Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm –- Tuần 2
Lm Carôlô
Thứ Hai
Mc 2,18-22
A. Hạt giống…
Văn mạch : Từ 2,1 đến 3,6, thánh Marcô ghi lại 5 cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với một số nhóm không thích Ngài. Đây là những dịp rất tốt để ta thấy rõ quan điểm của Chúa Giêsu, thấy nét độc đáo trong giáo huấn của Ngài so với giáo lý cổ truyền của người do thái. Đoạn này ghi cuộc tranh luận thứ ba.
Vấn đề được tranh luận là ăn chay.
– Người do thái rất coi trọng việc ăn chay (x. Mt 6,1-8). Mục đích của ăn chay là chuẩn bị gặp Chúa (x. Xh 34,28) hoặc gặp Đấng Messia sắp đến.
– Vào đầu thế kỷ I, người ta nghĩ rằng Đấng Messia sắp đến, cho nên càng ăn chay nhiệm nhặt hơn, nhất là nhóm biệt phái và nhóm môn đệ Gioan Tầy giả.
– Phần Chúa Giêsu thì tự biết chính mình là Messia đến khai mở một kỷ nguyên vui mừng. Ngài so sánh thời gian Ngài đang sống ở trần gian là một tiệc cưới và bản thân Ngài là chàng rễ. Bởi đó Ngài ăn uống tự nhiên bình thường và để cho các môn đệ Ngài cũng ăn uống như thế.
– Vì thế khi người ta tra vấn Ngài “Tại sao các môn đệ ông không ăn chay ?”, Ngài trả lời “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay trong khi chàng rể còn ở với họ ?”. Ngài lại cho biết trước rằng tình hình sẽ thay đổi khi Ngài chịu nạn và chịu chết. Khi đó các môn đệ Ngài sẽ ăn chay để chuẩn bị đón ngày Ngài quang lâm (x. Cv 13,1-3).
Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là ăn chay hay không ăn chay, mà là ý thức ý nghĩa của việc ăn chay. Sống trong giai đoạn nào thì phải theo tinh thần của giai đoạn đó. Nói cách cụ thể hơn, giai đoạn đang sống với Chúa Giêsu là thời kỳ mới cho nên phải sống theo tinh thần mới, tức là tinh thần vui mừng : “Rượu mới thì bầu rượu cũng phải mới”.
B…. nẩy mầm.
- Cuộc đời của người kitô hữu tuy có những giai đoạn ăn chay sám hối, nhưng chủ yếu là vui mừng như đang dự tiệc cưới và được ở gần chàng rể. Thực vậy, được biết Chúa là một niềm vui, được theo Ngài là một niềm vui, được làm việc Ngài giao là một niềm vui. Ngay cả được vác thập giá Ngài trao cũng là một niềm vui, và khi ăn năn sám hối cũng vẫn vui vì biết mình sẽ được tha thứ. “Un saint triste est un triste saint” (một vị thánh buồn là một vị thánh “đáng chán”). Ta hãy nhớ lại hạnh các thánh : các ngài không bao giờ tuyệt vọng, không bao giờ cằn nhằn, không bao giờ đòi vất bỏ Thánh giá Chúa trao… ; trong lòng các ngài luôn có một niềm vui mà không ai, không gì và không hoàn cảnh nào dập tắt được…
- Vào Tuần Thánh 1980, Đài phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Áo quốc. Cô phát biểu : “Sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gởi đến cho tôi một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ảnh chính nỗi đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ ấy”.
Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái đã ghi danh vào trường Y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và cây viết. Cô giải thích : “Không ai có thể nói cho tôi biết chắc 100 phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng tôi phải thực thi ý Chúa nếu tôi muốn tiến tới. Đó là cách thế tôi chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để Chúa làm việc hầu cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng nữa.”
Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây, người phóng viên liền hỏi : “Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng. Thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này ?”
Cô gái mỉm cười nói : “Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống. Nhưng trên hết mọi sự là tình yêu của Chúa. Chính Ngài đã cho tôi nếm thử thiên đàng. Chỉ có như thế tôi mới đương đầu được với những đau khổ đang đè nặng trên tôi”. (Trích “Món quà giáng sinh”)
- “Chúa Giêsu mượn hình ảnh chiếc áo, bầu rượu để nói lên thái độ dứt khoát của những ai muốn làm môn đệ Ngài… Không thể vừa theo Ngài vừa tiếp tục nhìn lại phía sau ; không thể làm môn đệ Ngài mà vẫn sống tinh thần ngược lại với tinh thần Tin Mừng. “Hoặc tôi là môn đệ Đức Kitô, hoặc tôi không là gì hết” (Chúc thư của Dunan) (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
- “Chúa Giêsu trả lời : chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được” (Mc 2,19)
Các môn đệ đã đến và ở lại với Chúa Giêsu, tâm hồn và cuộc đời các ông tràn ngập niềm vui.
