Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B
Lời Chúa: Mc 4,35-41
35Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” 36Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. 37Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” 39Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” 41Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
CÂU HỎI
1. Phép lạ dẹp yên sóng gió là phép lạ đầu tiên của một chuỗi các phép lạ nào? Phép lạ đầu tiên này khác với những phép lạ sau ở điểm nào? Đọc Mc 4,35 – 5,43.
2. Đâu là những phép lạ khác Đức Giêsu làm trên thiên nhiên trong Phúc âm Mác-cô? Đọc Mc 6,30-44; 8,1-10; 6,45-52; 11,12-14, 20-21.
3. Trong Phúc âm Mác-cô, có mấy cảnh Thầy Giêsu và môn đệ cùng ở trên thuyền? Đọc Mc 4,35-41; 6,45-52; 8,14-21. Trong những cảnh này, ta thấy các môn đệ là những người như thế nào?
4. Chiếc thuyền chở Đức Giêsu là chiếc thuyền nào? Đọc Mc 3,9; 4,1.
5. Đâu là nguyên nhân chính gây ra sự cố trong bài Phúc âm này? Có bao nhiêu từ gió trong bài này?
6. Đọc Mc 4,38. Theo bạn, tại sao Đức Giêsu có thể ngủ được giữa cơn gió bão như thế?
7. Bạn nghĩ gì về lời các môn đệ đánh thức Thầy Giêsu ở Mc 4,38? Lời này cho thấy họ thiếu điều gì?
8. Trong Cựu Ước, ai là Đấng có quyền tối thượng trên thiên nhiên? Đọc Tv 89,10; 107,23-30.
9. Trước phép lạ, các môn đệ coi Đức Giêsu là Thầy của mình (câu 38). Sau phép lạ này, họ nghĩ Đức Giêsu là ai? Họ đã đi từ nỗi sợ nào đến nỗi sợ nào? Đọc Mc 4,41.
CÂU HỎI SUY NIỆM:
Hãy nhớ lại một kinh nghiệm về sóng gió đã xảy ra trong đời bạn. Chúa đã dẹp yên sóng gió đó như thế nào?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Phép lạ Đức Giêsu dẹp yên sóng gió là phép lạ đầu tiên của chuỗi phép lạ sau đó: Đức Giêsu chữa người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa (Mc 5,1-20), Ngài chữa người phụ nữ bị xuất huyết và hoàn sinh cô con gái ông Gia-ia (Mc 5, 21-43). Phép lạ dẹp yên sóng gió là phép lạ trên thiên nhiên, còn những phép lạ sau là phép lạ cho con người.
2. Trong Phúc âm Mác-cô Đức Giêsu còn làm những phép lạ khác trên thiên nhiên như hóa bánh ra nhiều hai lần (Mc 6,30-44 và 8,1-10), đi trên biển (Mc 6,45-52), làm cho cây vả chết khô (Mc 11,12-14.20-21).
3. Trong Phúc âm Mác-cô, Thầy Giêsu và các môn đệ cùng ở trên thuyền ba lần (Mc 4,35-41; 6,45-52; 8,14-21). Cả ba lần, các môn đệ đều ở trong tình trạng lo sợ: lo sợ vì sóng to gió lớn, vì tưởng Thầy là ma đi trên mặt nước, hay vì chuyện họ chỉ mang có một ổ bánh khi chèo thuyền qua biển hồ.
4. Chiếc thuyền chở Đức Giêsu rất có thể là chiếc thuyền được nói đến ở Mc 3,9; 4,1. Thuyền này của các môn đệ hay của ông Si-môn (Lc 5,3).
5. Nguyên nhân chính gây ra sự cố trong bài Phúc âm là gió, hay đúng hơn là những trận cuồng phong thường bất ngờ xảy ra ở hồ Galilê này. Khi có gió, thì có sóng, sóng làm thuyền ngập nước đến mức có thể chìm. Có 4 từ gió: Mc 4,37 (cuồng phong = gió lớn); Mc 4,39 (hai lần) và Mc 4,41.
6. Đức Giêsu vẫn ngủ say khi chiếc thuyền gặp gió to sóng lớn, có thể là vì Ngài quá mệt sau khi đã giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng.
7. Lời đánh thức của các môn đệ ở Mc 4,38 cho thấy đây là lời họ trách Thầy chẳng chịu lo gì khi thuyền đã đầy nước gần chìm. Lời này cũng cho thấy họ đang sợ cả thầy lẫn trò chết vì thuyền chìm. Qua lời này, ta thấy các môn đệ rất hoảng sợ và thiếu lòng tin, dù Thầy đang ở trong cùng con thuyền với họ.
8. Trong Cựu Ước, chỉ Thiên Chúa mới có quyền tối thượng trên thiên nhiên. “Chính Ngài chế ngự trùng dương ngạo nghễ, dẹp yên bao sóng cả sóng cồn” (Tv 89,10). Chỉ Chúa mới có thể “đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng” (Tv 107,29).
9. Sau phép lạ, khi thấy Thầy Giêsu có thể ra lệnh cho sóng gió và biển phải lặng yên, các môn đệ đặt câu hỏi về vị Thầy của mình: “Người này là ai?” (Mc 4, 41). Họ đã đi từ nỗi sợ chết vì chìm thuyền, sang nỗi sợ hãi kinh hoàng vì việc Thầy đã làm trước mắt họ.