HẠT GIỐNG NẨY MẦM – MÙA QUANH NĂM –
– TUẦN 12 –
Thứ Hai :
Mt 7,1-5
A. Hạt giống…
Hôm nay Chúa Giêsu dạy về sự đoán xét :
- Thiên Chúa sẽ xét đoán chúng ta tuỳ theo cách chúng ta xét đoán người khác. Trong những câu sau đây, ta phải luôn hiểu ngầm chữ Thiên Chúa :
– “Các con đừng đoán xét để khỏi bị (Thiên Chúa) đoán xét”
– “Các con đoán xét thế nào thì các con cũng bị (Thiên Chúa) đoán xét như vậy. Các con dùng đấu nào mà đong thì (Thiên Chúa) cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy”
- Thay vì đoán xét người khác, mỗi người hãy lo đoán xét chính mình : “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi… Hãy lấy cái đà trong mắt ngươi trước đã…”
B…. nẩy mầm.
- Tại sao tôi thích đoán xét người khác ?
– Lý do “có vẻ chính đáng” là tôi yêu thích sự thiện, do đó khi thấy người khác không thiện thì tôi lên án.
– Nhưng ngoài lý do “có vẻ chính đáng” ấy ra, còn nhiều lý do không chính đáng chút nào mà khoa tâm lý có thể vạch trần ra : a/ do cái tính ác nằm sẵn trong người tôi, tôi thích “hạ” kẻ khác và ngầm sung sướng một cách vô thức khi người khác bị “hạ” ; b/ đó là một cách cạnh tranh kiểu tiểu nhân : hạ người khác để nâng tôi lên. Khi tôi nói rằng người đó không tốt là một cách gián tiếp cho rằng tôi tốt.
- Đức Giám mục Fulton Sheen đưa ra một tiêu chuẩn như thế này : tôi thường xét đoán người khác về khuyết điểm gì, đó là dấu tôi có chính khuyết điểm đó.
- “Phê và tự phê”, đó là một khẩu hiệu rất hay vì nó nhắc ta không nên chỉ làm một việc là phê phán người khác, nhưng phải làm thêm việc phê phán chính mình nữa. Tuy nhiên khẩu hiệu này cũng chưa hay bằng giáo huấn của Chúa Giêsu : Ngài dạy tự phê trước rồi sau đó mới phê phán người ta.
- Một hôm Satan thích chí vô cùng vì đã phát minh được một cái gương kỳ diệu : bất cứ điều gì nhìn trong tấm gương ấy cũng đều bị đảo lộn. Một khuôn mặt kiều diễm nhất nhìn vào tấm gương cũng biến thành xấu xí ghê rợn. Satan nghĩ có thể đưa tấm gương lên thiên đàng để gây chia rẽ giữa Thiên Chúa và các thiên thần.
Satan liền đội tấm gương lên đầu bay thẳng lên trời. Dọc đường hắn nhìn vào tấm gương và càng thích thú khi thấy khuôn mặt xấu xí của hắn càng xấu hơn. Nhưng càng bay gần đến thiên đàng thì hắn càng thấy khuôn mặt hắn xấu thê thảm. Cứ thế, chưa đến cửa thiên đàng thì hắn không còn chịu nổi vẻ xấu xí thô bạo của hắn nữa. Tay hắn run lẩy bẩy và đánh rơi tấm gương xuống trần gian. Tấm gương vỡ từng mảnh và lan tràn mắt đất. Đó là khởi đầu đại hoạ cho con người : từng hạt cát nhỏ bám vào mắt ai thì nằm mãi ở đấy, và người đó chỉ còn thấy cái xấu trên thế gian này mà thôi.
Câu chuyện trên muốn nói rằng : nhìn thấy cái xấu nơi người khác không phải là điều tự nhiên nơi con người, đó là một cái nhìn của quỷ.
