Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái Phúc Âm Matthêu: Chương 10-12
TỔNG THỂ II
ĐỨC GIÊSU SAI CÁC TÔNG ĐỒ ĐI RAO GIẢNG
VÀ CHÍNH NGÀI RA ĐI CÔNG BỐ NƯỚC TRỜI
BÀI 20: BÀI SAI TRUYỀN GIÁO – Chương 10.
BÀI 21: MỘT KHÚC QUANH (chương 11-12)
Tổng thể I (5-9) cho biết Nước Trời đã đến. Sang tổng thể II (10-12) Đức Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng Nước Trời. Nhưng chỉ sai vậy thôi vì thực ra họ chưa đi mà chính Đức Giêsu đi (11,1). Phần họ còn cần phải đồng hành lâu dài với Ngài trên con đường khổ giá, qua các nẻo đường phục vụ, để rồi sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ mới có thể chính thức ra đi rao giảng.
Tổng thể này có thể chia làm hai phần chính:
– Phần diễn từ (10): Bài sai truyền giáo
– Phần tường thuật (11-12): Đức Giêsu đi truyền giáo.
BÀI 20: BÀI SAI TRUYỀN GIÁO – Chương 10
- Cấu trúc
Mt đã gom nhiều lời chỉ dạy của Đức Giêsu vào trong một chương 10 này, trong đó có những lời chỉ dạy trong nhiều hoàn cảnh và nhiều thời điểm khác nhau (cũng như Mt đã gom tất cả các phép lạ vào chung một bản liệt kê 10 phép lạ, mà ta đã có dịp nghiên cứu ở bài về Mt 8-9).
Bài sai truyền giáo này gồm những ý chính như sau:
– Ủy quyền (cc 1-4)
– Một số chỉ thị về cách cư xử (cc 5-16).
– Tiên báo về sự bắt bớ (cc 17-25).
– Khuyên can đảm tuyên xưng (cc 26-33).
– Khuyên từ bỏ (34-39).
- Giải nghĩa
1/ ĐỨC GIÊSU ỦY QUYỀN CHO CÁC TÔNG ĐỒ (cc 1-4)
– Tông đồ: Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Mt dùng danh hiệu này. Cách chung trong các Tin Mừng, danh hiệu “tông đồ” và “môn đệ” được dùng lẫn lộn nhau, chưa phân biệt ý nghĩa đặc biệt của mỗi danh hiệu. Sau này tới thời GH thì mới phân biệt rõ: môn đệ cjỉ cách chung những người theo Đức Giêsu, còn tông đồ là những “cán bộ” nòng cốt của Ngài.
– Chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền: So sánh với Mt 9,35 ta thấy cùng những từ ngữ được dùng lại ở đây. Mà Mt 9,35 là nói về sứ mạng của Đức Giêsu và uy quyền của Ngài; còn ở đây là nói về sứ mạng và uy quyền của các tông đồ. Điều này có nghĩa là Đức Giêsu thông ban cho các tông đồ Ngài cùng những quyền năng như chính Ngài.
– Bảng danh sách 12 tông đồ: Phân tích một chút sẽ thấy ngay tính đa dạng trong thành phần tông đồ: có những tên hy lạp và những tên do thái; xuất thân từ nhiều miền khác nhau; những ngư phủ thường được kể bên cạnh một đảng viên hiếu chiến (Simon nhiệt thành); có cả những cựu đệ tử của Gioan Tẩy Giả (Giacôbê và Gioan)… Đức Giêsu không chủ ý chọn một nhóm cán bộ đồng nhất và dễ dạy. Sau này ta sẽ thấy Ngài gặp nhiều khó khăn với nhóm tông đồ đa dạng như vậy. Nhưng Ngài cứ kiên nhẫn huấn luyện họ, để rồi sau cùng, khi họ đã thực sự “hoán cải” thì họ trở nên những nhân chứng trung thành sẵn sang đổ máu vì Ngài và đáng được Ngài tín nhiệm giao GH cho họ.
2/ NHƯNG CHỈ THỊ VỀ CÁCH CƯ XỬ (cc 5-16)
– cc 6-7: rõ rang chỉ thị này có tính “kỳ thị”, và mâu thuẫn hẳn với chỉ thị truyền giáo Đức Giêsu ban ở cuối Tin Mừng Mt có tính đại đồng (28,19) “khắp muôn dân”. Vì tính “kỳ thị” này mà Mc và Lc đã loại bỏ chi tiết này. Nhưng ta có thể hiểu được nếu lưu ý hai điểm:
(1) Mt viết cho người do thái (trong khi Lc và Mc viết cho lương dân) nên cần cho độc giả mình thấy ưu tiên mà Đức Giêsu dành cho họ.
