Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 17

print

Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 17

BÀI 70: NẾP SỐNG CỘNG ĐOÀN (17,1-4)

            Trong đoạn 7,1-4 (bài này và bài sau), Lc gom lại nhiều giáo huấn rải rác của Đức Giêsu về nếp sống cộng đoàn: có vấp ngã (cc 1-3a) sửa lỗi anh em (cc 3b-4), sức mạnh của đức tin (cc 5-6), và phục vụ cách khiêm tốn (cc 7-10).

I- CỚ VẤP NGÃ

c 1 – “Đức Giêsu nói với các môn đệ”: đây là đối tượng của những giáo huấn từ c 1 đến c 10.

     – “Cớ vấp ngã”: Nghĩa nguyên thủy là hòn đá làm cho người ta vấp. Ai thường bị vấp? Câu 2 nói rõ là ‘những kẻ bé nhỏ’. Đó không phải là những người nhỏ về tuổi tác, mà là yếu về đức tin, về lý trí, về ý chí.v.v… Một việc làm có thể không hẳn là xấu và có thể không khiến kẻ vững mạnh vấp ngã, nhưng lại có thể làm cho nhưng kẻ ’bé nhỏ’ ấy vấp ngã. Trong đoạn này, cớ vấp ngã còn có một nghĩa riêng mà Lc sẽ nói rõ ở Cv 20,30: “Từ giữa anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng”. Như thế ‘cớ vấp ngã’ trong câu này rất có thể là những luận điệu sai lạc có thể dẫn những tín hữu yếu đuối tới chỗ bỏ đạo, mất đức tin.

     – “Không thể không có cớ vấp ngã”: Đức Giêsu không phủ nhận là thường có cớ vấp ngã trong cộng đoàn, bởi vì chính Satan luôn xúi dục điều đó (22,3).

     – “Nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã”: vì người đó, dù hữu ý hay vô tình, cũng gây thiệt hại rất nhiều cho cộng đoàn.

c 2a Bởi thế Đức Giêsu nói thà nó chết còn hơn sống mà làm hại người khác.

II- SỬA LỖI ANH EM

c 2b-4 Trong đoạn này Đức Giêsu nói về việc sửa lỗi cho ‘người anh em’ cùng sống trong cộng đoàn với mình (chứ không phải cho người ngoài cộng đoàn), và là thứ lỗi người anh em đó gây cho mình (chứ không phải là lỗi phạm đến ích chung của cộng đoàn).

     – Ngài dạy một cách xử thế gồn hai giai đoạn: trước hết là ‘khiển trách nó’ (chứ không phải làm ngơ); kế tiếp là tha thứ ‘nếu nó hối hận’.

     – “Một ngày đến 7 lần”: số 7 chỉ số nhiều, nhiều lần không giới hạn. Mt 18,6-7 còn ghi một con số cao hơn nhiều là 70 lần 7 (có dị bản ghi 77 lần 7). Nhưng ý nghĩa cũng như nhau.

     – Lời dạy này trong Lc thực tế hơn trong Mt 18,6-7, vì Mt không đưa điều kiện ‘nếu nó hối hận’.

BÀI 71: SỨC MẠNH ĐỨC TIN – PHỤC VỤ CÁCH KHIÊM TỐN (17,5-10)

I- SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN (5-6)

c 5 Đây là lời xin của các Tông đồ. Do đó đức tin ban thêm ở đây không phải chỉ là đức tin của cấp độ tín hữu, mà là của cấp cán bộ truyền giáo; không phải chỉ là tin theo nghĩa chấp nhận một cách tri thức bởi những tín điều, mà là một sự tin tưởng phó thác hoàn toànkhiến người Tông đồ ra đi truyền giáo.

c 6b Lời đáp của Đức Giêsu có thể giải thích hai kiểu:

  1. a) Các Tông đồ nhắm tới số lượng (xin cho chúng con tin thêm điều này điều nọ), Đức Giêsu sửa lại bằng cách nhấn mạnh tới phẩm chất của đức tin: tin vững vàng hơn, tin phó thác hơn, tin tới mức trọn vẹn. Một khi đã có đức tin với một phẩm chất trọn vẹn như vậy thì một đức tin theo số lượng thì ít nhưng phẩm chất thì mạnh, thì đức tin ấy có thể làm được những điều kỳ diệu.
  2. b) Các Tông đồ xin Đức Giêsu ban cho mình có một dức tin phó thác trọn vẹn. Đức Giêsu nhất trí và khen ngợi các ông. Sau đó Ngài dùng một thí dụ để cho thấy tầm quan trọng của một đức tin như thế.

