Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 1 MV

print

HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 1 MV

Thứ Hai

Thứ Ba.

Thứ Tư.

Thứ Năm.

Thứ Sáu.

Thứ Bảy.

 

Thứ Hai

Mt 8,5-11

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu đã đánh giá viên đại đội trưởng như thế này : “Tôi bảo thật các ông : tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế”. Mỗi khi Chúa Giêsu mở đầu câu nói bằng công thức “Tôi bảo thật” thì câu nói đó có tầm quan trọng đặc biệt. Vậy đức tin của ông này như thế nào ?

– Ông là người “ngoại”

– Ông là người Rôma, kẻ cai trị, thế mà hạ mình van xin Chúa Giêsu là kẻ bị trị. Ông còn nói “Tôi chẳng đáng được Ngài vào nhà tôi”.

– Ông van xin Chúa Giêsu không phải cho ông mà cho đầy tớ của ông

– Đại ý lý luận của ông (câu 9) : tuy tôi chỉ có ít quyền nhưng cũng có thể sai khiến thuộc hạ, huống chi Ngài là kẻ có nhiều quyền.

– Ông tin Chúa Giêsu không cần đến nhà ông, chỉ cần nói một lời là đầy tớ ông được khỏi bệnh.

Đáp lại lòng tin của ông, Chúa Giêsu đã làm một phép lạ đặc biệt theo kiểu “từ xa” (“remote control”).

B…. nẩy mầm.

  1. Chủ đề của bài đọc Cựu Ước và đáp ca :

– Câu tóm tắt ở đầu bài đọc Cựu Ước : “Thiên Chúa quy tụ các dân tộc trong nước Người…” – Bài Phúc Âm minh hoạ cảnh muôn dân vào nước Chúa.

– Câu đáp của bài đáp ca : “Ôi, tôi vui sướng biết bao khi nghe nói : Chúng ta sẽ về nhà Chúa”.

  1. “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời sẽ bị quẳng ra chỗ tối tăm bên ngoài” (cc 11-12). Chúa Giêsu xuống trần để ban ơn cứu độ cho mọi người. Nhưng để được cứu độ thì phải có Đức Tin. Chúng ta là “con cái Nước Trời”, tuy thế nếu không có đức tin thì cũng không được cứu độ. Nhưng thế nào là có đức tin ?…
  2. “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”. Đoạn TM này chúng ta đọc hằng ngày trước khi lên rước lễ, chúng ta có ý thức đầy đủ không ?
  3. Người ngoại trong đoạn TM này đến với CG trong tâm tình : tin tưởng, khiêm tốn, tế nhị và đầy lòng bác ái thương người. Tôi thử rà lại xem “tính chất người ngoại dễ thương đầy tính nhân bản này” có nhiều ở nơi tôi không ?
  4. “Một doanh nhân giàu có ở một Tiểu bang nam Hoa Kỳ có sáng kiến ngộ nghĩnh để thử lòng người : ông cho in rất nhiều bích chương và dán khắp nơi trong thành phố nơi ông đang ở. Đại khái nội dung những tấm bích chương loan báo : bất cứ ai mắc nợ, nếu đến văn phòng của ông ngày đó, tháng đó từ 9g-12g đều được ông giúp đỡ để trả nợ. Dĩ nhiên mọi người đều bàn tán về lời mời gọi này, nhưng đa số đã xem đây là một trò đùa. Đúng ngày hẹn, doanh nhân đến ngồi trong văn phòng của mình. Hai giờ đồng hồ trôi qua mà không thấy người nào đến. Mãi tới 11g mới có một người đàn ông rụt rè đến… Doanh nhân ký cho ông một ngân phiếu để trả hết nợ. Gần 12g một vài người nữa cũng đến… và dĩ nhiên họ cũng được giúp đỡ tận tình. Còn tất cả những người khác khi hiểu được lời mời gọi của doanh nhân thì đã quá muộn. Khi người ta không tin ở lòng tốt của con người, thì làm sao có thể tin tưởng ở lòng tốt của Thiên Chúa ?” (trích “Mỗi ngày một tin vui”)
  5. “Thấy viên đại đội trưởng có lòng tin mạnh mẽ, Chúa Giêsu thán phục và nói với những kẻ theo Người rằng “Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin mạnh như thế” (Mt 8,10)

