Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 27 Thường niên – Năm C

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 27 Thường niên – Năm C

(Lc 17,5-10)

Lời Chúa:

5Các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. 6Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em.

7“Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi”, 8chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!? 9Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? 10Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.

Câu hỏi:

1.  Theo bạn, tại sao các tông đồ lại xin Chúa “gia tăng lòng tin của họ”? Đọc Lc 17,1-4.

2.  Đọc Lc 17,6. Theo bạn, các tông đồ đã có đức tin chưa? Đức tin của họ có như hạt cải chưa?

3.  Chúa Giêsu trong Luca có hay dùng lối nói “ai trong anh em” không? Đọc Lc 11,5.11; 12,25; 14,5.28; 15,4; 17,7. Các câu hỏi này thường chờ một câu trả lời như thế nào?

4.  Đọc Lc 17,7-8. Bạn nghĩ ông chủ của người đầy tớ này có độc ác không? Đọc sách Huấn ca 33,25-30.

5.  Thái độ của ông chủ ở Lc 17,7-8 có ngược với Lc 12,35-38 không?

6.  Theo Lc 17,9, ông chủ có phải biết ơn hay ban cho anh đầy tớ một ân huệ đặc biệt nào vì anh đã làm theo lệnh truyền không? Khi làm tròn bổn phận của một thụ tạo đối với Thiên Chúa, chúng ta có quyền đòi hỏi Thiên Chúa phải ban ơn mình muốn không?

7.  Đọc Lc 17,10. Bạn nghĩ gì về lời Chúa Giêsu khuyên chúng ta? Đầy tớ vô dụng ở Mt 25,30 là ai? Còn trong bài Phúc âm này, người đầy tớ vô dụng là người nào?

8.  Tự hào trước mặt Thiên Chúa về công phúc hay công đức của mình có phải là thái độ của một kitô hữu không? Tìm hai thí dụ trong Tân Ước về tật tự hào về đời sống đạo đức của mình?

Câu hỏi suy niệm: Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay này có làm bạn được giải thoát không? Bạn có thấy mình được mời gọi trở nên siêu thoát, không bám víu vào những gì mình làm cho Chúa không?

Phần trả lời:

1. Chỉ trong Tin Mừng Luca mới có chuyện các tông đồ bất ngờ xin Thầy Giêsu gia tăng lòng tin cho họ. Chúng ta không rõ tại sao các ông lại xin như thế. Trước đó Thầy Giêsu đã nói về hình phạt kinh khủng dành cho người làm gương xấu (Lc 17,1-3a) và việc phải tha thứ bảy lần trong một ngày cho người biết hối cải (Lc 17,3b-4). Phải chăng vì thấy những đòi hỏi này quá khó, cần có một đức tin lớn lao, nên các tông đồ mới xin Thầy gia tăng đức tin cho họ (Lc 17,5).

2. Đức Giêsu có vẻ không đáp lại lời yêu cầu của các tông đồ xin làm cho đức tin của họ thêm lớn hơn. Nhưng Ngài lại nói đến đến sức mạnh của đức tin, dù chỉ nhỏ bằng cỡ một hạt cải. Hạt cải là một hạt rất nhỏ, nhưng chỉ với một đức tin nhỏ như thế, người tông đồ có thể ra lệnh cho một cây dâu bật rễ lên và mọc dưới biển (Lc 17,6). Cây dâu ở đây là loại cây có bộ rễ ăn sâu và lan rộng, không hề dễ bật rễ chút nào. Ra lệnh cho cây dâu xuống trồng dưới biển cũng khó như bảo núi nhào xuống biển (x. Mt 21,21). Vậy các tông đồ đã có đức tin rồi, nhưng chắc đức tin của họ chưa đủ mạnh, còn nhỏ hơn hạt cải. Bởi thế họ chưa làm được những việc phi thường.

3. Trong Tin Mừng Luca, khi đặt câu hỏi với người đối diện, Chúa Giêsu hay dùng lối nói: “Ai trong anh em…” (Lc 11,5.11; 12,25; 14,5.28; 15,4; 17,7). Các câu hỏi này luôn chờ một câu trả lời như nhau: “Không ai làm như thế cả.” Không ai gặp nô lệ ở ngoài đồng về lại bảo nó: Mau ngồi vào bàn ăn đi (Lc 17,7). Không ai lại không để 99 con chiên ngoài đồng để đi tìm con chiên lạc (Lc 15,4). Không ai trong anh em cho con mình rắn thay vì cá (Lc 11,11).

