Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 26

print

Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 26

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

Thứ Hai :

Lc 9,46-50

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu dạy các môn đệ ba điều ngược hẳn suy nghĩ của các ông :

  1. Lớn và nhỏ : mọi người, trong đó có các môn đệ và có cả chúng ta nữa, đều muốn làm người cao trọng nhất, nghĩa là có địa vị, có quyền hành, có quyền lợi. Nhưng khi các môn đệ đang suy nghĩ trong lòng về ước mong đó thì Chúa Giêsu biết ý nghĩ của các ông, Ngài bảo các ông đừng nghĩ tới vấn đề đó nữa, mà hãy nghĩ ngược lại : hãy trở thành kẻ bé nhỏ nhất, nghĩa là đùng nhắm địa vị và quyền hành, quyền lợi mà hãy sống khiêm tốn như trẻ nhỏ
  2. Đón tiếp ai : Thói thường, người ta niềm nở với những ai có lợi cho mình, chẳng hạn người có địa vị, có quyền hành, có của cải. Chúa Giêsu thì dạy : hãy có thái độ rộng mở đón tiếp mọi người, dù đó là một đứa trẻ chẳng có địa vị quyền hành gì cả.
  3. Thuận và nghịch : người ta thường dùng cái khung phe nhóm để định hướng thái độ của mình. Ai thuộc phe nhóm mình thì là bạn mình và mình hợp tác ; ngược lại ai không thuộc phe nhóm mình thì là kẻ thù của mình và mình chống lại. Chúa Giêsu dạy ngược lại : “Ai không chống lại các con tức là thuộc với các con”, và “Chớ ngăn cản họ”.

B…. nẩy mầm.

  1. Cái ý muốn “làm lớn” đã là nguồn gốc sinh ra biết bao đố kỵ, tranh dành và gây ra biết bao xào xáo khổ sở trong cuộc sống chung. Bởi thế Chúa dạy ta đừng ham làm lớn nhưng hãy ham làm nhỏ. Kiêu căng là đầu của 7 mối tội đầu, khiêm tốn là đứng số một trong 7 nhân đức hàng đầu.

Nếu con đang “làm nhỏ”, xin cho con biết cám ơn Chúa vì con được giống như những đứa bé trong gia đình. Nếu nhiệm vụ đang đặt con làm lớn, xin cho con biết “làm lớn” một cách khiêm tốn, làm lớn để phục vụ chứ không phải để bắt người ta phục vụ.

  1. Vấn đề quan trọng không phải là tôi được địa vị cao hay thấp mà là tôi được đặt vào đúng chỗ hợp với khả năng của mình. Kẻ ít khả năng mà ở địa vị cao thì không chu toàn được những nhiệm vụ được giao, và như thế càng cho người khác thấy rõ những yếu kém của mình.
  2. “Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào”. Chưa có địa vị thì ham có, đang có rồi thì cảm thấy nặng nề và mong được trút bỏ. Điều này càng đúng trong Giáo Hội.
  3. Về thái độ đón tiếp : lẽ ra là môn đệ của Chúa, tôi phải đón tiếp mọi người, đặc biệt ưu tiên đón tiếp những kẻ bé mọn. Thế nhưng khuynh hướng tự nhiên vẫn còn sống mạnh trong tôi, nên đôi khi tôi vẫn thờ ơ, thậm chí xua đuổi những kẻ bé mọn ấy, và niềm nở vồn vả với những người có lợi cho tôi.
  4. Thuận và nghịch : nhân danh Chúa Giêsu để trừ quỷ, đó là một việc làm tốt. Nhưng vì Gioan đã đánh giá việc làm đó theo một tiêu chuẩn sai (người đó không thuộc phe nhóm của mình), nên dẫn tới một thái độ sai là chống đối và ngăn cản. Để “chữa trị” Gioan, Chúa Giêsu bảo ông hãy suy nghĩ theo một tiêu chuẩn mới “Ai không nghịch với các con tức là thuận với các con”. Nghĩa là hãy suy nghĩ theo chiều “thuận” : hãy coi mọi người đều là “thuận” với mình, chỉ trừ khi rõ ràng người ta chống mình.
  5. “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Lc 9,48)

Tôi đang loay hoay tìm kiếm mấy con ốc bị thất lạc khi sửa cái máy cassette thì thằng cháu mon men lại gần :

– Cậu ơi, cậu làm gì thế ? Cho cháu làm với.

