Học hỏi Sứ điệp Truyền thông “Cuộc sống trở thành câu chuyện”

print

Học hỏi Sứ điệp Truyền thông “Cuộc sống trở thành câu chuyện”

WHĐ — Sứ điệp Truyền thông năm nay của ĐTC Phanxicô có nội dung tuyệt hay. Chúng ta cần học hỏi sứ điệp này để có thể truyền thông Tin Mừng cách hữu hiệu trong thế giới hôm nay, và cũng để cử hành Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 2020 với đầy đủ ý nghĩa của Ngày này. Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm nay sẽ được cử hành vào ngày 24-5-2020. 

1. Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2020 là gì?

Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2020 là “Để ngươi thuật lại cho con cháu.” (Xh 10,2) – Cuộc sống trở thành câu chuyện. 

2. Tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô chọn chủ đề kể chuyện cho Sứ điệp truyền thông năm 2020?

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dành trọn sứ điệp truyền thông năm nay để nói về chủ đề kể chuyện, bởi vì ngài tin rằng, để không bị mất phương hướng, con người cần phải thể hiện được chân lý trong những câu chuyện tốt lành: Những câu chuyện xây dựng, chứ không phá hoại; những câu chuyện giúp khám phá lại cội nguồn và sức mạnh cần thiết để cùng nhau tiến lên.

Đồng thời, con người cũng cần biết đến một câu chuyện có khả năng kể cho họ biết về bản thân con người và vẻ đẹp xung quanh họ. Đó chính là Kinh thánh, với cái nhìn dịu dàng về thế giới và những diễn biến của nó, sẽ kể cho con người biết họ là thành phần của một tấm thảm sống động kết nối họ lại với nhau. 

3. Tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Con người là sinh vật kể chuyện”?

Con người là sinh vật kể chuyện vì con người luôn thèm được nghe kể chuyện; những chuyện kể luôn ảnh hưởng đến cuộc sống của họ vì họ thường quyết định đúng hay sai là nhờ dựa trên các nhân vật và các câu chuyện đã thẩm thấu vào trong họ. Những chuyện kể để lại dấu ấn trên họ, định hình những xác tín và hành vi của họ, giúp họ hiểu và cho họ biết mình là ai. 

Con người là sinh vật kể chuyện cũng là vì họ tham gia vào một tiến trình phát triển không ngừng, để khám phá bản thân và trở nên phong phú thêm mãi trong cuộc sống hằng ngày.

4. Đức Giáo hoàng đã nói con người là kẻ dệt chuyện như thế nào?

Ngài nói: Con người không những là sinh vật duy nhất cần mặc quần áo để che đi điểm yếu của mình, mà còn là sinh vật duy nhất cần phải mặc lấy những câu chuyện để bảo vệ cuộc sống của họ. Vì thế, con người không chỉ dệt quần áo, mà còn dệt chuyện. Và các câu chuyện, dù ở nhiều thời đại khác nhau, vẫn luôn được dệt với một bố cục chung: cấu trúc câu chuyện luôn cho thấy những anh hùng, kể cả những anh hùng của đời thường – để theo đuổi ước mơ thì phải dùng sức mạnh của tình yêu mà đối mặt với những tình huống khó khăn, chiến đấu với cái ác. Khi đắm mình vào các chuyện kể, con người tìm thấy những động lực anh hùng để đối mặt với những thách đố của cuộc sống. 

5. Nếu theo cấu trúc dệt chuyện như trên thì có phải tất cả các chuyện kể của con người đều tốt lành hay không?

Không phải tất cả các chuyện kể của con người đều tốt lành vì ngay từ đầu, câu chuyện của con người đã bị đe dọa: loài rắn độc đã len lỏi vào lịch sử, và cám dỗ con người: “Khi nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần.” (xem St 3,5).

Cơn cám dỗ của con rắn đã đưa vào cấu trúc lịch sử một nút thắt khó tháo gỡ với lời thì thầm: “Nếu bạn sở hữu, bạn sẽ trở thành, bạn sẽ đạt được…” Đây cũng chính là lời thì thầm của những người đương thời đang sử dụng các chuyện kể để lợi dụng. Có biết bao nhiêu câu chuyện đang dụ dỗ chúng ta rằng, để hạnh phúc, chúng ta cần liên tục chiếm lấy, sở hữu và tiêu thụ. Trên các diễn đàn truyền thông, có biết bao nhiêu câu chuyện mang tính hủy diệt và khiêu khích, làm sờn mòn và cắt đứt những sợi chỉ mong manh đang gắn kết con người lại với nhau.