Nói về lòng tin của tôi hôm nay, có lẽ Chúa Giêsu cũng ngạc nhiên mà bảo rằng “Không có một lòng tin nào như thế !”. Vì khi đời nở hoa, tôi cảm thấy tự tin và yêu thương cuộc sống. Những lúc ấy tôi thấy Chúa nhân hậu, tốt lành… Nhưng cuộc đời lại có những bước trầm, hoàn cảnh thì mờ mịt mà sức người có hạn, tôi buông xuôi tất cả, tôi cũng chẳng tin gì nữa, kể cả Thiên Chúa. Sóng gió rồi cũng qua… Khi quân bình trở lại, tôi thấy cần tìm hiểu sâu hơn về Chân lý. Chúa dạy tôi : phải tin rồi mới thấy. Nhưng tôi cứ bướng bình, nằng nặc “Con phải hiểu, phải hiểu rồi mới tin…” Không biết Chúa có ngạc nhiên vì lòng tin bé hơn một phần tư hạt cải của tôi không ?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa thấu suốt mọi tâm can, xin giữ con khỏi tự cao tự mãn, xin tăng cường lòng tin yếu kém của con (Epphata)

  1. Mầm khác :

Thứ Ba

Lc 10,21-24

A. Hạt giống…

  1. Văn mạch : Sau một thời gian đi truyền giáo trở về, các môn đệ vui mừng kể lại cho Chúa Giêsu nghe những thành công của mình. Nhân dịp này Đức Giêsu nhận xét về kết quả ấy của họ : Ngài chia vui với họ vì những thành công ấy. Nhưng Ngài cho biết họ càng nên vui mừng hơn vì Thiên Chúa đã coi họ là công dân của Nước Trời (“tên các con được ghi trên trời”) (Lc 10,17-20).
  2. Chúa Giêsu lại liên tưởng đến những kẻ không đón nhận Tin Mừng vì lòng trí họ kiêu căng tự mãn. Những người này khác hẳn với những tâm hồn đơn sơ bé mọn đã đón nhận Tin Mừng do các môn đệ rao giảng. Và Ngài cảm tạ Chúa Cha về việc đó.

B…. nẩy mầm.

  1. “Con xưng tụng Cha vì đã dấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều ấy…” : Tôi cũng xưng tụng cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho tôi được đức tin, được biết Chúa. Nhiều người thông thái khôn ngoan hơn tôi đã không được những ơn này. Đức tin là một ơn ban chứ không phải là thành quả của công lao con người.
  2. “… nhưng đã tỏ ra cho những kẻ đơn sơ” : xin cho con càng ngày càng đơn sơ hơn nữa : đơn sơ với Chúa, đơn sơ với lương tâm con và đơn sơ với mọi người, vì đơn sơ là điều kiện thuận lợi con được Chúa dạy bảo và ban ơn.
  3. 3 động từ chủ chốt của đoạn này là “thấy, nghe và biết”. Còn những người được “thấy”, được “nghe” và được “biết” Tin Mừng là ai ? Thưa là những kẻ bé mọn. Nói cụ thể hơn, đó là các môn đệ Chúa và dân ở những nơi mà các môn đệ đến rao giảng. Họ không giống với dân ở những thành mà trong đoạn Tin Mừng phía trước (10,1315) Chúa Giêsu đã nặng lời khiển trách. Những người đó tự cho mình là thông giỏi nên không đón nhận Tin Mừng. Họ giống như những chiếc thùng đầy nước cho nên có đổ thêm bao nhiêu nước nữa thì cũng trán hết ra ngoài. Còn các môn đệ Chúa Giêsu và dân ở những nơi này thì khiêm tốn ý thức mình còn ngu dốt yếu kém nên vui vẻ đón nhận Tin Mừng, giống như những chiếc thùng rỗng nên chứ đụng được lượng nước đổ thêm vào. Chúa Giêsu vui mừng tạ ơn Chúa Cha vì đã cho những người bé mọn ấy được thấy, được nghe và được biết Tin Mừng.