– Con nít chỉ biết nghịch phá chứ biết làm cái gì. Đi chỗ khác chơi ! Tôi quát lớn.

– Nhưng cháu muốn ở lại nói chuyện với cậu, cho cậu đỡ buồn.

Câu nói ngây thơ của đứa trẻ lên bốn chứa đựng cả một tấm lòng nhân hậu làm tôi phải xét lại thái độ của mình. Những người lớn hay coi thường trẻ thơ bởi chúng là những trẻ nhỏ chưa có địa vị hay chỗ đứng trong xã hội. Thế nhưng những suy nghĩ tưởng chừng là bé nhỏ của chúng lại chất chứa cả một tâm hồn vĩ đại.

Lạy Chúa, xin cho những người lớn chúng con biết khiêm tốn lắng nghe và khám phá ra thế giới trẻ thơ ; để qua trẻ thơ, mỗi người chúng con sẽ hoàn thiện chính mình (Hosanna)

Thứ Ba :

Lc 9,51-56

A. Hạt giống…

Một lần nữa, Gioan (và Giacôbê) biểu lộ những thói xấu rất tầm thường của con người :

  1. Tính nóng nảy : hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt.
  2. Óc bè phái : phân biệt bạn thù và hở một chút là muốn tiêu diệt kẻ thù.
  3. Lạm dụng quyền hành : ỷ mình là môn đệ Chúa Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân.

Thái độ Chúa Giêsu dạy hai bài học :

  1. Xác định ý hướng căn bản của sứ mệnh : Con Người đến không phải để giết chết mà để cứu sống.
  2. Nhường nhịn : làng này không tiếp mình thì sang làng khác.

B…. nẩy mầm.

  1. Không nên phản ứng theo cảm xúc tự phát, nhất là cảm xúc nóng giận. Phải phản ứng theo định hướng căn bản của sứ mệnh của mình : không nhằm giết chết mà nhằm cứu chữa.
  2. Quyền hành không phải để trừng trị kẻ không làm đúng ý mình, mà để phục vụ.
  3. Theo suy nghĩ của loài người, nhường là thiệt thòi, nhịn là nhục. Nhưng theo suy nghĩ của Chúa, nhịn nhục là biểu lộ một nhân cách rất vững vàng và một tấm lòng rất khoan dung.
  4. Một Cha sở già kia có nhiều kinh nghiệm thường khuyên các đôi tân hôn như sau : “Khi các con thấy trong nhà sắp xảy ra cãi vã, các con hãy nói với nhau : “Để sáng mai rồi hãy gây gỗ”. Sáng hôm sau các con sẽ thấy rằng việc hôm qua thật là nhỏ nhoi không đáng gây gỗ chút nào. Khi các con sắp có chuyện cãi vã, chúng con hãy ngậm hoài một ngụm nước lạnh cho đến khi ngụm nước nóng lên. Rồi cứ tiếp tục ngậm ngụm nước khác. Làm như thế các con sẽ bớt được những xô xát đổ vỡ trong gia đình. (Trích ”Phúc”)

Thứ Tư :

Lc 9,57-62

A. Hạt giống…

Tiểu đoạn này gồm ba chuyện nhỏ về 3 người muốn đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu. Điều quan trọng trong những chuyện này không phải là những nhân vật (vì không chi tiết nào mô tả các nhân vật ra sao), mà là giáo huấn của Chúa Giêsu về những điều kiện để làm môn đệ Ngài.

