Hạt Giống Nẩy Mầm  Tuần 2 Phục Sinh

print

Hạt Giống Nẩy Mầm  Tuần 2 Phục Sinh

Từ Tuần 2 Phục sinh đến hết Mùa Phục sinh, tất cả các bài Tin Mừng ngày trong tuần đều được chọn từ Tin Mừng theo thánh Gioan. Đây là những bài giáo lý dạy cho người tân tòng (vừa mới được Rửa Tội trong Lễ Vọng Phục sinh) nhằm giúp họ hiểu sâu hơn về các Bí tích căn bản trong đời sống kitô hữu : Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thánh Thể, cuộc sống mới trong Chúa Giêsu Kitô v.v. Việc suy gẫm những đoạn Tin Mừng này có thể giúp chúng ta làm mới lại cuộc sống kitô hữu của mình.

 

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

Thứ Hai :

Ga 3,1-8

 

A. Hạt giống…

Phụng vụ dùng cuộc Đối thoại của Chúa Giêsu với Nicôđêmô làm bài giáo lý thứ nhất, dạy về Bí tích Rửa tội (Bí tích tái sinh) :

Bài Tin Mừng hôm nay dạy về sự cần thiết phải sinh lại :

– Nicôđêmô là “một đầu mục của người do thái”, nghĩa là về mặt xã hội ông là bậc cao niên đáng kính, về mặt tôn giáo ông là người có học thức và đạo đức. Dù vậy ông vẫn tìm đến Chúa Giêsu để học hỏi thêm.

– Điều đầu tiên Chúa nói với ông là sự cần thiết phải sinh lại : “Thật, tôi bảo cho ông biết : Nếu ai không sinh lại bở trên thì chẳng được thấy Nước Thiên Chúa”.

– “Sinh lại” không theo nghĩa thể lý (“Một người đã già làm sao có thể sinh lại ? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao ?”),mà theo nghĩa thiêng liêng (“Sự gì sinh bởi huyết nhục thì là huyết nhục, và sự gì sinh bởi thần linh thì là thần linh”.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Maurice Zundel đã viết : “Chúng ta không sinh ra đã thành người (…) Con người có bổn phận phải thành người (…) Sách Tin Mừng nói “phải sinh lại”. Có một lần sinh thứ hai, đó là sinh con người, sinh phẩm cách, sinh tính bất khả xâm phạm, sinh sự trường tồn bất tử, lần sinh mà không có nó không thể thành người” (Trích “Sự hiện diện khiêm hạ”).
  2. Một người như Nicôđêmô, vừa cao niên, vừa thông thái, vừa đạo đức, thế mà Chúa Giêsu bảo ông cần phải sinh lại. Huống chi là tôi, bởi vì trong tôi hiện còn rất nhiều điều chưa đáng là người, đó là chưa xét tới có đáng là kitô hữu hay không.
  3. Bí tích Rửa tội đã sinh lại tôi làm người con Chúa. Nhưng “làm con Chúa” chỉ mới là một hạt giống, tôi cần phải vun trồng cho phát triển thành cây. Huống chi người “con của Chúa” ấy với thời gian đã bị người “con của thế gian” chèn ép khiến trở nên èo uột, méo mó. Bởi vậy tôi cần phải sinh lại nhiều lần. Hôm nay tôi phải sinh lại lần nữa.
  4. Một nhà đại thần bí Ấn độ nói về chính mình : “Tôi là một nhà cách mạng khi còn trẻ, và tất cả những gì tôi cầu nguyện với Chúa là : “Lạy Chúa, xin cho con quyền lực để cải tạo thế giới”

Khi đến tuổi trung niên, tôi nhận ra rằng nửa cuộc đời qua đi mà không một tâm hồn nào được thay đổi. Tôi đổi lại lời cầu : “Lạy Chúa, xin cho con thiện chí để hoán cải tất cả những người tiếp xúc với con.

