Hành Trình Thương Khó (Bài 8-10)

print

Hành Trình Thương Khó (Bài 8-10)

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Nguồn: dongten.net

8.Bù nhìn.

9.Không dám sống sự thật.

10. Đường lên đỉnh đồi.

8.Bù nhìn

Các bạn trẻ thân mến,

Từ khi đời sống của xã hội loài người trở nên phức tạp, họ cần một người hay một nhóm người có khả năng để lãnh đạo họ, để phục vụ họ với hết sức mình để cuộc sống có nề nếp và trật tự hơn. Những vị vua hay người đứng đầu một nhà nước là bộ mặt của cả đất nước, là đại diện cho toàn thể nhân dân. Đời sống của họ phải trở thành mẫu mực cho tất cả mọi người. Một vị vua anh minh và tài đức mới có thể giúp cho đất nước sống trong thịnh vượng và an vui.

Nhưng không phải vị vua nào cũng đạt được những lý tưởng ấy. Ngày Đức Giêsu bị hàm oan và xét xử trong một tòa án bí mật bất hợp pháp, xét thấy mình không đủ thẩm quyền kết án, các Thượng Tế và Kinh Sư đã quyết định đưa Người đến dinh Philato. Philato không dám làm điều gì nên đề nghị họ đưa Đức Giêsu đến gặp vua Hêrôđê. Những tưởng một vị vua có thể lấy lại công bằng cho thần dân của mình, ai ngờ rằng đây chỉ là một tên vua bù nhìn, chẳng có chút bận tâm gì đến công bằng và pháp lý.

Vua Hêrôđê đã nghe danh tiếng Đức Giêsu từ lâu vì những dấu lạ Người làm giữa dân chúng. Ông thắc mắc về xuất thân của Đức Giêsu. Ông và các quần thần đã có lần tự hỏi không biết Thầy Giêsu này là ai, có phải là một vị ngôn sứ như bao ngôn sứ khác, hay chính là Gioan Tẩy Giả hồi sinh. Vua khao khát được gặp Giêsu từ lâu nhưng không có cơ hội. Nay được tin người ta sắp điệu vị Thầy lừng danh kia đến với mình, Hêrôđê vô cùng hạnh phúc vì những tò mò của mình sắp được chứng thực cách tỏ tường.

Trớ trêu thay, lý do mà Hêrôđê muốn gặp Đức Giêsu không phải để được nghe những lời vàng từ môi miệng Người, không phải để tìm hiểu về Nước Trời, nhưng cốt chỉ để xem những phép lạ của Chúa. Ông ngưỡng mộ Đức Giêsu không phải như một người khát khao tìm về chân lý. Ông vui khi biết Giêsu đang được dẫn đến chỗ ở của mình, nhưng niềm vui ấy chỉ là chút hy vọng được xem những trò ảo thuật vui mắt. Là một vị vua, nhưng ông chẳng màng chi đến chuyện Giêsu có bị hàm oan không, Giêsu có làm gì sai không. Dường như ông chưa bao giờ nghĩ rằng làm những việc ấy là bổn phận của mình, nhưng là chuyện của ai khác. Ông sống an nhàn trong thế giới của riêng ông, với những tiện nghi đầy đủ, với những lạc thú nhục dục, và ông nghĩ rằng ông có quyền để bắt người khác phải hùa theo những trò vui vô bổ ấy của ông. Ông hăm hở gặp Giêsu bấy nhiêu thì càng tràn trề thất vọng bấy nhiêu vì Giêsu cương trực hơn ông nghĩ. Khi những mong chờ của ông đã không được thỏa đáp, ông phủi tay hết tất cả, bỏ mặc Giêsu ở đó và lại tiếp tục quay về với cuộc sống của một vị vua bù nhìn và vô trách nhiệm.

