Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm –- Tuần 3

print

 Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm –- Tuần 3

Thứ Hai

Thứ Ba.

Thứ Tư.

Thứ Năm..

Thứ Sáu.

Thứ Bảy.

 

Thứ Hai

Mc 3,22-30

A. Hạt giống…

  1. “Các kinh sư nói Chúa Giêsu bị quỷ vương Bêendêbun ám và dựa vào thế quỷ vương để trừ quỷ. Theo Chúa Giêsu, lời tố cáo đó là một điều vô lý. Quả thật, Satan không thể chống Satan (3,23b). Nước nào, nhà nào chia rẽ thì sẽ đi tới chỗ diệt vong (3,24-25) ; Satan cũng vậy (3,26). Mc 3,27 cho thấy : chẳng những Chúa Giêsu không bị quỷ chi phối, không theo phe quỷ, Ngài còn chống quỷ ; quỷ là người mạnh, Chúa Giêsu còn mạnh hơn quỷ nữa” (Chú thích của bản dịch nhóm CGKPV).
  2. Những luật sĩ ấy chẳng những không nhìn nhận quyền phép Chúa Giêsu trong việc Ngài trừ quỷ mà còn xuyên tạc rằng Ngài dựa thế quỷ vương. Thái độ ấy bị Chúa Giêsu gọi là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và là thứ tội duy nhất không được tha. Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng lương tâm cho người ta thấy rõ sự thật, thấy tội lỗi của mình để sám hối và được tha. Từ chối sự thật, không chịu sám hối thì không thể nào được tha. Không được tha không phải vì Chúa không tha mà vì mình không muốn được tha.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Chuyện này nhắc ta hai sự thật : a/ Quả thực có hoạt động của Satan trong thế giới này và trong bản thân mỗi người, sức hoạt động này rất mạnh ; b/ Nhưng quả thật, Chúa Giêsu mạnh hơn. Chuyện này cũng làm ta liên tưởng tới những lời chia xẻ kinh nghiệm của thánh Phaolô : “Khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay… Tôi thật là một người khốn nạn ! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ?” (Rm 7,21.24) ; “Thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi để tôi khỏi tự cao tự đại… Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, đề sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi… Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,7.10)
  2. Đây là nội dung cuộc nói chuyện giữa hai em nhỏ :

– Nếu Satan đến cám dỗ, bạn làm sao chống trả  ?

– Mình biết Satan đến để cám dỗ, nhưng khi nó gõ cửa lòng mình, mình bảo : Có phải Chúa Giêsu gõ cửa đấy không ạ ? Khi Satan nghe tên Giêsu là nó biến ngay !

            Người mạnh nhất cũng không thể một mình chống lại Satan (Góp nhặt).

  1. Phải hiểu cho đúng câu Tin Mừng Luca 4,13 : “Và sau khi chấm dứt mọi cám dỗ, quỉ bỏ đi chờ đợi thời cơ”. Câu đó không có nghĩa là sau khi ma quỉ cám dỗ, nó để cho ta yên một thời gian. Cũng không phải là nó để ta có giờ nghỉ ngơi hầu lấy lại sức mạnh cho cuộc chiến sau. Cũng không phải Chúa ngăn cản, không để quỉ cám dỗ ta trong một thời gian. Dịch cho đúng câu đó có nghĩa là : quỉ tạm lánh vào bóng tồi, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại và tiếp tục tấn công. Nên khi quỉ thôi cám dỗ ta, chính là lúc nó đang tìm cách để đánh úp ta. (Góp nhặt)
  2. “Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền. Nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững” (Mc 3,24)

Trong cuộc sống, khi cộng tác với người khác, tôi thường có những thành kiến, không tin vào thiện chí của họ, không vượt qua được những tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ và những định kiến hẹp hòi, là vì tôi đã không dám từ bỏ chính mình để đi tìm chân lý ở mọi người.

Rồi cuộc sống chỉ có mình tôi, thế giới đối với tôi thật nghèo nàn, và cuộc sống trở nên vô nghĩa.

