Hạt Giống Nẩy Mầm  Từ Lễ Tro đến Thứ Bày Tuần 1 Chay

print

Hạt Giống Nẩy Mầm  Từ Lễ Tro đến Thứ Bày Tuần 1 Chay

 Thứ Tư – Lễ Tro :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

TUẦN I MÙA CHAY.

CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY.

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

* Trong Mùa Chay, các bài đọc Cựu Ước và Tân Ước có liên quan với nhau và soi sáng ý nghĩa cho nhau.

Thứ Tư – Lễ Tro :

Ge 2,12-18 ; Mt 6,1-6

A. Hạt giống…

  1. Mở đầu Mùa Chay, Hội Thánh dùng lời ngôn sứ Gio-en để chỉ cho chúng ta thấy phải sống Mùa Chay như thế nào :

– “Hãy thật lòng trở về với Ta”

– “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo”

  1. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy về 3 việc đạo đức tiêu biểu mà người do thái thường làm, đó là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Qua 3 việc tiêu biểu này, chúng ta có thể hiểu về tất cả những việc đạo đức khác.

– Khi làm, đừng quá chú trọng đến vẻ bề ngoài của những việc đó (“khua chiêng đánh trống”, “trong hội đường hay ở ngã ba đường”, “làm cho ra vẻ thiểu não”)

– Đừng làm để được người ta khen (“cốt để người ta khen”, “cho người ta thấy”, “để thiên hạ thấy là chúng ăn chay”)

– Mà hãy làm cách kín đáo (kín đáo : không có nghĩa là dấu diếm người ta, mà là không có ý khoe khoang) nhưng và chỉ cốt làm vui lòng Cha trên trời.

B…. nẩy mầm.

  1. Trong Mùa Chay, chẳng những ta gia tăng những việc đạo đức (phương diện lượng) mà còn phải lưu ý làm những việc đó với tâm tình sốt sắng hơn (phương diện phẩm).
  2. Một việc đạo đức đang đi vào quên lãng, đó là Bố Thí. Giá trị của việc bố thí : a/ “Đồng tiền liền khúc ruột”, do đó bố thí có giá trị hy sinh lớn ; b/ Bố thí giúp ta bớt dính bén tiền bạc ; c/ Bố thí còn là một cách đền tội : Sách Tôbia nói “Việc bố thí thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi” (Tb 12,8-9).
  3. Rượu chè : Khi ông Nôe trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi :

– Ông đang trồng cây gì thế ?

– Cây nho.

– Nó có lợi gì không ?

– Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.

– Vậy thì để tôi giúp ông.

Satan mới giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Lấy máu của chúng tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Noe lấy trái nho làm rượu.

Từ đó trở đi khi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ dễ thương như con chiên ; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử ; Nếu chưa ngưng mà còn uống thêm thì sẽ ngu như lừa ; nếu lại uống nữa thì… hoàn toàn như con heo vậy. (Truyện cổ Nước Pháp).

  1. Chỗ ở của chuột : Có một con chuột sống trong một ngôi nhà thờ cũ kỹ ở miền quê. Một hôm nó đi lang thang dạo mát bỗng gặp một con chuột khác cũng đang đi chơi. Nó liền được dịp tâm sự : “Tôi sống chui rúc dưới gầm một toà giải tội. Nhưng chẳng được yên thân vì hầu như lúc nào cũng có người xưng tội, phá giấc ngủ của tôi.” Nghe thế, con chuột kia nói : “Vậy bạn hãy dọn đến chỗ ở của tôi. Chỗ ấy ấm áp sạch sẽ mà chẳng mấy khi có người quấy rầy, yên tĩnh lắm. “Ô thế bạn ở đâu vậy ?” – “Tôi ở trong thùng tiền cứu giúp người nghèo.” (Trích “Món quà giáng sinh”)
  2. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Năm :

Đnl 30,15-20 – Lc 9,22-25

A. Hạt giống…

Bài đọc I trích sách Đệ nhị luật nói về 2 con đường : ai chọn đi theo con đường của Chúa và các giới luật của Ngài thì sẽ được sống ; còn ai đi theo các quyến rũ khác thì sẽ diệt vong.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho biết rõ hơn con đường của Chúa là con đường gì : đó là con đường dẫn tới vinh quang phục sinh, nhưng trước đó phải qua đau khổ của thập giá ; ai muốn đi theo Ngài thì cũng phải đi qua con đường thập giá, thậm chí phải vác thập giá hằng ngày.