Các bạn trẻ thân mến,

Khi nghe đâu đó có những phép lạ hay chuyện gì bất thường, chúng ta thường tỏ vẻ thích thú và muốn đến đó để xem sao. Ta khao khát được đi hành hương nơi này nơi nọ, tâm tình thiêng liêng thì ít mà trí tò mò thì nhiều. Trong tận thâm tâm, ta vẫn chờ xem mình có thấy điều gì lạ không. Liệu bức tượng Mẹ Maria mà ta đăng chăm chú nhìn kia có lóe sáng như người ta vẫn đồn thổi không? Liệu đôi mắt Mẹ có chảy ra những dòng huyết lệ như bấy lâu nay ta vẫn nghe không?… Đấy là bấy nhiêu vấn đề tràn ngập trong tâm trí ta mỗi khi ta hăng hái thực hiện một cuộc hành trình mà ta tự cho hành hương. Ta cũng giống như Hêrôđê năm nào, ham thích những màn trình diễn, muốn chứng kiến những sự lạ để khuây khỏa cho vui. Khi không được những điều ấy, ta đâm ra thất vọng và buồn tủi. Trong mắt ta, Chúa nên là một ảo thuật gia hơn là một vị Thiên Chúa.

Tiếc thay, Thiên Chúa của chúng ta không là một vị Thiên Chúa ưa thích những ồn ào và phô diễn. Ngay từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, Giêsu vẫn luôn chọn cho mình cái gì bình thường nhất. Giờ đây. Người vẫn âm thầm ẩn mình nơi chiếc bánh nhỏ bé trong nhà Tạm. Chẳng hề kêu la, chẳng hề gào thét cho người ta biết. Thánh Thể nơi một nhà nguyện vô danh cũng hệt như khi đặt trên một bệ cao nơi các Thánh Đường lớn. Chẳng có gì đặc biệt, chẳng có gì là vui mắt. Nếu ta tìm đến với Giêsu chỉ như một trò vui thì ta sẽ hụt hẫng vô cùng. Còn nếu ta đến với Người trong thinh lặng của con tim, với lòng khát khao sâu thẳm, ta sẽ được Người khỏa lấp với những an ủi thiêng liêng của Thần Khí. Thinh lặng mới là con đường dẫn ta gặp gỡ Giêsu thật sự.

Suy nghĩ về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và vưa Hêrôđê, chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các nhóm, tổ chức, quốc gia. Xin cho họ biết đáp lại những mong chờ nơi con dân của mình. Xin cho họ luôn ý thức trách nhiệm lớn lao mà họ đang gánh vác, là đem hết tài sức để phục vụ con người, chứ không phải lợi dụng những ưu ái để thỏa mãn cho nhu cầu cá nhân. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh để biết vượt qua những ích kỷ của mình, biết nghĩ đến lợi ích của người khác, biết hợp tác với nhau để đem lại trên trái đất này tình thương và công lý, hạnh phúc và bình an.

9.Không dám sống sự thật

Các bạn trẻ thân mến,

Trong vụ án của Giêsu, nhiều bộ mặt thật đã bị vạch ra trước ánh sáng. Các môn đệ thấy rõ hơn tình yêu của mình dành cho Thầy đến mức nào, có mặn nồng như các ông tưởng không. Đám đông dân chúng cũng biểu lộ sự tráo trở của mình khi phản bội lại người mà mình đã thụ ơn. Biết bao nhiêu người đã được Giêsu chữa lành, ban của ăn, khuyên răn điều hay lẽ phải. Thế nhưng, cũng chính đám dân này là người cất cao giọng hơn ai hết đòi đóng đinh Đức Giêsu. Các Thượng tế và Kinh sư, các bậc vị vọng trong xã hội, thường xuyên đưa ra những lời huấn cho dân, siêng năng tế lễ và dâng cúng cho Đền Thờ, lại cho thấy những đầu óc chỉ toàn mưu mô và xảo trá. Vua Hêrôđê, tưởng là một vị vua anh minh, có thể giúp đem lại công bằng cho Giêsu, ai ngờ cũng chỉ là tên bù nhìn bất lực, chỉ biết dựa vào vị thế sẵn có mà sống sa đà, buông thả theo những trò trụy lạc thế gian, chứ chẳng có chi là thực quyền, đáng tin tưởng.

