hiệu này biểu lộ ý nghĩa trọn vẹn là “Thiên Chúa cứu chữa” bởi vì Người cứu nhân loại khỏi tội lỗi, đặc biệt nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh. Đức Giêsu được siêu tôn là Chúa, vì vậy khi nghe danh của Người mọi gối đều bái quỳ thờ lạy (Pl 2,10). Dù sao, danh Giêsu không chỉ gợi lên lòng tôn kính nhưng còn được kêu cầu cứu chữa. Thực vậy, chính Người đã khuyến khích các môn đệ hãy dùng danh của Người để cầu xin Chúa Cha (Ga 14,13; 15,16; 16,23): đây chẳng phải là lời bùa chú gì đâu, nhưng trong tục lệ Do Thái, tên gọi tượng trưng cho chính nhân vật mang danh đó. Cầu nguyện nhân danh Đức Giêsu có nghĩa là chính Đức Giêsu sẽ hiện diện với các môn đệ để dẫn họ đến với Chúa Cha. Một cách tương tự như vậy, Người cũng hiện diện với các môn đệ trong bước đường truyền giáo để chuyển ban ơn cứu độ cho những ai tin vào Người nhờ lời giảng dạy (Cv 4,11-12). Vì thế các tín đồ được gọi là “Kitô hữu” có nghĩa “thuộc về Đức Kitô”, hoặc là “những người kêu cầu danh Đức Kitô”.

Đó là khía cạnh thần học. Bây giờ sang khía cạnh tu đức: lòng sùng kính Thánh Danh có từ bao giờ?

Có thể nói được là lòng tôn kính Danh thánh Chúa Giêsu đã xuất hiện ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh, như ta thấy chứng tích trong các tác phẩm của các giáo phụ, nhưng chỉ trở nên rầm rộ từ thời Trung Cổ. Sự phát triển việc tôn kính Danh Chúa Giêsu nằm trong bối cảnh của phong trào sùng kính nhân tính của Người, chú ý đến việc chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Cứu thế, từ lúc Nhập thể, đến lúc Giáng Sinh, thời thơ ấu, lúc giảng đạo cũng như cuộc Thương Khó, với những cảnh tượng đau thương trên Thập giá. Các nhà thần học và giảng thuyết đã để lại nhiều văn phẩm giải thích ý nghĩa danh Giêsu là Chúa Cứu Chuộc, và từ đó, nhiều lời kinh được sáng tác để cầu xin Người cứu chữa chúng ta khỏi tội lỗi, và các sự dữ. Cách riêng, Thánh Bênađô dựa theo sách Diễm Ca, nói đến “Danh Người như dầu tỏa lan” để giải thích các công hiệu của việc suy gẫm và kêu cầu Danh thánh, đó là nó có sức chiếu sáng nhờ đức tin, có sức nuôi dưỡng tinh thần mỗi khi chúng ta nhớ đến, và có sức chữa trị mỗi khi chúng ta kêu cầu. Không lạ gì mà một bài thánh thi “Jesu, dulcis memoria” được gán cho Thánh Bênađô. Sang thế kỷ XIII, với sự ra đời của hai dòng Đaminh và Phan sinh, việc tôn kính danh Chúa Giêsu được phổ biến trong dân gian nhờ công cuộc giảng thuyết, cách riêng kể từ sau công đồng Lyon năm 1274. Công đồng này truyền phải tỏ lòng tôn kính đối với danh Chúa Giêsu, một cách cụ thể trong phụng vụ phải cúi đầu khi đọc danh cực trọng này. Đức Thánh Cha Grêgôriô X đã ủy thác cho Chân Phước Gioan Vercelli, tổng quyền dòng Đaminh việc chấp hành lệnh của công đồng nhờ các tu sĩ giảng thuyết và cổ động tập tục đó. Dù sao, các nhà giảng thuyết – Đaminh cũng như Phan sinh – không chỉ khuyến khích các tín hữu cúi đầu khi nghe danh thánh Giêsu, nhưng còn cổ động lòng yêu mến danh thánh qua việc khắc tên thánh Giêsu trên thân mình, trên cửa nhà, trên các tường thành, dưới ký hiệu JHS – ba chữ đầu tiên trong tiếng Hy-lạp Jesus nhưng được tán ra tiếng La-tinh là viết tắt của “Jesus hominum salvator” (Giêsu cứu chuộc nhân loại). Trong số những nhà giảng thuyết thời danh phải nhắc đến Thánh Bernardinô Siena (1380-1444). Bên cạnh việc tôn kính qua cử chỉ cúi đầu hoặc khắc tên thánh, nhiều kinh đọc cũng được sáng tác, đứng đầu phải kể Kinh cầu kính Tên Chúa Giêsu.

Dòng Tên có liên hệ gì với việc kính Danh Chúa Giêsu không?

Danh hiệu chính thức của Dòng này là Dòng Chúa Giêsu (Societas Jesu, viết tắt là SJ), nhưng ở Việt Nam được gọi là Dòng Tên. Lịch sử của Dòng này liên hệ mật thiết với việc tôn kính Danh Chúa Giêsu. Thánh Inhaxiô chọn ba chữ JHS làm ấn triện cho dòng mình, và chọn ngày 1 tháng giêng làm bổn mạng của Dòng, bởi vì ngày hôm ấy, người con của Mẹ Maria chịu cắt bì và được đặt tên là Giêsu. Ngôi nhà thờ lớn nhất của Dòng tại Rôma được mang tước hiệu là nhà thờ Chúa Giêsu. Các sử gia ghi nhận rằng vào thời Cải Cách, các nhà thần học Tin Lành thích dùng tước hiệu Kitô; đối lại, các cha Dòng Tên thích nói đến Đức Giêsu. Dù sao, chúng ta đừng nên lẫn lộn giữa Dòng Tên (Societas Jesu, trong tiếng Anh là Company of Jesus) với Hiệp Hội Kính Danh Chúa Giêsu (Confraternitas Sanctissimi Nominis Iesu), một hiệp hội giáo dân cổ động lòng sùng kính danh thánh, do các tu sĩ dòng Đaminh thành lập vào khoảng năm 1401 bên Đức, và một thế kỷ sau đó đã được truyền bá sang Tây ban nha và Bồ đào nha. Năm 1571, hiệp hội này được Đức Thánh Cha Piô V ủy thác cho dòng Đaminh điều khiển. Hội này sớm theo chân các cha truyền giáo Đaminh sang Trung hoa, Nhật bản. Tuy nhiên, nơi mà hội phát triển mạnh mẽ nhất là Hoa kỳ kể từ hậu bán thế kỷ XIX. Năm 1913, Đức Hồng Y Farley ra lệnh rằng mỗi giáo xứ trong tổng giáo phận New York đều phải thành lập một chi nhánh của hiệp hội, và năm 1917, hiệp hội đã có 1 triệu rưỡi hội viên trên toàn lãnh thổ Hoa kỳ, và tăng lên 5 triệu vào năm 1950. Mục tiêu của hội này (Holy Name Society) không chỉ giới hạn vào việc sùng kính danh thánh Chúa Giêsu, nhưng còn tham gia vào công tác tông đồ truyền giáo qua việc truyền bá đạo lý công giáo nữa. Nãy giờ, chúng ta đã nói đến lòng tôn kính Danh Chúa Giêsu nơi dân gian. Bây giờ chúng ta bước sang lãnh vực phụng vụ.

Lễ kính Danh Chúa Giêsu được ghi vào lịch phụng vụ từ bao giờ?

Các Sách Lễ xuất bản vào thế kỷ XV đã có một thánh lễ ngoại lịch kính “danh thánh rất ngọt ngào Chúa Giêsu”, nhưng chưa xác định một ngày lễ kính Danh Chúa. Cha Bernarđinô Busti dòng Phan-sinh (1450-1513) xin Giáo Hoàng Sixtô IV và Innocentê VIII thiết lập một lễ riêng, và cha tự ý soạn bản văn phụng vụ (xuất bản tại Milan năm 1492), nhưng cha không được toại nguyện trước khi qua đời (năm 1513). Mãi đến năm 1530, Đức Clêmentê VII mới cho phép dòng Phan-sinh cử hành lễ kính Thánh Danh hằng năm vào ngày 14 tháng giêng. Từ đó, nhiều dòng tu khác cũng xin phép Toà thánh được mừng lễ đó trong lịch riêng. Non hai thế kỷ sau (vào năm 1721), do lời thỉnh cầu của hoàng đế Đức quốc Karl VI, Đức Thánh Cha Innocentê XIII mới mở rộng lễ này cho toàn thể Hội Thánh, ấn định vào chúa nhật thứ hai sau lễ Hiển linh. Năm 1913, Đức Piô X chuyển sang chúa nhật giữa ngày đầu năm và lễ Hiển linh; năm nào không có thì mừng ngày 2 tháng giêng. Cuộc cải tổ lịch phụng vụ năm 1970 đã dẹp lễ kính danh thánh Chúa Giêsu, bởi vì cho rằng lễ này đã được nhớ đến vào ngày 1 tháng giêng rồi, nghĩa là 8 ngày sau lễ Giáng Sinh, khi phụng vụ đọc đoạn Phúc Âm theo Thánh Luca “Khi Hài nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài nhi là Giêsu: đó là tên mà sứ thần đã đặt, trước khi Hài nhi thành thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21). Tuy vậy Sách lễ Rôma vẫn duy trì một thánh lễ ngoại lịch kính Danh Thánh Giêsu. Không hiểu vì lý do gì khi Sách lễ Rôma được phát hành năm 2002 thì lại có lễ kính Danh thánh Chúa Giêsu, được ấn định vào ngày 3 tháng giêng (bởi vì ngày mồng 2 đã được dành kính hai thánh Basiliô và Grêgôriô Nazianzênô). Các lời nguyện được soạn lại hoàn toàn chứ không lấy từ lễ ngoại lịch. Lời nguyện chính như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã thiết lập ơn cứu rỗi cho nhân loại nơi Ngôi Lời của Chúa Nhập thể, xin thương ban ơn lân tuất cho những ai kêu cầu, ngõ hầu họ nhận biết rằng không có danh nào phải kêu cầu ngoại trừ Danh của Con Một Chúa”. Ta thấy vang lên tư tưởng của Tông Đồ Công Vụ 4,12. Lời nguyện trên lễ vật thì dựa trên Phil 2,10, khi nhắc lại rằng cũng như Đức Kitô đã vâng phục cho đến chết và được ban tặng danh hiệu mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người, thì xin cho chúng con được hưởng nhờ công hiệu của hồng ân đó. Sau cùng, kinh nguyện tạ lễ thì xin cho tên của chúng con được viết trên trời nhờ kết hiệp với Chúa Kitô. Như vậy việc kính Tên của Chúa Kitô Đấng Cứu thế cũng mang công hiệu cho tên của chúng ta, đó là nó được viết vào sổ trường sinh trên trời.

 

Ngày 07/01: Thánh Raymond de Penyafort – linh mục

 

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Raymond sinh khoảng năm 1175, trong một gia đình hiệp sĩ, trong lâu đài Penyafort, ở Catalogne (Tây Ban Nha). Hai mươi tuổi, ngài đã dạy triết học tại Barcelone. Sau đó được chức vị Giáo sư danh dự môn luật ở Bologne – nơi ngài dạy miễn phí – trước khi trở về Barcelone, nơi ngài được gọi làm tổng phó tế trong nhà thờ chính toà. Làm giáo sư giáo luật và thần học luân lý, Raymond de Penyafort xuất bản quyển Tổng luận về luật (1218/1219) ; sau đó, khi trở thành Tu sĩ Dòng Thuyết Giảng (Đaminh) vào năm 1222, ngài soạn tập Tổng luận các nố giải tội, rất kỹ lưỡng, được các cha giải tội sử dụng. Một tác phẩm khác được nhà giáo luật này hoàn thành theo lời yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Grégoire IX là hệ thống hóa và bổ túc luật Hội thánh, hoàn tất vào năm 1234, được xuất bản trong 5 tập dưới tựa đề “Các sắc lệnh”.

Được bầu làm Giám tỉnh Dòng Đaminh vào năm 1238, ngài động viên thánh Thomas Aquinô soạn cuốn “Tổng luận chống người ngoại giáo”. Ngài cũng dấn thân vào các cuộc truyền giáo nơi người Do Thái và Hồi giáo, thành lập những trung tâm để học tiếng Ả Rập và Hipri. Trở thành cố vấn cho thánh Pierre Nolasque, thánh nhân cộng tác để viết Luật Dòng Notre-Dame de la Merci (Đức Mẹ có lòng khoan nhân), chuyên lo việc chuộc các tù nhân khỏi tay người Hồi giáo Maures.

Thánh Raymond qua đời khi được 100 tuổi, vào ngày 06.01.1275, được phong thánh vào năm 1601. Các ảnh tượng thường trình bày ngài đang vượt biển trên áo choàng của ngài, vì theo người ta nói, nhờ đó mà ngài thoát khỏi Majorque.

 

  1. Thông điệp và tính thời sự
  2. Lời kinh Tổng Nguyện nhấn mạnh đến “tình yêu vô biên” mà thánh nhân thể hiện nơi các hối nhân.

Là giáo sư luân lý thần học và Giáo luật, ngài ưu tư việc đào tạo các vị giải tội theo thừa tác vụ giao hòa ; đó là chủ tâm để ngài soạn quyển “Tổng luận các nố giải tội”, được các cha giải tội sử dụng rất lâu trong Hội thánh. Đầy lòng thương xót đối với hối nhân, nhưng ngài đã từ chối phục vụ cho một hoàng tử không được đứng đắn.

Bài đọc một (2 Cr 5,14-20 : Hãy giao hòa với Thiên Chúa) và Thánh Vịnh 102 (Chúa từ bi và nhân hậu) giúp chúng ta hiểu rõ sứ điệp của thánh Raymond.

  1. Lòng nhân từ của Thiên Chúa thể hiện qua việc tha thứ tội nhân, cũng tỏ lộ trong các cuộc bách hại, trận chiến và sợ sệt “vì những lý do tinh thần”. Vì thế, Ngài viết cho các nữ tu thuộc Dòng : “Nếu như có lưỡi gươm đâm các chị hai ba lần, cũng phải chấp nhận, vì đó là niềm vui trọn hảo, một dấu chứng tình yêu… Cũng như Thánh giá Chúa Kitô, vừa tốt lành vừa đáng khao khát biết bao” (Phụng Vụ Giờ Kinh)
  2. Thánh Raymond là môn đệ đích thực của Chúa Kitô, luôn cố gắng thực tập lời Người : Kẻ lớn nhất trong anh em, phải là người phục vụ mọi người. Khi cởi bỏ tất cả, hoàn toàn khiêm nhường và vâng phục, ngài đã phục vụ Hội thánh khi thực hiện mọi công tác, và cũng vì khiêm nhường ngài đã từ chối chức giám mục ở Tarragone.

Là một mục tử nhiệt thành và được soi sáng, ngài hiểu cần phải chiến đấu với các sai lệch và lạc giáo bằng cách trình bày một giáo lý trong sáng. Vì thế ngài đã xuất bản quyển Tổng luận mục vụ theo ý kiến của các giám mục và quyển Chuyên đề về Hôn phối.

Enzo Lodi

tonggiaophanhanoi.org

 

 

Ngày 7/01: Thánh Giuse Trần Văn Tuân

 – Giáo Dân (1825-1859)

Thánh Giuse Trần Văn Tuân sinh năm 1825 tại Nam Điền, tỉnh Nam Định, nay thuộc giáo phận Bùi Chu, trong một gia đình nổi tiếng là đạo hạnh.

 

Ngài sinh sống bằng nghề nông, làm ruộng trồng lúa, chăm chỉ chu toàn bổn phận trong gia đình và sống trọn vẹn niềm tin của mình đối với Thiên Chúa và Giáo Hội. Công việc thường ngày của Ngài là sáng chiều chăm chỉ với công việc ngoài đồng. Nhưng không khi nào bỏ việc tham dự thánh lễ và lần hạt  Mân Côi sáng và tối dâng kính Đức Mẹ mỗi ngày. Gia đình Ngài sống rất bình dị, trong ấm ngoài êm, không ai chê trách gia đình Ngài điều gì, Ngài luôn đối xử với mọi người rất nhã nhặn thân ái hiền hoà, đối xử bằng tinh thần bác ái, khiêm nhu, yêu thương và hay giúp đỡ mọi người trong khu xóm, hay thăm viếng những người già yếu và bệnh tật. Ai ai cũng ca tụng gia đình Ngài có phúc và là một gia đình gương mẫu về lòng đạo hạnh. Vì vậy mà ai ai cũng tỏ lòng quí mến và kính phục Ngài.

Tuy nhiên trong thôn xóm cũng có một vài người thấy gia đình Ngài được nhiều người thương mến thì sinh lòng ghen ghét . Đàng khác cũng vì tham giầu có, nên nghe theo những lời hứa hẹn của vua quan là ai tố cáo các đạo trưởng và những người theo đạo thì được trọng thưởng vàng bạc. Do đó, trong làng có mấy người vốn đã có lòng ghen tị đã không ưa gia đình ông Giuse Tuân nên sinh lòng ham muốn có tiền bạc theo những lời hứa hẹn của vua quan, đã âm thầm đi tố cáo với quan đích danh làng Nam Điền có người tên Tuân theo đạo Gia-Tô. Được mật báo, quan tuần  phủ đã ra lệnh cho quân về vây và bắt được ông Giuse Tuân. Ông chỉ là giáo dân, không bắt được đạo trưởng nào. Quan ra lệnh bắt trói giải về phủ giam giữ tra tấn, đánh đập Ngài rất tàn nhẫn, bắt đeo gông cùm, xiếng xích rất nặng nề, không cho ăn uống, hành hạ Ngài bằng đủ mọi cực hình, bắt Ngài khai tên và chỗ ẩn trú của các đạo trưởng, bắt Ngài bước lên Thập Giá nhiều lần, nhưng dù bị tra tấn đánh bật máu, nát thịt thì Ngài vẫn kiên cường nhất định không khai báo và cũng không bước lên Thập Giá. Quan tức giận cho lệnh đánh ba mươi roi  bật máu và dọa nạt. Vợ con và người dân làng chứng kiến trận đòn hãi hùng thì thương. Nhưng Ngài vẫn hiên ngang đối đáp. Sau trận đòn khủng khiếp, quan cho lệnh đưa về giam trong nhà tù và ra lệnh không cho ăn  uống. Nhưng người tôi tớ Chúa vẫn vui vẻ và tỏ ra hăng hái, vững vàng trong đức tin sắt đá của mình.

Một hôm quan lại gọi Ngài ra công đường. Lần này quan tỏ lòng thương xót. Quan nói nhỏ nhẹ với Ngài:

– “Này ông Tuân, ông chỉ là một người tín hữu của đạo Gia Tô. Ta biết ông là người hiền lành, được nhiều người dân làng thương mến. Ta không muốn kết án  tử hình cho ông, vì ông còn trách nhiệm với vợ con. Vậy hãy nghe Ta, ông bước qua Thập Giá Ta đã đặt sẵn dưới đất trước mặt ông, rồi Ta tha cho về với vợ con”.

Ông khiêm tốn trả lời:

– “Bẩm quan lớn, quan lớn dạy tôi bước lên Thập Giá Chúa tôi thì tôi không thể làm theo lời quan lớn dạy được. Quan lớn thương cho tôi về với gia đình thì tôi muôn vàn đội ơn quan lớn. Nếu quan lớn kết tội thì tôi xin sẵn lòng chịu chết vì Chúa tôi thờ”.

Quan lại nhẹ nhàng nói:

– Chúa ông thờ là Chúa làm sao?

– Bẩm quan lớn. Chúa tôi thờ là Đấng dựng nên trời đất muôn vật, là Đấng cầm quyền sinh tử. Cha mẹ chúng ta sinh ra thân xác, nhưng linh hồn ta là Thiên Chúa dựng nên và ban cho ta. Khi ta chết thì xác chết nhưng linh hồn không chết. Linh hồn sống đời đời. Vì vậy, vua quan chỉ có thể giết chết thân xác tôi còn linh hồn tôi thì vua quan không thể giết chết được.