Hạt cải: nghĩa là bé tí tẹo

     – Cây vả: cây này có bộ rễ rất mạnh nên có thể đứng vững suốt 600 năm qua mọi thứ thời tiết. Trong Mt 17,20 và Mc 11,23, Đức Giêsu không dùng hình ảnh cây vả nhưng dùng hình ảnh ngọn núi. Ý nghĩa cũng như nhau: sức mạnh đức tin có thể làm những điều kỳ diệu. Dù cho là đức tin của một con người nhỏ bé, hay một nhóm người ít ỏi, nhưng nếu đức tin ấy mạnh thì cũng có thể làm được điều rất kỳ diệu.

II-PHỤC VỤ CÁCH KHIÊM TỐN (7-10)

1/ Giải thích vài chi tiết

c 8 “Vén áo gọn gang”: tư thế của người phục vụ, vén áo cho gọn ghẽ để làm việc.

c 10 “Tôi tớ vô dụng”: nguyên ngữ Hy lạp là achereios. Không thể dịch là ‘vô dụng’ được vì trong thực tế dù sao người tôi tớ của dụ ngôn cũng rất đắc dụng cho chủ. Phải dịch là ‘tầm thường chỉ là như vậy tôi’. Như thế kiểu nói này có nghĩa: tôi chỉ là một người tôi tớ không hơn không kém.

2/ Không nên hiểu

     Không nên lấy tam thức ngày nay để đánh giá dụ ngôn này, để rồi đưa đến kết luận rằng Đức Giêsu dạy phân biệt chủ tớ, dạy tôi tớ phải an phận mãi mãi.v.v…

     – Thực ra Đức Giêsu chỉ sử dụng tâm thức ngày xưa: trong xã hội Do thái thời đó, tôi tớ là người ở hẳn tại nhà của chủ (chứ không phải làm hết giờ hết việc rồi trở về nhà riêng) và phải luôn luôn sẵn sàng phục vụ chủ. Làm xong việc này thì lại phải sẵn sàng làm tiêp việc khác nếu chủ bảo làm.

     – Hơn nữa qu dụ ngôn này. Đức Giêsu không nhằm dạy một cách sống ở đời giữa chủ và tớ, mà cách dạy chúng ta phải sống đối với Thiên Chúa.

3/ Ý nghĩa của một dụ ngôn

     – Tôi tớ là người phục vụ chủ.

     – Do đó, nếu tôi tớ có phục vụ thì cũng là việc tự nhiên. Người tôi tớ nào mà sau khi phục vụ mà nghĩ rằng mình đã có công và đòi chủ phải biết ơn hoặc đền đáp thì thật là sai lầm.

     – Chúng ta đối với Thiên Chúa cũng phải thế: bổn phận của chúng ta là phục vụ Chúa, làm những việc Chúa bảo làm. Và khi đã làm xong thì đừng như người biệt phái coi đó là công lao để đòi Chúa thưởng, nhưng hãy khiêm tốn coi như đó là bổn phận của mình.

BÀI 72: MƯỜI NGƯỜI CÙI (17,11-19)

            Đến đây Lc tạm ngừng phần ghi lại các dụ ngôn, để một lần nữa trở lại điệp khúc ‘hành trình lên Giêrusalem’, với một chuyện xảy ra trên con đường hành trình đó: Đức Giêsu gặp 10 người cùi và chữa bệnh cho họ.

I- GIẢI THÍCH

c 11 “Lên Giêrusalem, qua miền Samaria và Galilê”: lộ trình này xem ra không đúng với địa dư, vì theo bản đồ từ Bắc tới Nam là Galilê, Samaria và Giuđê, trong đó có Giêrusalem. Viết ‘lên Giêrusalem’ thì hiểu được vì thành phố này nằm cao trên đồi Sion; nhưng nói ‘qua Samaria và Galilê’ thì ngược: Đức Giêsu đang đi xuống theo hướng Nam, lẽ ra phải nói ‘lên Giêrusalem qua miền Galilê và Samaria’ thì mới hợp.