Có một nhân vật khác cũng đóng một vai trò không nhỏ trong cái chết của Giêsu, quan tổng trấn Philatô. Ông là người có quyền tuyên án Đức Giêsu. Đã có lúc ông do dự, không muốn dính dáng đến chuyện này. Khi Đức Giêsu được đem đến với ông, ông đã có ý từ chối. Trước áp lực của dân, ông truyền điệu Giêsu đến gặp vua Hêrôđê. Hêrôđê chẳng màng chi đến chuyện này nên lại sai thuộc hạ đưa Giêsu trả về cho Quan Tổng Trấn. Ông đã có cuộc nói chuyện với Giêsu, thấm vấn, tra hỏi, nhưng lại không thấy Giêsu mắc tội gì để giết. Vừa muốn tha, vừa muốn không. Tha vì ông không thể làm điều trái ngược với lương tâm. Nhưng không thể tha vì ông sợ sức ép của dân chúng và những người lãnh đạo tôn giáo bấy giờ. Nghĩ thế, ông cho truyền đánh đập Giêsu đến thịt xương vỡ nát. Một cuộc đấu tranh trong nội tâm ông diễn ra. Ông thừa biết là chỉ vì ganh ghét mà các Thượng tế và Kinh sư mới hãm hại Giêsu, chứ Giêsu chẳng có tội gì. Nhưng ông không có can đảm để sống cho những gì ông xác tín.

Philato cũng là người được ban cho quyền lực để bênh vực lẽ công bình. Lẽ ra, biết đâu là sự thật, ông phải dám lên tiếng để bảo vệ người ngay. Nhưng thay vì đứng về phía lẽ phải, ông đã chọn cách hành xử sao cho bản thân được an toàn. Ông rửa tay để phủi đi hết trách nhiệm, chứ không dám mạnh bạo tố giác những âm mưu thâm hiểm của phe hãm hại Đức Giêsu. Ông biết đâu là sự thật, nhưng ông không dám sống theo sự thật ấy, vì ông muốn được bình an, muốn được địa vị, không muốn chiếc ghế quyền lực của mình bị lung lay.

Các bạn trẻ thân mến,

Biết sự thật là một chuyện. Sống theo sự thật ấy lại là chuyện khác. Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn chúng ta tiếng nói Thần Linh của Người, giúp chúng ta nhận ra đâu là đường ngay nẻo chính mà chúng ta phải đi. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này là chỉ có thể sống theo sự thật, theo tiếng lương tâm chỉ bảo, thì ta mới có thể có được bình an và hạnh phúc lâu bền. Sự thật giúp ta là chính mình. Sự thật giúp ta vượt qua tất cả các nỗi sợ hãi. Sống trong sự thật là bước đi dưới ánh sáng quang minh, không cần che đậy hay lấp liếm. Sự thật sẽ dẫn lối cho chúng ta đi về cõi phúc thiên thu.

Nhưng dường như con người chúng ta vẫn thích yêu chuộng bóng đêm của sự dối trá và lọc lừa hơn. Ta thích là một con ma, suốt ngày lầm lủi trong tối tăm, bày ra những trò mưu toan, che giấu những khuyết điểm của mình để hình ảnh ta được đẹp trong mắt người khác. Đối diện với mọi người, ta mang cái mặc nạ thật đẹp. Ta cười, ta nói sao cho có duyên, để cuốn hút, nhưng lòng ta chất chứa đầy dẫy những hận thù và âm mưu. Con người ta, bên trong và bên ngoài không có sự đồng nhất. Trước sau, ta sẵn sàng gạt sự thật sang một bên để chỉ tìm giải pháp nào giúp ta được an toàn và thăng tiến hơn. Tận thâm tâm, ta không thể chối bỏ Thiên Chúa, nhưng vì miếng cơm manh áo, ta sẵn sàng tuyên bố trước mặt người khác là ta không biết Người. Ta biết buôn gian bán lận là sai, nhưng vì đồng tiền, ta vẫn bất chấp. Ta biết yêu thương và nhường nhịn nhau vài ba câu là điều cần thiết, nhưng ta vẫn cứ thích ăn miếng trả miếng để thỏa mãn cho xúc cảm bốc đồng của ta hơn.

