Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 19  

print

Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – – Tuần 19  

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

Thứ Hai :

Mt 17,22-27

 

A. Hạt giống…

Đoạn Tin Mừng này gồm 2 chuyện :

  1. Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai Ngài sẽ chịu nạn : Nội dung hầu như giống y lần thứ nhất (x. 16,21), chỉ khác một chi tiết nhỏ là Ngài sắp bị nộp vào tay “người đời”) (lần thứ nhất : “chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, thượng tế và kinh sư”).
  2. Vấn đề nộp thuế cho Đền thờ :

– Mọi đàn ông do thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestina, đều phải nộp cho Đền thờ hằng năm một món tiền thuế là hai đồng drachme, tương đương với giá hai ngày công. Số tiền này dùng để trang trải các chi phí của Đền thờ. Người ta bắt đầu thu thuế này vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt qua. Vấn đề được nêu ra là Chúa Giêsu có phải nộp thứ thuế này không.

Chúa Giêsu trước hết đưa ra một định hướng nền tảng cho vấn đề, sau đó mời độc giả tìm đến một giải pháp thực tế.

– Định hướng nền tảng được trình bày bằng một dụ ngôn : các bậc vua chúa thường không thu thế con cái họ mà chỉ thu thuế các thần dân khác. “Vậy, con cái thì được miễn” : được miễn bởi vì chúng không phải nộp thù lao hay phải làm tạp dịch để được bố chúng xem chúng là con. Tương quan phụ tử phát sinh từ một sự nhưng không mà tương quan chủ tớ không hề có. Chúa Giêsu đã kiên nhẫn dạy cho các môn đệ mình cư xử với Thiên Chúa như với người cha của họ là Đấng ngự trên trời và là Đấng luôn trung tín với con cái mình mà chẳng hề đòi buộc chúng phải nộp thuế (Claude Tassin).

– Một giải pháp thực tế : “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ… anh hãy lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh”. Các kitô hữu gốc do thái luôn tự do trong việc nộp thuế Đền thờ. Họ luôn chu toàn bổn phận nộp thuế để tránh gây hoang mang vô ích cho đồng bào mình, bởi vì nếu không nộp thuế thì họ sẽ khiến cho đám người kia có cảm tưởng họ đã ly khai khỏi dân Israel.

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” : Động từ “bị nộp” ở thể thụ động hiểu ngầm người nộp là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa nộp ai và nộp cho ai ? Thưa nộp Chúa Con cho người thế gian.

– Ta hãy suy gẫm về tình thương của Thiên Chúa : Ngài ban cho loài người Người Con độc nhất mà Ngài rất yêu quý.

– Ta cũng hãy suy gẫm về sự hy sinh tự hạ của Chúa Giêsu : Là Con Thiên Chúa, Ngài sẵn lòng bị nộp vào tay người đời để cho người đời hành hạ và giết chết.

  1. “… nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền” : các môn đệ buồn phiền vì chỉ nhớ phần thứ nhất của lời loan báo (Chúa Giêsu bị giết) chứ không để ý tới phần thứ hai (Ngài sẽ sống lại).

Xin cho con luôn nhớ rằng Thập giá là đường dẫn tới vinh quang, vì có nhớ như thế con mới có thể lạc quan vác thập giá theo Chúa.

  1. Câu chuyện này nhắc mọi tín hữu góp phần mình vào Đền thờ, vào việc chung của Giáo Hội. Đây là một bổn phận công bằng, vì ta đã hưởng những ơn ích của Giáo Hội thì ta cũng phải góp phần mình vào đấy, góp phần bằng vật chất và bằng tình thần.
  2. Thánh Mat-thêu viết Tin Mừng trong giai đoạn Do thái giáo đã khai trừ các kitô hữu. Cho nên lẽ ra họ không còn bổn phận đóng góp cho Đền thờ Giêrusalem nữa. Thế mà, “để khỏi làm cớ vấp phạm” (làm dịp cho người do thái kết án là tại kitô hữu bỏ bổn phận trước), họ vẫn chu toàn bổn phận nộp thuế cho Đền thờ.

Có nhiều việc tôi không bị buộc làm, nhưng “để khỏi gây cớ vấp phạm” và vì bác ái, tôi vẫn nên làm.

