HGNM Tuần 33 Mùa Thường Niên

print

HGNM Tuần 33 Mùa Thường Niên

 

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN.

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

Lc 21,5-19

A. Hạt giống…

Đoạn này mở đầu một đơn vị văn chương được gọi là “diễn từ chung luận” (Lc 21,5-36), trong đó Chúa Giêsu bàn đến những vấn đề “chung kết” của lịch sử là : sự sụp đổ của thành Giêrusalem, ngày tận thế, và ngày Đức Kitô quang lâm. Diễn từ này khó hiểu, một phần vì được viết theo văn thể khải huyền, phần khác vì 3 biến cố trên được nhắc đến xen lẫn nhau khiến người đọc không biết rõ những câu nào nói đến biến cố nào.

– các câu 5-6 : Chúa Giêsu tiên báo thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá.

– câu 7 : thính giả liên tưởng tới ngày tận thế nên hỏi Chúa Giêsu khi nào thì tận thế và có dấu nào báo trước không.

– câu 8-11 : Chúa Giêsu không muốn cho biết những dấu chỉ rõ ràng về ngày tận thế. Bởi đó trước tiên Ngài khuyên người ta chớ tin vào những dấu chỉ mà người này người nọ đưa ra cho rằng sắp tận thế. Kế đó Ngài dùng những hình ảnh khải huyền khó hiểu để nói một cách úp úp mở mở rằng khi tận thế thì những gì xưa nay người ta cho là chắc chắn đều sẽ lung lay.

– các câu 12-19 : Chúa Giêsu báo trước cho môn đệ mình biết rằng có một thời kỳ Giáo Hội sẽ bị bắt bớ. Rồi Ngài dạy họ phải sống thế nào trong thời kỳ đó : hãy coi những khốn khó đó là dịp để ta làm chứng cho Chúa (câu 13) ; đừng sợ phải bào chữa thế nào, vì Ngài sẽ ban cho họ sự khôn ngoan mà kẻ thù không thể nào thắng được (cc 14-15) ; đừng sợ khi bị bắt bớ và thù ghét, vì vẫn có Chúa quan phòng trong tất cả những hoàn cảnh éo le đó (cc 16-18) ; phải kiên trì (câu 19).

B… nảy mầm.

  1. Mọi công trình con người xây dựng, dù cho kiên cố và quý giá đến đâu đi nữa, kể cả Đền thờ Giêrusalem… tất cả đều sẽ có ngày sụp đổ. Chẳng có gì bền vững ở thế giới này. “Trăm năm bia đá cũng mòn” ; “Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa. Hoa nào không phai tàn ? trăng nào không khuyết ? ngày nào mà không có đêm ? yến tiệc nào không có lúc tàn ?” 
  2. Triết lý Á Đông : “sự vật hễ có hình thì có hoại”. 
  3. Trong tuần lễ cuối cùng của năm Phụng vụ, Lời Chúa nhắc chúng ta hãy suy nghĩ về những vấn đề cuối cùng của đời người : chết, phán xét, số phận đời đời…
  4. Các nhà văn muốn viết một quyển truyện hay thường nghĩ trước phần kết của câu truyện. Chúng ta muốn viết quyển truyện đời mình cho hay thì cũng phải nghĩ trước về ngày chết của mình, đừng như nhân vật trong chuyện dưới đây :

“Nhà khoa học Huxley đang gấp vì sợ đến trễ phiên họp trong đó ông phải đọc một bài tham luận. Ông nhảy lên một chiếc xe ngựa và bảo người đánh ngựa “Hãy chạy hết tốc lực”. Xe chạy một quãng, ông mới giật mình hỏi “Nhưng mà ta đang chạy đi đâu vậy ?”. Người đánh ngựa đáp : “Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết là xe đang chạy hết tốc lực”. (Clifton Gadiman).

  1. Cả cuộc sống êm ả lẫn cuộc sống bất ổn cũng đều tiềm tàng những thuận lợn và những hiểm nguy cho đời sống thiêng liêng. Vấn đề là làm sao luôn rút được ích lợi ngay giữa hai tình cảnh đối nghịch đó :

– Nếu được sống triền miên trong sự êm ả (Td : sống trong một xã hội sung túc đầy đủ, không bao giờ phải lo chiến tranh hoạn nạn…) người ta sẽ dễ an tâm sống đạo thờ phượng Chúa. – Nhưng cũng dễ rơi vào chỗ coi thường, bất cần đến đạo, bất cần đến Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, mỗi khi dân Chúa li bì trong cảnh thái bình mà đâm ra truỵ lạc, tự mãn, không coi Thiên Chúa ra gì, thì thường xuất hiện vị ngôn sứ loan báo tai họa để nhắc nhở dân (gọi là ngôn sứ báo họa). 