Bao lần tôi đã hát “Chúa chính là mùa xuân con mong chờ”, nhưng sống với Chúa đối với tôi có thực sự là niềm vui không ?
Tôi thường nghĩ đến những lề luật phải tuân giữ, những nghĩa vụ tôn giáo phải làm như dự lễ Chúa nhựt, xưng tội… hơn là nghĩ đến sự hiện diện yêu thương của Chúa trong đời tôi. Tôi đã đánh mất đi niềm vui của ngày được Rước lễ lần đầu, được thêm sức, niềm tự hào của ngày tuyên xưng đức tin.
Lạy Chúa, xin cho con biết đến với Chúa và ở lại với Ngài, biết đưa tay ra đón nhận hạnh phúc Chúa ban cho con. (Epphata)
- Mầm khác :
Thứ Ba
Mc 2,23-28
A. Hạt giống…
Đây là cuộc tranh luận thứ tư. Vấn đề được tranh luận là luật nghỉ làm việc trong ngày Sabbat, được ghi trong Xh 20,8-11.
– Nhóm biệt phái chỉ để ý đến mặt chữ, cho nên họ suy nghĩ nông cạn rằng nghỉ là nghỉ. Thậm chí họ còn đưa thêm đến 39 việc không được làm trong ngày sabbat, trong đó có việc mót lúa và bứt vài bông lúa. Bởi đó họ phản đối Chúa Giêsu về việc làm của các môn đệ Ngài.
– Còn Chúa Giêsu thì để ý đến tinh thần của khoản luật ấy, tức là nhằm phục vụ con người. Ngày xưa khi còn ở bên Ai cập, dân do thái phải làm nô lệ cực nhọc. Bởi đó khi họ ra khỏi Ai cập, Môsê đã ra luật nghỉ ngày sabbat, trước hết là nhằm phục vụ cho chính những người do thái : họ phải được một ngày nghỉ ngơi ; kế đó là vì quan tâm tới những người tôi tớ và nô lệ : trong ngày đó những người chủ do thái phải để cho các tôi tớ và nô lệ được nghỉ ngơi, đừng tái phạm điều mà người ai cập trước kia đã phạm đối với họ.
– Theo tinh thần ấy, Chúa Giêsu dám tuyên bố 2 câu “nẩy lửa” : a/ Ngày sabbat được lập ra vì con người chứ không phải con người được tạo nên vì ngày sabbat ; b/ Con Người (tức là Chúa Giêsu) là chủ của ngày sabbat.
B…. nẩy mầm.
- Một lần nữa Chúa Giêsu lưu ý chúng ta phải hiểu biết ý nghĩa và mục đích của lề luật. Tất cả mọi khoản luật của Giáo Hội, của Dòng tu, của Chủng viện đều nhằm giúp ta thêm mến Chúa và yêu người. Giữ những luật đó mà lòng không mến Chúa và yêu người thì vô ích. Dựa vào những khoản luật đó để làm khổ người khác là phản lại luật.
- Noi gương Chúa Giêsu, có lẽ câu hỏi ta nên tự đặt ra để biện phân không phải là “làm hay không làm”, mà phải là “làm điều lành hay điều dữ”.
- “Con Người là chủ của ngày sabbat”. Câu này suy rộng ra là “Chúa Giêsu là chủ của mọi lề luật”. Khi tôi đang cố gắng giữ một khoản luật, tôi có nghĩ rằng tôi đang gặp Chúa Giêsu trong khoản luật đó không ?
- Torah là bộ sách luật của Do thái giáo. Nó gồm 5 quyển, dầy 250 trang, chứa 613 khoản luật chia ra 365 khoản cấm (tương đương số ngày trong một năm) và 248 khoản buộc (tương đương số lượng các khúc xương trong cơ thể con người).
Talmud là bộ sách giải thích Luật của Do thái giáo, chia thành 2 loại là Mishna và Gemara. Bộ sách này có tới 523 quyển (Wim Barclay).
