Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 10  Mùa Quanh Năm

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 10  Mùa Quanh Năm

 

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

LỄ CHÚA BA NGÔI

 

Thứ Hai :

Mt 5,1-12

* Đặt trong sơ đồ chung của Tin Mừng Mt :

Bắt đầu từ hôm nay, Phụng vụ chọn đọc Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu.

Các bài Tin Mừng từ hôm nay đến Thứ Sáu tuần XII (tức các chương 5-7) nằm trong Bài giảng trên núi, trong đó Chúa Giêsu công bố những giáo lý then chốt của Ngài để ai sống theo thì sẽ được vào Nước Trời.

A. Hạt giống…

Người ta đã quen gọi đây là bản hiến chương Nước Trời. Nước Trời là nước hạnh phúc. Muốn vào nước đó phải có 8 đức tính căn bản là :

  1/ Tâm hồn nghèo

  2/ Hiền lành

  3/ Sầu khổ

  4/ Khao khát nên người công chính

  5/ Xót thương người

  6/ Tâm hồn trong sạch

  7/ Xây dựng hoà bình

  8/ Chịu bách hại vì sống công chính

B…. nẩy mầm.

  1. Có thể quy tất cả 8 đức tính ấy vào một đức tính căn bản là “Tâm hồn nghèo”. Người có tâm hồn nghèo là người :

            . Mặt tiêu cực : không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này… (nói cách khác : không màng đến nước trần gian)

            . Mặt tích cực : chỉ ước ao sống tốt theo ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành của Thiên Chúa (nói cách khác : được sống trong Nước Trời)

Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo, nên có thể nói : hạnh phúc đích thực của kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Chúa.

  1. Hạnh phúc là gì ? Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa.
  2. Một hôm khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ :

– Nhân danh Chúa, ta hỏi mi : đâu là nơi hạnh phúc nhất ?

– Dĩ nhiên là thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì tất cả cũng chỉ là một con số không.

– Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng ?

– Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả mọi cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi !

Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc. (Chờ đợi Chúa)

  1. “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,11)

Ngày 19-6-1988, cả Giáo hội Việt Nam hân hoan vui sướng vì 117 vị tử đạo đã được phong hiển thánh. Những nỗi đớn đau tủi nhục vì Chúa Kitô của các ngài đã được chúc phúc.

Hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi những khó khăn, đớn đau và tủi nhục trong cuộc chiến cam go loại bỏ tật xấu, dứt khoát với tội lỗi, hay những suy nghĩ tiêu cực nơi chính bản thân. Cuộc chiến ấy đòi hỏi chúng ta phải can đảm.

Xin các thánh tử đao Việt Nam thông truyền cho chúng con dòng máu bất khuất của các ngài và giúp chúng con biết chiếu tỏa tôn nhan Thiên Chúa nơi chính con người và cuộc sống chúng con.

 

Thứ Ba :

Mt 5,13-16

A. Hạt giống…

Sau khi Chúa Giêsu cho biết phải có 8 đức tính để có thể vào làm công dân Nước Trời, Ngài khuyến khích các môn đệ cố gắng sống 8 đức tính ấy : người nào sống 8 đức tính ấy thì cuộc sống của người đó sẽ có ảnh hưởng tốt như muối và ánh sáng vậy. Hai hình ảnh xem ra khác nhau nhưng đều giống ở sức tác động tốt :

– Muối thì thấp hèn, âm thầm và khiêm tốn. Nhưng muối giữ cho môi trường chung quanh nó khỏi hư, lại mặn mà.

– Ánh sáng thì rực rỡ, huy hoàng. Ánh sáng soi cho người ta thấy rõ đường đi, nhận rõ các đồ vật.

– Cả hai đều phải chịu hao mòn hy sinh thì mới gây tác động : muối tan dần đi, ngọn đèn ngàng càng lụn xuống.

– Lý do tồn tại của cả hai là để gây tác động tốt : nếu muối không mặn và đèn không sáng thì không có ích gì nữa và phải bị vất đi.

B…. nẩy mầm.

  1. Thân phận và hoàn cảnh của mỗi kitô hữu khác nhau : có người âm thầm hèn mọn như muối, có người rực rỡ huy hoàng như ánh sáng. Nhưng mọi người đều có sứ mạng tác động tốt lên môi trường mình sống. Không tác động tốt thì không còn là kitô hữu nữa.

