Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 22 Mùa Quanh Năm

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 22 Mùa Quanh Năm

 

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN.

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

 

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN

Lc 14,1.7-14

A. Hạt giống…

Khung cảnh của câu chuyện này là Đức Giêsu đến nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa, và nhóm Pharisêu cố dò xét Ngài. Trong khung cảnh bữa tiệc ấy, Đức Giêsu dạy hai bài học :

  1. Bài học về việc chọn chỗ ngồi (cc 7-11) : chỗ ngồi tượng trưng cho địa vị.  

– Không nên tự mình tranh dành địa vị, vì có thể địa vị ấy không tương xứng với khả năng và phẩm giá của mình.

– Địa vị ấy, hãy để cho người khác sắp xếp cho mình, do sự đánh giá khách quan của họ đối với mình.

– Và tốt nhất là hãy để chính Chúa lo việc đó, vì “hễ ai tự nâng mình lên sẽ bị (Thiên Chúa) hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được (Thiên Chúa) nâng lên”.

  1. Bài học về việc phục vụ vô vị lợi : bài học phục vụ vô vị lợi. Đức Giêsu lấy thí dụ bằng việc mời khách dự tiệc :

– “Hãy mời những người nghèo, người què, người cà thọt và người đui” : ba hạng người sau chỉ là giải thích cho chữ “người nghèo”. Chúa Giêsu dùng ba hạng đó để diễn tả những người nghèo nhất, vì ba hạng này bị khinh miệt nhất và không được phép tham dự những lễ nghi trong Đền thờ. (2Sm 5,8 ; Lv 21,18)

– “Họ không có gì đáp lễ” : người đời thường cư xử với nhau theo tiêu chuẩn có qua có lại, do đó họ thường mời những kẻ mà sau này sẽ đền ơn họ bằng cách này hay cách khác. Nhưng Chúa Giêsu khuyên hãy mời những kẻ không có gì đáp lại và cũng không có khả năng đáp lại. Khi đó chính Thiên Chúa sẽ thay họ mà thưởng công cho kẻ đã mời (“ông sẽ được đáp lễ” : thể thụ động, ngụ ý Thiên Chúa là kẻ chủ động).

B… nảy mầm.

  1. Ba mức độ giá trị của địa vị :

– Địa vị do chính mình dành lấy : kém nhất và dễ lung lay nhất.

– Do người khác trao cho mình bởi nhận thấy khả năng và phẩm chất của mình : vững vàng hơn.

– Do chính Thiên Chúa đặt cho mình : đúng và vững chắc nhất.

  1. “Lên voi xuống chó” là cảnh thường xảy ra ở đời. Bởi đó tôi chẳng nên quá quan tâm đến địa vị và danh vọng ở đời. Chỉ xin Chúa giúp tôi làm tròn nhiệm vụ Ngài giao trong hoàn cảnh và thân phận hiện nay của tôi.
  2. Trong bàn tiệc Nước Chúa, điều quan trọng không phải là chỗ danh dự mà là tư cách phục vụ : càng phục vụ, càng cao trọng. (“Mỗi ngày một tin vui”) 
  3. Một ngày năm 11 tuổi, tôi trở về nhà khóc vì chỉ được giao một việc nhỏ của chương trình Thiếu nhi tại nhà thờ, trong khi các bạn khác được phân công vai chính. Thản nhiên, mẹ tôi lấy chiếc đồng hồ của bà và đặt vào tay tôi.

– Con có thấy gì không ?

– Một hộp vàng, mặt và những cây kim.

Rồi bà mở phía sau hộp và nhắc lại câu hỏi. Tôi nhìn thấy những bánh xe nhỏ và những đinh vít. Bà nói : “Chiếc đồng hồ này sẽ vô dụng nếu thiếu đi mỗi phần, ngay cả những phần con không thể nhìn thấy”.