– Vậy ông chết rồi linh hồn ông đi đâu?

– Bẩm quan, tôi chết thì linh hồn tôi về với Chúa là Đấng đã dựng nên tôi. Tôi sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa là Đấng tôi tôn thờ.

Nghe Ông nói thì quan tỏ ra vẻ suy nghĩ, không hỏi gì thêm. Quan ra lệnh đưa về ngục.

Sau ít ngày, quan lại cho dẫn Ngài tới công đường. Thấy Ngài bình tĩnh, quan vui vẻ hỏi:

– Ông Tuân, ta không muốn kết án ông, nhưng theo lệnh của vua, mọi người phải từ bỏ tà đạo Gia Tô, vì là tà đạo, đạo của Tây đưa tới. Nếu không tuân lệnh vua thì phải chết. Vậy ông nghe ta mà từ bỏ tà đạo này để được tha mà trở về làm ăn vui vẻ với mọi người.

Ông Giuse Tuân đáp lời:

– Bẩm quan lớn, quan lớn nói đạo Gia Tô là tà đạo, không phải như thế đâu. Đạo Gia Tô là đạo chân thật. Đạo thờ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên muôn loài muôn vật. Thờ kính Đấng như thế thì làm sao gọi là tà đạo được?

Quan không muốn nghe ông nói thêm nữa. Quan tỏ ra nóng nảy, lấy làm khó chịu vì khuyên dụ mãi không được. Quan tỏ ra bực tức, thay đổi thái độ, bắt ép Ngài bước qua Thập Giá để chứng tỏ đã bỏ Đạo để quan tha cho về và trọng thưởng tiền bạc nữa. Khi quân lính đặt Thập Giá trên mặt đất và khuyên Ngài bước qua. Ngài đã khẳng khái từ chối, lại tỏ vẻ cương quyết qùi gối thờ lạy Thấp Giá và kêu lớn tiếng rằng:

– “Lạy Thánh Giá Chúa Kitô là sức mạnh của tôi”.

Quan quân chứng kiến hành động can đảm này của Ngài các quan thất vọng vì không thuyết phục được Ngài, Quan nói:

– Ông này gan lỳ thật. Ông không sợ chết sao!

Lần cuối cùng, các quan lại cho lệnh dẫn Ngài ra công đường, các quan bàn định, nếu lần này không thuyết phục được thì sẽ làm án gửi về triều đình, vì đã giam giữ khá lâu rồi. Khi đội lính dẫn ra hầu toà. Quan chánh án hỏi:

– Chúng tôi đã kiên nhẫn chờ đợi ông suy nghĩ trước sau mà bỏ đạo Gia Tô, vì đạo này là tà đạo của Tây, vua đã cấm. Vậy hôm nay chúng tôi mong ông vâng lệnh vua và nghe lời khuyên của chúng tôi mà quá khoá. Chúng tôi sẽ tha và trọng thưởng vàng bạc cho ông nữa”

Ông Giuse Tuân trả lời dứt khoát rằng:

– Bẩm lạy các quan, tôi xin cám ơn các quan. Tôi xin sẵn lòng chịu chết chứ không thể bỏ đạo được. Được sống và được thưởng tiền bạc nữa thì quí trọng thật. Nhưng bỏ Chúa để lấy tiền bạc thì không bao giờ tôi làm. Tôi nhất định không bỏ đạo, nhất định không bước qua Thập Giá, dù phải chết thì tôi xin sẵn lòng chịu chết”.

Thấy không còn cách nào để dụ dỗ được nữa thì các quan bàn định làm bản án đệ trình triều đình xin vua xét xử. Vua ra lệnh làm án xử trảm tại pháp trường Nam Đinh.

Ngày 7 tháng Giêng năm 1862 dưới triều đại vua Tự Đức, Ngài đã hiên ngang tiến ra pháp trường với đội lý hình trong niềm hân hoan cảm tạ Chúa. Tới pháp trường, Ngài quì gối đọc kinh tạ ơn Chúa đã ban cho Ngài được phúc đổ máu mình ra để làm chứng cho Đức Kitô phục sinh, làm chứng cho lòng tin sắt đá của mình rồi Ngài kêu lớn tiếng:  -“Lạy Chúa Giêsu! Con phó linh hồn con trong tay Chúa”

Sau đó, Ngài đưa cổ cho lý hình chém kèm theo tiếng chiêng tiếng trống đổ hồi vang dội. Lý hình vung gươm lên cao chém một nhát, đầu lìa cổ rơi xuống đất mà miệng vẫn còn phát ra tên cực trọng Giêsu, đoạn lý hình tung đầu Ngài lên cho quan Giám Sát và mọi người biết án lệnh trảm quyết đã được thi hành. Rất đông người đi theo chứng kiến cảnh hãi hùng. Khi lý hình vung gươm lên cao, nhiều người từ xa xa kêu rú lên, có tiếng kêu:

– Giêsu Maria, lạy Chúa tôi! Họ chém ông ấy rồi

– Đầu bị chém lìa cổ rơi xuống đất rồi. Trời ơi ghê sợ quá!

Nhiều tiếng khóc nức nở :

– Họ tung đầu Ngài lên cao, trời đất ơi. Sợ quá!

– Máu từ cổ vụt lên cao lắm. Trông kinh hãi quá!

– Ông Tuân quả là anh hùng, dám chết một cách anh dũng vì đạo như thế. Anh hùng quá!

– Anh hùng chưa đủ, ông là thánh tử đạo đấy!

Nhiều lời bàn tán, kêu la lẫn lộn, tạo nên một khung cảnh ồn ào nhộn nhịp trong cảnh hãi hùng man rợ. Những người trong gia quyến và tín hữu vừa run sợ, vừa nức nở khóc, đã vội chạy tới thấm máu và xin nhận xác đem về an táng. Hôm đó là ngày 7 tháng Giêng năm 1862 Ngài vừa tròn 36 tuổi Ông Phêrô Kiên và bà Maria Huyên đã có mặt ngay từ giây phút đầu, để chứng kiến cái chết.tử vì đạo vô cùng anh dũng và thánh thiêng của thánh Giuse Tuân. Hai người này đã xin phép lãnh nhận thi hài vị chứng nhân can trường của Chúa về an táng. Đến năm 1864 giáo dân xứ Nam Điền lại xin cải táng rước về đặt tại nhà thờ thánh Giuse thuộc giáo xứ Nam Điền, nơi sinh quán của Ngài..

Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 29 tháng 4 năm 1951 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn vinh Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

 Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 13/01: Thánh Hilaire – giám mục, tiến sĩ hội thánh

 

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Hilaire được Đức Giáo Hoàng Piô IX tôn phong làm tiến sĩ Hội thánh vào năm 1851, là vị Giáo phụ vĩ đại nhất của Giáo Hội xứ Gaule và là một trong các vị Giáo phụ nổi tiếng nhất của Giáo Hội Tây Phương. Được gọi là “thánh Athanase của Phương Tây”, ngài ngăn chận lạc giáo Arius và trở thành cầu nối giữa các Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương. Việc tôn kính ngài được phổ biến từ thế kỷ thứ IX ở xứ Gaule và tại Rôma từ thế kỷ thứ XI và XII.

Thánh Hilaire (tiếng La Tinh là hilaris = vui vẻ) sinh năm 315 ở Aquitaine, trong một gia đình ngoại giáo làm thẩm phán và địa chủ ; ngài kết hôn và có được một đứa con gái tên là Abra, cũng được tôn phong như nữ thánh ở Poitiers. Khi còn ngoại giáo, ngài luôn tìm kiếm Chúa và đã khám phá ra Thiên Chúa qua việc đọc các Sách Thánh, đặc biệt là Môisen và Gioan. Thánh nhân đã viết trong tập “Chuyên khảo về Chúa Ba Ngôi”: “Linh hồn tôi vui mừng đón nhận mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa. Với thân xác, tôi tiến gần đến thiên tính và với đức tin tôi được gọi vào một cuộc sống mới.”

Được rửa tội, ngài gia nhập vào cộng đoàn Kitô hữu tại Poitiers, vẫn luôn là giáo dân. Nhưng vào năm 350, sau cái chết của vị giám mục địa phương, các tín hữu đã chọn ngài làm mục tử cho cả địa phận qua việc bình chọn vỗ tay. Đó cũng là lúc lạc giáo Arius phủ nhận thiên tính của Đức Kitô, đang tàn phá Hội thánh. Hoàng đế Constance II lại muốn thiết đặt lạc giáo này trên toàn đế quốc La Mã ; ông đã ra lệnh truất phế thánh Athanase, nhưng Hilaire lên tiếng chống đối và đã tập họp các giám mục để loại các kẻ lạc giáo ra khỏi cộng đoàn. Bị hoàng đế đày đi Phrygie, miền Tiểu Á, ngài đã ở đây 4 năm ; lợi dụng thời gian này, ngài làm quen với thần học Đông Phương. Ngài đã soạn tập “Chuyên khảo về Chúa Ba Ngôi”, một tác phẩm vĩ đại gồm 12 quyển sách, trình bày rõ ràng, bằng tiếng La Tinh, tín điều về Chúa Ba Ngôi của Hội thánh. Ngài viết : “Tôi bắt buộc phải trình bày với ngôn ngữ không chuyên để giải thích các mầu nhiệm khó diễn tả.” Nhưng cuộc tranh đấu của ngài đã mang lại kết quả. Được trở về địa phận Poitiers, ngài cố gắng tái lập sự chính thống và trật tự hoà bình. Như Sulpice Sévère viết : “Mọi người đều biết rằng đất nước Gaule của chúng ta đã được giải thoát (khỏi thuyết Arius) nhờ lòng nhiệt thành của Hilaire thành Poitiers.”

Những năm cuối đời, thánh nhân cố gắng lãnh đạo địa phận và học hỏi : ngài đã cho xuất bản các “Chuyên khảo về các mầu nhiệm”, về các thánh Thi, Giải thích Thánh Vịnh, “hướng về sự an nghỉ của ngày Sabbat thật cần phải chuẩn bị”. Dưới sự thúc đẩy của ngài, thánh Martin thành Tours đã thiết lập tại Tours Đan viện đầu tiên ở Phương Tây. Thánh Hilaire thích đến đó cầu nguyện và chung sống với các đan sĩ. Ngài qua đời cách yên lành tại Poitiers vào khoảng năm 367. Danh tiếng ngài vang dội. Thánh Jêrôme ca tụng vị giám mục này bằng cách gọi ngài là “Dòng sông Rhône lợi khẩu La Tinh” ngài còn nói thêm : “Việc tuyên xưng vang dội, lòng nhiệt thành trong cuộc sống, sự vững chắc trong lời ăn tiếng nói của ngài, chói sáng cả đế quốc La Mã.”

  1. Thông điệp và tính thời sự

Thánh Hilaire công bố và bảo vệ thiên tính của Đức Kitô “không bao giờ suy yếu” (kinh Tổng Nguyện).

  1. Được gia nhập đạo sau một thời gian dài tìm kiếm ray rức, ngài đã chọn tiếng con tim. Ngài viết : “Thiên Chúa đẹp dường bao. Chúng ta cảm nghiệm sự đẹp đẽ này, nhưng không đủ khả năng hiểu được. Trong Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, có một sự vô cùng trong Đấng Vĩnh Cửu, sự đẹp đẽ trong Đấng là Hình ảnh của Người, niềm vui trong Đấng là Ân Sủng” (Về Ba Ngôi II,1).
  2. Nhưng thế nào lại không thể công bố Chân lý đã được biết đến và đã được yêu mến ? thánh Hilaire viết : “Hồng ân ngôn ngữ mà Ngài ban cho con không giúp con trình bày được công trình vĩ đại : phục vụ Ngài qua việc rao giảng và cho thấy Ngài là ai… Ngài là Chúa Cha, Cha của Chúa Con duy nhất. Con phải cho mọi người biết Ngài, trong một thế giới chưa biết Ngài và cho những người theo lạc giáo vì họ từ chối Ngài” (Về Ba Ngôi).

Đam mê duy nhất của thánh Hilaire là Chân lý Thiên Chúa chiếu soi trong tâm hồn ngài từ khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và ngài muốn gìn giữ mãi cho đến cùng : “Con xin Chúa, gìn giữ sự tôn trọng đức tin của con đừng thay đổi, cho đến hơi thở cuối cùng của con… Xin cho con được gìn giữ điều con đang chiếm hữu, gìn giữ điều con tuyên xưng trong tín biểu đức tin của thế hệ con, khi con lãnh nhận bí tích Rửa tội trong danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Xin cho phép con được tôn thờ Chúa, Thiên Chúa Cha của con, và tôn thờ Con của Ngài cùng với Ngài ; xin cho con xứng đáng với Chúa Thánh Thần, Đấng xuất phát từ Ngài nhờ Người Con duy nhất.”

  1. Hilaire là con người trầm lặng, nhưng khao khát chân lý. Ngài bảo vệ chân lý trước mặt mọi người và vua chúa. Ngài đã viết cho hoàng đế Constance II một bản văn đả kích, xem hoàng đế như một Phản Kitô : “Một người lính bảo vệ vua mình khi gặp nguy biến trong đời… Còn ngài, ngài lại cho Đức Kitô, Con đích thực của Thiên Chúa, lại không phải là Chúa. Sự thinh lặng của ngài là một sự gắn bó vào sự phỉ báng này, và ngài đã thinh lặng…” (xem bài đọc một trong Thánh lễ : 1 Ga 2,18-25 : … Ai là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô ? Kẻ ấy là tên phản Kitô).

Sự say mê chân lý đã trở thành lời cầu nguyện : “Xin ban cho chúng con, chống lại những kẻ lạc giáo, để ca khen Ngài là Chúa, nhưng không phải là một Thiên Chúa đơn độc, và để rao giảng Thiên Chúa này không chút sai lệch” (Về Ba Ngôi).

Enzo Lodi

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 13/01: Thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm – Chánh Án (1780-1859)

 

Thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm sinh năm 1780 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, nay thuộc giáo phận Bùi Chu.Ngài là con trưởng của ông bà Phạm Tri Khiêm, một gia đình giầu có và danh tiếng trong làng.

 

 Ngài hấp thụ được nhiều đức tính tốt của cha và là một người con ngoan, hiếu thảo của gia đình họ Phạm. Gia đình ông Phạm Tri Khiêm là một gia đình Công giáo và ông đã giáo dục bảy người con của ông rất nghiêm túc theo tinh thần Công giáo, đạo đức và đức tin vững chắc.

Năm 18 tuổi, cậu Đa Minh Phạm Trọng Khảm đã lập gia đình với cô Agnès Phượng, một thiếu nữ đạo hạnh cũng là người làng Quần Cống. Hai người sống rất gương mẫu về lòng đạo đức, tốt lành. Gia đình đầm ấm, hoà thuận, yêu thương nhau, sinh con cái và đồng tâm nhất trí giáo dục con cái trở thành những người Công giáo đạo hạnh. Người con trai lớn của Ngài sau làm Chánh Tổng, được mọi người kính nể, đó là Chánh Tổng Phạm Trọng Thìn, sau cũng anh dũng làm chứng cho Chúa và được phúc tử đạo cùng với cha là thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm. Ngoài ông Tổng Thìn, Ngài còn ba người con gái tên là bà Nhiêu Côn, Nhiêu Trữ và Hậu Địch, cũng được học hành và nổi tiếng là hiền lành, khôn ngoan đạo đức.

Nhờ sự săn sóc hướng dẫn của cha là ông Phạm Trọng Khiêm nên cậu Khảm học hành thành đạt, sau làm tới quan Chánh Án. Mọi người trong làng xứ đều nhìn nhận cụ Án Khảm là người đạo đức, giầu lòng bác ái, và nhiệt tình trong mọi công việc cụ đã đảm nhận. Đối với mọi người trong xóm làng cụ hết tình bênh đỡ khi có việc phải cậy nhờ đến cụ. Riêng đối với Giáo Hội và những vị Thừa Sai lo việc truyền giáo thì cụ rất chú tâm giúp đỡ về mọi phương diện. Vì thế, lúc gặp khó khăn vì đạo bị cấm cách, cụ thường đón nhận  các Giám mục, Linh mục Thừa Sai đến trú ngụ tại nhà cụ và cụ tìm mọi cách giúp các vị Thừa Sai này thi hành mục vụ trong những trường hợp kín đáo và khôn khéo.

Trước khi quân lính từ tỉnh Nam Định về vây làng Quần Cống, cụ Án Khảm đã khích lệ dân chúng hãy vững lòng bền chí trung thành với đạo Chúa. Cụ còn nói thêm với dân chúng rằng:

– Nếu có ai bước qua Thập Giá để chối đạo, thì khi quan rút rồi, làng sẽ không nhìn nhận người này khi còn sống cũng như khi chết sẽ không được chôn  trong nghĩa địa của làng.

Khi quan quân tới vây làng và bắt tập trung mọi người trong đình làng, quan phủ nói với cụ án Khảm:

– Các Thừa Sai có người là ngoại quốc, có người là người bản xứ và Thầy Giảng nữa, Ông có chứa chấp không? Nếu không xưng mà ta bắt được thì mọi tài sản sẽ bị tịch thu và bị xử tử.

Cụ Án Khảm thưa:

– Đạo chúng tôi luôn có linh mục. Nhưng các Ngài ở đâu tôi không được biết. Nếu quan bắt được thì tùy ý, quan muốn xử thế nào thì xử.

Quan ra lệnh bắt mọi người phải bước qua Thập Giá, cụ Án Khảm thấy một cụ già run rẩy khi bước tới gần Thập Giá do dự chưa dám bước qua, cụ Án Khảm liền chặn lại. Quan phủ nổi giận quát lớn tiếng:

– Ta sẽ mất chức, nếu Phạm Trọng Khảm không bị giết và tịch thu tài sản.

Nói rồi quan ra lệnh bắt trói cụ Án Khảm và cho lính tới nhà tịch thu các đồ đạo và những đồ vật qúi báu trong nhà.

Cụ Án Khảm nói với quan phủ:

– Các ông lấy đồ gì của tôi thì lấy nhưng các đồ đạo của nhà thờ và của nhân dân thì đừng xâm phạm tới.

Sau đó, quan ra lệnh bắt trót tất cả những người không buớc qua Thập Giá và cả cụ Án Khảm giải về tỉnh Nam Định. Năm ấy cụ Án Khảm đã 80 tuổi.

Lên tới tỉnh thì cụ Án Khảm cùng đông đủ các anh hùng đức tin làng Quần Cống vui mừng gặp Đức Cha Sampedro Xuyên đã bị bắt ở Kiên Lao và đang bị giam giữ tại đó, cụ và mọi người hân hoan kính chào Đức Cha mà không ai sợ hãi các quan. Đức Cha khuyên mọi người hãy can đảm lên và kiên trì tới cùng để được hạnh phúc tử vì đạo. Thế rồi họ tống mọi người vào nhà giam, chỉ còn một mình cụ Án Khám được ở lại đối chất với các quan.

Quan tổng đốc tỉnh Nam Định hỏi:

– Ngươi nói là không chứa chấp đạo trưởng, sao khi vừa gặp Giám mục Sampedro các ngươi đã tỏ ra vui mừng, quen biết và cung kính?

Cụ Án Khảm trả lời:

– Chúng tôi vui mừng vì được gặp người Cha Chung. Trong đạo chúng tôi, chúng tôi rất kính trọng các đạo trưởng.

Quan còn hỏi cụ nhiều điều nữa nhưng nhất định cụ không khai báo tông tích bất cứ một người nào. Quan tổng đốc lại ngọt ngào khuyên cụ bước qua Thập Giá rồi quan sẽ cho cụ về và hoàn trả tất cả đồ đạc đã tịch thu. Nhưng cụ Án Khảm khiêm tốn cảm ơn mỹ ý của quan tổng đốc, còn việc chối đạo thì chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận. Quan tổng đốc ra lệnh nhốt riêng cụ để không ảnh hưởng được những tù nhân khác. Nhưng bằng mọi cách, cụ vẫn liên hệ và khuyên bảo mọi người hãy can đảm, bền chí để Chúa thưởng công, Chúa sẽ tiếp sức, đừng sợ hãi.