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe nhau bằng quả tim yêu thương. Xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau trong việc xây dựng Nước Trời ngay trong cuộc sống trần gian. (Epphata)

  1. Mầm khác :

 

Thứ Ba

Mc 3,31-35

A. Hạt giống…

Các đoạn Tin Mừng từ ngày Thứ Ba này đến ngày Thứ Năm đều nói về việc nghe Lời Chúa. Ý tưởng mỗi ngày một tiến thêm :

– Thứ Ba (Mc 3,31-35) : đề cao những người nghe Lời Chúa.

– Thứ Tư (Mc 4,1-20) : Nghe Lời Chúa chưa đủ, còn phải sống Lời đó nữa.

– Thứ Năm (Mc 4,21-25) : Và còn phải loan báo Lời Chúa cho những người khác.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đang giảng Lời Chúa cho những kẻ khao khát nghe. Đúng lúc đó những người bà con đến xin gặp Ngài. Chúa Giêsu tỏ ra coi trọng những người đang nghe Lời Chúa hơn những người bà con : chẳng những Ngài không bỏ việc giảng để ra ngoài gặp bà con, mà còn nói những kẻ đang nghe Ngài giảng mới là gia đình thật của Ngài.

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Mẹ và anh em Chúa Giêsu đứng ở ngoài, cho gọi Người ra” : Văn mạch phía trước có kể rằng khi hay tin Chúa Giêsu say mê giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng đến nỗi không có thời giờ ăn uống, “thân nhân của Người liền đi bắt Người vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3,21). Chuyến đó họ không “bắt” (nghĩa là không ngăn cản) Chúa Giêsu được. Có lẽ vì thế mà hôm nay, họ mời thêm Đức Maria. Khi Đức Mẹ đến, hẳn Người không hề có ý cản trở sứ mạng Chúa Giêsu mà chỉ đến để xem xét sự thể ra sao. Dù sao, câu chuyện cũng cho thấy Đức Mẹ chưa hiểu nhiều về sứ mạng của Chúa Giêsu. Đã nhiều lần Mẹ phải ghi nhớ và suy nghĩ trong lòng về những việc lạ lùng nơi con của mình. Cuối cùng, dưới chân Thập giá, Mẹ mới hiểu hết và còn kết hợp sự đau khổ của mình với sự đau khổ của Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy học nơi Đức Mẹ thái độ ghi nhớ và suy gẫm trong lòng những điều chưa hiểu.

  1. Theo cách viết của Thánh Mác cô, mẹ và anh em Chúa Giêsu “đứng ở ngoài”, còn đám đông nghe Ngài giảng thì “ngồi chung quanh”. Như thế nghĩa là những kẻ nghe Lời Chúa còn gần gũi và thân thiết với Ngài còn hơn những người bà con ruột thịt.
  2. Đối với bản thân mình, Chúa Giêsu coi trọng việc rao giảng Lời Chúa hơn việc gặp bà con ; đối với người khác, Ngài coi trọng những người nghe Lời Chúa hơn cả bà con của Ngài.
  3. Chúa Giêsu nhiều lần nhấn mạnh đến việc nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Thí dụ : “Đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn ; cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc… Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiến Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người (nghĩa là thi hành ý Người), còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho” (Mt 6,25-33) ; “Ai nghe mà không thực hành thì ví được như người xây nhà ngay trên mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào thì nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành” (Lc 6,49).
  4. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, là mẹ tôi” (Mc 3,35)

Bản thân là một kitô hữu, tôi đã thuộc về Đức Kitô. Biết và thi hành ý muốn của Chúa, tôi sẽ là mẹ, là anh chị em của Người. Vâng, Chúa đã nói với những kẻ ngồi xung quanh Người như thế.

Hôm nay, Chúa cũng tha thiết nói với tôi, với những người xung quanh tôi như vậy, từ những người trí thức đến những người thấp kém trong xã hội. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ đón nhận và làm cho lời Chúa thấm nhuần cả đời sống của ta, gia đình và xã hội, để Chúa Giêsu không ngừng lớn lên trong ta và trong mọi người. Như thế đó, ta vừa là mẹ vừa là anh chị em của Người.