Bài học của bà làm tôi vui sướng hơn tất cả. (Góp nhặt) 

  1. Mời dự tiệc tượng trưng cho sự cho. Nhưng giá trị của sự cho tùy vào cho aitại sao cho. Người đời thường chỉ cho những ai có thể cho lại mình. Như thế động cơ của sự cho là để được cho lại (do ut das). Cho như thế không có giá trị bao nhiêu vì thực chất là cho mình chứ không phải cho người. Vả lại dù người ta có cho lại mình thì chỉ cho theo sự tính toán của người ta (cũng như mình đã tính toán đối với họ), và chỉ cho những cái trong khả năng hạn chế của loài người. Chúa Giêsu dạy môn đệ Ngài một cách cho có giá trị cao hơn nhiều : cho những kẻ không có khả năng cho lại, và động cơ chỉ là vì thương nên muốn chia sẻ.  Đó mới là cho thực nên mới có giá trị. Vả lại vì người nhận không có khả năng cho lại nên Thiên Chúa sẽ thay họ cho lại ta, và cái Chúa cho thì dĩ nhiên quý hơn cái ta đã cho gấp bội. 
  2. Ăn chung với nhau còn biểu lộ sự thông hiệp, liên đới. Chúa Giêsu là kẻ muốn thông hiệp liên đới với tất cả mọi người, do đó Ngài không ngại ăn chung với một thủ lãnh Biệt phái mặc dù hai bên khác quan điểm với nhau (x. đoạn phía trước : 14,1-6). Ngài cũng không ngại ăn chung với những người tội lỗi (x. Mt 9,10-13). Trong đoạn Tin Mừng này, người thủ lãnh Biệt phái đã khá cởi mở khi mời Chúa Giêsu đến ăn chung với mình. Chúa Giêsu khuyến khích ông tiến thêm một bước nữa là hãy hiệp thông liên đới với những người mà địa vị xã hội thấp kém hơn ông bằng cách mời họ cùng ăn uống với ông. 
  3. Phần thưởng ai cũng muốn có. Nhưng phần thưởng đến từ đâu và lúc nào, đấy mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta hãy suy tính xem phần thưởng tạm bợ trong thời gian có hơn được phần thưởng vĩnh cửu không ? Phần thưởng của anh em có hơn được của Thiên Chúa không ? Phần Chúa, Chúa nhắn : “Hãy tìm của Nước Trời trước”. (Mt 6,33) (Trích “TMCGK ngày trong tuần” )
  4. “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc”. (Lc 14, 13-14)

Có một nỗi đau quặn thắt trong tôi, khi tôi được tin một người thân sắp bị mù. Có một tình thương len lỏi trong tôi mỗi khi tôi nhìn thấy những người nghèo khó, tàn tật. Nhưng dường như đó chỉ là cảm xúc pha lẫn thương hại. Chưa một lần nào tôi nghĩ đến chuyện phải là một cái gì đó cho họ.

Lời Chúa hôm nay, mở ra cho tôi một tình yêu mới : “Yêu như Chúa yêu”, nghĩa là dám dấn thân cho tình yêu và nhất là không chỉ yêu những người danh giá địa vị, mà cả những người nghèo khó, tàn tật. Tôi nguyện đến với họ để chia sẻ với họ những gì tôi có, cả niềm vui và hy vọng nữa.

Lạy Chúa ! Xin cho con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những người nghèo khó, tàn tật, để con có thể đến với những người anh em đó dễ dàng hơn. (Hosanna) 

 

Thứ Hai :

Lc 4,16-30

A. Hạt giống…

Bắt đầu từ hôm nay, Phụng vụ chọn đọc Tin Mừng theo Thánh Luca

Đoạn Tin Mừng hôm nay nói về hoạt động của Chúa Giêsu ở Nadarét quê hương Ngài :

  1. Ngày Sabát, Ngài vào hội đường, dựa trên đoạn sách Isaia để công bố chương trình hành động của Ngài. Đó là mang Tin Mừng và ơn cứu độ cho những người nghèo khổ.
  2. Bài giảng đã gây hứng khởi trong lòng thính giả. Họ thầm mong rằng vì tình đồng hương, Ngài sẽ ưu tiên làm phép lạ cho họ. Nhưng Ngài đã từ chối, bởi vì Ngài là Đấng cứu độ của mọi người chứ không của riêng ai.
  3. Thất vọng, dân Nadarét đã trục xuất Ngài khỏi thành và còn muốn giết Ngài.

B…. nẩy mầm.