  1. Chúa Giêsu nói với Phêrô : “Anh ra biển thả câu ; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra : anh sẽ thấy một đồng tiền 4 quan. Hãy lấy số tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và của anh” (Mt 17,27)

Là một ngư phủ, việc câu cá với Phêrô quả là dễ dàng. Chúa Giêsu đã sai Phêrô làm một việc trong tầm tay của ông để tuân hành luật lệ xã hội. Nhưng đồng thời, trong cuộc sống, Ngài luôn lưu ý Phêrô và các môn đệ về thế đứng của họ : sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Qua đó, tôi đọc ra nơi Chúa Giêsu một khả năng hội nhập tinh tế : hoà mình vào thế giới nhưng không đánh mất bản sắc riêng của mình.

Trong thực tế, nhiều lần tôi đã lạm dụng hai chữ “hội nhập” để ngụy biện cho những ích kỷ, lười biếng, và những hành động thiếu yêu thương, công bằng trong bổn phận của một Kitô hữu.

Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời trong những bổn phận trần thế và những hành động yêu thương nhỏ bé của con. (Hosanna)

 

Thứ Ba :

Mt 18,1-5.10.12-14

 

* Đặt trong sơ đồ chung của Mt :

Chương 18 (Từ hôm nay đến Thứ Năm) là bài giảng của Chúa Giêsu về nếp sống chung trong cộng đoàn Giáo Hội. Ngài đề cập đến nhiều vấn đề rất cụ thể và thực tế : về những người làm lớn trong cộng đoàn, cớ gây vấp ngã, thái độ đối với người anh em lầm lạc, sửa lỗi cho nhau, cầu nguyện chung, và tha thứ.

 

A. Hạt giống…

Những bài học về nếp sống cộng đoàn : theo hình ảnh trẻ nhỏ.

  1. Theo văn mạch, đoạn trước, các môn đệ đã tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Trong nếp sống cộng đoàn, vấn đề làm lớn làm nhỏ cũng thường gây va chạm. Chúa Giêsu dạy phải trở nên trẻ nhỏ : trở nên trẻ nhỏ là khiêm tốn chấp nhận thân phận của mình trong gia đình, là sẵn sàng vâng lời người lớn…
  2. Trong cộng đoàn, người ta cũng thường trọng những kẻ có địa vị, có tài năng… và coi thường hoặc xua đuổi những kẻ thấp kém, ít khả năng. Chúa Giêsu cũng gọi những người sau này là “trẻ nhỏ” và dạy “Ai đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì Danh Thầy tức là đón nhận Thầy. Đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này…”
  3. “Trẻ nhỏ” hay “kẻ bé mọn” cũng là những người lầm lạc. Chúa Giêsu dạy các kitô hữu vẫn phải quý trọng cả những người tội lỗi lầm lạc và tìm đủ cách để cứu vớt đưa họ trở về cộng đoàn.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Trong cộng đoàn, sự ganh ghét nhau về địa vị, danh dự đã làm cho biết bao người khổ sở. Kẻ bị ganh ghét khổ, mà chính người ganh ghét cũng khổ. Sao chúng ta không sống đơn sơ như những đứa trẻ trong gia đình : cha mẹ đặt đâu là chúng ở đó, cha mẹ bảo gì là chúng làm nấy, không hề nghĩ ngợi so đo, chỉ nhắm đến điều duy nhất là làm cho cha mẹ hài lòng.
  2. Theo khuynh hướng tự nhiên, tôi thường khinh dễ những người kém hơn tôi (mà Chúa Giêsu gọi là “những kẻ bé mọn”). Nay tôi đã nghe Chúa Giêsu bảo rằng khinh họ là khinh Chúa, đón tiếp họ là đón tiếp Chúa. Tôi nghĩ sao ?
  3. “Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” : Chúa Cha đã muốn thế, tôi còn có thể thờ ơ với những anh chị em lầm lạc của tôi nữa không ?
  4. Hãy nghĩ đến một đứa trẻ. Nó có nhiều đức tính rất đáng phục, như : lúc nào cũng hồn nhiên không lo lắng, vì nó tin rằng cha mẹ đã lo mọi sự cho nó ; rất ngưỡng mộ cha mẹ, coi cha mẹ như thần tượng ; luôn vui vẻ sống giây phút hiện tại ; nó cũng thường xích mích với những trẻ khác nhưng rất mau quên ; có những lúc nó giận cha mẹ, nhưng cha mẹ dỗ ngọt vào lời là nó bỏ qua ngay v.v.