6. Mỗi người chúng ta cũng có thể dệt nên những câu chuyện xấu xa như thế nào?

Khi chắp vá các thông tin chưa được kiểm chứng, khi lặp lại các lập luận vô nghĩa và thiếu thuyết phục, khi gây tổn thương với các lời nói hận thù, chúng ta đã không góp phần kết dệt lịch sử loài người, mà chỉ hủy hoại phẩm giá con người. Và khi làm như thế, chúng ta thậm chí còn không nhận ra là chính mình đang ham hố trò chuyện tán gẫu rồi trở nên tàn ác và giả dối đến mức nào.

7. Chúng ta phải có thái độ nào với các câu chuyện đầy dẫy trong thế giới hôm nay?

Trong thời đại mà sự giả mạo ngày càng tinh vi, đạt đến cấp số nhân (như trong  deepfake – tin video giả thâm hiểm), chúng ta cần khôn ngoan để có thể đón nhận và tạo ra những câu chuyện mang tính chân thiện mỹ, cần can đảm từ chối những câu chuyện sai lạc xấu xa, cần kiên nhẫn suy xét để khám phá những câu chuyện giúp ta không lạc lối giữa bao nhiêu rắc rối của ngày hôm nay. Và đặc biệt, chúng ta cần đọc Kinh thánh là câu chuyện soi sáng cho chúng ta biết căn tính của mình, và hướng dẫn ta sống anh hùng trong cuộc sống âm thầm hằng ngày. 

8. Tại sao Đức Giáo hoàng gọi Kinh thánh là Chuyện kể về các câu chuyện

Kinh thánh là Chuyện kể về các câu chuyện vì Kinh Thánh kể cho chúng ta nghe biết bao nhiêu là biến cố, dân tộc và cá nhân… Đặc biệt, Kinh Thánh là chuyện tình vĩ đại giữa Thiên Chúa và con người. Ở trung tâm là Chúa Giêsu: câu chuyện của Ngài mang đến sự hoàn thành cho cả tình yêu Thiên Chúa đối với con người và tình yêu của con người đối với Thiên Chúa. Kể từ đó, mọi người trong mọi thời đều được kêu gọi kể lại và ghi nhớ những tình tiết quan trọng nhất của Chuyện kể về các câu chuyện, là những câu chuyện tỏ lộ ý nghĩa của các sự kiện trong lịch sử nhân loại. 

9. Thiên Chúa vừa là Đấng sáng tạo vừa là Đấng kể chuyện như thế nào?

Kinh Thánh cho ta thấy Thiên Chúa vừa là Đấng sáng tạo vừa là Đấng kể chuyện vì Ngài phán một Lời thì mọi sự liền xuất hiện (x. St 1). Là Đấng kể chuyện, Thiên Chúa gọi mọi thứ đi vào cuộc sống, mà đỉnh cao là việc sáng tạo nên người nam và người nữ được tự do đối thoại với Ngài và cùng Ngài làm nên lịch sử.

Con người cùng với Thiên Chúa làm nên lịch sử vì con người được sinh ra chưa hoàn chỉnh, cần phải thường xuyên được “đan dệt” thêm mãi. Sự sống được trao ban cho con người như một lời mời để tiếp tục dệt nên một “mầu nhiệm tuyệt vời” là chính bản thân của họ. 

10. Chủ đề của sứ điệp truyền thông năm nay được lấy ra từ Kinh thánh như thế nào?

Chủ đề của sứ điệp năm nay được rút ra từ sách Xuất Hành, một câu chuyện Kinh thánh nền tảng, cho thấy Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của Dân Ngài. Khi con cái Israel đang trong ách nô lệ kêu lên với Ngài, Thiên Chúa đã lắng nghe và nhớ lại giao ước để giải cứu họ bằng bao nhiêu là dấu chỉ và phép lạ.

Ý nghĩa của tất cả những dấu chỉ ấy là: “Để ngươi thuật lại cho con cháu ngươi nghe biết Ta đã thực hiện những dấu lạ nào giữa họ, khiến các ngươi biết Ta đây là Đức Chúa.” Như vậy, những hiểu biết về Thiên Chúa được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, chủ yếu bằng những câu chuyện kể về sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại.