Nơi mỗi người, vẻ đẹp của Thiên Chúa vẫn còn chiếu sáng. Chính cái nhìn này mới là nền tảng cho đức ái kitô giáo. (Chờ đợi Chúa)
Thứ Ba :
Mt 7,6.12-14
A. Hạt giống…
Đoạn Tin Mừng này gồm 3 giáo huấn :
- “Đừng lấy của thánh mà vất cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo”. Nhóm CGKPV giải thích như sau : “Chúa muốn nói rằng không được trình bày những điều cao si6u thánh thiện cho những kẻ không đủ khả năng tiếp thu, mục đích là tôn trọng sự linh thánh và tránh không để cho người ta xúc phạm”.
- “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con thì chính các con hãy làm cho người ta như thế”
- “Các con hãy vào (Nước Trời) qua cửa hẹp”
B…. nẩy mầm.
- “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con thì chính các con hãy làm cho người ta như thế”. Chuyện có thật sau đây minh hoạ rất tốt cho lời khuyên này :
Một hôm, một phụ nữ đến thăm nhà một người bạn và tình cờ đọc được một câu rất ngông dán trên tủ lạnh nhà ấy : “Hãy thực thi sự tử tế một cách càn dở và những cử chỉ đẹp một cách vô nghĩa”. Bà chép câu này đem về dán ở nhà mình và quyết làm theo. Chồng bà, một giáo viên, thấy câu đó cũng thích và đem chép lên bảng trong lớp học. Một học sinh cũng thấy hay nên chép về cho cha mình. Ông này là biên tập viên của một nhật báo địa phương nên ông lại đưa lên báo. Chẳng mấy chốc, câu nói như vết dầu loan đã lan rộng nhiều nơi tại Mỹ và đã thúc đầy được nhiều cử chỉ đẹp rất “vô nghĩa”. Thí dụ tại Chicago, một buổi sáng có một thiếu niên tự động đến từng nhà của những người hàng xóm và cào tuyết trước gara đâu xe ; tại Saint Louis, một người đàn ông bình thường rất cau có nhưng một hôm ông ra đường bị một chiếc xe khác quệt trầy xe ông, ông thò đầu ra khỏi xe, mỉm cười nói “Không có gì đâu” ; tại San Francisco, một người đàn bà dừng xe để đóng thuế qua cầu San Francisco chẳng những cho xe mình mà còn cho một dãy xe phía sau. (Chờ đợi Chúa)
- “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua lối đó. Còn cửa hẹp vào đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” *(Mt 7,13-14)
Mọi người cho rằng tôi “không bình thường” khi có ý định bỏ thành phố lên Đà Lạt học.
Mà cũng đúng thôi, bỏ thành phố lên “núi”… xa gia đình, không họ hàng, không bè bạn… Tôi suy nghĩ thật nhiều và cuối cùng cũng quyết định ra đi.
Cuộc sống thành thị đầy hứa hẹn, nhưng tôi muốn chọn cho mình một con đường, mà ở đó mình dễ gặp lại mình, gặp lại anh em, quê hương và đồng loại. Đó là con đường của Chúa Giêsu. Và tôi nguyện là khách lữ hành tìm theo dấu chân Người.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra rằng ở cuối con đường hẹp và chông gai này là chính Chúa dang tay đón chờ con. (Hosanna)
Thứ Tư :
Mt 7,15-20
A. Hạt giống…
Lời Chúa hôm nay dạy cách nhận định khách quan. Nhưng trước hết ta cần lưu ý rằng lời dạy này không mâu thuẫn với lời dạy hôm Thứ Hai là đừng đoán xét người khác. Đoán xét là chỉ mới thấy một số hiện tượng đã vội kết luận và kết án. Còn nhận định khách quan là căn cứ vào kết quả để biết con người. Đoán xét dễ chủ quan, còn nhận định thì phải khách quan. Đoán xét đưa đến việc lên án người khác, còn nhận định chỉ để rút ra suy nghĩ và chọn lựa cho chính mình. Trong cuộc sống, ta không nên đoán xét nhưng phải khôn ngoan nhận định cách khách quan.
Nhận định khách quan dựa trên tiêu chuẩn “Xem quả biết cây”.
B…. nẩy mầm.