  1. Sứ mạng của chúng ta nối tiếp sứ mạng Chúa Giêsu, là mang Tin Mừng và ơn cứu độ cho mọi người. Nếu có ưu tiên cho ai, thì đó là những người nghèo khổ chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, chứ không phải là những người bà con bạn bè thân thuộc của chúng ta.
  2. Thế nào là “loan Tin Mừng cho người nghèo khổ” ? Những người nghèo khổ quanh tôi là ai ? Tôi có quan tâm ưu tiên đến việc loan Tin Mừng cho họ chưa ?
  3. Hai chuyện Cựu Ước cho thấy các ngôn sứ Êlia và Êlisê ưu ái những người ngoại. Chúa Giêsu cũng thế. Còn tôi, hình như tôi xa lánh người ngoại, tôi e dè với họ, tôi còn giữ nhiều thành kiến về họ, tôi có thái độ tự tôn coi mình hơn họ v.v.
  4. Đối với Chúa Giêsu, người dân Nadarét chỉ mong Ngài nể tình đồng hương mà ưu tiên ban cho họ nhiều đặc ân. Khi ước muốn đó không đạt thì họ quay mặt phản đối và trục xuất Ngài. Đó là một thái độ hoàn toàn vụ lợi. Phải chăng thái độ của tôi đối với Chúa cũng vụ lợi như thế ?
  5. Bài Tin Mừng này làm tôi nhớ đến quê hương, cha mẹ, anh chị em, bà con, bạn bè v.v. Những người này thực sự là một nguồn an ủi và trợ lực cho tôi. Xin Chúa thay tôi đền ơn vì những điều họ đã làm cho tôi. Xin cho họ luôn là trợ lực chứ đừng bao giờ là trở lực cho sứ mạng Tin Mừng của tôi.
  6. Trợ lực và trở lực : Hai thanh niên lớn lên trong gia đình với một người cha nghiện rượu. Vì còn trẻ, mỗi cậu sống theo ý riêng mình.

Nhiều năm sau, một cậu trở nên người nghiện rượu không thể cải thiện. Cậu kia là người chống uống rượu. Một tâm lý gia tìm hiểu hậu quả của việc nghiện rượu gây cho những đứa trẻ trong gia đình hỏi cậu thứ nhất : “Tại sao anh trở nên người nghiện rượu ?” và cậu thứ hai : “Tại sao anh trở nên người chống rượu ?”

Cả hai có cùng câu trả lời : “Ông có thể mong đợi điều gì khác khi ông có  người cha như tôi ?” (Góp nhặt)

  1. “Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19)

Tôi lênh đênh trên chiếc xuồng máy vào các xã vùng sâu của miền Đồng Tháp đã được nửa ngày. Là thành viên của đoàn công tác xã hội cứu trợ lũ lụt, hơn chục lần tôi phải leo lên bờ đất trơn tuột, sình lầy để vào những căn chòi phong phanh cũ nát. Không khí oi nồng và cảm giác chênh vênh trên mặt nước làm tôi nuốt không trôi mẫu bánh mì ăn trưa. Còn nửa trái quít, cảm thấy ăn không nổi nữa, tôi lén nhét vào tay một cậu bé ốm nhách, đen thui như cục than. Không hiểu vì vị ngọt không thể tìm thấy ở vùng đất khắc nghiệt ấy hay vì điều gì khác mà ánh mắt em nhìn tôi vui vui, thật lạ.

Một niềm vui bé con được thắp lên chỉ từ một hành động vô tình. Niềm vui ấy có lẽ sẽ được nhân lên gấp đôi trong tôi nếu tôi biết san xẻ cho em phần ăn với tất cả tấm lòng yêu thương, nhân ái.

Lạy Cha, xin cho con biết luôn luôn đem niềm vui đến mọi người, để niềm vui được nhân lên và trở thành hồng ân Chúa tuôn tràn trên nhân loại trong từng phút giây. (Hosanna)

Thứ Ba :

Lc 4,31-37

A. Hạt giống…

Trong Tin Mừng Luca, đây là những hoạt động công khai đầu tiên của Chúa Giêsu, và những hoạt động này chứng tỏ Ngài là Đấng có uy quyền :

– Uy quyền trong lời giảng dạy, vì Ngài giảng dạy chính giáo lý của mình một cách tự tin, chứ không cần dựa vào uy thế của những bậc tôn sư tiến bối nào cả.