Là muối đất, là ánh sáng thế gian, hơn ai hết, kitô hữu chúng ta  cần phải thắp sáng lên niềm hy vọng bằng cuộc sống tỏa lan tình người. Dù chỉ là một ngọn đèn mù mờ giữa biển khơi, chứng từ của người kitô hữu vẫn luôn cần thiết cho cuộc sống.

  1. Muốn tác động tốt thì phải chấp nhận hy sinh, hao mòn.
  2. Muối làm cho thức ăn thêm ngon. Là muối của cuộc đời, kitô hữu phải sống sao cho người ta thấy được “khẩu vị” của cuộc sống, thấy sống mà vui, sống là đáng.

Ánh sáng làm cho khung cảnh thêm huy hoàng rực rỡ. Là ánh sáng thế gian, kitô hữu sống ở đâu thì nơi đó phải thêm hạnh phúc, tươi vui, lạc quan hơn.

  1. Có những lời nói và việc làm rất là vô tình nhưng gây một ảnh hưởng rất lớn. Đức Cha Fulton Sheen kể lại 2 câu chuyện như sau :

Tại Nam Tư, trong một lần giúp lễ, một cậu bé đã vô tình đánh rơi lọ nước. Vị Linh mục tức giận tát cậu bé và thét lên : “Cút đi, đừng bao giờ trở lại đây nữa”. Cậu bé đó đã không bao giờ trở lại nhà thờ nữa, bởi vì sau này cậu đã trở thành nhà lãnh đạo Nước Nam Tư xã hội chủ nghĩa. Cậu bé ấy tên là Titô.

Tôi còn nhớ tôi cũng là một cậu bé giúp lễ tại nhà thờ chính tòa, lúc đó tôi lên 7 tuổi. Trong một phiên giúp lễ, tôi cũng đánh rơi lọ rượu. Tôi sợ tưởng chết được, vì mấy cậu bé giúp lễ chúng tôi cứ nghĩ Đức Cha là người rất nghiêm khắc. Thế nhưng sau Thánh lễ, Ngài gọi tôi lại và hỏi : “Lớn lên con sẽ học ở trường nào ? Con có bao giờ nghe nói Louvain không ?” Tôi đáp “Thưa Đức Cha, chưa”. Ngài nói : “Vậy thì con về nói với mẹ con rằng khi lớn lên con sẽ vào học tại trường Đại học Louvain”. Tôi không ngờ rằng hai năm sau khi chịu chức Linh mục, tôi đã ngồi trên chuyến xe lửa trực chỉ Louvain.

Cũng một biến cố, nhưng tôi đã đi về hướng này, còn Titô thì đi về hướng ngược lại. (Chờ đợi Chúa)

  1. “Chính anh em là muối cho đời” (Mt 5,13)

Vừa rồi tôi có dịp ra Huế. Khi xe lên đèo Hải Vân, tôi thấy có mấy người công nhân đang đập đá, mặt nhễ nhại mồ hôi, chiếc áo bạc màu bám chặt lấy thân gầy. Và tôi tự hỏi : “Nếu không có những giọt mồ hôi đó, không có những tấm lưng cong oằn, cháy nắng ấy thì đèo Hải vân liệu có rộng hơn, đẹp hơn và an toàn hơn cho khách đi đường trong đó có tôi không ?

Có biết bao người trong xã hội đã và đang “ướp mặn” cho cuộc sống. Phần tôi, xấu hổ vì cảm thấy mình chưa thực sự là muối, là men cho môi trường mình đang sống.

Lạy Chúa, xin cho con trở thành muối cho đời qua công việc yêu thương và phục vụ hàng ngày. (Hosanna)

 

Thứ Tư :

Mt 5,17-19

A. Hạt giống…

Vì Chúa Giêsu dạy một số điều xem ra không đúng với luật Môsê và giáo huấn của các ngôn sứ theo lối giải thích của những người Pharisêu, nên nhiều người tưởng Ngài muốn huỷ bỏ Luật Môsê. Vì thế Ngài phải giải tỏa sự hiểu lầm ấy : Ngài không huỷ bỏ chúng mà là kiện toàn chúng.

– Kiện toàn bằng cách dạy người ta hiểu những khoản luật đó là ý muốn của Cha trên trời nên phải sống những khoản luật đó trong tinh thần Cha – con.

