Hạt Giống Nẩy Mầm Lễ Các Thánh & Lễ Cầu cho Các Linh Hồn

print

Ngày 1/11

CÁC THÁNH NAM NỮ

Mt 5,1-12a

* Lịch Sử

Lễ các thánh nam nữ đã có từ thế kỷ thứ IV. Thánh Ephraim người Syrie và thánh Gioan Kim Khẩu đều biết đến một ngày lễ mừng các thánh tử đạo vào ngày 13/5 hằng năm, hay rõ hơn là Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Lễ này vẫn còn trong lịch sử phụng vụ của Giáo hội Hy lạp và được gọi là Chúa nhật chư thánh.

Trong Giáo hội Tây Phương cũng có một thánh lễ từ thế kỷ thứ VII, lễ toàn thể các thánh tử đạo mừng vào ngày 13/5. Đó là ngày lễ thánh hiến đền Panthéon của Rôma, để Kính Đức Trinh Nữ Maria và toàn thể các thánh tử đạo vào ngày 13.5.609.

Lễ chư thánh (toàn thể các thánh, chứ không dành riêng cho các thánh tử đạo) được mừng vào ngày 1/11 hằng năm, chỉ xuất hiện từ thế kỷ thứ VIII do các thầy Dòng Irland, và Anh Quốc, khi sang truyền giáo ở Âu Châu đã đem theo và trong thời gian ngắn đã phổ biến rộng khắp Âu Châu. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

 

A. Hạt giống…

  1. Trong Tin Mừng Mátthêu, đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu lên tiếng giảng trước đám đông dân chúng. Lần đầu tiên ngỏ lời với dân chúng, Chúa Giêsu loan báo ngay một Tin Mừng hạnh phúc.
  2. Những người hạnh phúc ấy là ai ?

1/ “những người nghèo trong tâm hồn” : không nô lệ tiền của.

2/ “hiền lành” : Hiền lành nghĩa là vừa nhân từ vừa khiêm nhượng (xem Mt 11,29-30 : Đức Giêsu tự xưng là “hiền lành” và “khiêm nhượng” trong lòng).

3/ “sầu khổ” : Mt 9,15 nói về việc các môn đệ sẽ “sầu khổ” khi phải xa cách “Tân lang” là Đức Giêsu.  Như vậy người sầu khổ là người biết mình tội lỗi và do đó phải xa cách Chúa. Như vậy phần phúc Chúa hứa cho họ là họ sẽ được Thiên Chúa “an ủi” bằng cách tha tội cho.

4/ “khao khát nên người công chính” : Trong Tin Mừng Mátthêu, “công chính” là biết làm theo ý của Thiên Chúa.

5/ “xót thương người” : Hôsê đã viết “Ta muốn lòng thương xót chứ không muốn lễ vật” (Hs 6,6). Mt đã trích dẫn câu này 2 lần (9,13 ; 12,7), và cả 2 lần Mt đều hiểu thương xót nghĩa là thứ tha để cứu vớt kẻ lầm lỡ.

6/ “tâm hồn trong sạch” : nghĩa là có lương tâm ngay thẳng, không gian dối, không mập mờ nửa trắng nửa đen, không một dạ hai lòng.

7/ “xây dựng hòa bình” : Hòa bình ở đây là hòa thuận (không xung khắc, không thù hận). Nên lưu ý rằng các mối phúc khác đều nhắm đến một thái độ nội tâm, còn mối phúc nầy nhắm đến hoạt động bên ngoài mà đối tượng là những mối liên hệ giữa người với người, và mục đích là làm cho người ta hòa thuận với nhau.

8/ “bị bách hại vì sự công chính” : Ta cũng phải hiểu chữ “công chính” ở đây theo nghĩa của c 6, nghĩa là “sống theo ý Chúa”. Vì sống theo ý Chúa mà bị người ta bách hại.

B. Nảy mầm.

  1. Có thể quy tất cả 8 đức tính ấy vào một đức tính căn bản là “Tâm hồn nghèo”. Người có tâm hồn nghèo là người:

  . Mặt tiêu cực : không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này… (nói cách khác : không màng đến nước trần gian).

  . Mặt tích cực : chỉ ước ao sống tốt theo ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành của Thiên Chúa (nói cách khác : được sống trong Nước Trời).

Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo, nên có thể nói : hạnh phúc đích thực của Kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Chúa.

  1. Hạnh phúc là gì ? Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thỏai mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa.
  2. Một hôm khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ :

– Nhân danh Chúa, ta hỏi mi : đâu là nơi hạnh phúc nhất ?

– Dĩ nhiên là thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì tất cả cũng chỉ là một con số không.

– Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng ?

– Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả mọi cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi !

Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc. (Chờ đợi Chúa)

  1. “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,11).

Ngày 19/6/1988, cả Giáo hội Việt Nam hân hoan vui sướng vì 117 vị tử đạo đã được phong hiển thánh. Những nỗi đớn đau tủi nhục vì Chúa Kitô của các ngài đã được chúc phúc.

Hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi những khó khăn, đớn đau và tủi nhục trong cuộc chiến cam go loại bỏ tật xấu, dứt khoát với tội lỗi, hay những suy nghĩ tiêu cực nơi chính bản thân. Cuộc chiến ấy đòi hỏi chúng ta phải can đảm.

Xin các thánh tử đao Việt Nam thông truyền cho chúng con dòng máu bất khuất của các ngài và giúp chúng con biết chiếu toả tôn nhan Thiên Chúa nơi chính con người và cuộc sống chúng con.

  1. Các thánh đều là những công dân Nước Trời, đều đang hưởng hạnh phúc Nước Trời. Mỗi một vị Thánh đều là một tấm gương cho chúng ta về một trong 8 mối phúc.
  2. Có nhiều thứ người đời cho là nguồn hạnh phúc nhưng thực chất là nguồn đau khổ, và ngược lại…
  3. Bất cứ thứ gì không đưa ta vào Nước Trời đều không phải là hạnh phúc thật.
  4. Bác sĩ Tom Dooley thường cứu giúp những người khổ sở. Ông có một cách hiểu đặc biệt câu Tin Mừng Mt 5,5 “Phúc cho những ai sầu khổ”. Ông nói : “Sầu khổ không hẳn là bất hạnh, mà còn có nghĩa là quan tâm đến cảnh khổ ở đời hơn là cảnh sung sướng… Nếu bạn nhạy cảm với những cảnh khổ và cố gắng làm một điều gì đó để cho đời tươi sáng hơn, bạn sẽ thấy hạnh phúc” (Trích dẫn bởi Mark Link, Sunday homilies, Year C).
  5. Đoàn cứu trợ đến căn nhà lụp xụp của một bà già. Họ hỏi thử bà :

– Nếu chính phủ cho bà 200 đôla. Bà sẽ làm gì ?

– Tôi sẽ đem cho những người nghèo.

Bà cụ này chính là một trong những người mà Chúa Giêsu nghĩ tới khi nói “Phúc cho nhũng ai có tinh thần nghèo khó” ; Từ những người có tâm hồn như bà cụ này đã xuất hiện những vị Thánh mà chúng ta tôn kính hôm nay ; Và tấm gương của bà cụ này khuyến khích chúng ta trở nên những Kitô hữu tốt hơn (Mark Link, Sunday homilies, Year C).

  1. “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng danh cho anh em trên Trời thật lớn lao” (Mt 5,12)

Phêrô từng chối Chúa

Rồi thống hối ăn nan

Chúa thương thưởng thành thánh

Cuối cùng cũng theo Ngài

Ngài thương ban thành thánh.

Một người từng ăn trộm

Phút cuối biết quay về

Chúa cho được làm thánh

Têrêxa Hài đồng

Người yêu Chúa từ bé

Sống phục vụ yêu thương

Trong Tình yêu của Ngài

Thành thánh ngay trần gian

Thánh Augustinô

(Và còn nhiều thánh nữa)

Từng ăn chơi sa đọa

Theo ơn gọi quay về

Tích cực thành thánh ngay

…………………………

Chúa luôn mời gọi con

Hãy là thánh nghe con

Vì Ta là Đấng Thánh.

Lạy Cha xin giúp con

Trong từng giây phút sống

Biết yêu thương trung thành

Để được nên giống Cha. (Hosanna)

Ngày 2/11

CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

Ga 6,51-59

* Lịch Sử

Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời được cử hành vào ngày 2 tháng 11 hằng năm, được thánh đan viện phụ Ôđilô của tu viện Cluny (994-1048) khai sáng.

Trong ngày đó, ngài ra lệnh các linh mục thuộc dòng Cluny phải dâng thánh lễ để cầu nguyện cho tất cả những người trong dòng và các ân nhân của dòng đã qua đời. Ngài ra lệnh cho các đan viện trực thuộc Cluny cũng thực hành như thế. Chúng ta còn giữ được văn kiện của thánh Ôđilô ghi vào năm 998.

Sau đó, lễ cầu cho các linh hồn phát triển rất nhanh và bung ra khỏi dòng tu. Từ thế kỷ XIV chúng ta đã gặp thánh lễ này trong phụng vụ Rôma. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