Vì cụ đã 80 tuổi nên các quan không đánh đập cụ như những người khác, cũng không hành hạ cụ nhịn đói, nhịn khát và đeo xiềng xích khổ cực. Sau bốn tháng trời thuyết phục bị thất bại không làm cho cụ Án Khảm bước qua Thập Giá, các quan quyết định làm án tử hình.

Ngày 13 tháng 1 năm 1859, cụ bị giải ra pháp trường. Vì tuổi cụ đã cao và bị đày đọa trong nhà giam khá lâu nên sức khoẻ cụ bị kiệt quệ. Trước khi tiến ra pháp trường cụ đã được cha Lương và cha Duyệt cùng bị tù giải tội và chúc lành cho cụ.

Tới pháp trường cụ quì gối đọc kinh tạ ơn Chúa rồi nằm trên chiếc chiếu, lý hình tròng giây qua cổ rồi kéo hai đầu giây, cụ bị thắt cổ mà chết. Đứng vòng ngoài nhìn thấy cụ già 80 tuổi bị cuốn giây vào cổ rồi kéo hai đầu giây đến tắt thở thì nhiều người kêu rú lên:

– Trời ơi! Cụ già chết rồi! Ngộp thở mà chết!

– Án tử hình gì mà độc ác đến thế! Thắt cổ người ta!

Mấy người con đứng xa xa kêu lên:

– Con phó dâng linh hồn bố chúng con cho Chúa.

Có nhiều tiếng khóc nức nở vọng lên giữa bầu trời âm u, thiếu ánh sáng mặt trời. Sau khi chết quân lính còn đốt cháy tay chân và mặt cụ nữa. Mọi việc đã hoàn tất, thân nhân và các tín hữu xin xác cụ về an táng. Hai anh Đa Minh Nhượng và Đa Minh Diên là những người đã nhận xác và đưa về an táng tại nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi ở giáo xứ Quần Cống, thuộc giáo phận Bùi Chu.

Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 29 tháng 4 năm 1851 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn vinh Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988. Chúng ta cảm tạ Chúa thay cho Ngài và xin Ngài bầu cử cùng Chúa cho chúng ta nữa.

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 13/01: Thánh Giuse Phạm Trọng Tả – Chánh Tổng (1800-1859).

 

Thánh Giuse Phạm Trọng Tả sinh năm 1800 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, nay thuộc giáo phận Bùi Chu. Ngài là con ông Đa Minh Phạm Thăng, anh em thúc bá với thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm.

 

 Ngài làm Chánh Tổng trước thánh Luca Phạm Trọng Thìn, Ngài cũng lập gia đình nhưng người vợ đã chết sớm. Lý do Ngài bị bắt đã kể trong chuyện thánh Luca Phạm Trọng Thìn. Hai Ngài được Đức Cha Sampedro ủy thác việc dàn xếp với quan Tổng đốc Nguyễn Đình Tân xin nhẹ tay đối với người Công giáo và hứa sẽ trung thành với vua. Câu chuyện điều đình gần đi tới kết quả tốt đẹp thì chuyện không may xẩy đến tại làng Cao Xá làm quan Tổng đốc bực mình và sinh lòng nghi ngờ thiện chí của các Ngài, kết án các Ngài là nội gián, lừa bịp quan Tổng đốc, âm mưu làm loạn. Quan Tổng đốc ra lệnh bắt các Ngài luôn. Khi bị bắt thánh Giuse Phạm Trọng Tả đã 60 tuổi.  Ngài là cựu Chánh Tổng, sống đời sống rất an bình chừng mực, đạo đức. Ngài đã vào Hội dòng Ba Đa Minh và làm chủ Hội. Ngài sốt sắng làm các việc đạo đức, yêu thương và hay giúp đỡ mọi người và tìm mọi cách giúp.những người đồng đạo thực hành đức tin trong hoàn cảnh khó khăn của thời cấm cách.

Đặc điểm nổi bật trong đời Ngài là lòng thương người. Ngài hay bố thí và phân phát thóc lúa cho những người nghèo khó. Cho những người nghèo khó vay mượn Ngài chỉ lấy lại một phần, những người nghèo túng quá thì Ngài cho luôn. Ngài rất để ý tới những người làm công thuê mướn cho Ngài. Chính vì lòng yêu thương này mà ai ai trong làng xóm đều quý mến và kính trọng Ngài như người cha của mình.

Thế rồi khi bị bắt, quan quân cố tình ép buộc Ngài bước qua Thập Giá, đạp lên ảnh tượng, Ngài đã mạnh bạo xưng đạo, cương quyết một lòng tin theo Chúa, yêu mến Chúa, dầu có phải chết hay chịu trăm ngàn sự khó thì Ngài cũng can đảm chịu hết chứ nhất định không chối Chúa, không phạm tội bước qua ảnh tượng Chúa. Lúc Ngài bị bắt, nhiều người, kể cả những người lương dân đều khóc thương Ngài. Ông Đoàn Vĩnh người làng bên cạnh không Công giáo than phiền rằng:

– Thời thế khó khăn quá! Cụ Chánh Phạm Trọng Tả là người tốt lành, yêu thương dân làng, không phân biệt lương giáo, làm gì nên tội mà bắt cụ như thế.

– Thật tội nghiệp cụ tổng! Tôi thương cụ quá! Tôi chẳng biết làm gì để giúp cụ trong lúc này. Anh Cai Bình nói thế.

Nhiều người trong làng biết cụ bị bắt đem lên tỉnh giam thì tìm cách lên thăm và an ủi cụ, bày tỏ lòng kính phục cụ.

Trong những ngày tháng bị giam cầm trong tù ngục tại Nam Định, đã nhiều lần Ngài phải đối chất với các quan. Bị các quan dụ dỗ bị đe dọa đủ cách nhưng Ngài vẫn một mực cương quyết không chối Chúa. Trong nhà giam, nhiều lần Ngài bị đánh đập cực kỳ tàn nhẫn, bị kìm kẹp đau đớn nhưng không sao thuyết phục được Ngài bước qua Thập Giá, một dấu chỉ chối Chúa.

Có lần người ta khuyên Ngài giả vờ bước lên tượng Chúa để được tha thì Ngài nói:

– Đó là tội đáng ghê tởm! Giả vờ bước lên Thánh Giá cũng là một tội ghê gớm. Dầu có phải chết thì tôi cũng không thể làm như thế được. Làm như thế là xúc phạm đến Chúa vô cùng.

Một hôm quan Tổng đốc và quan Chánh Án lệnh đưa Ngài ra công đường để khuyên dụ. Quan Chánh Án nói:

– Ông đã làm đến chức Chánh Tổng trong dân. Ông đã được hưởng bao ơn lộc của vua. Tại sao bây giờ ông lại chống lại vua như thế? Ông hãy vâng lệnh vua bước qua Thập Giá này.

Ngài mạnh bạo trả lời:

– Tôi luôn trung thành với vua, không bao giờ chống lại vua. Sao quan lớn lại nói như thế?.

– Trung thành với vua, sao không vâng lệnh vua bỏ đạo

– Không bỏ đạo, không có nghĩa là chống lại vua, là không trung thành với vua.

– Tại sao không bỏ đạo là không chống lại vua?

– Tôi luôn trung thành với vua. Nhưng theo đạo Gia-Tô là tôn thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa trọng hơn vua. Phải tôn thờ Thiên Chúa hơn vâng lệnh vua mà bỏ Chúa..

Quan Tổng đốc nói tiếp:

– Ông làm việc đã lâu. Tôi biết ông là người tốt, ngay thẳng, liêm khiết, nhất là có lòng thương người. Tôi biết rất rõ về ông. Tôi không muốn làm án hại ông. Bây giờ ông dẹp bỏ tự ái, dẹp bỏ lòng tin nhẹ dạ của ông, vâng lệnh vua, bước qua Thập Giá, chúng tôi sẽ tha cho ông về và còn trọng thưởng cho ông nữa để dân chúng trong tổng của ông vui mừng. Tôi biết họ rất quí mến ông.

Ngài từ tốn đáp lại:

– Bẩm các quan, tôi hết lòng cảm tạ về những lời lẽ quan lớn vừa nói với tôi. Tôi biết và hiểu như thế. Nhưng tôi không tự ái, không nhẹ dạ như quan nói. Tôi xác tín theo đạo. Bây giờ dù phải mất hết mọi sự ở trần gian này thì tôi cũng xin vui lòng chấp nhận kể cả sự chết; còn việc bước qua Thập Giá theo lệnh của vua, thì nhất định tôi không thể chiều theo ý vua và các quan lớn được. Nếu phải chết, tôi cũng vui lòng chịu chết vì đạo.

– Chúng tôi thương giúp ông mà ông không nghe thì chúng tôi phải theo lệnh vua, ông không thể trách chúng tôi.

– Bẩm các quan lớn, tôi không dám trách các quan lớn. Tôi sẽ cầu nguyện cho các quan lớn mà thôi.

Các quan thấy Ngài cương quyết không bước qua Thập Giá và sẵn lòng chấp nhận chết vì đạo, thì thất vọng, buồn rầu đứng lên, không nói gì thêm, cho lệnh đưa Ngài về ngục .

Sau những tháng ngày dài, các quan không thuyết phục được Ngài nên đã làm án tử hình cùng với thánh Khảm, thánh Thìn và 7 anh hùng đức tin của Chúa gửi về kinh và được vua chấp thuận một cách mau lẹ..

Nhận được án lệnh từ kinh đô gửi về, các quan cấp tốc thi hành. Sáng hôm ấy, trên đường tiến ra pháp trường Bảy Mẫu Nam Định, Ngài bình tĩnh, nét mặt tươi vui, miệng đọc kinh lớn tiếng. Tới nơi Ngài cùng với các vị khác quì gối đọc kinh Tin Cậy Mến, kinh Ăn Năn Tội rồi để cho các lý hình trói chân tay đặt nằm trên chiếu trải trên mặt đất. Lý hình tròng giây qua cổ rồi bốn lý hình cầm hai đầu giây kéo thật mạnh cho tới khi Ngài tắt thở thì đốt tay chân của Ngài. Thân nhân và tín hữu xô tới xin xác Ngài. Ông Đa Minh Nhượng là người đã giúp đỡ Ngài trong suốt thời gian bị tù đã vinh dự được chứng kiến cuộc xưng đạo anh dũng của Ngài, ông xin nhận xác và đưa về an táng tại giáo xứ Quần Cống, quê hương của Ngài. Ngày 3 tháng 1 năm 1866 cha Trường đã cải táng và rước Ngài về đặt tại nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi của xứ Quần Cống.

Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 29 tháng 4 năm 1851 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn vinh Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Chúng ta cảm tạ Chúa thay cho Ngài và xin Ngài bầu cử cùng Chúa cho chúng ta nữa.

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 13/01: Thánh Luca Phạm Trọng Thìn – Chánh Tổng (1820-1859)

 

Thánh Luca Phạm Trọng Thìn, theo bản án của triều đình thì viết là Phạm Viết Thìn, sinh năm 1820 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, nay thuộc giáo phận Bùi Chu, Ngài là con cụ Án Phạm Trọng Khảm và bà Agnès Phượng.

 

Nhờ gia đình khá giả nên Ngài được học hành đỗ đạt tốt, mới 30 tuổi đã làm tới chức Chánh Tổng. Ngài kết bạn với cô Maria Tâm là một thiếu nữ đạo hạnh hiền lành, người cùng làng. Hai người sống với nhau rất hạnh phúc. Nhưng vì chức vụ luôn phải đi xa nhà và còn trẻ tuổi nên dễ bị bạn bè lôi cuốn đi vào con đường tội lỗi. Dần dần Ngài đã làm quen thân với một thiếu nữ tên là Trung người làng Trà Lũ, cô này rất duyên dáng, rồi sau đó cưới làm vợ nhỏ. Từ đó việc đạo đức trở nên nguội lạnh, bỏ cả việc xưng tội rước lễ. Người vợ cả là cô Tâm rất đau khổ, âm thầm cầu nguyện xin Chúa thương, sớm giúp ông trở về với Chúa và gia đình. Sau một thời gian thì Ngài bị bệnh rất trầm trọng, tưởng là chết, cha Ngài là cụ Án Khảm hết lời khuyên bảo, nhất là nhờ lời khuyên dạy của cha giải tội, Ngài đã xưng tội và chân thành sám hối rồi làm giấy dứt khoát từ bỏ người vợ nhỏ này. Ngài lại hứa với Chúa và gia đình nếu Chúa cho sống thì Ngài sẽ cố gắng lập công đức để đền tội lỗi và sẽ sống cuộc đời đạo hạnh hơn. Khi khỏi bệnh, Ngài đã thật sự làm lại cuộc đời và sống rất tốt lành thánh thiện, xây dựng một gia đình gương mẫu, một thành viên dòng ba Đa Minh rất sốt sắng.

Triều đại vua Tự Đức năm thứ XI cũng chính là thời kỳ vua Tự Đức ra những sắc chỉ cấm đạo ác nghiệt nhất, vì khi ấy liên quân Pháp và Tây Ban Nha, lăm le tiến vào Đà Nẵng nên vua lại càng lo sợ và càng ra tay tiêu diệt đạo Gia-Tô của tây phương đem tới, vì vua được các quan triều đình đệ trình rằng đạo Gia-Tô là chiêu bài của quân đội liên quân Pháp và Tây Ban Nha. Vua Tự Đức tin chắc như thế nên tìm mọi cách để tiêu diệt đạo và các Thừa Sai ngoại quốc.

Trước tình thế dầu sôi lửa bỏng như thế Đức Cha Sampedro Xuyên liền cậy nhờ hai ông Chánh Tổng Phạm Trọng Thìn và ông Chánh Tổng Phạm Trọng Tả là hai người tín hữu rất đạo đức và có uy tín làm sứ giả hoà bình, tới gặp Tổng Đốc Nam Định lúc ấy là ông Nguyễn Đình Tân, xin ông nhẹ tay cho các tín hữu được an bình giữ đạo. Hai ông hứa với quan Tổng Đốc Nam Định là sẽ kêu gọi toàn dân Công giáo sẽ trung thành với Đức Vua. Cuộc dàn xếp đang trên đường tiến triển tốt đẹp thì không may tại làng Cao Xá có một người tín hữu bất mãn với chính sách nhà nước, đã xúi giục dân chúng nổi loạn chống lại các quan. Được tin cấp báo này, quan Tổng Đốc nổi giận, ra lệnh bắt ông Thìn và ông Tả kết tội hai ông này lừa dối, là nội gián và truyền lệnh tiếp tục truy nã bắt hết các đạo trưởng, các linh mục, các Thừa Sai và tất cả các tín hữu. Quan lại cho lính về vây làng Quần Cống vì có mật báo cho biết là trong làng này chứa chấp nhiều đạo trưởng. Quân lính xông xáo lục bới từng nhà, kết quả là bắt được Đức Cha Sampedro Xuyên và cha Estevey đang trú ngụ tại đó.

Quan Tổng Đốc cho dẫn ông Phạm Trọng Thìn ra toà đã ba bốn lần để khuyên dụ bước qua Thập Giá rồi sẽ tha cho về. Nhưng vẫn một mực từ chối, dứt khoát không bao giờ ông bước qua Thập Giá. Dù bị dọa nạt, tra tấn, kìm kẹp thì Ngài vẫn giữ một lòng cương quyết không quá khoá, không bỏ đạo. Khuyên dụ không được, quan bắt Ngài viết những suy nghĩ của mình trên giấy. Ngài đã can đảm viết rành mạch bản tuyên xưng Đức Tin của Ngài như sau:

– Tôi là một Kitô hữu, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ. Tôi tin kính và thờ phượng Chúa tôi hết lòng. Dù phải chết tôi cũng không bỏ Chúa tôi. Chính tay tôi viết những điều này. Luca Thìn”.

Nhìn thấy thái độ cương quyết của Ngài, quan ra lệnh xích tay chân và tống giam vào ngục. Ban ngày phải mang xiếng xích nặng nề, ban đêm hai chân bị cùm vào xà lim rất đau đớn nhưng Ngài vẫn một niềm hân hoan, vui vẻ, không sợ đánh đòn hay bất cứ hình khổ nào. Những người ngoại đạo thấy Ngài bị xiềng xích, hành hạ khổ sở quá thì khuyên Ngài bước qua Thập Giá để trở về với gia đình, giữ được của cải lại còn quyền chức nữa.

Ngài trả lời:

– Xin các bạn để tôi yên, đừng nói với tôi những điều này. Tôi thà mất hết chức quyền, của cải còn hơn là tôi chối bỏ Chúa tôi.

Ông Đương tuy là người khác đạo nhưng rất quen biết Ngài vì đã có thời kỳ làm việc trong tổng với Ngài nên an ủi Ngài:

– Này ông tổng, ông nghe tôi, cứ bước qua Thập Giá để được tha. Ông được tha lại được phục hồi chức quyền rồi xin ông giúp tôi được giảm án trở về thì tôi biết ơn ông vô cùng. Tôi biết nếu ông xin thì thế nào các quan cũng tha cho tôi. Tôi không phải là người theo đạo Gia-Tô nhưng tôi nghe nói nếu ông chối đạo để được về rồi sau đi xưng tội thì cũng được tha, có phải như thế không?”

Ngài vui vẻ nói lại:

–  Này ông, tôi không muốn lừa Thiên Chúa là Chúa tôi thờ. Cố ý chối Chúa rồi đi xưng tội để được tha là một hành động lừa dối Chúa đó ông ạ. Chúa biết hết mọi sự ta nghĩ, ta làm. Tôi không bao giờ làm như thế. Tôi sẽ cầu nguyện cho ông mà thôi. Riêng tôi, tôi thà chịu chết vì Chúa tôi thờ chứ bỏ Ngài, chối Ngài thì nhất quyết không bao giờ có chuyện đó xẩy ra với tôi.

Tới đầu tháng 7 năm ấy, giữa lúc Ngài còn đang bị giam tù, bị đánh đập quá sức thì may mắn Ngài lại được gặp cha mình là cụ Án Khảm cũng đã bị bắt và giải về nhà giam Nam Định. Hai cha con vui mừng vì được gặp nhau và cùng bị đem ra xử. Ngài hân hoan và thêm can đảm vì biết rằng cả hai cha con sẽ được phúc chết vì Chúa. Thế rồi vài ngày sau, Đức Cha Sampedro Xuyên cũng bị bắt và giải về Nam Định. Quan thử lòng cho ông Luca Thìn ra gặp Đức Cha. Vừa thấy Đức Cha bị trói, ông Luca Thìn liền quì gối kính cẩn chào Đức Cha. Thấy thái độ cung kính ấy, quan nổi giận cho đánh đòn rồi lôi vào ngục.Bị giam tù, chịu nhiều hình khổ, đánh đập, nhịn ăn nhịn khát, tra tấn trong suốt hơn bốn tháng trời. Các quan thấy không thể thuyết phục được nên làm án tử hình.

Khi biết tin bị tử hình, ông Luca Phạm Trọng Thìn không biết bị kết án về tội gì nên tới hỏi quan đốc:

–  Thưa quan tôi bị kết án vì tội gì?

Quan tổng đốc trả lời:

– Về tội phản nghịch, đưa Thừa Sai ngoại quốc vào nước.

Ngài nói lại:

– Chúng tôi tiếp đón đạo trưởng tây phương và theo đạo Gia-Tô. Nhưng không bao giờ chúng tôi chống lại vua.

Quan tổng đốc nói tiếp:

– Nguyên việc đón tiếp đạo trưởng tây phương và theo đạo Gia-Tô đã đáng chết rồi vì vua đã ra lệnh cấm theo đạo này và ngươi đã không bước qua Thập Giá.

Biết được lý do chính đáng chết vì đạo, Ngài vui mừng cảm tạ Chúa và dọn mình sốt sắng để được lãnh nhận ơn phúc trọng đại này.

Theo án lệnh thì ngày 13 tháng 1 năm 1859 thánh Luca Phạm Trọng Thìn phải tử hình, Ngài đã hân hoan cầm trên tay và giơ cao Thánh Giá tiến ra pháp trường Bảy Mẫu Nam Định lãnh triều thiên Tử Đạo, cùng với thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm, thánh Giuse Phạm Trọng Tả, Đa Minh Sơn, Gioan Tăng, Lê Lý và bốn người giáo dân khác nữa. Tất cả cùng nhau miệng đọc kinh lớn tiếng, chân bước  đều, lòng hân hoan, nét mặt tươi cười, không ai tỏ vẻ lo sợ trước giờ chết. Tới nơi xử, các Ngài còn đọc kinh Tin Cậy Mến, kinh Ăn Năn Tội rồi lớn tiếng kêu ba lần:

– Giêsu, Maria chúng con phó linh hồn chúng con trong tay Chúa!

Sau đó, đội lý hình đẩy các vị nằm ngửa trên chiếu rồi trói chân tay từng người vào cọc đã chôn sẵn. Mỗi vị bốn lý hình cầm hai đầu giây thừng tròng qua cổ và kéo thật mạnh cho đến khi tắt thở.

Vợ con đứng từ xa xa chứng kiến cái chết anh hùng của chồng, của cha thì kêu rú lên:

– Lạy Chúa, xin đón nhận linh hồn Luca về với Chúa.

Những tiếng khóc nức nở xen lẫn những tiếng kêu la ồn ào trước cảnh xử giảo một anh hùng chứng nhân của Đức Tin.

Sau các Ngài đã tắt thở lý hình còn đốt chân tay và mặt các Ngài. Mọi sự hoàn tất, giáo dân Quần Cống tới xin rước xác các Ngài về chôn tại nhà thờ xứ đạo.

Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 29 tháng 4 năm 1851 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn vinh Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988. Chúng ta cảm tạ Chúa thay cho Ngài và xin Ngài bầu cử cùng Chúa cho chúng ta nữa.

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 17/01_Thánh Antoine – Đan viện phụ (251-356)

Lễ nhớ

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Lễ nhớ đến vị thầy của đời sống tâm linh và là tổ phụ của các ẩn sĩ được cử hành vào ngày 17.01, đã có từ khởi đầu thế kỷ thứ V trong các lịch của Syriaque, Copte và Byzantin. Ở Phương Tây, việc tôn kính vị thánh này chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ IX. Chúng ta chỉ được biết về thánh nhân qua quyển “Cuộc đời thánh Antoine” do người bạn của ngài là thánh Athanase viết, sau khi thánh nhân qua đời ; Hạnh thánh Antoine là quyển sách gối đầu của thánh Augustinô và thánh Martin cũng như nhiều vị thánh khác.

Thánh Antoine, được gọi là Cả hay Đan viện phụ, sinh tại Queman, miền Thượng Ai Cập, vào năm 251 từ một gia đình Kitô giáo. Vào khoảng 20 tuổi, khi nghe một đoạn Phúc Âm trong Thánh lễ : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời ; rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Cuộc đời ngài đã thay đổi. Nắm từng chữ của Phúc Âm, ngài bán đi tài sản của mình, bố thí cho kẻ nghèo và bắt đầu đi học với một vị ẩn sĩ già đạo đức, dạy cho ngài biết chia đời sống ra thành những giờ cầu nguyện, đọc Lời Chúa và lao động tay chân. Sau đó ngài rút vào sa mạc Thébaide ; trong vùng cô tịch này, ngài phải chiến đấu với các cơn cám dỗ nặng nề trong vòng 15 năm.

Antoine thu hút được nhiều đệ tử cùng chí hướng, muốn sống đời ẩn tu hay khổ tu, mỗi người sống trong một lều riêng cách biệt nhau. Tiếng tâm vị thánh vang rất xa, vươn khỏi xứ Ai Cập ; vị Thượng phụ Giáo chủ ở Alexandrie là thánh Athanase cũng là một trong các bạn hữu của ngài.

Vào năm 311, dưới thời bách hại của hoàng đế Maximin Daia, Antoine rời bỏ sa mạc, tuyên bố rằng : “Chúng ta hãy đi chiến đấu cùng với bạn bè chúng ta.” Ngài đến Alexandrie để động viên các tín hữu bị bách hại, bị bỏ tù hay bị kết án lao động khổ sai. Ngài trở lại thành này một lần nữa để giúp đỡ thánh Athanase trong việc chiến đấu với bè rối Arius.

Trở về sa mạc, ngài cắm lều gần Biển Đỏ, dưới chân núi Quelzoum, có một dòng suối và một cụm dừa. Đó là nguồn gốc Đan viện Copte ngày nay của thánh Antoine. Vị thánh đan sĩ này sống đến 150 tuổi và qua đời cách thánh thiện trong căn lều của mình, khi dạy các môn đệ : “Hãy sống như anh em phải chết hàng ngày. Hãy cố gắng bắt chước các vị thánh.”

Các ảnh tượng cho thấy thánh Antoine bị ma quỉ cám dỗ, đang khi ngài cầu nguyện giang tay theo hình Thánh giá, và một con heo, nhắc nhớ lại một đặc ân của Nhà trú của thánh Antoine : vào thời Trung cổ, các vị này có quyền để cho các con heo của mình đi lang thang trong thành phố, cổ đeo một chuông nhỏ.

Thánh Antoine được kể vào số 14 vị thánh Bảo Trợ và thường được kêu cầu để chống lại Lửa thánh Antoine. Ngài cũng được xem như thánh quan thầy cho các thú vật trong nhà.

 

  1. Thông điệp và tính thời sự

Thánh Antoine, tổ phụ các ẩn sĩ Ai Cập, là một mẫu mực cho mọi tâm hồn đi tìm Chúa, không gắn bó những gì đã qua, nhưng luôn giữ Lời Chúa trong tâm hồn.

  1. Thánh Vịnh 91 gợi lên đời sống cô tịch của thánh nhân trong sa mạc, hoàn toàn dùng để cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và làm việc : Người công chính lớn lên như cây dừa, giương cao như cây hương bá xứ Liban.

– Sa mạc biểu trưng cho việc từ bỏ, dứt bỏ, nơi Đức Giêsu mời chúng ta đến : Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo…Rồi hãy đến theo tôi (Phúc Âm : Mt 19,16-21).

– Sa mạc là nơi, hay là biểu trưng cho sự thử thách, chiến đấu và khổ hạnh. Theo gương Đức Giêsu Đấng được dẫn vào sa mạc để chịu thử thách (Mt 4,1) và bước ra như người chiến thắng, Antoine chọn sự cô tịch nơi Thébaide, chiến đấu với ma quỉ và sống một cuộc đời anh hùng để yêu mến Chúa “trên hết mọi sự”.

Bài đọc một (Ep 6,10.18) : Chúng ta chiến đấu với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm…, nhắc nhớ đến những cuộc chiến đấu kiên cường của thánh Antoine chống lại các thần lực xấu suốt 15 năm khi ngài ở trong sa mạc. Thánh Athanase đã nói điều này trong Hạnh thánh ; truyền thuyết và mỹ thuật làm cho những hình ảnh này nổi tiếng. Antoine, bước ra khỏi sa mạc như một kẻ chiến thắng, dạy cho chúng ta biết phấn đấu đẩy lui các thần xấu : “Không có gì làm cho linh hồn yếu đuối trở nên mạnh mẽ bằng việc kính sợ Thiên Chúa, cầu nguyện và chiêm niệm không ngừng Lời Chúa… Dấu Thánh giá và niềm tin vào Chúa chúng ta là những tường lũy bất khả xâm phạm.”

Ngày kia, sau một cuộc chiến đấu, thánh Antoine la lên: “Lạy Chúa và Thầy của con, Chúa ở đâu ?” Một tiếng nói thiêng linh đáp lại : “Ta ở gần ngươi. Ta thấy tất cả cuộc chiến của ngươi và, bởi vì ngươi đã chống cự lại ma quỉ, Ta sẽ bảo vệ phần còn lại cuộc đời của ngươi…”.

Thánh Antoine nói với các môn đệ : “Con người chỉ tốt lành, khi nào Thiên Chúa ở trong người đó.” Vì thế, nhờ được kiên vững bằng Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta “có khả năng chống lại mọi chước cám dỗ” và “chiến thắng quyền lực thống trị bóng tối” (Lời nguyện hiệp lễ).

Enzo Lodi

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 20/01: Thánh Fabianô – Giáo hoàng và Thánh Thánh Sebastianô, Tử Ðạo

 

THÁNH FABIANÔ

Giáo Hoàng, Tử Ðạo

 

Nét son của thánh Fabianô, giáo hoàng là luôn lưu tâm đến người nghèo và sống đời mục tử hiền lành, bác ái theo gương Thầy chí thánh Giêsu. Thánh nhân được ca tụng như một vị trung tín của Chúa và Hội Thánh.

 CON NGƯỜI CỦA GIỚI NGHÈO

Thánh nhân được sinh ra vào thế kỷ 2 và lên ngôi Giáo hoàng vào thời kỳ Hội Thánh đang lâm cơn nguy khốn, bị cấm cách bắt bớ, bị các Hoàng đế Maximinô và Ðêciô ra sức đè bẹp Giáo Hội Chúa Kitô. Thánh nhân vì có lòng xót thương người như Chúa Giêsu khi thấy đoàn lũ dân chúng đi theo Ngài để nghe Lời Người rao giảng, đã chạnh lòng xót thương nói với các môn đệ:” Hãy cho họ ăn”. Dù rằng các môn đệ sợ phiền hà, sợ không đủ lương thực cho một số rất đông dân chúng. Chúa Giêsu đã biết việc Ngài sắp làm, Ngài đã thương dân bơ vơ, vất vưởng, đói khát. Thánh Fabianô đã trao bảy khu vực lớn cho bảy vị phụ tá trong đế quốc Lamã lúc đó và truyền cho các vị phụ tá phải lưu tâm săn sóc giới nghèo trong khu vực mình phụ trách. Thánh Fabianô đã sống đời sống bác ái, chia sẻ, cảm thông và lưu tâm như Chúa Giêsu. Ngài còn lập hội các nhà sưu tầm sử học, viết lại biên niên sử, tiểu sử của các vị tử đạo trong Giáo hội lúc đó. Thánh nhân còn lưu ý đặc biệt canh tân phụng vụ nghi thức thứ năm tuần thánh. Thánh Fabianô đã họa lại hình ảnh nhân từ của Chúa Giêsu, Ðấng đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ.

 CHÚA YÊU THƯƠNG THÁNH NHÂN VÀ THƯỞNG CÔNG NGÀI

Thánh Fabianô đã lèo lái con thuyền Giáo Hội suốt những năm Hoàng đế Ðiocletianô cấm cách, bắt bớ và muốn vùi dập Giáo Hội cho thuyền đắm chìm, Ngài đã giữ vững tay lái và làm cho Hội Thánh luôn đứng vững. Ngài đã luôn chứng tỏ Chúa Kitô� luôn có mặt:” Ðừng sợ “. Chúa hiện diện giữa lúc thuyền các môn đệ sắp đắm chìm và Chúa can thiệp đúng lúc, nên con thuyền của các tông đồ không bị vùi lấp, không bị lung lay. Thánh Fabianô đã yêu thương người nghèo với tất cả con tim, với tất cả tấm lòng xót thương của mình. Ngài đã được Chúa yêu và cho lãnh nhận triều thiên tử đạo vào ngày 20/01/250.

Lạy Chúa là vinh quang của hàng tư tế, xin nhận lời thánh Fabianô, tử đạo chuyển cầu mà cho chúng con ngày càng thêm hiệp nhất trong đức tin, và nhiệt thành phụng sự Chúa( lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Fabianô, giáo hoàng, tử đạo ).

 

Thánh Sebastian, Tử Ðạo

(257? – 288?)

 

Về phương diện lịch sử, không có gì chắc chắn về Thánh Sebastian, ngoại trừ ngài là một vị tử đạo Rôma, được sùng kính ở Milan ngay trong thời của Thánh Ambrôsiô và được chôn cất ở Appian Way, có lẽ gần Ðền Thánh Sebastian ngày nay. Việc sùng kính ngài lan rộng nhanh chóng, và ngài được nhắc đến trong vài sổ tử đạo ngay từ năm 350.

Truyền thuyết về Thánh Sebastian góp phần quan trọng cho nghệ thuật, có rất nhiều tranh ảnh về thánh nhân. Chỉ có một truyền thuyết mà các học giả ngày nay đồng ý là việc thánh nhân gia nhập quân đội La Mã và được Hoàng Ðế Diocletian giao cho việc chỉ huy đội vệ binh, sau này khi Diocletian đi sang miền Ðông thì Hoàng Ðế Maximian kế vị cũng giao công việc này cho thánh nhân. Không một hoàng đế nào biết Thánh Sebastian là một Kitô Hữu và ngài đã bí mật giúp đỡ các vị tử đạo. Sau cùng, ngài bị bắt gặp, bị đánh đập trước mặt Hoàng Ðế Maximian và được giao cho các cung thủ của Mauritanian để hành hình. Thân thể ngài ghim đầy những mũi tên và bị bỏ mặc cho chết dần mòn. Nhưng khi bà quả phụ Castulus đến tìm xác ngài để đem chôn thì thấy ngài còn sống và bà đã săn sóc, giúp ngài bình phục. Sau khi khoẻ mạnh, thay vì hèn nhát trốn tránh, ngài đã đứng chờ ở chỗ hoàng đế hay đi qua và lớn tiếng lăng mạ ông vì sự tàn nhẫn đối với Kitô Hữu. Lần này thánh nhân bị kết án tử hình, và bị đánh đập bằng gậy cho đến chết.

Nguồn: simonhoadalat.com & nguoitinhuu.com

 

Ngày 21/01 – Thánh Agnès (Inê) – Trinh nữ, tử đạo

Lễ nhớ

 

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Từ thế kỷ thứ IV, thánh Agnès là một trong các vị thánh được tôn kính nhất trong Giáo Hội Rôma. Ngày kỷ niệm được ghi nhận trong lịch Rôma cổ là ngày Chuyển di hài thánh nữ (Depositio martyrum) vào ngày 21.01.354. Nhiều Giáo phụ đã tôn kính nữ thánh : thánh Ambroise đã viết một Hạnh tử đạo về thánh nữ và đã viết một bài thánh thi ca tụng, và còn có các thánh Prudence, Jérôme, Augustin… Tên thánh nữ đã được ghi vào Kinh Nguyện Thánh Thể Rôma cùng với các nữ thánh Agatha, Lucie, Cécile… và trên ngôi mộ của bà, hoàng đế Constantin đã cho xây một đại thánh đường : Sainte-Agnès-hors-les-Murs.

Agnès (tiếng Hy Lạp là Agnè = “thanh sạch”, tiếng La Tinh là Agnus “con chiên”) là một thiếu nữ Rôma khoảng 12,13 tuổi dưới thời bách hại của hoàng đế Dioclètien. Nhiều truyền thuyết La Tinh và Hy Lạp diễn tả cuộc khổ nạn của bà. Agnès là Kitô hữu vào thời các môn đệ của Đức Kitô bị bách hại và bị giết. Lúc đó, một số người Kitô hữu chối đạo vì sợ, Bà liền ra trước mặt nhà chức trách Rôma, tuyên xưng vững vàng đức tin của mình và khao khát được tử đạo. Bà đã trả lời với vị thẩm phán nghi ngờ về đức khiết tịnh của Bà : “Tôi đã đính ước với Đấng các Thiên thần phải cung phụng. Tôi giữ niềm tin vào Người và tôi hoàn toàn thuộc về Người”. Bị bắt đem vào một chỗ đồi bại, một ánh sáng từ trời đã bao phủ bà. Bị kết án thiêu sống, các ngọn lửa bao quanh bà, nhưng không đốt nóng. Bà nói với lý hình sắp chặt đầu mình : “Đừng sợ, hãy mau chặt đầu tôi, để tôi sớm về với Đấng tôi yêu.”

Đại thánh đường thánh Agnès luôn là một nơi hành hương. Ngày lễ kính thánh nữ, người ta sẽ đem hai con chiên đến gần bàn thờ, trước khi dâng cho Đức Giáo Hoàng. Lông của hai con chiên này dùng để dệt các Pallium : một dấu hiệu mà Đức Giáo Hoàng mang và ngài cũng ban cho một số vị xứng đáng trong Hội thánh.

Thánh nữ Agès được tôn kính là thánh quan thầy cho đức trinh khiết. Trong ảnh hình, Bà xuất hiện với con chiên, và đôi khi, với một chim bồ câu, mỏ ngậm một chiếc nhẫn.

  1. Thông điệp và tính thời sự

Trong một bài giảng kính thánh nữ Agnès vào năm 376, thánh Ambroise đã nói : “Các anh chỉ có một nạn nhân, nhưng lại có một cuộc tử đạo hai mặt : sự trinh khiết và đức tin. Bà đã giữ được đức trinh khiết và Bà đã được phúc tử vì đạo.”

  1. Sự trinh khiết của thánh Agnès, được nhấn mạnh kỹ lưỡng trong Hạnh tử đạo, cũng được làm nổi bật trong Phụng Vụ. Thánh Ambroise đã lấy Agnès làm mẫu gương cho các trinh nữ trong chuyên khảo về Đức Khiết tịnh, đã nói trong bài giảng : “Bà như một trinh nữ đã tiến lên với những bước vui mừng đến pháp trường… Đáp lại với những hăm doạ vuốt ve, lời hứa của kẻ bách hại. Bà nói : “Đấng đầu tiên đã chọn tôi, chính Người sẽ đón tôi.”
  2. Con chiên, biểu trưng sự thanh khiết, cũng là biểu trưng sự tử đạo cao cả nhất. Bài đọc một trong Thánh lễ, rút từ sách Khải Huyền, nói về đám người đông đảo đứng trước ngai vàng và trước con chiên, mặc áo trắng, cành lá dừa cầm trong tay. “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,9-17).

Thánh Agnès xứng đáng đứng gần Con Chiên. Bà cầu nguyện : “Con sẽ đến với Ngài, Chúa Cha rất thánh, Đấng con yêu mến, con tìm kiếm và luôn khao khát” Đối lại với những quyền lực thế gian, thánh Ambroise nói : “Một bé gái đứng lên, cầu nguyện và giương cổ chờ đợi…” vì sức mạnh Thiên Chúa bao trùm lên sự yếu đuối con người. Chính vì thế mọi dân tộc đều ca ngợi.

Enzo Lodi

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 22/01 – Thánh Vincent – Phó tế, tử đạo

Lễ nhớ

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Vincent de Saragosse đã chịu cực hình cùng thời với thánh Sébastien và Agnès. Từ thế kỷ thứ IV, việc tôn kính thánh nhân đã lan tràn khắp Tây Phương, cùng với các thánh tử đạo phó tế Étienne và Laurent. Prudence, thi sĩ La Tinh ghi chú về ngài và thánh Augustinô đã để lại nhiều bài giảng về thánh nhân, đã nói rằng thánh tử đạo Vincent được tôn kính trên toàn đế quốc La Mã và trong Hội thánh. Các truyền thuyết tô vẽ cuộc tử đạo với nhiều nét huyền thoại.

Thánh Vincent, người gốc Huesca (Tây Ban Nha), trở thành phó tế cho thánh Valère, giám mục thành Saragosse. Cuộc thẩm tra và cực hình diễn ra ở Valence Tây Ban Nha trong thời bách hại của hoàng đế Dioclétien. Thánh nhân bị bắt và bị hành hình cùng lúc với giám mục của mình. Các hạnh tử đạo cho thấy sự can đảm của nạn nhân trước tổng trấn Dacien : “Tôi càng thấy ông giận dữ, tôi càng kiên cường hơn ; đừng giảm bớt hình phạt mà ông dành cho tôi vì nhờ đó mà vinh quang của tôi càng chiếu sáng.” Trước sự vững vàng của Vincent, tổng trấn cảm thấy thất bại : “Chống chọi vô ích, đem hắn đi với các kẻ khác.” Thánh phó tế chịu hàng loạt khổ hình vào ngày 22.01.304 hay 305.

Ngài được tôn kính như thánh quan thầy của những người trồng nho. Mỹ thuật thánh trình bày ngài với một chùm nho trong tay, và được tôn vinh như một trong những người giảng thuyết nổi tiếng. Trên mặt tiền nhà thờ chánh toà Chartres, người ta cho ngài cầm một quyển sách. Các giai đoạn cuộc sống của ngài được trình bày trên các bức tranh gắn kiến ở Bourges, Chartres, Angers và chạm nổi quanh ngôi mộ của ngài tại Avila (thế kỷ XII).