Muốn đón nhận ơn Chúa, cũng như muốn hiểu biết Thiên Chúa hơn thì chúng ta phải trở nên những kẻ bé mọn, phải ý thức mình còn kém. Và bé mọn thực sự, khiêm tốn thực sự là phải biết đón nhận, đón nhận không những từ nơi Chúa, mà còn phải từ anh em của mình nữa.

  1. “Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết : nhiều ngôn sứ và nhiều vua Chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc 10,24)

Môsê, Đavít, Êlia tất cả đều sống trong sự chờ đợi. Chờ đợi lời Thiên Chúa hứa ban Con của Ngài đến được thực hiện. Họ mong được nhìn thấy Con Thiên Chúa, mong được nghe Ngài giảng dạy về Nước Trời.

Các tông đồ đã sống, đã đồng hành với Ngài trên mọi nẻo đường. được Ngài dạy dỗ, được sai đi rao giảng Nước Trời. Các ông đã được thấy phép lạ Người làm. Được nghe Ngài nói về Chúa Cha và Nước Trời, nhưng các ông vẫn sống trong hoài nghi cho đến khi Ngài chỗi dậy từ cõi chết.

Ngày nay, Ngài cũng nói với tôi mỗi ngày qua Tin Mừng, qua anh em tôi. Tôi vẫn thấy Ngài bị treo thánh giá, nơi những người cùng khổ, những người bị áp bức bất công, nơi những tâm hồn thống hối trở về. Tôi đã thấy Ngài sống lại vinh quang và những phép lạ Ngài làm trong cuộc sống quanh tôi. Tôi có thấy mình hạnh phúc hơn các ngôn sứ, các vua Chúa, các tông đồ không ? Hay tôi cũng là môn đệ của chủ nghĩa hoài nghi ?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết vui mừng và tin vào những gì Ngài đã làm cho con cũng như nói với con hằng ngày. (Hosanna)

  1. “Lạy Cha là Chúa tể trời đất. Con xin ngợi khen Cha vì đã mặc khải cho những người bé mọn biết những điều này” (Lc 10,21)

Bên cạnh tôi là bác nông dân chất phác đang nguyện kinh. Và kia là một người trí thức đang cầu nguyện. Thái độ bề ngoài cho thấy là họ hết lòng tin tưởng. Bác nông dân tin một cách đơn sơ, tin những gì mình nghe biết đ. Người trí thức thì nghe, suy nghĩ, phân tích rồi cũng tin. Cả hai đều tin và ý thức mình là những người bé mọn, yếu đuối. Họ chấp nhận những giới hạn của mình và sẵn sàng mở ra cho mặc khải tình yêu Thiên Chúa.

Cũng thế, tôi chỉ có thể đón nhận mặc khải một khi trở nên nhỏ bé và khiêm tốn.

Lạy Cha, xin ban cho con quả tim đơn sơ như trẻ nhỏ, sẵn sàng đón nhận những gì Cha ban tặng cho con, và can đảm phó thác hoàn toàn cuộc đời con trong tay Cha (Epphata).

  1. Mầm khác :

Thứ Tư

Mt 15,29-37

A. Hạt giống…

Đoạn Tin Mừng hôm nay cho ta biết thêm hai loại hoạt động cứu thế của Chúa Giêsu : a/ cc 29-31 : cứu những người bệnh ; b/ cc 32-39 : lo cho dân đang đói có của ăn.

Hai hoạt động trên vừa là dầu chỉ cho biết Ngài là Đấng Messia mà Isaia tiên báo Is 61,1-2), vừa là dấu chỉ tiên báo Bí tích Thánh Thể sau này.

B…. nẩy mầm.