4. Ở thời đại hôm nay chúng ta không hiểu được thái độ của ông chủ đối với anh đầy tớ hay đúng hơn là anh nô lệ trong Lc 17,7-8. Nô lệ là người được chủ mua về, khác với đầy tớ ở chỗ anh ta không được ông chủ trả lương sau khi làm việc cho chủ. Anh nô lệ (doulos) trong bài Tin Mừng này là người phải làm việc cho ông chủ cả ngoài đồng lẫn trong nhà. Trong bối cảnh xã hội ngày xưa, dĩ nhiên anh nô lệ này, khi làm đồng trở về, phải đi dọn cơm cho chủ, phải đứng hầu, và chỉ được ăn khi chủ đã ăn xong. Đó là bổn phận bình thường hàng ngày của anh nô lệ này. Cần đọc Huấn ca 33,25-30, để thấy khoảng cách lớn giữa chủ và nô. Ông chủ trong bài Tin Mừng này hẳn không phải là người độc ác hay cay nghiệt.

5. Trong Tin Mừng Luca 12,35-38, ta thấy ông chủ cư xử rất khác với anh nô lệ của mình, khi ông đi ăn cưới về khuya mà thấy anh nô lệ còn thức chờ mình. Ông đã phục vụ anh trên bàn ăn như thể chính mình là nô lệ. Dù Lc 12,35-38 rất trái ngược với Lc 17,7-8, nhưng ta nên nhớ không nô lệ nào có quyền đòi chủ phải làm cho mình như ở Lc 12,35-38. Đây hoàn toàn là một nghĩa cử bất ngờ từ phía lòng tốt của ông chủ.

6. Theo Lc 17,9 ông chủ không cần biết ơn hay ban một đặc ân nào cho người nô lệ vì anh đã phục vụ ông, từ việc ngoài đồng đến việc trong nhà. Câu hỏi của Đức Giêsu ở Lc 17,9 đòi một câu trả lời “không”. Ông chủ không hề phải chịu ơn anh nô lệ, dù anh đã làm đúng lệnh truyền của ông. Khi làm tròn bổn phận của thụ tạo đối với Thiên Chúa, chúng ta không có quyền đòi hỏi Ngài phải ban những gì chúng ta cần. Ơn cứu độ của mỗi người chúng ta là “ơn” Chúa ban, chứ không phải là “công” mà chúng ta có quyền đòi Chúa phải trả vì Chúa mắc nợ chúng ta khi chúng ta sống theo luật Chúa.

7. Trong Lc 17,10 Đức Giêsu đưa ra một lời khuyên cho các tông đồ, những người có thể có lòng tin mạnh mẽ và làm được những việc phi thường (x. Lc 17,6). Sau khi họ đã “làm tất cả những gì theo lệnh phải làm,” Ngài khuyên họ nên nhận mình là “đầy tớ vô dụng”, mình “chỉ làm điều phải làm thôi.” Lời khuyên này thường làm chúng ta ngạc nhiên, vì một người đã làm mọi việc được giao đâu phải là người “vô dụng” (achreios)! Trong Mt 25,30 ta bắt gặp tính từ này để nói về anh đầy tớ chôn giấu nén bạc của chủ mà không đầu tư sinh lợi. Anh này mới thật là vô dụng. Một số tác giả đề nghị dịch là “đầy tớ bất xứng” thay vì “đầy tớ vô dụng.” Dù dịch sao đi nữa, thái độ mà Đức Giêsu đòi chúng ta phải có là thái độ hết sức khiêm tốn, dù mình đã chu toàn mọi việc được giao.

8. Khi chu toàn mọi việc được giao, người môn đệ dễ rơi vào thái độ tự hào, tự mãn và cho mình có quyền được hưởng một đặc ân, đặc quyền nào đó. Đó là thái độ của người anh cả trong dụ ngôn Người Cha nhân hậu. Anh tự hào vì đã hầu hạ cha nhiều năm, không bao giờ trái lệnh, và anh nghĩ rằng mình có quyền đòi cha phải cho một con dê nhỏ để vui với bạn bè (x. Lc 15,29). Đó cũng là thái độ tự hào của người Pharisêu khi lên Đền thờ cầu nguyện. Anh thấy mình hơn hẳn người thu thuế đang đứng ở xa (x. Lc  18,11-12) và chắc mình được Chúa coi là người công chính (Lc 18,9). Các kitô hữu đạo đức phải cẩn thận kẻo rơi vào sự tự hào về công phúc, hay công đức của mình.

print