(2) Sứ mạng thu hẹp này chỉ có tính cách tạm thời trong giai đoạn đầu, tới giai đoạn từ Đức Giêsu phục sinh trở đi thì sứ mạng sẽ thực sự mở rộng ra “khắp muôn dân”.
– c 8: Hãy chịu cực chịu khổ mà không so đo tính toán, vì “các con đã nhận miễn phí thì hãy cho miễn phí”.
– c 9-10: đừng quá lo lắng về tiện nghi vật chất, tới đâu thì xử dụng những tiện nghi ở đó.
– c 11: “tìm người xứng đáng và lưu lại đó”: ý này bổ túc ý trên (cc 9-10). Tông đồ không nên so đo chọn nơi ở sao cho vừa ý nhất, do so đo như vậy mà cứ đổi từ chỗ này sang chỗ khác cho dễ chịu hơn. Đức Giêsu dặn phải chọn người xứng đáng ở trọ nhà họ rồi trọ luôn một chỗ đó.
– c 12: “hãy chào”: Đây là câu chào Shalom (chúc bình an). Người do thái nghĩ rằng lời chào lúc này không chỉ là một câu xã giao, nhưng có hiệu quả nếu người được chào mà xứng đáng thì người đó được bình an thật, còn nếu không thì sự bình an sẽ trở về với người chào chúc (c 13)
– c 14 “giũ sạch bụi chân”: Theo tục lệ do thái, cử chỉ này có nghĩa là đoạn tuyệt. Xứ nào không đón nhận Lời Chúa thì bị kể không phải là Đất Thánh, bụi của xứ đó đều là bụi dơ, phải phủi lại kẻo mang bụi dơ ấy sang những xứ biết đón nhận Lời Chúa.
– c 16 Truyền giáo không phải là một việc đơn giản và dễ dàng, nên phải vừa tinh khôn như rắn vừa đơn sơ như bồ câu.
3/ TIÊN BÁO VỀ SỰ BẮT BỚ (cc 17-25)
– c 17-18: các tông đồ sẽ bị bắt bớ, nhưng sự kiện họ vẫn kiên trì đứng vững có giá trị như một cách làm chứng trước những kẻ bắt bớ và trước chư dân.
– Nhưng Đức Giêsu an ủi: có bị bắt bớ thì cũng chẳng lạ gì, vì chính Ngài cũng bị bắt bớ (c 24-25); trong lúc bị đưa ra công nghị thì có Thánh Linh tích cực hỗ trợ ( cc 19-20).
4/ CAN ĐẢM TUYÊN XƯNG ĐỨC GIÊSU (cc 26-33)
c 26 “thế thì”: chữ này rất quan trọng. Nó là chữ nối kết với các câu trước đó (24-25): môn đệ không hơn Thầy và sẽ giải thích được điều sắp nói. Đức Giêsu khuyên các môn đệ đừng sợ không phải vì kẻ thù chẳng thể làm gì họ được (kẻ thù làm hại được nhiều lắm, phải khổ nhiều), là vì các môn đệ đã chấp nhận trước thân phận bị bắt bớ như Thầy mình. Tóm lại, dù phải lao đâo lận đận vì bị bắt bớ như Thầy mình, nhưng phải can đảm tiếp tục làm chứng.
– “bị che giấu…được tỏ lộ ra”: người do thái dùng thể thụ động là vì tránh nói tên Thiên Chúa, cho nên chủ từ của những động từ thụ động này chính là Thiên Chúa. Trước đây Thiên Chúa còn che giấu mầu nhiệm Nước Trời, nhưng nhờ các tông đồ làm chứng bằng cách chịu bắt bớ thì Thiên Chúa sẽ tỏ lộ mầu nhiệm Nước Trời ra cho những kẻ bắt bớ và mọi người. Ở đây ta thấy thêm một giá trị của sự bắt bớ: làm tỏ lộ mầu nhiệm Nước Chúa.
c 27 Có hai giai đoạn trong việc công bố mầu nhiệm Nước Trời. Giai đoạn Đức Giêsu thì Ngài chỉ có thể “nói trong bóng tối”, “nói rỉ tai” vì quần chúng chưa làm sao hiểu được (Mc 1,34) và vì chính Ngài chưa hoàn tất sứ mạng bằng cuộc thụ nạn và phục sinh. Nhưng tới giai đoạn các tông đồ thì phải công bố ra công khai rộng rãi.