  1. Người thứ nhất muốn đi theo Chúa Giêsu đến bất cứ nơi nào. Trường hợp này thường xảy ra trong xã hội thời đó : có những người vì ngưỡng mộ một rabbi nào đó nên bỏ gia đình và xin theo ở với rabbi đó trong một thời gian vài ba năm (xem Ga 1,37-49)

  – Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không giống như các rabbi : cuộc sống của Ngài là cuộc sống lang thang rày đây mai đó, vì Ngài là một con người bị từ chối (x. chuyện trên, một làng Samaria không tiếp rước Ngài). Vậy điều kiện thứ nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu là phải giống Ngài ở chỗ chấp nhận một cuộc sống vật chất không ổn định, có thể bị từ chối và còn có thể bị giết chết nữa.

  1. Người thứ hai : không phải cha người này vừa chết, nhưng ông ta vẫn còn sống. Ý người này là tuy cũng muốn theo Chúa Giêsu, nhưng xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi rồi anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn một ưu tiên : ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo.

  – “Mặc cho kẻ chết chôn người chết” : tiếng Pháp rõ nghĩa hơn “mặc cho les mortels chôn les morts”. Điều kiện thứ hai là phải dành ưu tiên cho bổn phận đối với Nước Thiên Chúa, trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Không phải Chúa Giêsu coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình (x. Mt 15,3-9) nhưng Ngài dạy rằng trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.

  1. Lời xin của người thứ ba cũng giống lời xin của Êlisê (1.V 19,19-21). Lời đáp của Chúa Giêsu cũng khiến ta nhớ lúc đó Êlisê đang kéo cày “đầu ngoái lại sau” : còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy điều kiện thứ ba là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, địa vị vv…), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi.

Theo văn mạch : Chúa Giêsu sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là chịu chết, sống lại và lên trời. Ngài muốn các môn đệ mình cũng phải đi cùng một hành trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách : hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria ; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ.

B…. nẩy mầm.

  1. Nhiều lần trong lúc sốt sắng, tôi cũng thưa với Chúa “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy”. Thế nhưng trên thực tế con cũng như các nhân vật xưa đã không thực sự theo Chúa vì những thành kiến (như dân làng Samaria) ; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ (3 người được kể trong Tin Mừng hôm nay).
  2. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu” : đôi khi tôi cũng gặp cảnh thiếu thốn cả những tiện nghi cơ bản như thế. Cám ơn Chúa vì khi đó con đã không rút lui. Nhưng thú thật là tinh thần con đã bị chao đảo, nhiệt tình con đã bị nguội lạnh.
  3. “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết” : Tuy là môn đệ Chúa, tức là người chuyên lo những việc của Nước Trời, nhưng đầu óc tôi vẫn còn vấn vương những lo lắng thế tục, lo cho gia đình, cho những người thân. Chúa không cấm tôi nghĩ đến những việc đó và những người đó. Nhưng Chúa khuyên tôi đừng để những lo lắng ấy xâm lấn nhiệm vụ chính hiện tại của tôi, ngoài ra tôi còn phải biết phó thác vào Chúa quan phòng nữa.
  4. “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng…” : quá khứ mà Chúa dạy tôi phải quên đi là những quyến luyến tình cảm thế phàm, những ước mơ thế tục, kể cả những mặc cảm tội lỗi xa xưa…
  5. Một linh sư ấn độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quý như của lễ ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn ông giàu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc. Nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm lại được. Chiều đến, người đàn ông đến xin vị linh sư chỉ rõ nơi ông đã ném viên ngọc quý. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném luôn xuống sông và nói : “Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm”.

Chúa Giêsu cũng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ dứt khoát như thế. (“Mỗi ngày một tin vui”)

Thứ Năm :

Lc 10,1-12

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng :

– Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm tông đồ mà còn cả nhóm môn đệ nữa. Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý này lại được làm rõ thêm với con số 72. Đây là số dân của loài người mà St 10 đã liệt kê.

– “Từng nhóm hai người” : Việc loan Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác.

– “Hãy cầu xin” : Việc đầu tiên mà nhà truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Thiên Chúa là chủ mùa gặt, nhận ai vào Nước Thiên Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài. Chúa Giêsu bảo cầu xin là để các môn đệ ý thức rằng họ được gọi là nhờ ơn Chúa, và để có thêm nhiều người nữa nhận được ơn ấy.