Bây giờ tôi đã già và gần kết thúc cuộc đời. tôi cảm thấy mình ngu dại biết bao. Lời câu nguyện của tôi bây giờ là  : “Lạy Chúa, xin cho con thiện chí để hoán cải chính con”. Nếu tôi xin điều này ngay từ đầu, tôi đã không lãng phí cuộc đời” (Góp nhặt)

  1. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”

Một buổi chiều năm 1953, các ký giả và mọi người tập trung tại nhà ga xe lửa ở Chicago để chào đón người được giải thưởng Nobel Hoà Bình 1952. Các nhân vật cao cấp của thành phố dang rộng tay để chúc mừng vị thượng khách.

Ông cám ơn mọi người, rồi đưa mắt nhìn quanh sân ga. Bất chợt, ông xin kiếu mọi người rồi băng qua đám đông, tiến thẳng đến đỡ một cụ già không quen biết và chiếc va li nặng trên tay bà. Ông mỉm cười, dẫn bà lên xe và không quên chúc bà thượng lộ bình an. Quay lại với đám đông, ông xin lỗi vì bắt họ phải chờ đợi ! Người được giải thưởng đó chính là bác sĩ Albert Schweitzer, nhà truyền giáo nổi tiếng đã hy sinh cả cuộc đời cho những người nghèo tại Phi Châu. Thấy thế, một người đã thốt lên : “Lần đầu tiên tôi nghe được một bài giảng biết đi”.

Là người Kitô hữu, tôi được mời gọi loan báo tin mừng và tôi phải là “những bài giảng sống động và biết đi” về tình yêu Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho  con không chỉ loan báo Lời Chúa bằng những lời nói suông nhưng bằng những nghĩa cử, bằng cả cuộc sống của con. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

           

Thứ Ba :

Ga 3,7b-15

 

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu tiếp tục cuộc đối thoại với Nicôđêmô về việc tái sinh. Đại ý đoạn Tin Mừng hôm nay :  sinh lại như thế nào.

– Nicôđêmô hỏi : “Việc ấy xảy ra thế nào được ?”

– Chúa Giêsu trả lời là nhờ tác động của Thánh Linh (“Gió muốn thổi đâu thì thổi… mọi kẻ sinh bởi Thánh Linh cũng vậy”) và nhờ tin vào Chúa Giêsu (“”Không ai lên trời được ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời”).

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Tái sinh là cởi bỏ con người cũ, là trở thành như trẻ thơ, là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, là khước từ ý muốn tự cứu lấy mình bằng những cố gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình” (“Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Mục sư Robert Fangum, trong một quyển sách được xếp vào loại best seller (bán chạy nhất), đã viết “Những gì tôi cần biết, tôi đều học được lúc tôi còn ở nhà trẻ.” Ông kể ra những bài học vỡ lòng quý giá ở nhà trẻ như sau :

– Hãy chia xẻ mọi sự, hãy chơi đúng luật, đừng làm tổn thương người khác, và nếu có xúc phạm đến ai thì hãy xin lỗi.

– Lấy đâu thì trả đó, dọn dẹp những gì mình bày ra, nhất là không lấy những gì không thưộc về mình.

– Biết ngạc nhiên trước mầu nhiệm của cuộc sống.

Chính Chúa Giêsu cũng dạy : “Nếu các con không nên giống như trẻ nhỏ, chúng con không được vào Nước Trời”. (Trích “Chờ đợi Chúa”)

  1. Thực ra biết bao lần tôi muốn sinh lại thành con người mới, nhưng lực bất tòng tâm. Đó bởi vì việc sinh lại không thể chỉ do sức riêng của tôi mà còn phải nhờ ơn Chúa.
  2. Một bài thơ :

“Cảm thấy mình hoàn toàn mới

Được làm mới lại

Như mùa xuân

Nghị lực tôi bừng tỉnh dậy

Nhuệ khí mới hứa hẹn

Tôi đã ra khỏi mùa đông

Trở thành trẻ lại

Trở thành nhỏ lại

Để có thể lớn lên (,,,)

Trở thành không không

Để có thể tái sinh thành người khác.