B…. nẩy mầm.

  1. Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Mà chọn thì phải bỏ, bỏ cái kia để được cái này. Nên nhớ là chúng ta đã chọn Chúa và con đường của Chúa. Đó là sự lựa chọn căn bản (option fondamentale), nhưng lựa chọn căn bản ấy phải thể hiện trong những lựa chọn hằng ngày theo cùng chiều hướng đó. Mùa chay là thời gian chúng ta xét mình lại về những lựa chọn của mình, đồng thời lặp lại lựa chọn căn bản : chọn Chúa, chọn con đường thập giá, chọn từ bỏ.
  2. Chúa Giêsu dạy ta một nghịch lý rất sâu sắc : chịu mất thì sẽ được ; còn muốn được thì phải mất !
  3. “Người nào được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có ích gì ?” (câu 25). Thánh Inhaxiô đã lặp đi lặp lại mãi bên tai Phanxicô Xaviê câu này. Cuối cùng câu này đã làm cho Phanxicô Xaviê hoán cải. Hôm nay tôi hãy lặp đi lặp lại câu này suốt ngày nhiều lần, hy vọng Chúa sẽ giúp tôi hoán cải như Phanxicô Xaviê.
  4. Có một người kia được Chúa cho vác một cây thập giá. Nhưng anh ta không chịu nổi, anh đến xin Chúa cho đổi cây thập giá khác. Chúa bằng lòng : “Ngoài nghĩa địa có vô số thập giá đủ loại. Con cứ ra đó muốn chọn cây nào tuỳ thích.” Dưới ánh trăng mờ trên nghĩa địa, anh ta đã thở phào nhẹ nhõm vất cây thập giá của mình và loay hoay chọn cây khác. Nhưng anh tìm mãi vẫn không được : cây thì quá dài, cây thì quá ngắn, có cây nhẹ nhàng nhưng sù sì khó vác, có cây trơn tru nhưng nặng quá… Và rồi đêm nào cũng thế.. cho đến một lần kia anh tìm được cây thập giá vừa ý nhất, nhẹ nhàng và êm ái nhất, vác về nhà. Nhưng ôi khi nhìn kỹ lại thì ra đó chính là cây thập giá đầu tiên mà Chúa đã trao cho anh ngày nào ! (Trích ”Phúc”)
  5. Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế : chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi !” (John Newton).
  6. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Sáu :

Is 58,1-9 – Mt 9,14-15

A. Hạt giống…

Bài đọc I trích sách Isaia nói về những kiểu ăn chay không đẹp lòng Thiên Chúa, đó là : ăn chay hãm mình bề ngoài nhưng trong lòng vẫn ích kỷ, bất công, chèn ép tha nhân. Kiểu ăn chay Chúa muốn là “Mở trói ác ôn, bật tung thừng ách, thả tự do cho người bị hành hạ, đập tan mọi thứ gông cùm, bẻ bánh chia cho người đói, cho kẻ vô gia cư trọ nhà, che thân cho người mình trần”.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy ta quy chiếu toàn thể cuộc sống về Ngài là chàng rễ của thời Tân Ước : vui mừng vì được sống với Ngài ; khi phải xa Ngài vì tội lỗi thì ăn chay sám hối để mong được trở lại với tình Ngài.

B…. nẩy mầm.

  1. Những cách ăn chay mà ngôn sứ Isaia khuyến khích cũng đáng cho chúng ta lưu ý :

– xoá bỏ những hình thức bất công, chèn ép : tôi có đang cố ý hay vô tình bất công, chèn ép ai đó không ?