Bởi thế, Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã chọn nên thánh bằng con đường trẻ thơ.

  1. “Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo : Thầy bảo thật anh em nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,2-3)

Nếu trẻ thơ chẳng biết giận lâu ; thì với con : sống để dạ, chết mang theo. Trẻ thơ không màng giành chức tước ; riêng con nghiêng mình trước công danh. Trẻ thơ luôn biết mình yếu đuối ; còn con khẳng định mình trên hết. Trẻ thơ yêu với cả tâm hồn ; còn con theo bề ngoài đánh giá. Trẻ thơ sống những gì mình có ; con thường nặn mình rất công phu.

Lạy Cha, có những bài học của trẻ thơ tuy đơn sơ mà cao vời vợi, để người lớn học cả đời chưa tròn nghĩa một câu. Xin dạy con nên như trẻ nhỏ, để con bước trên đời không chỉ bằng đôi chân của con, nhưng biết buông mình trong tay Cha từ ái. (Hosanna)

  1. “Ai tự hạ, coi mình như anh em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18,4)

Một lần nọ, tôi đọc được lời nguyện này của một người bạn : Lạy Chúa, xin cho con lòng khiêm nhường để biết nhìn ra mọi sự là hồng ân. Xin cho con lòng khiêm nhường để dám đối diện với sự thật. Xin cho con lòng khiêm nhường để can đảm vác thập giá hàng ngày theo Chúa. Xin cho con lòng khiêm nhường để không mệt mỏi vươn lên. Xin cho con lòng khiêm nhường để không đòi cho được phải hơn kẻ khác, nhưng luôn biết chấp nhận sự trổi vượt nơi mỗi con người, và xin cho con lòng khiêm nhường để bớt đi mọi lời khoe mẽ, nhưng thay bằng những lời tạ ơn.

Và Lạy Chúa, lời nguyện của con hôm nay : xin cho con luôn sống khiêm nhường để xây dựng Thiên Đàng quanh con. (Hosanna)

 

Thứ Tư :

Mt 18,15-20

 

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu dạy thêm hai điều nữa về nếp sống cộng đoàn :

  1. Khi có người trong cộng đoàn lỗi phạm, hãy sửa dạy cách kiên nhẫn qua nhiều giai đoạn : gặp riêng, nhờ một ít người nữa cùng mình đi thuyết phục, trình kẻ có thẩm quyền. Khi tất cả mọi cố gắng đều vô ích thì mới kể người đó không là thành phần của cộng đoàn nữa.
  2. Cộng đoàn cần tụ họp cầu nguyện chung với nhau, “vì đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa những người ấy”.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Để mất một phần tử của cộng đoàn là một nỗi đau rất lớn. Bởi đó Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kiên nhẫn giúp những phần tử lỗi lầm hoán cải. Nhiều khi cách giải quyết của chúng ta không theo đủ những bước Chúa dạy nên mới đánh mất những người anh chị em.
  2. Chúa dạy những người trong cộng đoàn phải “hiệp lời cầu xin”. Hiệp lời cầu xin là cầu xin chung với nhau, cầu xin những điều chung của cộng đoàn. Chúa nói khi chúng ta hiệp lời cầu xin thì có Chúa ở giữa. Như thế những lúc cầu nguyện chung là những giây phút rất êm đềm hạnh phúc.
  3. Tôi rất vui khi một anh sinh viên đến kể : “Chúa nhựt vừa rồi khi giảng Cha đã bảo thỉnh thoảng nên đọc kinh lần chuỗi chung với nhau. Xưa nay mỗi tối con đọc kinh riêng một mình. Thằng em con thì rất nguội lạnh ít khi đọc. Tối Chúa nhựt ấy con rủ nó cùng con lần chuỗi. Hai anh em chỉ lần có hai chục thôi. Nhưng chúng con thấy rất sốt sắng. Hôm sau chúng con rủ thêm mấy thằng bạn nhà bên cạnh nữa.” Tôi không ngờ một lời khuyên nhỏ như thế mà lại sinh một kết quả to lớn như thế. Nhưng không phải, không phải nhờ lời khuyên của tôi, mà nhờ Thiên Chúa ở giữa những bạn trẻ ấy : “vì đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa những người ấy”.
  4. Ngày kia một vị Giám mục đến thăm mục vụ một làng nọ. Dân chúng bày tỏ sự bất mãn của họ đối với một vị ẩn sĩ trên núi vì ông hiện đang chung sống với một phụ nữ. Sau khi nghe những lời kết án, vị Giám mục quyết định cùng dân làng leo lên núi. Thấy đám đông đến nơi mình ở, vị ẩn sĩ hoảng sợ bảo người phụ nữ trốn vào một chiếc thùng rỗng. Vị Giám mục là người thứ nhất bước vào trong lều. Ngài đưa mắt nhìn quanh và hiểu ngay sự kiện. Ngài bình thản đến ngồi trên chiếc thùng gỗ ấy và bảo dân làng vào lục soát. Nhưng không tìm thấy ai, dân làng đành ra về. Chờ cho mọi người đi hết, vị Giám mục nhìn sâu vào đôi mắt nhà ẩn sĩ và nói “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ linh hồn mình” (“Mỗi ngày một tin vui”)
  5. Đã có bao nhiêu cuộc họp mặt, bao nhiêu khối óc họp lại nhân danh công lý hòa bình, nhân danh quyền lợi tập thể, thậm chí nhân danh Đấng Tạo Hóa, để làm những điều đồi bại.