Nhiều lần tôi đã từ chối chức vụ cao trọng ấy, vì còn miệt mài cạnh tranh, dành giật những địa vị khá hơn, cao hơn ; mong cho cuộc sống được “sung túc”.

Lạy Chúa, xin cho con biết trọng địa vị cao sang Chúa dành cho con là được làm mẹ và làm anh chị em Người, khi lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. (Epphata)

  1. Mầm khác :

 

Thứ Tư

Mc 4,1-20

A. Hạt giống…

Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu đề cao những người biết lắng nghe Lời Chúa. Trong đoạn hôm nay, Ngài dùng dụ ngôn về người gieo giống để khuyến cáo : không phải chỉ nghe thôi là đủ, mà còn phải “nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả” (câu 20). Ngài cũng vạch cho thấy những trở ngại khiến cho việc nghe Lời Chúa không sinh kết quả, đó là : a/ Bị Satan phá (hạt rơi bên vệ đường) ; b/ Tính nông nổi nhất thời, không kiên trì thực hiện Lời Chúa trong lúc gian nan hay bị ngược đãi (hạt rơi trên đá sỏi) ; c/ Những lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác (hạt rơi trong bụi gai).

 

B…. nẩy mầm.

  1. Có lẽ đa số chúng ta thuộc loại đất có gai, Lời Chúa gieo vào bị làm chết ngạt bởi “những lo lắng việc đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác”. Thực vậy, kinh nghiệm cho thấy khi nào ta có được sự “thinh lặng nội tâm” thì Lời Chúa dễ thấm nhập tâm hồn ta hơn. Ngược lại khi tâm hồn bị giao động bởi những thứ kể trên thì Lời Chúa vừa vào tai bên này đã lọt ra khỏi tai bên kia.
  2. “Những người được gieo vào đất tốt, đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm” : “nghe” là một việc tương đối thụ động, việc của đôi tai ; “đón nhận” là việc chủ động, việc của con tim ; và “sinh hoa kết quả” càng chủ động hơn nữa, đó là việc của ý chí và của nhiều cố gắng.
  3. Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không ?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”… Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”… Giác ngô đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý” (Góp nhặt)
  4. “Ai có tai thì nghe” (Mc 4,9)

Vào một buổi sáng Chúa nhật, tôi tình cờ nghe được mẫu đối thoại sau giữa hai anh chàng thanh niên. Một anh hỏi : “Sáng nay cậu có đi dự lễ không ?” Anh kia đáp : “Có chứ”. “Thế có nhớ bài Phúc âm hôm nay là của Thánh nào không ? Nội dung ra sao ?” Qua thái độ và cử chỉ lúng túng của anh, tôi đoán được ngay câu trả lời.

Thực ra, không riêng gì anh, mà tôi và các bạn cũng thế. Chúng ta thường lắng nghe và nghĩ đến nhiều sự, thậm chí cả những điều không đáng nghe, nhưng lại bỏ ngoài tai những lời ban sự sống, hoặc có nghe lời Chúa thì cũng chẳng hiểu, chẳng khám phá được ý Người, bởi ít hồi tâm cầu nguyện hay để tâm học hỏi.

Lạy Chúa, xin soi sáng tâm trí con để con luôn hiểu và sống Lời Chúa, hầu trở nên mảnh đất tốt cho hạt giống Lời Chúa được trổ sinh hoa trái đúng mùa. (Epphata)

  1. Mầm khác :

 

Thứ Năm

Mc 4,21-25

A. Hạt giống…

Hai dụ ngôn nhỏ này tiếp liền những đoạn Tin Mừng của các ngày trước và triển khai thêm chủ đề nghe Lời Chúa.

– Dụ ngôn chiếc đèn : kẻ nghe Tin Mừng giống như chiếc đèn : a/ Họ phải loan Tin Mừng cho những người khác biết nữa ; b/ Họ phải sống những gì đã nghe, có như thế cuộc sống họ sẽ chiếu tỏa ánh sáng ra những người chung quanh.

