Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 21

print

Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 21

 

BÀI 90: ĐỒNG TIỀN CỦA BÀ GÓA (21,1-4)

        Sau khi mô tả những thói xấu của bọn kinh sư trong đó có việc lợi dụng chức vụ đẻ nuốt chửng tài sản của các bà góa. Đức Giêsu lấy một bà góa ra nêu gương. Chữ ‘bà góa’ là từ móc nối 2 đoạn Tin Mừng này lại với nhau.

c 1“Thùng tiền”: Đây là những thùng tiền được đặt ở cửa vào Đền thờ để người ta dâng cúng tiền (2V 12,10).

c 2 “Bà góa”: Xã hội Do thái không có những quy định bảo vệ quyền lợi các góa phụ cho nên họ rất bị thiệt thòi: tài sản của chồng thì họ không được hưởng (con cái họ hưởng), gia đình cha mẹ ruột của họ cũng không còn lo lắng cho họ bao nhiêu. Vì thê, trong Thánh Kinh, bà góa, trẻ mồ côi và ngoại kiều là những hạng người xấu số nhất và nghèo nhất (Đnl 24,17-22).

KẾT

1/ Cho đi không phải của dư thừa mà là chính cái mình đang cần thiết. Sự cho đi như thế rất quý vì cũng là sự cho đi chính bản thân mình.

2/ Đoạn Tin Mừng này liên hệ chặt chẽ với đoạn liền phía trước. Đức Giêsu càng khen ngợi bà góa bao nhiêu thì càng làm lộ rõ cái xấu của các kinh sư bấy nhiêu.

3/ Qua chuyện này, Đức Giêsu cũng bày tỏ lòng ưu ái của mình đối với những người chịu nhiều thua thiệt trong xã hội. Đức Giêsu là như thế đó, một Đấng Messia rất nhân từ và ưu ái những kẻ bị bỏ rơi (4,25-26  7,12  18,3-5  20,47).

4/ Đồng thời đây cũng là những lời kết án của Đức Giêsu đối với hệ thống xã hội thời đó: các vị hữu trách tôn giáo chẳng những không nâng đỡ các bà góa mà còn lợi dụng họ và khai thác họ.

 

BÀI 91: LOAN BÁO ĐỀN THỜ GIÊRUSALEM VỊ PHÁ HỦY (21.5-38)

I- GIẢI THÍCH

c 5Lúc đó Đức Giêsu đang ở trong Đền thờ Giêrusalem. Đây là đền thờ thứ hai do Hêrôđê Cả khởi công xây dựng từ năm 19 tr cn. đến năm 63 cn. mới hoàn thành. Nhưng đến năm 70 cn. nó lại bị phá hủy.

    Vì vậy khi chuyện này xảy ra thì Đền thờ đang trong giai đoạn xây dựng. Có nhiều trang trí và đồ dâng cúng rất đẹp khiến người ta phải trầm trồ.

c 6 Nhân dịp đó Đức Giêsu nói rằng Đền thờ này sẽ bị phá hủy tan tành. Lời tiên tri này sẽ ứng nghiệm vào năm 70.

    Thời Cựu Ước, nhiều ngôn sứ cũng tiên tri về việc phá hủy Đền thờ. Theo họ là vì dân đã hủy bỏ giao ước giữa dân với Thiên Chúa. Nay Đức Giêsu tiên báo về Đền thờ bị phá hủy, tức là Ngài tiếp nối truyền thống ngôn sứ. Lý do của lần phá hủy này là vì dân đã không nhận Ngài là Messia.

c 7 Một số người ở đó nghe Đức Giêsu nói thế liền hỏi thêm về thời giờ (‘khi nào’) và dáu chỉ báo trước (‘dấu nào’) việc phá hủy ấy

c 8 Đức Giêsu không trả lời về hai điểm này, nhưng chuyển sang đề tài tận thế.

    Tại sao Đức Giêsu chuyển đề tài? Vì nhiều người quen lien kết ba biến cố lại với nhau: phá hủy Đền thờ – tận thế – Con Người quang lâm. (Mt và Mc cũng liên kết như thế). Trong Lc, Đức Giêsu tuy chuyển sang đề tài Tận thế những nhằm phá bỏ sự liên kết ấy.

    Vì nhằm phá bỏ sự liên kết ấy, Đức Giêsu lầnlượt đưa ra và đánh tan hai sự lầm tưởng:

    – Lầm tưởng thứ nhất: là do những kẻ mạo danh Ngài để lừa gạt mọi người rằng Tận thế sắp đến (‘thời hạn đến rồi’). ‘Thời hạn’ nghĩa là tận thế.

    Nếu tin theo bọn đó thì người ta sẽ bị cuốn hút vào một cơn sốt chuẩn bị tận thế. Nhưng cơn sốt này tai hại vì sua đó người ta sẽ chẳng thấy tận thế gì cả và sẽ thất vọng hoặc bất mãn, không tin.