Nhân danh – đó là mỹ từ vẫn thường bị lạm dụng để che đậy, biện hộ cho các tôi ích kỷ, những ý đồ xấu xa, những mục đích đen tối.

Tôi cũng từng nhân danh Chúa để chỉ trích, lên án người này người kia. Nhân danh công tác nhà thờ để trốn tránh bổn phận và trách nhiệm bản thân.

Lạy Chúa, xin cho chúng con  biết nhân danh Chúa để sống trong sự thật, trong yêu thương. Xin cho tất cả những thao tác, nỗ lực và công việc của con chỉ nhằm vinh danh Chúa. (Hosanna)

  1. “Thầy bảo thật anh em : Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.” (Mt 18,19)

Tôi không thể ngờ được, người bạn thân nhất của tôi lại có thể hiểu lầm tôi. Thật khó có thể trở lại làm bạn như cũ ! Và tôi cùng nó đến nhà thờ… Vị chủ tế nói : “Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cho hai người luôn gắn bó bên nhau…”

Quay qua nó tôi nói :

– Bạn hãy cùng tôi cầu nguyện cho chúng ta và cho mọi người !

Bây giờ tôi và nó càng thắm thiết hơn xưa.

Lạy Cha, xin cho chúng con biết đồng tâm nhất trí với nhau trong kinh nguyện, để Cha chúc phúc và nâng đỡ chúng con hôm nay và mãi mãi. (Hosanna)

 

Thứ Năm :

Mt 18,21—19,1

 

A. Hạt giống…

Cuộc sống cộng đoàn cũng thường có nhiều va chạm, nên Chúa Giêsu dạy thêm bài học tha thứ :

– Phải tha luôn, tha mãi “không phải đến 7 lần nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

– qua dụ ngôn hai con nợ, Chúa Giêsu nói : ta có tha cho anh em thì Chúa mới tha cho ta. Ta tha cho anh em ít, Chúa tha cho ta nhiều (nếu con nợ thứ nhất chịu tha cho con nợ thứ hai 100 đồng bạc, thì hắn đã được ông vua tha cho hắn mười ngán nén bạc).

 

B…. nẩy mầm.