  1. Chủ đề của bài đọc Cựu Ước, và sẽ được ứng nghiệm trong bài Tin Mừng : “Chúa mời đến dự tiệc của người, và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”.
  2. Chúa Giêsu như một khối nam châm, một chiếc phao giữa biển đời đau khổ. Ngài “ngồi đó” (câu 29), đông đảo các bệnh nhân kéo đến cùng Ngài (câu 30).
  3. Tấm lòng của Chúa Giêsu : “Thầy chạnh lòng thương đám đông… sợ họ bị xỉu dọc đường” (câu 32). Động từ “chạnh lòng” trong nguyên bản có nghĩa rất mạnh và cụ thể : cảm giác như ruột mình đứt ra từng khúc.
  4. Chuyện song song ở Lc 9,10-17 còn cho chúng ta biết thêm hai cách phản ứng trước cùng một hoàn cảnh :

a/ phản ứng của các môn đệ là “Xin Thầy cho đám đông về, để họ… kiếm thức ăn” : phản ứng theo lý (các môn đệ không có trách nhiệm lo cho dân chúng ăn), và mặc kệ (họ đã tự ý đi theo Chúa Giêsu thì họ cũng phải tự lo thức ăn).

b/ phản ứng của Chúa Giêsu là “Chính anh em hãy lo cho họ ăn”, sau đó Chúa Giêsu làm cho bánh ra nhiều : phản ứng phát xuất từ tình thương, từ sự quan tâm tới người khác, từ tấm lòng quảng đại gánh lấy việc chẳng phải là trách nhiệm của mình.

  1. Tại văn phòng của một Cố vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu giải bày tâm sự : “Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho cả. Tôi có đủ mọi “sụ” nhưng trong lòng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên”. Nhà Cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời cô. Cô này kể : chồng tôi đã chết, cách nay 3 tháng con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả, tôi không ngủ được, tôi không muốn ăn uống, tôi không bao giờ cười. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Trời lạnh. Tôi cũng tội nghiệp nó, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi tôi nghĩ : nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh đem cho bà cụ hàng xóm đang bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp được vui vẻ. Và quả thực tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình ; ngược lại ta sẽ hạnh phúc thật khi ta làm cho người khác hạnh phúc”. Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ. (Charlene Johnson).
  2. “Đức Giêsu hỏi “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Các ông nói : “Thưa có 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ” (Mt 15,34)

Hằng ngày tôi vẫn thấy nào là trẻ em bụi đời, những kẻ bán máu, nào là những kẻ bệnh hoạn, tật nguyền… Tất cả những điều ấy làm tôi nhức nhối, và càng nhức nhối hơn khi nghĩ đến khả năng nhỏ bé của mình. Tôi như thế hoàn toàn bất lực trước những nhu cầu lớn lao ấy. Với 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ của ai đó dâng tặng, Chúa Giêsu đã làm cho hàng ngàn người được no nê. Chúa chỉ cần một đóng góp nhỏ của tôi để làm nên những việc lớn lao. Chẳng lẽ tôi nghèo đến nỗi không có gì để chia xẻ. Chẳng lẽ tôi không có được một lời chào, một nụ cười, một lời hỏi thăm, một lời khuyên… Nếu tôi sẵn sàng trao tặng thì tất cả những khả năng bé nhỏ này, nhờ ơn Chúa, chắc chắn sẽ đem lại niềm vui, tình thương, và thậm chí cả niềm tin cho những người bất hạnh nghèo khổ.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra những tiềm năng Chúa ban, và biết sử dụng để đem lại niềm vui, tình thương và niềm tin cho mọi người (Epphata).

  1. Mầm khác :

Thứ Năm

Mt 7,21.24-27

A. Hạt giống…

Câu chủ yếu của đoạn này là câu 21 : “Không phải bất cứ ai thưa “Lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi”.

Các câu 24-27 là những hình ảnh minh hoạ cho câu trên : người nghe Lời Chúa rồi thi hành giống như người “khôn” xây nhà trên đá ; kẻ nghe Lời Chúa nhưng không thi hành giống như người “ngu” xây nhà trước cát.

B…. nẩy mầm.