– và uy quyền trong hành động : Ngài đã khống chế sức mạnh của ma quỷ một cách rất dễ dàng và nhanh gọn.

B…. nẩy mầm.

  1. Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng đầy uy quyền. Có lần, thính giả phải thừa nhận “Chưa từng có ai giảng dạy như ông ấy”. Giáo huấn của Chúa vượt xa tất cả các bậc tôn sư thức giả và mở ra cho con người một con đường sống tốt đẹp.

Con muốn được làm học trò trong trường của Chúa. Xin Chúa ngày ngày dạy dỗ con.

  1. “Bấy giờ trong hội đường có một người bị quỷ ám” : người bị quỷ ám là người bị một thế lực xấu khống chế, người đó không còn tự do, người đó không còn là con người trọn vẹn.

Tôi có đang bị khống chế một cách nào đó không : bởi một tính xấu ? những thói quen xấu ? những đam mê lệch lạc ? v.v. Ngày xưa Chúa đã giải thoát cho người bị quỷ ám. Xin Chúa cũng giải thoát con.

  1. Nhận thấy rằng rao giảng bằng lời nói suông chưa đủ, Weizemann, thần học gia, mục sư, nhạc sĩ, bác sĩ đã dấn thân phục vụ những người nghèo nhất ở Châu Phi. Làm việc không biết mệt mỏi, trải qua bao nhiêu khó khăn, nhưng Weizemann vẫn không bao giờ mãn nguyện vì những hy sinh của mình. Năm 1952 khi được trao giải thường Nobel hòa bình, ông đã tuyên bố : “Không ai có quyền tự phụ mình đã phục vụ cho hòa bình quá nhiều, cũng không ai có quyền nói rằng mình đã mãn nguyện”. Gương phục vụ của Weizemann là một cố gắng họa lại cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không bao giờ rao giảng chỉ bằng lời nói, nhưng luôn kèm theo hành động, gương sáng và cả cái chết nữa. (“Mỗi ngày một tin vui”)
  2. “Ngài xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày sabát Ngài giảng dạy họ. Họ sửng sốt về cách Ngài giảng dạy, vì Lời Ngài có uy quyền” (Lc 4,31-32)

Thánh lễ là nơi tôi gặp gỡ Thiên Chúa, tôi thưa chuyện với Ngài và Ngài giáo huấn tôi. Trong thinh lặng và trong khoảng không gian thánh thiện của giáo đường, Ngài hiện diện một cách sống động và không ngừng tác động trên tôi. Lời Ngài cũng vang lên một cách huyền nhiệm nơi giáo đường. Nhờ Lời, tôi cảm thấy mình được biến đổi. Sự thanh thản, nhẹ nhõm, bình an đến với tôi mỗi khi tôi đến với Ngài. Lo âu, sầu khổ, chán chường, thất bại hay thành công của tôi đều được Ngài chia sẻ, ủi an. Đấy không phải là phép lạ, là uy quyền sao ?

Như xưa Ngài đã làm cho dân miền Galilê sửng sốt thì Lời Ngài hôm nay cũng làm cho tôi phải ngỡ ngàng.

Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được quyền năng của Lời Chúa mỗi ngày một sâu sắc hơn trong đời con. (Hosanna)

Thứ Tư :

Lc 4,38-44

A. Hạt giống…

Luca tiếp tục tường thuật một ngày hoạt động bận rộn của Chúa Giêsu : sau khi giảng và chữa một người bị quỷ ám trong hội đường, Ngài đến nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô và chữa bệnh sốt cho bà. Chiều đến, người ta vẫn còn mang tới rất nhiều bệnh nhân, Chúa Giêsu “đặt tay trên từng bệnh nhân” và cứu chữa họ. Sáng hôm sau dân chúng lại tìm Ngài. Nhưng Ngài đành phải ra đi vì “còn phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho những thành khác”.

B…. nẩy mầm.

  1. Khi có người nào đó giống Chúa Giêsu biết quan tâm cứu giúp những người đau khổ, thì những người đau khổ vây quanh bám lấy người ấy như một đám đông gần chết đuối bám lấy chiếc phao duy nhất.

Tội nghiệp cho nhân loại khốn khổ. Xin cho có nhiều người mang tâm hồn bao la như Chúa, trong số đó cũng có con.

  1. Phần cuối của bài Tin Mừng này khiến tôi hơi thất vọng : những người khốn khổ vẫn bám theo Chúa Giêsu, “họ cố cầm giữ Ngài lại”, nhưng Ngài bỏ họ mà đi, vì “còn phải rao giảng Tin Mừng cho những thành khác”.

Nhưng tôi đã hiểu : Chúa không nhắm cứu hết tất cả những đau khổ phần xác (bởi vì đã mang thân xác tất phải chịu khổ đau. Trần gian là thế !), nhưng Ngài nhằm đem cho nhân loại Tin Mừng, một thứ thuốc tiên giải thoát những đau khổ tinh thần.

  1. “Đến sáng ngày, Ngài ra đi vào hoang địa” : đó là lúc Chúa Giêsu múc lấy nguồn lực cho tất cả những hoạt động rộn rịp suốt cả ngày. Ngài múc lấy nguồn lực từ việc cầu nguyện. Nơi Chúa Giêsu, cầu nguyện và hoạt động được phối hợp rất quân bình. Không phải vì bận việc mà Ngài bỏ cầu nguyện. Trái lại, càng làm việc nhiều thì Ngài càng cầu nguyện nhiều hơn.
  2. “Chúa Giêsu nói với dân chúng : Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43)

Tại một xứ nhỏ ở miền quê nước Pháp, có một người đàn ông ngoài 50 tuổi bị chứng bất toại. Chân không đi đứng gì được và hai tay cũng không làm gì được hơn. Suốt ngày ông chỉ biết than thân trách phận. Mặc dù ông không phải là người công giáo nhưng cha sở thỉnh thoảng đến thăm ông và mời gọi nhiều người đến thăm, chia sẻ và giúp đỡ ông. Mỗi tuần có một bác sĩ tình nguyện đến chăm sóc ông. Mỗi chúa nhựt có một thiếu nhi đến đọc truyện cho ông nghe, kể chuyện vui cho ông bớt cô đơn. Sau một thời gian, ông xin lãnh bí tích Thánh Tẩy. Ông nói : “Thưa cha, trước đây con không tin có Chúa, nhưng từ ngày con được cha đến thăm, được bác sĩ giúp đỡ, các em giúp vui, con cảm thấy như mình đã gặp được Thiên Chúa, và chính Chúa đã gởi cha, bác sĩ và các em đến với con và bày tỏ tình thương đối với con. Con tin như thế”.

Lạy Chúa, xin cho con biết đem niềm vui của Tin Mừng đến với mọi người, luôn cảm thấy được thôi thúc, được sai đi. Xin cho con biết sẵn sàng lên đường khi được Chúa mời gọi. (Hosanna)

Thứ Năm :

Lc 5,1-11

A. Hạt giống…

Bài tường thuật việc Chúa Giêsu kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng Luca có nhiều chi tiết hơn bài tường thuật ngắn gọn trong Mt 4,19-22 :

– Họ đang giặt lưới để dẹp cất, vì suốt đêm đánh không được con cá nào.

– Chúa Giêsu bảo họ thử đánh một mẻ nữa. Phêrô không tin vào sự thành công, nhưng nể lời Ngài nên ông thả lưới.

– Một mẻ lưới nhiều cá quá sức tưởng tượng đã khiến Phêrô và các bạn khám phá ra thân phận siêu phàm của Chúa Giêsu đồng thời cũng ý thức thân phận hèn hạ tội lỗi của mình.

– Khi đó Chúa Giêsu lên tiếng gọi họ theo Ngài làm môn đệ. Và họ đã từ bỏ mọi sự để theo Ngài.

B…. nẩy mầm.

  1. Chúa gọi 4 môn đệ đầu tiên tại bờ biển, tức là ở nơi sinh sống thường ngày của họ ; Chúa gọi họ lúc họ đang giặt lưới, tức là trong công việc thường ngày của họ.

Chúa cũng gọi tôi trong sinh hoạt thường ngày và ở môi trường sống quan thuộc. Những tiếng gọi “Hãy theo Ta” thường xuyên vang lên trong khung cảnh bình thường mọi ngày. Nhưng tôi có nghe thấy hay không ?