B…. nẩy mầm.

  1. Cuộc sống xã hội cần được luật pháp bảo đảm. Cuộc sống càng phức tạp thì mạng lưới luật pháp càng gia tăng. Một đàng con người cảm thấy được luật pháp bảo vệ, nhưng đàng khác cũng cảm thấy bị luật pháp đe doạ. Và sự đe doạ đáng sợ nhất là cái chết của tình người. Chúa Giêsu đến để chỉ cho con người thấy đâu là giá trị cao cả nhất và cũng là quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Giá trị và quy luật ấy chính là tình yêu. Một ngôi nhà đẹp đẽ đến đâu mà thiếu vắng tình người thì cũng giống như một nghĩa địa ; một xã hội tiến bộ đến đâu mà thiếu tình người thì chẳng khác nào một bãi sa mạc. Chúa Giêsu đến không phải để dẹp bỏ luật pháp nhưng là để kiện toàn, bằng cách đem lại cho nó một linh hồn, một sức sống. Linh hồn và sức sống ấy chính là tình yêu thương. (Chờ đợi Chúa)
  2. Truyện cổ Đông phương kể rằng : ngày xưa, có vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn kì diệu và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn nhiều kim cương lóng lánh. Nó kì diệu ở chỗ : nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, ngón tay rất đau đớn.

            Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là lề luật của Chúa. (Góp nhặt)

  1. Có hai thái độ quá khích đối với lề luật : một là thái độ vụ luật, vụ nguyên tắc, giữ luật một cách nô lệ không chút tình cảm ; hai là thái độ bất chấp ngang tàng sống như không có luật.
  2. “Ta không đến để huỷ bỏ lề luật nhưng để kiện toàn” : Trước một khoản luật mà tôi thấy khó chịu vì xem ra nó không còn thích hợp nữa, tôi phải làm gì ? Lời Chúa Giêsu dạy rằng tôi không nên đòi huỷ bỏ khoản luật ấy, nhưng tôi hãy tìm cách kiện toàn : kiện toàn bằng cách tìm hiểu tinh thần và ý nghĩa của nó, kiện toàn bằng cách đặt vào đó một tình thương.
  3. “Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều dăn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời” (Mt 5,19)

Một ngày nọ, các dấu chấm câu nghĩ rằng mình chẳng được đọc lên thành lời như các từ, nên buồn  tình rủ nhau bỏ đi hết. Thế là có người đọc như sau :

“nàng có ba người anh đi bộ

đội những em nàng…”

Chẳng phải tôi đã từng tự nhủ mình thế này hay sao :

– Tội nhẹ, chẳng sao cả !

– Một lần thì đã sao !

– Mình chỉ thử thôi mà.

Lạy Chúa, xin cho luôn nhớ rằng : “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10) (Hosanna)

 

Thứ Năm :

Mt 5,20-26

A.Hạt giống…

Chúa Giêsu đề ra lý tưởng sống cho người môn đệ : Phải công chính hơn những người biệt phái. Công chính của biệt phái là lo giữ luật cách chín chắn không sơ sót chút nào cả, nhưng họ giữ luật một cách máy móc không chút tâm tình. Còn sự công chính của các môn đệ Chúa là giữ mọi khoản luật với tâm tình yêu thương, thương người như anh em và thương Chúa như cha mình.

Sau đó Chúa Giêsu đưa thí dụ về cách giữ một số khoản luật :

– Luật “không được giết người” : môn đệ Chúa không chỉ tránh giết người mà còn phải cố gắng sống với mọi người bằng tình anh em, vì thế không nên phẫn nộ với anh em, không nên chửi rủa anh em.

– Luật dâng lễ vật : lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất là cuộc sống đầy tình yêu thương. Do đó trước khi dâng lễ vật, phải lo hoà giải với những anh em nào có chuyện bất hoà với mình.

B…. nẩy mầm.