  1. Trẻ con thường giận nhau nhưng cũng mau làm hòa với nhau. Càng lớn thì tự ái người ta càng to và người ta càng khó tha thứ cho nhau hơn. Thêm một lý do nữa khiến Chúa Giêsu nói muốn vào Nước Trời thì phải trở lại như trẻ thơ.
  2. Muốn thuyết phục chúng ta tha thứ cho nhau, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hai con nợ để vạch cho ta thấy rõ rằng ta tha thứ cho người khác thì sẽ có lợi rất nhiều vì ta sẽ được Chúa tha cho ta nhiều hơn. Tính ra những lỗi lầm người khác xúc phạm đến ta đâu có là bao so với những tội lỗi ta xúc phạm tới Chúa.
  3. “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” : giận là một cảm xúc không ai có thể tránh được trong cuộc sống chung nhiều va chạm. Chúa không chấp nhất ta vì ta có cảm xúc đó. Nhưng Chúa sẽ kết tội ta nếu ta nuôi mãi lòng giận ghét không chịu bỏ qua.
  4. Hận thù là một hình thức của hoả ngục và là một hình thức của tội sát nhân. Thánh Gioan viết “Ai oán ghét anh em mình, kẻ đó là người sát nhân”. Một nhà tâm lý người mỹ nói “Khi ta trút giận lên người khác, dù chỉ bằng một lời nói, ta cũng muốn nói lên một ý nghĩ tiềm ẩn là muốn giết hại người đó” (…) Ta cũng nên nhớ rằng tha thứ không phải chỉ là một hành động ý chí mà còn là một ân ban. Do đó không thể có sự tha thứ nếu không đi kèm theo sự cầu nguyện. (“Mỗi ngày một tin vui”)
  5. Một nhà tâm lý người Mỹ nhận định như sau : Trên bình diện nhân bản, tha thứ là giải pháp tốt nhất cho cả người tha lẫn kẻ được tha, vì sự tha thứ khai mở năng lực tinh thần con người và có tác dụng làm cho con người sống lành mạnh và vui tươi hơn. (“Mỗi ngày một tin vui”)
  6. Một hiệp sĩ dũng cảm tên là Hildebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hildebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng ông chọn địa điểm và thời giờ thuận lợi. Ông thức dậy nửa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết là Bruno sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một nhà nguyện nhỏ mở cửa. Ông vào đó để chờ sáng, và trong khi cờ đợi, ông tiêu khiển bằng cách nhìn các bức tranh trong nhà nguyện. Bức thứ nhất vẽ Đấng Cứu Thế mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi bằng tiếng latinh câu này : “Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại lăng nhục”. Bức thứ hai nhắc lại cảnh đau buồn khi bị đánh đòn, với hàng chữ “Khi chịu những khổ đau như thế, Ngài không hề đe dọa”. Và cuối cùng bức thứ ba trình bày Chúa Giêsu trên Thập giá, hàng chữ là “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Nhìn liên tiếp 3 bức tranh như thế, tâm hồn Hildebrand bị xúc động mạnh. Ông quì gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ gặp để tha thứ tận tình và để làm hòa với nhau. (Góp nhặt)
  7. “Phêrô đến gần Chúa Giêsu mà hỏi rằng : ‘Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ?” (Mt 18,21)

Một hôm, gà con cứ bám riết lấy gà mẹ, khóc lóc kể lể :

– Mẹ ơi, tụi thỏ chế diễu tai con không bằng một góc tai chúng…

– Tha cho chúng đi con ! Gà mẹ trả lời.

– Nhưng bọn cò lại nói con hèn hơn bàn chân của chúng.

– Tha cho chúng đi con !

– Mẹ ! Gà con khóc to lên. Lúc nào mẹ cũng nói tha cho chúng, trong khi con bị chế diễu, bị nhạo báng…

– Tại vì họ nói đúng !

– Nhưng tại sao ?

– Tại vì con là một con gà !

Như gà con nọ, tôi cảm thấy bị xúc phạm và khó tha thứ cho anh em, chỉ vì không chịu chấp nhận chính mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết chấp nhận giới hạn bản thân, để nhận ra lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa, để không chỉ tha thứ đến 7 lần, mà bảy mươi lần 7. (Hosanna)

 

Thứ Sáu :

Mt 19,3-12

 

* Đặt trong sơ đồ chung của Mt :

Các chương 19-23 (Từ hôm nay đến Thứ Tư tuần 21) tường thuật những việc xảy ra trong giai đoạn Chúa Giêsu và các môn đệ hành trình từ Galilê tiến lên Giêrusalem. Đây là giai đoạn chuẩn bị cho cuộc chịu nạn và phục sinh nên rất quan trọng. Ý tưởng lớn là triều đại Thiên Chúa đã đến gần.