11. Nhờ Chúa Giêsu mà ‘cuộc sống trở thành câu chuyện’ và ‘câu chuyện trở thành cuộc sống’ như thế nào?

Chúa Giêsu đã nói về Thiên Chúa không phải bằng những khái niệm trừu tượng, nhưng với những dụ ngôn, những câu chuyện ngắn gọn lấy từ cuộc sống hằng ngày. Ở đấy, cuộc sống trở thành câu chuyện và sau đó, đối với người nghe, câu chuyện trở thành cuộc sống: câu chuyện đi vào cuộc sống của những người lắng nghe nó và thay đổi họ. 

Và các Tin Mừng về Chúa Giêsu cũng là những câu chuyện. Khi nói với chúng ta về Chúa Giêsu, các Tin Mừng thể hiện về Chúa Giêsu, làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu. Tin Mừng đòi hỏi người đọc chia sẻ cùng một đức tin để chia sẻ cùng một sự sống. Tin Mừng Gioan nói cho chúng ta biết rằng người kể chuyện xuất sắc là Ngôi Lời đã trở thành câu chuyện: “Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ lộ cho chúng ta biết.” (Ga 1,18). Động từ nguyên gốc, exegésato, có thể được dịch là “tỏ lộ” hoặc “kể lại”. Thiên Chúa đã đan dệt chính bản thân Ngài vào nhân tính của chúng ta, và qua đó dạy cho chúng ta một phương cách mới để dệt nên những câu chuyện của chúng ta. 

12. Chuyện kể về Chúa Kitô đã làm cho câu chuyện của mỗi người chúng ta trở nên có giá trị vô biên như thế nào?

Chuyện kể về Chúa Kitô không phải là di sản của quá khứ, mà đó là câu chuyện của chính chúng ta, một câu chuyện luôn luôn hợp thời. Nó cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã quan tâm sâu sắc đến nhân loại, đến xác phàm và lịch sử của chúng ta, đến mức Ngài trở thành người, thành xác phàm và lịch sử.

Chuyện kể về Chúa Kitô cũng cho chúng ta biết rằng không có câu chuyện nào của con người là vô nghĩa hoặc nhạt nhẽo. Kể từ khi Thiên Chúa trở thành câu chuyện, mọi câu chuyện của con người, theo một nghĩa nào đó, đều là thánh thiêng. Trong tiểu sử của mỗi người, Chúa Cha đều thấy lại câu chuyện về Con của Ngài đã xuống trần gian. Mỗi câu chuyện về con người đều có một phẩm giá bất khả xâm phạm. Do đó, nhân loại rất đáng có những câu chuyện tương xứng với nó, xứng đáng với chiều cao ngút ngàn và hấp dẫn do chính Chúa Giêsu đã nâng cao lên. 

13. Tại sao luôn cần phải kể lại những câu chuyện tốt đẹp của con người?

Theo Thánh Phaolô thì mỗi người là một bức thư của Đức Kitô được viết bằng Thánh Linh để tạo nên sự thiện hảo, làm cho bức thư ấy có khả năng trở thành kiệt tác, thành phụ lục của Tin Mừng. Có biết bao nhiêu câu chuyện mang hương thơm của Tin Mừng, kể về Tình yêu của một vị Thiên Chúa biến đổi cuộc sống con người. Những câu chuyện này đòi được chia sẻ, được kể lại và được đưa vào cuộc sống ở mọi thời đại, mọi ngôn ngữ, mọi phương tiện. 

14. Câu chuyện cuộc đời của chúng ta đều có thể trở nên tuyệt vời như thế nào?

Câu chuyện cuộc đời của mỗi chúng ta đều có thể trở thành một phần của mọi câu chuyện tuyệt vời. Nghĩa là, khi chúng ta đọc các câu chuyện tuyệt vời như Kinh thánh, chuyện các thánh…, Chúa Thánh Thần sẽ viết những điều tốt đẹp vào lòng chúng ta, làm sống lại căn tính Con Thiên Chúa nơi ta. 