– Ngược lại, nếu luôn phải sống trong phập phồng lo sợ, người ta dễ thấy mạng sống mình mong manh, thấy của cải vật chất không giúp bảo đảm gì nhiều cho mình. Khi đó người ta dễ chạy đến với Chúa. Nhưng nếu cứ phải sống triền miên trong bất ổn, cuộc đời dễ mất ổn định và khó lòng đạt được những hoa trái của sự bình an. Suy niệm đời ông Gióp giúp ta hiểu rõ hơn.

  1. “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. (Lc 21,6)

Ồ một chiếc bông hồng vừa hé nở đẹp quá ! Thế mà chỉ vài ngày sau nó đã tàn úa, vì đó chỉ là những vẻ đẹp chóng qua.

Đền thờ Giêrusalem, một công trình mất đến 40 năm mới hoàn tất, vậy mà Chúa bảo rồi sẽ có ngày bị tàn phá. Giữa những vẻ đẹp nhân tạo, những vẻ đẹp của trần thế chóng qua, Chúa muốn tôi tìm kiếm vẻ đẹp không bao giờ tàn úa. Chỉ có vẻ đẹp của tâm hồn, chỉ có sự thánh thiện mới không có gì phá hủy được. Vẻ đẹp đó chỉ có thể tô điểm bằng yêu thương và phục vụ.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương và phục vụ, để giữ mãi vẻ đẹp của tâm hồn. (Hosanna) 

  1. Câu 13 : gian nan khốn khổ là những cơ hội để làm chứng. Những cha mẹ giàu cho con cái rất nhiều tiền nhưng chúng vẫn không tin rằng cha mẹ thương chúng, bởi vì chúng chưa có “bằng chứng” về sự tận tụy cực khổ của cha mẹ. Bởi thế, Chúa Giêsu đã chịu nạn chịu chết để chứng tỏ cho loài người biết Thiên Chúa yêu thương họ. Cũng vì thế, các tông đồ rất vui mừng khi bị bách hại, vì đó là dịp họ chứng tỏ tấm lòng của họ đối với Chúa.
  2. Trong Tin Mừng có nhiều “lời hứa” rất đáng sợ : “Chúng con sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp” ; “Họ sẽ giết một số người trong chúng con” ; “Vì danh Thầy, chúng con sẽ bị mọi người thù ghét” v.v. Tại sao thế ? Bởi vì đó chính là con đường mà người môn đệ phải đi : “Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34) ; và đó cũng chính là hạnh phúc thật của người môn đệ Chúa “Phúc cho ai bị bắt bớ vì sự công chính”. (Mt 5,10)
  3. Có lúc nào đó chúng ta thử chậm rãi đọc lại những lời thấm thía trong kinh cầu các thánh tử đạo Việt Nam :

– “Là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô”, 

– “Là thành phần trung kiên của Hội Thánh”, 

– “Xưa Chúa đã ban cho các Ngài được vững tin vào Lời Chúa, và đầy sức mạnh của Thánh Thần, nên các Ngài đã cam lòng chịu gian lao đau khổ, quyết  một lòng theo Đức Kitô trên con đường thập giá và hy sinh đến giọt máu cuối cùng”. 

– “Các Ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin”…

  1. Kiên trì trong nhiệm vụ : Nhiệm vụ của đồng hồ là mỗi giây phải kêu lên một tiếng tic-tac. Một chiếc đồng hồ trẻ vừa sinh ra từ một hãng chế tạo được đưa về đặt trong phòng khách một gia đình. Cậu bé làm bài toán về những tiếng tic-tac mình phải phát ra : mỗi phút 60 giây, một giờ 60 phút, một ngày 24 giờ, một tháng 30 ngày, một năm 12 tháng. Cậu rùng mình sợ hãi vì không biết mình phải làm nhiệm vụ bao nhiêu năm. Thấy thế, cụ đồng hồ già đứng ở xó nhà lên tiếng an ủi : “Cháu ơi đừng quá lo sợ như thế. Bác đã làm công việc này suốt 3 thế hệ rồi. Kinh nghiệm của bác là chỉ cần để ý mỗi giây phát ra một tiếng thôi”. (Bruno Hagspiel)
  2. “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”. (Lc 21,19)

Một chàng thanh niên nọ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng mẹ. Nhờ tình thương của ông bà cụ, anh thoát chết. Được sự nuôi nấng của gia đình, theo thời gian, anh lớn lên, rồi trở thành một ngư phủ. Hằng ngày anh ra khơi đánh cá về giúp cha mẹ nuôi. Cuộc sống tưởng êm đẹp, nào ngờ một hôm tai họa ập đến, anh bị thương trầm trọng do tai nạn thuyền gây ra. Mặc dù đã bán hết tài sản để chữa chạy nhưng anh vẫn không khỏi bệnh. Bố mẹ anh “gạt nước mắt” làm một cái chòi ở đầu đường rồi đặt anh vào đó để anh được sống nhờ lòng thương xót của khách qua đường. Do không được săn sóc, người anh mọc đầy ghẻ lở. Bệnh tật ngày một tăng, cơ thể hao mòn, cuộc đời như đã mất…