c 28 Không phải Mt tách riêng xác với hồn, mà ngược lại nối kết chúng thành một: sự sống thật là gồm cả xác lẫn hồn. Những kẻ bắt bớ cùng lắm chỉ giết được xác, nghĩa là không giết được sự sống thật. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền sinh sát trên sự sống thật ấy mà thôi.
c 29-31: Lý do thứ ba đừng sợ là có Chúa quan phòng. Những sinh vật hầu như không giá trị gì như con chim sẻ mà Thiên Chúa còn chăm lo, huống chi là người tông đồ của Ngài. Và cho dù người tông đồ có bị bắt bớ thì đó cũng là nằm trong kế hoạch của Chúa quan phòng. Cái khổ họ chịu không phải là tình cờ và vô nghĩa, mà là do Chúa quan phòng và có một ý nghĩa.
c 32–33: Một lời khuyến khích đồng thời với một lời đe dọa: tùy ta có dám tuyên xưng Đức Giêsu hay không mà ta sẽ được Ngài nhận vào Nước Ngài trong ngày chung thẩm hay không.
5/ KHUYÊN TỪ BỎ (cc 34-39)
c 37 động từ được dung ở đây là philein Mt dùng với nghĩa không tốt (khi muốn chỉ nghĩa tốt thì Mt dùng động từ agapan, chỉ tình mến Chúa yêu người). Ở đây Mt muốn nói tới những tình cảm gia đình mà trong một số trường hợp có thể làm cho người ta quyến luyến và do đó cản bước người ta đi theo Đức Giêsu. Trong câu này Mt không có ý đặt đối đầu nhau tình yêu đối với Đức Giêsu và tình yêu đối với gia đình. Mt chỉ có ý đề cao tính tối thượng của tình yêu đối với Đức Giêsu. Kẻ nào đang đi theo Ngài mà bị cản khựng lại vì tình cảm gia đình, thì không xứng đáng với Ngài.
c 39: không phải là một lời khuyến khích liều mạng theo kiểu những bài ca ái quốc, mà là một biện chứng giữa giữ và mất với ưu tiên dành cho vế giữ. Nhưng trước hết phải hiểu “mạng sống” theo nghĩa sự sống thực theo nghĩa ở c 28 đã giải thích ở trên. Người tông đồ sẵn sang chịu mất mạng sống (thể xác) là để tìm được mạng sống thực. Còn kẻ hèn nhát không dám mất mạng sống (thể xác) thì không tìm được sư sống thực.
6/ THÁI ĐỘ ĐÓN TIẾP (cc 40-42)
c 40-41 – Đối tượng thứ nhất Đức Giêsu khuyên người ta hãy đón tiếp là các môn đệ của Ngài. Ở đây sự giống nhau giữa Thầy và Trò đạt tới cao điểm: Ai đón tiếp môn đệ của Đức Giêsu thì tức là đón tiếp chính Đức Giêsu. Mà đón tiếp Đức Giêsu chính là đón tiếp Thiên Chúa, Đấng đã sai Đức Giêsu.
– Sự đón tiếp môn đệ được Đức Giêsu diễn tả qua 3 mức độ giảm dần: (a) có thể đón tiếp các môn đệ vì nghĩ rằng họ là chính Đức Giêsu; (b) hoặc nghĩ rằng họ là ngôn sứ, tức là kẻ rao giảng; (c) hoặc chỉ nghĩ họ là một người công chính thôi cũng được.
c 42 – Đối tượng thứ hai Đức Giêsu khuyên đón tiếp là “một trong những kẻ bé mọn này”, tức là một kitô hữu bất kỳ nào đó.
– Dù đón tiếp môn đệ hay đón tiếp kitô hữu thì người đón tiếp cũng nhận được “phần thưởng dành cho người công chính”.
- Kết luận
Nhiều chi tiết chứng tỏ Mt đã gom chung trong chương 10 này những lời Đức Giêsu dạy trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, không riêng gì cho 12 tông đồ mà còn cho tất cả các tín hữu có sứ mạng làm chứng cho Ngài giữa thế gian. Hơn nữa, nhiều câu trong chương này được Mt hiểu lại trong bối cảnh của cộng đoàn đang bị bắt bớ.
