Hạt Giống Nẩy Mầm Chúa Nhật 24 Thường Niên A

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Chúa Nhật 24 Thường Niên A

Mt 18,21-35

A. Hạt giống…

Cuộc sống cộng đoàn cũng thường có nhiều va chạm, nên Chúa Giêsu dạy thêm bài học tha thứ :

– Phải tha luôn, tha mãi “không phải đến 7 lần nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

– qua dụ ngôn hai con nợ, Chúa Giêsu nói : ta có tha cho anh em thì Chúa mới tha cho ta. Ta tha cho anh em ít, Chúa tha cho ta nhiều (nếu con nợ thứ nhất chịu tha cho con nợ thứ hai 100 đồng bạc, thì hắn đã được ông vua tha cho hắn mười ngàn nén bạc).

B. Nảy mầm.

  1. Trẻ con thường giận nhau nhưng cũng mau làm hòa với nhau. Càng lớn thì tự ái người ta càng to và người ta càng khó tha thứ cho nhau hơn. Thêm một lý do nữa khiến Chúa Giêsu nói muốn vào Nước Trời thì phải trở lại như trẻ thơ.
  2. Muốn thuyết phục chúng ta tha thứ cho nhau, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hai con nợ để vạch cho ta thấy rõ rằng ta tha thứ cho người khác thì sẽ có lợi rất nhiều vì ta sẽ được Chúa tha cho ta nhiều hơn. Tính ra những lỗi lầm người khác xúc phạm đến ta đâu có là bao so với những tội lỗi ta xúc phạm tới Chúa.
  3. “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” : giận là một cảm xúc không ai có thể tránh được trong cuộc sống chung nhiều va chạm. Chúa không chấp nhất ta vì ta có cảm xúc đó. Nhưng Chúa sẽ kết tội ta nếu ta nuôi mãi lòng giận ghét không chịu bỏ qua.
  4. Hận thù là một hình thức của hỏa ngục và là một hình thức của tội sát nhân. Thánh Gioan viết “Ai oán ghét anh em mình, kẻ đó là người sát nhân”. Một nhà tâm lý người Mỹ nói “Khi ta trút giận lên người khác, dù chỉ bằng một lời nói, ta cũng muốn nói lên một ý nghĩ tiềm ẩn là muốn giết hại người đó” (…) Ta cũng nên nhớ rằng tha thứ không phải chỉ là một hành động ý chí mà còn là một ân ban. Do đó không thể có sự tha thứ nếu không đi kèm theo sự cầu nguyện. (“Mỗi ngày một tin vui”)
  5. Một nhà tâm lý người Mỹ nhận định như sau : Trên bình diện nhân bản, tha thứ là giải pháp tốt nhất cho cả người tha lẫn kẻ được tha, vì sự tha thứ khai mở năng lực tinh thần con người và có tác dụng làm cho con người sống lành mạnh và vui tươi hơn. (“Mỗi ngày một tin vui”)
  6. Một hiệp sĩ dũng cảm tên là Hildebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hildebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng ông chọn địa điểm và thời giờ thuận lợi. Ông thức dậy nửa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết là Bruno sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một nhà nguyện nhỏ mở cửa. Ông vào đó để chờ sáng, và trong khi chờ đợi, ông tiêu khiển bằng cách nhìn các bức tranh trong nhà nguyện. Bức thứ nhất vẽ Đấng Cứu Thế mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi bằng tiếng Latinh câu này : “Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại lăng nhục”. Bức thứ hai nhắc lại cảnh đau buồn khi bị đánh đòn, với hàng chữ “Khi chịu những khổ đau như thế, Ngài không hề đe dọa”. Và cuối cùng bức thứ ba trình bày Chúa Giêsu trên Thập giá, hàng chữ là “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Nhìn liên tiếp 3 bức tranh như thế, tâm hồn Hildebrand bị xúc động mạnh. Ông quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ gặp để tha thứ tận tình và để làm hòa với nhau. (Góp nhặt)
  7. “Phêrô đến gần Chúa Giêsu mà hỏi rằng : ‘Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ?” (Mt 18,21)

Một hôm, gà con cứ bám riết lấy gà mẹ, khóc lóc kể lể :

– Mẹ ơi, tụi thỏ chế giễu tai con không bằng một góc tai chúng…

– Tha cho chúng đi con ! Gà mẹ trả lời.

– Nhưng bọn cò lại nói con hèn hơn bàn chân của chúng.

– Tha cho chúng đi con !

– Mẹ ! Gà con khóc to lên. Lúc nào mẹ cũng nói tha cho chúng, trong khi con bị chế giễu, bị nhạo báng…

– Tại vì họ nói đúng !

– Nhưng tại sao ?

– Tại vì con là một con gà !

Như gà con nọ, tôi cảm thấy bị xúc phạm và khó tha thứ cho anh em, chỉ vì không chịu chấp nhận chính mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết chấp nhận giới hạn bản thân, để nhận ra lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa, để không chỉ tha thứ đến 7 lần, mà bảy mươi lần 7. (Hosanna)

  1. Mỗi lần chúng ta tha thứ thật lòng là chúng ta bắt một chiếc cầu dẫn chúng ta đi từ đất đến trời. Đúng vậy, mọi người chúng ta đều là kẻ tội lỗi, và cách duy nhất để kẻ tội lỗi có thể leo từ đất đến trời là phải qua chiếc cầu tha thứ. Nói cách khác, tiền mua bảo hiểm chắc ăn nhất để khỏi mất thiên đàng chính là tiền “tha thứ”. (Mark Link, Vision 2000)
  2. “Sai lầm là tự nhiên của con người ; tha thứ là tự nhiên của Thiên Chúa”. (ĐGH Alexander).