Nhờ đó, chúng ta sẽ nhớ đến Tình yêu đã tạo dựng và cứu độ chúng ta, để rồi có thể làm cho câu chuyện hằng ngày của đời ta thành tình yêu, và lấy lòng thương xót mà dệt tấm thảm đời mình. Khi ấy, chúng ta đã lật đời mình sang một trang khác, không còn bị ràng buộc với những hối tiếc và buồn bã của quá khứ đang đè nặng trái tim ta. Và bằng cách mở lòng mình ra cho người khác, chúng ta có được tầm nhìn của Chúa để làm cho câu chuyện đời ta trở nên tuyệt vời khi kể lại cho người khác nghe. 

15. Tại sao cần phải thường xuyên kể chuyện đời ta cho Chúa nghe?

Kể cho Chúa nghe chuyện đời ta, đó là điều không hề vô ích bao giờ, vì ngay cả khi diễn biến về các sự kiện đời ta vẫn như cũ, thì ý nghĩa sẽ luôn thay đổi trong cái nhìn của Đấng đang lắng nghe ta kể chuyện.

Chúng ta kể lại cho Chúa nghe những câu chuyện đời mình, mang đến cho Ngài những con người và những tình huống tràn đầy trong cuộc sống của ta. Khi đó, cùng với Ngài, ta có thể dệt lại mảnh vải đời ta, vá lại những vết rách đời mình. Chúng ta cần làm điều này biết bao! 

Kể chuyện đời ta cho Chúa nghe là đi vào cái nhìn thương xót của Ngài dành cho ta và cho người khác. Với cái nhìn của Đấng kể chuyện tuyệt vời – Đấng duy nhất có cái nhìn tối thượng, chúng ta có thể gặp gỡ được các nhân vật khác, là anh chị em của chúng ta, để ngay cả khi ở giữa cái ác, chúng ta vẫn có thể trông thấy sự thiện đang hoạt động mà dành thời gian để nói về sự thiện nơi anh em chúng ta. 

16. Với cái nhìn của Chúa, chúng ta cần kể chuyện như thế nào?

Với cái nhìn của Chúa, chúng ta không chỉ đơn giản là kể chuyện suông, hay quảng cáo cho bản thân, mà cần nhớ rằng ta là ai và là gì trong mắt Chúa, để có thể kể chuyện mà làm chứng cho những gì Thánh Linh viết trong lòng chúng ta và tỏ lộ cho mọi người biết rằng câu chuyện của người ấy chứa đựng biết bao nhiêu điều kỳ diệu. 

17. Chúng ta cần đến Đức Maria khi kể chuyện đời mình như thế nào?

Chúng ta cần xin Mẹ Maria dạy ta biết cách kể chuyện và cần phó thác đời ta cho người Phụ nữ đã dệt nên bản tính nhân loại của Thiên Chúa trong chính cung lòng mình và đan dệt những biến cố đời mình với nhau, như Tin Mừng nói với chúng ta: Đức Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19). Chúng ta hãy xin ơn trợ giúp từ Mẹ, là Đấng biết cách tháo gỡ những nút thắt của cuộc sống bằng sức mạnh nhẹ nhàng của tình yêu.

18. Để có thể dệt chuyện như lòng Chúa mong ước, chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Maria:

Ôi Maria, là phụ nữ và là người mẹ, Mẹ đã dệt Lời Chúa trong cung lòng Mẹ; bằng cả đời mình, Mẹ kể lại những công trình tuyệt vời của Thiên Chúa. Xin lắng nghe chúng con kể chuyện đời mình; xin ghi nhớ chúng trong tim Mẹ và biến thành câu chuyện của chính Mẹ – những câu chuyện mà chẳng ai muốn nghe ấy. Xin dạy chúng con nhận ra ‘sợi chỉ tốt đẹp’ đang chạy xuyên suốt lịch sử. Xin nhìn vào những nút thắt rối ren trong cuộc sống đang làm tê liệt trí nhớ của chúng con. Với bàn tay dịu dàng của Mẹ, mọi nút thắt đều có thể được tháo gỡ. Ôi người Phụ nữ của Thánh Linh, người Mẹ của niềm phó thác, xin truyền cảm hứng cho chúng con. Xin giúp chúng con xây dựng những câu chuyện hòa bình, những câu chuyện hướng đến tương lai. Và xin chỉ cho chúng con cách chung sống hòa bình với nhau. 

Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội / HĐGMVN
Nguồn: Truyền thông 
HĐGMVN