Nếu trình bày đơn giản lại thì ý chính của chương 10 này là: người tông đồ nói riêng, và mọi kitô hữu nói chung, đều có sứ mạng phải làm chứng cho Đức Giêsu giữa thế gian.
– Họ hãy ý thức là họ được Đức Giêsu sai đi để làm chứng.
– Hãy can đảm làm chứng cho dù có bị bắt bớ.
– Hãy can đảm từ bỏ tất cả những gì cản trở việc làm chứng đó.
– Và hãy an tâm rằng có Thánh Linh luôn hỗ trợ, có Chúa quan phòng chăm sóc, ngay cả những khổ đau của họ cũng nằm trong tính toán của Chúa quan phòng và đều có ý nghĩa cao cả.
BÀI 21: MỘT KHÚC QUANH (chương 11-12)
Với hai chương 11-12 chúng ta gặp một khúc quanh trong Tin Mừng Mt. Thật vậy, trong 10 chương trước, Mt lần lượt trình bày về thân thế của Đức Giêsu (1-2), về chủ trương Messia của Ngài (3-4), về Hiến chương Nước Trời của Ngài (5-7), về quyền năng Messia của Ngài (8-9) và việc Ngài thông quyền cho 12 tông đồ và sai các ông đi truyền giáo (10). Tất cả diễn tiến đều diễn ra êm thắm tốt đẹp, hầu như không có trở ngại và vấn đề gì nghiêm trọng đặt ra. Nhưng từ chương 11 thì bắt đầu có trở ngại: trước hết là thắc mắc do Gioan Tẩy Giả đặt ra (11,2-6), rồi đến những người không đón nhận Ngài (11,16-24), rồi biệt phái và luật sĩ chỉ trích (12,1-45).
Nhưng chính nhờ những thắc mắc, chỉ trích và tranh cãi mà Mt có dịp trình bày những suy tư thần học của ông về Đức Giêsu: Ngài là sự Khôn ngoan (11,19), Chúa Con (11,25-27), Con Người (12,8), Tôi Tớ (12,18-21), Con vua Đavít (12,23), và loan báo rõ ràng trước về biến cố phục sinh (12,40).
Và cũng qua những thắc mắc và tranh cãi ấy, một vấn đề then chốt được đặt ra: trước Đức Giêsu người ta phải dứt khoát chọn lựa có tin hay không. Sự chọn lựa dứt khoát này sẽ xác định số phận của mỗi người.
Cái nhân của hai chương này là 11,25-30, được các nhà chuyên môn gọi là “Thánh thi của niềm hoan lạc”.
- THẮC MẮC CỦA GIOAN TẨY GIẢ (11,2-15)
c 2 Vì đã dám lên án Hêrôđê Antipas cướp vợ của em mình, nên Gioan bị ông này bắt giam vào ngục. Tuy nhiên ông cũng còn kiêng nể Gioan nên cho môn đệ của Gioan tới lui thăm nuôi thầy mình. Gioan đã nhờ các môn đệ này đến trao cho Đức Giêsu câu hỏi của ông.
c 3 “Đấng phải đến đã đến” là tước hiệu của Messia (3,11; Ga 1,27). Nói trắng ra Gioan hỏi Đức Giêsu có phải là Messia không. Sở dĩ có thắc mắc này là Gioan hồ nghi Đức Giêsu là Messia nhưng ông còn phân vân và ông đã quan niệm một Messia thẩm phán (xem lại bài 8), thế mà ông thấy Đức Giêsu chẳng có gì là thẩm phán cả..
c 5 Đức Giêsu đã trả lời thẳng với Gioan rằng: “Đúng, tôi là Messia”. Nhưng Ngài thích trả lời cách khác hơn: dùng dấu chỉ để cho Gioan tự suy nghĩ và tìm ra câu trả lời. Đó là con-đường-đức-tin mà Đức Giêsu quen dùng. Đức Giêsu đưa ra những dấu chỉ đúng y như những dâu chỉ mà Is 42,18 đã dùng để mô tả Đức Messia. Một người thông thạo Thánh Kinh như Gioan thì đương nhiên sẽ hiểu.
c 6 Thế những hình ảnh Messia mà Đức Giêsu chọn cho mình và hình ảnh Messia mà Gioan đã tưởng, lại quá khác biệt nhau. Không biết Gioan có chấp nhận không? Vì thế Đức Giêsu nói thêm “phúc cho kẻ nào không vấp phạm vì Ta”.
c 7 – “Vào sa mạc” rõ ràng ám chỉ đến Mt 3,3 khi trình bày Gioan như “tiếng kêu trong sa mạc”.