Nhưng rồi Thiên Chúa lại mỉm cười với anh. Với những lời động viên, an ủi, khuyến khích của bố mẹ nuôi mới, anh đã cố gắng kiên nhẫn tập luyện : mỗi ngày 1 giờ, rồi 2 giờ, 3 giờ và cứ thế… Bây giờ trong anh bừng lên một niềm vui sung sướng, hạnh phúc : Tôi sẽ bình phục.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Chúa luôn ở với con, gìn giữ con và nâng đỡ con. (Hosanna) 

 

 

Thứ Hai :

Lc 18,35-43

A. Hạt giống…

Chuyện này có 3 vai :

  1. Người mù :

  – Ban đầu anh “ngồi” (thụ động) “ăn xin” (sống bám) “bên vệ đường” (ở ngoài rìa xã hội) (câu 35). Sau khi được Chúa Giêsu chữa, anh “đi” (chủ động), “tôn vinh Thiên Chúa” (rao giảng) và “đi theo” (làm môn đệ) Chúa Giêsu (câu 43).

  – Thái độ của anh : “hỏi xem có chuyện gì” (câu 36) – khi biết là có Chúa Giêsu đi ngang qua, anh “kêu lên” xin Ngài dủ lòng thương (câu 38) – người ta quát nạt anh, bảo anh im đi, “anh càng kêu lớn tiếng” (câu 39) – khi gặp Chúa Giêsu, anh nói rõ điều muốn xin “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy” (câu 41). Thái độ ấy được Chúa Giêsu đánh giá là có đức tin (câu 42).

  1. Đám đông :

  – Lúc đầu quát nạt anh mù, bảo anh im. Họ tưởng làm như thế là vừa lòng Chúa Giêsu (vì Chúa Giêsu khỏi bị quấy rối khi đang bận đi đường).

  – Mc 10,49 cho biết thêm : khi Chúa Giêsu cho gọi anh đến thì dân chúng khuyến khích anh “Cứ yên tâm, đứng dậy, Ngài gọi anh đấy”.

  – Sau khi anh khỏi bệnh, họ “cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa”

  1. Chúa Giêsu :

  – Dù “đang đi” (bận rộn) và ở giữa đám đông, Ngài cũng để ý đến tiếng kêu xin của một người mù.

  – Đối xử rất ưu ái với người mù : Ngài “dừng lại”, “truyền dẫn anh ta đến”, ân cần hỏi han, khen ngợi đức tin của anh mù và cứu chữa anh.

B…. nẩy mầm.

  1. Anh mù đáng làm gương cho chúng ta : anh ý thức mình cần Chúa, anh cố gắng hết sức để được đến gần Chúa, bất chấp mọi ngăn cản. Kết quả là anh đã được Chúa đổi mới hoàn toàn ; anh còn thay đổi được lòng hẹp hòi của những người chung quanh. Nếu chúng ta làm như anh mù này thì mặc dù mọi người ngăn cản chúng ta và mặc dù ban đầu xem ra Chúa không nghe tiếng chúng ta, nhưng cuối cùng Ngài sẽ dừng lại, ưu ái gọi chúng ta đến và biến đổi đời sống chúng ta.
  2. “Khi người mù thành Giêrikhô lên tiếng tỏ ý muốn gặp Chúa Giêsu thì người ta đã quát mắng anh ta phải im đi. Phải chăng đó là tình trạng trong nhiều cộng đoàn Giáo Hội chúng ta : có biết bao người không có cơ may gặp gỡ Chúa vì chưa thấy được tình yêu thương của Giáo Hội… Có biết bao người vẫn tuyệt vọng vì chưa cảm nhận được tình thương từ nơi những môn đệ Chúa Giêsu… Chúa Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ dẫn người mù đến với Ngài. Ngày nay Ngài cũng tiếp tục đưa ra cùng một mệnh lệnh : Hãy để cho những người đau khổ, những kẻ đang kiếm tìm được đến gần Ngài…” (trích “Mỗi ngày một tin vui”)
  3.  CG là Ánh sáng muôn dân (Lumen gentium).  Đây là một chủ đề lớn, được chọn làm đề tựa cho một hiến chế của Công Đồng Vaticanô II. Ánh sáng của Chúa soi thẳm lòng người. Giúp con người nhìn ra ánh sáng của con tim. Giúp con người tìm về nhà  Cha. Có những người mù loà, nhưng với lòng tin tưởng phó thác, đã nhìn được ánh sáng này. Ngược lại, có những con người tự phụ rằng mình sáng suốt lại chẳng nhìn ra được  ánh sáng của Chúa. 
  4. Một học giả kia rất thông thái nhưng cũng rất đãng trí. Một hôm ông cỡi lừa đi thăm một người bạn. Dù đang cỡi lừa, ông vẫn cứ dán mắt vào quyển sách, tay buông lỏng dây cương. Do đó con lừa sau khi đi một đoạn đường đã quay trở lại chính ngôi nhà của ông. Ông tưởng đó là ngôi nhà của người bạn. Ông nhìn ngôi nhà từ trên xuống dưới, từ trước tới sau, và kết luận : “Ông bạn của ta cẩu thả quá, nhà hư gần sập tới nơi mà không sửa sang gì cả.” Vợ ông bước ra tiếp lời : “Ông nhận xét đúng đấy. Nhưng đây là ngôi nhà của chính ông”. Nhiều người rất sáng về chuyện người khác, nhưng rất mù về những khuyết điểm của chính mình. (Ernst Wilhelm Nusselein).
  5. “Anh muốn tôi làm gì cho anh. Anh ta đáp : Lạy Ngài xin cho tôi được thấy” (Lc 18,41)