     Có hai lối giải thích cách viết này của Lc:

  1. a) Đức Giêsu đi ngng qua vùng biên giới giữa Galilê và Samaria để xuống Giêrusalem ở mạn Nam. Lối giải thích này cũng hợp với câu chuyện, trong đó người cùi gồm cả Do thái lẫn Samaria (vì ở vùng biên giới nên có dân của cả hai miền).
  2. b) Thánh Lc luôn coi Giêrusalem là tâm điểm, nên khi vạch lộ trình này, ông cũng đặt trọng tâm ở Giêrusalem rồi nhìn ngược lại đoạn đường đã đi qua, bắt đầu từ miền gần nhất là Samaria, tiếp đó mới tới miền xa hơn là Galilê, Lộ trình này rất hợp với quan điểm thần học của Lc: trong đời Đức Giêsu Ngài luôn tiến về Giêrusalem, đến thời các Tông đồ, Ngài bảo họ đem Tin Mừng bắt đầu từ Giêrusalem, tiếp đến là tới Samaria, rồi đến mút cùng trái đất (Cv 1,8)

     – “Mười người cùi”: c 16 cho biết trong số họ có cả người Samaria. Thông thường người Do thái và nười Samaria không thuận với nhau, nhưng trong hoàn cảnh cùng bị cùi, họ bỏ đi mọi hàng rào ngăn cách để cùng đi chung với nhau: hoạn nạn, khốn khổ là mối dây liên kết con người lại với nhau.

     Có bao nhiêu người Samaria trong nhóm? Có lẽ chỉ có một thôi, vì nếu có hơn thì có lẽ tất cả những người Samaría kia cũng đã theo anh này trở lại tạ ơn Đức Giêsu.

     – “Từ xa”: Lv 13,45 không cho người cùi vào thành phố. Nhưng họ có thể đi qua những làng mạc. Họ cũng không được đến gần người không cùi. Họ phải ăn mặc rách rưới, để tóc bờm xờm, che râu và khi thấy ai đến gần thì phải hô to lên cho người ta tránh xa mình. Chính vì thế mà những người cùi này khi thấy Đức Giêsu từ xa thì đứng lại và hô to lên.

c 13 “Lạy Thầy”: đây là épistatès. Đây cũng là trường hợp duy nhất trong Lc mà một người không trong nhóm môn đệ gọi Đức Giêsu bằng tước hiệu này. Tước hiệu này không chỉ tôn xưng người được gọi là Thầy, mà còn cho thấy quyền năng của người đó (tiếng didaskalos cũng có nghĩa là Thầy nhưng yếu hơn).

c 14 “Hãy đi trình diện với hàng Tư tế”: đây là quy định của Lv 14,2. Nhưng có điểm đặc biệt: Theo Lv 14,2 ấy thì người ta chỉ đến Tư tế để trình diện sau khi đã hết cùi. Phần Đức Giêsu thì bảo họ đi trình diện trước khi hết bệnh. Ngài muốn họ tin vững vàng, làm như họ đã hết cùi thật vậy.

     Cả 10 người đều đi. Nhưng người Samaria hầu chắc không đi đến các Tư tế ở Giêrusalem, mà đến với các Tư tế ở Garizim.

     – “Đang khi đi họ đã được sạch”: phép lạ xảy ra trên đường.

c 15 “Tôn vinh Thiên Chúa”: không tôn vinh Đức Giêsu mà tôn vinh Thiên Chúa, bởi vì chính Thiên Chúa ban ơn qua bản thân Đức Giêsu. ‘Tôn vinh’ cũng có nghĩa là ‘tạ ơn’.