– “Như chiên non vào giữa sói rừng” : Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ về những hiểm nguy và sự thù nghịch mà có thể họ sẽ gặp phải.

– “Đừng chào ai dọc đường” : việc chào hỏi của người Phương Đông thường kéo theo những câu chuyện rề rà rất lâu. Trong khi sứ mạng loan Tin mừng đòi phải gấp.

– “Bình an cho nhà này” : đây vừa là một lời chúc vừa là một lời ban ơn bởi vì nó có sức tạo nên điều nó chúc (Is 45,23). Người rao giảng Tin Mừng phải là “con cái của sự bình an”. Họ phải có bình an trong mình và sau đó đem bình an ấy ban lại cho người khác. Nếu nhà nào đáng được hưởng ơn bình an thì được bình an, nếu không thì ơn bình an trở lại cho người chúc.

– “Cứ ở lại nhà ấy” : gặp nhà nào đầu tiên cho ở thì người môn đệ hãy ở đó. Đừng tìm hiểu nhà để so sánh chọn lựa nhà nào tiện nghi hơn. Điều quan trọng là loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa chứ không phải tiện nghi cho mình hoặc cách người ta tiếp rước mình.

– “Ăn uống của người ta cung cấp cho mình” : sứ mạng của môn đệ đừng để bị ảnh hưởng bởi những quan tâm có tính cách trần thế (đòi hỏi hoặc e ngại những gì của ăn uống người ta lo cho mình).

  – “Thợ đáng trả lương” : đây là một nguyên tắc (1Tm 5,18  ; 1Cr 9,11). Nhưng người thừa sai cũng có thể tự ý từ chối (1Cr 9,14-18).

  – “Người ta dọn thức gì cứ ăn thức ấy” : Người rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu không còn bị bận vướng bởi luật Môsê về sự phân loại thức ăn nào sạch, thức ăn nào dơ (1Cr 10,27).

  – “Hãy chữa lành các bệnh nhân” : đây là dấu hiệu Nước Thiên Chúa gần đến.

  – “Phủi bụi chân” : người Do Thái thường phủi bụi chân khi từ một vùng đất ngoại trở về đất Palestina vốn được coi là đất thánh. Cử chỉ này có nghĩa là không có chung đụng giữa Israel và dân ngoại. Thành nào không đón nhận sứ điệp của Chúa Giêsu thì cũng cắt đứt liên hệ với dân Thiên Chúa, trách nhiệm là thuộc về họ.

  – Thành đó sẽ đáng chịu phán xét trong ngày chung thẩm, họ sẽ bị trừng phạt nặng nề còn hơn Sôđôma ngày xưa. Việc các thừa sai đến loan Tin mừng là cơ hội cho người ta chọn lựa để hoặc được cứu độ hoặc bị luận phạt.

B…. nẩy mầm.

  1. Truyền giáo là bổn phận của tất cả mọi tín hữu không trừ ai. Thực ra, người tín hữu VN chỉ mới lo giữ đạo chứ chưa ý thức truyền đạo.
  2. Việc đầu tiên người truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Đây là điều mà chúng ta hay quên.
  3. Điều thứ hai người truyền giáo phải lưu ý là : cái họ cần có hơn là ơn Chúa chứ không phải là những phương tiện vật chất (túi tiền, bao bị, giày dép…)
  4. Việc làm chính của người truyền giáo là “chữa lành các bệnh tật”, nghĩa là làm giảm bớt đi những đau khổ tinh thần và vật chất của người ta.
  5. “Anh em hãy ra đi. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép.(Lc 10,4)

Nếu phải thực hiện một chuyến đi dài, tôi sẽ mang theo thứ gì ? Chắc chắn là những gì gọn nhất, nhẹ nhất, cần thiết nhất. Và hôm nay, trong lênh truyền của Chúa Giêsu tôi đọc được nét nhẹ nhàng thanh thoát ấy trong bước chân của người môn đệ không giày dép, bao bị, tiền nong…

Và phải chăng cũng vang động trong tâm hồn tôi lời mời gọi “ra một cuộc lữ hành” ? Nhưng lạy Chúa, khó quá, vì nơi con : Đã quen rồi bóng râm của tiện  nghi, an toàn. Đã quen rồi đôi giày của danh vọng. Đã quen rồi chiếc đồng hồ kế hoạch. Đã quen rồi bao bị của bằng cấp, bạc tiền.