Một thiền sư hỏi các đồ đệ rằng “Lúc nào là lúc đêm tàn và ngày đến ?” Nhiều câu trả lời được đưa ra : kẻ thì cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt từ xa một cây dừa với một cây cau ; người thì cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt từ xa một con bò với một con trâu… Cuối cùng chỉ có một câu trả lời làm vừa lòng thiền sư, đó là : khi ta nhìn mọi người và nhận ra đó là anh em của ta.

Quả thật, có những thứ ta không thể thấy được bằng mắt, nhưng chỉ thấy d0 bằng con tim, bằng tình yêu…

Lạy Chúa, Chúa đã đốt lên ngọn lửa nơi tâm hồn anh mù để anh nhận ra Chúa. Xin Chúa cũng nhóm lên ngọn lửa tình yêu nơi trái tim con, để con thấy Chúa và nhận ra Ngài nơi những người quanh con. (Hosanna)

Thứ Ba :

Lc 19,1-10

A. Hạt giống…

  1. Mở đầu câu chuyện, ông Dakêu được mô tả là kẻ tội lỗi : thu thuế (lại còn “đứng đầu những người thu thuế”) và lo thu tích của cải (“và là người giàu có”) – Cuối câu chuyện, ông thay đổi hẳn : “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” ; phân phát tài sản cho người nghèo (là điều Chúa Giêsu thường khuyên làm. x. Lc 12,33-34 16,1-8 16,9-13 v.v.) ; đền bù những thiệt hại đã gây cho người khác.
  2. Có hai nhân tố tạo nên sự thay đổi đó :

  – một là những cố gắng của chính Dakêu : “tìm cách xem” mặt Chúa Giêsu, “chạy tới phía trước”, “leo lên một cây sung để xem Chúa Giêsu”.

  – hai là lòng nhân từ của Chúa Giêsu : Ngài “nhìn lên” ông, Ngài gọi ông “xuống mau đi”, Ngài đưa đề nghị đến nhà ông “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Chúa Giêsu tự giới thiệu là “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

B…. nẩy mầm.

  1. Ơn cứu độ là kết quả sự hợp tác của hai phía : con người (Dakêu “tìm cách xem” mặt Chúa, “chạy tới phía trước”, “leo lên cây sung”) và Thiên Chúa (Chúa Giêsu “nhìn lên”, gọi Dakêu, và đến “trọ nhà” ông).
  2. Dakêu là hình ảnh :

  – của những người giàu : giàu tiền nhưng nghèo đạo đức thì trong lòng vẫn còn thiếu thốn và trống trải. Dakêu đi tìm Chúa Giêsu để lấp đầy khoảng trống thiếu thốn trong lòng mình.

  – của người môn đệ : Tin Mừng Luca thường ghi lại những lời Chúa Giêsu khuyên môn đệ hãy bán tài sản để mua Nước Trời, hãy đem tài sản phân phát cho người nghèo rồi theo Ngài. Dakêu đã làm đúng như vậy.

  – của người hoán cải : trước khi hoán cải, Dakêu thu gom tiền bạc, làm hại người khác, ích kỷ. Sau khi hoàn cải, ông không tiếc tiền, dùng tiền một cách quảng đại để đền bù thiệt hại mình đã gây ra cho người khác, lại còn bố thí cho người nghèo. Khi hoán cải, người ta trở nên quảng đại, vì người ta biết rằng những gì mình cho người khác chẳng đáng là gì so với những gì Chúa ban cho mình.

  1. “Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta chìa khóa của sự bình an, đó là hãy sống quảng đại. Thiên Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng ta, nhưng chúng ta chỉ cảm nhận được sự hiện diện đó nếu chúng ta ra khỏi chính mình để sống quảng đại với người khác” (trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  2. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Dakêu chắc không phải tình cờ. Một trong những ý định khiến Chúa Giêsu đi ngang qua Giêrikhô là để tìm cứu Dakêu, như lời Ngài nói “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Ơn cứu độ luôn sẵn đó. Chỉ cần kẻ “hư mất” chịu khó tìm đến Chúa để lãnh nhận thôi.
  3. Telemachus là một ẩn sĩ. Một hôm Chúa thúc đẩy ông rời rừng để đi đến thành Rôma. Rôma là thủ đô Kitô giáo, nhưng ở đó vẫn còn tồn tại một tục lệ dã man là những trận giác đấu đã làm chết biết bao nhiêu mạng người. Tệ hơn nữa là khán giả rất thích cảnh giết người dã man đó. Telemachus nghĩ : “Khi nào người ta còn thích tàn sát lẫn nhau thì người ta chưa sống xứng đáng là con Chúa”. Nghĩ thế rồi Telemachus đi vào một đấu trường. Ông chạy vào giữa những lực sĩ giác đấu để khuyên họ ngừng tay. Nhưng không ai nghe, họ còn đầy ông ra. Dù vậy ông vẫn cứ xông vào tiếp tục khuyên can. Viên quan cai quản đấu trường cho rằng Telemachus cố tình phá hoại cuộc vui nên rút gươm hạ sát ông. Khi Telemachus ngã xuống, người ta mới biết là đã giết lầm một vị thánh. Người ta hối hận. Và từ đó đế quốc Rôma bãi bỏ tục giác đấu. Bằng cái chết của mình, Telemachus đã giúp cho Rôma hoán cải.

Việc hoán cải một tập thể phải bắt đầu từ một con người. Muốn hoán cải một gia đình thì một người nào đó trong gia đình phải khởi sự hoán cải trước. Muốn hoán cải một cộng đoàn thì phải có ai đó trong cộng đoàn khởi sự trước. (Barclay)

  1. “Ông Dakêu đứng lên thưa với Chúa rằng : Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8)

Ngồi học bài mà tôi không thể yên được vì thỉnh thoảng tiếng la ó cổ vũ cho đội tuyển VN trong Cúp Châu Á lại rộn lên. Bầu khí gia đình tôi vui hẳn lên. Ai cũng xôn xao phấn khởi trước những bàn thắng của đội nhà. Đến lớp, các bạn tôi dường như gần gũi nhau hơn và nói về thắng lợi của đội tuyển VN như là thắng lởi của chính mình. Niềm vui khiến người ta gần gũi nhau hơn.

Niềm vui của một Dakêu được gặp Chúa, được Con Thiên Chúa “đụng chạm” đến đã cho ông sức mạnh phá đổ mọi hàng rào ngăn cách giữa mình với anh em.

Giêsu ơi, xin Lời Chúa và Thánh Thể mà con được diễm phúc lãnh nhận trở nên niềm vui, nguồn hạnh phúc cho con, để con trở nên đẹp hơn và xích lại gần anh em con hơn. (Hosanna)

Thứ Tư :

Lc 19,11-28

A. Hạt giống…

Trong đoạn này, một số chi tiết thánh Luca so sánh Chúa Giêsu với Vua Hêrôđê Akêlao (xin Rôma phong vương, nhưng dân do thái không thích, giết những người không muốn ông làm vua) với ngụ ý vua Giêsu trổi vượt Hêrôđê. Có lẽ ta không cần chú ý đến chúng.

Đáng chú ý là dụ ngôn các yến bạc :

– Các yến bạc tượng trưng cho những ơn ban của Chúa.

– Mt 25,15 viết rằng ông chủ giao cho các đầy tớ người thì 5 yến, người thì 2, người thì 1 (ngụ ý Chúa ban ơn không đồng đều). Luca viết ông vua giao cho mỗi đầy tớ một yến bạc : Luca muốn lưu ý hai điều : a/ công việc Chúa giao cho con người rất là nhỏ so với phần thưởng Ngài ban cho ta ; b/ Chúa không chú  ý tới số lượng ơn ban, mà chú ý tới cố gắng của mỗi người.

– Khi khen thưởng, ông vua nói “Vì anh đã trung thành”. Đây là điều thứ ba Chúa lưu ý nơi mỗi người.

Tóm lại, dụ ngôn nói về ơn ban của Thiên Chúa và cách xử dụng ơn ban đó :

– Ai cũng nhận được ơn ban của Chúa.

– Số lượng ơn ban ta đã nhận không quan trọng bằng cố gắng và lòng trung thành của ta khi xử dụng những ơn ban đó.

– Kẻ trung thành và cố gắng xử dụng ơn ban sẽ được thưởng rất hậu.

