HGNM TUẦN 3 MV & TUẦN BÁT NHẬT CHUẨN BỊ LỄ GIÁNG SINH
TUẦN BÁT NHẬT CHUẨN BỊ LỄ GIÁNG SINH.
Thứ Hai
Mt 21,23-27
A. Hạt giống…
- Chúa Giêsu bị chất vấn :
– Ai chất vấn ? “Các thượng tế và kỳ mục” (câu 23). Mc 11,27 còn kể thêm các kinh sư. Như thế, những người chất vấn Chúa Giêsu gồm đủ 3 thành phần của Thượng Hội Đồng Do thái giáo, tức là những lãnh tụ cao cấp nhất của Đạo.
– Chất vấn về điều gì ? Về quyền của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đuổi những người buôn bán (phía trước, câu 12-13), đã chữa bệnh (câu 14) và nay đang giảng dạy (câu 23). Và tất cả những việc đó Ngài lại làm ngay trong Đền thờ, tức là ở một nơi chính thức nhất, nơi mà người ta coi là lãnh địa riêng của những lãnh tụ tôn giáo do thái. Ngài không phải là tư tế, không phải là kỳ mục và cũng không phải là kinh sư. Tại sao Ngài làm những việc đó, và làm ngay trong Đền thờ ?
– Động cơ của việc chất vấn : không phải chất vấn để tìm cho biết sự thật, mà chất vấn để bắt lỗi.
- Phản ứng của Chúa Giêsu :
– Chúa Giêsu không trả lời mà hỏi ngược lại những kẻ chất vấn Ngài. Làm như thế, không phải là Ngài muốn tránh né vấn đề, mà là Ngài muốn họ suy nghĩ về một vấn đề căn bản hơn : chỉ vì ganh ghét nên họ đã không đón nhận lời rao giảng của Gioan và Chúa Giêsu. Nay họ phải suy nghĩ kỹ xem sứ mạng của Gioan và Ngài là do đâu : có phải do tham vọng cá nhân hay do chính Thiên Chúa ?
- Kết cuộc : Họ không chịu suy nghĩ (vì không thích suy nghĩ vấn đề đó) nên đáp là không biết. Chúa Giêsu thấy họ không có thiện chí nên cũng không trả lời câu hỏi của họ.
B…. nẩy mầm.
- Câu hỏi của Chúa Giêsu khiến các thượng tế và kỳ mục phải bối rối. Sự bối rối đó vạch trần lòng dạ cố chấp của họ không muốn tìm hiểu sự thật. Sự thật về phép rửa của Gioan chỉ thuộc một trong hai trường hợp : hoặc do Thiên Chúa hoặc do loài người. Nhưng họ không muốn tìm hiểu và không muốn trả lời. Nếu họ chịu tìm hiểu thì họ đã có câu trả lời và đã dám trả lời. Nhiều khi vì không muốn bỏ đi một thành kiến, chúng ta cũng không chịu khó tìm hiểu nên cũng rơi vào thái độ cố chấp tới nỗi mù quáng như vậy.
- Có một số điều ta không thích nghĩ tới và không muốn đặt lại vấn đề, vì nếu làm thế thì ta phải sắp xếp lại cuộc sống, có thể phải từ bỏ những thói quen đã thành nếp, có thể phải khởi sự lại từ đầu. Thí dụ : cuộc sống hiện nay của tôi với những tương giao, những tham vọng, những thói quen… có gì không ổn không ? Có gì phải sửa đổi ? Có gì phải từ bỏ ? Phải cố gắng thêm gì ?… Ta không muốn nghĩ tới để ta có thể tiếp tục an phận. Nhưng Lời Chúa hôm nay mời ta can đảm đặt lại vấn đề. Có như thế ta mới đi đúng hướng và đời ta mới tốt đẹp hơn.
- Bài đọc I là một câu chuyện rất hay nhắc nhớ chúng ta nên thoát khỏi thành kiến cố chấp, thoát khỏi danh lợi thú đang bịt mắt ta, và hãy nhìn ra sự thật : Balaam là một thày bói ngoại giáo rất nổi tiếng. Ông được kẻ thù của dân Do Thái ba lần thuê mướn với lễ vật hậu hỹ để ông đi trù ẻo người Do Thái. Cả ba lần ông đi đều bị con lừa của ông phá đám không cho thực hiện. Ông đánh nó, Chúa cho nó biết nói mắng lại ý đồ đen tối và sự tham lam của ông. Cuối cùng ông nhận ra sự thật và đi đến doanh trại người Do Thái để tuyên sấm ca tụng họ như nội dung của bài đọc một. Ông tiên báo một vì sao sáng sẽ mọc lên, một Phủ việt của nhà vua sẽ xuất hiện : Đức Giêsu Kitô.
- Mầm khác :
Thứ Ba
Mt 21,28-32
A. Hạt giống…
Dụ ngôn hai người con :
– Người con thứ nhất : Cha nó bảo nó đi làm vườn nho. Nó đáp không. Nhưng sau đó nó hối hận và đi làm. Đây là hình ảnh của lương dân : ban đầu không đáp lời mời gọi của Thiên Chúa, nhưng sau đó hối hận và làm theo lời Chúa dạy.
– Người con thứ hai : Khi cha nó bảo nó đi làm vườn nho, nó nhanh nhẹn thưa vâng, nhưng thực tế là không đi làm. Đây là hình ảnh của dân do thái, chỉ đáp ứng với Chúa bằng miệng chứ không thi hành.
Sau khi kể dụ ngôn, Đức Giêsu đánh giá :
– Đứa con thứ nhất (lương dân) mới là đứa thi hành đúng ý Thiên Chúa.
– Điểm đặc biệt là Đức Giêsu đã coi lương dân là đứa con thứ nhất, hơn cả dân do thái dù được Thiên Chúa kêu gọi trước nhưng chỉ được coi là đứa con thứ hai.
B…. nẩy mầm.