    Do đó Đức Giêsu căn dặn ‘các con đừng có đi theo họ’

c 9 – Lầm tưởng thứ hai: là do những tin đồn về rôi loạn chiến tranh.

    Có lẽ Đức Giêsu nghĩ tới những cuộc chiến tranh giành độc lập mà người Do thái sẽ phát động chống lại đế quốc Rôma. Nhiều người khi nghe tin chiến tranh thì nghĩ rằng đó là dấu báo sắp tận thế. Mc 13,8 cũng công nhận chiến tranh là dấu chỉ của tận thế, nhưng khẳng định nó chỉ là dấu chỉ xa mà thôi. Phần Lc thì nói dứt khoát đó không phải là dấu chỉ tận thế, chúng cần phải xảy ra trước ngày tận thế những chúng không phải là dấu chỉ tận thế.

c 10-11 Sau khi đánh tan hai sự lầm tưởng về ngày tận thế, bây giờ Đức Giêsu đưa ra một số dấu chỉ về ngày giờ đó.

   Đức Giêsu lấy lại những hình ảnh trong văn chương Khải huyền Do thái (Is 19,2; 2Sb 15,6): các dân nước chống đối nhau, động đất, ôn dịch, đói kém, những điềm lạ.v.v…

    Xét cho cùng thì những dấu chỉ này cũng rất mơ hồ, vì thực ra thời nào cũng có thể thấy những dấu đó.

    Như thế Đức Giêsu tuy là đưa ra những dấu chỉ, cũng không phải những dấu chỉ rõ ràng. Tại sao vậy? Vì Ngài không muốn người ta bận tâm về tận thế.

c 12 Điều Đức Giêsu muốn chúng ta quan tâm là ‘trước bấy nhiêu điều ấy’, nghĩa là giai đoạn hiện tại của GH trướckhi tới ngày tận thế.

    Lc lưu ý tới hoàn cảnh đặc biệt của GH hiện tại là bị bắt bớ: bắt bớ bởi Do thái giáo (‘Hội đường’) và bởi những kẻ cầm quyền các nước (‘vua chúa quan quyền’)

    Trong hoàn cảnh bị bắt bớ như vậy, Kitô hữu phải sống thế nào?

    Trước hết hãy lạc quan nghĩ rằng: những khổ sở mình phải chịu sẽ là những bằng chứng có lợi cho mình trước Tòa phán xét của Thiên Chúa. (Lời dịch: ‘nhờ thế các con có dịp làm chứng’ cho thấy các Kitô hữu ra trước tòa làm chứng đức tin. Nhưng dịch như thế  không đúng với quan điểm của Lc thường nghĩ đến sự thay đổi hoàn cảnh ở đời sau: đến đời sau, chính những đau khổ đời này sẽ trở thành bảo chứng cho Kitô hữu về sự trung thành của họ. Vì thế phải dịch câu này là: “Nhờ thế chúng con sẽ có bằng chứng” – (Cela aboutira pour vous en témoignage)

c 14-15 Thứ hai là hãy an tâm đừng lo phải bào chữa thế nào khi bị bắt bớ, vì chính Đức Giêsu sẽ ban cho họ ‘Lời nói’, ‘sự khôn ngoan’ mà kẻ thù không thể nào thắng được.

c 16-17 Sự bắt bớ có thể xảy ra ngay giữa những người thân thiết như cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn hữu…khiến cho một số Kitô hữu phải chết.

c 18 Ở điểm này Lc khác với Mt 10,21 và Mc 13,12 vì xác định không phải hết mọi người sẽ bị giết. Có lẽ Lc muốn nói rằng sự bắt bớ không thể nào làm im tiếng các Kitô hữu được.

    Nhưng dù thế nào đi nữa, các Kitô hữu hãy vững tin rằng mình được Thiên Chúa che chở. Đức Giêsu diễn tả ý này bằng một thành ngữ “Dù một sợi tóc trên đầu ccs con cũng không hư mất”.

c 19 “Chính nhờ sự vững vàng kiên nhẫn mà các con sẽ được cứu mạng sống mình”: Đức tính cần thiết trong giai đoạn hiện tại của GH là phải kiên trì trước những gian lao, khổ sở lúc bị bắt bớ, cũng như trước nhịp sống tẻ nhạt đều đều lúc bình thường. Kiên trì là điều Lc thường nhấn mạnh (Lc 8,15; Cv 14,22).

 

BÀI 92: CON NGƯỜI QUANG LÂM – BÀI HỌC TỈNH THỨC (21,25-38)

I- VĂN THỂ KHẢI HUYỀN

1/ Văn thể Khải huyền được thành lập khoảng 200 năm tr cn. bởi sách Đanien, sau đó được sử dụng rất nhiều trong các tác phẩm khác như sách Hénoch. Cuộc lên trời của Môsê, những bí mật của Hénoch, các sách Khải huyền của Êlia, của Sophonie, của Abraham, của Esdras và của Baruch.