Nhưng muốn thế, trước tiên phải chết cho con người cũ

với những suy nghĩ cũ và những lề thói cũ

Điều này thật khó khi mình đã già

Nhưng rất đáng làm

Phải cởi mở lòng minh cho thứ men mới :

đó là Thánh Linh Thiên Chúa, nguồn sống thần linh…”

(Se sentir tout neuf. Etre refait à neuf. C’est comme un printemps. Mes énergies se réveillent. Des élans nouveaux s’annoncent. Je suis sorti de l’hiver. Redevenir jeune. Redevenir petit, pour pouvoir grandir, et capable de nouveauté. Redevenir rien, pour pouvoir naitre à autre chose. Mais alors, il faut d’abord mourir au viel homme, à ses raisonnements et à ses habitudes. C’est dur quand on est vieux. Mais ça vaut la peine. Il faut s’ouvrir à un ferment nouveau : source de vie divine, Esprit de Dieu. De nous-mêmes c’est impossible. Il faut naitre d’en haut”) (Góp nhặt)

  1. “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”

Chuyện kể về hai cậu bé  người Ấn Độ, một theo đạo Hin-đu và một theo đạo Công giáo. Cậu bé theo đạo Hin-đu thì luôn tìm cách chê bai Thiên Chúa của cậu bé Công giáo. Một ngày kia, cậu ta lại giở giọng chê bai và nói : “Thiên Chúa của tôi thì quyền thế, thì mạnh mẽ, thì giàu có, chứ nào đâu lại như Thiên Chúa của bạn ?”

Cậu bé Công giáo lắng nghe và ôn tồn đáp lại : “Nhưng Thiên Chúa của bạn thì không chết cho bạn, còn Thiên Chúa của tôi thì chết cho tôi !”.

Lạy Chúa, Chúa đã chết và sống lại, để từ đây con không còn phải chết vì những lối sống ích kỷ, kiêu căng thường gây ra chiến tranh. Nhưng được sống dồi dào nhờ biết cho đi, cảm thông và tha thứ. Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa đã chết và sống lại vì con. (Epphata)  

  1. (những mầm khác)

           

Thứ Tư :

Ga 3,16-21

 

A. Hạt giống…

Tiếp tục bài giáo lý về việc sinh lại : hậu quả của việc chịu hoặc không chịu sinh lại.

– Chịu sinh lại thì được cứu độ ; không chịu thì phải hư mất (“bị luận phạt”)

– Thực ra, khi cho Con mình xuống thế gian, Thiên Chúa không hề muốn “luận phạt” thế gian (để cho hư mất), mà chỉ muốn cứu thế gian.

– Nhưng thế gian cũng phải góp phần của mình : ai tin vào Chúa Con (chịu sinh lại bởi đức tin) thì được cứu ; kẻ không tin (không chịu sinh lại) thì “bị luận phạt” (hư mất)

– Sự hư mất ấy (“luận phạt”) là do chính những người ấy tự chọn cho mình. Cũng giống như một nguồn sáng đã đến trong màn đêm tăm tối, ai muốn sáng thì tới với nguồn sáng đó, kẻ không tới thì phải ở mãi trong bóng tối.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Dĩ nhiên được cứu thì tốt hơn bị hư mất, ở trong ánh sáng thì hạnh phúc hơn ở trong tăm tối. Thế nhưng, cũng như một người đang chìm muốn được cứu thì tối thiểu phải đưa tay cho người trên bờ kéo mình lên ; người muốn sáng thì ít ra phải rời bỏ tối tăm để bước tới nguồn sáng. Chúa Giêsu chỉ cho ta thấy một thực trạng là có những người “yêu tối tăm hơn sự sáng”, đó là những người “hành động xấu xa”, họ “không đến cùng sự sáng vì sợ những việc làm của mình bị khiển trách”. Và Chúa Giêsu khuyên ta hãy can đảm yêu sự sáng và bước ra sự sáng “để hành động của họ được sáng tỏ”.

Trong tôi cũng có bóng tối. Đó là những “hành động xấu xa”. Tự nhiên, tôi muốn che dấu, tôi sợ bước ra ánh sáng. Nhưng như thế thì tôi không bao giờ được cứu, như thế là tôi tự luận phạt mình, tự để mình hư mất. Hãy yêu sự sáng, hãy can đảm bước ra ánh sáng, để cho ánh sáng soi đường cho ta. Đó là một cách để được sinh lại : không còn là con của tối tăm nữa, mà từ nay sẽ là con của sự sáng.