- Thưa vâng với Chúa là việc rất dễ. Biết bao lần tôi đã thưa vâng với Ngài, thưa rất nhanh nhẹn, rất sốt sắng. Nhưng chỉ là thưa thế thôi, chứ thực sự là tôi đã không làm như tôi thưa. Đó là bởi vì hình như tôi chỉ sống đạo khi cầu nguyện, khi tĩnh tâm. Sau đó trở lại cuộc sống thì tôi quên hết những gì đã thưa và đã hứa với Chúa. Tôi giống như những nhà ngoại giao, những con buôn, và thậm chí hầu như tôi coi rẻ Chúa, tôi xí gạt Ngài.
- Khi phân tích sâu hơn về thái độ của hai người con này, Đức Giêsu cho thấy vấn đề then chốt là hối hận và hoán cải : người con thứ nhất “sau đó hối hận” (câu 29) ; người con thứ hai “vẫn không chịu hối hận” (câu 32). Hoán cải là điều mà ai ai cũng phải thường xuyên làm. Mỗi lời Chúa mà chúng ta nghe đều chỉ cho ta thấy phải làm gì ; so lại với cách sống thì ta thấy mình đã không làm như thế ; ừ đó ta quyết tâm hoán cải để làm lại cho đúng ý Chúa. Đây chính là điều ta phải thường xuyên làm.
- “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” : Tại vì họ biết mình tội lỗi. Biết mình tội lỗi thì dễ hoán cải hơn. Và vì hoán cải nên được vào Nước Thiên Chúa. Xin cho con biết thân con là kẻ tội lỗi.
- Mùa đông năm 1982, một phản lực cơ Hoa kỳ bị chết máy đã đâm nhào xuống một dòng sông. Nhiều hành khách sống sót chơi vơi giữa dòng sông giá lạnh. Giữa những người bộ hành chứng kiến, một thanh niên bất chấp dòng nước lạnh đã phóng người xuống sông cứu vớt một thiếu phụ đang chới với trên sóng nước. Hành động này khiến Tổng Thống Reagan tuyên dương anh là anh hùng dân tộc. Khi được hỏi lý do việc liều mạng sống, anh trả lời “Tôi đã làm điều tôi phải làm”.
“Tôi đã làm điều tôi phải làm”, lời giải thích trên cũng có thể là lời tuyên tín sống động của những người không hề mang danh hiệu Kitô nhưng có lẽ lại sống tinh thần Kitô một cách sâu xa hơn những người vỗ ngực xưng mình là môn đệ Đức Kitô nhưng cuộc sống lại hoàn toàn là một phản chứng (“Mỗi ngày một tin vui”)
- Mầm khác :
Thứ Tư
Lc 7,19-23
A. Hạt giống…
Gioan Tẩy giả là người dọn đường cho Đấng Messia nhưng đang bị Hêrôđê giam trong ngục tù. Ở trong tù, Gioan nghe biết hoạt động của Đức Giêsu. Một mặt ông nghĩ Ngài chính là Đấng Messia mà ông loan báo là sắp đến. Nhưng mặt khác, ông hơi nghi ngờ, bởi vì theo ông thì Đấng Messia là một quan tòa xét xử, trừng trị kẻ ác, thế mà ông chưa thấy Đức Giêsu xét xử và trừng trị ai cả. Vì thế ông sai môn đệ đến hỏi, xin Đức Giêsu nói rõ Ngài có phải là Đấng Messia phải đến hay không.
Đức Giêsu không trả lời thẳng, mà bảo các môn đệ Gioan về kể lại cho Thầy họ những điều họ đã thấy Đức Giêsu làm : cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, và kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Đây chính là hình ảnh Messia mà tiên tri Isaia đã mô tả. Nhưng không phải là một Messia thẩm phán, mà là một Messia Tôi Tớ phục vụ.
Đức Giêsu cũng biết rằng hình ảnh Messia Tôi tớ quá ngược với hình ảnh Messia Thẩm phán mà Gioan vẫn có trong đầu. Cho nên Ngài nhắn thêm với Gioan : “Phúc cho người nào không vấp ngã vì tôi”.
B…. nẩy mầm.
- Chính Gioan Tẩy Giả mà còn nuôi một hình ảnh một Đấng Messia uy quyền xét xử và trừng trị kẻ gian ác, huống chi chúng ta. Chúng ta cũng nuôi một hình ảnh Thiên Chúa uy quyền, một hình ảnh Giáo Hội hiển hách. Vì thế chúng ta thường khoe với người khác về cách tổ chức, về những hoạt động, những thành tích v.v. của đạo. Chúng ta tưởng rằng như thế thì người ta sẽ mến và trọng Thiên Chúa và Giáo Hội của chúng ta.
Nhưng Đức Giêsu thì không muốn thế : Thiên Chúa mà Ngài trình bày là một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, tha thứ ; về bản thân thì Ngài muốn cho người ta thấy Ngài là Đấng Cứu Nhân Độ thế. Mà quả thật, những hình ảnh loại này mới có sức cảm hóa và thuyết phục người ta.
Nói cụ thể, thay vì phô trương cho người ta thấy những nét huy hoàng của đạo, thay vì cãi nhau với người ta để tôn cao Giáo Hội, chúng ta, qua cách sống và hành động của mình, hãy cho người ta thấy rằng chúng ta và Giáo Hội chúng ta tha thiết muốn làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người bệnh được khoẻ, kẻ nghèo được ấm no, người khổ được an ủi v.v.
- Mẹ Têrêxa Calcutta là người cho thế giới thấy rõ nhất hình ảnh Đấng Messia quan tâm cứu giúp những kẻ khốn khổ. Nhưng tiếc thay Mẹ Têrêxa không còn nữa ! Mà thế giới thì vẫn luôn cần có những người như Mẹ. Ước gì trong Giáo Hội nổi lên những Têrêxa Calcutta khác. Ước gì tôi cũng là một Têrêxa Calcutta khác.
- “Hay là chúng tôi phải đợi một Đấng Messia khác” : nếu Giáo Hội không là một Messia cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ đi tìm Đấng cứu nhân độ thế ở chỗ khác. Nếu cộng đoàn của tôi không phải là một nơi cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ tìm đến những chỗ khác. Nếu tôi không phải là một người cứu nhân độ thế, thì dù tôi là Linh mục, tu sĩ hay kitô hữu, tôi cũng chẳng có giá trị gì cho người tôi mong đợi, người ta sẽ đi tìm một người khác.
