Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm B

print

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm B

Lời Chúa: Mt.28,16-20

16Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê , đến ngọn núi  Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi . 18Đức Giê-su đến gần, nói với các ông :  “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế .”

 

CÂU HỎI

1. Tại sao Nhóm Mười Một môn đệ trở lại miền Galilê? Đọc Mt 26,32 và 28,7. 10.

2. Núi xuất hiện nhiều lần trong Phúc âm của Thánh Mát-thêu. Đọc Mt 4,8; 5,1; 14,23; 15,29; 17,1. 9; 21,1; 24,3; 28,16. Bạn có biết tại sao Đức Giêsu hay ở trên núi không?

3. Đọc Mt 28,17. Theo bạn, tại sao khi gặp Chúa phục sinh, các môn đệ phủ phục bái lạy Ngài, nhưng một vài người hoài nghi? Đọc Mt 14,31 Đức Giêsu trách Phêrô vì ông đã hoài nghi. Người hoài nghi là người thế nào?

4. Trong Mt 28,18-20 có mấy từ mọi?

5. Đọc Mt 28,18. Theo bạn, Chúa phục sinh là ai mà có uy quyền lớn lao như thế? Trước phục sinh, Đức Giêsu có uy quyền đến thế chưa? Xem Mt 7,29; 9,6-8; 10,1.

6. So sánh Mt 10,5-6 với Mt 28,19. Có gì khác biệt không? Tại sao có sự khác biệt đó?

7. Lệnh truyền của Chúa Giêsu là làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ Ngài. Chúa muốn ta thực hiện lệnh truyền này bằng cách nào? Đọc Mt 28,19-20.

8. Phúc âm Mátthêu có nói về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không? Ba Ngôi có tương quan với nhau và với chúng ta không? Đọc Mt 3,16; 5,48; 10,20; 11,25-27; 12,28. 32; 16,27.

9. Chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Nhân danh nghĩa là gì?

 

GỢI Ý SUY NIỆM:

Chúa Giêsu ở với Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế (28,20). Theo Phúc âm Mát-thêu, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần có ở với chúng ta không? Đọc Mt 5,45-48; 6,25-34; 10,18-20.


PHẦN TRẢ LỜI

1. Sau bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã báo trước việc Ngài sẽ đi đến Galilê trước các môn đệ sau khi được phục sinh (Mt 26,32). Thiên sứ ở ngoài mộ (28,7) và chính Đức Giêsu phục sinh (28,10) cũng nhắc các phụ nữ đi báo cho các môn đệ mau đến Galilê để gặp Ngài. Như thế các ông trở lại miền Galilê vì một cuộc hẹn.

2. Có lẽ Đức Giêsu thích núi vì ở đó có bầu khí thanh tịnh, vắng vẻ, khiến Ngài dễ cầu nguyện, gặp gỡ Chúa Cha (Mt 14,23). Ngài cũng thích gặp gỡ đám đông dân chúng trên núi (5,1; 15,29).

3. Có một vài môn đệ còn hoài nghi khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra với họ. Hoài nghi không phải là không tin gì, nhưng là yếu tin, tin chưa vững. Ở Mt 14,31, Đức Giêsu trách Phêrô vì đã hoài nghi, nghĩa là kém lòng tin. Đức tin cần có thời gian và kinh nghiệm để từ từ lớn lên đến mức trưởng thành.

4. Trong Mt 28,18-20 có 4 từ MỌI, được dịch bằng nhiều cách: mọi quyền hành (toàn quyền: 28,18); mọi dân tộc (muôn dân: 28,19); mọi điều Thầy truyền (28,20); mọi ngày cho đến tận thế (28,20).

5. Chúa Giêsu phục sinh có mọi quyền hành trên trời dưới đất. Ngài có quyền như Chúa Cha vì chính Chúa Cha đã trao cho Ngài toàn quyền như mình (Mt 20,18). Trước khi được Chúa Cha phục sinh, Đức Giêsu cũng đã bày tỏ uy quyền của Ngài qua lời giảng dạy (Mt 7,29), qua việc tha tội (9,6-8); qua trừ quỷ (10,1).

6. Ở Mt 10,5-6 Đức Giêsu bảo các môn đệ đừng đi đến với dân ngoại, chỉ đến với người Israen thôi. Còn sau khi được phục sinh (Mt 28,19), Chúa Giêsu sai các môn đệ đến với mọi dân tộc (=muôn dân), nghĩa là đến với cả dân ngoại nữa. Có sự khác biệt này là vì sau khi được Chúa Cha phục sinh và ban mọi quyền hành trên trời dưới đất, Chúa Giêsu có thể mở rộng sứ mạng của mình đến toàn cõi địa cầu.

7. Chúa Giêsu ra lệnh cho chúng ta “đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ.” Để thực hiện mệnh lệnh này cần làm hai điều: làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Ba Ngôi, và dạy bảo họ tuân giữ giáo huấn của Đọc Mt 28,18-20. Bạn hãy đặt cho đoạn này một tựa đề, hay tóm lại đoạn này trong 10 từ. Chúa Giêsu (Mt 28,19-20).

8. Có những đoạn văn nói đến Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Giêsu và Thánh Thần. Lúc Đức Giêsu chịu phép rửa, có sự hiện diện của Chúa Cha và Thánh Thần (Mt 3,16). Khi môn đệ phải ra tòa vì Chúa Giêsu thì có Thần Khí của Cha giúp đối đáp (10,20). Đức Giêsu đã dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa Cha mà trừ quỷ (12,28). Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha (24,36), là người Tôi Tớ dấu yêu được Chúa Cha ban Thần Khí (12,18).

Ngoài ra cũng có những đoạn văn nói về Chúa Cha (5,48), Chúa Thánh Thần (12,32), hay nói đến tương quan thân thiết giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu (11,25-27; 16,27).

9. Chịu phép rửa nhân danh Ba Ngôi. “Danh” nghĩa là “Tên.” Đối với người Do Thái, “tên” của một người tượng trưng cho chính người ấy. Tôi “nhân danh” một người để làm một việc, có nghĩa là tôi có tương quan thân thiện, có tình bằng hữu với người đó. Khi làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi, chúng ta đưa một người đi vào tình bạn thân thiết với Thiên Chúa.