- Hãy xem “cây” đạo đức của chính bản thân mình. Hoa lá cành là những việc dự lễ, đọc kinh, cầu nguyện, lời tôi nói và dạy người khác…. Còn “quả” là lòng yêu mến chân thành đối với Chúa và tha nhân thể hiện qua những việc bác ái, là cách ứng xử của tôi trong những lúc khó khăn, là cách tôi chọn lựa… Phải chăng tôi là một cây mà hoa lá cành rất xum xuê nhưng “quả” thì không có được bao nhiêu.
- Ta hãy nhớ bài ca bác ái của Thánh Phaolô : “Giả như tôi nói được các thứ tiếng… Giả như tôi được ơn nói tiên tri… Giả như tôi có đem hết tài sản mà bố thí…. mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-3).
- “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong họ là sói dữ tham mồi” (Mt 7,15)
Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội để trở thành người Kitô hữu, tôi được tham dự vào chức vụ : Tư tế, Vương giả ngôn sứ của Đức Kitô.
Một khi mang trong mình chức vụ ngôn sứ, tôi phải truyền đạt sứ điệp của Thiên Chúa cho những người chung quanh qua lời nói, hành động và cuộc sống của tôi.
Lắm lúc tôi chỉ là một tiên tri giả. Đó là lúc tôi không hoà hợp được niềm tin vào cuộc sống ; mang danh Kitô nhưng không sống những cam kết của mình ; đóng khung niềm tin của mình trong bốn bức tường nhà thờ thay vì thể hiện niềm tin ấy qua những tiếp xúc hàng ngày với tha nhân.
Giờ đây, Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở thành những ngôn sứ đích thực của Chúa, luôn biết nói những điều Chúa truyền dạy và sống những điều đó. (Hosanna)
Thứ Năm :
Mt 7,21-29
A. Hạt giống…
Từ Thứ Hai tuần 9 đến hôm nay, chúng ta lần lượt đọc Bài giảng trên núi trong đó Chúa Giêsu công bố hiến chương Nước Trời, rồi dạy cho những người muốn làm công dân Nước Trời biết cần phải có những đức tính và những điều kiện nào. Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết của Bài giảng trên núi ấy. Trong đoạn nay, Chúa Giêsu nhắc lại một điều quan trọng cơ bản : phải đem ra thực hành những điều đã nghe :
– “Không phải những người nói ‘Lạy Chúa lạy Chúa’ là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có những người thực hiện ý Cha Thầy trên trời mới được vào Nước Trời”.
– Kẻ nghe và thực hành thì giống như người xây nhà trên nền đá vững chắc, kẻ chỉ nghe nhưng không thực hành giống như người xây nhà trên cát.
B…. nẩy mầm.
- “Lạy Chúa, lạy Chúa”, đó là công thức cầu nguyện, đọc kinh. Chúa Giêsu khẳng định rằng ngay cả việc đọc kinh cầu nguyện cũng chưa đủ để đưa tôi vào Nước Trời ; có một việc quan trọng hơn, thậm chí quan trọng nhất, đó là thực hành ý Chúa Cha.
– Hằng ngày tôi lấy làm thoả mãn khi đã tham dự đầy đủ các giờ đọc kinh cầu nguyện.
– Ngay trong lúc đọc kinh cầu nguyện, tôi cũng không quan tâm tìm hiểu xem ý Chúa muốn tôi làm gì.
- Một tu sĩ nọ sáng nào cũng thức dậy sớm để đọc kinh cầu nguyện. Nhưng một hôm ông ngủ quên. Satan đã đánh thức ông dậy và nhắc ông đọc kinh cầu nguyện. Ông ngạc nhiên hỏi lý do, Satan chỉ cười cười không đáp. Sau cùng ông nhân danh Chúa bảo Satan phải nói thật. Và Satan đã nói thật như sau :
– Những ngày ông có đọc kinh cầu nguyện buổi sáng, ông cảm thấy tự mãn và do đó không đề phòng, nên tôi dễ cám dỗ ông hơn. Còn nếu ngày nào ông quên đọc kinh cầu nguyện buổi sáng, ông sẽ thấy ông còn thiếu sót nên trong ngày ông cố gắng sống tốt theo ý Chúa, tôi khó mà cám dỗ ông được (Góp nhặt).
