Hiển Linh: Tìm và Gặp

print

Hiển Linh: Tìm và Gặp

Hành trình của bạn và tôi là hành trình miệt mài truy tìm sự khôn ngoan, chân lý và vẻ đẹp, Ánh sáng của Ngôi Lời nhập thể chỉ cho bạn và tôi cần phải tìm kiếm những giá trị này ở đâu. 

Nói đến Lễ Hiển Linh có lẽ không thể không nhắc đến hình ảnh quen thuộc của ba nhà đạo sỹ. Các vị trải qua một hành trình dài để Tìm và Gặp Hài Nhi Giê-su. Trên hành trình dài của cuộc tìm kiếm đó, Đức Ki-tô mặc khải cho các nhà đạo sỹ và muôn dân về ánh sáng cứu độ và thần tính của Ngài. Ánh sáng đó vừa mặc khải về chính Chúa, kế hoạch cứu độ của Chúa và mở ra khả thể cho con người đối thoại, truy tìm chân lý và sống tinh thần hiệp nhất. Thánh Lễ Hiển linh cho thấy việc Thiên Chúa mặc khải ánh sáng cứu độ và thần tính của Đức Ki-tô cho muôn dân.

1.Hiển Linh, nỗi khắc khoải của con người đi tìm ánh sáng

Trước hết, nói đến hiển linh thường nói đến việc Thiên Chúa tỏ mình cho con người. Theo truyền thống của Giáo Hội, Thánh Lễ Hiển Linh thường được cử hành bởi ba chiều kích: các nhà đạo sỹ đi tìm Ánh Sao, lễ Chúa chịu phép rửa và tiệc cưới Canna.[1]  Cả ba chiều kích này đều dẫn đến việc mặc khải về ngôi vị và thần tính của Đức Ki-tô. Đức Ki-tô như là ánh sao chỉ đường cho con người nhận biết về Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Ngài. Ngang qua ánh sao, Đức Ki-tô cho các nhà đạo sỹ gặp được Ngài sau khi đã trải qua một hành trình miệt mài tìm kiếm. Họ đã tìm và đã gặp!  

Trong cùng một ý nghĩa đó, tiên tri I-sai-a đã loan báo về một viễn cảnh mà Thiên Chúa chiếu tỏa ánh sáng của Ngài cho muôn dân. Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem  hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh  chiếu tỏa trên ngươi…Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. [2] Ánh sáng của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô dẫn con người đến việc nhân ra mầu nhiệm kín ẩn mà Thiên Chúa đã giữ kín từ xưa.

2.Đức Ki-tô ánh sáng dẫn đến Thiên Chúa

Thánh Phao-lô xác quyết chỉ nơi Đức Ki-tô mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa mới được tỏ hiện cho cả người Do Thái và cho dân ngoại. Thiên Chúa mặc khải về kế hoạch của Ngài trong Đức Ki-tô để rồi từ đó không những dân riêng nhưng muôn dân được thừa kế gia nghiệp của dân Do Thái, làm thành một thân thể và chia sẻ cùng một điều đã hứa. Trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.[3]  Như thế Đức Ki-tô trở thành ngôi sao dẫn đường cho dân Israel và cho các dân tộc khác.

Cũng thế, hành trình đi tìm Đức Vua mới sinh theo ánh sao là một hành trình chung của mỗi người chúng ta. “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”[4].  Các vị đạo sỹ là những người đọc ra dấu chỉ và đi theo dấu chỉ. Tuy nhiên hành trình đi theo Ánh Sao chắc hẳn không thiếu những khó khăn, Họ phải lần mò đi trong tăm tối, bị mất dấu và cảm thấy mịt mờ. Điều này chắc hẳn làm cho hành trình đi theo ánh sao của các vị đạo sỹ có phần gian nan. Niềm khao khát gặp được Đấng muôn dân trông đợi và chiêm bái Người là động lực để thúc đầy các ông lên đường. Chính niềm khao khát cháy bỏng và niềm hy vọng giúp các đạo sỹ gặp được Hài Nhi Giê-su và mục đích cuối cùng. “Tâm hồn của họ mở ra với chân trời và chân trời ngày càng tỏ ra rõ ràng đối với họ.[5] Họ đã gặp được Hài Nhi và đã đi lối nẻo khác mà về xứ sở mình.    

Nhưng nếu các bạn tự hỏi lối nẻo ấy là lối nẻo nào? Để trả lời câu hỏi này bạn và tôi cần hỏi lại chính mình, tôi đã gặp được Hài Nhi Giê-su chưa. Tự khắc cuộc gặp với Hài Nhi Giê-su sẽ chỉ lỗi cho bạn, bạn phải đi con đường nào để về nhà mình. Lẽ dĩ nhiên hành trình của bạn đi về nhà không phải là hành trình đơn độc nhưng là một hành trình của việc khám phá và đối thoại. Chân lý của tôn giáo và của Đức Ki-tô không phải là một định luật để các bạn khám phá nhưng chân lý ấy là một ngôi vị để các bạn bước vào. Và chỉ khi bước vào cuộc đối thoại với Ngôi vị ấy và gặp được ánh sao chỉ đường, bạn mới có thể mở ra với thực tại siêu việt và mở ra với vô hạn.   

3.Hiển linh, ánh sáng mở đường cho cuộc đối thoại và truy tìm chân lý

Có lẽ hành trình của các nhà đạo sỹ nói riêng và của chúng ta nói chung là hành trình đi tìm ánh sao và lẽ sống cho đời mình. Ánh sao và chân lý có thể được mặc khải qua thiên nhiên, trật tự, lương tâm, qua Kinh Thánh và Thánh Truyền và nhất là qua Đức Giê-su Ki-tô. 