 

A. Hạt giống…

Vấn đề ly dị :

– Những người pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Ngài “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không ?” : Khi đó có 2 lập trường : lập trường của trường phái Hillel thì rộng rãi, cho phép ly dị một cách dễ dàng ; lập trường của trường phái Shammað thì khắt khe hơn, chỉ chấp nhận ly dị trong rất ít trường hợp. Biệt phái biết vấn đề này gay go nên đem ra gài bẫy Chúa Giêsu. Ngài trả lời thế nào cũng có thể bị kết án : hoặc quá rộng rãi hoặc quá hẹp.

– Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích hai đoạn trong sách Sáng thế (St 1,27 2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế, dứt khoát là không được li dị, bởi vì “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

– Những người pharisêu chưa chịu thua. Họ trích một câu trong Đnl 24,1, nội dung là cho phép ly dị với điều kiện phải viết chứng thư đưa cho người vợ bị ly dị.

– Chúa Giêsu nhận định về câu Đnl đó : bản chất của nó không phải là lời thiết lập luật nhưng chỉ là lời cho phép chuẩn miễn trong hoàn cảnh người dân còn lòng chai dạ đá, nghĩa là chưa nhận rõ ý Thiên Chúa. Như thế trong quá khứ nếu có cho phép ly dị thì chỉ là chuẩn miễn thôi. Sự chuẩn miễn không huỷ bỏ được định chế hôn nhân.

– Rồi Ngài lặp lại nguyên tắc hôn nhân bất khả ly : “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mình mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Bậc sống độc thân hoặc lập gia đình không phải thuần tuý thuộc ý muốn con người nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Nếu không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn gọi độc thân hoặc lập gia đình. Người kitô hữu chúng ta đừng để mình bị cám dỗ chạy theo tâm thức trần tục. Giải pháp cho vấn đề không phải là luật lệ do con người đặt ra nhưng là tình thương, là trở về với Thiên Chúa và chương trình nguyên thuỷ của Ngài khi tạo dựng con người (“Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Một trong những đền thờ cổ nói lên tinh thần của người Rôma thời xưa, đó là đền tờ dâng kính Nữ thần hòa giải. Khi hai vợ chồng bất hòa, người ta khuyên họ đến trình diện nữ thần hòa giải. Nghi thức rất đơn sơ : mỗi người có thể trình bày lý lẽ, phơi bày những bất công mà mình phải gánh chịu trong đời sống gia đình. Nghi thức đòi hỏi hai người không được nói cùng một lúc. Hễ ai ngắt lời người kia thì điều đó sẽ bị coi là phạm thánh. Nghi thức này có sức mang lại những kết quả phi thường : sau khi trình bày xong lý lẽ, rủa xả thậm tệ người phối ngẫu, hai vợ chồng thường làm hòa với nhau trước mặt vị thần (“Mỗi ngày một tin vui”)
  3. “Sự gì mà Thiên Chúa đã liên kết thì loài người không được phân ly.” (Mt 19,6)

“Rầm… ! ! !” Cái tivi, vật dụng cuối cùng bị đập vỡ, tiếp đó là tiếng cãi vã, xô xát của hai vợ chồng. Những tiếng khóc đầy sợ hãi của mấy đứa trẻ :

– Hu hu ! Ba má ơi đừng đánh nhau nữa ! ! !

– Hu hu ! Ba má ơi đừng bỏ tụi con !

Thì ra Ba má chúng sắp ly dị. Đó là tất cả những gì mà tôi đang chứng kiến ở một gia đình hàng xóm.

Hôn nhân là một phép bí tích mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người với đầy đủ tự do và trách nhiệm. Để sống yêu thương nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ… Đây chính là cái đích thực của hôn nhân và trong cái đích thực đó con người mới nhận ra được giá trị của tình yêu, của nhân cách chân thiện mỹ.

Thế nhưng trong cuộc sống vội vã hôm nay, con người thường lao theo dòng chảy của nó. Họ yêu cuồng sống vội. Hôn nhân có khi chỉ là một sự tính toán, đổi chác, tìm danh vọng và xác thịt… Hôn nhân khác nào một cuộc chơi : thích thì lấy nhau không thích thì ly dị.

