The Little Catechism of curé of Ars – Bài 25: Bí tích Hòa Giải

25. Bí tích Hòa Giải

Thật là tuyệt vời khi chúng ta có một Bí tích chữa lành các vết thương trong linh hồn. Nhưng chúng ta phải đón nhận nó với sự chuẩn bị chu đáo. Nếu không, chúng ta sẽ gây thêm những vết thương mới bên cạnh những vết thương cũ.

Thánh Gioan Maria Vianney

Bất cứ khi nào linh hồn chúng ta có một vết nhơ, các con hãy bắt chước người kia có quả cầu bằng thủy tinh rất đẹp và quý giá, nên ra sức gìn giữ nó cẩn thận, mỗi khi phát hiện ra một chút xíu bụi trên nó, người ấy liền lau chùi với miếng mút mềm mại để quả cầu trong sáng trở lại. Cũng thế, ngay khi các con biết có một vết nhơ trên linh hồn mình, hãy lấy nước phép và làm dấu Thánh Giá với lòng tôn kính, làm một việc lành như bố thí, chầu Thánh Thể, tham dự Thánh Lễ… để đền bù tội lỗi đó. Giống như một người bị bệnh nhẹ, họ không cần phải đi bác sĩ mà vẫn có thể được chữa lành. Nếu đau đầu thì đi ngủ một giấc, nếu đói bụng thì đi ăn. Nhưng nếu đó là một căn bệnh trầm trọng, là một vết thương hiểm nghèo, người đó cần phải đi bác sĩ để được điều trị. Cũng vậy, khi chúng ta phạm tội trọng, chúng ta cần có sự giúp đỡ của bác sĩ, bác sĩ đó là Linh Mục; và cần sự điều trị đó là xưng tội.

Chúng ta không thể nào hiểu được lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với chúng ta qua việc thiết lập Bí tích Hòa Giải này. Nếu Chúa cho phép chúng ta xin Ngài một điều ước, chúng ta không bao giờ dám xin điều đó. Nhưng Thiên Chúa đã thấy trước sự yếu đuối và bất trung của chúng ta, đồng thời vì tình yêu thúc đẩy, Người đã làm những điều mà chúng ta không bao giờ dám xin. Nếu có ai nói với các linh hồn trong Hỏa Ngục rằng: “Chúng tôi sẽ mời một Linh Mục đến trước cửa Hỏa Ngục cho những ai muốn xưng tội để ra khỏi đó.” Các con nghĩ sẽ còn một ai chịu ở lại Hỏa Ngục không? Cho dù người tội lỗi nhất cũng không sợ xưng thú tội mình ra, cho dù xưng ra trước mặt mọi người trên thế gian này. Khi đó, Hỏa Ngục sẽ giống như sa mạc hoang vắng và trên Thiên Đàng người ta sẽ đông đảo biết bao! Nhưng tiếc thay, đó không phải là sự thật! Hiện nay chúng ta vẫn còn phương tiện và thời gian mà những người trong Hỏa Ngục không có. Và cha chắc rằng những người khốn khổ trong Hỏa Ngục sẽ nói rằng: “Linh Mục đáng ghét kia! Nếu như tôi chẳng bao giờ biết đến ông thì tôi đâu đến nỗi khốn nạn như bây giờ!”

Thật là tuyệt vời khi chúng ta có một Bí tích chữa lành các vết thương trong linh hồn. Nhưng chúng ta phải đón nhận nó với sự chuẩn bị chu đáo. Nếu không, chúng ta sẽ gây thêm những vết thương mới bên cạnh những vết thương cũ. Các con nghĩ gì về một người có đầy thương tích trên mình mà chịu nghe lời khuyên đi đến nhà thương và để cho bác sĩ điều trị cho mình? Dĩ nhiên, bác sĩ sẽ chữa lành cho anh ta với những phương pháp trị liệu. Nhưng không! Người này tự ý lấy dao gạch ra những đường cắt lớn, khiến cho vết thương của mình ra trầm trọng hơn. Đó là kết quả của nhiều người sau khi bước ra khỏi tòa giải tội.

Nhiều người xưng tội chẳng nên mà không biết. Họ nói: “Thưa cha, con muốn xưng tất cả các tội con đã phạm, nhưng con không biết con phạm tội gì!” Họ đau khổ nhưng không biết tại sao. Họ không biết mau mắn chạy đến Chúa, mà cứ để mình trong tình trạng nặng nề, chán nản khiến họ phải buồn chán, mệt mỏi. Đó chính là tội lỗi trong linh hồn và những hậu quả bệnh tật của nó, cho dù đó chỉ là tội nhẹ. Lại có những người khác thật sự kể hết các tội lỗi ra, nhưng trong lòng chẳng có một chút ăn năn sám hối, chẳng có quyết tâm từ bỏ mọi tội lỗi mà vẫn lên rước Chúa. Vì vậy Thánh Thể đã bị xúc phạm, bị coi thường. Họ đến với bàn tiệc thánh với một tâm hồn buồn chán. Họ nói: “Con đã xưng thú hết những tội lỗi của con rồi, nhưng con vẫn còn áy náy, con không biết mình có vấn đề gì?” Bí tích Thánh Thể trở nên vô ích mà họ chẳng biết.

Một số người xúc phạm đến Bí tích Hòa Giải bằng cách khác. Họ cố tình giấu giếm các tội trọng trong mười năm, hai mươi năm. Họ luôn luôn lo lắng phiền muộn về các tội đó; chúng cứ ám ảnh ngày đêm trong tâm trí họ; lương tâm họ luôn luôn bị cắn rứt, thúc giục họ phải đi xưng nó ra vì đó là tội dẫn đến Hỏa Ngục. Khi họ cảm thấy thế, họ liền đi đến tòa cáo giải, nhưng khi xưng tội họ xưng cách chung chung như thể đó là những tội mới phạm. Họ không xưng rõ rằng họ đã giấu chúng suốt mười năm hay hai mươi năm. Đó là xưng tội không nên. Đúng ra, bên cạnh việc xưng thú đã giấu tôi, họ còn phải xưng thú rằng đã lâu năm con không sống đạo, không cảm thấy vui mừng như trước kia con đã phục vụ Chúa.

Chúng ta còn liều mạng xúc phạm đến Bí tích Hòa Giải nếu chúng ta cố tình lợi dụng cơ hội khi thấy cha giải tội chưa chú ý thì xưng cho lẹ, hay chúng ta cố tình xưng thật nhỏ để cho cha giải tội đừng nghe thấy những tội trọng đó. Đó là những lần chúng ta xưng tội cách quỷ quyệt, gian manh. Đó là xưng tội không nên. Sau khi xưng tội như vậy, linh hồn chúng ta vẫn y như cũ. Tội cũ không được tha mà còn phạm thêm tội mới. Chúng ta phải ăn năn khóc lóc thật lòng để xin Chúa ban ơn tha thứ về những tội lỗi đó. Chúng ta phải ăn năn đền tội cách nghiêm túc. Sau khi xưng tội, chúng ta phải đau đớn thật trong lòng như để một cây gai trong tim vậy, và luôn luôn cảnh giác để mình đừng bao giờ phạm tội nữa. Chúng ta phải để cho dấu ấn của Bí tích Hòa Giải ghi sâu vào linh hồn mình giống như năm dấu thánh đã được Thiên Thần ghi ấn trên người Thánh Phanxicô thành Assisi vậy, một khi đã ghi các dấu ấy không bao giờ tan biến.

print