- Mùa Vọng là thời gian mong chờ Đấng Messia, và Giáo Hội muốn nói cho những người thời nay biết rằng họ có thể tìm thấy nơi chính Giáo Hội Đấng Messia mà lòng họ mong chờ. Nhưng liệu Giáo Hội có thuyết phục được họ không ?
- Trong tác phẩm “Ngày của Đức Kitô chết” của Jim Bishop, có một đoạn mô tả những gì người do thái cảm thấy về việc Đấng Cứu Thế đến :
“Việc Đấng Cứu Thế đến là nỗi ám ảnh của cả một quốc gia, là niềm vui ngoài mức tưởng tượng, là hạnh phúc vượt khỏi niềm tin, là niềm an ủi cho những vất vả của con người, là hy vọng của dân đang bị xiềng xích tủi nhục. Đấng Cứu thế luôn là sự hứa hẹn cho buổi sáng ngày mai.” (“Mỗi ngày một tin vui”)
- Mầm khác :
Thứ Năm
Lc 7,24-30
A. Hạt giống…
Đoạn Tin Mừng này nối tiếp đoạn hôm qua. Khi các môn đệ của Gioan Tẩy giả ra đi rồi, Đức Giêsu nhận xét về ông này :
– Gioan không là một người nhu nhược như cây sậy phất phơ trước gió, trái lại ông rất can đảm dám vạch tội vua Hêrôđê.
– Gioan không phải là một người tìm sống một cuộc sống tiện nghi ăn sung mặc sướng, trái lại ông sống rất thanh đạm và kham khổ.
– Gioan chính là một ngôn sứ, và còn hơn ngôn sứ, Gioan là dọn đường cho Đấng Messia.
B…. nẩy mầm.
- Nếu Gioan chịu làm một cây sậy gió thổi chiều nào uốn theo chiều đó thì cuộc đời Gioan đã không bị gãy đổ, Hêrôđê sẽ ủng hộ Gioan, mọi người quý trọng Gioan và coi Gioan là chính Đấng Messia. Tóm lại Gioan sẽ được tất cả. Nhưng sứ mạng Gioan không hoàn thành.
Nhưng vì Gioan can đảm thi hành sứ mạng bất chấp những phong ba bão táp, nên ngài đã bị cầm tù, bị chém đầu và kết thúc đời mình trong ngục tù tăm tối, dưới tay một đứa con gái. Tuy nhiên chính vì thế mà Gioan trở thành “người cao trọng nhất trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ”.
Xin cho con can đảm trung thành với sứ mạng của con.
- Để thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình, Gioan chỉ cần giảng cho dân nghe thôi là đủ, tội gì phải vào sống trong hoang địa, tội gì phải ăn uống kham khổ bằng châu chấu và mật ong rừng, tội gì phải mặc áo bằng da thú thô sơ nhám nhúa ? Thưa vì Gioan không muốn giảng chỉ bằng lời mà còn bằng cách sống. Gioan giảng về sự sám hối, hoán cải, cho nên Gioan cần phải sống kham khổ như thế.
- “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn Gioan” : một vị ngôn sứ cực nhọc dọn đường cho Đấng Cứu Thế, chịu sống kham khổ trong sa mạc, và chịu chết thê thảm vì sứ mạng của mình, thế mà còn không có phúc bằng tôi, một người sống thời Tân Ước !
Xin cám ơn Thánh Gioan Tẩy giả. Ngài đã chuẩn bị sẵn tất cả để cho con hưởng dùng.
Xin cám ơn Chúa đã đặc biệt ưu đãi con dù con không có công gì.
Xin cho con thực sự trở thành kẻ bé nhỏ trong Nước Chúa.
- Mầm khác :
Thứ Sáu
Ga 5,33-36
A. Hạt giống…
Đoạn Tin Mừng này là một phần của bài diễn từ Chúa Giêsu nói với những người do thái sau khi Ngài làm phép lạ chữa một người bất toại ở hồ Bétdatha.
Những người do thái ấy chống đối Đức Giêsu vì Ngài làm việc này trong ngày Sabbat. Đức Giêsu nói một bài diễn từ dài, đại ý là : sở dĩ Ngài làm việc trong ngày sabát là vì Ngài noi gương Thiên Chúa là Cha của Ngài (đoạn phía trước, các câu 19-20). Họ không tin và ngầm muốn Ngài có người làm chứng. Biết thế, Đức Giêsu đưa ra một người chứng, đó chính là Gioan Tẩy giả. Ngoài ra còn có một người chứng đáng tin hơn nữa, đó là chính Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã sai Ngài và bảo Ngài làm những việc đó.
B…. nẩy mầm.
- “Trong khi toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng cứu thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người do thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Chúa Giêsu, và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến” (“Mỗi ngày một tin vui”). Tại sao có thảm kịch này ? Vì người do thái nuôi sẵn một hình ảnh về Đấng Messia, hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che mất hình ảnh đích thực của Đấng Messia. Ta thấy đó, người ta có thể đọc sách thánh mà không tìm thấy Thiên Chúa nhưng chỉ thấy chính mình.
- Một thợ săn lạc trong rừng nhiều lần. Một người bạn mua cho anh một la bàn. Dù vậy, anh thợ săn trẻ vẫn bị lạc. Khi tìm thấy, người bạn hỏi xem anh có mang theo la bàn. Anh bảo có.
– Tại sao anh không dùng nó ?
– Tôi không dám. Tôi muốn đi về hướng Nam và cố giữ cho kim chỉ hướng Nam, nhưng không được. Nó luôn lắc quanh và chỉ hướng Bắc.
Nhiều người mong Thánh Kinh chỉ hướng họ muốn đi, hơn là hướng Thánh Kinh muốn họ đi. (Góp nhặt)
- Có lần, nhà văn Mark Twain nói : “Nhiều người lấy làm buồn phiền vì không hiểu một đoạn Thánh Kinh nào đó. Phần tôi, tôi thấy rằng những đoạn Thánh Kinh làm tôi bối rối nhất là những đoạn mà tôi cho là mình đã hiểu.”