 

  1. Thông điệp và tính thời sự

Vincent de Saragosse, cùng với các thánh phó tế Étienne và Laurent, được xem như mẫu gương cho thừa tác vụ phó tế : kết hợp với giám mục Valère, trong việc phục vụ Hội thánh, ngài đã theo người trong việc tử đạo, trong việc làm chứng sự trung thành của mình với Chúa Kitô và Hội thánh

  1. Vincent (tiếng La Tinh vincere, thắng trận) có nghĩa là kẻ chiến thắng. Như kẻ chiến thắng, ngài đã minh chứng trong suốt cuộc khổ nạn : không có sự đau đớn nào có thể chiến thắng ngài. Truyền thuyết cho rằng, dù bị quăng vào tù ngục và bị hành hạ, nhưng Vincent luôn ca hát những bài thánh thi tán tụng.
  2. Thánh Augustinô, trong bài giảng tôn vinh thánh Vincent, làm nổi bật ân sủng Đức Kitô đã ban cho thánh nhân, khi mời gọi ngài cùng chịu đau khổ với Người. Đó là một hồng ân. Vì thế “không ai có thể tin vào sức mạnh của mình khi chịu thử thách. Thật vậy, khi chúng ta chịu đau khổ cách can đảm, chính từ Thiên Chúa mà chúng ta được sự kiên nhẫn. Chính Người nói : Hãy vững tin, vì Ta đã thắng thế gian. Tại sao chúng ta kinh ngạc khi thánh Vincent chiến thắng trong Đấng đã thắng thế gian ?… Thân xác chịu đau khổ, Thần Khí nói, và lời của Thần Khí không những kết án sự vô tín, nhưng còn nâng đỡ sự bất lực” (Phụng Vụ Giờ Kinh).

Enzo Lodi

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 22/01: Thánh Matthêu Anphong Leziniana (Đậu) – Linh Mục (1702-1745)

 

Cha Matthêu An Phông Sô Leziniana Đậu sinh ngày 26 tháng 11 năm 1702 tại Nava del Ray thuộc Tây Ban Nha. Ngay từ nhỏ, lúc mới 15 tuổi, cậu đã xin nhập dòng Đa Minh tại tu viện Sancta Cruz ở Segovia. Năm 1723 thầy đã khấn 3 lời khấn của Dòng và hoàn tất chương trình triết học và thần học Tới năm 1727 thầy lãnh chức linh mục lúc mới 25 tuổi.

Chịu chức linh mục được ít lâu thì tháng 11 năm 1730 cha được Bề trền chỉ định cùng với 24 linh mục tu sĩ khác cùng với cha Phanxicô Gil de Federich Tế sang truyền giáo tại Phi Luật Tân, rồi sau một thời gian thăm dò hoàn cảnh và xã hội Việt Nam, các đấng mở rộng môi trường hoạt động sang truyền giáo tại Việt Nam nữa.

Ngày 13 tháng 2 năm 1731 cha Mathêu Leziniana Đậu và cha Phanxicô Gil de Federich Tế được lệnh đáp tầu từ Manila đi Việt Nam. Sau gần một năm trời vượt qua bao sóng gió hãi hùng và nguy hiểm tới ngày 19 tháng 1 năm 1732, hai nhà truyền giáo trẻ trung mới đặt chân được trên đất Việt Nam yêu quí. Cha Mathêu Anphongsô Leziniana Đậu được chỉ định về Trung Linh để học tiếng Việt và tìm hiểu phong tục tập quan của người Việt Nam.

Cuộc đời của nhà truyền giáo trẻ trung khởi đầu bằng những thách đố không ngừng. Tới Việt Nam được năm tháng thì cuộc bắt đạo đã trở nên gay gắt. Đàng khác ngay tại địa phương đã có nhà sư tên Thịnh là người nằm vùng, trước kia đã tố cáo định bắt cha Phanxicô Gil de Féderich Tế. Vì hoàn cảnh khó khăn như vậy nên nhà truyền giáo Leziniana Đậu của chúng ta được nếm thử ngay những cảnh bị truy lùng, phải trốn lánh, gặp rất nhiều khó khăn vất vả. Nhưng trước những thách đố và nguy hiểm, các chiến sĩ truyền giáo của Chúa vẫn hiên ngang tiến bước, không hề lo sợ, nao núng Chính vì lòng nhiệt thành rao giảng Đạo Chúa nên ngày 19 tháng 1 năm 1732, Cha Matthêu Anphongsô Leziniana Đậu được chỉ định tới lo việc truyền giáo tại Bắc Hà.

Ngay khi vừa tới địa phận Đông Đàng Ngoài, Ngài đã hăng say bắt tay vào công việc rao giảng Tin Mừng. Lòng nhiệt thành và lời rao giảng của Ngài cùng với ơn Chúa, đã được đông đảo người Việt Nam đón nhận và xin được lãnh nhận bí tích Rửa Tội để được làm con cái của Chúa và gia nhập đại gia đình Hội Thánh Chúa. Vì số người theo Đạo Chúa rất đông nên Ngài đã phải vất vả coi sóc nhiều giáo xứ giữa cơn bách hại Đạo Chúa đời chúa Trịnh. Mặc dù đã có lệnh cấm Đạo và truy bắt người theo Đạo, Cha Leziniana Đậu vẫn một lòng bền chí, say sưa lo việc mở rộng Đạo Chúa trong lớp người nông dân chân thành, chất phác và dễ thương này.

Nhưng rồi một chuyện đau buồn đáng tiếc xẩy đến. Đó là vào một buổi sáng cuối năm 1743, giữa lúc Cha đang dâng thánh lễ thì quân lính đã ào ào kéo nhau tới vây bắt Ngài trong thánh đường. Sau này người ta mới biết rằng Ngài bị bắt là do lời tố cáo của một người phản giáo, đã bỏ Đạo. Người phản giáo này đã đi tố cáo Ngài với nhà cầm quyền để lấy tiền thưởng của nhà vua.

Cha Matthêu Anphongsô Leziniana Đậu bị xích tay, đeo gông nặng nề, bị đánh đập tàn nhẫn, bị hành hạ cách dã man và chịu tống giam trong tù một thời gian khá lâu.

Ngày 18 tháng 12 năm 1833, cha Mathêu Anphongsô Leziniana Đậu bị điệu ra toà.để thẩm vấn. Phiên toà hôm nay do quan Đề Lĩnh, con rể ông Thị Trưởng, chưa bao giờ gặp được đạo trưởng ngoại quốc nên ông Đề Lĩnh nhận chủ toạ cuộc thẩm vấn này. Quan Đề Lĩnh hỏi cha:

– Ông là người ngoại quốc tới xứ này được bao lâu rồi?

Cha trả lời:

–  Thưa quan lớn, từ 12 năm

– Ông tới đây có mục đích gì? Quan hỏi.

– Thưa quan lớn, tôi có trách vụ dạy lề luật Thiên Chúa, là lề luật thánh thiện, chân chính. Do đó tôi đến dạy cho người ta.

Quan hỏi tiếp:

– Ông dạy thế nào cho người ta tôn trọng luật này?

Cha trả lời:

– Tôi dạy về Thiên Chúa và ba vị đóng vai trò làm Chủ, tức là Thiên Chúa ở trên trời, ông vua trong một nước và cha mẹ trong gia đình.

Nói xong cha Leniana Đậu đọc cho quan nghe 10 Điều Răn trong đạo.

Quan khen hay rồi nói tiếp:

– Vua đã nghiêm cấm không cho ông giảng đạo trong nước. Tại sao ông còn ngoan cố tới đây và liều mình với bao nhiêu vất vả, nguy hiểm gian nan?

Cha trả lời:

– Tôi biết nhà vua cấm, do đó tôi không xuất hiện nơi công cộng. Tôi phải di chuyển, đi lại trong đêm để giảng lề luật của Chúa, Đấng ngự trên trời. Tôi khuyên bảo người ta ăn ngay ở lành, tập luyện nhân đức và phải xa lánh những điều bất chính, tội ác.

Quan cười và nói tiếp:

– Nghe ông nói, tôi biết ông rất thành thật. Vậy ông từ nước nào tới đây?

– Thưa quan lớn, tôi đến từ nước Tây Ban Nha, gần nước Bồ Đào Nha

Sau cuộc tra vấn này, quan Đề Lĩnh ra lệnh tháo gông cho cha. Nhưng lại xiềng xích tay chân cha lại. Trong lao tù lúc ấy có cha Phanxicô Gil de Féderich Tế cũng đang bị giam. Hai cha cố gắng tìm mọi cách để liên lạc với nhau và có thể được giam chung với nhau nữa. Và thật may mắn, cầu được ước thấy, ngày 30 tháng 5, ngày lễ Chúa Ba Ngôi hai cha cùng quốc tịch Tây Ban Nha, cùng dòng Đa Minh được xum họp với nhau trong cùng một nhà giam, hai cha vui mừng có cơ hội để tâm sự với nhau, khuyến khích nhau, nhất là xưng tội và dâng lễ với nhau nữa

Khi phải đối chất với các quan, cha Mathêu Leziniana Đậu luôn tỏ ra bình tĩnh, không khiếp sợ, mặc dầu trước những hình phạt ghê gớm. Trước mặt các quan, quan chánh án hỏi cha:

– Ông biết là lệnh vua cấm truyền bá đạo Gia Tô là đạo của tây phương. Tại sao ông còn cố chấp gieo rắc những sự sai lạc trong dân chúng như thế?”

Cha bình tĩnh giải thích và nói về đạo cho các quan nghe:

– Trước hết vua và các quan hiểu lầm, cho đạo Gia Tô là đạo tây phương. Không phải thế. Đạo Gia Tô do Chúa Giêsu truyền dạy và mạc khải cho chúng ta, mà Chúa Giêsu là người Đông Phương, xuất xứ từ Đông Phương chứ đâu có phải đạo của tây pbương. Đàng khác, đạo Gia Tô khuyên dạy người ta kính thờ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời đất và chúng ta nữa. Đạo dạy ăn ngay ở lành, hiếu thảo với cha mẹ, với vua quan, yêu thương mọi người. Tại sao quan lại nói là chúng tôi gieo rắc những sự sai lạc?.

Quan lại hỏi:

– Ông nói đạo dạy hiếu thảo với vua quan. Vậy tại sao ông không vâng lệnh vua bỏ đạo? Nếu ông vâng lệnh vua bỏ đạo, vua sẽ ban bổng lộc và cho ông làm quan, được ở bên cạnh vua nữa. Vua rất quí trọng các ông mà!

Cha đáp lại:

– Thưa quan lớn! Chúng tôi không thể vâng lời vua mà bỏ đạo Chúa được. Chúng tôi phải vâng lệnh Thiên Chúa trước đã. Vì Thiên Chúa còn trọng hơn vua. Chúa dựng nên vua mà! Tôi đã bỏ mọi sự, bỏ quê hương và gia đình cùng mọi người thân yêu để tới đây chỉ có một mục đích duy nhất là rao giảng cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa mà thôi, nên sự giầu sang, chức quyền, của cải mà quan nói, tất cả những sự ấy tôi không cần. Tôi xin cám ơn quan lớn.

Quan lại hỏi:

– Ông bị tra tấn, bị đánh đau đớn như thế, tại sao ông không khai báo tên và nơi trốn lánh của các đạo trưởng khác? Ông có bùa thuật nào để chịu được sự đau đớn như vậy?

Cha tươi cười trả lời:

– Làm gì có bùa thuật nào để chiụ được những cuộc hành hạ đau đớn như vậy! Vì lòng yêu mến Thiên Chúa và Thiên Chúa giúp nên tôi sẵn lòng chịu mọi đau đớn và hành hạ vì Chúa mà thôi. Còn các đạo trưởng khác thì bị truy lùng, bắt bớ, mỗi người đi một nơi. Tôi không biết hiện nay các vị đó đang ở đâu. Các quan mà không biết thì tôi biết làm sao được?.

 Sau nhiều lần tra hỏi và khuyên dụ, khi thì ngọt ngào thân thiện, khi thì gay gắt và bị đánh đập tra xét, Nhưng lần nào các quan cũng thất bại, vì không thể thuyết phục được Ngài nên các quan bàn định làm án tử hình về tội đã rao giảng Đạo Chúa rồi chuyển án về triều đình, xin vua châu phê.

Ngày 22 tháng 1 năm 1745, sau khi đã dâng lễ, cha Phanxicô Tế bị điệu đi xử và cha Mathêu Leziniana Đậu cũng được theo chân bạn ra tận pháp trường để cùng chịu trảm quyết ngay hôm đó. Lịch sử còn ghi lại một vài chi tiết rất lạ lùng. Sáng hôm ấy bầu trời rất quang đãng, trời đẹp. Nhưng khi quan quân áp giải hai cha Phanxicô Tế và cha Mathêu Leziniana Đậu từ nhà giam ra pháp trường Đông Mơ trời đang trong sáng bỗng tự nhiên tối sầm lại cho tới khi hai chiếc đầu của hai vị tử đạo rụng xuống thì trời lại tươi sáng trở lại. Và hai chiếc đầu còn dính đầy máu thì từ đâu hai con chim bồ câu trắng bay tới lượn trên cao, rồi lại bay sà xuống đất, bay nhiều vòng liên tục.

Sau khi hai chiếc đầu rơi xuống đất thì những người chứng kiến cả lương lẫn giáo, người ta đổ xô tới thi nhau thấm máu và chia nhau lấy những mảnh vải áo của các Ngài. Nhờ những tấm khăn thấm máu này nhiều ơn lạ đã xẩy ra. Nhiều bệnh nhân và nhiều chứng bệnh nan y lâu ngày chữa trị không khỏi, nay lấy những miếng bông hay vải thấm máu các Ngài đặt lên chỗ đau hay để trên ngực rồi cầu xin các Ngài mà được khỏi bệnh.

Trước những sự lạ lùng như thế, người tín hữu trở nên mạnh bạo, không còn sợ hãi, lén lút nữa mà trở nên can đảm, tinh thần vững mạnh và xuất hiện công khai để lo thu lượm di hài và rước về mai táng cách long trọng và công khai đặt dưới bàn thờ Đức Mẹ Mân Côi của nhà thờ xứ Lục Thủy.

Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 20 tháng 5 năm 1906, và ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam.

  Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 22/01: Thánh Phanxicô Gil de Federich (Tế) – Linh Mục (1702-1745)

 

Cha Phanxicô Gil de Federich Tế sinh ngày 14 tháng 12 năm 1702 tại Toetosa Catalunha, thuộc Tây Ban  Nha trong một gia đình quí tộc. Ông bà thân sinh của cha rất đạo đức và luôn đề cao những giá trị tôn giáo. Chính vì vậy mà ông bà đã đặt nặng lòng đạo đức và tinh thần Công giáo trong việc giáo dục các con cháu trong gia đình.

 

Năm 15 tuổi cậu Phanxicô Féderich tận hiến cho Chúa trong Dòng Đa Minh tại tu viện Barcelona. Ngay từ nhỏ, cậu Féderich đã nhiều lần được mẹ kể cho cậu nghe chuyện của nhiều vị đi truyền giáo tại các xứ sở xa xôi. Nhờ vậy, cậu đã nhiều lần mơ ước sau này sẽ trở thành chiến sĩ đi truyền giáo ở những vùng trời xa xăm như những câu chuyện cậu đã được nghe mẹ kể. Sau khi chịu chức linh mục, năm 22 tuổi, cha xin tình nguyện đi truyền giáo bên Viễn Đông. Nhưng Bề trên đã không chấp nhận ngay, vì thấy cha còn trẻ tuổi nên muốn trì hoãn lại một thời gian để thử thách ý chí và lòng nhiệt thành của cha. Đàng khác bề trên nghĩ rằng cha Féderich khó có thể chấp nhận khổ cực được vì cha là con nhà giầu có, thuộc dòng dõi quí phái, đi tu được cũng đã là điều may mắn lắm rồi. Bây giờ đi truyền giáo còn đòi hỏi hy sinh gấp ngàn lần nữa thì làm sao chịu được! Nhưng nhiều lần cha năn nỉ xin Bề trên để được đi truyền giáo.

Sau một thời gian thử thách, Bề trên thấy ý chí và lòng nhiệt thành lo việc truyền giáo của cha là đáng kính phục nên tới năm 1729 Bề trên đã quyết định sai cha đi cùng với 24 linh mục tu sĩ khác lên đường sang Phi Luật Tân lo việc truyền giáo cho vùng đất rộng lớn này. Con tầu khởi hành từ cảng Bordeaux, đưa các nhà truyền giáo sang Viễn Đông. Con tầu lênh đênh trên biển cả bao tháng ngày, mãi tới đầu tháng 11 năm 1730 tầu mới cập bến Manila bằng an.

Tại Manila, Phi Luật Tân, Cha Gil de Federich học tiếng địa phương dễ dàng, và thích ứng với khí hậu, văn hoá và nếp sống của người dân một cách mau chóng. Do đó, cha được chọn làm thư ký cho cha Bề trên Giám Tỉnh của Dòng Trong chức vụ mới này, cha đã tỏ ra là một cộng tác viên rất đắc lực của cha Bề trên và cha đã chiếm đươc sự quí mến của Bề trên cũng như của mọi thành phần trong cộng đồng Tu Viện. Đến ngày 28 tháng 8 năm 1735, vì nhu cầu của công việc truyền giáo tại Bắc Hà đòi hỏi tăng cường nhân sự nên Bề trên Giám Tỉnh đã sai cha sang Việt Nam tiếp tay với các anh em đã có mặt và đang hoạt động rao giảng Tin Mừng tại vùng đất phì nhiêu Bắc Hà này. Tới nơi, cha nhận tên Việt Nam là Tế và ở Lục Thủy giáo phận Bùi Chu ngày nay để học tiếng Việt chừng năm tháng, sau đó cha bắt đầu đi hoạt động trong các vùng lân cận của huyện Trực Ninh, Giao Thủy. Xuân Trường. Cha hăng say xả mình trên cánh đồng truyền giáo mênh mông mà không biết mệt mỏi. Có lần cha đang bị cảm nặng, nghe tin có bệnh nhận bị liệt giường cần xưng tội. Cha vội vàng chỗi dậy đi ngay. Có người can ngăn cha, sợ cha bị lây bệnh. Cha trả lời: “Hồi xưa Chúa bị treo trên Thánh Giá, gần tắt thở, Chúa còn giải tội cho người trộm lành. Phần tôi chưa đến nỗi chết, tôi phải đi giúp người ta chứ”. Quả thật, Cha Gil de Federich Tế là một linh mục đầy lòng quả cảm, Ngài đã biết rằng tới Bắc Hà trong thời điểm này thật khó khăn và đầy những thách đố đang chờ đợi cha, vì chính thời gian này là thời gian Đạo Chúa đang bị chúa Trịnh bách hại một cách vô cùng tàn bạo .

Bất chấp mọi thử thách, cha đã hăng say lăn xảo vào trách vụ truyền giáo. Cha  tận tụy trong công việc dạy giáo lý, lo Rửa Tội cho rất nhiều tân tòng trong khu vực Nam Định, Bùi Chu v.v. Cha đã gặt hái được rất nhiều thành quả cho Chúa, đã đưa được nhiều người trở về tin theo Đạo Chúa. Nhưng rồi những sự khốn khó lại xẩy tới. Vì thấy nhiều người bỏ chùa chiền đi theo cha Gil de Federich Tế nên một nhà Sư tên Thịnh sinh lòng ghen tị và ác cảm với cha, do đó nhà Sư này đã đi tố cáo cha với nhà chức trách. Chính vì thế mà ngày 3 tháng 8 năm 1737 cha đã bị bắt ngay tại nhà thờ xứ Lục Thủy. Biết được âm mưu của nhà Sư và cuộc truy lùng của quân lính, giáo dân đã tìm đủ mọi cách để cứu thoát cha, nhưng công việc không thành, vì vậy cha đã bị bắt và áp giải về Thăng Long. Vế tới Thăng Long, cha được đưa tới công đường để tra vấn, xét hỏi, rồi bị tống giam trong ngục tù, bị đày đọa một cách rất tàn nhẫn.