Lạy Chúa, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con (Hosanna)

Thứ Sáu :

Lc 10,13-16

A. Hạt giống…

Sau khi sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu liên tưởng đến những thành phố đã không đón nhận Tin Mừng. Đó là Khôradin, Bétsaiđa và Caphácnaum. Những thành này đều ở ven biển hồ Galilê, đều tương đối giàu có và trình độ văn hóa cao hơn những thành khác.

Nhưng sự giàu có và kiến thức của họ đã khiến họ kiêu căng tự mãn nên họ không thèm đón nhận Tin Mừng. Bao nhiều lời rao giảng và phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở những nơi đó đều hầu như hoàn toàn vô ích.

Bởi thế, lẽ ra họ được hạnh phúc, nhưng Chúa Giêsu bảo “Khốn cho họ”.

B…. nẩy mầm.

  1. Trong những buổi chia sẻ Lời Chúa, nếu tôi nghĩ rằng mình đã biết nhiều hay mình đã đạo đức rồi, thì lời của những anh chị em khác chia sẻ sẽ chẳng mang lại ích lợi gì cho tôi. Bởi trí tôi quá đầy, lòng tôi quá đủ cho nên không gì có thể vào thêm được nữa.
  2. Những kẻ bị chúc dữ trong đoạn Tin Mừng này là những người sống ở các thành phố. Nếp sống văn minh thành phố dễ đẩy người ta xa Chúa : do cám dỗ của vật chất, do tâm hồn quá ồn ào, do ý nghĩ mình thông giỏi…

Dù muốn dù không càng ngày chúng ta càng dấn sâu vào văn minh thành phố. Xin Chúa giúp chúng ta làm thế nào để vẫn giữ được tâm hồn sa mạc : hướng về siêu nhiên hơn tự nhiên, hướng nội hơn hướng ngoại, trọng tình yêu hơn hưởng thụ, xử dụng tiện nghi vật chất trong tình thần làm chủ hơn là tinh thần nô lệ…

  1. “Ai nghe các con là nghe Thầy, và ai khinh dễ các con là khinh dễ Thầy. Mà ai khinh dễ Thầy là khinh dễ Đấng đã sai Thầy” : Chúa Giêsu đang nói về những sứ giả của Ngài, đem lời Ngài đi rao giảng. Nghe họ tức là nghe Chúa, từ chối họ tức là từ chối Chúa.

Dù tôi là kitô hữu, là tu sĩ, Linh mục, Chúa vẫn còn gởi các sứ giả của Ngài đến với tôi, để khuyên bảo, nhắc nhở tôi. Những người đó có thể là một người bạn của tôi, cấp trên của tôi hoặc cấp dưới của tôi nữa. Nghe họ là nghe Chúa, không nghe họ là không nghe Chúa !

  1. Một nhà hiền triết đã nói với một ông vua rất giàu có như sau : Không ai có thể được xem là hạnh phúc thật khi trái tim người đó còn bị trói buộc với của cải vật chất. (“Mỗi ngày một tin vui”)
  2. “Ai nghe anh em là nghe Thầy ; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy ; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy (Lc 10,16).

Lời Chúa hôm nay chỉ cho tôi một thái độ sống, đó là sống cho Đức Kitô, sống vì Đức Kitô. Tôi phải sống như thể tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa Giêsu sống trong tôi, để bất cứ ai nghe tôi là nghe Chúa, và ai khước từ tôi là khước từ Ngài.