  1. Có hai thứ thước để đo mức công chính : thước đo của người biệt phái là xem mình có giữ luật đàng hoàng không ; thước đo của người môn đệ Chúa là xét xem mình có sống trọn tình thương không. Tôi thường dùng thứ thước nào ?
  2. Cách nói cường điệu của Chúa Giêsu khi giải thích khoản luật “chớ giết người” cho tôi thấy thêm được rằng giận, mắng và chửi một người anh chị em cũng là một cách giết chết người đó. Giết chết người anh em bởi vì tôi không coi người đó là anh em nữa nên mới nặng lời như thế. Trong lòng tôi “người anh em” kể như đã chết rồi, chỉ còn là một người dưng, một kẻ thù.
  3. Nếu Chúa đã coi việc làm hoà trọng hơn của lễ, thì tôi có biết bao của lễ có sẵn hằng ngày trong cuộc sống chung đụng và nhiều va chạm này. Sao tôi không dâng cho Chúa ?
  4. “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng : chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà” (Mt 5,21)

Phần lớn chúng tôi, những người trẻ, không giết người nhưng lại thường “giết” mình. Tội ấy có đáng xét xử không ? Chúng tôi ít khi hỏi mình như thế bởi còn mải đắm say với men rượu, men tình… trong những cuộc ăn chơi phóng túng. Kết cuộc là huỷ hoại thể xác và tâm hồn, trí não và tương lai của mình cách thảm hại.

Lạy Chúa, xin cho giới trẻ chúng con biết quý trọng sự sống, và giúp nhau vun trồng sự sống, sự sống mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng con. (Hosanna)

 

Thứ Sáu :

Mt 5,27-32

A.Hạt giống…

Chúa Giêsu tiếp tục giải thích về tinh thần mới trong khi giữ luật. Hôm nay Ngài bàn đến luật hôn nhân và khiết tịnh :

Điều quan trọng nằm ngay trong con tim chứ không phải nơi những thể hiện bên ngoài. Do đó phải giữ trọn con tim mình cho người mình đã cùng cam kết, và bất cứ sự gì có thể đẩy mình vi phạm cam kết đó thì mình phải ngăn chận từ gốc rễ : một cái nhìn, một ước muốn v.v.

B…. nẩy mầm.

  1. Phải thừa nhận rằng thứ văn minh thời nay không được sạch. Khi đề cập quá nhiều đến giới tính, xem ra nó đề cao giới tính, nhưng thực chất là hạ thấp giới tính vì nó khiến người ta không còn tôn trọng giới tính nữa, coi đó là một thú vui, một nhu cầu mà mình có quyền thoả mãn một cách dễ dàng… Sống trong bầu khí thiếu trong sách đó, không nhiều thì ít tôi cũng bị lây nhiễm. Hôm nay tôi phải tự kiểm : tôi có tôn trọng giới tính của tôi không ? Tôi có tôn trọng những người khác phái không ? Tôi có cương quyết dứt khoát với những cám dỗ không ?
  2. Ngoại tình nghĩa là không chung tình. Bất cứ hình thức san sẻ nào, dù chỉ là một chút san sẻ, cũng là ngoại tình. Tôi đã hứa dành tình yêu của tôi cho ai ? Tôi có san sẻ cho ai khác không ? San sẻ như thế nào ?
  3. Muốn chung tình thì phải từ bỏ.

“Tôi vứt bỏ mọi cám dỗ ma quái trong đời cùng với nét phù du của chúng. Tôi sẽ vút lên khỏi đỉnh núi cao. Tôi tự do ! Tôi tự do !” (Xác quyết)

  1. Đức Hồng y Roncalli (sau là Giáo hoàng Gioan 23) ngày kia dự tiếp tân bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy cực kì ngắn. Ngài tỏ vẻ khó chịu bằng cách suốt bữa tiệc làm như không biết bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Rất hân hạnh, bà nói :

– Tôi không biết phải cám ơn Ngài thế nào. Nhờ đâu tôi được Ngài ưu ái như thế  ?

Ngài chăm chăm nhìn bà rồi nói  :

– Sau khi Evà ăn quả táo, bà ta mới nhận ra là mình thiếu quần áo. (Góp nhặt)

 

Thứ Bảy :

Mt 5,33-37

A. Hạt giống…

Tiếp tục giải thích về sự công chính mới, hôm nay Chúa Giêsu dạy về sự trung thực trong lời nói :

Điều cốt yếu của lời nói là trung thực “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”. Một khi đã trung thực trong lời nói thì không cần thề nữa.

B…. nẩy mầm.

