HGNM 17.10: Thánh Inhaxiô thành Antiokia

print

Ngày 17/10 

THÁNH INHAXIÔ THÀNH ANTIÔKIA 

Ga 12,24-26

* LỊCH SỬ

Sinh tại Syrie qua đời tại Rôma dưới thời Trajan (98-117).

Thánh Ignatio với biệt danh là Theophoros (người mang Chúa) là vị Giám mục thứ ba của thành Antiochia, sau thánh Phêrô, được xem như người thành lập giáo đoàn này, và thánh Evodis.

Tục truyền rằng, ngài là đứa bé được Chúa đặt giữa các Tông đồ, khi họ tranh chấp ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Tông đồ Gioan có lẽ là Thầy của ngài.

Khoảng năm 110, ngài bị bắt vì đức tin và bị giải về Rôma dưới trào hoàng đế Trajan. Trong cuộc hành trình gian nan này, ngài viết 7 lá thơ, nói lên tình yêu nồng say của ngài đối với Đức Kitô và ưu tư của ngài về sự hiệp nhất của cộng đoàn dưới sự lãnh đạo của vị giám mục. Ngài gởi thư về giáo đoàn Rôma van xin họ đừng làm gì để người ta thả ngài.

Tại Rôma, ngài bị kết án và cuối cùng bị quăng cho thú xé xác tại hí trường Colosseum. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh) 

A. Hạt giống…

Nghịch lý là những chân lý mà thoạt nghe thì xem như vô lý nhưng khi ta suy nghĩ kỹ thì sẽ thấy rất có lý. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy những nghịch lý về sống và chết, được và mất :

– Có dám chết thì mới sống : “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

– Có dám mất thì mới được : “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. 

B… nảy mầm.

  1. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Bạn hãy đọc lại câu này nhưng đổi một số chữ : hạt lúa = người tín hữu ; đất = thế giới này ; chết đi = hy sinh để phục vụ.
  2. Hãy suy nghĩ thêm về những nghịch lý giữa sống và chết, được và mất :

– Các thánh tử đạo dám chết vì Chúa cho nên đã được sự sống đời đời.

– Chúa nói rằng ai bỏ cha mẹ anh em ruộng nương…. thì sẽ được lại gấp trăm.

– Chúa cũng nói rằng dù được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì.

– Cỏ để cho con người cũ chết đi thì mới sống lại thành con người mới.

– v.v.

  1. “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” : mà Chúa đã đi con đường thánh giá thì người môn đệ cũng phải theo Ngài trên con đường đó ; Chúa đã ở trong đau khổ thì người môn đệ cũng phải ở đó, rồi mới được ở trong vinh quang hạnh phúc với Ngài.
  2. Có một chàng Muối chất phác trên đường dạo chơi bỗng gặp được một cái gì thật rộng lớn mênh mông. Ngạc nhiên, chàng hỏi :

– Người là ai ? là cái gì ?

– Tôi là Biển. Có tiếng đáp lại.

– Biển là gì ?

– Biển là tôi.

Chàng Muối vô cùng thắc mắc, không thể hiểu nổi “Tôi là Biển” và “Biển là tôi”. Tiếng ấy nói tiếp :

– Muốn hiểu tôi, anh hãy đến gần đây và chạm vào tôi.

Chàng Muối rụt rè đến gần Biển và nhúng mấy đầu ngón tay vào Biển. Lạ thay, vừa mới đụng có chút vậy mà chàng Muối đã bắt đầu hiểu được bí nhiệm Biển. Nhưng đồng thời chàng cũng nhận thấy mấy đầu ngón tay mình tan biến đâu mất. Chàng la lên :

– Biển ơi, chị làm gì vậy ? Tôi cụt hết mấy ngón tay rồi nè !

– Ô hay. Anh phải cho tôi chút gì của anh rồi mới hiểu được tôi chứ !

Vì đã biết chút ít bí mật về Biển, chàng Muối khao khát được hiểu biết nhiều hơn. Chàng bước xuống Biển và bắt đầu tan dần cách êm ái trong Biển. Trong mức độ hòa đồng đó, chàng Muối ý thức được chính mình và hiểu biết Biển nhiều hơn. Chàng cứ tiếp tục tan đi như thế, cho tới lúc một làn sóng cao ập tới, cuốn toàn thân chàng xuống tận đáy Biển. Khi đó chàng vui sướng hiểu được câu nói bí mật hồi nảy của Biển : “Biển chính là tôi”.

Kết : Chàng Muối chất phác chỉ bắt đầu hiểu được Biển và biết được chính mình khi chàng chịu cho Biển cái gì là của mình, rồi cho cả chính mình chàng. Sự hiểu biết êm dịu chàng cảm nghiệm được tiêu theo mức độ từ bỏ, bỏ cả cái tôi, như lời Chúa Giêsu nói “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình mà theo Ta” (Góp nhặt).