– Dụ ngôn cái đấu : người nào càng biết nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa thì càng được ban thêm ơn ; trái lại kẻ chỉ nghe mà không sống thì không được ban thêm ơn gì, mà cả những ơn họ đang có cũng bị lấy đi mất.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Lời Chúa quả có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn không chịu cháy sáng cho nên cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói : “Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin Mừng trên khắp thế giới có bị đốt hết đi thì người ta nhìn vào cuộc sống chúng ta vẫn có thể chép lại Tin Mừng ấy đúng từng câu, từng chữ”.
  2. “Hãy để ý điều anh em nghe. Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy” : nhiều khi tôi thấy có những người khác đã hiểu và sống Lời Chúa một cách rất sâu sắc, rồi nhìn lại mình mà tự xấu hổ. Tại sao thế ? Chính Chúa Giêsu giải thích : tại vì “cách nghe”. Họ chẳng những “nghe” mà còn “đón nhận” và “sinh hoa kết quả” cho nên “đã có thì lại được cho thêm” ; còn tôi, có lẽ tôi chỉ “nghe” suông, cho nên “ngay cái đang có cũng bị lấy mất đi”.
  3. Buổi chiều, người nọ lấy cây nến nhỏ từ trong hộp ra và leo lên tầng tháp cao. Cây nến hỏi :

– Chúng ta đi đâu ?

– Đi lên cao hơn để chỉ đường cho tàu bè vào cảng.

– Nhưng tôi nhỏ bé thế này làm sao tàu bè thấy được ?

– Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng thôi, còn mọi việc ta lo.

            Tới đỉnh tháp, người nọ đặt cây nến vào trong một cái đèn có ghép những tấm kính phản quang. Nhờ đó, ánh sáng lan tỏa và mọi tầu bè đều thấy.

            Chúng ta cũng là cây nến trong tay Thiên Chúa. Chỉ cần ta cháy sáng, còn kết quả là ở  Thiên Chúa (Góp nhặt)

  1. Một nông dân nghèo Nhật bản vào thiên đàng và điều đầu tiên ông nhìn thấy là một kệ dài với những vật rất kỳ lạ. Ông hỏi :

– Cái gì thế ?  Có phải để nấu xúp ?

– Không, đó là những cái tai. Chúng là của những người khi sống ở đời nghe được những điều tốt, nhưng họ không làm. Nên khi chết, tai họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không.

Một lát sau, ông lại thấy một kệ khác với những vật kỳ quái. Ông hỏi :

– Cái gì thế ?  Có phải để nấu xúp ?

– Không, đó là những cái lưỡi. Chúng là của những người sống ở đời bảo người khác làm điều tốt và sống tốt, nhưng chính họ không làm hoặc không sống điều đó. Nên khi chết, lưỡi họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không (Góp nhặt)

  1. Mầm khác :

 

Thứ Sáu

Mc 4,26-34

A. Hạt giống…

Những dụ ngôn về sức sống và sức lớn lên của Nước Thiên Chúa :

– Dụ ngôn hạt giống âm thầm : Nước Thiên Chúa cũng như hạt giống có sức sống và sức phát triển nội tại. Dù hoàn cảnh thuận tiện hay không thuận tiện (“đêm hay ngày”), dù người ta có chăm sóc hay không (“người ấy ngủ hay thức”, “bằng cách nào người ấy không biết”), Nước Thiên Chúa vẫn cứ phát triển.

– Dụ ngôn hạt cải : mới ban đầu, Nước Thiên Chúa rất nhỏ bé như hạt cải, nhưng rồi nó sẽ phát triển thành một cây to.

* Có lẽ những dụ ngôn này nhằm mục đích trấn an : a/ Trấn an các môn đệ thời Chúa Giêsu : có lúc họ ngã lòng vì thấy mình chỉ là một nhóm người ít oi, nhỏ bé, sợ không đủ khả năng mở mang Nước Thiên Chúa nổi ; b/ Trấn an các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai : họ là một tập thể ít oi giữa lòng thế giới rộng lớn, họ lại gặp rất nhiều khó khăn. Chúa Giêsu muốn trấn an tất cả rằng chắc chắn Nước Thiên Chúa sẽ tồn tại và phát triển mạnh.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Chúa Giêsu cho biết hạt giống Lời Chúa có sức phát triển nội tại, tuy âm thầm nhưng liên lỉ và mạnh mẽ.