Lạy Chúa, xin cho tất cả những người đang sống đời hôn nhân biết trân trọng và gìn giữ hôn ước mà họ đã cam kết ; và giây hôn phối mà Chúa đã kết hợp, ràng buộc. (Hosanna)

 

Thứ Bảy :

Mt 19,13-15

 

A. Hạt giống…

Người do thái coi khinh trẻ nhỏ, vì chúng chưa đến hội đường để học cho nên chưa biết Luật Môsê. Trong chuyện này, các môn đệ cũng theo quan điểm khinh thường trẻ nhỏ như thế, cho nên khi người ta đem chúng đến với Chúa Giêsu thì các ông đuổi. Đó là thái độ khai trừ.

Chúa Giêsu không đồng ý với thái độ khai trừ đó. Ngài bảo “Cứ để trẻ em đến với Thầy và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” : Trẻ nhỏ (và những người giống như chúng) được Người đề cao không phải vì chúng khờ dại hoặc yếu ớt mà vì 2 lý do : 1/ Chúng bị xã hội “khai trừ”. Mà ai bị người đời khai trừ thì Thiên Chúa lại che chở  ; 2/ Chúng ngoan ngoãn lệ thuộc và tín nhiệm người lớn (trẻ nhỏ dễ nghe, dễ vâng lời). Hai điểm này khiến chúng trở thành những “người nghèo” được Thiên Chúa ưu ái.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Người đời quen phân biệt ai là người mình nên trọng ai là kẻ mình khinh thường. Ngày xưa người do thái khinh thường và khai trừ một số người khỏi sinh hoạt chung của xã hội và tôn giáo, đó là phụ nữ, người cùi, người tội lỗi công khai và trẻ nhỏ…. Đặc điểm của Kitô giáo và đặc biệt của Công giáo là mở rộng vòng tay tiếp đón mọi người không khai trừ ai.

Nhưng đó mới chỉ là thái độ của Chúa Giêsu thôi. Đó có phải là thái độ của mọi kitô hữu chưa ?

  1. Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” : người lớn ngăn cấm trẻ nhỏ đến với Chúa bằng nhiều cách : không dẫn chúng đến nhà thờ, không tạo điều kiện cho chúng học giáo lý, làm gương xấu, gieo vào đầu óc ngây thơ của chúng những ý tưởng đen tối v.v.
  2. Một cậu bé gõ cửa nhà một bà già và hỏi xem bà có mua những trái trứng cá chín mọng cậu vừa hái được. Bà trả lời : “Có, bà sẽ xách xô của cháu vào bếp và đong 2 lít”.

Cậu bé đứng ngoài đùa với con chó. Bà nói : “Sao cháu không vào xem bà đong có đúng không ? Nhỡ bà lường gạt cháu thì sao ?”

– Cháu không sợ, vì làm thế bà sẽ nhận được điều xấu nhất.

– Cháu muốn nói gì ?

– Vì cháu chỉ mất vài trái nhỏ, nhưng bà tự biến mình thành kẻ trộm. (Góp nhặt)

  1. Chúa Giêsu nói : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mt 19,14)

Con đường nhỏ xíu, chay ngoằn ngoèo. Nước chảy lênh láng, những dãy nhà nhô ra thụt vào mất trật tự như đám con nít xóm này. Không thể tưởng tượng ở đâu ra nhiều con nít đến thế. Chúng dơ bẩn, áo quần cũ rích, chạy lung tung ngoài đường, nói bậy luôn mồm. Một cậu bé mải chơi đâm sầm vào một bà đi đường. Té ngã, thằng bé văng tục. Bà kia quát : “Đồ du côn, đồ mất dạy…” Lời “giáo huấn” tưởng chùng không bao giờ kết thúc.

Là ai, nếu không phải người lớn đã vô tình hoặc cố ý làm vấy bẩn tâm hồn trong trắng của các em. Hơn ai hết, chúng đủ tư cách được hưởng hạnh phúc nhất, nhưng xã hội lại rất nhẫn tâm đè bẹp những cánh hoa mong manh ấy bằng những gương xấu, bằng cơ chế nghèo hèn, thất học. Thậm chí những em kém may mắn bị đẩy ra đời sớm còn tiêm nhiễm biết bao thói hư tật xấu. Thiên đàng của các em là đâu !

Xã hội phân hoá giàu nghèo, con người quay cuồng với miếng cơm manh áo. Nhưng xin Cha cho chúng con luôn biết nhớ và tôn trọng quyền được chăm sóc, giáo dục của trẻ em. (Hosanna)