  1. Chú bé cùng với bố đang đi trên con đường mòn trong đêm dày đặc, trên tay chỉ có cây đèn nhỏ. Bóng đêm trước mặt gây cho chú cảm giác sợ hãi mơ hồ. Chú nói với bố : “Bố ơi, chiếc đèn này chỉ chiếu sáng có chút xíu trên đường, con sợ quá !” Bố đáp : “Con ạ, ánh sáng này đúng là hơi yếu, nhưng nó cũng đủ soi cho con đi tới cuối đường.”

Đời sống Kitô-hữu cũng là một con đường đầy tăm tối, nhưng Chúa luôn ban đủ ánh sáng cho mỗi bước đi. Và ta cũng chỉ cần bấy nhiêu. Nhưng ta chắc chắn một điều  : ánh sáng đó không bao giờ tắt. Nếu ta lên đường, ánh sáng đó đủ soi cho ta đến cuối đường đời. (Góp nhặt)

  1. Thiên Chúa bao giờ cũng muốn cứu chúng ta. Ngài ban đủ mọi phương tiện cho ta xử dụng để được cứu. Kẻ hư mất là kẻ thiếu cương quyết rời bỏ bóng tối để bước ra ánh sáng.
  2. “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa”

Một chiều thứ bẩy, anh đưa tôi dạo phố. Chúng tôi đang lặng lẽ rảo bước bên bờ hồ Xuân Hương, bỗng nhiên, một giọng nói quen thuộc cất lên : “Con chào cô !” Như một phản xạ, tôi quay lại. trước mặt chúng tôi là một em bé rách rưới, bẩn thỉu, học trò của tôi ở Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội. Em vui mừng, chạy lại ôm chầm lấy tôi. Nhưng… vị sợ “quê” với anh, tôi đã vờ như không quen biết nó… và để lại sau lưng, sự hụt hẫng pha lẫn tủi hờn của đứa bé mồ côi đáng thương.

Bây giờ mới rõ tôi làm việc từ thiện chỉ vì chính mình !

Lạy Chúa, xin soi sáng và mở rộng lòng con, để con nhận ra đâu là sự sáng đích thực của Chúa và can đảm theo Ngài. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

           

Thứ Năm :

Ga 3.31-36

 

A. Hạt giống…

Phần cuối bài giáo lý về việc sinh lại : Chúa Giêsu trao trách nhiệm cho chính con người : mỗi người phải suy nghĩ và lựa chọn, rồi lãnh trách nhiệm về sự lựa chọn ấy : “Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời, còn ai không tin vào Con thì không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy”.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Từ đầu tuần đến hôm nay, Chúa Giêsu đã hết lời giải thích về sự cần thiết phải sinh lại, sinh lại như thế nào, ích lợi của việc sinh lại và tai hại của việc không chịu sinh lại… Hôm nay, tôi phải quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình : Tôi có sẵn sàng sinh lại thành con người mới hay không ?
  2. Trở lại với ý tưởng của Maurice Zundel : “Chúng ta không sinh ra đã thành người (…) Con người có bổn phận phải thành người (…) Sách Tin Mừng nói “phải sinh lại”. Có một lần sinh thứ hai, đó là sinh con người, sinh phẩm cách, sinh tính bất khả xâm phạm, sinh sự trường tồn bất tử, lần sinh mà không có nó không thể thành người” (Trích “Sự hiện diện khiêm hạ”). Nếu tôi không can đảm sinh lại thì mãi mãi tôi sẽ không thành người. Đó là điều Tin Mừng Ga gọi là “hư mất”, là “không thấy được sự sống”.
  3. Bà già 104 tuổi sống trong một căn hộ nhỏ tại Croydon. Khi bà được 100 tuổi, một nhà truyền giáo đến thăm và giải thích cho bà nghe đoạn Tin Mừng Gioan 3,16 : “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nổi đã ban Con Một Ngài để ai tin người Con đó, thì khỏi chết và được sống đời đời”. Bà đáp : “Thật là tuyệt vời. Thiên Chúa thật tốt lành khi Ngài tha thứ cho tôi đã bỏ cả trăm năm không học biết Ngài.” Cuộc trở lại của bà được tạp chí London City Mission thuật lại và kết thúc bằng câu : “Sinh 1825. Sinh lại 1925.” (Góp nhặt).
  4. “Ai tin vào Người Con thì được sống đời đời”

Nếu có người hỏi tôi : Tại sao bạn tin Chúa ?