- Muốn đọc Sách Thánh mà thấy được Chúa, ta phải bỏ đi hết mọi thành kiến có sẵn, phải khiêm tốn để cho lời Chúa tra vấn mình, phải can đảm từ bỏ những gì Chúa đòi hỏi, và phải kiên trì thực hiện những điều Chúa dạy.
- Mầm khác :
TUẦN BÁT NHẬT CHUẨN BỊ LỄ GIÁNG SINH
Ngày 17-12
Mt 1,1-17
* Từ ngày 17/121 đến 24/12, các bài đọc Thánh lễ được chọn đặc biệt thành một kiểu “tuần bát nhật” chuẩn bị lễ Giáng Sinh.
A. Hạt giống…
Bảng gia phả của Chúa Giêsu tuy chỉ là một lô những tên tuổi, nhưng cho thấy ý nghĩa việc Chúa Giêsu nhập thế :
– Ngài đã thực sự đi vào lịch sử loài người với những thăng trầm của nó.
– Ngài chấp nhận làm con cháu của những người phàm, trong đó có cả những người tội lỗi.
– Nhưng chính nhờ việc nhập thế đó, Ngài mới cứu chuộc được lịch sử và loài người
.
B…. nẩy mầm.
- Bắt đầu từ hôm nay 17-12 cho đến 24-12, Giáo hội dành ra tuần bát nhật trong đó : các bài đọc trong Thánh lễ được tuyển chọn cách đặc biệt để chuẩn bị gần cho Lễ Giáng sinh và giới thiệu những nhân vật có liên hệ trực tiếp tới cuộc giáng sinh này. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày Đấng sắp sinh ra là Con Thiên Chúa nhập thế đi vào lịch sử loài người để cứu loài người.
- Cứu một người sắp chết đuối bằng cách từ trên bờ thảy cho người đó một chiếc phao dĩ nhiên không có ý nghĩa cho bằng chính mình nhảy xuống nước kéo người đó lên.
- Trong số các tổ tiên của Chúa Giêsu có những người tội lỗi, như “Ông Giuđa ăn ở với bà Tama” (câu 3), “vua Đavít lấy vợ ông Uria sinh ra vua Salômôn” (câu 5b) v.v. Như thế kẻ lỡ phạm tội không hẳn là hoàn toàn mất đi, kẻ tội lỗi vẫn có chỗ đứng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
- Mầm khác :
Ngày 18-12
Mt 1,18-24
A. Hạt giống…
Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu nét thứ hai của Chúa Cứu Thế sắp sinh ra : Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở với loài người (Câu 23). Bài Tin Mừng cũng giới thiệu một người đóng vai trò tích cực cho việc Ngài sinh ra : Thánh Giuse.
- Phần đóng góp của Thánh Giuse vào công trình nhập thế của Chúa Giêsu là : a/ Cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu Đavít, nhờ thế thực hiện đúng lời Thiên Chúa đã hứa xưa từ thời Cựu Ước (Câu 20b : “Này ông Giuse, là con cháu Đavít” ; Câu 21 “Ông sẽ đặt tên cho con trẻ” : Thánh Giuse đặt tên cho Chúa Giêsu nghĩa là nhận Chúa Giêsu là con mình theo pháp lý) ; b/ Bảo bọc Đức Maria và Chúa Giêsu (câu 20c “Đừng ngại đón Maria về ; câu 24 “Khi tỉnh giấc, Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” ; câu 25 “Và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”)
- Về ý định ban đầu của Thánh Giuse muốn bỏ đi cách âm thầm kín đáo, các chuyên viên Thánh Kinh còn chưa nhất trí nhau ở một số chi tiết. Nhưng mọi người đều nhất trí về động cơ hướng dẫn mọi hành động của thánh Giuse (ý định ban đầu, và quyết định ở lại sau đó), đó là vì “Giuse là người công chính”. Một giải thích rất đáng lưu ý là : Ban đầu, Giuse biết mình không phải là cha của đứa bé nên vì công chính mà không dám nhận quyền làm cha, bởi đó định âm thầm ra đi (Công chính = không xâm phạm quyền lợi của người khác) ; sau đó khi biết ý Thiên Chúa muốn mình bảo bọc Đức Maria và Chúa Giêsu thì, cũng vì công chính nên Ngài đã ở lại (Công chính = thi hành ý Thiên Chúa).
- Chúa Giêsu là Đấng Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương loài người, Ngài đã nhập thề sống chung với loài người, bất chấp mọi nghèo nàn, túng thiếu, hèn hạ, khổ sở… Yêu thương là chia vui sẻ buồn, chia sẻ thân phận…
B…. nẩy mầm.
- Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” : Chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Đức Giêsu Kitô. Muốn cứu người, không phải chỉ đứng xa chỉ tay năm ngón, hoặc vẽ kế hoạch rồi cho người khác thực hiện. Nhưng là chia sẻ thân phận, đồng hành, và cuối cùng là chịu thiệt vào thân, leo lên cây thập giá. Thập giá là bước cuối cùng của nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu Kitô. – Lạy Chúa, xin dạy con biết dấn thân phục vụ như Chúa.
- Giuse đã thay đổi kế hoạch của mình để theo được ý Chúa. Những nhận định và tính toán của ta, dù đầy thiện chí, nhiều khi lại không hợp với chương trình và ý định của TC. Người công chính là người biết bỏ ý riêng, biết thi hành ý Chúa, biết sống lời Fiat như Mẹ Maria, biết sống câu ‘Xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha” như CG.
- Với con mắt người đời, tình yêu của đôi nam nữ Giuse và Maria xem ra chỉ là chuyện bình thường. Nhưng với kế hoạch của TC, với sự quảng đại đáp trả ơn Chúa gọi, Mẹ Maria và Thánh Giuse đã góp phần cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. – Lạy Chúa, xin cho con biết dùng tình cảm và tình yêu của con để phục vụ nước Chúa.