- “Việc gặp gỡ Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện nếu có tình thân với con người, tình thân ấy sẽ biến thành tính trong suốt. Hình thức mục vụ duy nhất có giá trị là biết cảm xúc trước giá trị con người. Chỉ kẻ biết tôn trọng con người mới làm chứng được cho Thiên Chúa” (Maurice Zundel, trong quyển “Sự hiện diện khiêm hạ”)
- Trong thế chiến vừa qua, một sĩ quan Anh thấy một sĩ quan Đức bị trọng thương, đang quằn quại bên hàng rào kẽm gai. Bom đạn ầm ầm, khói lửa ngút trời, nên không thể đưa người thương binh vào chỗ an toàn. Cuối cùng, người sĩ quan Anh tự nhủ : “Mình không đành lòng nhìn một người đau đớn khốn khổ như vậy ! “Thế là anh phóng ra giữa lửa đạn, vác người thương binh trên vai và đưa sang phần đất mà quân Đức chiếm đóng. Khi trận chiến tạm dừng, một sĩ quan Đức bước ra khỏi chiến hào, tháo chiếc thánh giá bạc đeo trước ngực và gắn cho người sĩ quan Anh. (Góp nhặt).
Nên để ý : a/ Khi đó người Đức và người Anh đang là kẻ thù của nhau ; b/ Người sĩ quan Anh đã cứu người sĩ quan Đức, đáp lại một sĩ quan Đức khác đã gắn cho người sĩ quan Anh một tấm huân chương rất đặc biệt, đó là chiếc Thánh giá.
- “Ngày Sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát” (Mc 2,27)
“Ngày mai là lễ Các Thánh đấy. Con Lễ đã xưng tội rồi, còn thằng Nhân thằng Nghĩa đã xưng tội và lễ lạy gì chưa ?” Lời mẹ nói khi tôi đang chuẩn bị đi học.
Không hiểu vì sao lại nhiều lễ thế nhỉ ? mà lại là lễ trọng nữa chứ ! Còn cả một bài luận chưa làm. Chiều mai lại sinh nhật của bạn nữa !…
Nhiều lúc tôi cảm thấy ngao ngán vì đạo Chúa có quá nhiều lề luật phải giữ. Nhiều lúc tôi nhìn Thiên Chúa như một cảnh sát, như một kẻ đè bẹp tôi mất tự do.
Hôm nay tôi đã hiểu rằng vì Chúa thương tôi nên Ngài mới ban lề luật. Và lề luật là quà tặng Chúa ban để giúp tôi bay cao, thăng tiến và bảo vệ tự do của chính mình.
Cảm tạ Chúa đã tặng ban cho con lề luật, để con học làm người tự do đích thực. (Epphata)
- Mầm khác :
Thứ Tư
Mc 3,1-6
A. Hạt giống…
Đây là cuộc tranh luận thứ năm trong số những cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các đối thủ của Ngài được Mc ghi lại. Vấn đề cũng vẫn là luật nghỉ ngày sabbat nhưng được nhìn dưới một khía cạnh khác : làm gì trong ngày đó.
– Hoàn cảnh : Có một người bệnh cần được chữa, người đó đang có mặt trong hội đường, và hôm đó là một ngày sabbat.
– Trong đoạn hôm qua, Chúa Giêsu đã nêu rõ mục đích của khoản luật nghỉ làm việc ngày Sabbat là để phục vụ con người. Trong đoạn này Ngài cho biết thêm ngày đó ta có thể (và phải) làm việc lành.
– Khi đặt cho những người biệt phái câu hỏi “Ngày sabbat, được phép làm điều lành hay điều dữ”, Chúa Giêsu muốn họ suy nghĩ để thấy thêm điểm quan trọng đó.
– Nhưng họ làm thinh : một là do cảm thấy khó trả lời ; hai là do cố chấp không chấp nhận lẽ phải. Do đó Chúa Giêsu “rảo mắt nhìn họ”, một cái nhìn vừa “giận” vừa “buồn”.
B…. nẩy mầm.
- Những người biệt phái đang dùng luật để ngăn cản Chúa Giêsu chữa một người bệnh, và để hại Chúa Giêsu. Thái độ đó đụng chạm tấm lòng của Ngài rất mạnh, đến nỗi Ngài “giận dữ rảo mắt nhìn họ và buồn khổ”.
- “Ngày sabat, được phép làm điều lành hay điều dữ”. Câu hỏi này Chúa Giêsu đặt ra cho nhũng người biệt phái. Họ đã làm thinh không trả lời, cho nên chính Chúa Giêsu tự trả lời bằng hành động chữa người bại tay. Câu trả lời của Ngài là : cứu giúp một người đang đau khổ là điều lành ; từ chối giúp đỡ là điều dữ.