– chia xẻ và giúp đỡ cụ thể những người đau khổ : tôi có cơ hội làm những việc này không ?

  1. Bài Tin Mừng mời tôi suy nghĩ xem tôi đang còn sống trong tình thân với Chúa không. Nếu như, một cách nào đó, “chàng rễ đã bị đem đi” khỏi tâm hồn tôi, thì tôi phải ăn chay sám hối để được trở lại với tình Ngài.
  2. “Hoả ngục chính là tha nhân” (Jean Paul Sartre). Nếu tôi đang là hoả ngục cho anh chị em tôi, tôi phải sửa đổi chính bản thân tôi. Nếu trong cộng đoàn của tôi, có ai đó đang là hoả ngục cho tôi, tôi hãy cố gắng cùng với Chúa sửa đổi người đó.
  3. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Bảy :

Is 58,9b-14 – Lc 5,27-32

A. Hạt giống…

Bài đọc I trích sách Isaia tiếp tục nói về kiểu ăn chay đẹp lòng Thiên Chúa, đó là chấm dứt những việc làm bất công, rộng tay cứu giúp những người đói khổ, tôn trọng ngày hưu lễ.

Bài Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu thực hiện điều đó : cứu một người thu thuế tội lỗi là Lêvi, còn gọi ông làm môn đệ, và còn ngồi ăn cùng bàn với những người tội lỗi khác. Ngài tuyên bố “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.

B…. nẩy mầm.

  1. Tôi muốn sống cảnh tượng của Lêvi :

– Tôi là người tội lỗi

– Tôi đang “ngồi” yên tại “trạm” tội lỗi của tôi.

– Chúa đang “đi ngang” qua, Ngài “trông thấy” tôi rồi, Ngài “nói với” tôi : Hãy theo Ta.

– Tôi “bỏ tất cả” – Tôi “đứng dậy” – Tôi “đi theo” Chúa.

  1. Nhà truyền giáo giảng đạo giữa rừng già Phi châu, dưới ánh trăng đêm và trong hoang lạnh của núi rừng. Ngài kể về đời sống và các phép lạ của Chúa Giêsu, cuối cùng là cái chết trên thánh giá. Ngồi trước bục giảng là viên tù trưởng. Ông chăm chú nghe lời nhà truyền giáo. Khi ngài tả việc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thánh giá, vị tù trưởng bổng đứng phắt dậy nói : “Ngừng lại ! Hãy đem Ngài xuống khỏi thánh giá ! Tôi mới là người đáng phải đóng đinh trên đó, chứ không phải Ngài !” Vị tù trưởng nghĩ rằng mình mới là tội nhân, còn Chúa Giêsu vô tội (Góp nhặt)
  2. (những mầm khác)

……………………………………………………………

TUẦN I MÙA CHAY

CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY NĂM C

Lc 4,1-13

A. Hạt giống…

Những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu chịu là tiêu biểu cho những cám dỗ chính mà ai ai cũng có thể gặp. Cho nên cách Ngài chiến đấu với chúng và chiến thắng chúng cũng là gương mẫu cho mọi người noi theo :

– Cám dỗ thứ nhất (biến đá thành bánh) là tiêu biểu cho cám dỗ chỉ sống dựa vào những nhu cầu vật chất của thân xác. Đức Giêsu chiến thắng nhờ biết rằng “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh”.

– Cám dỗ thứ hai (trên núi cao nhìn xuống các nước thiên hạ) là tiêu biểu cho lòng ham muốn quyền hành và vinh hoa lợi lộc với điều kiện là phải thỏa hiệp với sự dữ (thờ lạy Satan). Đức Giêsu nói “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi”.

– Cám dỗ thứ ba (nhảy từ nóc Đền thờ xuống) là tiêu biểu cho ý muốn quá ỷ lại vào quyền phép Thiên Chúa, buộc Ngài phải làm phép lạ cho mình. Đức Giêsu nói “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi”.

B… nảy mầm.