- “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như thiên thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,24)
Tên thánh của tôi là Giuse. Tôi rất tự hào về điều đó và thường tự hỏi “Mình phải làm thế nào để trở nên giống thánh bổn mạng ?” Thánh Giuse đã làm như thiên thần dạy là đón nhận Đức Maria. Ngài chấp nhận cuộc sống âm thầm để phục vụ Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Còn tôi thì sao ? Một lần, tôi nhờ mẹ giặt hộ một bộ quần áo để đi dự tiệc. Vì bận việc, mẹ tôi đã quên. Tôi cằn nhằn và bỏ luôn buổi tiệc… Ngay cả chuyện nhỏ như vậy mà tôi chưa sẵn sàng vui vẻ đón nhận thì kể gì đến những chuyện lớn lao.
Xin Thánh Giuse dạy con biết khiêm tốn đón nhận và thực thi ý Chúa cách trọn vẹn như Ngài. (Epphata)
- Mầm khác :
Ngày 19-12
Lc 1,5-25
A. Hạt giống…
Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu hoàn cảnh sinh ra nhân vật thứ hai sẽ dọn đường cho Chúa Cứu thế : Gioan Tiền hô.
- Ông Dacaria và bà Êlisabét được trình bày theo hình ảnh của những tổ phụ thời Cựu Ước : công chính, tuân giữ mọi đều răn và mệnh lệnh Thiên Chúa, nhưng son sẻ và cao niên (cũng như Abraham, Sara ; cha mẹ của Samson ; cha mẹ của Samuel v.v.). Do đó có thể nói hai ông bà là đại biểu của Cựu Ước.
- Đứa con mà họ sẽ sinh ra cũng là đại biểu của Cựu Ước : Gioan được mô tả như các ngôn sứ (được Thiên Chúa gọi ngay từ lòng mẹ, chính Thiên Chúa đặt tên cho, rượu lạt rượu nồng đều không uống, đầy thần khí và uy quyền của ngôn sứ). Gioan sẽ thay mặt Cựu Ước để giới thiệu Đức Giêsu của Tân Ước.
- Việc sinh con trong hoàn cảnh son sẻ tuổi già của các nhân vật Cựu Ước và của vợ chồng Dacaria chuẩn bị cho cuộc sinh ra đặc biệt của Chúa Giêsu, bởi vì “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37)
B…. nẩy mầm.
- Theo cái nhìn đức tin, và trong chương trình cứu độ của Chúa, mỗi người sinh ra đều có một ơn gọi, một sứ mệnh. – Xin Chúa cho con nhìn ra và xác tín ơn gọi, sứ mệnh của con hôm nay. Xin Chúa cho con cũng nhìn ra và quý trọng ơn gọi, sứ mệnh của anh chị em đang sống bên con, nhất là sứ mệnh dọn đường cho Chúa đến.
- Việt Nam ta có một truyện cổ nói lên niềm tin dân gian vào sứ mệnh, vào số mệnh của từng con người trên đời. – Nhà kia có ba cậu con trai. Một cậu nổi tiếng là ‘phá gia chi tử’, tiêu xài phung phí, phá của. Cậu khác quanh năm làm ăn quần quật, không dám tiêu xài một xu nào. Cậu thứ ba tuy không phá của nhưng cũng chẳng chịu làm gì hết. Một ngày nọ ba cậu đều hấp hối. Trước khi chết ba cậu lần lượt nói rõ lý do tại sao mình sắp chết. Cậu ‘phá của’ nói rằng nhà này (ý nói cha mẹ cậu) kiếp trước nợ nần tôi nên kiếp này tôi đầu thai vô để đòi nợ. Nay đòi xong, tôi ra đi. Cậu ‘làm quần quật’ nói rằng kiếp trước tôi mắc nợ nhà này, nay đầu thai để trả nợ, đã trả xong nay tôi ra đi. Còn cậu cuối cùng nói rằng tôi chẳng dính dáng nợ nần gì với nhà này. Tôi đầu thai vô đây để làm nhân chứng. Nay chứng kiến hai đứa kia đã đòi xong nợ, đã trả hết nợ, vậy tôi ra đi. – Chúng ta không tin vào quan niệm đầu thai để đi vào một định mệnh nghiệt ngã, nhưng chúng ta tin vào một sứ mệnh riêng, có tính cách mời gọi và thôi thúc, mà Chúa gửi gắm cho mỗi người chúng ta.
- Giacaria bị câm nín một thời gian sau đó hát lên bài ca nổi tiếng Benedictus. Đời sống đạo của ta cũng có thể có nét gì tương tự như vậy. Sau những thử thách, sau những gian khổ nghiền ngẫm, sau mùa đông…. Sẽ là niềm hân hoan an bình, sẽ là bài ca chúc tụng, sẽ là những bông hoa tươi đẹp….nếu ta biết vững niềm tin cậy phó thác vào tình thương của Chúa.
- “Một sứ thần hiện ra với Dacaria và bảo : “Bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan”. Dacaria thưa rằng : “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã già mà nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Lc 1,13.18)
Cô Isabelle 19 tuổi, nữ sinh viên người Pháp, đã cảm thấy “Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa nữa”, vì sau những đau khổ, mất mát xảy đến với cô, Thiên Chúa đã “ngoảnh mặt làm ngơ”. Cô không còn thiết sống nữa. Nhưng chính trong bước đường cùng ấy, theo lời khuyên của một người bạn, cô đã “đến và ở lại với Chúa”, và cô đã cảm nghiệm được lòng nhân từ của Người, đến nỗi có thể thốt lên như thánh Phaolô : “Không gì có thể tách tôi ra khỏi Tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô”.
Cuộc sống đã hơn một lần khiến tôi cảm thấy không biết phải dựa vào đâu để tin vào Thiên Chúa và chấp nhận những gì xảy đến cho tôi. Cũng như ông Dacaria và cô Isabelle, trước những thách đố của cuộc sống, tôi cũng cảm thấy bối rối, lo âu, không biết nương nhờ ai để có thể đứng vững.
Lạy Chúa, xin cho con biết đến và ở lại với Chúa, tìm và gặp nơi Ngài chỗ nương thân. (Epphata)
- Mầm khác :
Ngày 20-12
Lc 1,26-38
A. Hạt giống…
Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu nhân vật quan trọng nhất trong việc Chúa Cứu Thế sinh ra : Đức Maria.