- Người đã đọc kinh cầu nguyện nhiều nhưng không quen làm theo ý Chúa thì cũng như xây nhà trên cát. Khi gặp hoàn cảnh thử thách khó khăn, tòa nhà đạo đức của người đó sẽ sụp đổ tan tành.
- “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7,24)
Bầu khí ồn ào của nhà bên cạnh làm tôi chú ý.
“Mẹ nói hoài sao con không nghe, bây giờ phải ráng chịu. Thật đúng là “cá không ăn muối cá ươn”.
Lát sau, tôi mới hiểu cô bé nhà bên mới thi rớt. vì ham chơi, đua đòi với chúng bạn nên cô đã không nghe lời cha mẹ khuyên bảo, hoặc có nghe nhưng rồi đâu cũng vào đấy, chừng nào tật ấy
Cũng như cô bé này, tôi nghe lời Chúa mỗi ngày nhưng tôi chẳng có để tâm thi hành.
Xin Thánh Thần Chúa xuống trên con, dạy con biết lắng nghe lời Chúa, nhận ra Thánh ý Ngài và cố gắng thi hành trong đời con. (Hosanna)
Thứ Sáu :
Mt 8,1-4
* Đặt trong sơ đồ chung của Tin Mừng Mt :
Hai chương 8-9 của Mt (Từ hôm nay đến Thứ Ba tuần XIV) trình bày những hoạt động của Đức Giêsu (mà phần lớn là chữa bệnh) để rao giảng Nước Trời.
A. Hạt giống…
Chúa Giêsu làm phép lạ chữa một người cùi.
– Thời đó, cùi bị coi là một chứng bệnh nan y. Nhưng Chúa Giêsu đã chữa người này một cách rất dễ dàng : “Ta muốn, anh hãy lành bệnh. Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh cùi”.
– Người ta coi người cùi là hạng ô uế, kẻ nào chạm tới người cùi thì cũng bị lây ô uế. Nhưng Chúa Giêsu đã dám đưa tay chạm vào người cùi này.
– Đã giúp thì giúp cho trót. Chúa Giêsu chẳng những chạm tới người cùi và làm cho anh hết bệnh. Ngài còn nhắc anh đi trình diện tư tế và dâng lễ vật để được xác nhận khỏi bệnh.
– “Hãy đi trình diện tư tế… để minh chứng cho họ biết”. Biết gì ? a/ biết nạn nhân đã khỏi bệnh cùi ; b/ Chúa Giêsu cũng nhắn một sứ điệp đến các tư tế : nếu họ nhớ tới những lời các ngôn sứ thì khi thấy người cùi này được Ngài chữa khỏi thì họ sẽ biết Ngài chính là Đấng Messia.
B…. nẩy mầm.
- “Đám đông dân chúng đi theo Ngài” : các nhà nghiên cứu Thánh Kinh gọi giai đoạn này là “Mùa xuân Galilê”, Chúa Giêsu được người ta ngưỡng mô và đi theo rất đông. Nhưng chẳng bao lâu sau sẽ tới “Mùa thu” rồi “Mùa Đông Giêrusalem”, người ta lần lượt bỏ Chúa, thậm chí quay lại chống Ngài và đòi Ngài phải chết. Tình cảm hay cảm xúc chỉ là lửa rơm, bạo phát bạo tàn. Chỉ có đức tin mới trung kiên bền vững.
Lạy Chúa, con xin dâng cho Chúa tình cảm và cảm xúc sốt sắng hôm nay của con. Con cám ơn Chúa đã an ủi con bằng những cảm xúc êm dịu này. Nhưng con xin Chúa biến những cảm xúc này thành đức tin, để giả như sau này có lúc nào đó con không còn cảm thấy sốt sắng nữa thì con vẫn một niềm trung kiên với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.
- Ngày nay bệnh cùi không còn là một chứng nan y bất trị. Nhưng vẫn còn rất nhiều “người cùi” kiểu khác bị người ta ghê tởm tránh xa, chẳng hạn những người nghèo dơ dáy hôi hám, những người mang cá tính bị người khác ghét bỏ, những người lỡ mang tai tiếng khiến người ta không dám tiếp xúc vì sợ bị vạ lây… Chúa đã dám “giơ tay ra chạm đến” người cùi. Xin Chúa cũng giúp con có can đảm “giơ tay ra” đối với những người ấy.