B…. nẩy mầm.

  1. Đừng nghĩ đơn giản rằng ơn Chúa ban chỉ là những tài năng, sức khoẻ và những điều kiện xem ra thuận lợi theo cái nhìn của con người. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng nói “Tất cả là hồng ân”. Như thế, ơn Chúa còn là : a/ thời giờ ; b/ môi trường ta đang sống ; c/ những người ta sống chung ; d/ bệnh tật ; e/ đau khổ v.v….
  2. Chúa Giêsu giảng dụ ngôn này liền sau chuyện ông Dakêu. Như thế Dakêu là gương mẫu cách xử dụng những nén bạc Chúa ban : ông đã xử dụng tốt tài sản của mình và đã tận dụng cơ hội Chúa Giêsu đi ngang qua nơi ông ở.
  3. “Ai đã có (có ơn Chúa và biết xử dụng tốt) sẽ được cho thêm. Ai không có (có ơn Chúa nhưng không xử dụng tốt thì cũng kể như không có) thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi”. Tôi phải tự hỏi mình : Tôi đang “có” những gì ? Tôi xử dụng chúng thế nào ? Chúa sẽ “lấy đi” hay “cho thêm” ?
  4. Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng nhà bác học Steinmetz một hôm nọ vẫn được Đại tướng Electric mời đến để sửa chữa một cỗ máy của ông bị hỏng. Tất cả các kỹ sư của Đại tướng đều đã bó tay không sửa được. Steinmetz quan sát cỗ máy rất kỹ, sau đó rút trong túi ra một viên phấn, ghi một dấu thập ở một bộ phận cỗ máy rồi bảo các kỹ sư tháo máy ra để sửa chỗ đó. Mọi người đều hết sức ngạc nhiên khi thấy máy bị hư ở chính chỗ nhà bác học đã đánh dấu. Sau khi máy được sửa xong, Đại tướng gởi đến nhà bác học một ngân phiếu lớn. Nhưng Steinmetz chỉ nhận một đồng, kém theo bản chiết tính tiền công như sau : công đánh dấu chỗ máy hư 1 xu ; công tìm chỗ hư để đánh dấu 99 xu ! (Clifron Fadiman).
  5. “Hãy làm ăn sinh lợi cho đến khi tôi đến” (Lc 19,13b)

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã phán rằng “Kẻ nào dìu dắt con trẻ trong đường khôn ngoan đích thực thì đời đời sẽ được sáng láng như sao trên trời”. Để khuyến khích con chu toàn bổn phận hơn, Chúa lại phán “Ai làm ơn lành cho chúng là làm ơn lành cho chính Ta”. Điều này khiến con phải nhìn lại trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giáo dục.

Lạy Chúa, xin giúp con

biết sống nghiêm nghị mà không nghiêm khắc

biết sống nhu mì mà không nhu nhược

biết sống khoan dung mà không dung túng

để nhờ đó con trẻ được thêm ngoan, thêm vui mà khai lòng mở trí ra

Sau hết, xin Chúa ban cho con : khi đang truyền đạt trí thức trần gian cho chúng, thì cũng không quên đào luyện trí thức về Nước Trời vĩnh cửu, để ở đời này thầy trò chúng con trở thành nhân chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.

Ước gì bao nhiêu học trò Chúa giao phó cho con, thì ở đời sau con sẽ được trao lại cho Ngài bấy nhiêu Đấng Thánh trên thiên đàng. Amen. (Thánh Anphongxô).

Thứ Năm :

Lc 19,41-44

A. Hạt giống…

Thành Giêrusalem tượng trưng cho dân do thái và cho tất cả những người được Thiên Chúa ưu ái nhưng đã phụ lòng Ngài nên cuối cùng phải gánh lấy số phận bi thảm.

Lỗi của nó là gì ? Là không “nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi” (câu 41) ; “không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (câu 44). Ơn Chúa ban cho nó rất nhiều, nhất là ơn “bình an” và “viếng thăm”. Nhưng nó đã coi như không, nên không nhận biết để cám ơn, không nhận biết để xử dụng, không nhận biết để hiểu xem ý Chúa muốn nó làm gì khi ban ơn cho nó.

B…. nẩy mầm.