Hồi nhỏ tôi đã trả lời : Vì ba mẹ bảo tôi phải tin ; nếu tin Chúa, tôi sẽ được vào Thiên Đàng đời sau.

Còn bây giờ, tôi đáp : Tôi tin và tôi biết Chúa yêu tôi. Tôi tin, để được Thiên Đàng ngay ở đời này.

Lạy Chúa, ước gì trong mọi lúc, con luôn biết đáp lại : “Con tin vì con yêu Chúa.” (Epphata)

  1. (những mầm khác)

           

Thứ Sáu :

Ga 6,1-15

 

A. Hạt giống…

Từ hôm nay sáng bài giáo lý thứ hai về Bí tích Thánh Thể, dựa trên đơn vị Phép lạ hóa bánh ra nhiều.

Đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật phép lạ ấy. Phép lạ này được cả 4 quyển Tin Mừng tường thuật. Nhưng bài tường thuật của Ga có những chi tiết riêng biệt như sau :

– Xác định rõ nơi xảy ra là phía đông hồ Galilê, tức là vùng đất của lương dân. Tại vùng đất này mà “dân chúng theo Ngài đông lắm”, chứng tỏ lúc này uy tín và ảnh hưởng của Chúa Giêsu đang lên cao.

– Nhưng Ga còn ghi thêm “vì thấy các dấu lạ Ngài làm”, chứng tỏ dân theo Ngài vì lòng vụ lợi chứ không phải do đức tin thật.

– Trong các Tin Mừng nhất lãm, các môn đệ nói cho Chúa Giêsu biết dân chúng đói bụng. Còn trong Ga, chính Chúa Giêsu hỏi các môn đệ làm sao có bánh cho dân ăn.

– Trong nhất lãm, Chúa Giêsu bảo các môn đệ phân phát bánh và cá cho dân. Còn trong Ga, chính Chúa Giêsu phân phát.

– Khác biệt quan trọng nhất là Ga coi phép lạ này là dấu chỉ giúp người ta hiểu về mầu nhiệm bản thân Chúa Giêsu : Ngài chính là Bánh nuôi dưỡng sự sống trường sinh.

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Philípphê thưa : hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút” : trước sứ mạng Chúa giao, ai cũng thấy rằng mình không đủ khả năng. Không bao giờ chúng ta ngang tầm để có thể đáp ứng ý muốn của Chúa. Nhưng, cũng như Philipphê và các môn đệ xưa, chúng ta cứ bắt đầu, rồi Chúa sẽ tiếp tay cho đến hoàn thành. Thực ra, Chúa không đòi ta làm điều ta không thể, Ngài chỉ muốn chúng ta để Ngài hành động trong và qua chúng ta.
  2. Đám đông dân chúng ngày nay vẫn còn đói khát : đói khát lương thực, đói khát áo quần, đói khát thuốc men, và sâu xa hơn, họ còn đói khát lẽ sống, đói khát khác chính sự sống thật mà chỉ có Chúa mới ban cho được.
  3. Một lời cầu nguyện :

Lạy Chúa, trong tay chúng con, Chúa là bánh

Trong tay chúng con, Chúa là sự sống.

Xin hãy mở rộng tay chúng con, để ban bánh cho người khác

Xin hãy mở rộng tay chúng con, để ban sự sống cho người khác

  1. “Ở đây có một em bé có 5 chiếc bánh và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu”

Hồi nhỏ, mỗi khi nghe đoạn Tin Mừng này tôi thường tự hỏi : nếu em bé kia cứ khư khư giữ lấy phần thức ăn ít ỏi của mình thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Chợt tôi nghe như có tiếng đáp lại : “Điều ta muốn là tấm lòng quảng đại của con :.

Từ đó trở đi tôi mới thực sự cảm nhận được rằng : nếu tôi trao ban mà còn so đo tính toán thiệt hơn, nếu tôi không  trao ban với tất cả tấm lòng quảng đại của mình, thì hành vi kia thật là vô nghĩa.