- Hai cái nhìn : Điều Chúa Giêsu thấy rõ hơn hết trong hội đường ngày hôm ấy là có một người bị khô bại một tay. Ngài thấy và rất thương anh nên muốn cứu anh. Còn những người biệt phái thì chỉ thấy những khoản luật về ngày Sabbat. Những khoản luật ấy che khuất tầm mắt của họ nên họ chẳng thấy nỗi khổ của bệnh nhân mà chỉ coi đây là cơ hội để họ bắt bẻ Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu đã chữa cho anh này thì họ không vui mừng mà còn tức giận và “tìm cách hại Ngài”. Cái nhìn của Chúa Giêsu xuất phát từ một tấm lòng nhân hậu, còn cái nhìn của biệt phát xuất phát từ một “cõi lòng chai đá”. Xin ban cho con một quả tim bằng thịt thay vì quả tim bằng đá.
- “Những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Ngài và tìm cách hại Ngài” : trước đây biệt phái không thích những người phái Hêrôđê vì biết những người này xấu. Nhưng hôm nay, sự thù ghét Chúa Giêsu đã đưa họ đến hợp tác với những kẻ xấu ấy đề cùng nhau làm thêm một việc xấu to lớn nữa là hại Chúa Giêsu. Đôi khi trong cuộc sống va chạm, tôi cũng thấy trong lòng mình nổi lên sự tức giận. Nhưng tôi cần phải bình tỉnh, đừng để mình bị cuốn lôi theo những xúi dục xấu xa của sự tức giận ấy.
- “Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê để tìm cách giết Chúa Giêsu” (Mc 3,6)
Trong ký túc xá Nguyễn Huệ, Hương là một cô gái hiền lành và đoan trang. Hương luôn tìm cách giúp đỡ những người bạn gặp khó khăn vì hoàn cảnh xa gia đình, cũng như an ủi những bạn gặp thất bại trong học tập. Từ những việc tốt đó, Hương bị một số bạn bè xấu ghen tương và đố kỵ, toa rập với nhau để hãm hại. Hương vẫn vô tư không biết chuyện dữ sắp xảy đến với mình. Một ngày kia, cả phòng xôn xao vì một người trong phòng bị mất đồ. Bảo vệ đã lên làm việc và không thể tin được : “thủ phạm” lại chính là Hương. Mọi người đều biết rằng Hương không bao giờ làm chuyện đó.
Những kẻ xấu thường không ưa nhau. Nhưng chỉ vì muốn hạ đối thủ chung nên sẵn sàng liên kết với nhau. Tôi là người biết rõ từ A đến Z. Nếu như tôi không đủ can đảm đứng ra đương đầu với các bạn kia, sao tôi không biết liên kết với những bạn còn lại trong phòng để bênh vực cho Hương ?
Chúa ơi, thế giới con đang sống đã trở nên thảm hại, không chỉ vì tội ác của kẻ xấu nhưng còn vì sự nhu nhược của kẻ lành. Xin giúp con biết yêu chuộng sự thật và liên kết với mọi người thành tâm thiện chí hầu xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. (Epphata)
- Mầm khác :
Thứ Năm
Mc 3,7-12
A. Hạt giống…
Trong đoạn này, Mc ghi tóm lược hoạt động chữa bệnh và trừ tà của Chúa Giêsu :
– Chữa bệnh : do biết Chúa Giêsu có khả năng chữa bệnh, người ta từ khắp nơi đi theo Chúa Giêsu rất đông, đến nỗi Ngài phải bảo các môn đệ tìm cho người một chiếc thuyền nhỏ cho Ngài lên đó “để khỏi bị đám đông xô lấn”. Biện pháp này nhằm làm dịu đi phần nào một niềm tin tưởng có phần vụ lợi và một quan niệm có phần sai lạc về Đấng Messia.
– Trừ tà : những tà thần khi bị Ngài trục xuất đã tuyên bố lớn tiếng “Ông là Con Thiên Chúa”. Không phải tà thần tuyên truyền dùm Ngài, thực ra chúng muốn phá hại hoạt động của Ngài, vì khi làm như thế, chúng khiến dân chúng chỉ để ý tới khía cạnh quyền phép của Ngài và do đó sẽ không chấp nhận khi Ngài cho biết Ngài là một Đấng Messia dùng Thập giá để cứu loài người. Bởi đó việc Ngài “cấm ngặt chúng không được tiết lộ Ngài là ai” cũng là một biện pháp ngăn chận quan niệm sai lạc ấy.