  1. Trong tiếng Do thái, chữ “cám dỗ” có nghĩa là “thử thách”, “thử tài”, giống như chữ “đi thi” của chúng ta ngày nay. Cám dỗ là đi thi : ai thắng cám dỗ là thi đậu, ai sa ngã là thi rớt. Bởi thế cám dỗ là dịp tốt để ta “lấy bằng cấp”. Tuy nhiên ta đừng khinh địch, hãy nhớ lời Chúa Giêsu căn dặn “Thứ quỷ này chỉ có thể thắng nhờ ăn chay cầu nguyện”, nhớ lời trong Kinh Lạy Cha “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, và nhớ Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng này đã chiến thắng được nhờ sự trợ giúp và che chở của Thiên Chúa.
  2. Có người nói rằng đạo Công giáo đầy mặc cảm tội lỗi cho nên bao giờ cũng bắt đầu Thánh lễ bằng lời kêu gọi sám hối. Thực ra chính Chúa Giêsu cũng luôn kêu gọi sám hối. Cho nên đây không phải là mặc cảm mà là một thực tế : con người dễ đi lạc, cho nên cần luôn ý thức tình trạng lạc đường ấy để quay về.
  3. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” : rất nhiều khi chúng ta bận rộn kiếm ăn đến nỗi không còn nghĩ đến việc tìm kiếm những giá trị tinh thần và đạo đức gì nữa. Như thế là chúng ta chỉ lo cho cuộc sống thân xác chứ không lo cho cuộc sống linh hồn.
  4. “Ngươi chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa” : rất nhiều khi chúng ta đã tôn thờ những thứ khác thay chỗ Thiên Chúa, như tiền bạc, thú vui, danh vọng v.v.
  5. “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa” : thay vì tìm biết và vâng theo ý Chúa, chúng ta lại thường buộc Chúa phải làm theo ý mình, và khi đòi không được như thế thì giận hờn Thiên Chúa.
  6. Đức Giêsu đã dựa vào Lời Chúa trong Thánh Kinh để tìm được ánh sáng soi dẫn quyết định của mình, nhờ đó mà không vướng cạm bẫy của Satan. Lời Chúa là ánh đèn soi bước con đi.
  7. Trong vườn, một gốc nho héo úa giữa bao cây xanh tươi mơn mởn. Tưới bao nhiêu phân cũng chẳng thấy khá hơn. Cuối cùng, người chủ đào gốc lên xem, thì thấy có miếng gỗ nằm chắn ngang gốc nho.

Có lẽ đời ta cũng vậy. Nếu không đâm rễ sâu vào lòng đất là Lời Chúa, đời ta cũng sẽ tàn úa. (Góp nhặt)

Thứ Hai :

Lv 19,1-2.11-18 – Mt 25,31-46

A. Hạt giống…

Bài đọc I trích sách Lêvi dạy cách đối xử với tha nhân, gồm trong hai điều chính : a/ Công bình : đừng trộm cắp, đừng nói dối, đừng phỉnh gạt, đừng nhục mạ, đừng hà hiếp, đừng giam tiền công phải trả cho thợ, đừng nguyền rủa, đừng gièm pha… b/ Bác ái : “Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình”. Nhìn chung, ta thấy lời dạy của Cựu Ước có tính tiêu cực (“đừng, đừng và đừng”), và chưa được rộng (“Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình”)

Lời dạy của Chúa Giêsu tích cực hơn (cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới áo mặc, thăm viếng kẻ đau yếu và ngồi tù), và cũng rộng rãi hơn (hãy đối xử bác ái với bất cứ ai bé mọn). Chúa con bảo Ngài sẽ coi những việc bác ái ta làm cho những kẻ bé mọn như làm cho chính Chúa.

B…. nẩy mầm.