Một hôm các quan ra lệnh dẫn cha Féderich Tế ra công đường, các quan hỏi cha về danh sách những người Công giáo mà cha đã lui tới, giảng dạy. Cha nhất định không khai. Các quan bực mình, đem ra một tang vật đã tịch thu được là một chiếc hộp trong đó có tượng ảnh, cây Thánh Giá và tượng Đức Mẹ bằng ngà và ảnh Đức Mẹ Mân Côi. Một quan hỏi cha :

– Những đồ vật này là gì đây? Tang chứng rõ rệt quá rồi. Ông phảI khai báo rõ ràng cho chúng tôi.

Cha bình tĩnh, lần lượt giải thích, vì có dịp được nói về đạo. Cha nói:

– Cây Thánh Giá là hình ảnh Chúa Giêsu con Thiên Chúa đã giáng trần làm người, đã tử nạn để đền thay tội lỗi chúng ta. Còn hai tượng kia là hình ảnh Đức Mẹ chí thánh ngày xưa đã sinh Chúa Giêsu tử nạn.

– Thế sau khi chết rồi ông hy vọng đi về đâu? Quan hỏi.

– Đi lên trời hưởng phúc trường sinh.

Quan lại hỏi tiếp:

– Chết rồi, xác chôn dưới lòng đất, mà ông nói là lên trời làm sao. Ông nói vô lý quá, ai nghe được?

Cha đáp:

– Phải xác nằm nguyên lại trong mồ, nhưng linh hồn là bản tính linh thiêng có hai đường đi: một là lên trời hưởng phúc vĩnh cửu, hai là xuống hoả ngục chịu khổ muôn đời, tùy theo tội phúc của mỗi người khi còn sống.

Quan lại tò mò hỏi tiếp:

– Thế ra cũng lên trời được à?

Cha giải thích tiếp:

– Thật vậy, nếu không như thế thì làm sao tôi có can đảm sẵn sàng chịu mọi đòn vọt, tra tấn, chịu khổ nhục và sẵn sàng chấp nhận chết?.

Các quan cười rồi nói:

– Rõ là chuyện bịa đặt chứ ông biết gì. Chúng tôi không tin điều ông nói.

Cha thản nhiên  đáp:

– Chính Thiên Chúa đã dạy như thế. Thiên Chúa không thể nói dối được.

Quan chánh án lại nói:

– Có bao giờ ông nghe thấy Thiên Chúa nói không?

Cha nói với giọng quả quyết:”

– Mặc dầu tôi chưa đích thân nghe thấy. Nhưng tôi vẫn xác tín là Thiên Chúa đã dạy như vậy.

Cuộc đối thoại chấm dứt. Quan tòa ra lệnh đưa ra một cái búa, cha chưa hiểu búa dùng để làm gì thì quan nói với cha:

– Ông hãy cầm búa đập tan những ảnh tượng này đi

Cha không trả lời. Cha cầm chiếc búa ném ra ngoài. Lính vội vàng chạy ra cầm búa vào đưa cho nhà Sư để đập tượng. Cha Féderich Tế vội lấy hai tay che đầu tượng và thẳng thắn nói:

– Muốn đánh thì  đánh trên hai bàn tay này hay bất cứ nơi nào trên thân xác tôi. Nhưng xin đừng xúc phạm đến Chúa tôi tôn thờ.

Chứng kiến cảnh xô xát này, các quan cười rũ rượi rồi tuyên bố giải tán, cho lệnh đưa cha về lại nhà giam.

Trong năm 1738 có tất cả 5 lần phải ra công đường đối chất như vậy. Nhưng không lần nào các quan thuyết phục được cha.

Sau nhiều lần bị đánh đập, tra hỏi các quan hội họp quyết định kết án tử hình về tội đã rao giảng Đạo Gia-Tô. Bản án đã công bố nhưng vì trong thời gian này có nhiều biến cố dồn dập xẩy tới, vì vậy mà bản án bị quên dần và cha cũng được đối xử tử tế hơn đôi chút,

Vì bản án bị đình hoãn nên ngày 30 tháng 5 năm 1744 cha Phanxicô Gil De Federich Tế đã có cơ hội được gặp lại cha Matthêu Leziniana Anphongsô Đậu tại nhà tù Thăng Long. Hai người bạn đồng hương lại cùng Dòng Đa Minh được gặp nhau  trong hoàn cảnh tù đày tại một nơi xa xôi với quê hương của mình, chắc chắn phải là một dịp vô cùng quý báu, vô cùng sung sướng, vô cùng vui mừng và xúc động. Thế rồi tới ngày 20 tháng 1 năm 1745 sau khi đã dâng thánh lễ, Cha Phanxicô Gil de Faderich Tế bị điệu đi xử tử và Cha  Matthêu Anphongsô Leziniana Đậu được phép tiễn chân bạn ra tận pháp trường để chứng kiến cái chết anh hùng của bạn rồi cùng chết với bạn..

Thật ý Chúa nhiệm mầu như muốn cho hai người môn đệ của Chúa được vinh phúc lãnh triều thiên tử đạo cùng ngày với nhau nên Chúa đã để cho Chúa Trịnh đổi ý, ra lệnh thi hành án lệnh tử hình cha Matthêu Đậu ngay trong ngày hôm đó. Thế là cha Matthêu Anphongsô Đậu bị trảm quyết cùng một nơi chốn với cha Gil de Federich Tề. Cả hai thi hài các Ngài đã được giáo dân đón nhận, rước về an táng tại nhà chung xứ Lục Thủy, giáo phận  Bùi Chu.

Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong hai vị anh hùng tử đạo lên bậc Chân Phước ngày 20 tháng 5 năm 1906. Sau 82 năm, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh các Ngài lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988. 

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 24.01 – Thánh Francois De Sales – Giám mục và tiến sĩ Hội thánh

Lễ kính

 

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Francois de Sales là một trong các tác giả nổi tiếng về văn chương linh đạo của tiếng Pháp, một nhân vật đặc biệt của Kitô giáo thời mới. Con người tỉnh Savoie sống giữa hai thế kỷ nhiễu nhương, thế kỷ XVI và XVII, mang đặc điểm của việc chống nhóm Tin Lành. Ngày lễ rơi vào 24.01, ngày kỷ niệm việc rước di hài ngài về Annecy, nơi ngài đã sống một thời gian dài.

Là trưởng nam trong một gia đình có 10 người con, Francois-Bonaventure de Boisy sinh tại Savoie vào năm 1567 và nhận thêm tên de Sales của nơi sinh, trong lâu đài De Sales, gần Thorens. Ngài lên Paris và học trong trường các cha Dòng Tên (1578-1588) ; vào khoảng 19 tuổi, ngài bị thử thách về hy vọng, luôn khoắc khoải với câu hỏi : “Tôi được tuyển chọn hay bị kết án đời đời ?” Và ngài đã chiến thắng khi học được sự hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa : “Ý muốn của Chúa có thế nào trên con, con cũng sẽ yêu mến Chúa trong suốt cuộc đời này”. Sau Paris, ngài còn học luật 3 năm tại đại học Padoue (1588-1591), ra trường với cấp bằng cao nhất. Trở về quê hương, ngài nổi tiếng ; nhưng vị luật sư trẻ tuổi này đã đáp lại danh vọng bằng một lời cầu xin khiêm tốn nơi giám mục Boisy : “Thưa cha, cha có vui lòng đón nhận con làm giáo sĩ hay không ?”

Thụ phong linh mục vào năm 1593, lúc 26 tuổi, ngài nhận nhiệm vụ tế nhị trong vùng Chablais, nơi rất đông tín đồ theo phái Calvin. Biết bao thứ truyền đơn, bươm bướm thay nhau được phân phát, người ta tổ chức “40 giờ” cầu nguyện ; người ta nói về các lạc thuyết của nhóm Calvin và tại Chablais, nhiều người đã trở lại với Công giáo. Quyển “Sách các phản đề” minh chứng cho thời gian này.

Giáng Sinh năm 1598 : Francois được Đức Giáo Hoàng Clément VIII tiếp kiến tại Rôma và được gọi làm giám mục phụ tá ở Savoie. Năm 1602 : trong sứ vụ ngoại giao ở Paris, ngài giảng ở Louvre trước vua Henri IV, đôi khi cũng có sự hiện diện của Pierre de Bérulle, Vincent de Paul…Ngày 08.12.1602 : Francois tiếp ngôi giám mục của Đức cha De Granier như giám mục của Genève-Annecy : ngài đã ở ngôi cho đến lúc qua đời.

Francois de Sales qua đời cách yên lành ở Lyon ngày 28.12.1622, được 55 tuổi. Được phong thánh vào năm 1665, được công bố là tiến sĩ Hội thánh vào năm 1877 do Đức Giáo Hoàng Piô IX, vì đã đem lại cho các Kitô hữu một con đường thánh thiện “chắc chắn, dễ dàng và êm ái”. Ngài là thánh quan thầy của giới báo chí và các thành Annecy và Chambéry. Dòng Salésiens của thánh Don Bosco xem ngài như người cha tinh thần.

 

  1. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện nhập lễ gợi lên linh đạo của thánh Francoise de Sales ; với sự bác ái dịu dàng, ngài đã đem lại gương mặt Kitô giáo cho Thuyết Nhân bản thời bấy giờ, thuyết này thường bị pha trộn các tư tưởng ngoại giáo. Từ đó nẩy sinh “Thuyết Nhân Bản Hy Vọng” có thể tin tưởng vào con người vì “không phải do bùn đất vô ơn mà tình yêu của người nông phu được sung mãn”.

– Thiên Chúa gần gũi với tấm lòng con người ! “Đức Giêsu dịu hiền, Đấng đã cứu chuộc chúng ta bằng Máu Thánh của Người, khao khát chúng ta yêu mến Người để chúng ta được cứu chuộc đời đời, và khao khát chúng ta được cứu độ để chúng ta có thể yêu mến Người đời đời” (Chuyên khảo về tình yêu Thiên Chúa).

– Đời sống tận hiến (hay thánh thiện, thiện hảo) vừa tầm mọi người, trong mọi điều kiện. Thánh nhân viết : “Thật sai lầm và lệch lạc khi muốn loại đời sống đạo đức ra khỏi quân đội, khỏi hàng quán của các người thủ công, khỏi cung triều, khỏi chuyện bếp núc của những đôi hôn nhân.” Cũng vậy, “phải thích ứng việc thực hành đạo đức vào sức lực, vào công việc và trách nhiệm cũng mỗi người.”

– Tiến sĩ tình yêu nói, thuyết Nhân bản của thánh Francois de Sales chấp nhận và bảo vệ “sự tự do thánh thiện” của con người nhân linh. Thánh nhân viết cho bà Chantal : “Tôi để cho bà tinh thần tự do…nơi nào sự tự do thánh thiện này ngự trị, chúng ta sẽ không có một lề luật nào ngoài lề luật của tình yêu.” Dù vậy, ngài thêm vào : “Tôi chiến đấu khi bảo vệ sự tự do thánh thiện của tinh thần, đó là điều Bà đã biết, tôi hy vọng tự do này chân thật và được tránh xa sự bại hoại và phóng đãng, đó chỉ là một thứ giả hình.”

Người ta có thể tóm kết 20 năm giám mục của ngài như sau :

Ngài thực hiện những sắc lệnh của Công đồng Tridentinô, chuyên tâm đầu tiên để canh tân đời sống tinh thần của giáo dân cũng như giáo sĩ. Ngài thường triệu tập hội nghị, và nhờ qua các vị giám sát địa phận, thăm chừng các hoạt động xứ đạo, ngài lập lại trật tự trong các Đan viện.

 

  1. Là giám mục, ngài vẫn đi dạy giáo lý, giúp đỡ kẻ nghèo, giải tội và rao giảng không mỏi mệt. Trong những năm 1618-1619, khi thi hành sứ vụ tại Paris, ngài đã giảng 360 lần. Phương thức của ngài rất cách mạng : với tài uyên bác, ngài thích trao đổi thân mật để rao giảng Tin Mừng, với cách đó mới có thể tâm tình được.

 

  1. Francois de Sales là thầy và linh hướng cho nhiều vị phu nhân quí phái, trong đó Mẹ Angélique Arnaurd, Đan viện mẫu của Port-Royal, bà bá tước De Chantal, ngài đã hướng dẫn Bà này trong vòng 18 năm và cùng với Bà thành lập Dòng Thăm Viếng (les Visitandines) vào năm 1610 tại Annecy.

 

  1. Người ta cho rằng Francois đã viết 50 ngàn lá thơ ; vị thư ký của ngài nói rằng ngài không thể sống yên vài ngày nếu không viết 20 hay 25 lá thư, trả lời cho mọi hạng người trên nước Pháp và Savoie. Người ta đọc trong lá thư ngài viết cho Đức Frémyot, giám mục Dijon : “Có gì khác ngoài giáo lý các Giáo phụ Hội thánh, Tin Mừng được giải thích và Thánh Kinh được trình bày ?” Ngày nay chúng ta còn giữ được 2100 lá thư hay trích đoạn được xuất bản trong “Tác phẩm toàn tập” của ngài.
  2. Trong các tác phẩm, chỉ cần nhớ đến 2 tác phẩm vĩ đại :

– “Dẫn nhập vào đời sống đạo đức”, xuất bản tại Lyon vào năm 1608, tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nói với từng Kitô hữu, trong mọi hoàn cảnh của họ, thánh nhân hướng dẫn họ dấn thân vào lòng đạo đức “chân thật và sống động”. Mục đích của ngài như một nhà canh tân, vì cho đến bây giờ sự thánh thiện chỉ dành cho những kẻ xa lánh trần thế.

– “Chuyên khảo về tình yêu Thiên Chúa” (1616) được viết từ những kinh nghiệm thần bí và kinh nghiệm của Madame de Chantal. Tác phẩm này, tuyệt tác của văn chương linh đạo, là thủ bản cho đời sống tinh thần, tiếp nối quyển “Dẫn nhập vào đời sống đạo đức”. Là một nhà nhân bản lạc quan, ngài xem ý chí con người, dù có mang nguyên tội, vẫn còn có khả năng vươn lên để biết và nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, nhờ sự trợ giúp của Người.

 

– Thiên Chúa là nguồn gốc tất cả ; Người hiện diện trong tất cả và “Lý trí của chúng ta hay đúng hơn, linh hồn chúng ta có khả năng suy lý, là Đền thờ đúng nghĩa của Thiên Chúa vĩ đại ; Người trú ngụ nơi đây cách đặc biệt”. “Linh hồn người thân cận, chính là cây trường sinh trong vườn địa đàng : cấm sờ mó vào vì thuộc về Thiên Chúa.”

– Thánh Vincent de Paul nói về thánh giám mục Genève: “Thiên Chúa phải tốt lành vô cùng, vì vị giám mục De Sales rất tốt lành !” Trong thực tế, Francois yếu mến Chúa và con người. Vì “Thiên Chúa là Thiên Chúa của tâm hồn con người” vì thế Francois trở thành “người phục vụ mọi người trong tất cả”, hoàn toàn tín thác vào Vị Mục Tử nhân lành. Ai tiếp xúc với ngài đều cảm thấy mình là người duy nhất của ngài, vì họ cảm thấy được yêu thương với một tình yêu đơn thuần. Thánh nữ Jeanne de Chantal, trong cuộc thẩm tra phong thánh thánh Francois, đã làm chứng rằng biết bao người đã được thánh nhân giúp đỡ bằng những lời nói nồng ấm, tin cậy, bằng cách lắng nghe và đôi khi “chỉ bằng một cái nhìn”.

Enzo Lodi

tonggiaophanhanoi.org

Ngày 25/01: Thánh Phaolô tông đồ trở lại

 

Lễ kính

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh lễ này bắt nguồn từ xứ Gaule, được xác nhận vào cuối thế kỷ thứ VI, xuất hiện bên Rôma vào thế kỷ thứ IX. Thánh lễ này tùy thuộc vào lễ kính Tòa thánh Phêrô, được dâng vào ngày 22.02.

Tầm quan trọng việc trở lại của thánh Phaolô được nhấn mạnh ba lần trong quyển Công vụ Tông Đồ (9,1-30; 22,3-21 ; 26,920), cũng như sự phong phú của bản văn và Phụng Vụ Giờ Kinh. Sự kiện xảy ra trên đường đi Damas đã làm thay đổi hoàn toàn con người này ; các trình thuật Thánh Kinh cho thấy có gì triệt để trong việc trở lại này. Các Kitô hữu của Giáo Hội vùng Juđê đã nói : “Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt” (Gl 1,23).

Chính thánh Phaolô, trong các bản văn nói về sự kiện Damas, luôn đặt kinh nghiệm này với cuộc đời quá khứ của một người Pharisêu và bách hại đạo : “Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, họ Benjamin, là người Hipri, con của người Hipri ; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu ; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội thánh ; còn sống công chính theo lề luật, thì chẳng ai trách được tôi” (Pl 3,5-6). Thánh Phaolô thêm vào : “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Người Pharisêu Saul, tự cho mình là “công chính” qua việc tuân giữ lề luật không đâu chê trách được, bây giờ lại tuyên xưng : “Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sư công chính do luật Môisen đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3,7-9).

Nhờ thị kiến bất ngờ tại Damas, thánh Phaolô thấy được sự sai lệch của mình và cảm thấy được động viên để đi đến với dân ngoại. Thiên Chúa của ngài là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, Thiên Chúa của các tổ phụ, nhưng từ khi trở lại, Phaolô mới biết Thiên Chúa này đã tôn vinh Đức Giêsu, Tôi tớ của Người (Cv 3,13). Điều này đã thay đổi tất cả.

Ngày lễ thánh Phaolô trở lại muốn nhấn mạnh sự kiện này là một bước quyết định làm thay đổi quá trình phát triển Hội thánh, vì kẻ trước đây bách hại các môn đệ Đức Giêsu, đi vào các hội đường lùng sục các tín hữu để hành hạ và bỏ ngục, từ nay vâng phục Người Tôi Tớ mà Thiên Chúa đã tôn vinh và cũng là Đấng hiện ra nói với ngài : “Hãy đi, vì Thầy sẽ sai con đến với các dân ngoại ở phương xa” (Cv 22,21). Như thế, tất cả rào cản đều rơi xuống : Hội thánh mở ra cho dân ngoại và trở nên phổ quát.

  1. Thông điệp và tính thời sự

Thánh lễ này kéo dài lễ Hiển Linh, việc trở lại của thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện và sống động trong Hội thánh. Đức Giêsu tỏ hiện trong Hội thánh và qua Hội thánh ; trong thực tế, Người đã không nói với Phaolô : Tại sao ngươi bắt bớ các môn đệ của Ta ? nhưng lại nói : “Tại sao ngươi bắt bớ Ta ?”(Cv 22,7). Thế nên khám phá đầu tiên của kẻ trở lại chính là sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội thánh Người.

  1. Lời nguyện nhập lễ khuyến khích chúng ta đến với Chúa “tìm cách để đồng hình đồng dạng” như thánh Phaolô, khi trở thành chứng nhân của Tin Mừng.

“Tìm cách để giống” thánh Phaolô có nghĩa là chấp nhận như Ngài con đường lâu dài và gian khổ để khám phá Thiên Chúa và ý định của Người trong những sự kiện cá nhân và cộng đồng. Tiếp theo kinh nghiệm (Saulê, Saulê, tại sao ngươi bắt Ta) và sự vững tin chủ quan liên kết với kinh nghiệm trên (Tôi biết tôi sẽ tín thác vào ai), là một thời gian dài thử thách, cô đơn, đôi khi cả việc mất can đảm. Một cách thức hiện hữu và nhìn vạn vật, phát sinh từ sự kiện Damas, đòi hỏi một sự trưởng thành chậm chạp trước khi nhập tâm vào cá vị của mình. Công vụ và các lá thư nói về sự vắng mặt của ngài có thể kéo dài hằng chục năm (Gl 2,1). Chỉ sau thời gian “Sabbat” này, Barnabas mới đi tìm ngài ở Tarsus để đem lên Antioche, cho phép ngài bắt đầu liên hệ với các môn đệ Đức Kitô (tại Antioche mà họ nhận được tên Kitô hữu) và hoàn tất sứ vụ của mình nơi các dân ngoại.