– “cây sậy” là hình ảnh của sự yếu mềm. Gioan chẳng phải thế vì ông cứng rắn như Giêrêmia (Gier 1,17-19) đã dám lên tiếng tố cáo Hêrôđê Antipas.
c 9 Gioan cũng là ngôn sứ vì tiếp nối truyền thống ngôn sứ từ thời Cựu Ước kéo dài tới ông. Nhưng ông còn hơn ngôn sứ ở chỗ là các ngôn sứ chỉ nói tiên báo về Messia, còn Gioan thì đưa tay chỉ rõ cho người ta biết Messia là ai, Gioan là Tiền hô.
c 11 Phần đầu thì dễ hiểu “giữa con cái phụ nữ, chưa bao giờ thấy có người nào lớn hơn Gioan Tẩy Giả” Vì Gioan là Tiền hô của Messia; nhưng phần sau khó hiểu “người nhỏ nhất trong Nước Trời còn lớn hơn ông”, Câu này không có nghĩa là xem Gioan dù thánh thiện đến đâu đi nữa cũng phảikém hơn một kẻ ở thời Tân Ước, dù kẻ đó có bê tha đến đâu đi nữa. Thuật ngữ “người nhỏ nhất trong Nước Trời” có nghĩa là kẻ đón nhận sứ điệp của Đức Giêsu và được kể là ở trong Nước Trời. Vì Nước Trời là cao quý nhất, cho nên Gioan tuy cao cả mà cũng vẫn ở ngưỡng cửa Nước Trời thôi, sánh với kẻ đã đón nhận Tin Mừng và ở trong Nước Trời thì Gioan phải nhỏ hơn.
c 12 Câu này cũng rất khó hiểu “Từ Gioan Tẩy Giả cho tới bây giờ”: có lẽ là thời gian bắt đầu mở cửa Nước Trời. “Nước Trời chịu thua sức mạnh”: so sánh với Lc 13,24 (muốn vào Nước Trời phải qua cửa hẹp) và Lc 16,16 (muốn vào Nước trời thì phải gắng sức). Vậy những chữ này có lẽ nghĩa là phải cố gắng chịu khó thì mới được vào Nước Trời.
c 14: so sánh với Mt 3,12 và Mt 17,11-13: Gioan Tẩy Giả là vị Tiền Hô cho Messia cũng như Êlia xưa kia được coi là iền Hô cho Messia.
Kết luận
Gioan Tẩy Giả đã rao giảng một Đấng Messia thẩm phán nên khi thấy Đức Giêsu (mà ông tin là Messia) không có nét thẩm phán thì ông thắc mắc và sai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: “Thầy có phải là Messia không?”. Đức Giêsu đã trích Is 42 để gián tiếp trả lời Gioan rằng Ngài chính là Messia nhưng không phải là Messia thẩm phán mà là Messia Tôi Tớ.
Nhân dịp đó Đức Giêsu làm chứng về Gioan Tẩy Giả: Ông là Tiền Hô cho Ngài.
- PHÁN ĐOÁN THẾ HỆ NÀY (11,16-19)
Việc Gioan Tẩy Giả sai người đến hỏi Đức Giêsu khiến Ngài nghĩ đến sứ vụ của Gioan và của chính Ngài. Nhìn chung thì sứ vụ của cả hai đều gắt hái được thành công rất ít. Trong đoạn này Đức Giêsu cho biết lý do tại sao.
c 16 –“Thế hệ này”: Những người do thái thời đó. Thái độ của họ là thụ động, hầu như mù và điếc trước những lời rao giảng của Gioan và Đức Giêsu.
–“họ giống như lũ trẻ”: chữ “trẻ” ở đây không có nghĩa tốt như ở một vài nơi khác, mà chỉ những đứa trẻ ngang bướng, lì lợm.
c 17 Lũ trẻ này không muốn nghe theo người khác mà chỉ muốn người khác nghe theo chúng. Khi chúng chơi trò đám cưới (“thổi sáo”) thì chúng muốn người ta cũng nhảy múa với chúng. Khi chúng chơi trò đám tang (“hát đưa đám”) thì cũng muốn người ta buồn và than khóc theo chúng.
c 18-19 – Tương tự như thế, những người do thái không muốn làm theo lời kêu gọi của Gioan và Đức Giêsu. Để biện minh cho thái độ lười biếng và thụ động ấy. họ kiếm cớ chê trách hai vị để đổ thừa cho hai vị: đổ thừa rằng Gioan là người bị quỷ ám (vì ăn uống khắc khổ không giống người thường), và đổ thừa Đức Giêsu tham ăn, tham uống (vì Ngài ăn uống như người thường). Đúng là “lưỡi không xương nhiều đường lắc léo”, người khác làm gì họ cũng có thể chỉ trích.
