LỄ ĐÊM GIÁNG SINH
Lc 2,1-14
A. Hạt giống…
Những điều thánh sử Luca muốn nói :
- Đức Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử : Ngài sinh ra vào thời hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số.
- Ngài sinh ra trong cảnh nghèo nàn túng thiếu : trong hang súc vật, nằm trong máng cỏ, chung quanh Ngài ngoài Đức Maria và thánh Giuse chỉ có súc vật và một số người chăn chiên.
- Nhưng Ngài chính là Con Thiên Chúa vinh quang, là Đức Kitô, là Đấng Cứu Tinh : lời các thiên sứ.
B… nảy mầm.
- “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Ngài : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (câu 12) : Văn thể truyền tin luôn cho một dấu chỉ. Thông thường những dấu chỉ đều là những sự việc phi thường (x.1,18-20.36 : cho Dacaria và cho Maria). Ở đây dấu chỉ rất tầm thường : một đứa bé quấn trong khăn nằm trong máng cỏ. Có lẽ giá trị của nó chỉ là chứng minh cho những người chăn chiên biết rằng đó là điều có thật chứ không phải là mơ. Thực ra Luca sâu sắc hơn nhiều : sự nghèo nàn chính là đặc tính của Đức Giêsu. Ngày nay cũng vậy, Chúa mời gọi chúng ta nhận ra Ngài qua dáng vẻ rất tầm thường của những người nghèo hèn.
- Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng nước bùn. Những khách khác thấy vậy cười nhạo ông. Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là quần áo của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ nữa. (Góp nhặt)
Việc làm của vị quan lớn ấy thật không ai ngờ, nó giúp ta hiểu được phần nào sự bất ngờ đến kinh ngạc của việc Con Thiên Chúa nhập thể làm người.
- Nào ai tưởng tượng nổi mức độ nhập thể của Con Thiên Chúa :
– Ngài không chỉ nhập thể bằng cách nhập vào một thể xác con người (như các vị thần trong những chuyện thần thoại).
– Mà còn mang thân phận người nghèo, hạng người thấp kém trong xã hội.
– lại còn mang thân phận tội nhân, hạng rốt cùng trong xã hội.
– Và thân phận một tử tội, hạng bị xã hội loài người muốn tiêu trừ.
Tóm lại, Ngài đã xuống tới mức zero (kenose = trở thành hư không), để từ đó mang loài người vươn lên : “Thiên Chúa xuống làm người để nâng loài người lên làm Thiên Chúa”.