- Thánh Luca trình bày Đức Maria là “Thiếu nữ Sion” (Câu “mừng vui lên” là âm hưởng của lời ngôn sứ Xôphônia nói với thiếu nữ Sion : x. Xp 8,14). Ngày xưa qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa hứa sẽ đến ở nhà “thiếu nữ Sion” (tức là dân Chúa). Lời hứa này hôm nay được thực hiện nơi Đức Mẹ.
- So sánh Đức Maria với ông Dacaria : khi được báo tin sẽ có con, cả Dacaria và Đức Maria đều thắc mắc hỏi lại. Nhưng câu hỏi của Dacaria biểu lộ sự không tin (câu 20 : Lời thiên sứ nói “Bởi vì ông không tin”). Còn câu hỏi của Đức Maria là để xin soi sáng thêm (“việc ấy xảy đến thế nào ?”), và sau đó Người đã mau mắn thưa Fiat.
B…. nẩy mầm.
- Đức Maria hỏi “Việc ấy xảy ra cách nào được, vì…”. Thiên sứ đáp “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (câu 37). Rất nhiều điều con người tưởng không thể nào làm được thế mà Thiên Chúa vẫn làm được : Ngài đã làm cho Êlisabét son sẻ được có con, đã làm cho Đức Maria đồng trinh sinh ra Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa cũng có thể làm nơi mỗi người chúng ta những việc trọng đại, miễn là chúng ta sẵn sàng để Ngài hoạt động trong chúng ta.
- Mặc dù “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, nhưng thường Thiên Chúa không làm một mình, Ngài thích có sự hợp tác của con người. Để cho Đấng Cứu Thế nhập thể, Thiên Chúa đã nhờ Đức Maria hợp tác. Và Đức Maria đã hợp tác bằng cách ngoan ngoãn để cho ơn Chúa hành động trong mình và qua mình : “Xin cứ làm cho tôi…”.
- Một thanh niên kia có thói quen ngủ rất say, luôn cần có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm ở một chỗ xa nhà. Mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên anh quên vặn đồng hồ trước khi ngủ nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai, anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh đưa tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ. Và anh bị đuổi việc. Khi anh trở về gia đình, mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ. Anh đáp :
– Chiếc đồng hồ đó hoàn toàn vô dụng đối với con.
– Nó vô dụng là vì con không chịu dùng nó. Mẹ anh đáp.
Bao nhiêu ơn Chúa ban cho ta cũng đều vô dụng nếu ta không xử dụng đến.
- Lịch sử cứu độ thời Cựu Ước bắt đầu bằng một hành vi đức tin của Abraham. Ông được gọi là “cha của những kẻ tin”. Lịch sử cứu độ thời Tân Ước cũng bắt đầu bằng hành vi đức tin của Đức Mẹ. Đức Maria được gọi là “mẹ của những kẻ tin”. Lịch sử cứu độ của mỗi người cũng phải bắt đầu bằng hành vị đức tin của người đó.
- “Sứ thần nói với cô Maria : Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Cô Maria thưa với sứ thần : “Này tôi là nữ tì của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1,31.38)
Một biến cố như cuồng phong chợt đến trong tâm tư người thôn nữ Nadarét, làm đảo lộn mọi dự tính, mọi ước mơ. Và có nguy cơ bị hiểu lầm, ruồng rẫy… Nhưng Mẹ Maria đã dám “Xin Vâng”, tin tưởng phó thác vào tình thương và sự tín trung của Thiên Chúa. Mẹ đã dám “Xin Vâng” và nhận mình là bé nhỏ, là thuộc về. Mẹ đã dám “Xin Vâng”, và nhận được sự bình an.
Tuổi trẻ luôn có nhiều ước mơ, hoài bão, tự xây cho mình nhiều kế hoạch để khẳng định chính mình, nên rất sợ những biến cố, những tai họa, vì chúng tạo ra những thay đổi, gây nên những thất bại và làm đổ bể mọi kế hoạch. Tôi lo lắng, sợ hãi vì chưa biết chấp nhận sự nhỏ bé của mình, chưa tin tưởng phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa, và chưa dám Xin Vâng như Mẹ Maria.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết Xin Vâng như Mẹ. Xin Vâng mỗi ngày trong suốt cuộc sống của con, để dù cuộc sống có như thác đổ, lòng con vẫn cứ bình an vì biết rằng Chúa luôn đồng hành với con. (Epphata)
- Mầm khác :
Ngày 21-12
Lc 1,39-45
A. Hạt giống…
Bài Tin Mừng hôm nay cho biết thêm về Mẹ Đấng cứu thế sắp sinh ra.
- Thánh Luca cố ý viết câu chuyện này giống với chuyện Đavít mang Hòm Bia về Giêrusalem (2.Sm 6), để nói rằng Đức Maria chính là Hòm Bia Tân Ước. Sau đây là các chi tiết :
- Hòm Bia tiến về hướng Giêrusalem, ghé nhà của ông Ôbed-Êdom. Maria đi từ Nagiarét theo hướng Giêrusalem, ghé nhà Êlisabét.
- Đavít đã “kêu lên” rằng : làm sao Hòm Bia của Chúa đến nhà tôi được. Êlisabét cũng “kêu lên” : làm sao mà mẹ của Chúa tôi đến nhà tôi.
- Nhờ Hòm Bia ghé ở nhà Ôbed-Êdom mà ông này được Thiên Chúa ban phúc. Đức Maria ghé nhà Êlisabét khiến gia đình bà (kể cả thai nhi) được phúc.
- Hòm Bia ở nhà Obed-Êđom 3 tháng ; Đức Maria cũng ở nhà Êlisabét 3 tháng (xem câu 56)
B…. nẩy mầm.
- Sau khi đã đón nhận Chúa vào lòng, sau khi đầy tràn Chúa, giờ đây mẹ Maria đem Chúa đến cho tha nhân : Một người quen sống quảng đại với Chúa thì cũng dễ sống bác ái quảng đại với tha nhân.