B…. nẩy mầm.
- Khi người ta chạy theo Chúa vì động cơ vụ lợi, và khi ma quỷ muốn làm cho người ta hiểu Chúa Giêsu là một nguồn lợi vật chất, thì chính Chúa Giêsu phải có biện pháp lánh xa và ngăn cấm.
- Kinh nghiệm dạy cho tôi biết rằng khi ta thực sự đến với Chúa, Ngài không bao giờ để ta ra về với bàn tay trắng cả, chỉ trừ khi ta đến với Ngài mà lòng đầy những toan tính vụ lợi. (Phophecy Monthly).
- Câu chuyện sau đây do Mục sư H.A. Ironside kể trong một buổi thuyết trình về Thánh Kinh :
Một nhóm kitô hữu đang họp trong một ngôi nhà. Trước mặt tiền nhà, họ treo một biểu ngữ với hàng chữ “Jesus only” (chỉ vì Chúa Giêsu mà thôi). Một cơn gió mạnh thổi qua làm bay mất 3 mẫu tự đầu. Hàng chữ trở thành “us only” (chỉ vì chúng ta mà thôi).
Mục sư kết luận : đối với một số kitô hữu, họ tưởng hàng chữ đầu diễn tả đúng ý hướng của họ, nhưng thực ra ý hướng của họ là hàng chữ thứ hai. (Sunday School Times).
- Mầm khác :
Thứ Sáu
Mc 3,13-19
A. Hạt giống…
Chúa Giêsu lập Nhóm 12. Có vài chi tiết đáng để ý :
– Việc này xảy ra “trên núi” : Theo truyền thống Thánh Kinh, “núi” là nơi thiêng thánh : nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người (x 1V 19,8 : Thiên Chúa gặp Êlia), nơi lập Giao ước (Xh 19,3), nơi mặc khải… Vậy Chúa Giêsu lập nhóm 12 trên núi vì việc này có tính cách quan trọng và thiêng thánh.
– Ngài “gọi đến với Ngài những kẻ Ngài muốn” : ơn gọi xuất phát từ sáng kiến và ơn ban của Chúa, chứ không phải do công đức của con người.
– 12 người này được chọn “để các ông ở với Ngài và được Ngài sai đi”. Đây là 2 nét quan trọng trong căn tính của người tông đồ.
– Trong số những người được chọn có cả một người sẽ phản nộp Ngài.
B…. nẩy mầm.
- Chúa không đích thân đi rao giảng Tin Mừng, mặc dù cách này hữu hiệu hơn, nhưng lại chọn một số người làm việc ấy. Lý do : a/ Chúa muốn con người chia sẻ sứ mạng của Ngài ; b/ Chúa chia sẻ cho con người vinh dự Chúa Cha trao cho Ngài…
2…. Nhưng, để không phụ lòng tin tưởng của Chúa, những người được chọn để sai đi ấy trước hết phải “ở với” Ngài. Kẻ được sai phải “ở với” Đấng sai phái để thấm nhuần tinh thần của Ngài, và có như thế họ mới là sứ giả đích thực của Ngài và làm việc đúng như ý Ngài muốn.
- Thế chiến thứ II kết thúc, một số binh sĩ Hoa Kỳ vẫn còn ở lại một số miền được giải phóng ở Đức. Họ giúp dân chúng thu dọn và sửa chữa những ngôi nhà đổ nát. Công tác quan trọng là xây dựng lại những nhà thờ bị hư hại vì bom đạn… Sau khi thu dọn, sửa chữa, sắp đặt, các binh sĩ khựng lại trước một bức tượng Đức Kitô bị đổ nát trên bàn thờ. Bức tượng này xem ra được tân trang, chỉ trừ đôi tay là biến mất, và cho dù cố gắng đến mấy cũng không thể nhặt được những mảnh vụn của đôi tay. Bất lực đứng nhìn pho tượng không tay của Đức Kitô, các binh sĩ Hoa kỳ đành phải lấy sơn viết vào tấm bảng và đặt dưới chân Ngài với hàng chữ “Ta không có đôi tay nào khác hơn là đôi tay của các ngươi” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
- “Chúa Giêsu lập nhóm 12 để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,14)
Chúa Giêsu chọn 12 người :
Gioan và Giacôbê, những người trẻ nóng tính
Mát thêu, một người thu thuế cho đế quốc
Simon, một thành viên của nhóm cuồng tín
Phêrô, anh dân chài thất học…
Những con người quá đỗi bình thường ấy có thể làm được gì lớn lao cho Chúa và cho đời ?