Hành trình của bạn và tôi là hành trình miệt mài truy tìm sự khôn ngoan, chân lý và vẻ đẹp, Ánh sáng của Ngôi Lời nhập thể chỉ cho bạn và tôi cần phải tìm kiếm những giá trị này ở đâu. Vấn đề là bạn có đủ tinh tế để đọc ra dấu chỉ và đủ tự do để mở ra với ánh sáng hay không. Hê-rô-đê là người cũng gặp ánh sao nhưng kỳ thực ánh sao không hiện diện trong tâm hồn ông và không đụng chạm được trái tim của ông. Hoặc là ông không mở ra với ánh sáng và hoặc là ánh sáng đó bị che khuất bởi đám mây vô minh. Ông hoang mang khi thấy ánh sao, ông lo lắng khi biết được Hài Nhi, ông giận dữ khi các đạo sỹ đã tìm được lẽ sống. Mặc dầu ông trông thấy ánh sao nhưng tâm hồn ông tối tăm bởi vì nó được trú ngụ trong những giá trị không chắc chắn. Vấn đề cần lưu ý ở đây là bạn và tôi có gặp được Ánh Sao và ánh sao nào đang dẫn đường cho bạn và tôi. Sẽ là thật bất hạnh cho bạn khi bạn bỏ cả cuộc đời để đi tìm câu trả lời để rồi cuối cùng mới phát hiện ra rằng bạn đã đặt sai câu hỏi, niềm tin của bạn đặt sai chỗ.

 Hê-rô-đê đại diện cho những con người say mê quyền lực, đầy mưu mô và cố bám víu vào những thực tại trần gian. Những đổ vỡ, chết chóc, thương tổn trong thế giới này là hậu quả việc dập tắt ánh sáng và tiếng nói của Thần Khí trong tâm hồn. Ánh sáng nội tâm và lý trí đúng đắn bị chôn vùi trong những huyệt mộ nhân danh tự do cá nhân và lợi ích kinh tế-chính trị. Hậu quả là sự sống (là ánh sáng cho nhân loại) bị giản lược cho những tính toán về mặt lợi ích.   

Đứng trước một hành trình dài lần theo dấu chỉ để đến được Hang Be-lem, bạn và tôi không phải là những con người sở hữu chân lý nhưng là những con người đi tìm chân lý và đón nhận chân lý bằng việc mở ra. Cuộc đối thoại và sự liên đới là điều cần thiết để giúp bạn và tôi mở ra với sự thật và tránh đi những sai lạc. Hiển Linh không chỉ là việc Thiên Chúa tỏ mình cho bạn và tôi, nhưng là việc tôi có mở ra để Thiên Chúa tỏ mình, và xuyên qua việc mở ra của bạn và tôi mà Thiên Chúa được tỏ ra hay không. 

Trong một hành trình mà bạn và tôi không ngừng tìm kiếm thánh ý Chúa, điều cần thiết là lắng nghe việc Thiên Chúa hiển linh và tỏ mình qua những thực tại và trung gian khác nhau. Ánh sáng mặc khải của Hài Nhi Giê-su lớn hơn và không bị giới hạn bởi một cơ cấu tuy nhiên những cơ cấu và những con đường rõ ràng giúp bạn và tôi đón nhận mặc khải. Nói một cách đơn giản, mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ mình lớn hơn tất cả những dấu chỉ mà bạn và tôi có thể nắm bắt, tuy nhiên thông qua những dấu chỉ được khai mở mà bạn và tôi có thể tiếp xúc với Đấng Vô Hình. Bạn cũng là dấu chỉ mà qua đó tôi có thể gặp gỡ được Hài Nhi Giê-su. Cũng nên nhớ rằng ba nhà đạo sỹ là những “dân ngoại” tuy nhiên họ lại là người mà qua đó Thiên Chúa hiển linh cho vua Hê-rô-đê và cho mỗi người chúng ta. Điều này mở ra khả thể cho cuộc đối thoại và việc truy tìm chân lý cứu độ nơi những tôn giáo khác và những người thành tâm thiện chí. Ánh sáng mặc khải của Đức Ki-tô cho dân ngoại có thể giúp gia tăng hiểu biết và làm sâu sắc thêm mặc khải của Ki-tô giáo. Hạt mầm sự thiện đã được cấy trong thế giới đang chờ để được khám phá. Như thế đối thoại thực chất là mở ra chân lý, đón nhận việc Thiên Chúa tỏ lộ bằng một thái độ chân thành.      

Hiển linh là việc Thiên Chúa tỏ mình cho con người, cho bạn, cho tôi qua ánh sáng của chân lý, tình yêu, sự Ngôn Ngoan và nhất là qua Đức Ki-tô. Tuy nhiên ánh sáng đó có đụng chạm đến trái tim của bạn hay không tùy thuộc vào bạn có để cho ánh sáng đó xuyên qua cuộc đời bạn và bạn có mở ra với ánh sáng đó hay không. Và chỉ khi đụng chạm được ánh sáng hiển linh của Đức Ki-tô tỏ mình một cách trọn vẹn trên Thánh Giá bằng một tình yêu vô điều kiện, bạn mới có thể hiểu được thực sự hai chữ tự do. Tự do là khi bạn được đồng hóa với những điều mà mình đang tìm kiếm. 

Gioan Phạm Duy Anh SJ

—-

[1] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật, Chỉ Nam Giảng Lễ, NXB Tôn Giáo, 2015, 120

[2] Is 60,1-6

[3] Ep 3,2-3a.5-6

[4] Mt 2,1-12

[5] Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Lễ Hiển Linh, J.B. Đặng Minh An dịch1/6/2017, Nguồn:vietcatholic.net