    Mục đích: người ta sử dụng văn thể này để loan báo về lúc tận cùng của thời gian.

    Đặc điểm: khi loan báo về lúc tận cùng ấy, người ta sử dụng những hình ảnh quy ước như trật tự trên trời xáo trộn, trật tự dưới đất cũng xáo trộn và trật tự dưới biểm cũng xáo trộn.

2/ Đã là những hình ảnh quy ước, nên chúng không phải là mô tả chính xác cũng không phải là nói tiên tri rằng sẽ xảy ra đúng như vậy. Chúng ta hãy đọc ba đoạn văn theo văn thể Khải huyền viết về ba biến cố lịch sử như sau:

          – Is 13,9-10: nói về lúc Babylon sụp đổ.

          – Is 34,3-4: nói về lúc Edom sụp đổ.

          – Ed 32,7-8: nói về thảm họa sẽ giáng xuống cho Ai cập.

    Ba việc này đều xảy ra trong lịch sử, nhưng đâu có đúng từng chi tiết như ba đoạn Khải huyền trên mô tả.

3/ Những lời nói của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng này là để trả lời cho câu hỏi các môn đệ đặt ra về ngày tận thế, cho nên Đức Giêsu cũng nói theo giọng điệu Khải huyền.

II- GIẢI THÍCH

c 25 Vũ trụ quan thời đó: vũ trụ gồm ba phần: trời – đất – biển.

        Đến lúc tận thế trật tự ở cả ba phần đó đều bị xáo trộn: dưới đất mọi người kinh hoàng, dưới biển thì sóng thét gào, còn trên trời (c 26) thì ‘các năng lực’ (mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao) chuyển động.

c 26b Quan điểm đa thần thời đó coi các tinh tú trên bầu trời đều là các vị thần. Đến ngày tận thế, thế lực của các thần trên đó đều bị Thiên Chúa đánh bại.

c 26a Trước cảnh nọi trật tự cũ đều xáo trộn, và trước cảnh các thần đều tiêu tan, mọi người đều sợ hãi.

c 27 Tại sao mọi trật tự đều xáo trộn, mọi thế lực tà thần đều sụp đổ? Đó là vì chúng bị đánh bại bởi Con Người.

    – “Con Người”: nhân vật chính trong sách Đanien (Đn 7,13-14) trong sách này Con Người là hình ảnh của dân Israel sau bao thử thách đã được phục hồi và được tôn vinh. Đức Giêsu đã mượn hình ảnh này áp dụng cho mình: sau khi chịu nạn chịu chết, Ngài cũng sẽ được Phục sinh, được trao cho quyền hành tối cao trên vạn vật.

    – “Đến giữa đám mây”: theo văn thể khải huyền, mây được coi là xa giá để chở Thiên Chúa.

    – “Quyền thế và vinh quang”:tất cả bức họa về sự xáo trộn các thế lực cũ và sự ngự đến của Con Người đều nhằm nổi bật hai khía cạnh của Đức Giêsu trong ngày tận thế: quyền thế – vinh quang.

c 28 Người thế gian thì sợ hãi trước những cảnh vừa nói, nhưng môn đệ Đức Giêsu thì vui mừng, bởi vì họ biết rằng những cảnh ấy là dấu cho họ biết Thiên Chúa sắp đến giải thoát họ khỏi mọi thế lực của gian tà. Do đó họ đứng thẳng và ngẩng đầu chờ Ngài mau đến.

c 34-35 So với các đoạn khải huyền khác, và ngay cả so với các đoạn song song trong Mt và Mc, đoạn Tin Mừng này của Lc không dừng lâu ở việc mô tả các dấu chi, nhưng chú ý đến thái độ mà môn đệ Đức Giêsu phải có.

    Thái độ thứ nhất là chú ý tới việc quan trọng là đón Chúa đến: không nên để mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyên thế gian… và bất cứ lúc nào cũng nghĩ đến việc Chúa đến, dù cho có thình lình, đột ngột, họ cũng không ngỡ ngàng.

c 36 Thái độ thứ hai là kiên trì trong việc cầu nguyện liên lỉ: cầu nguyện để xin Ngài mau đến, cầu nguyện để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài.

    – Hầu thoát xa mọi điều sắp tới và vững tâm đứng vững trước mặt Con Người hầu được mọi sự tốt lành trong cuộc Phán xét của Chúa.

c 37-38 Những ngày sau hết của Đức Giêsu: Ban ngày Ngài giảng dạy trong Đền thờ; đến tối Ngài qua đêm tại múi Ô-liu; sáng hôm sau lại vào Đền thờ giảng dạy.