  1. Bắt đầu câu chuyện, Chúa Giêsu “xin” Phêrô một chuyện nhỏ : chở Ngài trên thuyền đi ra xa một chút. Cuối câu chuyện, Ngài ban cho ông một ơn lớn : một mẻ lưới rất nhiều cá ; và một ơn còn lớn gấp bội, là được làm môn đệ Ngài. Nếu như ban đầu Phêrô đã ích kỷ không “cho” Chúa, thì sau đó ông đâu có được “nhận” những ơn ban to lớn kia.
  2. “Nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” : mẻ cá lớn là kết quả của sự vâng lời Chúa.
  3. Một trung sĩ đang huấn luyện các tân binh : “Các đồng chí hãy nhớ khi một sĩ quan trao cho công việc dù nặng nề đến đâu, bổn phận dù khó khăn đến đâu, các đồng chí luôn phải nhớ tiếng nói cuối cùng.”

Trong lúc các lính mới còn đang ngơ ngác nhìn, ông thêm : “Tiếng đó là : Tuân lệnh.” (Góp nhặt)

  1. Khi Phêrô nhận ra thân phận tội lỗi mình và xin Chúa lánh xa, thì chính lúc đó Ngài gọi ông đi theo Ngài. Chúa không chê và không xa lánh người tội lỗi. Ngược lại Chúa còn gọi đến gần Ngài những người ý thức thân phận tội lỗi của mình.
  2. “Ông Simon nói : ‘Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không ắt được gì cả. Nhưng dựa vào Lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5)

“… Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất này lên”. Nếu như Archimède dám khẳng định như vậy thì tại sao tôi lại không dám xác tín rằng : Dựa vào Chúa Giêsu, Đấng đã dám hiến mạng vì tình yêu, tôi có thể chinh phục mọi tâm hồn ? Như Simon đã dựa vào Lời Chúa mà thả lưới và bắt được mẻ cá lớn, thì tôi cũng có thể trở thành người chinh phục các tâm hồn cho Chúa một khi tôi biết dựa vào quyền năng của Chúa hơn là sức riêng của mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết vâng theo lời Chúa, biết dựa vào lời Chúa và thực thi lời Ngài trong cuộc sống. (Hosanna)

Thứ Sáu :

Lc 5,33-39

A. Hạt giống…

Chuyện này xảy ra sau khi Chúa Giêsu gọi một người thu thuế là Lêvi làm môn đệ Ngài và còn ngồi ăn cùng bàn với nhiều người thu thuế khác trong bữa tiệc do Lêvi khoản đãi để ăn mừng.

Những người pharisêu và luật sĩ thấy thế rất khó chịu và trách Chúa Giêsu cùng các môn đệ Ngài không lo ăn chay cầu nguyện mà chỉ lo ăn uống !

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho ta thấy ý nghĩa thực của việc ăn chay và cách sống trong thời Tân Ước :

– Thời Cựu Ước, việc ăn chay đi kèm với sự chờ đợi ơn giải thoát. Việc ăn chay như muốn nói : thời buổi xấu xa quá, chúng tôi không thỏa mãn, chúng tôi không thiết sống nữa, nguyện xin Chúa mau đến giải thoát chúng tôi.

– Việc Chúa Giêsu đến khai mở thời Tân Ước, thời của Tin Mừng, thời vui sống với Đấng Messia như dự tiệc cưới với chàng rể.

– Khi Chúa Giêsu được đem đi (ám chỉ việc Ngài chết, sống lại và lên trời), các môn đệ sẽ lại ăn chay đề xin Ngài mau trở lại.

B…. nẩy mầm.

  1. Chúng ta đang sống trong thời Tân Ước, thời của vui mừng hoan lạc. Tại sao ta thường ảo não, buồn rầu và lo lắng. Cuộc sống không vui tươi của chúng ta làm sao hấp dẫn được người khác ?
  2. Biệt phái và luật sĩ ăn chay, nhưng họ lại kết án các môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay. Họ lấy họ làm tiêu chuẩn, mẫu mực và buộc người khác phải theo họ. Chưa chắc gì tôi đọc kinh cầu nguyện mà đã là tốt đến nỗi tôi có quyền lên án người khác không đạo đức bằng tôi.
  3. “Không ai lấy vải mới vá vào áo cũ… Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu cũ” : ý Chúa Giêsu muốn nói phải sống thời Tân Ước với tâm tình của thời Tân Ước. Tâm tình thời Cựu Ước là sợ hãi, tâm tình của thời Tân Ước là yêu thương. Vậy tâm tình thường xuyên của tôi đối với Chúa là gì : rán làm lành tránh dữ vì sợ Chúa phạt hay vì yêu thương Chúa ?
  4. “Những người pharisêu và những kinh sư nói với Chúa Giêsu rằng : ‘Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người pharisêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống !” (Lc 5,33)

Nếu cha giảng lâu quá 10 phút thì họ bảo cha chỉ thao thao bất tuyệt.

