Hạt Giống Nẩy Mầm Ngày 6/8: Chúa Biến Hình

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Ngày 6/8: Chúa Biến Hình

A/ Mt 17,1-9 B/ Mc 9,1-12 C/ Lc 9,28b-36

* Lịch Sử

Việc Chúa Giêsu biến hình trên núi cao được cả ba Phúc Âm Nhất lãm tường trình (Mt 17,1-9 ; Mc 9,2-10 ; Lc 9,28-36).

Người Hy lạp đã mừng kính thánh lễ này dưới tên “Chúa biến hình” (Métamorphose du Christ) hay lễ Núi Thabor” từ thế kỷ thứ 5. Vào thời Trung Cổ, thánh lễ này được phổ biến đây đó bên Giáo hội Tây Phương. Mãi đến năm 1457 Đức Giáo Hoàng Calixtus III mới cho phổ biến thánh lễ này trên toàn Hội Thánh để kỷ niệm cuộc chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi Giáo ở Belgrade vào năm 1456. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

  1. Văn mạch :

– Việc này được ghi trong cả 3 Tin Mừng nhất lãm, và trong cả 3 quyển sự việc xảy ra sau khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ nhất về cuộc chịu nạn và trước khi loan báo lần thứ hai. Như thế, việc Chúa Giêsu biến hình có liên quan chặt chẽ với mầu nhiệm vượt qua.

– Tiếng Chúa Cha từ trời “Đây là Con Ta yêu dấu. Hãy vâng nghe lời Ngài” cũng giống như tiếng từ trời phán khi Chúa Giêsu chịu phép rửa để được tấn phong làm Messia. Như thế, sự việc này nhằm cho hiểu Chúa Giêsu là Messia theo kiểu nào : một Messia Tôi Tớ, qua cái chết rồi mới tới vinh quang.

  1. Ý nghĩa :

– Để cho các môn đệ khỏi bị vấp ngã khi Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, hôm nay Ngài biến hình vinh quang hầu cho các ông hiểu rằng Ngài qua cái chết để tới vinh quang.

– Trong biến cố này, Chúa Cha đã xác nhận Chúa Giêsu là Messia Tôi Tớ, hai nhân vật thế giá nhất thời Cựu Ước là Môsê và Êlia cũng xác nhận điều đó. Đặc biệt, Chúa Cha cho biết Đấng Messia Tôi Tớ ấy rất đẹp lòng Ngài, và bảo các môn đệ phải vâng nghe lời Chúa Giêsu, nghĩa là cũng phải đi theo con đường Chúa Giêsu đi, tức là qua đau khổ mới tới vinh quang.

B… nảy mầm.

  1. Chúa Giêsu đã đem 3 môn đệ đi riêng ra một chỗ trên núi cao để tỏ cho các ông thấy Ngài thực sự là ai. Thỉnh thoảng, chúng ta cũng cần tách mình ra khỏi đám đông, đến một nơi thanh vắng để ngắm nhìn Chúa Giêsu, để hiểu Ngài rõ hơn.
  2. Phêrô muốn dựng lều cho Môsê, Êlia và Chúa Giêsu, nghĩa là ông thích hưởng cảnh vinh quang sáng láng. Nhưng cảnh đó chỉ diễn ra trong nháy mắt, sau đó mọi sự trở lại như trước, Chúa Giêsu dẫn các ông xuống núi. Ai mà không thích thiên đàng, nhưng muốn lên thiên đàng thì trước đó phải vác thập giá theo Chúa.
  3. Chúa Giêsu biến hình để trở lại hình ảnh vinh quang vốn có của Ngài trước đây. Chúng ta cũng thường biến hình, nhưng biến từ hình ảnh Thiên Chúa lúc mới được tạo dựng thành hình ảnh méo mó xấu xí vì tội lỗi.
  4. Ba đồng tiền vàng : Thời trung cổ, có một vụ hành quyết tội phạm tại một thị trấn kia. Theo phép nước, chỉ có mỗi một lối thoát chết cho tử tội là nộp đủ 1000 đồng tiền vàng để chuộc mạng. Nhà vua tỏ ra hào hiệp tặng hết số vàng 700 đồng mang theo. Hoàng hậu theo gương tặng 200 đồng. Các quan cũng dốc túi… Người ta đếm được tất cả 997 đồng, còn thiếu 3 đồng. Công lý không thể nhân nhượng, đành phải thi hành án lệnh. Toán hành quyết tròng giây thừng vào cổ tử tội, sửa soạn rút giây. Bỗng một tiếng kêu lớn “Khoan đã, lục soát người nó đi. Biết đâu đấy”. Tên đao phủ lần giây lưng tội nhân, móc ra được 3 đồng tiền vàng hắn giấu kỹ từ trước…

Bài học rất dễ hiểu : Vua là Chúa cứu thế, hoàng hậu là Đức Maria, các quan là các thánh và các Kitô hữu chân chính… Tất cả đã quyên góp thành một kho báu cứu độ. Dẫu sao vẫn thiếu một ít. Mỗi người chúng ta phải đóng góp bằng thiện chí của mình dù là một chút, để chắc tâm thực hiện được cuộc “vượt qua” từ đời sống tội lỗi lên đời sống thánh thiện. (Trích “Phúc”)

  1. “Từ trong đám mây có tiếng phán rằng : Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7b).

Tối hôm đó, sau khi đã từ giã bà con thân thuộc và những ân nhân, bạn hữu đến thăm, chỉ còn lại hai mẹ con trong nhà, bà Magarita âu yếm nhìn con và nói “Gioan của mẹ, hôm nay con đã là Linh mục của Chúa và con được diễm phúc cử hành Thánh lễ. Từ nay con đừng lo gì cho mẹ hết, nhưng hãy lo một điều duy nhất là cứu rỗi các linh hồn”. Những lời của mẹ, Gioan Boscô đã ghi lòng tạc dạ và đã nên thánh. Lời của một người mẹ còn có sức mạnh như thế, huống hồ là Lời Chúa. Lời Chúa có sức mạnh ngàn lần. Vậy mà tôi lại xem thường, không để tâm thực hành trong cuộc sống.

Lạy Cha, xin giúp con làm những gì Chúa Giêsu đã làm, là hướng về Cha trong tâm tình cầu nguyện. Ước gì con cũng được nghe Cha nói với con “Con là con yêu dấu của Cha” (Epphata).

  1. “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 17,5)

Tôi đã được học :

Hiếu thảo : cha mẹ vui lòng

Chăm học : Thầy cô thương yêu

Trung thực : bạn bè quý mến

Nhưng quan trọng hơn hết : Hãy làm hài lòng Thiên Chúa.

– Tại sao ? Vì ta là con.

– Bằng cách nào ? Yêu thương và vâng phục.

– Khó quá ! Hãy bắt đầu bằng “hiền lành và khiêm nhượng”.

– Ta sẽ được gì ? Vinh quang và danh dự đích thực.

– Bằng chứng ? Chúa đã hiển dung.

Lạy Chúa, con như một cỗ máy, chỉ biết nói, hỏi, kiểm nghiệm, chứng minh…nhưng chưa bao giờ hành động theo gương Đức Giêsu Kitô. Lạy Chúa, xin cảm hóa con, để mỗi lời nói việc làm của con đều đem lại niềm vui, sự hài lòng cho Ngài và cho mọi người (Hosanna).