  1. Coi tha nhân là chính Chúa. Điều này tương đối dễ nếu ta gặp một người tốt và dễ thương. Còn khi ta gặp một người khó chịu và xấu tính, ta hãy nhớ : a/ người đó cũng là tác phẩm do Chúa tạo nên ; b/ người đó cũng là giá máu Chúa đã đổ ra để cứu chuộc ; c/ người đó cũng là đối tượng Chúa mời hưởng hạnh phúc muôn đời. Bởi thế nếu không thề yêu thương người đó vì chính người đó thì ít ra hãy phấn đấu yêu thương họ như chính Chúa yêu thương họ.
  2. Bà Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare chủ trương sống tinh thần Tin Mừng, chia xẻ một kinh nghiệm sống như sau : coi những kẻ đang đau khổ là hình ảnh Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trên Thập giá. Cũng như Chúa Giêsu bị bỏ rơi rất cần người ủi an giúp đỡ, ta cũng hãy giúp đỡ ủi an những kẻ đau khổ ấy.
  3. Từ khi chọn con đường nhập thể, Chúa đã muốn chúng ta tìm Ngài trong tha nhân, yêu Ngài qua tha nhân và giúp đỡ Ngài cũng qua tha nhân.
  4. Một đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang ngồi viết trên một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lên tiếng hỏi :

– Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế  ?

– Ta đang ghi danh những ai yêu mến Thiên Chúa.

Vừa lo lắng vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên mình có trong sách không. Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng nhưng không thấy tên ông. Thế nhưng điều đó không làm vị tu sĩ thất vọng. Ông nói với thiên thần

– Xin Ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân.

Thiên thần chiều ý ông. Thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.

Sau khi vị tu sĩ già qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu tiên trong nhật ký chính là câu trích dẫn thư 1 Ga 4,20 “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy”. Tiếp theo lời trích dẫn vị tu sĩ ghi chú : “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy ; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt thoát khỏi tôi ; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa và linh hồn tôi” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Ba :

Is 55,10-11 – Mt 6,7-15

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng ghi lại Lời kinh Lạy Cha do chính Chúa Giêsu dạy. “Anh em hãy cầu nguyện như thế này…”. Sau đó Chúa Giêsu liệt kê 7 điều nên xin khi cầu nguyện.

Bài đọc I trích sách Isaia nhấn mạnh đến việc thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.

Như thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy ta điều quan trọng nhất khi cầu nguyện : cầu nguyện để biết ý Chúa và để có thể thực hiện ý Chúa.

B…. nẩy mầm.

  1. Thường trong khi cầu nguyện ta cố nói cho Chúa biết ý của ta và ta xin Thiên Chúa giúp ta đạt được ý đó. Lời Chúa hôm nay cho biết cách cầu nguyện đó hoàn toàn ngược. Đúng ra cầu nguyện phải là xin cho ta được biết ý Chúa, và xin giúp ta thực hiện ý Ngài. Chúa biết mọi sự, cho nên dù ta không nói thì Ngài cũng đã biết ý ta. Phần ta thì không biết ý Chúa nên phải xin Ngài chỉ cho ta biết.
  2. “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải nhiều lời như dân ngoại ; họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin”. Chúng ta phải tập cầu nguyện bằng thinh lặng và lắng nghe.
  3. Sau khi nghe bài giảng của một nhà truyền giáo, một cô gái giơ tay hỏi : “Thưa Ngài, xin cho biết cách nào vừa sống theo đường lối Chúa vừa vẫn theo đường lối riêng của mình ?”. Nhà truyền giáo bí không trả lời nổi. Có lẽ đó cũng là câu chúng ta thường tự hỏi. Mà cứ hỏi như thế thì sẽ không bao giờ trả lời được, bởi vì làm thế nào có thể đi đường của Chúa mà vẫn giữ lại con đường ý riêng mình cho được ! (Christian Youth)
  4. Nhiều người nghĩ rằng sống theo ý Chúa thật là khó. Thực ra điều này thoải mái và dễ chịu như nằm trên một chiếc gối bông, bởi vì ta không thể chọn được thứ gì tốt cho bằng thứ Chúa đã chọn sẵn cho ta, không thể nhắm tới thứ gì hay cho bằng thứ Chúa đã nhắm sẵn cho ta, sống theo ý Chúa thì ta không còn gì phải lo, và không có gì an toàn hơn được. (Gospel Herald).
  5. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Tư :

Gn 3,1-10 – Lc 11,29-32

A. Hạt giống…

Cả hai bài đọc Cựu Ước và Tân Ước đều nhắc tới “dấu chỉ Giôna” :

– Ngày xưa ngôn sứ Giôna đã kêu gọi dân thành Ninivê tội lỗi lo ăn năn sám hối. Mọi người trong thành, từ vua quan đến dân chúng lớn nhỏ, đều đáp lại lời kêu gọi ấy. Chúa thấy lòng thành của họ nên đã tha thứ và không phạt họ.