  1. Một đề tài suy niệm được Lời nguyện tiến lễ đề nghị. Kinh này gợi lên ánh sáng của Chúa Thánh Thần thúc đẩy thánh Phaolô và biến ngài trở thành một nhà truyền giáo “để làm cho danh Thiên Chúa vang dội trong cả thế giới”. Ngài từ là người bách hại, trở thành sứ giả của Tin Mừng, không coi việc rao giảng Tin Mừng như một lý do để kiêu ngạo, nhưng là một sự cần thiết. “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Thánh Phaolô nói trước các kỳ mục của Hội thánh Êphêsô : “Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách…” (Cv 20,19). Với người thành Côrinthô, ngài nhắc nhớ lại những sự mệt nhọc, khó khăn, đói khát, lạnh lẽo…Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội thánh” (2 Cr 11,27).
  2. Một nét đặc thù khác trong linh đạo thánh Phaolô được nhấn mạnh trong Thánh lễ : Đức Kitô là trung tâm cuộc sống và lời rao giảng của thánh Phaolô : “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi : thập giá Đức Kitô là vinh quang duy nhất của tôi” ; “Với Đức Kitô, tôi đã bị đóng đinh ; không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi; hiện tại tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và đã phó nộp vì tôi” (Gl 2,19-20).

Việc trở lại ở Damas đã biến đổi cách triệt để cuộc đời thánh Phaolô. Một khi đã gắn bó vào Chúa Kitô, ngài biết phải tin tưởng vào ai. Thế là không còn phải lo âu gì cả. Ngài nói với những người thành Philippe : “Quên đi quá khứ, để chỉ biết lao về phía trước, tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,13-14).

Thánh Jean Chrysostome, trong một bài giảng tôn vinh thánh Phaolô, ca ngợi tình yêu Chúa Kitô đang cháy trong tâm hồn thánh Phaolô : “Với tình yêu này, thánh Phaolô cho rằng mình là kẻ hạnh phúc nhất giữa nhân loại…Tận hưởng tình yêu này, có nghĩa đối với Ngài là chiếm hữu cuộc sống, thế giới, Thiên thần của mình, hiện tại, tương lai, vương quyền, lời hứa, hạnh phúc vĩnh cửu”. Như vậy, sự tàn bạo và cơn giận của kẻ thù đã biến đổi thành sức mạnh và tình yêu cho một vị Tông Đồ say mê truyền giáo. Thánh Phaolô luôn tiến bước đến trước với một lòng nhiệt thành trên các con đường để nắm bắt Đấng là vinh quang duy nhất của mình. “Để chống lại Đức Giêsu, ngài đã đi về Damas ; để nắm bắt được Đức Giêsu, ngài đã phải đi khắp cùng thế giới.”

Enzo Lodi

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 26/01 – Thánh Timôthê và Titô – giám mục

Lễ kính

 

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Ghi chú cổ nhất về Thánh lễ kính thánh Timôtê (thế kỷ XII), thường được mừng ngày áp lễ trở lại của thánh Phaolô (tức là ngày 24.01). Hiện tại được mừng vào ngày 26.01, không nhắm tới hai vị giám mục tử đạo. Lời kinh riêng cho thánh Titô chỉ xuất hiện trong lịch Rôma vào ngày 06.02.1854 ; lời kinh này thành kinh chung cho cả hai vị thánh.

Thánh Kinh cho biết, Timôtê, người môn đệ yêu dấu của thánh Phaolô, có người cha ngoại giáo và người mẹ Do Thái tên Eunice, đã trở lại (2 Tm 1,5) ; ngài được dạy dỗ trong một gia đình có đức tin ; Thánh Phaolô ghi chú bà nội Lois đã dạy cho Timôtê biết luật Chúa (2 Tm 3,14-15). Nhờ thánh Phaolô, Timôtê trở lại trong chuyến truyền giáo lần đầu ; Timôtê cũng đi theo thánh Phaolô trong chuyến truyền giáo lần thứ hai và thứ ba, theo yêu cầu của giáo đoàn Lystre (Cv 16,1-3) và lần này, ngài đã chạm trán với những khó khăn của đời Tông Đồ (Cv 17,14-15 ; 18,5-6). Thánh Phaolô buộc ngài phải cắt bì để có thể dễ dàng chu toàn sứ vụ giữa người Do Thái. Người ta thấy ngài đi theo thánh Phaolô và được gởi sang Macédoine (Cv 19,22) và được phó thác các cộng đoàn vùng Thessalonique (1 Tx 3), sau đó là Côrinthô (1 Cr 4,17 ; 16,10) ; rồi người ta lại gặp ngài trong nhóm đi theo thánh Phaolô (Cv 10,24). Thánh Phaolô gởi cho ngài một lá thơ từ Êphêsô (1 Tm 1,3) là nơi ngài đang thực hiện sứ vụ giữa cộng đoàn, sau đó một thư khác, trong đó thánh Phaolô gợi lại những giọt nước mắt khi chia tay (2 Tm 1,4).

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự trung kiên của Timôtê trong các cơn thử thách. Tình bạn đã nối kết cả hai (x.Pl 2,19-33) thúc đẩy Timôtê ở lại với thánh Phaolô trong lần bị bắt thứ nhất ; cũng chính thánh Phaolô cho gọi ngài đến Rôma trong lần bị bắt thứ hai. Chúng ta không biết lúc nào ngài đã lãnh nhận việc đặt tay ; có lẽ chúng ta có thể thấy trong đoạn 1Tm 6,12 : “Anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng”. Không có gì minh chứng rằng Timôtê đã chịu tử đạo, có lẽ ngài đã qua đời tại Êphêsô.

Về thánh Titô, sinh ra trong một gia đình ngoại giáo, đã được thánh Phaolô rửa tội trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất. Ngài theo thánh Phaolô và Barnaba lên Giêrusalem (Gl 2,1-3), tại đây thánh Phaolô chống đối việc ngài bị bắt phải cắt bì, vì xuất thân từ ngoại giáo. Khi thánh Phaolô thuật lại việc đến Troas, ngài muốn gặp Titô, “người anh em của tôi” (2 Cr 2,13), cho thấy ngài rất tin tưởng Titô, như người phục vụ trung gian giữa thánh nhân và cộng đoàn Côrinthô để tái lập lại sự hoà thuận giữa Giáo Hội này với thánh nhân (2 Cr 7,5-7). Thánh Phaolô đặt Titô đứng đầu cộng đoàn ở Crète. Trong đoạn Titô 1,4 thánh Phaolô còn gọi Titô là “người con tôi thực sự sinh ra trong cùng một đức tin chung”. Thánh Phaolô còn viết thư bảo ngài đi theo mình từ Nicopolis đến Épire, có lẽ từ đây thánh Phaolô đã sai ngài đi rao giảng vùng Dalmatie. Thánh Timôtê được vùng này tôn kính cách đặc biệt. Theo truyền thuyết, thánh Titô qua đời trong cộng đoàn của ngài tại Crète, lúc tuổi đã xế chiều.

  1. Thông điệp và tính thời sự

Kinh Tổng nguyện, chung cho cả hai vị thánh, gợi lên nhân đức xứng đáng với chức vị Tông Đồ mà Thiên Chúa ban cho hai môn đệ trung thành của thánh Phaolô. Lá thư thứ hai gởi cho Timôtê ca tụng đức tin chân thành của người con yêu quí, đã khuyến khích : Tôi nhắc nhớ anh phải luôn gợi lên trong anh ân sủng của Thiên Chúa mà anh đã lãnh nhận khi tôi đặt tay cho anh.

Ân sủng của Thiên Chúa mà thánh Phaolô nói đến là “đặc sủng” mà Timôtê đã lãnh nhận và thánh hiến ngài trong sứ vụ mục tử. Đánh thức ân sủng này, có nghĩa là làm sống lại ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là Thần Trí sức mạnh, tình yêu và làm chủ bản thân.

Cũng trong lá thư gởi cho Timôtê, thánh Phaolô nói với người môn đệ của mình : “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” thánh Phaolô đã nhắc nhở ngài việc sửa sai anh em : “Hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2). Đó chính là các nhân đức Tông Đồ mà các mục tử luôn cần thiết, được kêu gọi tỉnh thức, không yếu đuối và không thoả thuận.

Kinh Tổng nguyện kêu gọi chúng ta sống công chính và đạo đức trong thế giới này, lấy hứng từ lá thư thánh Phaolô gởi cho Titô : “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính, đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu Độ chúng ta, xuất hiện vinh quang (Tit 2,11-13). Câu đáp cho bài kinh Magnificat : “Chúng ta hãy sống công chính và ngay thẳng, chờ đợi ngày Chúa đến”, cũng nhấn mạnh lời đòi hỏi trung tín theo nghĩa cánh chung của cuộc đời Kitô hữu.

Trong lá thư gởi cho Titô, thánh Phaolô xin người môn đệ của mình minh chứng một mẫu gương đức hạnh ngay trong chính bản thân (2,7) ; cũng thế, ngài động viên mọi hạng người sống theo tình trạng và điều kiện của mình. Dù vậy, nền tảng tín lý của các trách nhiệm chính yếu và đặc thù đều là một cho mọi người : “Niềm hy vọng được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối, đã hứa từ thuở đời đời” (1,2). Những việc dấn thân của chúng ta trong hiện tại là sống trong một tình trạng tỉnh thức, sẵn sàng chờ đợi sự kiện cánh chung của Chúa. Sự công chính và lòng đạo đức mà chúng ta được gọi để sống, là trung tâm của nền luân lý Kitô giáo. Sự công chính (theo nghĩa Thánh Kinh) đi kèm theo lòng đạo đức, có nghĩa là tình yêu bác ái sẽ làm cho các mệnh lệnh và trách nhiệm trở thành một ách êm ái và một gánh thật nhẹ nhàng.

Enzo Lodi

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 27/01: Thánh Angela Merici, Trinh nữ

  

Angela sinh ra tại Dexendano, nước Ý năm 1474. Lúc 16 tuổi, thánh nữ mất cả cha lẫn mẹ. Mặc dù rất đẹp, giàu, nhưng thánh nữ có tinh thần cương nghị, độc lập.

Vào thời Phục Hưng, nước Ý sa đọa về luân lý lẫn phong tục tập quán. Thánh nữ cảm nhận cần phải lập một tu hội để chống lại sự đe dọa bằng cách giáo dục các thiếu nữ. Thánh nhân bắt đầu bằng việc dạy giáo lý cho các em gái, lúc bà lên 40 tuổi. Công việc thành công đến nỗi Đức Giáo hoàng Clemente VII mời bà về Roma để huấn luyện các em gái tại đây, nhưng bà từ chối.

1535, tức 5 năm trước khi bà qua đời, bà lập tu hội mang tên thánh Usula. Đây là thánh nữ bà rất kính trọng. theo bà, việc tử đạo của Usula là chiến thắng của việc thanh luyện Kitô giáo trước các thô tục của thời đại.

Dòng Usula là dòng giáo dục và là Tu hội đời đầu tiên trong Hội thánh. Những người tham gia tu hội không có trang phục riêng của dòng, sống ngay trong gia đình mình, tuân phục các lời khuyên Phúc Âm, đặc biệt dấn thân vào việc giáo dục các thiếu nữ. Trong môi trường xa hoa và sa đọa, thánh nữ lo lắng chăm sóc các cô gái thuộc tầng lớp nghèo khổ. Vị nữ huấn giáo vĩ đại đã đi trước thời đại.

Angela qua đời tại Bretkia ngày 27.01.1504 và được phong thánh vào năm 1807.

Xin Chúa cho chúng con biết noi gương thánh nữ mà trung thành tuân giữ Lời Chúa dạy, sẵn sàng hy sinh bản thân vì hạnh phúc của người khác

 

Ngày 28/01: Thánh Thomas D’Aquin – Linh mục, tiến sĩ hội thánh

 

Lễ nhớ

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Vì ngày 07.03, ngày qua đời của thánh Tôma Aquinô, luôn rơi vào Mùa Chay, nên lễ nhớ của ngài được dời lại ngày 28.01, kỷ niệm ngày chuyển di hài thánh nhân về tu viện Đaminh ở Toulouse ngày 28.01.1368.

Con của một công tước ở miền nam nước Ý và người mẹ gốc Đức, thánh Tôma sinh năm 1226 tại lâu đài Roccasecca (Aquin) gần Mont-Cassin, thuộc vương quốc Naples. Từ thuở bé đã đi tìm Chúa, nên đến Đan viện Mont-Cassin để được giáo dục. Sau đó được gởi đến đại học ở Naples : dưới ảnh hưởng của các thầy xuất sắc, người thanh niên này có được những khởi đầu thật tốt về khoa học tự nhiên và luận lý.

Vào năm 1244, lúc 18 tuổi, chống lại ý muốn của cha mẹ, ngài đã vào Dòng Đaminh tại Naples để sống đặc sủng của thánh Đaminh : “Rao giảng Lời Chúa bằng cách chiêm ngăm say sưa, cử hành cách long trọng và học hỏi cách khoa học”. Sau những khó khăn do gia đình gây nên, Tôma lên đường đến Cologne, nhưng ngài bị bắt và bị nhốt trong một lâu đài 15 tháng. Khi được trả tự do, lúc 21 tuổi, Tôma được phép sống lý tưởng Đaminh, mà ngài rất tha thiết.

Năm 1245, thánh Tôma học tại Paris trong trường của thánh Albertô Cả, ngài cũng theo thánh nhân đến Cologne. Trở về Paris năm 1252, ngài được gọi làm giáo sư thần học (1256) và bắt đầu giảng dạy. Trở về Ý, từ năm 1259 đến 1269, ngài phục vụ Đức Giáo Hoàng Urbain IV. Trong các tác phẩm, ngài đã soạn quyển “Dây xích mạ vàng” để giúp hàng giáo sĩ hiểu được Lời Chúa ; “Tổng luận chống lại kẻ ngoại” để cung cấp cho các nhà truyền giáo nơi người Hồi giáo một giáo lý đại kết vững vàng ; “Phụng Vụ lễ Thánh Thể”, được Đức Giáo Hoàng Urbain IV thiết lập.

Trong những năm 1269-1272, ngài ở Paris để bảo vệ tính hợp pháp của những trường Dòng mới được Hội thánh chấp nhận, cũng như tính chính thống riêng của đường hướng triết và thần học. Đường hướng này dựa trên thuyết Duy thực của Aristote, gây nghi ngờ với phái cổ điển theo Augustinô mà trường phái Phanxicô đang đại diện. Trong thời gian này, ngài viết tác phẩm “Dẫn giải các tác phẩm của Aristote” ; trong quyển này, ngài minh chứng cách áp dụng tư tưởng triết học Aristote vào việc giảng dạy thần học. Từ đó ngài soạn thảo tác phẩm vĩ đại “Tổng luận thần học” (1266-1273) trình bày hợp đề mà ngài đã khổ công làm việc và cho thấy rõ tư tưởng của mình.

Được gọi về Naples, nơi Charles D’Anjou tái lập đại học tại đây, Tôma đã giảng dạy tại đây. Khi được Đức Giáo Hoàng Grégoire X mời tham dự Công đồng đại kết thứ 2 tại Lyon (1274) như cố vấn thần học để kết nối lại các Kitô hữu của Constantinople và Rôma, ngài ngã bệnh trên đường đi đến Lyon và qua đời tại Fossanova, gần Rôma ngày 07.03.1274, lúc 48 tuổi. Ngài vừa viết xong một chuyên khảo về “Đức tin vào Chúa Ba Ngôi”.

Được Đức Giáo Hoàng Gioan XXII phong thánh vào năm 1323, khi tuyên bố thánh Tôma đã làm nhiều phép lạ cũng bằng các đề tài ngài viết ; Thánh nhân được tôn vinh làm tiến sĩ Hội thánh vào năm 1567. Được gọi là “tiến sĩ Thiên thần – Docteur angélique” vào thế kỷ XVI vì đời sống thánh thiện, và “tiến sĩ chung – Docteur commun” về khả năng tổng hợp và sự hiểu biết Thánh Truyền. Năm 1880, ngài được nâng lên làm thánh quan thầy các đại học và các trường Công giáo.

Trong mỹ thuật, thánh Tôma Aquinô được trình bày trong tu phục Đaminh, cầm một quyển sách và một ngôi sao toả sáng trên ngực. Ngài cũng được vẽ chung với các thánh trong bức “Đội triều thiên cho Đức Trinh Nữ” (Fra Angelico), trong bức “Tranh luận về bí tích Thánh Thể” (Raphael, Vatican), trong bức “Khải hoàn của thánh Tôma Aquin” (Zurbaran, Séville).

  1. Thông điệp và tính thời sự

Thánh Tôma Aquinô được gọi là “tiến sĩ Thiên thần”, cũng được gọi là “người khôn ngoan trên tất cả các thánh và người thánh nhất trên các kẻ khôn ngoan”. Lời cầu nguyện riêng công nhận Thiên Chúa đã tạo ngài “thành một mẫu gương kỳ diệu trong việc tìm kiếm một đời sống thánh thiện và tình yêu với khoa học thánh”.

Khao khát sự thánh thiện từ khi còn thơ bé, ngài thực tập một kỷ luật nghiêm khắc trong suốt cuộc đời, đặt việc cầu nguyện và chiêm ngắm trên hết. Theo gương Chúa Giêsu là mục tiêu đời sống của mình. Trong một lần đối thoại hàng ngày với Đức Giêsu, ngài đã nghe Thầy Chí Thánh dạy : “Tôma, ngươi đã viết nhiều điều tốt đẹp về Ta, ngươi muốn ta thưởng gì cho ngươi ? – Lạy Chúa, không gì cả, ngoài chính Ngài.”

Đấng chịu đóng đinh vào thập giá là quyển sách mà thánh nhân rút mọi nguồn khoa học của mình, ngài nói, “Người ta chỉ chuyển đạt cho kẻ khác điều mà người ta đã suy niệm”. Trong một cuộc thảo luận về Kinh Tin Kính, thánh nhân động viên các học sinh của mình : “…Không một mẫu gương nhân đức nào mà lại thiếu vắng thập tự. Nếu anh muốn tìm một gương bác ái… một gương kiên nhẫn…một gương khiêm nhường, hãy nhìn cây Thánh giá”. Chúa luôn là Đấng được phục vụ, là Đấng đầu tiên được yêu mến. Câu đáp của kinh Benedictus : “Thánh Tôma yêu Người trong kinh nguyện, trong lao động và trong sự tìm kiếm chân lý.” Thánh Tôma Aquinô luôn tìm chân lý, nhưng rất nhân từ, ngay với kẻ thù. Peckham, giáo sư Dòng thánh Phanxicô, đánh giá thánh Tôma “một người tranh luận tuyệt vời, nhưng vẫn luôn nghiêm khắc, đạo đức và nhân ái trong khi tranh luận”.

“Tình yêu đối với khoa học thánh” thúc đẩy thánh Tôma trước hết học Thánh Kinh ; ngài đã viết nhiều tập giải thích Thánh Kinh : về các Ngôn sứ, về nhiều Sách Thánh, không kể đến quyển “Sợi xích vàng” hay là quyển thu tập các tác phẩm Giáo phụ về đoạn giải thích Thánh Kinh. Chống lại thuyết Averroisme đang lan tràn, tác phẩm của thánh Tôma là một cố gắng lớn để kiến tạo giáo lý Kitô giáo, hòa hợp giữa đức tin và lý trí, các tín điều Kitô giáo với lý thuyết của Aristote.

Tác phẩm vĩ đại của thánh tiến sĩ Thiên thần được tô vẽ trong một bức tranh mà người ta có thể chiêm ngắm trong thánh đường Santa Maria Novella ở Florence (Chiến thắng của sự khôn ngoan : thế kỷ thứ XIII). Giữa bức tranh, thánh Tôma ngồi, cầm quyển sách đang mở và người ta đọc được hàng chữ: Tôi cầu nguyện và Chúa đã ban sự khôn ngoan cho tôi. Tôi van xin, Thần trí khôn ngoan đến với tôi. Tôi ưa thích Thần trí này hơn mọi ngai vàng hay vương trượng ; bên cạnh sự khôn ngoan này, tôi không coi sự giàu sang là cái gì cả”. (Kn 7,7-8)

Theo thánh Tôma Aquinô, sự khôn ngoan là điều kiện của cả tình yêu, chỉ vì, theo ngài, “sự hạnh phúc của một tạo vật có lý trí được tìm thấy trong sự khôn ngoan”.