  1. Chủ đề của bài đọc Cựu Ước, và sẽ được bài TM nhắc lại : “Dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào”
  2. Tri phải đi đôi với hành. – Ta biết là thuốc tốt những không chịu uống thì cũng chẳng ích lợi gì. – “Hoả ngục được lát toàn bằng những thiện chí” : mai tôi sẽ nên thánh, mốt tôi sẽ giữ đạo…. Những chẳng bao giờ thực hành.
  3. Chúng ta thường xây nhà trên cát, vì chúng ta xây dựng cuộc sống đạo của mình trên những luật lệ, những nghi lễ, trên những câu kinh “Lạy Chúa, lạy Chúa”. Chúng ta ít quan tâm xây dựng cuộc sống trên việc tìm và thi hành ý Chúa, trên việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa.
  4. Muốn biết ngôi nhà đức tin của ta được xây trên cát hay trên đá, hãy coi những lúc “mưa sa, nước cuốn, bão táp” dập vùi xem đức tin ta có còn đứng vững hay không.
  5. “Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagavad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không ?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”… Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”… Giác ngô đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
  6. “Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời thì mới được vào Nước Trời mà thôi” (Mt 7,21)

Có lần tôi xem được một chương trình trên tivi về những người cùng khổ trong xã hội. Họ không có lấy một chỗ dựa, một ai nâng đỡ để hòa nhập cuộc sống của mọi người. Họ đang cần sự giúp đỡ của bạn, và của chính tôi. Đã bao nhiêu lần, tôi khước từ lời kêu cứu của họ. Tôi dửng dưng trước lời họ mời gọi. Và như thế, tôi cũng khước từ ý muốn của Cha. Ý muốn của Cha là “anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu anh em”, nghĩa là sẵn sàng hiến mạng sống vì anh em. Vậy, tôi phải cứu lấy những anh em tôi, phải thi hành ý muốn của Cha.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương anh em như Chúa đã yêu con, để người ta nhận biết chúng con là môn đệ của Ngài (Epphata)

  1. Mầm khác :

Thứ Sáu

Mt 9,27-31

A. Hạt giống…

Chuyện này có hai vai :

  1. Chúa Giêsu :

– Ngài không muốn cho đám đông dân chúng biết phép lạ Ngài làm. Bởi đó khi hai người mù xin Ngài cứu giúp ở chỗ đông người thì Ngài không đáp lại gì cả. Khi về tới nhà, Ngài mới cứu chữa họ. Cứu chữa họ xong, Ngài “nghiêm giọng” bảo họ “đừng cho ai biết”. Lý do : Chúa Giêsu không muốn người ta tin theo Ngài chỉ vì phép lạ.

– Ngài nhấn mạnh tới lòng tin : trước khi làm phép lạ, Ngài hỏi “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không ?”. Sau khi làm phép lạ, Ngài nói “Các anh tin thế nào thì được như vậy.”

  1. Hai người mù : đức tin họ rất mạnh

– Họ gọi Chúa Giêsu là “Con Vua Đavít”, tức là tước hiệu người ta gọi Đấng Messia.

– Ban đầu Chúa Giêsu không đáp ứng, nhưng họ cứ theo Ngài cho tới nhà.

– Khi Ngài hỏi, họ tuyên xưng đức tin “Thưa Ngài, chúng tôi tin”.

– Chính Chúa Giêsu nói phép lạ họ được là kết quả của lòng họ tin : “Các anh tin thế nào thì được như vậy”.

* Riêng chi tiết câu 31 (Chúa Giêsu bảo họ đừng cho ai biết, “nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Ngài trong khắp cả vùng”) : xem ra họ không vâng lời Chúa Giêsu. Nhưng các nhà chú giải nghĩ rằng Mt viết câu này cho tín hữu trong Giáo Hội thời kỳ sau khi Chúa Giêsu sống lại. Trước khi Chúa Giêsu sống lại thì Ngài muốn giữ “bí mật Messia” kẻo người ta theo Ngài chỉ vì phép lạ. Nhưng sau khi Ngài đã sống lại rồi thì không cần giữ bí mật ấy nữa, trái lại càng phải “bật mí” để cho nhiều người biết Ngài.

B…. nẩy mầm.