– Khi nhắc lại chuyện Giôna, Chúa Giêsu  cảnh cáo những người do thái thời Ngài : “Dân thành Ninivê sẽ chổi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng ; mà đây thì còn có Đấng hơn ông Giôna nữa”.

Như thế, Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta sám hối.

B…. nẩy mầm.

  1. Sám hối gồm 4 điều : 1/ biết mình có tội ; 2/ buồn ; 3/ tin vào tình thương tha thứ của Chúa ; 4/ quay về với tình thương ấy. Thiếu 1 trong những điều trên thì không phải là sám hối thật.
  2. Trong chuyện Giôna, hình ảnh dân thành Ninivê tội lỗi lại dễ thương hơn hình ảnh Giôna ngôn sứ. Ông không muốn tuân theo lệnh Chúa. Ông chỉ muốn dân Ninivê bị phạt. Khi dân thành này sám hối và được tha thì ông giận Chúa. Chúa g dùng tấm gương của họ để kêu gọi Giôna sám hối. Thật lạ lùng : người giảng sám hối lại sám hối sau người nghe giảng. Là những người giảng cho người ta sám hối trong Mùa Chay này, Linh mục tu sĩ chúng ta nghĩ sao về chuyện này ?
  3. Người cha rất đau khổ vì đứa con trai theo bạn bè phung phá hết tiền của. Cùng đường, chàng ta viết thư thống thiết xin lỗi cha và ngỏ ý xin cha thương xót. Người cha gửi cho cậu bức điện tín, chỉ có một chữ ”Về” và kí tên cũng chỉ một chữ ”Cha”

Tin Mừng của Chúa cũng là bức điện tín gửi cho thế giới tội lỗi này, với một chữ  viết ”Về” và một chữ kí ”Cha” (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Năm :

Et 14,1.3-5.12-14 – Mt 7,7-12

A. Hạt giống…

Bài đọc Cựu Ước trích lời cầu xin của Bà Ét-te. Chúng ta hãy nhớ lại hoàn cảnh lúc đó : Dân do thái đang sống kiếp lưu đày bên Babylon. Tướng Aman không thích dân do thái nên xúi dục vua Babylon ra chiếu chỉ tàn sát người do thái trong khắp đế quốc. Khi đó người ta nghĩ không ai ngoài bà Ét-te có thể cứu họ. Ét-te là người do thái nhưng được làm hoàng hậu trong cung điện. Phần bà Ét-te thì thấy công việc quá khó khăn và nguy hiểm, nên bà chạy đến Chúa kêu xin Ngài giúp. Kết quả là tình thế đảo ngược hoàn toàn : vua rút lại chiếu chỉ, dân do thái khỏi bị tàn sát, ngược lại Aman người muốn hại họ thì bị giết trên chính cột hành hình mà ông dựng lên để giết người do thái.

Bài Tin Mừng hôm nay có hai ý :

– Chúa Giêsu dạy phải tin tưởng khi cầu xin, bởi vì “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (gương bà Ét-te minh hoạ cho ý này).

– “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng hãy làm cho người ta” (Tướng Aman là một hình ảnh minh hoạ ngược cho ý này : ông muốn hại người do thái, rốt cuộc chính ông bị hại).

B…. nẩy mầm.