  1. Thời nay, lời nói thay vì để thông đạt sự thật, đã trở thành phương tiện giúp đạt được điều người ta mong muốn : nói sao cũng được, miễn đạt được mục đích thôi. Trong làm ăn, trong chính trị đã thế, mà buồn thay trong Giáo Hội và trong những cộng đoàn huynh đệ nhiều khi cũng thế.

“Đi hỏi già, về hỏi trẻ” vì trẻ con rất trung thực. Phải chăng người thời nay đã già cỗi quá rồi, đã đánh mất sự trung thực hồn nhiên của tuổi thơ ? Bởi đó Chúa Giêsu nói “Ai không trở nên như trẻ thơ thì chẳng được vào Nước Trời”.

  1. Lỗi về sự trung thực không phải chỉ là nói dối, vu khống, mà còn là nói lệch đi một chút (xuyên tạc), hứa mà không làm, hẹn mà không giữ đúng…
  2. Trung thực : Người cha có hai con gái ở tuổi thanh xuân. Một cô rất đẹp và cô kia dáng vẻ bình thường. Ngày nọ, khi cả hai đang chuẩn bị tới trường, cô kém đẹp hơn nhìn vào gương, rồi phàn nàn với cha rằng gương này phản chiếu không trung thực vẻ đẹp của cô.

Thay vì giận dữ, ông bố khuyên các con  : “Ba muốn cả hai con nhìn vào gương đó mỗi ngày. Các con có được vẻ đẹp tự nhiên, phải tự nhắc mình đừng bao giờ làm mất đi vẻ đẹp của khuôn mặt bằng những hành động xấu. Và con là người không đẹp, con có thể che giấu sự thiếu vẻ đẹp đó bằng sự duyên dáng nơi những đức tính và cách cư xử đẹp của con.” (Góp nhặt)

  1. “Có thì phải nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”

Mỗi lần tôi xa nhà, mẹ tôi đều căn dặn : con phải sống thật thà với Chúa, với mọi người xung quanh và với chính mình. Mẹ ước mong cho tôi nên người có giá trị, luôn có lòng tự trọng và biết tôn trọng người khác. Để được như thế, tôi không nên nghi ngờ, dối gian, mà phải sống trung thực, đặc biệt trong lời nói. Chúa cũng đã dạy tôi như vậy “có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”

Lời dặn của mẹ nà lời dạy của Chúa còn đó. Nhưng tôi đã không đủ can đảm thực thi, để rồi lời dăn dạy ấy như gió thoảng, chợt đến rồi vội đi.

Lạy Chúa, xin dạy con biết làm chủ suy nghĩ và làm chủ miệng lưỡi con, vì thật thà là dấu chỉ của con cái Chúa, quanh co gian lận là sản phẩm của Satan. (Hosanna)

LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM C

Ga 16,12-15

A. Hạt giống…

Có thể coi đoạn Tin Mừng này là giáo lý về Chúa Thánh Thần : Chúa Thánh Thần là Thầy dạy Kitô hữu.  Ngài sẽ dạy Kitô hữu biết sự thật, sự thật toàn vẹn.

B… nảy mầm.

  1. “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con nhưng bây giờ chúng con không chịu nổi. Khi nào Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn chúng con tới sự thật toàn vẹn”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta biết về Chúa Thánh Thần : Sau khi vạch cho chúng ta thấy những sai lầm của mình, Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn chúng ta đến sự thật, sự thật toàn vẹn :

– Xã hội mà chúng ta đang sống là một xã hội nhiều gian dối, ngay cả mỗi người đối với bản thân mình mà cũng thường tự dối gạt mình : mình xấu mà mình nghĩ mình tốt, mình sai mà mình nghĩ mình đúng. Tất cả những sự dối trá đều gây hại, ngược lại, sự thật thì có lợi, như lời Chúa nói “Sự thật sẽ giải thoát chúng con”. Bởi thế mỗi người chúng ta đều cần biết sự thật, nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần : thỉnh thoảng chúng ta nên xét mình thành thật trong ánh sáng Chúa Thánh Thần, xin Ngài cho ta hiểu rõ con người mình như thế nào, còn những gì yếu kém cần sửa đổi.