     – “Lớn tiếng”: Lc thường mô tả phản ứng này của những kẻ nhận ra uy quyền của Thiên Chúa: ma quỷ (4,33  8,28), dân chúng đón Đức Giêsu vào Giêrusalem (19,37), lúc Đức Giêsu tắt thở (23,23), Stêphanô tử đạo (Cv 7,60).

c 16 “Sấp mình”: phản ứng của kẻ thụ ơn, hàm ý nhìn nhận người ban ơn có quyền năng Thiên Chúa: cha của cô bé chết (8,41), một người cùi khác (5,12).

c 17-18 Người Samaria cũng nghĩ như những người Do thái rằng Samaria là dân ngoại, không đáng được ơn Thiên Chúa. Do đó người Samaria này nghĩ rằng ơn mà anh nhận được là một hồng ân miễn phí. Vì thế anh rất biết ơn. Còn 9 người Do thái kia nghĩ rằng ơn Thiên Chúa ban cho họ là điều đương nhiên, do đó họ không biết ơn.

II- KẾT LUẬN

            Trong số 10 người cùi được chữa khỏi, 9 người đi trình diện với các tư tế Đền thờ Giêrusalem, chỉ có 1 người Samaria trở lại tạ ơn Đức Giêsu, và người Samảia này được Đức Giêsu nói “Lòng tin của anh cứu anh”. Từ chuyện này ta hiểu được rằng:

            1/ Được cứu độ còn quí hơn được khỏi bệnh phần xác.

            2/ Thực ra cả 10 người đều có đức tin, nhưng tính chất khác nhau: đức tin của 9 người đi trình diện tư tế có phần nào vụ lợi (tin lời Đức Giêsu bảo đi trình diện để mà được khỏi bệnh); còn đức tin của người Samaria có tính cách tương quan liên vị hơn (interpersonnelle): nó dựa trên ý thức rằng anh đã được Thiên Chúa ban cho một ơn mà anh hoàn toàn không đáng nhận, và nó thúc đẩy anh tìm đến Đấng đã ban ơn cho anh. Dức tin của người Samaria mới thực là đức tin trọn vẹn.

BÀI 73: NGÀY CỦA CON NGƯỜI (17,20-37)

            Đến đây Lc chép xen vào một diễn từ chung luận của Đức Giêsu: diến từ gồm hai phần:

            a/ Phần diễn từ đích thực bàn về ‘Ngày của Con Người’ (17,20-37)

            b/ Tiếp theo là một dụ ngôn được đưa ra như một kết luận cụ thể cho diễn từ ấy (18,1-8).

            Trong bài này, chúng ta phân tích diễn từ chung luận của Đức Giêsu.

c 20 – Người Do thái rất quan tâm đến Ngày mà Thiên Chúa thiết lập triều đại của Ngài. Họ nghĩ rằng đó là một biến cố trọng đại, đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và cho dân tộc họ. Họ rất mong ngày đó mau đến, nhất là khi họ đang phải sống tủi nhục dưới ách đô hộ của Rôma. Họ muốn biết khi nào ở đâu ngày ấy xảy ra. Và họ nghĩ rằng nếu cố gắng tìm những dấu chỉ thì có thể xác định được những điểm ấy. Bởi thế hôm nay người pharisêu hỏi Đức Giêsu: ‘Khi nào thì Triều đại Thiên Chúa đến?”

c 21 Thực ra Triều đại Thiên Chúa tuy cũng là một biến cố trọng đại như người Do thái nghĩ, nhưng không phải trọng đại nhìn theo cặp mắt loài người (vinh quang, chiến thắng.v.v…). Với sự xuất hiện của Đức Giêsu thì Triều đại Thiên Chúa đã đến trên cơ bản, và triều đại ấy sẽ dần dần đến trong tâm hồn những kẻ tin theo Ngài. Đây là một quan niệm khác hẳn quan niệm của các người pharisêu. Bởi đó Đức Giêsu nói “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta không thể nói ‘Ở đây’ hay ‘Ở kia’, vì này Triều đại Thiên Chúa ở giữa các ông”. Nói cách khác, vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà là tintheo Đức Giêsu.

c 22 Sau khi trả lời một cách đại khái cho những người pharisêu, bây giờ Đức Giêsu nói chi tiết hơn cho các môn đệ mình về Ngày ấy. Ngài nói về Ngày Quang Lâm. Nếu trong câu trả lời cho người pharisêu, Đức Giêsu nói rằng Ngày ấy trên cơ bản đã đến rồi, thì trong bài nói chuyện với các môn đệ, Đức Giêsu cho họ biết thêm một khía cạnh khác. Ngày ấy sẽ đến một cách trọn vẹn lúc Con Người quang lâm.