- “Kìa một người bị phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói : “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,2)
– Cháu đi lễ.
– Ác cảm với mọi người.
– Lầm lì, cau có.
– Lắng nghe anh em ư ? Không !
– Rộng lòng thương người nghèo ư ? Không
– Học hành ư ? Học để làm gì chứ !
– Tội lỗi đầy mình ư ? Không quan trọng !
Diện mạo của cái “thằng tôi” đấy ! Tôi buông thả. Tôi lún sâu vào tội lỗi. Mọi người xa lánh tôi, sợ tôi. Tôi đã trở thành người phong hủi thật sự.
Những kẻ phong hủi xưa kia đã chạy đến với Chúa.
Lạy Chúa, xin cứu chữa con. (Hosanna)
Thứ Bảy :
Mt 8,5-17
A. Hạt giống…
Phép lạ thứ nhất Chúa Giêsu làm (chữa một người cùi) là chữa một chứng bệnh bị coi là nan y, để đưa một người bị khai trừ trở về hội nhập với cộng đoàn xã hội. Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật 3 phép lạ nữa :
– Đối tượng của phép lạ thứ hai là một người ngoại, cũng là một người bị xã hội do thái khai trừ.
– Đối tượng của phép lạ thứ ba là nhạc mẫu của Phêrô, một phụ nữ, cũng thuộc hạng bị xã hội do thái coi khinh.
– Sau đó Chúa Giêsu chữa rất nhiều người bị quỷ ám và mắc nhiều chứng bệnh khác nhau, để làm ứng nghiệm lời tiên tri Isaia về Đấng Messia Tôi Tớ “Ngài đã gánh lấy tất cả bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta”.
B…. nẩy mầm.
- Chúa Giêsu không loại trừ ai. Trái lại, ai càng bị loại trừ thì Chúa càng ưu ái với người đó và giúp họ trở về với cộng đoàn yêu thương.
Xét mình kỹ, tôi thấy mình có phần giống Chúa nhưng cũng có phần khác Chúa. Giống Chúa ở chỗ tôi có cố gắng yêu thương giúp đỡ những người tội lỗi, bệnh tật, nghèo nàn mà tôi gặp ở bên ngoài cộng đoàn tôi đang sống. Nhưng khác Chúa ở chỗ tôi loại trừ một số anh chị em đang cùng tôi chung sống trong cộng đoàn. Xin Chúa giúp con sống yêu thương với hết mọi người, và xin Chúa nhắc con nhớ “Bác ái phải bắt đầu từ những người gần mình nhất”.
- Viên đại đội trường này tuy là người ngoại nhưng đã dạy tôi một cách cầu nguyện rất đẹp :
– Ông không xin gì cho mình cả mà xin cho người khác. Mà người khác đó chỉ là một tên đầy tớ của ông. Thường những lời cầu nguyện của tôi chỉ lẩn quẩn quanh cái tôi của bản thân mình và của một ít người thân của mình.
– Thực ra ông cũng chẳng xin nữa. Ông chỉ kể cho Chúa nghe hoàn cảnh của ông, rồi để tuỳ Chúa định liệu. Ông lại còn nói mình không xứng đáng. Ngược lại, nhiều khi tôi xin Chúa mà như ra giá cho Ngài.
- Cha Charles de Foucauld cũng cầu xin Chúa rất nhiều. Nhưng Cha luôn kết thúc bằng câu Chúa đã nói ở vườn Cây Dầu “Nhưng xin đừng theo ý con mà hãy theo ý Chúa”. Một cách cầu xin vừa đơn sơ ở chỗ muốn gì cứ thành thật bày tỏ, nhưng cũng vừa phó thác.
- Khi bị rơi vào hoàn cảnh thương đau, tôi thường ngã lòng không muốn cầu nguyện nữa. Như thế là tôi đã quên rằng Chúa là Đáng “gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta”. Tôi đã quên lời mời gọi ưu ái của Ngài “Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho anh em được nghỉ ngơi bồi dưỡng”.