Hạt Giống Nẩy Mầm Chúa Nhật 19 TN B

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Chúa Nhật 19 TN B

Ga 6,41-52

A. Hạt giống…

Hai ý tưởng then chốt của bài Tin Mừng này là “đến với” và “tin vào” Chúa :

Việc “tin vào” Chúa Giêsu, thể hiện bằng việc “đến với” Ngài là kết quả của sự hợp tác của hai phía :

– Phía Thiên Chúa : Thiên Chúa ban ơn “lôi kéo” con người tin vào Chúa Giêsu và đến với Ngài : “Không ai đến được với Ta nếu Cha Ta là Đấng sai Ta không lôi kéo kẻ ấy” (câu 44). Thực ra, Thiên Chúa luôn muốn “lôi kéo” con người đến với Chúa Giêsu để con người được sống. Nhưng con người ít ra phải ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa lôi kéo. Nhiều người do thái đã không ngoan ngoãn như vậy nên đã không đến được với Chúa Giêsu.

– Phía con người : phải “nghe lời giáo huấn” của Thiên Chúa.: “Ai nghe lời giáo huấn của Cha thì đến với Ta” (câu 45). Mà Thiên Chúa thì luôn giáo huấn con người : “Trong sách các ngôn sứ có chép rằng mọi người sẽ được Thiên Chúa giáo huấn” (câu 45). Câu nói này ngầm trích dẫn Is 54,13. Mà đại ý chương 54 sách Isaia là kinh nghiệm của dân Israel vào cuối thời lưu đày : họ đã thấy rằng Thiên Chúa luôn quyến luyện con người như một người chồng quyến luyến vợ. Đó chính là giáo huấn mà Thiên Chúa đã ban cho Israel qua dòng lịch sử. Như thế, “nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa” nghĩa là ý thức rằng Thiên Chúa luôn yêu thương mình.

Tóm lại, việc “tin vào” Chúa Giêsu và “đến với” Ngài là điều Thiên Chúa yêu thương luôn tạo điều kiện để con người thực hiện được dễ dàng. Chỉ cần ngoan ngoãn phó thác vào tình thương Thiên Chúa thì con người có thể làm được.

B… nẩy mầm.

  1. Tuần trước, chúng ta đã hiểu ích lợi của việc đến với Chúa (“Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”). Nhưng xét mình lại, chúng ta thấy mình ít đến với Chúa. Ít đến vì một việc xem ra đơn giản như thế lại quá khó với bản tính tự nhiên của chúng ta. Hôm nay Chúa Giêsu dạy thêm : muốn đến với Ngài thì hãy để cho tình thương Thiên Chúa lôi kéo và hãy nhớ giáo huấn của Ngài trong lịch sử là Ngài rất yêu thương loài người. Đừng lì lợm với tình thương ấy, đừng kháng cự với tình thương ấy.
  2. Một buổi chiều rảnh rỗi, văn hào Paul Claudel thong thả dạo bước nhàn du. Khi đi ngang một nhà thờ, tiếng thánh ca từ đó vọng ra đã lôi kéo bước chân ông đi vào nhà thờ. Ở đó ông đã gặp Thiên Chúa, gặp niềm tin. Đó là một cách lôi kéo của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng dùng biết bao cách khác để lôi kéo chúng ta. Chỉ cần ta đừng cố chấp nhưng ngoan ngoãn bước theo, thì ta sẽ “đến” được với Ngài. Hãy nhớ lại xem đã bao nhiều lần, và những lần đó thế nào, tôi đã lỡ mất không ngoan ngoãn bước theo sự lôi kéo của Thiên Chúa.
  3. Người câm không nói được nhưng có cách làm cho người khác hiểu được họ, đó là dùng những dấu hiệu bằng tay, bằng nét mặt, có khi bằng cả thân thể. Tuy nhiên, muốn hiểu được người câm thì ta phải rất chú ý từng động tác nhỏ của họ. Rất nhiều khi Thiên Chúa nói với ta bằng ngôn ngữ của người câm. Ta cần chú ý lắm mới hiểu được ý Chúa.