Nhiều khi vì cho rằng đọc và suy gẫm Lời Chúa không sinh kết quả gì cả nên tôi đã thôi không tiếp tục nữa. Dụ ngôn này dạy tôi hãy bỏ lối suy nghĩ ấy đi và kiên trì tiếp tục, vì kẻ làm cho hạt giống mọc lên không phải là tôi mà là chính Chúa.

  1. “Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả. Nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1 Cr 3,6-7). Nếu chúng ta biết nghĩ như Phaolô thì chúng ta không còn ngại gieo hạt giống Nước Chúa, cũng không vội ngã lòng khi thấy công gieo vãi của mình chưa sinh kết quả.
  2. Một ngày kia, một tông đồ giáo dân dẫn tôi đến gia đình của một người lương làm nghề kéo xe lôi. Đến đấy tôi nhận được một món quà rất bất ngờ và rất to lớn : cả nhà gồm vợ chồng và 7 đứa con xin theo đạo. Khi được tôi hỏi lý do thì người chồng cho biết : Mười mấy năm trước, khi còn nhỏ, anh học trường các sư huynh Lasan và đã có lòng mộ mến Đạo Chúa. Lòng mộ mến ấy vẫn âm ỉ trong lòng anh. Tuần trước, khi anh gặp người tông đồ giáo dân này, tàn lửa âm ỉ đó bỗng bùng lên thành một ngọn lửa thôi thúc anh phải xin theo Chúa. Nếu các sư huynh Lasan của trường kia và những tông đồ giáo dân nọ đã không chịu khó gieo giống vì nghĩ rằng có gieo cũng vô ích thì hôm nay tôi đã không gặt được thành quả này. “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết” (câu 27) (Chia xẻ).
  3. Hạt giống Nước Chúa mà chúng ta gieo vào lòng anh chị em quanh ta mọc lên rất nhiều cách và nhiều dạng : có thể thành những Kitô hữu như chia xẻ phía trên, có thể thành những người tuy còn là lương dân nhưng thiện cảm với Kitô giáo, có khi thành những ý lực hướng dẫn cuộc sống của những người vì lý do nào đó chưa thể theo đạo. Văn hào Tagore thuộc loại thứ ba : tuy ông không là kitô hữu nhưng cuộc sống của ông được hướng dẫn bởi những giá trị Tin Mừng
  4. Mầm khác :

 

Thứ Bảy

Mc 4,35-41

A. Hạt giống…

Các đoạn Tin Mừng từ Thứ Bảy tuần này đến Thứ Ba tuần sau lần lượt kể các phép lạ của Chúa Giêsu, mỗi phép lạ mặc khải một khía cạnh của mầu nhiệm Chúa Giêsu.

Phép lạ dẹp yên bão tố này chứng tỏ uy quyền của Chúa Giêsu trên sức mạnh thiên nhiên :

– Những chi tiết mô tả sức mạnh của thiên nhiên : một trận cuồng phong, sóng ập vào thuyền, thuyền đầy nước, các môn đệ hoảng sợ.

