HGNM Bảy Sự Thương Khó Của Đức Mẹ

print

Ngày 15/9 

BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA ĐỨC MẸ

Ga 19,25-27

 

* LỊCH SỬ

Việc kính nhớ các sự đau khổ của Đức Bà hôm nay liên kết chặt chẽ với ngày lễ Suy tôn Thánh Giá ngày hôm qua, đây cũng là một điều dễ hiểu ; y như thánh lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngày xưa vào thứ sáu trước Lễ Lá, hai cuộc đau khổ phải được nối kết với nhau cách chặt chẽ ; cũng như cuộc đau khổ của chúng ta được nối kết với đau thương của Chúa Giêsu.

Thánh lễ “Bảy sự Thương Khó Đức Bà” được hình thành vào thời Trung Cổ. Ở nước Đức, người ta đã mừng thánh lễ này tuỳ từng nơi vào thế kỷ 15, như giáo phận Cologne, giáo phận Erfurt… Năm 1667 dòng Serviten bắt đầu phổ biến thánh lễ này. Mãi đến năm 1814 Đức Thánh Cha Piô VII mới cho phép toàn thế giới mừng kính.

Bảy sự thương khó Đức Bà được liệt kê theo bản văn phụng vụ như sau :

  1. Lời tiên báo của ông Simêon (Lc 2,34-35) ;
  2. Trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-15) ;
  3. Ba ngày đi tìm Chúa trong Đền thờ (Lc 2,41-52)
  4. Con đường lên Golgotha ;
  5. Cuộc đóng đinh ;
  6. Hạ xác Chúa xuống ;
  7. Chôn xác Chúa trong mồ. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh) 

A. Hạt giống…

Thánh Gioan mô tả Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá :

– Người không rũ rượi như những người mẹ khác khi thấy con mình đang chết đau đớn. Nhưng người “đứng”, một tư thế rất kiên vững. Thế “đứng” của Đức Mẹ đã là đề tài cho bao người chiêm ngưỡng và suy gẫm : Stabat Mater dolorosa !

– Trong giờ phút đau khổ tột cùng này, không ai nâng đỡ an ủi Mẹ, trái lại Mẹ còn lãnh thêm nhiệm vụ : “Thưa Bà, đây là con Bà”.

B… nảy mầm.

  1. Đức Mẹ dưới chân Thập giá được gọi là Đức Mẹ Đồng Công cứu chuộc, vì những đau khổ của Mẹ do kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn ơn cứu chuộc cho loài người.
  2. Có thứ đau khổ khiến người ta nhìn mà sợ

Có thứ đau khổ làm cho người ta tội nghiệp

Có thứ đau khổ làm cho người ta ngưỡng mộ

Có thứ đau khổ đáng cho người ta kính trọng.

Hôm nay chúng ta nhìn những đau khổ của Đức Mẹ Maria, không phải để sợ, để tội nghiệp mà để ngưỡng mộ, hơn nữa để tôn kính, vì đó là những đau khổ sinh ơn cứu độ cho người khác trong đó có chính chúng ta nữa.

  1. Vài ý tưởng về sự đau khổ :

– Sung sướng kéo tâm hồn xuống đất, khổ đau nâng tâm hồn lên trời (Nino Salvaneshi)

– Thiên Chúa nói thì thầm trong cơn vui sướng của chúng ta ; Ngài nói đủ nghe trong lương tâm của chúng ta ; nhưng Ngài hô lớn trong những cơn đau của chúng ta (C.S. Lewis).

  1. “Kể từ giờ ấy, người môn đệ rước Người về nhà mình”. Lạy Mẹ Maria, người môn đệ ấy là chính con. Kể từ hôm nay, con muốn rước Mẹ về ngôi nhà của lòng con và của cuộc đời con, để Mẹ cùng sống với con trong những lúc vui cũng như những lúc buồn, nhất là những lúc buồn ; những khi sung sướng và nhất là những khi đau khổ, để Mẹ dạy con biết cách chịu đau khổ thế nào để những khổ đau ấy trở thành nguồn ơn cứu độ cho con và cho anh chị em con.