Hạt Giống Nẩy Mầm Lễ Thánh Mađalêna – 22.7

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Lễ Thánh Mađalêna – 22.7

Ga 20,1-2.11-18

* Lịch Sử

Maria thành Magdala (Mác-đa-la hay Ma-đa-lê-na) là người được gọi đầu tiên trong số các phụ nữ được Chúa Giêsu chữa bệnh, nay theo và phục vụ Người (Lc 8,2).

Trong Phúc âm có nói nhiều về những người mang tên Maria, cũng được Chúa chú tâm đặc biệt, ít nhất là có ba người, đó là các bà Maria thành Béthania (miền Giuđê), bà Maria thành Magđala (miền Galilê) và người đàn bà tội lỗi vô danh trong Phúc âm Thánh Lu-ca (Lc 7).

Phụng vụ Giáo Hội La mã, kể từ thời Đức Giáo Hoàng Grê-gô-ri-ô Cả, đều coi Maria này là người đàn bà tội lỗi, rửa chân cho Đức Giêsu (Lc 7,36-50) và là chị của Mát-ta và La-gia-rô (Lc 10,38,50 ; Ga 12,1-8). Thế nhưng khoa Thánh Kinh ngày nay không xác tín điểm này.

Điểm chắc chắn không ai tranh cãi là Maria Magđala đã đứng dưới chân Thánh Giá của Đức Giêsu (Mc 15,40-41). Bà hiện diện nơi cuộc táng xác Chúa (Mc 15,47) và vào buổi sáng phục Sinh, bà cùng mấy phụ nữ đã đi ra mồ Chúa (Mc 16,1-8). Chính bà là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra và sai đi báo cho các Tông Đồ tin mừng Phục Sinh (Mc 16,9 ; Ga 14-18) (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

Tường thuật việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra cho Maria Mađalêna

– Mađalêna rất yêu mến Đức Giêsu nên khi Chúa chết thì đau khổ đến nỗi không nhận rõ những người trước mặt : không nhận ra 2 thiên sứ là ai, chính Đức Giêsu đứng trước mặt bà mà bà cũng tưởng là người giữ vườn !

– Tuy nhiên, nếu việc nhìn thấy Đức Giêsu bằng cặp mắt xác thịt đã không giúp gì cho Mađalêna thì lời Ngài gọi lại khiến bà bừng tỉnh. Đúng vậy, Đức Giêsu đã nói “Chiên thì nghe tiếng chủ chăn, chủ chăn gọi chiên từng con một bằng tên của chúng” (10,3). Khi đã nhận ra Đức Giêsu, Mađalêna mừng quá liền gọi Ngài bằng tiếng Aram mẹ đẻ “Rabbouni”.

– Chúa Giêsu nói với bà “Đừng đụng đến Thầy ” : nghĩa là “Thôi đừng dùng tay giữ Thầy nữa”. Từ nay thân xác Đức Giêsu phục sinh không còn giống như khi Ngài còn sống nữa, tay con người không thể giữ Ngài lại, cũng như mắt con người không thể nhận ra Ngài vậy. Câu nói của Đức Giêsu cũng có nghĩa là Mađalêna còn có một việc khác quan trọng hơn là quyến luyến giữ Thầy lại : đó là đi loan tin Ngài đã sống lại.

B… nẩy mầm.

  1. Khi mọi sự quanh ta hầu như tối đen và chỉ có một tia sáng hy vọng còn le lói, thì ta làm gì : đứng đó mà than khóc, hay nhanh chân chạy tới nguồn ánh sáng ?
  2. Thế giới hôm nay cũng giống như một màn đêm tăm tối : nhiều người không có đức tin, không hy vọng, không yêu thương. Thế nhưng không hẳn tối đen hoàn toàn, vẫn còn một vài tia sáng của đức tin, của hy vọng và của yêu thương. Hãy lạc quan nhận ra những tia sáng đó, hãy chỉ cho mọi người thấy những tia sáng đó và hãy khuyến khích mọi người cùng ta chạy tới.
  3. Đoạn Tin Mừng này đã được cải biên thành một vỡ tuồng do một nhóm học sinh công giáo trình diễn. Vỡ tuồng như sau :

– Một học sinh chạy tới hỏi một nhóm bạn học sinh khác : “Chúa Giêsu đâu rồi ? Ai đã đem Chúa Giêsu đi đâu rồi ?”. Mọi người ngơ ngác, sau đó ai nấy đều lần lượt trả lời “Tôi không có ! Tôi không biết !”. Rồi cả nhóm cặm cụi tìm kiếm trong và quanh ngôi mộ của Ngài.

– Từ một góc sân khấu, một học sinh lên tiếng : “Đừng tìm ở đó vô ích. Chúa Giêsu đang ở với mẹ tôi ở nhà tôi đấy. Mỗi khi tôi giúp mẹ một tay thì khuôn mặt rạng rỡ của Chúa Giêsu hiện lên trong nụ cười của mẹ”.

– Từ một góc khác, một học sinh khác cũng lên tiếng : “Chúa Giêsu đang ở trong Nhà thờ đấy. Mỗi khi tôi dự lễ, tôi được nghe Ngài nói trong Tin Mừng và được ấp ủ Ngài trong lòng lúc rước lễ”.

– Từ góc thứ ba, học sinh thứ ba tiếp lời : “Chúa Giêsu ở trong lớp học. Mỗi khi tôi giúp giải thích bài cho một bạn chưa hiểu là tôi gặp Ngài”.

– Phía dưới sân khấu, nhiều khán giả dần dần cũng bị cuốn hút, mỗi người chỉ ra địa chỉ của Chúa Giêsu phục sinh mà họ khám phá được…. (Trích báo Our Family, Lent 1997, Canada).

  1. Trước vành móng ngựa, bị can đã tự thú tất cả tội lỗi của mình. Cuộc sống đã không cho phép anh dìm mình mãi trong tội lỗi nữa. Ôi, cũng không thể dửng dưng với cuộc sống còn đầy những ganh ghét và đố kỵ của mình. Chẳng lẽ khi cùng đường bí lối tôi mới dám đối diện với sự thật của chính mình, mới chỗi dậy mà về cùng Cha sao ?

Tôi như người ngủ mê cần chỗi dậy để được thấy vinh quang phục sinh của Người.

Lạy Chúa, xin chiếu tỏa vinh quang Chúa trên chúng con. (Epphata)

  1. “Bà Maria Mađalêna đi báo cho các môn đệ : Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18)

Tôi đã gặp Chúa nơi “bàn tiệc thánh”, khi lãnh nhận bí tích hòa giải, hoặc lúc cầu nguyện, tĩnh tâm, linh thao… Nhưng có mấy khi tôi nhận ra sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới, trong lòng người ? Tôi quên rằng khi một tâm hồn trở thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa chính là lúc tôi “thấy Ngài” và đồng hành với Ngài giữa cuộc đời.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết gặp Ngài trong từng cách cười, nếp nghĩ ; từng lời nói việc làm của nhau, để chúng con biết quý trọng những người xung quanh, biết đem tình thương san lấp sự khác biệt về lối sống, tính cách… để chúng con có đủ niềm tin, đủ thiện chí, can đảm sống xứng đáng cho nhau và vì nhau. (Hosanna)