– Những chi tiết mô tả sức mạnh ưu việt của Chúa Giêsu : Ngài vẫn ngủ, Ngài hăm đe gió và truyền lệnh cho biển, sau chỉ một lời truyền của Ngài gió liền tắt và biển lặng như tờ ; sau phép lạ các môn đệ hỏi nhau “Người này là ai mà cả đến gió lẫn biển cũng tuân lệnh”.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Vì Chúa là chúa tể của thiên nhiên nên khi nhìn thiên nhiên, chúng ta phải dâng lời ca tụng Chúa. “Chúc tụng Chúa đi, nguồn nước tận cao xanh ; Chúc tụng Chúa đi mọi cơ binh thượng giới ; Chúc tụng Chúa đi mặt trời với mặt trăng ; Chúc tụng Chúa đi hỡi tinh tú muôn ngàn ; Chúc tụng Chúa đi nào mưa sương tất cả ; Chúc tụng Chúa đi mọi luồng gió cơn giông ; Chúc tụng Chúa đi sức nóng với lửa hồng ; Chúc tụng Chúa đi trời nồng và khí lạnh ; Chúc tụng Chúa đi nào sương đọng mưa tuôn ; Chúc tụng Chúa đi kìa thời đông tiết giá ; Chúc tụng Chúa đi nào băng phủ tuyết rơi ; Chúc tụng Chúa đi hỡi đêm ngày đắp đổi ; Chúc tụng Chúa đi ánh sáng và bóng tối ; Chúc tụng Chúa đi chớp giật với mây trôi…” (Tv 62 : Kinh Sáng Chúa nhựt Tuần I).
  2. Sức mạnh thiên nhiên cũng là những hiện tượng tự nhiên xảy đến trong cơ thể ta. Thí dụ : lúc ta khoẻ khi ta bệnh, khi ta trẻ lúc ta già… Có lúc sức khoẻ suy sụp làm ta tưởng mình đang trên một chiếc thuyền gặp cuồng phong bão táp. Và khi đó hình như Chúa vẫn ngủ. Nhưng thực sự Ngài không ngủ, Ngài vẫn là người lèo lái dẫn dắt thuyền đời của ta. Hãy phó thác cho Ngài dẫn dắt.
  3. Thi sĩ Lord Tennyson và một người bạn đang đi dạo trong vườn hoa và cùng nhau trao đổi về những chủ đề thời thượng của quần chúng. Là một Kitô-hữu, người bạn muốn biết thái độ của thi sĩ đối với đức Kitô. Sau mấy giây thinh lặng, người bạn hỏi : “Anh có khi nào nghĩ về đức Kitô không ?” Tennyson đưa tay ngắt một bông hoa rực rỡ tỏa hương bên đường, nói : “Như mặt trời đối với đoá hoa thế nào, thì Đức Kitô đối với tôi cũng vậy.” (Góp nhặt)
  4. “Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh” (Mc 4,41)

“Khi cuộc chiến tranh kết thúc, tôi cùng các con di cư vào Nam để tìm chồng. Chúng tôi đã bám trụ trên mảnh đất Sài gòn cho đến khi được tin tức chồng và biết được nơi ở hiện tại của anh ấy. Chúng tôi mừng lắm, vội vã tìm đến địa chỉ đó thì hỡi ôi anh ấy đã phản bội đi theo một người đàn bà khác giàu sang hơn. Cuộc đời tôi đến đây như đã hết. Tôi đau khổ nhiều và chỉ muốn chết thôi. Vì các con nên tôi đã tiếp tục sống và vượt qua tất cả những bất công, những cay đắng của cuộc đời. Trở về Hà Nội ư ? Còn mặt mũi nào ? Ở lại Sài gòn ư ? Tiền bạc đã hết, biết làm gì trên mảnh đất Sài gòn này ? Tôi thẩn thờ bước đi cho đến khi gặp một ngôi Thánh đường. Tiếng chuông chiều như mời gọi. Thế là chúng tôi bước vào ngôi thánh đường. Chúng tôi bắt gặp một người đàn ông trần trụi trên Thập giá, trông còn tội nghiệp hơn chúng tôi nhiều. Như gặp được người đồng cảm với mình, chúng tôi liền quì xuống và thổ lộ hết tâm tình… Giờ thì tôi đã tìm được một nơi ở và công việc ổn định cho cuộc sống. Và Ngài đã trở thành người yêu của tôi, người cha của những đứa con tôi” (trích lời tâm sự của một phụ nữ tân tòng)

Cuộc sống quanh ta có biết bao điều kỳ diệu. Và một trong những điều kỳ diệu ấy là người tân tòng đã khám phá được quyền năng của Thiên Chúa, Đấng giúp chị ra khỏi những hụt hẫng của cuộc sống, hiểu được ý nghĩa của hai tiếng yêu thương và tìm lại cho mình một cuộc sống hứng khởi.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khám phá và tin vào quyền năng của Chúa hơn là tin vào những thế lực của sự dữ. (Epphata)

  1. Mầm khác :