Chúa Giêsu chọn họ để họ ở với Người và Người ở với họ, để từ một nhóm người bé nhỏ, tội lỗi, tình yêu của Thiên Chúa được rao giảng, con người tìm được hạnh phúc thật.
Chúa ơi, cho con ở với Chúa thật sâu, để con có sức mạnh mà thành người hữu ích cho đời. (Epphata)
- Mầm khác :
Thứ Bảy
Mc 3,20-21
A. Hạt giống…
Lúc Chúa Giêsu đang giảng thì thân nhân của Ngài tìm đến. Ta hãy chú ý chung quanh Chúa Giêsu có 2 vòng người :
a/ Vòng phía trong gần gũi với Ngài là những người đang nghe Ngài giảng. Họ “đang ngồi chung quanh Ngài”.
b/ Vòng ngoài là những người bà con của Ngài. Những người này đứng đó không phải để nghe giảng, mà để bắt Ngài về quê không cho Ngài giảng nữa vì nói Ngài đã mất trí.
Đoạn song song trong Tin Mừng Mt (Mt 12,46-50) cho thấy Chúa Giêsu coi trọng những người ở vòng trong hơn vòng ngoài : chẳng những Ngài không bỏ việc giảng để ra ngoài gặp bà con, mà còn nói những kẻ đang nghe Ngài giảng mới là gia đình thật của Ngài.
B…. nẩy mầm.
- Chúa Giêsu coi trọng những kẻ nghe Lời Chúa hơn chính cha mẹ và anh chị em ruột thịt. Đây không chỉ là một cách nói để khuyến khích, mà là sự thật : các thánh được Chúa coi như người nhà của Ngài ; và không vị thánh nào không siêng năng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa.
- Sự quan tâm lo lắng : những người bà con của Chúa Giêsu quan tâm lo lắng về việc ăn uống của Ngài ; còn Chúa Giêsu thì coi những kẻ đang nghe Ngài giảng là gia đình thiêng liêng của mình, nên quan tâm lo cho họ có lương thực thiêng liêng. Ngài quan tâm điều này đến nỗi quên luôn của ăn vật chất của mình.
- Trong vườn, một gốc nho héo úa giữa bao cây xanh tươi mơn mởn. Tưới bao nhiêu phân cũng chẳng thấy khá hơn. Cuối cùng, người chủ đào gốc lên xem, thì thấy có miếng gỗ nằm chắn ngang gốc nho.
Có lẽ đời ta cũng vậy. Nếu không đâm rễ sâu vào lòng đất là Lời Chúa, đời ta cũng sẽ tàn úa (Góp nhặt)
- Một bà kia rất thường đọc Sách Thánh và đọc rất sốt sắng. Khi được hỏi tại sao thì bà dùng một thí dụ để giải thích :
Hôm qua tôi nhận được một bức thư của một người tôi rất quý mến. Tôi đã đọc rất chăm chú và đọc đi đọc lại tới 5 lần. Không phải vì tôi không hiểu lời lẽ trong thư vốn đã quá rõ, nhưng vì tôi biết đó là những lời của một người rất thương tôi và tôi cũng rất thương người đó (United Presbyterian).
- “Thân nhân Chúa Giêsu đi bắt Người vì họ nói rằng Người mất trí” (Mc 3,21)
Chuyện kể về một em bé đã giúp một người bạn nghèo trong lớp. Hạnh phúc quá, em về khoe với mẹ. Không ngờ mẹ mắng : “Không được chơi với những đứa khố rách áo ôm đó !” Nụ cười trên khuôn mặt em bé chợt tắt, em thất vọng trước cố gắng của mình.
Hôm nay, qua lời nói của mình, tôi cũng dập tắt niềm hạnh phúc mỏng manh của người khác. Tôi đã giết đi những mầm non hy vọng, sự cố gắng, lòng nhiệt thành của những người chung quanh. Tôi như những người thân của Chúa Giêsu ngày xưa, không hiểu và không nhìn ra sứ mạng của Ngài để rồi vô tình cản trở bước rao giảng Tin Mừng Nước Chúa.
Lạy Cha, xin cho con biết quan tâm tới người khác để nhận ra những cố gắng và thiện chí của họ ; biết đem hết khả năng của mình để nâng đỡ, khích lệ, cộng tác với anh em. (Epphata)
- Mầm khác :