- Khi lần chuỗi, chúng ta thường đọc ‘thứ hai, Đức Bà đi viếng bà thánh Isave, ta hãy xin cho được lòng yêu người”. – Ta không xin cho được lòng ‘yêu mình’, hoặc cho được lòng ‘ghét người’, nhưng ta vẫn dễ có khuynh hướng sống như vậy. Noi gương Mẹ Maria ta đem niềm vui cho người khác. “Niềm vui nếu biết đem chia sẻ sẽ tăng gấp đôi, nỗi buồn nếu được chia sẻ sẽ vơi một nửa”.
- Chiêm ngưỡng cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Êlisabét, khung cảnh thật cảm động. Chúa Giêsu và thánh Gioan Tẩy Giả đang được hưởng những ngày êm ấm nhất, trong lòng mẹ, phủ đầy yêu thương. Và tai các ngài được nghe hai người mẹ trao đổi những lời thánh thiện, thân ái thấm đầy những lời Thánh Kinh đã thuộc nằm lòng.
- “Bà Maria vội vã lên đường đến miền núi… vào nhà ông Dacaria và chào hỏi vợ ông là bà Êlidabét” (Lc 1,39-40)
Trời nắng như thiêu đốt, ngồi trong căn gác nóng nực của nhà trọ, tôi nghe rõ nỗi cô đơn của tiếng gậy khua lóc cóc, nghe rõ sự mệt nhọc của tiếng hát ê a khi bà cụ mù lòa ăn xin đi ngang nhà. Đặt tờ giấy bạc vào bàn tay run rẩy của bà, lòng tôi dịu bớt đi, nhưng vẫn nghe hoài tiếng gậy khua lóc cóc… như đòi hỏi tôi điều khó khăn hơn lòng thương hại bình thường, là phải sống nhiệt tình hơn, quảng đại hơn…
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã vội vã lên đường đến giúp bà Êlidabét trong những ngày bà mang thai và chuẩn bị sinh nở. Xin giúp con mở rộng vòng tay và tấm lòng cho những người đang cần con giúp đỡ. (Epphata)
- Mầm khác :
Ngày 22-12
Lc 1,46-56
A. Hạt giống…
Đây là bài ca Magnificat mà Giáo Hội vẫn thường hát và thích hát.
– Hoàn cảnh : Đức Maria vừa được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế mà muôn dân trông đợi hàng bao nhiêu thế kỷ nay. Người hay tin bà chị họ là Êlisabét cũng đã mang thai trong lúc tuổi già, nên Người vội vã lên đường đến thăm và giúp đỡ người chị họ ấy. Khi hai người gặp nhau, Bà Êlisabét chức mừng Đức Maria “Em có phúc hơn mọi người phụ nữ” ; còn bà Êlisabét thì tràn ngập vui mừng “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi” ; ngay cả bào thai trong bụng bà Êlisabét cũng vui mừng đến nổi nhảy lên ! Trong bầu khí tràn ngập vui mừng ấy, Đức Maria đã hát lên bài ca này đế tán dương và tạ ơn Thiên Chúa vì đã thương đến những người hèn mọn khiêm nhu.
– Bối cảnh : Thực ra bài ca này không phải do Đức Mẹ đã một mình sáng tác. Nó là cô đọng cả một trào lưu suy tư của những người hèn mọn trải suốt lịch sử cứu độ. Từ xưa đến nay và mãi tới muôn đời, hễ ai hèn mọn nhưng biết khiêm tốn nương nhờ nơi Thiên Chúa thì Ngài sẽ bênh vực che chở. Còn những người “lớn” và “mạnh” mà kiêu căng ỷ sức mình hay cậy vào những thứ mình đang có thì Thiên Chúa sẽ hạ bệ. Đức Maria chỉ làm công việc đúc kết tất cả những cảm nghiệm ấy trong bài ca Magnificat này.
B…. nẩy mầm.
- “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” : không phải chỉ một mình Đức Mẹ có thể thốt lên lời ca này, không phải chỉ có các thánh mới có thể hát như Đức Mẹ, mà bất cứ ai cũng đều có thể như thế, miễn là phải chịu khó nhìn lại đời mình và nhận ra những ơn lành Thiên Chúa đã tuôn đổ xuống trên mình.
Tôi hãy nhìn lại dòng đời của mình, xin Chúa và Đức Mẹ mở trí mở lòng để tôi nhận ra những ơn của Ngài, và tôi hãy cùng Đức Mẹ hát lên những lời tạ ơn tán tụng.
- “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao những kẻ khiêm nhu” : Đây là một chân lý, chân lý đã được chứng minh qua hàng bao nhiêu ngàn năm. Thế thì tại sao tôi lại cứ mãi ngu dại sống kiêu căng tự phụ. Người kiêu căng tự phụ không những sẽ bị mọi người ghét bỏ, mà ngay cả chính Thiên Chúa cũng hạ bệ nó.
- Mỗi kitô hữu cũng được mời gọi để không ngừng hát lên và sống bài ca Magnificat : “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở trong Đấng cứu độ tôi”. Đó phải là bài ca trong từng phút giây cuộc đời chúng ta. Không vui sao được khi biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc bằng chính máu của Con Một Ngài ; không vui sao được khi biết rằng trong Người Con Một ấy chúng ta tìm được ánh sáng chân lý, bình an và hy vọng ; không vui sao được khi biết rằng trong hành trình về nhà Cha, có biết bao người cùng tiến bước với ta. (“Mỗi ngày một tin vui”)
- “Đức Maria nói : Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1,46-47)
Thuở còn bé, khi tôi xoè bàn tay nhỏ xíu hứng những giọt nước mưa, những hạt nước chảy tràn ra ngoài. Tôi cảm thấy thiên nhiên thật kỳ diệu ! Lớn lên, cũng với bàn tay ấy, tôi mở ra để đón nhận hồng ân của Cha, những ân huệ của Người và của Đời. Không biết vì tay tôi lớn hay vì ân huệ kia quá ít mà chưa bao gờ tôi cảm thấy đủ, để nói lên lời tạ ơn. Tôi đã không nhận ra những ân huệ đang tuôn đổ trên tôi mỗi ngày.
Đức Maria đã nhận ra tình thương của Thiên Chúa và đón nhận với tâm tình ngợi khen, cảm tạ. Vì khiêm nhu nhỏ bé, Mẹ đã nhận ra ơn Người thật lớn lao.