Trong Lời nguyện nhập lễ, chúng ta cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu những lời giảng dạy và noi gương sáng của thánh Tôma. Vì thế, về việc đào tạo hàng giáo sĩ, điều 252 của Giáo luật, ghi chú về vị thánh tiến sĩ này : “Cần có các lớp về thần học Tín Lý, luôn luôn dựa vào Lời Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh cùng với thánh Truyền, nhờ vậy, với thánh Tôma làm tôn sư, các chủng sinh học biết tường tận mầu nhiệm cứu độ.”

Sứ điệp của thánh Tôma Aquinô được tóm tắt trong đáp ca của kinh Magnificát ban chiều : “Sự khôn ngoan được ban cho những ai khao khát ; ai chiếm hữu được sự khôn ngoan, sẽ trở thành bạn của Thiên Chúa.” Thánh tiến sĩ Thiên thần, qua mẫu gương đời sống của ngài, cho chúng ta thấy phải khao khát sự khôn ngoan như thế nào để có thể đạt được nó : chiêm ngắm, cầu nguyện và học hỏi không ngừng, vì “Ánh sáng của Thần trí tràn đầy tình yêu” chỉ có thể được ban cho những ai luôn sống trong khổ hạnh.

Enzo Lodi

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 30/01: Thánh Tôma Khuông – Linh mục (1780-1860)

Thánh Tôma Khuông sinh năm 1780 tại Nam Hào Xứ Tiên Chu, tỉnh Hưng Yên. Cha Ngài là con quan Tuần Phủ Hưng Yên cho nên Ngài được ăn học tới nơi tới chốn. Ngài thành đạt nhờ trí tuệ thông minh, Cha Ngài hy vọng sau này sẽ sẽ có người con xứng đáng để nối dõi tông đường, thăng quan tiến chức, nối nghiệp của cha, làm rạng rỡ gia đình dòng tộc.

 Nhưng sau khi đỗ đạt, cậu con trai yêu quý đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Chúa, Cậu không muốn làm quan nhưng làm linh mục. Cậu xin phép cha mẹ đi tu và được nhận vào chủng viện học tập theo lý tưởng làm linh mục. Sau khi hoàn tất chương trình triết và thần học, Thầy Tôma Khuông được gọi lãnh chức linh mục như lòng hằng mong ước.

Sau khi lãnh chức linh mục, cha được sai đi giúp các tín hữu trong giáo phận. Cha nổi tiếng là một linh mục khôn ngoan, thánh thiện, rất nhiệt thành, giao tế vui vẻ, uyển chuyển, được lòng mọi người và được mọi người thương mến. Làm việc mục vụ chung với các cha dòng Đa Minh, cha có cảm tình sâu đậm với các cha Dòng nên cha cũng xin vào Dòng Đa Minh và tích cực cổ động nhiều giáo dân vào dòng ba Đa Minh để sống tinh thần cầu nguyện và làm việc truyền giáo sâu rộng hơn.

Nhờ tài khôn ngoan và giao tế khôn khéo sẵn có mà cha đã trở thành bạn thân quen của nhiều quan chức địa phương. Nhờ vậy mà cha vẫn thi hành công việc mục vụ một cách điều hoà. Nhiều lần cha đã bị bắt nhưng vì những liên hệ nói trên với các quan chức địa phương nên cha được tha. Đến năm 1858 vì những áp lực của quân đội Pháp đối với triều đình đã làm cho vua Tự Đức nổi giận và nghi ngờ người Công giáo là dụng cụ của thực dân Pháp nên đã ra lệnh tiêu diệt đạo Công giáo và gia tăng việc bắt bớ các đạo trưởng cũng như người theo đạo.

Trước tình trạng khó khăn này một số thanh niên làng Cao Xá đã tổ chức võ trang chống lại triều đình. Cha khuyên can nhóm thanh niên này, nhưng không được cho nên cha quyết định trốn sang điạ phận Đông Đàng Ngoài, tức là Hải Phòng ngày nay.

Trên đường lánh nạn, đi đến cầu làng Trần Xá, cha thấy quân lính đã đặt một Thánh Giá trên cầu, cốt ý để cho mọi người đi qua cầu phải bước qua Thánh Giá. Biết vậy, Ngài nhất định không bước qua và cố gắng tránh để không động chạm tới Thánh Giá trên mặt đất. Bọn lính canh gác thấy thế liên xông tới bắt và trói cha cùng với một số người đi theo cha, đem nộp cho quan đế tống giam vào ngục. Bọn lính được thế, đã xông vào đánh đập cha một cách hung bạo, không còn kiêng nể gì.Trước những trận đòn tàn ác và những xỉ nhục phải chịu, người chiến sĩ của Tin Mừng vẫn một lòng kiên trì, cậy trông vào quyền năng của Chúa. Dù bị tra tấn, đánh đập với trăm ngàn cực hình cay đắng đớn đau, Cha Tôma Khuông vẫn kiên cường chịu đựng mọi nhục nhã đớn đau vì Chúa. Cha luôn tỏ ra vui mừng và hãnh diện vì cha đã được chịu những cực hình vì lòng yêu mến Chúa và để cầu nguyện cho những người đã vì lời rao giảng của cha mà tin theo Chúa.

Một hôm cha Tôma Khuông cùng với mấy người viên chức có địa vị trong làng là Công giáo bị áp giải tới đối chất với quan tổng đốc. Quan tìm mọi cách buộc cha và những người này phải khai báo về các vị Thừa Sai và làm chứng nhóm thanh niên ở Cao Xá đã liên hệ với Pháp và Tây Ban Nha đang ở trên những chiếc tầu đậu ngoài biển để nổi loạn chống triều đình. Quan tổng đốc xin cha làm chứng như thế; Cha Tôma Khuông thẳng thắn trả lời:

– Đạo Công giáo không những cấm các tín hữu chống lại chính quyền, mà còn khuyên họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương được an bình thịnh vượng nữa.

Quan lại hỏi:

– Như ông nói đạo Công giáo không chống lại chính quyền vậy tại sao ông lại chống lệnh vua, không chịu quá khoá. Ông nói láo .

Cha đáp lại:

– Đạo Công giáo chúng tôi không chống lại vua quan. Nhưng lệnh vua bắt chúng tôi phải bỏ đạo thì không thể được. Đạo Công giáo dạy thờ kính Thiên Chúa mà Thiên Chúa còn trọng hơn vua quan. Chúng tôi không thể bỏ Thiên Chúa để theo lệnh vua được. Chúng tôi có làm điều gì trái đâu. Đạo có dạy điều gì trái với đạo làm người đâu? Đạo dạy ăn ngay ở lành, làm điều tốt, tránh điều xấu mà.

Quan lại dùng lời lẽ ngọt ngào khuyên dụ cha:

– Thôi, xin ông bước qua Thập Giá và khuyên bảo những người này cùng bước qua Thập Giá để được tha về, sống trong tự do hạnh phúc.

Cha bình tĩnh và khiêm tốn trả lời:

– Tôi nay đã 80 tuổi rồi, lại là linh mục. Tôi luôn luôn khuyên bảo các tín hữu phải trung thành giữ đạo thánh Chúa. Bây giờ tôi lại chối đạo và khuyên người ta chối đạo nữa thì tôi thật đáng ghét, tôi là kẻ bất trung, không còn xứng đáng là linh mục nữa. Tôi và những người bạn đồng đạo với tôi đây chỉ mong ước được chết vì đạo Chúa mà thôi.

Nghe những lời này, quan Tổng đốc lắc đầu thở dài thất vọng rồi cho lệnh đưa Ngài về nhà tù.

Sau một thời gian đầy đọa, hành hạ người chiến sĩ đức tin, làm đủ cách mà không làm sao lay chuyển được lòng can đảm và ý chí vững bền của Ngài, Ngài luôn giữ vững niềm tin nơi Chúa. Các quan đều thất vọng vì không thuyết phục được Ngài nên cuối cùng các quan đã làm án tử hình vì là đạo trưởng của đạo Công Giáo.

Sau khi án lệnh được công bố, ngày 30 tháng 1 năm 1860 toán quân lý hình điệu Ngài đi xử. Trên đường ra pháp trường người ta thấy một cụ già 80 tuổi đầu tóc bạc phơ, tay chống cây gậy, trên đầu cây gậy cha đã buộc một thanh gỗ nằm ngang như cây Thánh giá, cha chậm chạp bước đi từng bước vì tuổi già, sức yếu. Những người theo sau để chứng kiến cái chết oai hùng của cha, có ngưòi thở dài nói:

– Trông ông cụ già, đầu tóc bạc phơ đáng kính quá mà đem ra mà xử tử hình như thế này, thật đắc tội với Trời.

Người khác bàn thêm vào:

– Nhưng đó là lệnh của vua ban xuống mà, các quan cũng đâu có muốn hành hạ cụ già này làm gì.

– Ai chả biết đó là lệnh của vua. Thật tội nghiệp cụ già, đáng tuổi ông cố nội chúng mình.

Hình như một người tín hữu đi theo nói xen vào:

– Ngài thật là đấng thánh tử đạo đấy. Ngài chết để làm chứng đạo Thiên Chúa là đạo thật. Được đổ máu ra vì Chúa là một phúc trọng lắm đấy.

Đoàn người chậm chạp theo sau xa xa, vừa đi vừa bàn tán với nhau về cha. Người nào dù Công giáo hay lương dân cũng đều tỏ lòng thương mến cha. Thấy việc đem xử chém đầu ngài là một hành động mang tội với Trời.

Đi trước đám quần chúng đông đảo là một đội quân cờ quạt, chiêng trống. Quan giám sát cỡi ngựa, đội lính đi hai hàng, một cụ già 80 tuổi đi ở giữa. Tới nơi xử, cha quì xuống đất đọc kinh bằng tiếng la tinh rất sốt sắng. trước khi bị chém, cha thấy tấm bảng gỗ ghi hai chữ “tả đạo”. Cha đề nghị bôi hai chữ đó đi. Nhưng đội lý hình thưa laị:

– Chúng tôi rất muốn chiều theo ý cụ. Nhưng đây là lệnh của vua, chúng tôi không thể làm cách khác được. Xin cụ đưa đầu để chúng tôi chỉ chém một nhát cho đỡ đau đớn

Quan giám sát ra hiệu, chiêng trống ba hồi nổi lên. Tới tiếng chiêng trống thứ ba thì lý hình vung gươm thật cao chém một nhát, đầu vị chứng nhân đức tin rụng xuống đáấ. Nhiều tiếng kêu lớn từ xa vọng lại:

– Giêsu Maria, lạy Chúa! Họ chém đầu cha rụng xuống đất rồi.

Tiếng kêu khác vọng lên:

– Cụ về trời, cụ nhớ cầu cho chúng tôi nhé. Cụ thật là đấng thánh đáng kính phục..

Đoàn người không còn sợ hãi, xông vào thi đua nhau thấm máu vị tử đạo. Vì người ta tin rằng máu các vị tử đạo chữa được mọi thứ bệnh tật, cho nên người lương cũng chen nhau mà thấm máu các Ngài. Một số giáo dân đã tới xin thi thể Ngài để an táng ngay tại nơi Ngài bị xử.

Ngày 29 tháng 4 năm 1951 Đức Giáo Hoàng Piô XII đã long trọng tôn vinh Ngài cùng với 24 vị tử đạo khác tại Việt Nam lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988. Chúng ta cảm tạ Chúa thay cho Ngài và xin Ngài bầu cử cùng Chúa cho chúng ta nữa.

 

Cha Thánh Tôma Khuông

Cha Khuông viết lại lời khai

Khi quan tra khảo về ngài như sau:

Tôi ngoài tám chục tuổi đầu

Cũng là linh mục, giúp nhau trọn lành

Ngay tà tôi biết phân minh

Giáo điều Đạo Thánh trung thành giữ tuân

Dạy người cùng giữ thiết cần

Nếu vì ham sống giáo dân khai trình

Đạp lên nhan Chúa huyền linh

Ắt đời chẳng trọng mà khinh vì hèn

Sao nhìn giáo hữu thân quen

Còn chi xứng với chức trên ủy quyền

Vậy tôi thẳng thắn nói lên

Ngàn lần chịu chết, chẳng phiền trách ai.

Cha xin với ý van nài

Chết vì Đạo Thánh, tôi hài lòng vâng

Bởi vì Con Đấng Toàn Năng

Chết cho nhân thế, tôi hằng ước ao

Chết đền bằng chết thế nào

Yêu bù yêu chẳng lẽ nào từ nan.

(Trương Hoàng)

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS

 

tonggiaophanhanoi.org

 

Ngày 31/01: Thánh Gioan Bosco – Linh mục

Lễ nhớ

 

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Gioan Bosco sinh ngày 16.08.1815 tại Becchi, làng Asti, vùng Piemont. Lúc lên 2, đã mồ côi cha, bà mẹ nuôi nấng và giáo dục vừa nhân bản vừa Kitô giáo. Bà luôn bên cạnh ngài ở Turin trong 10 năm đầu (1846-1856). Gioan Bosco học xong phần tú tài nơi Collège Royal de Chieri. Khi được 20 tuổi, ngài bước vào Chủng viện địa phận Turin, nhờ sự nâng đỡ tài chính của Louis Guala, nhà thần học chống lối nghiêm khắc theo thánh Joseph Cafasso.

Gioan Bosco được thụ phong linh mục vào ngày 05.06.1841, không bao lâu sau đã thành lập “Oratoire Saint-Francois-de-Sales” ở Turin. Trong những năm này, thủ đô Piémont đã bắt đầu sống kỷ nguyên công nghiệp, gây biết bao vấn đề, nhất là việc di tản của giới trẻ. Hiện trạng này cũng đưa đến những hướng dẫn của Hội thánh cho những môi trường văn hóa mới. Chính trong hoàn cảnh này, Gioan Bosco, như nhà tổ chức và là người khởi đầu về điều mà sau này người ta gọi là”hệ thống phòng ngừa” dựa trên “tôn giáo, lý trí, sự nhân hậu”.

Mặc cho phê bình và cả những tấn công mạnh mẽ của những nhóm chống giáo sĩ, Nguyện xá (Oratoire), chỉ hạn hẹp trong các ngày nghỉ, nhưng sau này thường trực, càng ngày càng được phong phú nhờ các xưởng thợ dành cho giới trẻ học nghề, cũng như khả năng hướng về chức linh mục. Vào năm 1868, đã có 800 em tụ tập nơi đây. Đây là một cộng đồng dành cho giới trẻ lớn nhất trong nước Ý. Để đảm bảo cho công trình trong tương lai, Gioan Bosco đã thành lập Tu Hội thánh Francois de Sales (Salésiens), được Hội thánh công nhận vào năm 1869 ; tiếp đến là Hội các cộng tác viên; cuối cùng với sự cộng tác của nữ tu Marie-Dominique Mazzarello, Dòng nữ Salésiennes.

Thời truyền giáo của Dòng Salésien bắt đầu vào năm 1875, cùng với phong trào người Ý di tản sang Nam Mỹ. Luôn đi tìm ân nhân, hỗ trợ cho công trình của mình, Don Bosco đi khắp Âu Châu. Báo Le Figaro vào năm 1879 và báo Times vào năm 1888 đều gọi ngài là “thánh Vinh Sơn mới”.

Don Bosco cũng là một văn sĩ bình dân, viết về giáo lý, hộ giáo và giáo dục. Các “Bài đọc Công giáo” được phổ biến rộng rãi khắp nước Ý, từ đó hình thành “Tạp Chí Salésienne” vào năm 1877. Vị Tông Đồ vĩ đại của giới trẻ qua đời ngày 31.01.1888. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phong thánh ; từ năm 1936, lễ nhớ thánh Don Bosco được cử hành vào ngày thánh nhân qua đời. Cuối cùng Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II tuyên bố Don Bosco là “Cha và là thầy giới trẻ”.

  1. Thông điệp và tính thời sự

Trong Lời nguyện nhập lễ cho thấy thánh Bosco là ân sủng Chúa ban cho Hội thánh như “Người cha và thầy” của giới trẻ. Bí mật của đời sống tận hiến trọn vẹn cho giới trẻ nằm trong hai từ trên ; khi đến một tuổi nào đó, ngài nói : “Tôi đã hứa với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng vẫn dành cho giới trẻ nghèo khổ.” Chính tình yêu như một người cha đối với giới trẻ đã thúc đẩy ngài xác quyết : “Tất cả cuộc đời cha dành cho các con.” Sự sẵn sàng này đã bắt nguồn từ tình thương phụ tử của Thiên Chúa. Ngài nói : “Giáo dục là việc của con tim ; chỉ vì Thiên Chúa là Thầy duy nhất, chúng ta sẽ không bao giờ thành công, nếu như Người không ban cho chúng ta chìa khóa.”

Trong tất cả các xác quyết trên, lòng nhân hậu chiếm một chỗ đặc biệt nhất. Trong lá thư, Hội thánh trích đọc trong Phụng Vụ Giờ Kinh, Don Bosco khuyên bảo các cộng sự yêu thương giới trẻ như con cái của mình, chỉ vì họ đang giữ vai trò giáo dục của một người cha, mẫu mực cho mọi thứ giáo dục Kitô giáo. Chính thánh nhân làm gương cho chúng ta : ngài viết một lá thư cho Rôma vào năm 1884 rất nổi tiếng: “Giới trẻ đã được yếu mến đầy đủ chưa ? Anh biết tôi yêu mến chúng như thế nào. Anh cũng biết, vì chúng, tôi đã đau khổ và chịu đựng trong suốt 40 năm qua,và tất cả những gì tôi đau khổ và chịu đựng vẫn còn tới nay.”

Don Bosco rất yêu kính Đức Mẹ : ngài luôn kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria dưới tước hiệu Đấng Cầu Bầu cho các tín hữu, ngài nhìn Đức Maria “Người Mẹ luôn tha thứ và bảo bọc mọi người dưới áo choàng từ ái”. Trong giấc mơ có tính tiên tri vào lúc 19 tuổi, Đức Maria đã mặc khải cho ngài thấy mình là “Nữ chủ”.

Đặc điểm thứ hai của thánh nhân nằm trong phương pháp giáo dục phòng ngừa, đem lại cho Hội thánh việc tiếp xúc với quần chúng. Phương pháp này phải thấy trước những nguy hiểm đang rình rập giới trẻ, nhưng trước tiên nhờ một giáo dục chân tình nhắm vào sự tự do của cá nhân. Phương pháp này đã sản sinh ra hoa trái tốt đẹp nơi Nguyện Xá Valdocco trong con người của thánh Dominique Savio, vị thánh trẻ này nói với một người bạn : “Nơi đây, sự thánh thiện nằm trong sự vui tươi và chu toàn bổn phận cách tuyệt hảo.”

Thánh Don Bosco luôn nói : “Ước gì giới trẻ hiểu rằng họ được yêu mến.” Lời nguyện nhập lễ cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta “có được tình yêu để đi tìm ơn cứu độ cho anh em chúng ta, để chỉ phục vụ một mình Thiên Chúa làm thôi”. Thánh nhân đã dùng một câu Thánh Kinh làm châm ngôn : Hãy ban cho con các linh hồn và hãy lấy đi tất cả những gì còn lại (St 14,21). Linh đạo của ngài nằm trong hoạt động mà ngài nhấn mạnh : “Không phải sám hối hay kỷ luật mà tôi khuyên anh em, nhưng là lao động, lao động, lao động…” Lao động “là công trình của Thiên Chúa” và công trình của Thiên Chúa là “công trình các linh hồn “ được hoàn thành trong thinh lặng, vì như ngài luôn nói : “Sự thiện hảo không ồn ào, và sự ồn ào không làm nên việc thiện.”

Enzo Lodi

tonggiaophanhanoi.org