  1. Chủ đề bài đọc Cựu Ước, và sẽ được ứng nghiệm rõ ràng trong đoạn TM : ‘Ngày đó mắt người mù sẽ được xem thấy”.
  2. “Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Chỉ trong Ngài chúng ta mới thực sự là người được sáng mắt ; chỉ trong Ngài chúng ta mới biết chúng ta là ai ? sẽ đi về đâu ? và đâu là ý nghĩa cuộc sống ? Nhưng dĩ nhiên, để có thể tiếp nhận ánh sáng của Chúa Kitô, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải ý thức được sự mù lòa của mình và quyết tâm ra khỏi sự mù lòa ấy” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  3. Có nhiều loại mù : mù loà, mù chữ, mù vi tính… nhưng mù không nhận ra Chúa là ánh sáng đời mình có lẽ là tai hại hơn cả. – Người mù đã dùng đức tin mà đi tới Ánh Sáng thật. Hay nói cách khác, có một cách lần tới được ánh sáng một cách thần diệu, đó là đức tin.
  4. Trong đời sống đạo, khi nhận ra mình đang mù và mong tìm về ánh sáng đó là những bước khởi đầu rất tốt cho sự hoán cải và sẽ được biến đổi.
  5. Tự phụ đến mù quáng : Con sư tử đến hỏi con tê giác “Ai là chúa tể khu rừng này ?”. Con tê giác đáp “Là sư tử chứ ai”. Sung sướng quá, sư tử đến hỏi con hà mã “Ai là chúa tể khu rừng này ?”. Và hà mã cũng trả lời “Là sư tử chứ ai”. Sư tử lại đến hỏi con voi “Ai là chúa tể khu rừng này ?”. Voi chẳng nói chẳng rằng, dùng vòi túm lấy sư tử, quăng nó lên trời. Khi rơi xuống đất, con sư tử chóng váng mặt này, mình mẫy ê ẩm, nhưng cũng rán nói vớt vát : “Vì mi ngu quá chẳng trả lời nổi câu hỏi của ta nên ta không thèm ăn thua với mi” (Lon Jacobe).
  6. Mầm khác :

Thứ Bảy

Mt 9,35–10,1.6-8

A. Hạt giống…

Đoạn Tin Mừng hôm Thứ Tư (Mt 15,29-37) đã cho ta biết 2 hoạt động của Chúa Giêsu vì “chạnh lòng thương” dân chúng, đó là cứu chữa những người bệnh và nuôi những người đói. Đoạn Tin Mừng hôm nay cho biết thêm một hoạt động nữa của sự “chạnh lòng thương” ấy, đó là sai các tông đồ của mình đi truyền giáo cho dân chúng.

B…. nẩy mầm.

  1. Chủ đề bài đọc Cựu Ước, và sẽ được ứng nghiệm rõ ràng trong đoạn Tin Mừng : “Người động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin”.
  2. Khi thấy dân chúng lầm than như bầy chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu “chạnh lòng thương” nên sai các tông đồ đi loan Tin Mừng cho họ. Chỉ khi nào chúng ta “chạnh lòng thương” trước những người lương thì chúng ta mới hăng say loan Tin Mừng cho họ.
  3. “Chúa Giêsu phác họa ra một mẫu người truyền giáo đích thực : ra đi và tìm đến với người khác. Ra đi dĩ nhiên không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này đến nơi khác, mà thiết yếu là thái độ ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ ốc của mình để đến với tha nhân”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  4. “Thấy đoàn lũ bơ vơ” : Cái thấy, cái nhìn của Chúa Giêsu đáng chúng ta chiêm ngắm. Một cái nhìn bao la bát ngát, “mình vì mọi người”, khác hẳn cái nhìn thiển cận, bo bo ích kỷ chỉ lo thu quén cho bản thân của chúng ta.
  5. “Thấy dân chúng đông đảo, Đức Giêsu chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36)

“Trước đây tôi không phải là một kitô hữu. Tôi sống trong tuyệt vọng vì số phận đã bị kết án bởi sida. Thế rồi, nhờ một người bạn, tôi đã gặp Chúa. Bắt đầu từ một ánh mắt nhìn tôi, và tôi đã tin vào Chúa. Tôi đã tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, và nhận thức được giá trị đời mình ngay trong quãng đời vắn vỏi còn lại” (Thư của một bạn trẻ bị bệnh sida).

Chính sự cảm thông đã bừng lên niềm hy vọng và làm sống lại một cộc đời tưởng như đã bế tắc.

Lạy Chúa, xin cho con một con tim rộng mở, luôn biết cảm thông và trân trọng anh em đồng loại, để thế giới tràn đầy niềm hy vọng (Epphata)

  1. Mầm khác :