  1. Theo ánh sáng của bài đọc Cựu Ước (chuyện bà Ét-te), sự cầu xin mà Chúa Giêsu khuyến khích ta làm chính là cầu xin được giải thoát khỏi mưu mô nguy hiểm của kẻ thù. Kẻ thù của chúng ta ngày nay là ma quỷ, mưu mô nguy hiểm nó giăng sẵn để hại ta là tội lỗi. Nếu ta xin Chúa cứu ta khỏi tội, thì chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời.
  2. Điều thứ hai Lời Chúa dạy ta hôm nay là “Tất cả những gì chúng con muốn người ta làm cho mình thì chúng con cũng hãy làm cho người ta”.
  3. Những câu tương tự với lời Chúa Giêsu dạy :

– Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (Khổng Tử)

– Những gì anh không thích thì đừng làm cho người khác. Đó là tóm tắt tất cả lề luật (Rabbi Hillel)

– Đừng làm lại những điều người khác làm cho ngươi nổi giận (Aristote)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Sáu :

Ed 18,21-28 – Mt 5,20-26

A. Hạt giống…

Lời Chúa hôm nay dạy về sự Công chính :

– Bài trích sách Êdêkien : Công chính không phải là một chiếc cúp vàng hễ ta cố gắng đoạt được một lần thì có thể giữ mãi. Công chính là điều ta phải phấn đấu vươn tới trong suốt cả đời sống. Bởi đó, một kẻ từng gian ác nhưng biết ăn năn hoán cải thì sẽ trở thành công chính ; ngược lại, kẻ đã từng được coi là công chính nhưng bỏ đường công chính thì sẽ không còn là công chính nữa, nó phải chết.

– Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu kêu gọi môn đệ Ngài phải công chính hơn các kinh sư và biệt phái (nghĩa là đừng bao giờ tự mãn vì đạo đức của mình). Một phương diện cụ thể của đức công chính mới là tương giao : phải coi mọi người là anh em của mình (chữ “anh em” được lặp đi lặp lại nhiều lần nhất trong đoạn này). Trên cơ sở tình huynh đệ ấy, đừng mắng chửi, cũng đừng nuôi giận hờn lâu.

B…. nẩy mầm.

  1. Lời Chúa trong sách Êdêkien rất an ủi : Chúa không chấp nhất chuyện quá khứ. Cho dù trong quá khứ ta đã từng lỗi phạm nhiều, nhưng nếu hôm nay ta quay về thì Chúa vẫn coi ta là công chính. Lời đó cũng cảnh cáo : cho dù trong quá khứ ta là công chính, nhưng nếu hôm nay ta không duy trì sự công chính ấy thì Chúa sẽ kể ta là bất chính.
  2. “Ai giận anh em mình thì bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Ai chũi anh em mình là quân phản đạo thì bị lửa hoả ngục thiêu đốt”. Những lời này Chúa Giêsu nói theo giọng cường điệu, cho nên sự thật không đúng sát như thế. Tuy nhiên việc Chúa phải cường điệu khi dạy ta đừng giận, đừng mắng, đừng chửi cũng đáng ta lưu ý.
  3. “Hãy để của lễ trên bàn thờ, đi làm hoà với anh em mình trước”. Lời này có nghĩa là việc làm hoà còn quý hơn mọi của lễ.
  4. Hai người Ailen là hàng xóm với nhau, nhưng cãi nhau suốt. Một người bị bịnh nặng. Bà vợ đón cha và nói : “Thưa cha, anh Pat và Mike cãi nhau luôn. Giờ anh gần chết. Cha có cách nào giúp họ làm hoà với nhau không ?”

Sau nhiều lần thuyết phục, Pat đồng ý cho gọi Mike đến làm hoà. Sau ít phút đợi chờ bên giường, Mike nói : “Thôi, mình huề nghe Pat. Chuyện gì đã qua cho qua luôn” .

