“Hãy mở ra” – Gm Giuse Vũ Văn Thiên

print

“Hãy mở ra” (Bài giảng Chúa nhật XXIII thường niên B)

Hãy mở ra!”. Đó cũng là lời mời gọi Chúa gửi đến với chúng ta hôm nay. Bởi lẽ chúng ta thường có thói quen khép kín trước nỗi đau của tha nhân, dửng dưng với người đồng loại và vô cảm trước nỗi khốn cùng của người bất hạnh.

 
Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai. Người đến trần gian để khai mở một kỷ nguyên mới. Đó là kỷ nguyên của ơn Cứu độ. Sứ mạng Cứu thế của Chúa Giêsu được chính Chúa Cha xác nhận, khi Người chịu phép rửa bởi tay ông Gioan bên bờ sông Giordano, cùng với  những cảnh tượng huyền bí lạ lùng, như một cuộc “thần hiện” trong Cựu ước, tức là trời mở ra và có tiếng phán từ trời, đồng thời hình chim bồ câu đậu xuống trên Chúa Giêsu (x.Mt 3,13-17). Qua biến cố “thần hiện” này, Chúa Cha giới thiệu với toàn thể nhân loại Con yêu Quý của Ngài.
 
Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia hôm nay giúp chúng ta kết nối Cựu ước với Tân ước. Vị ngôn sứ loan báo Đấng Cứu thế sẽ đến trong tương lai. Khi Người đến, sẽ có nhiều điều kỳ diệu: người mù sẽ nhìn thấy, người điếc sẽ nghe được, người câm sẽ mở miệng nói được. Thiên nhiên vũ trụ sẽ an hòa, con người sẽ sống với nhau trong tình nhân ái yêu thương. Cảnh hoang tàn sẽ chấm dứt, thay vào đó là cuộc sống thanh bình. Đoạn sách ngôn sứ Isaia hôm nay được viết trong thời lưu đày. Vào lúc khi người Do Thái sống xa quê hương đang đau buồn chán nản, vị Ngôn sứ khích lệ động viên họ: “Can đảm lên, đừng sợ. Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Ngài sẽ đến và cứu thoát các ngươi”. Chắc chắn những người đang sống tha phương sẽ vui mừng trước những lời này, và cảm nhận rõ quyền năng yêu thương của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương dân riêng của Ngài.
 
Thời Thiên sai mà ngôn sứ Isaia loan báo đã đến chưa? Đức tin Kitô giáo trả lời: đến rồi. Đấng Thiên sai là Đức Giêsu thành Nagiaret. Người là Đấng uy quyền trong lời giảng dạy cũng như trong các việc làm. Những gì đã được loan báo trong Cựu ước, nay được thực hiện nơi Đức Giêsu. Câu hỏi về sứ mạng của Đấng Thiên sai cũng là băn khoăn của ông Gioan Tẩy giả. Đang ở trong ngục, ông sai người đến hỏi Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi phải đợi một đấng khác?”. Thay cho câu trả lời, Chúa Giê-su bảo họ hãy thuật lại những gì họ thấy, tức là những dấu chỉ của thời Thiên sai mà ngôn sứ Isaia đã loan báo (x. Mt 111,2-6).
 
Thánh sử Mác-cô hôm nay kể lại phép lạ Chúa chữa cho một người câm điếc. Cách thức Chúa Giêsu chữa lành được diễn tả giống như phương pháp ma thuật thời bấy giờ, tức là không dùng thuốc, mà chỉ dùng quyền uy và sức mạnh của các vị thần linh. Với việc Chúa Giêsu chữa lành đủ mọi chứng bệnh khác nhau, Người chứng minh sứ vụ thiên sai của Người. Đồng thời, người cũng khẳng định, Người là Đấng nhân danh Đấng Tối cao mà đến trần gian. Không chỉ nhân danh Đấng Tối cao, Người còn là Con của Thiên Chúa, đến trần gian để thi hành thánh ý của Ngài.
 
Ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn đang hiện diện giữa chúng ta. Đây là sự hiện diện thiêng liêng vô hình. Qua Giáo Hội và qua mỗi tín hữu, Chúa Giêsu đang tiếp tục rao giảng Tin Mừng Cứu độ. Người cũng tiếp tục chữa lành các bệnh nhân, đem cho người đau khổ sự ủi an và người bệnh tật ơn chữa lành. Trong bài Thánh ca mang tựa đề “Chính Chúa chọn con” nhạc sĩ Hồng Bính đã diễn tả sứ mạng “thiên sai” của người tín hữu: “Xin dùng con theo ý của Ngài, làm tay chân cho người què cụt, cùng làm tai cho người bị điếc…làm đôi mắt cho người bị mù, làm tiếng kêu cho người bị oan”. Khi thực hiện được những nghĩa cử trên đây, mỗi chúng ta trở thành dấu chỉ của Đấng Thiên sai giữa cuộc đời còn nhiều gian khổ đau thương.
 
“Hãy mở ra!”. Đó cũng là lời mời gọi Chúa gửi đến với chúng ta hôm nay. Bởi lẽ chúng ta thường có thói quen khép kín trước nỗi đau của tha nhân, dửng dưng với người đồng loại và vô cảm trước nỗi khốn cùng của người bất hạnh. Thánh Giacôbê đã lấy một hình ảnh trớ trêu và nghịch lý xảy đến ngay giữa một cộng đoàn tín hữu, khi một người nghèo bị coi thường và bị đối xử tàn tệ, trong khi người giàu được cung kính đón rước. Tác giả bài đọc II đã gọi đó là cách cư xử thiên vị, đầy tà tâm. Đây là điều thường thấy trong cuộc sống của chúng ta, kể cả nơi các cộng đoàn tín hữu. Tác giả mời gọi chúng ta hãy nhận ra sự giàu có thiêng liêng nơi người nghèo. Đó chính là sự giàu có mà Thiên Chúa ưu ái ban cho họ và không ai có quyền lấy đi sự giàu có ấy.
 
“Hãy mở ra!”. Đây cũng là lệnh truyền của Chúa cho Giáo Hội của Người. Nếu Giáo Hội muốn trung thành với sứ mạng được trao phó, Giáo Hội phải mở rộng mọi cánh cửa để đến với muôn dân, đem Tin Mừng của Đức Giêsu đến mọi góc khuất của cuộc đời, nơi còn biết bao người đang khao khát được nghe Tin Mừng cứu độ và đón nhận tình thương. Nói đến Giáo Hội, chúng ta thường nghĩ ngay đến một tập thể, xem ra chẳng có liên quan gì đến cá nhân chúng ta. Không phải vậy, Giáo Hội là mỗi người chúng ta. Tách riêng mọi thành phần Dân Chúa, Giáo Hội chỉ còn là một khái niệm rỗng tuếch. Vì vậy, Giáo Hội mở cửa, có nghĩa mỗi người tín hữu đều chia sẻ những thao thức truyền giáo, đồng thời cộng tác nỗ lực vào sứ mạng ấy.
 
Thời Thiên sai đã đến và chúng ta vinh dự được cộng tác làm cho những giá trị của thời Thiên sai được tỏa lan nơi mọi nẻo đường của cuộc sống, để rồi “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Đó là ước nguyện của Chúa Giêsu, cũng là lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Chúa Cha mỗi ngày.
 
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên