Hành trình khó quên của ĐTC Phan-xi-cô trong chuyến tông du lần thứ 45: Truyền giáo đến tận cùng trái đất

print

Hành trình khó quên của ĐTC Phan-xi-cô trong chuyến tông du lần thứ 45: Truyền giáo đến tận cùng trái đất

 

Ngày 13/9/2024, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phan-xi-cô đã kết thúc chuyến tông du lần thứ 45 kéo dài 12 ngày tới Châu Á và Châu Đại Dương. Cuối chuyến tông du dài nhất triều đại Giáo hoàng của ĐTC Phan-xi-cô, nhiều hình ảnh và trải nghiệm quý giá đọng lại trong trái tim và tâm trí của mọi tín hữu.

Đầu tiên là “đường hầm của tình huynh đệ” mà Đức Giáo hoàng đã làm phép cùng với Đại Imam của Jakarta, Indonesia. Giữa chiến tranh, khủng bố, bạo lực và cái chết, đường hầm nối nhà thờ Hồi Giáo lớn nhất Indonesia với nhà thờ Công giáo là một hạt giống của sự hy vọng.

Những cử chỉ hữu nghị và tình cảm trao đổi giữa Đức Giám mục của Rô-ma và Đại Imam đã chạm đến trái tim của nhiều người dân ở quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới.

 

Hình ảnh thứ hai là cảnh Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô lên máy bay C-130 của không quân Úc để đến Vanimo, phía tây bắc Papua New Guinea. Ngài đến thăm ba nhà truyền giáo người Argentina và các tín hữu, đồng thời mang theo nhiều hàng viện trợ và quà tặng.

 

Đức Giáo hoàng khi còn trẻ đã mơ ước trở thành một nhà truyền giáo ở Nhật Bản. Từ lâu ngài đã muốn thực hiện chuyến viếng thăm đến vùng ngoại vi xa xôi nhất của thế giới. Nơi đây, ngài được các tín hữu trong trang phục truyền thống đầy màu sắc chào đón bằng những chiếc ôm. Qua đó, ngài lưu ý trở thành một nhà truyền giáo có nghĩa là chứng cho một Thiên Chúa dịu dàng và nhân hậu.

Hình ảnh thứ ba chắc hẳn là hình ảnh Tổng thống José Manuel Ramos-Horta của Đông Timor cúi người xuống giúp Đức Giáo hoàng điều chỉnh chân trên bàn đạp xe lăn khi ngài kết thúc bài phát biểu chính thức tại dinh tổng thống ở Dili. Ở quốc gia có tỷ lệ người Công giáo lớn nhất thế giới, đức tin là yếu tố quyết định mạnh mẽ.

Hình ảnh thứ tư là cái ôm đầy cảm động của Đức Giáo hoàng với những em nhỏ khuyết tật được các nữ tu của trường Irmãs Alma chăm sóc. Ngài trao những cử chỉ, ánh mắt và lời nói mang tính truyền giáo sâu sắc, để nhắc nhở chúng ta rằng những đứa trẻ này dạy mỗi người cách để bản thân được Chúa chăm sóc. Câu hỏi tại sao trẻ em phải chịu đau khổ là một lưỡi dao cắt sâu, một vết thương không lành. Và Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô trả lời câu hỏi đó bằng sự gần gũi và cái ôm của một người cha.

 

Hình ảnh thứ năm là hình ảnh người dân chờ đợi hàng giờ dưới cái nắng như thiêu đốt để gặp Đức Giáo hoàng trên đồng bằng Taci Tolu. Hơn 600.000 người đã có mặt, tức cứ hai người Đông Timo thì có một người đến gặp ĐTC. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã xúc động trước sự đón tiếp nồng hậu này. Những con đường mà xe của ĐTC đi qua đều chật kín người dân, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Trải nghiệm này là một dấu hiệu của hy vọng cho Giáo hội, hy vọng cho thế giới.

 

Hình ảnh thứ sáu là đường chân trời của Singapore, quốc đảo với những tòa nhà chọc trời cao chót vót hiện đại. Đây là một quốc gia phát triển và giàu có. Không thể không liên tưởng đến sự tương phản với những con phố bụi bặm của Đông Timor, nơi ĐTC rời đi vài tiếng trước đó. Ngay cả ở đây, ĐTC cũng ôm lấy mọi người. Ngài chỉ ra cho mọi người con đường của tình yêu, sự hoà hợp và tình huynh đệ.

 

Cuối cùng, hình ảnh cuối cùng là hình ảnh của chính Đức Giáo hoàng. Một số người đã lo lắng rằng liệu ngài có thể chịu đựng được sự căng thẳng của một chuyến đi dài như vậy ở những quốc gia có khí hậu nhiệt đới hay không.

 

Ngược lại, thay vì mệt mỏi, ĐTC vượt qua từng cây số, từng chuyến bay. Ngài gặp gỡ những người trẻ của nhiều quốc gia. Thay vì thư tay, ngài dùng đối thoại để làm mới tinh thần và sức khỏe của mình. Ngài trở nên trẻ trung hơn giữa những người trẻ tuổi, mặc dù ngài sắp bước sang tuổi 88.

Lược dịch: Khánh Ly – WTGPHN

Nguồn: https://www.vaticannews.va