  1. “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi”. Lời Chúa Giêsu rất giống với lời Thánh Vịnh đầu tiên chúng ta đọc mỗi sáng “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người và đừng cứng lòng nữa” (Tv 94). Lời này mỗi ngày nhắc nhở chúng ta “nhận biết” tiếng Chúa nói với chúng ta suốt ngày, và chúng ta đừng cứng lòng như thành Giêrusalem xưa.
  2. Ngày nay người do thái vẫn còn đến bên bức tường đổ nát của cổ thành Giêrusalem để than khóc cho số phận của đất nước và tiếp tục chờ mong Đấng Messia “của họ”. Nhưng trớ trêu thay lúc Đấng Messia thật đến viếng thăm họ thì họ đã chối từ và xử tử ! Tại vì họ đã “không nhận biết”. Xin giúp con tỉnh táo “nhận biết” những thời giờ Chúa đến viếng thăm con.
  3. 3. Mỗi ngày tôi đã để vuột mất biết bao “sứ điệp bình an” do anh chị em trong cộng đoàn đem đến. Tôi đã cố nhắm mắt do thành kiến, ác cảm, giận hờn… Tôi cứ mù quáng chạy miết theo sở thích và ý riêng của tôi. – Lạy Chúa, đáng lẽ con phải khóc cho bản thân, nhưng con cứ thản nhiên tự đắc… và hình như Chúa đang khóc cho tình trạng khốn đốn của con.
  4. Một buổi trưa hè nóng bức, Thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc đã tìm được một chỗ nghỉ chân rất thoải mái. Chỗ đó là dưới một gốc cây có tàng lá che mát, bên dưới là một dòng nước trong lành mát rượi. Thánh nhân rửa tay rửa mặt xong xuôi rồi ngả mình dưới tàng lá. Bỗng dưng người bật khóc. Vì người nghĩ : từ không biết bao đời, Chúa đã biết hôm nay mình đến đây, Chúa biết mình mệt, cho nên Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi.

Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều mà người phàm không bao giờ thấy được.

  1. “Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Chúa Giêsu khóc thương mà nói : Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi” (Lc 19,41-42)

Chúa Giêsu đã khóc thương dân thành Giêrusalem, và hôm nay Ngài cũng đang khóc thương tôi.

Ngài khóc thương khi thấy tôi bị xô đẩy quay cuồng bởi dòng xoáy của cuộc đời, nhưng vẫn cố bám vào những “cột mốc” không bền vững và tin đó là cột mốc của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cảm nhận được tình Ngài yêu con, biết lấy Ngài làm cùng đích đời con. (Hosanna)

Thứ Sáu :

Lc 19,45-48

A. Hạt giống…

Ý nghĩa của hành động Chúa Giêsu là thanh tẩy Đền thờ, gồm 2 khía cạnh :

  1. Loại khỏi Đền thờ những gì đi lệch khỏi mục đích của nó. Việc buôn bán trong Đền thờ đã biến “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện” trở thành “sào huyệt của bọn cướp”, cho nên Chúa Giêsu đã đánh đuổi những người buôn bán.
  2. Trả lại cho Đền thờ ý nghĩa đích thực của nó : “Hàng ngày Ngài giảng dạy trong Đền thờ”.

B…. nẩy mầm.

  1. Mua bán nhữnglễ vậtđể đem vào dâng trong đền thờ không phải là thờ phượng đích thực. Nghĩ rằng dâng lễ vật tức là thờ phượng Chúa thì càng sai hơn nữa. Bởi đó Chúa Giêsu đã đánh đuổi những người mua bán lễ vật. Thờ phượng đích thực là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Bởi đó sau khi đánh đuổi những người mua bán, Chúa Giêsu “hằng ngày giảng dạy trong Đền thờ” và “toàn dân say mê nghe Ngài”.
  2. Việc phượng tự của chúng ta dễ bị biến chất, mất đi ý nghĩa cao đẹp ban đầu. Xin Chúa Giêsu giúp ta biết thường xuyên rà lại nếp sống thờ phượng của ta. – Chúa Giêsu đến canh tân việc phượng tự : từ nay không còn là chiên bò, chim câu… mà chính thân xác Ngài là lễ vật tuyệt hảo dâng lên Thiên Chúa Cha. – Chúa Giêsu là đền thờ mới sau khi “bị phá đổ trong 3 ngày”. Từ nay muôn dân quy tụ nơi đền thờ này để dâng lễ vật.
  3. Ta nhớ lại lời thánh Phaolô : “Thưa anh em, vì Thiên Chúa xót thương chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiếndâng thân mình làm của lễsống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.” (Rm 12,1). –  Cả cuộc đời tôi là của lễ. Lạy Chúa, xin thương nhận ‘của lễ hiến tế đời con’.
  4. Hay tin một Linh mục mới vừa được đổi đến để thay cho Cha xứ cũ về hưu, lại được biết Linh mục mới này giảng rất hay, người ta đến nhà thờ dự lễ rất đông. Nhưng lần đầu tiên xuất hiện trước giáo dân trong xứ, vị Linh mục mới cố tình ra mắt họ với một bộ mặt rất xấu xí. Bởi đó, khi vừa thấy mặt cha, một số người đã thất vọng lui ra cửa. Vị Linh mục bình thản giơ tay làm dấu bảo im lặng, rồi tuyên bố : “Hôm nay ai đến đây để nhìn mặt Cha xứ mới và để nghe cha xứ mới giảng thì có thể về nhà ; còn ai đến đây để thờ phượng Chúa thì hãy ở lại.” (Christian Beacon).
  5. “Chúa Giêsu nói với họ : ‘Đã có lời chép rằng Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Lc 19,46)