  1. Hạt giống…
  2. Cựu Ước mô tả sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người bằng hình ảnh bữa tiệc (Cn 9,1-5). Trong đoạn Tin Mừng này Chúa Giêsu cũng dùng ngôn ngữ của bữa tiệc như “ăn” và “uống”. Tuy nhiên bữa tiệc này rất đặc biệt vì thức ăn thức uống không phải là thực phẩm thông thường cho dù là cao lương mỹ vị đi nữa, mà là chính Thịt Máu Chúa Giêsu. Bởi đó hiệu quả của bữa tiệc này không phải chỉ là bồi dưỡng sức khoẻ tạm thời cho thể xác mà là cho con người được sống thật, sống muôn đời.
  3. Các ngôn sứ Cựu Ước diễn tả ơn gọi của họ bằng hình ảnh “nuốt” lấy Lời Chúa (x.Gr 15,15-21 ; Êd 3). Nghĩa là các vị ấy rất thèm khát Lời Chúa, muốn tiêu hóa Lời Chúa, cho Lời ấy thấm nhập vào thân thể mình. Hiểu theo bối cảnh ấy, “Ăn” thịt Chúa Giêsu và “uống” máu Ngài nghĩa là khao khát được kết hợp rất thân thiết với Chúa đến nỗi có thể nói là đã trở nên một thịt một máu với Ngài.
  4. Khi ghi lại những dòng này, thánh Gioan cũng nghĩ đến Bí tích Thánh Thể. Đó chính là bữa tiệc thịnh soạn mà Thiên Chúa dọn cho loài người, và đó cũng chính là nguồn sức sống cho loài người.

B. Nảy mầm.

  1. Hôm qua lễ Các Thánh, chúng ta nhớ đến những tín hữu ở thiên đàng. Hôm nay lễ các linh hồn, chúng ta nhớ đến các tín hữu trong luyện ngục. Còn chúng ta là những tín hữu hiện còn tại thế. Bài Tin Mừng Gioan về bữa tiệc sum họp cho chúng ta biết hạnh phúc tuyệt vời và tối hậu sau một đời sống ở trần gian là được kết hợp thân thiết với Chúa trong bữa tiệc vĩnh cửu trên thiên đàng. Ngoài thứ hạnh phúc đó ra, không có gì là hạnh phúc thật cả.
  2. Thánh Lễ là dịp chúng ta nếm trước hạnh phúc sum họp ấy. Trong thánh lễ chúng ta kết hợp với Chúa, chúng ta kết hợp với các thánh trên trời và những tín hữu trong luyện ngục, chúng ta cầu nguyện để cuối cùng chúng ta và tất cả những người thân của chúng ta đều được sum họp với Chúa và các thánh trong bàn tiệc vĩnh cửu.
  3. Hãy hỏi các linh hồn. Họ sẽ cho chúng ta biết đâu là những giá trị thật của cuộc đời mà ta cần theo đuổi.
  4. Khi Mẹ Têrêxa Calcutta sang Liên Xô xin lập một chi nhánh của Dòng bà, bà đã kiên trì xin cho bằng được có một Linh mục để mỗi ngày dâng Thánh lễ cho các nữ tu. Bà giải thích lý do : sở dĩ các nữ tu có đủ tinh thần và nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những người nghèo khổ sự an ủi, phục vụ và yêu thương, đó là nhờ Mình Thánh Chúa mà họ rước mỗi ngày. “Thịt ta thật là của ăn và máu ta thật là của uống”.
  5. “Thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống”.

Hằng đêm, mỗi khi thành phố lên đèn, mọi người hối hả trở về công sở, trường học…

Những bước chân hối hả qua lại…

Bên vệ đường, một bà lão khô quắt, nằm cong queo như cố thu mình trốn cái không khí se lạnh. Bà kiệt sức vì đói. Những bước chân vẫn đi qua, đi qua…

Và rồi, đôi chân con bước tới, ngập ngừng… rồi lại bước đi

Trên ti vi, người ta nói đến lũ lụt. Cảm động, con dự định… rồi lại thôi !

Con là thế ! Từ thuở lọt lòng mẹ, đã biết nắm tay lại.

Lạy Chúa, trên Thánh Giá Ngài đã giang rộng đôi tay và khi phục sinh, Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhân loại được sống.

Xin cho con luôn biết cho đi, cho đi mãi

không chỉ vật chất, nhưng cho cả bản thân. (Epphata)

  1. Đoạn kết của câu truyện người phú hộ giàu có và kẻ ăn xin nghèo khổ Lazarô khiến tôi phải suy nghĩ. Hai con người, hai cách sống, hai kết cuộc khác nhau : người được ân thưởng, kẻ bị luận phạt. Thiên Chúa đã tách biệt họ ra như tách biệt người lành khỏi kẻ dữ, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Là chiên hay dê, tôi có quyền chọn lựa. Hôm nay tôi sống thế nào thì ngày đó tôi sẽ bị xét xử như vậy. Thiên Chúa là vị thẩm phán uy quyền nhưng cũng đầy tình thương. Ngài cho tôi thời gian để sống, để chọn lựa, để thực hiện vận mệnh đời mình. Để khỏi bị kết án như người phú hộ, tôi phải sống cho Chúa và cho anh em tôi.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống mỗi ngày như là ngày cuối đời con, để con luôn biết yêu thương giúp đỡ mọi người với những gì con có thể. (Hosanna)