Pat miễn cưỡng đồng ý. Mike ra về. Nhưng khi Mike ra đến cửa, Pat nhỏm dậy, giơ  nắm đấm nói : “Tao chỉ  huề nếu như tao chết thôi à nghe !” (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Bảy :

Đnl 25,16-19 ; Mt 5,43-48

A. Hạt giống...

  1. Bài đọc Cựu Ước khuyên tín hữu tuân giữ lề luật và huấn lệnh Chúa. Lý do là : “Ngài sẽ làm cho ngươi được vinh quang, thanh danh và huy hoàng hơn mọi dân tộc Ngài đã tạo dựng, để ngươi trở thành dân thánh của Chúa là Thiên Chúa ngươi”.
  2. Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu dạy môn đệ một cách sống cao hơn : “Các ngươi đã nghe dạy hãy yêu thương thân nhân và hãy thù ghét địch thù. Còn ta, Ta bảo các ngươi hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho kẻ ghét các ngươi, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các ngươi”. Lý do cũng cao hơn : “Các ngươi hãy nên hoàn hảo như Cha các ngươi trên trời là Đấng hoàn hảo”.

B…. nẩy mầm.

  1. Kitô hữu là con của Chúa Cha nên phải cố gắng có tấm lòng yêu thương bao la như Chúa Cha, “Ngài khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương”. Biên giới của tình thương là không biên giới. Chính thiên nhiên cũng nhắc chúng ta cố gắng bắt chước tình thương không biên giới và không phân biệt của Cha trên trời.
  2. Chúa Giêsu kể ra 3 mức độ đối xử với kẻ không yêu thương mình : 1/ Yêu thương ; 2/ Làm ơn ; 3/ Cầu nguyện. Nếu như tôi chưa thể yêu thương thì hãy cố gắng lấy ơn để báo oán. Nếu vẫn chưa thể thì ít ra là cầu nguyện cho họ.
  3. Người không tôn giáo chủ trương phân biệt rõ bạn và thù và cư xử “ân oán phân minh”. Phật giáo đã nhận ra sự bế tắc của cách đối xử đó : lấy oán báo oán, oán oán chất chồng. Chúa Giêsu dạy tích cực hơn nữa : hãy yêu thương kẻ thù ghét mình. Chỉ có yêu thương tha thứ mới tiêu diệt được kẻ thù.
  4. Con người là kẻ thù của chính mình. Đời nước Tề, có một người nằm mơ thấy có người đem gươm vào nhà ông mắng chửi rồi giận dữ bỏ đi. Ông ta giật mình tỉnh dậy… nhưng không tài nào ngủ lại được nữa. Sáng hôm sau ông nói với một người bạn : Từ thuở nhỏ tới giờ, tôi vốn là người trí dũng. Đến nay 80 tuổi tôi chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm qua có người đến làm nhục tôi. Tôi cảm thấy bứt rứt và cố tìm cho gặp được người đó, bằng không tôi phải chết mất.

 Thế là ngay sáng hôm ấy, ông cùng người bạn đi tìm kẻ thù đã khiêu khích mình. 5 ngày trôi qua nhưng ông vẫn chưa tìm được kẻ thù. Tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, hậm hực vì không tìm được kẻ thù, ông ta về nhà mất ăn mất ngủ mà chết.

 Cicéron diễn giả Lamã đã nói ”Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Đúng thế, con người tự tạo cho mình kẻ thù rồi tự  tiêu diệt chính mình.  (Trích ”Món quà giáng sinh”)

  1. Ngày nọ, Đức giám mục John Selwyn thấy một cậu con trai người bản địa cư xử thô bạo với các trẻ khác, ngài gọi cậu lại khiển trách. Chẳng những không chịu nghe, cậu ta còn vung tay đánh vào mặt vị giám mục. Mọi người thấy vậy đứng chết trân. Nhưng vị giám mục không cho họ làm gì. Rồi ngài quay lưng và lặng lẽ bỏ đi.

Nhiều năm sau, một nhà truyền giáo được mời đến với một bệnh nhân. Ông sắp chết và xin được Rửa tội. Khi nhà truyền giáo hỏi anh muốn lấy tên thánh là gì. Anh đáp : “Xin đặt là John Selwyn, vì chính ngài đã dậy cho tôi biết đức Kitô là ai khi tôi đánh ngài.” (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)