Lạy Cha, xin ban cho con quả tim đơn sơ, luôn biết ngỡ ngàng trước tình yêu Cha dành cho con, để có thể cất lên lời tạ ơn Cha mỗi ngày trong đời con. (Epphata)
- Mầm khác :
Ngày 23-12
Lc 1,57-66
A. Hạt giống…
- Trọng tâm của bài tường thuật là việc đặt tên cho con trẻ, một cái tên đặc biệt : a/ Không theo tên người cha (việc lấy tên cha đặt cho con không phải là tục lệ, nhưng cũng có xảy ra khi người cha đã cao tuổi) ; b/ Lấy một cái tên hoàn toàn không có trong họ hàng ; c/ Cả người cha (dù câm) và người mẹ đều nhất trí với tên này ; d/ Đó là tên chính Thiên Chúa đã chọn (x. Lc 1,13).
- Tên Gioan nghĩa là “Chúa thương”. “Chúa thương” cũng là một ý mà Luca muốn nhấn mạnh trong bài tường thuật này. Bởi thế trong phần nhập đề ngài đã viết “Nghe biết Chúa quá thương bà như vậy…” (câu 57). Việc Gioan sinh ra là dấu Thiên Chúa tỏ tình thương : tình thương đối với dân Ngài, đối với vợ chồng Dacaria và đối với bản thân Gioan.
- Tất cả những chi tiết đặc biệt ấy cho thấy Gioan là một người đặc biệt do Thiên Chúa chọn để trao cho một sứ mạng đặc biệt.
B…. nẩy mầm.
- Con người không phải là một con số vô danh giữa đám đông loài người. Khi sinh ra, mỗi người đều được Chúa trao cho một sứ mạng, một ơn gọi, một ý nghĩa cho cuộc đời người đó sẽ sống. Ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa cuộc đời của Gioan là làm tiền hô cho Chúa Cứu thế. Còn ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa đời tôi là gì ?
- Mặc dù có thể tự mình đến với loài người, nhưng Chúa muốn có người làm tiền hô. Ngày xưa Thiên Chúa dùng Gioan làm tiền hô. Ngày nay Ngài cũng muốn chúng ta làm tiền hô, để Chúa Giêsu đến với tâm hồn từng người trong thế giới hôm nay.
- Mỗi người chúng ta đều có thể mang tên Gioan (nghĩa là “Chúa thương”) bởi vì mỗi người đều là một tác phẩm của tình thương Chúa. Kinh “Cám ơn” chúng ta thường đọc nhắc ta nhớ đến tình thương đó : Chúa đã chẳng để chúng ta là “không đời đời” (rất nhiều người đọc sai là “sống đời đời”) mà đã sinh dựng nên ta ; lại cho ta sinh ra làm người chứ không là gỗ đá hay súc vật ; lại cho ta được làm kitô hữu ; có người còn được làm tu sĩ và Linh mục của Ngài…
- “Ngay lúc ấy, miệng Dacaria lại mở ra, ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 1,64)
Tôi có thói quen : trước khi làm một điều gì tôi luôn cầu nguyện. Tôi cầu xin Chúa cho mình vượt qua mọi chướng ngại và không bao giờ biết đến thất bại. Thành công, tôi hớn hở vui mừng và không ngớt lời tạ ơn Chúa. Lúc ấy, tôi rất hãnh diện với bạn bè. Nhưng khi thất bại, tôi cảm thấy buồn và cô đơn, vì nghĩ rằng Chúa bỏ rơi tôi, và bạn bè cũng xa lánh tôi. Tôi oán trách Chúa và mọi người. Sau này tôi mới hiểu ra đó là con đường tốt Chúa dẫn tôi đi ra khỏi những ảo tưởng về chính mình, về Thiên Chúa cũng như về mọi người.
Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết đường lối của Chúa và cho con theo đúng đường lối Người truyền dạy, để không ngừng chúc tụng Chúa Đấng Cứu Chuộc con. (Epphata)
- Mầm khác :
Ngày 24-12
Lc 1,67-79
A. Hạt giống…
Những ý lớn trong bài ca của Dacaria :
- Thiên Chúa đã thực hiện Lời hứa cứu độ mà Ngài đã hứa từ ngàn xưa với các tổ phụ và qua miệng các ngôn sứ.
- Hôm nay Con Thiên Chúa là “Vầng Đông” đã xuất hiện, mở màn một kỷ nguyên mới.
- Gioan sẽ là Tiền hô cho Ngài : mở lối cho Ngài đi, và báo tin vui cứu độ cho nhân loại.
B…. nẩy mầm.
- Bài ca này được Phụng vụ chọn cho chúng ta đọc buổi sáng lúc bắt đầu một ngày mới, nhằm nhắc chúng ta : a/ Hãy sống một ngày trong ánh sáng của “Vầng đông” Chúa Cứu Thế ; b/ Hãy sống như Gioan : mở lối cho Chúa đến thăm anh chị em mình ; loan báo tin vui cứu độ cho họ.
- Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng đến nỗi Chúa đã làm ra nó trước cà trời và đất. Khi đã có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo. Hãy nhìn quanh ta, ta sẽ thấy ánh sáng giúp ta rất nhiều cách : ánh sáng mặt trời làm cho sinh vật lớn lên, sưởi ấm con người và hong khô quấn áo. Nhờ có ánh sáng, ta mới thấy được sự vật quanh ta. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại ; Hãy nghĩ tới ánh sáng của các ngọn đèn : ta dùng chúng để trang hoàng nhà cửa, nhờ chúng ta mới thấy đường mà đi trong đêm tối ; Nếu không có ánh sáng, sinh vật không lớn lên được và sẽ chết dần mòn… Bởi thế người ta sợ bóng tối và vui mừng vì ánh sáng (Frank Mihalic).
Chúng ta hãy bắt đầu mỗi ngày mới với tâm tình của Dacaria trong bài ca Benedictus “Chúc tụng Thiên Chúa… cho Vầng đông từ chốn cao vời viếng thăm ta”.
- Mầm khác :