Một trong những lý do khiến Giêsu phải gánh lấy cái chết thật thương tâm là bởi Người đã dám sống sự thật, dám làm theo điều mình cho là đúng và sẵn sàng nhận lấy hết tất cả những hệ quả của điều này. Con người chúng ta được sinh ra đều có một lòng hướng thiện, nhưng thế lực của sự xấu luôn tìm cách để đẩy chúng ta ra khỏi con đường hướng thiện này. Để có thể bước đi trong sự thật, chúng ta cần có lòng can đảm, và sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta dám nghĩ, dám làm và dám sống những gì mà lương tâm ngay chính của chúng ta xác tín là sự thật. Xin cho chúng ta luôn đăm đăm hướng về Chúa là chính Sự Thật, để bước chân ta đi, là bước chân tiến thẳng đến Người.

10. Đường lên đỉnh đồi

Các bạn trẻ thân mến,

Mỗi cuộc sống là một cuộc hành trình. Đi lên, đi xuống. Ai cũng có một đoạn đường trong đời để đi. Có khi là con đường rợp toàn hương hoa và ong bướm. Nhưng cũng có khi là con đường phủ đầy gai góc với  bùn lầy tối đen. Có khi con đường ấy ngắn và dễ đi. Nhưng cũng có khi con đường ấy rất dài, quanh co, khúc khuỷu, làm nản lòng người lữ khách. Có khi ta bước đi trên hành trình của mình với hành trang gọn nhẹ, chứa đựng những vật dụng đáng yêu, làm ta ưa thích. Nhưng cũng có khi trên vai ta là cả một gánh nặng đè xuống như muốn đánh gục ta giữa chừng. Có khi có những tiếng hô vang cổ vũ ta, động viên ta, trở thành nguồn sức mạnh cho ta, khiến cho bao mệt mỏi của ta chợt tan biến. Nhưng cũng có khi ta phải bước đi khi bủa vây mình là những tiếng chửi rủa, khinh miệt, coi thường, rẻ rúng. Có khi đi bên ta là những người bạn thân, những người ta yêu mến, vừa đi vừa cười đùa, cho xua tan hết những nhọc mệt. Nhưng cũng có lúc đôi bàn chân ta chỉ lầm lủi đơn côi, không một ai sát cánh. Vậy thì, bạn nghĩ gì khi mình phải thực hiện một hành trình mà nơi đó bạn chỉ bước đi một mình, trên vai bạn là một cây thập giá nặng nề, chung quanh bạn là trăm ngàn tiếng chửi rủa nghe thật chói tai, phải lê từng bước chân lên đỉnh núi cao? Vì chúng ta, Giêsu đã phải thực hiện một hành trình như thế.

Bị một trong các tông đồ thân tín của mình bán rẻ, bị quân lính bắt trói đem đi, các môn đệ bỏ mặc tháo chạy thoát thân, bị xử án bất công, bị buộc tội vu oan, bị sỉ vả, bị bạt tai, bị điệu đi lòng vòng từ nhà các Thượng tế đến dinh Philatô rồi dinh Hêrôđê, bị đánh đập tàn nhẫn, vòng gai nhọn đâm sâu vào đầu, không được nghỉ ngơi, không được ăn uống, người bê bết máu… giờ đây, một thân hình đầy thương tích với những dòng huyết đang rỉ ra từ vết đòn của mình, Giêsu lại còn phải mang trên vai một thập giá nặng nề để đi đến nơi diễn ra cuộc hành quyết. Đoạn đường từ chân đồi lên đỉnh có lẽ không quá xa và quá khó khăn đối với một người bình thường, nhưng với một con người đã bị vắt kiệt sức thì nó có thể trở nên xa xăm vô vàn.