Em bé trong Tin Mừng Luca hôm nay lại một lần nữa nhắc nhở tôi nhìn lại bản thân và cách trao ban cho người anh em khác.

Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

           

Thứ Bảy :

Ga 6,16-21

 

A. Hạt giống…

Một chuyện nhỏ được cho xen vào đơn vị Hóa bánh ra nhiều : Chúa Giêsu đi trên mặt nước.

– Câu chuyện xảy ra khi bóng chiều đã phủ xuống. Trong Thánh Kinh, đêm tối là thời gian thuận tiện để Thiên Chúa mặc khải. Vậy chuyện này muốn mặc khải cho các môn đệ biết thêm về mầu nhiệm Chúa Giêsu.

– Chúa Giêsu đi trên mặt nước ; và khi các môn đệ gặp Ngài, Ngài nói “Chính Ta đây, đừng sợ” : trong Thánh Kinh, chỉ có Thiên Chúa và những người được Thiên Chúa ban quyền đặc biệt mới có thể đi trên mặt nước (như Êlia, Êlisê, phần Môsê thì cho nước biển tách đôi). Kiểu nói “Chính Ta đây” cũng là lời Thiên Chúa mặc khải cho Môsê trong bụi gai.

Như thế, chuyện này mặc khải rằng Chúa Giêsu là Êlia mới, Êlisê mới và Môsê mới. Ngài có uy quyền của Thiên Chúa, Ngài thống trị các sức mạnh thiên nhiên.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Chúa Giêsu để các môn đệ hành trình một mình trên biển lúc trời tối. Khi đó cuồng phong lại nổi lên và biển động mạnh. Các môn đệ hoảng sợ. Chính lúc đó Ngài đến với họ và nói “Chính Thầy đây, đừng sợ”. Nghĩa là Ngài dạy họ một lúc hai điều : con người rất yếu ớt mỏng dòn, con người cần có Chúa che chở.
  2. Câu chuyện này tiếp liền phép lạ hóa bánh ra nhiều muốn day cho các môn đệ biết rằng Chúa Giêsu chẳng những có thể ban lương thực cho dân chúng ăn, mà còn ban sức mạnh tinh thần và sự che chở an toàn cho các môn đệ.
  3. Trong Thánh Kinh, câu “Đừng sợ” được nói 365 lần. Tức là đủ để nhắc chúng ta mỗi ngày trong suốt một năm.
  4. Nhà truyền giáo Moody kể : Ở làng tôi, bên New England, có một truyền thuyết rằng hễ ai giật được bao nhiêu tiếng chuông thì sống bấy nhiêu tuổi. Khi tôi giật được 70 hay 80 tiếng chuông, tôi sung sướng nghĩ rằng mình sẽ sống đến tuổi đó. Nhưng mấy năm sau tôi vẫn mơ hồ sợ chết. Sự chết và phán xét ám ảnh tôi rất lâu, mãi cho tới khi tôi biết phó thác đời mình trong tay Chúa Giêsu-Kitô, như một người con của Chúa (Góp nhặt).
  5. “Đức Giê-su bảo các môn đệ : “Chính Thầy đây đừng sợ !”

Mọi người vẫn đi qua, như không có gì xảy ra. Vài người đứng lại, đứng lại để xem một người bị giựt kinh phong nằm ngay trên đường, trông thật tội nghiệp !

Có người nói : “Vắt chanh vào miệng anh ta” ; nhưng mọi người vẫn đứng im, không ai động tĩnh gì.

Tôi cũng thấy ngại, ngại ánh mắt dòm ngó của bao người xung quanh. Tôi có cảm giác sờ sợ như thể sắp làm việc gì sai quấy vậy. Tại sao thế ? Tôi chợt nhớ lời Chúa nói : “Chính Thầy đây đừng sợ !” và tôi đã mạnh dạn bước ra, vắt chanh vào miệng anh.

Tôi cảm thấy thật vui, khi nhận ra tác động của lời Chúa trên tôi, giúp tôi mở lòng ra với người anh em bên tôi.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và tuân giữ lời Chúa. (Epphata)

  1. (những mầm khác)