     – “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi mà cũng không được thấy”: cũng như bao người khác, các môn đẹ cũng mong ngóng Ngày đó, những V cảnh cáo: đừng tưởng rằng Ngày đó sắp đến.

c 23“Người ta sẽ bảo anh em ‘Người ở kia kìa’ hay ‘Người ở đây này’. Anh em đừng đi, đừng chạy theo”: các môn đệ đừng để mình bị đánh lừa bởi các ngôn sứ giả về thời gian và nơi chốn của Ngày đó.

c 24 “Ví như ánh chớp chói lòa chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong Ngày của Người”: đừng quan tâm nghiên cứu về địa điểm và thời gian. Vô ích thôi, vì đặc tính của Ngày ấy là đến một cách nhanh chóng và bất ngờ.

     * Ta thấy Đức Giêsu kgồn muốn giải đáp những thắc mắc về thời gian và nơi chốn của Ngày ấy. Lý do là chỉ Chúa Cha biết những chi tiết ấy mà thôi (Cv 1,7). Hơn nữa, điều quan trọngkhông phải là đoán thời gian và nơi chốn, mà ở chỗ bất cứ lúc nào và ở đâu cũng phải luôn sẵn sang trong một nếp sống xứng đáng là người môn đệ Ngài. Đó là cách tốt nhất để chờ đón Ngày ấy.

c 25 Câu này xem ra lạc lõng giữa văn mạch. Đức Giêsu khẳng định sự cần thiết của cuộc chịu nạn của Ngài.

c 26-30 Tiếp theo Ngài dùng 2 chuyện Cựu Ước về ông Nôê và ông Lót để khuyến cáo các môn đệ mình: người ta dễ bị cuốn hút trong những lo lắng cho cuộc sống vật chất (“ăn uống cưới vợ lấy chồng”, “ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất”). những lo lắng này không có gì là tội lỗi, nhưng có thể khiến người ta quên mất điều quan trọng đã nói ở trên (luôn luôn sống xứng đáng là môn đệ Chúa). Do đó khi Ngày ấy đến một cách nhanh chóng và bất ngờ, thì những kẻ không sẵn sàng sẽ phải hư mất.

c 31-36 Tiếp theo là một số hình ảnh giúp dễ hiểu:

     – Người đang ở trên sân thượng thì đừng xuống nhà để lấy đồ đạc; người đang ở ngoài ruộng cũng đừng trở về nhà (để lấy đồ đạc): vì khi đó của cải vật chất không còn quan trọng nữa. Cái quan trọng lúc đó là ‘sự sống’. Trong câu này chữ ‘sự sống’ có hai nghĩa: sự sống dựa trên ‘đồ đạc’ chỉ là một giá trị phù du, không đáng tiếc rẻ; sự sống đáng trân trọng chính là sự sống với Chúa. Kẻ khôn ngoan là kẻ dám bỏ sự sống phù du kia để đổi lấy sự sống vĩnh cửu.

     – Có những người bề ngoài thì hoàn toàn giống nhau (hai người nằm chung một giường, hai người đàn bà cùng xay một cối bột, hai người đàn ông cùng làm ruộng ngoài đồng) nhưng số phận hoàn toàn khác nhau: kẻ có chuẩn bị sẵn sàng thì được đem đi (đem đi với Thiên Chúa), còn kẻ không chuẩn bị thì bị bỏ lại (bỏ lại trong hư vong).

     Kết thúc bài nói chuyện là một câu hỏi ngớ ngẩn của các môn đệ: “Thưa Thầy,ở đâu vậy?”. Các ông vẫn còn lẩn quẩn trong những thắc mắc về thời gian và nơi chốn! Do đó Đức Giêsu trả lời như thể không trả lời “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó”: Nghĩa là khỏi cần thắc mắc vô ích. Hãy lo lúc nào cũng sẵn sàng.