Có những lúc con tự hỏi : Chúa sẽ như thế nào khi Ngài đến nơi cung lòng con ? Và đường như con nghe Lời Ngài khiển trách, vì đã có những lần con đến gặp Ngài nơi bàn tiệc thánh nhưng tâm trí con lại để ở đâu. Con mãi lo suy tính : chiều nay con sẽ đi shop mua giày, sáng mai con dậy sớm để giải một bài toán. Có khi cả buổi lễ con toàn nhớ đến “người ấy”. Hay hết bài giảng của Linh mục chủ tế là con lập được dàn ý của bài luận văn…

Giêsu ơi, xin cho con mỗi lần đến với Ngài, tâm hồn thanh thản, và gặp Chúa trong tình thân. (Hosanna)

Thứ Bảy :

Lc 20,27-40

A. Hạt giống…

Mặc dù nhóm Sađốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy : ở đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như đời này.

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu vừa xác nhận có cuộc sống đời sau, vừa cho biết ý nghĩa của cuộc sống ấy :

– Đời sau người ta sẽ bất tử, do đó không cần lưu truyền nói giống, cho nên cũng không cần cưới vợ lấy chồng.

– Hạnh phúc duy nhất và cũng là quan tâm duy nhất của người sống đời sau là được ở gần Chúa để phụng thờ Chúa, như các thiên thần vậy.

B…. nẩy mầm.

  1. Linh mục, Tu sĩ là dấu chỉ và chứng nhân cho cuộc sống đời sau, một cuộc sống “như các thiên thần” không bận tâm chi đến việc vợ chồng, chỉ chuyên tâm phụng sự Chúa.
  2. Trở nên chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa qua nếp sống vợ chồng (như cha mẹ chúng ta) không phải là chuyện dễ. Nhưng muốn là dấu chỉ và chứng nhân cho cuộc sống đời sau, sống “như các thiên thần”, cũng rất khó khăn ; rất cần ân huệ của Chúa. – Muốn đi đến nếp sống yêu thương với một con tim trọn vẹn không chia sẻ dành cho Chúa, ta cần được chuẩn bị để đạt được sựtrưởng thành tâm cảm(maturité affective). Dần dần tập làm chủ được 4 trình độ của tâm cảm : – cảm xúc  – tình cảm  – tình yêu  – đam mê.
  3. Ta đọc lại lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II :

– Trong thông điệp Redemptor Hominis  số 10 : ‘ Con người không thể sống khi thiếu vắng tình yêu. Họ sẽ không thể hiểu họ là gì, và sẽ cảm thấy cuộc đời họ là vô nghĩa : nếu họ không đón nhận mặc khải tình yêu, không gặp gỡ tình yêu, không cảm nghiệm tình yêu, không đồng hoá với tình yêu, không mạnh dạn tham dự vào tình yêu.’

– Trong Tông Huấn Pastores Dabo vobis (Đào tạo Lm) số 44 : “Tình yêu ở đây là tình yêu bao quát toàn diện cá vị con người với mọi chiều kích và mọi thành phần : vật lý, tâm lý và tinh thần ; một tình yêu được diễn đạt nơi “ý nghĩa hôn nhân” của thân thể con người, nhờ đó mà con người tự hiến cho kẻ khác và đón nhận họ.  Việc giáo dục giới tính đúng nghĩa cần phải hướng đến nhận thức và thực hiện chân lý đó về tình yêu nơi con người.”   

  1. Mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience) : nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau :

– Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.

– Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).

  1. “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài tất cả đều đang sống” (Lc 20,38)

Trong một lần trao đổi với chị bạn cùng lớp, chị cho rằng tuy không có đạo song cũng không hoàn toàn phủ nhận Thiên Chúa. Nhưng có điều, nhìn vào cuộc chiến tàn khốc ở Ruanđa giữa bộ tộc Hutu và Tutsi, đều là những người công giáo với nhau mà giết nhau cách dễ dàng, hoặc như gia đình hàng xóm nhà chị, lễ lạy kinh hạt mỗi ngày nhưng hết “nội chiến” đến “ngoại chiến”. Chị không khỏi tự hỏi : niềm tin kitô giáo có còn khả năng thăng tiến con người như những gì giáo lý dạy không ?

Như thế, dẫu tôi tin có Thiên Chúa nhưng lại không sống yêu thương thì cũng có nghĩa là tôi đang “khai tử” cho Thiên Chúa rồi.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, xin ban cho con sự sống của Ngài, sống vì yêu và sống cho tình yêu. (Hosanna)