Hai bên tai là vang vọng những tiếng la hét inh ỏi. Không phải là những lời tung hô như ngày nào. Không phải là lời cảm ơn vì đã chữa lành họ. Không phải là lời thán phục vì những lời hay ý đẹp từ miệng Ngài thốt ra. Những lời lấy đã trở thành dĩ vãng. Giờ đây, chỉ còn lại những lời sỉ vả cay độc, tiếng biểu tình đòi phải đóng đinh kẻ ấy. Tiếng cười hả hê vì mưu kế đã thành. Thập giá mà Giêsu vác trên vai, không đơn thuần chỉ là một cây gỗ, nhưng là tội lỗi của cả nhân sinh từ cổ chí kim cho đến khi thời gian không còn nữa. Giêsu đang vác trên mình cả một trách nhiệm lớn lao giải phóng con người. Thập giá ấy càng nặng nề hơn, khi không ai hiểu mình, không ai thấu cảm cho mình, trái lại còn buông lời cay độc chế giễu.

Đâu đó lại còn những lời thách thức, hay những cặp mắt tò mò chờ xem có phép lạ nào đó xảy đến không. Liệu rằng Giêsu có vùng dậy đấu tranh cho quyền lợi của mình không. Liệu rằng Giêsu có biểu dương quyền lực không, Ngài có bất thình lình đứng thẳng dậy, các vết thương tự khắc lành lại, vứt cây thập giá đi, hô phong hoán vũ, kêu gọi các thiên binh từ trời xuống hay làm các phép lạ nào đấy khiến đế chế Rôma phải sụp đổ. Rồi Ngài mặc gấm bào ngồi trên ngai cao, cười nhạo và hành hạ lại những ai đã đối xử tàn nhẫn với mình không. Giêsu đã không thỏa mãn cho những mong chờ đó của họ. Giêsu đã không làm một cuộc cách mạng bằng quyền lực và vũ khí. Ai bảo Người nhu nhược cũng được, kém cỏi cũng được, tầm thường cũng được. Nhưng Giêsu biết rằng chỉ có tình yêu và thứ tha mới giải phóng con người thực sự.

Sức nặng đè xuống Giêsu, khiến cho Người đã có lúc gục ngã, ngã đến ba lần. Mỗi lần ngã là mỗi lần sức lực càng dần mất đi. Sẽ dễ dàng cho Người hơn biết bao khi Người có thể chết đi ngay lúc ấy. Mọi gánh nặng sẽ qua đi. Cái chết khi ấy hẳn sẽ là một cuộc giải thoát cho Người. Nhưng, Người vẫn gượng dậy và gắng lê bước chân yếu ớt mà tiếp tục hành trình, vì Người biết rằng nơi mà Cha muốn Người đến là đỉnh đồi. Nơi ấy, Người còn phải để cho những chiếc định nhọn đâm xuyên qua thịt, bị lột trần truồng, bị dựng đứng chơ vơ những nắng chiều man mác. Người còn phải bị treo lên như một biểu tượng của tình yêu và tha thứ, để ai nhìn vào có thể được chữa lành, để có thể kéo mọi người lên với Người. Người còn phải uống giấm chua, là cái chua chát của tình nhân loại, còn phải chịu khát, là cái khát tình thương của con người, rồi lại còn phải tiếp tục nghe những sỉ nhục của con người và của chính người cùng chịu đóng đinh với mình. Khi mà hết tất cả những đắng cay trên đời này chưa đến với Người, Người không thể chết được. Trên đỉnh đồi, chứ không phải là sườn đồi hay chân đồi, mới chính là điểm gặp gỡ giữ Người với Cha, là nơi hội tụ của trời và đất, là cánh cửa mở ra ơn cứu độ cho con người, là trung tâm quy chiếu của mọi sự, là nơi xuất phát mọi ơn lành, là nơi mà muôn loài hướng mắt về đợi chờ thiên ân từ trời xuống.

Các bạn trẻ thân mến, ai trong chúng ta cũng có những hành trình, nhưng hành trình của chúng ta có như Giêsu không? Cớ sao ta cứ luôn oán trách Người là không hiểu ta, bỏ rơi ta? Hãy nhìn lên Giêsu mỗi khi các bạn phải đối diện với những khó khăn, và hãy noi gương Người, ráng vác cây thập giá của mình lên tận đỉnh đồi, đừng bỏ dở giữa đường đi. Chúa Cha đang đợi ta ở đó. Hãy tìm đến đó để gặp Cha.