Nếu cha nói về mầu nhiệm Thiên Chúa thì họ bảo cha nói trên mây trên gió

Nếu cha đề cập đến các vấn đề xã hội, cha sẽ bị kết án là khuynh tả

Nếu cha đi làm việc ở nhà máy, họ nghĩ ngay là vì cha không có gì làm

Nếu cha ở lại trong giáo xứ, có người sẽ nói cha xa rời quần chúng, cắt liên lạc với thế gian.

Nếu cha hay mỉm cười : cha quá dễ dãi !

Nếu vì đãng trí hay bận tâm, cha không nhìn thấy, người náo đó sẽ nói : cha khinh người !

Nếu cha còn trẻ : cha thiếu kinh nghiệm !

Nếu cha có tuổi : cha nên về hưu thì vừa ! …

Giêsu ơi ! Không thua gì các kinh sư và biệt phái, con vẫn thường nhìn anh em con bằng con mắt dò xét, khe khắt và hẹp hòi. Con luôn muốn họ phải như con nghĩ chứ không được như họ là. Nên con cảm thấy thật khó sống với họ và đôi khi thì không thể bắt tay làm việc với họ được. Xin cho con nhìn với đôi mắt của Chúa : nhìn và yêu. (Hosanna)

Thứ Bảy :

Lc 6,1-5

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu và biệt phái tranh luận nhau về việc sống ngày sabát :

– Biệt phái chỉ biết giữ luật nghỉ ngơi ngày sabát. Nên khi họ thấy các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa trong ngày này thì họ lên án.

– Chúa Giêsu hiểu luật ngày sabát nhằm giải phóng con người, nên trách bệt phái đã quá câu nệ chữ nghĩa của luật mà không hiểu tinh thần.

B…. nẩy mầm.

  1. Ngày Chúa nhựt, nếu tôi chỉ biết nghỉ làm việc và đi dự lễ thì chưa chắc là tôi đã “thánh hóa” ngày đó theo đúng ý muốn của luật Giáo Hội. Tôi còn phải yêu mến Chúa nhiều hơn và quan tâm đến anh em tôi hơn.
  2. Nếu tôi giữ luật chỉ vì đó là luật thì việc giữ luật của tôi không đem lại lợi ích thực nào cho tôi mà lại thêm nặng nề khó chịu. Nếu tôi buộc người khác giữ luật chỉ vì đó là luật thì cũng chẳng ích lợi gì cho người khác, trái lại càng làm cho người khác khổ sở thêm.
  3. “Con Người là chủ của ngày hưu lễ” : Chúa Giêsu là chủ của ngày Chúa nhựt. Ngày Chúa nhựt tôi có quy hướng mọi sự về Chúa Giêsu không ?
  4. “Con Người làm chủ ngày sabát” (Lc 6,5)

Hồi bé, tôi luôn phải nghe đi nghe lại điệp khúc : “nghỉ chơi đi lễ, lễ xong về chơi chẳng muộn”. Vâng, tôi đã đi lễ, nhưng đi một cách miễn cưỡng. Giáo Hội thật “ác”, đặt ra bao điều phải theo.

Bây giờ tôi đến với thánh lễ không phải vì những luật lệ, những “điệp khúc” hồi bé, nhưng bằng chính tấm lòng, bằng sự khao khát của con tim, của tâm hồn muốn có được sự bình an vĩnh cửu. Nghĩ lại, tôi thầm cám ơn Chúa vì những luật lệ trong Hội Thánh.

Lạy Chúa, xin cho con đến với Chúa không phải vì lề luật đòi buộc, nhưng với cả tấm lòng của một người con. (Hosanna)