Thật là một vinh dự đáng tự hào, một trách nhiệm lớn lao. nhiều lúc tôi tự hỏi trong thực tế mình đã nghe Lời Chúa để có thể nói lời Ngài chưa ? Tôi dám chịu khước từ vì Ngài không ?

Lạy Chúa, xin cho biết lắng nghe Lời Ngài trong thế giới hôm nay để con nhận ra và sống Lời Ngài trong những giây phút hiện tại. (Hosanna)

Thứ Bảy :

Lc 10,17-24

A. Hạt giống…

  1. Sau một thời gian đi truyền giáo trở về, các môn đệ vui mừng kể lại cho Chúa Giêsu nghe những thành công của mình. Nhân dịp này Đức Giêsu nhận xét về kết quả ấy của họ : Ngài chia vui với họ vì những thành công ấy. Nhưng Ngài cho biết họ càng nên vui mừng hơn vì Thiên Chúa đã coi họ là công dân của Nước Trời (“tên các con được ghi trên trời”)
  2. Chúa Giêsu lại liên tưởng đến những kẻ không đón nhận Tin Mừng vì lòng trí họ kiêu căng tự mãn. Những người này khác hẳn với những tâm hồn đơn sơ bé mọn đã đón nhận Tin Mừng do các môn đệ rao giảng. Và Ngài cảm tạ Chúa Cha về việc đó.

B…. nẩy mầm.

  1. “Các con chớ vui mừng vì các tà thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con được ghi trên trời” : sau những thành công trong công tác mục vụ hoặc truyền giáo, tôi cũng rất vui. Tôi vui vì những thành công đó, tôi vui vì được người ta khen ngợi, tôi vui vì đã phục vụ… Chúa Giêsu nhắc tôi một niềm vui lớn hơn gấp bội : vui vì được kể là công dân Nước Chúa, vui vì được làm cộng sự viên của Chúa, vui vì hạnh phúc vĩnh viễn mai sau.
  2. “Con xưng tụng Cha vì đã dấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều ấy…” : Tôi cũng xưng tụng cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho tôi được đức tin, được biết Chúa. Nhiều người thông thái khôn ngoan hơn tôi đã không được những ơn này. Đức tin là một ơn ban chứ không phải là thành quả của công lao con người.
  3. “… nhưng đã tỏ ra cho những kẻ đơn sơ” : xin cho con càng ngày càng đơn sơ hơn nữa : đơn sơ với Chúa, đơn sơ với lương tâm con và đơn sơ với mọi người, vì đơn sơ là điều kiện thuận lợi con được Chúa dạy bảo và ban ơn.
  4. “Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết : nhiều ngôn sứ và nhiều vua Chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc 10,24)

Môsê, Đavít, Êlia tất cả đều sống trong sự chờ đợi. Chờ đợi lời Thiên Chúa hứa ban Con của Ngài đến được thực hiện. Họ mong được nhìn thấy Con Thiên Chúa, mong được nghe Ngài giảng dạy về Nước Trời.

Các tông đồ đã sống, đã đồng hành với Ngài trên mọi nẻo đường. được Ngài dạy dỗ, được sai đi rao giảng Nước Trời. Các ông đã được thấy phép lạ Người làm. Được nghe Ngài nói về Chúa Cha và Nước Trời, nhưng các ông vẫn sống trong hoài nghi cho đến khi Ngài chỗi dậy từ cõi chết.

Ngày nay, Ngài cũng nói với tôi mỗi ngày qua Tin Mừng, qua anh em tôi. Tôi vẫn thấy Ngài bị treo thánh giá, nơi những người cùng khổ, những người bị áp bức bất công, nơi những tâm hồn thống hối trở về. Tôi đã thấy Ngài sống lại vinh quang và những phép lạ Ngài làm trong cuộc sống quanh tôi. Tôi có thấy mình hạnh phúc hơn các ngôn sứ, các vua Chúa, các tông đồ không ? Hay tôi cũng là môn đệ của chủ nghĩa hoài nghi ?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết vui mừng và tin vào những gì Ngài đã làm cho con cũng như nói với con hằng ngày. (Hosanna)