  1. Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn ta đến sự thật, không phải chỉ là sự thật về bản thân mình như vừa nói trên, mà còn là sự thật toàn vẹn. Sự thật toàn vẹn là gì ? Đó chính là điều Chúa Giêsu ngụ ý trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không có sức chịu nổi”. Trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu vừa mới nói hé một chút thì các môn đệ đã không chịu nổi nên Chúa Giêsu thôi không nói nữa. Thí dụ khi hai người con của bà Giêbêđê đến xin Chúa cho họ được ngồi hai bên tả hữu Ngài, Chúa Giêsu hỏi lại “Nhưng chúng con có uống nổi chén đắng của Thầy không ?” Hai ông tuy đáp liều là nổi nhưng sau đó không dám xin nữa và Chúa Giêsu cũng không nói thêm gì nữa. Trong câu chuyện ấy, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa nói rõ chính là chén đắng. Một lần khác Chúa Giêsu vừa mở miệng báo tin Ngài sẽ bị bắt bị hành hạ và bị giết chết, thì Phêrô cũng không chịu nổi nên vội lên tiếng can ngăn. Trong chuyện này, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa thể nói rõ chính là mầu nhiệm đau khổ của Thập giá. Trong đêm thứ năm trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô lại một lần nữa không chịu nổi nên cự nự “Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con”. Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ. Tóm lại sự thật toàn vẹn là các môn đệ phải chấp nhận số phận của Thầy mình, phải tự khiêm tự hạ, phải chịu đau khổ chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng trong tất cả những lần kể trên Chúa Giêsu không nói hết ý nghĩ của mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi. Về sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy, và khi đó, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu : một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra Thượng Hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách Công vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân nguy hiểm vì loan báo Tin Mừng, ngài nói “Tôi sung sướng vì được thông phần cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô trong thân xác tôi”. Ngài còn nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”, cái thập giá mà những người trí thức Hy lạp coi là điên rồ và những người Do thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm.
  2. “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”.

“Giêsu, ông là ai ?”. Đó là câu hỏi của nhân vật Giuđa Iscariot trong tác phẩm “Giêsu, ông là ai ?” của nhà văn Dominico Donrio. Câu chuyện được mở ra với bầu khí chờ đợi Đấng Mêssia của dân Israel. Khi Đức Giêsu đến chịu phép rửa, Gioan đã loan báo về Người ; lúc đó, Đức Giêsu biến mất. Mọi người đổ xô đi tìm Người. Chính quyền thì lùng bắt để giết đi. Quân cách mạng thì tìm để tôn vinh. Trong khi ấy, Đức Giê su lại âm thầm đến với cộng đoàn Esseniens, nơi Giuđa Iscariot làm thủ lãnh.

Họ hiểu Ngài, đón Ngài, nhưng họ lại không thể chấp nhận Ngài, vì không chịu nổi những gì Ngài nói, cách Ngài xử thế và Giáo lý Ngài truyền dạy.

“Giêsu, Ngài là ai ?” là câu hỏi của các môn đệ và người đương thời. “Giêsu, Ngài là ai ?” cũng là câu hỏi cho tôi khi đối chất với lời Ngài, nhất là khi giáo lý của Ngài đòi tôi phải lội ngược dòng.

Lạy Chúa, chỉ trong Chúa Thánh Thần, các muôn đệ mới hiểu và tin vào lời Ngài, một hiểu biết mang lại sức mạnh cho các ông đón nhận mầu nhiệm tử nạn và Phục Sinh của Ngài. Và con cũng thế, sẽ chẳng hiểu được lời Ngài dạy trong cuộc sống, nếu không có Thần Khí của Ngài hướng dẫn Nguyện xin Thánh Thần Chúa tỏa trên chúng con. (Epphata)

  1. “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. (Ga 16,13a)

Chúa Giêsu đã chọn những ngư phủ quê mùa dốt nát làm tông đồ của Ngài. Dù sống với Ngài đã 3 năm, cùng ăn uống đồng bàn với Ngài, đi theo nghe Ngài giảng, thế mà các ông chẳng hiểu những gì Ngài nói và làm.

Nhiều lần trong cuộc sống, tôi mù tối, chẳng hiểu nổi kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời tôi. Vì thế, tôi lo âu, sợ hãi…

Lạy Chúa, Chúa đã phục sinh và ban Chúa Thánh Thần cho chúng con. Xin cho con mở lòng để đón Thần Khí Sự thật ấy. (Hosanna)