– “Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động”: Những lời chỉ trích đó không hề làm giảm giá trị sứ vụ của hai Đấng. Chính công việc làm của hai Đấng chứng minh rằng các Ngài làm đúng theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
III. KHIỂN TRÁCH NHỮNG THÀNH QUANH BỜ HỒ (11,20-24)
Những lời Đức Giêsu công kích các thành dọc bờ hồ Galilê khiến mọi người nhớ lại lời các ngôn sứ thời Cựu Ước. Các ngôn sứ nguyền rủa các thành kiêu căng của dân ngoại lăm le đe dọa dân Thiên Chúa. Còn ở đây lời chúc dữ lại dành cho những thành do thái, và coi chúng thấp kém hơn các thành dân ngoại.
c 20 – Câu này nêu lý do của lời quở trách: các thành được nói đến ở đây đều chứng kiến “phần lớn các phép lạ” Đức Giêsu đã làm. Thế nhưng họ không hối cải. Ở đây ta thấy được một đặc điểm mới nữa: các phép lạ được làm nhằm thúc đẩy người ta hối cải trở về với Nước Trời (Mt 4,17).
– Tại sao họ không hối cải mặc dù đã chứng kiến những phép lạ? Vì họ kiêu căng. Ta cũng nên biết rằng so với các thành khác, những thành này có trình độ Thánh kinh cao hơn (c 23: “Ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư?”). Khi thấy sự kiêu căng đã khép kín lòng họ. Đức Giêsu nghĩ tới những kẻ “bé mọn” nhờ khiêm tốn mà nhận được mặc khải của Thiên Chúa. Bởi thế trong đoạn tiếp liền sau, Đức Giêsu sẽ cảm tạ Thiên Chúa “vì đã dấu không cho những bậc thông thái biết điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (c 25).
c 21-22 Trong số những thành đó, trước hết Đức Giêsu nói tới Khorađin và Bêtsaiđa. Đức Giêsu quả quyết rằng hai thành Tia và Siđon dù là ngoại giáo những chắc hẳn họ đã hối cải nếu họ thấy các phép lạ. Bởi thế hai thành ngoại giáo ấy sẽ được xét xử khoan hồng hơn các thành do thái chai lì này.
c 23-24 Rồi Ngài nói tới Caphácnaum vốn được coi là “thành của Ngài”. Cũng theo cùng một lý luận trên nhưng cứng rắn hơn: họ sẽ bị đày xuống Hadès, nơi giam cầm kẻ chết, là thành phố dành cho tên vua Babylone báng bổ(Is 14,13-15). Còn tệ hại hơn nữa, Đức Giêsu đem so sánh nó với thành Xôđôm là thành ngoại giáo bị nguyền rủa nặng nhất (Mt 10,15).
- THÁNH THI CỦA NIỀM HOAN LẠC (11,25-30)
Đây là cái nhân của tổng thể II (các chương 10-12) nói về việc rao giảng Nước Trời. Cái nhân này giúp ta hiểu được toàn tổng thể: Khi Đức Giêsu đi rao giảng thì có người đón nhận và có người từ chối. Thánh thi này giải thích rằng đón nhận hay từ chối đều nằm trong chương trình của Chúa Cha, đều do sự khôn ngoan của Chúa Cha quyết định.
c 25 – “Khi ấy”: Là khi Đức Giêsu vừa thốt lên xong những lời chê trách các thành phố Khơrađin, Bêtsaiđa và Caphácnaum mặc dù đã thấy các phép lạ Ngài làm, nhưng vì tự hào mình “khôn ngoan” nên không đón nhận lời rao giảng của Ngài (cc 20-24). Lưu ý: đó là những thành phố chịu ảnh hưởng mạnh của các nhà thông luật do thái.
– “Cha” và “Con”: Tiếng “Cha” mà Đức Giêsu dùng ở đây có lẽ dịch từ tiếng “Abba”, một tiếng gọi thân ái chỉ dùng trong gia đình chứ chưa hề bao giờ có người do tái nào dám dùng trong kinh nguyện. Vậy mà Đức Giêsu dám dùng. Điều này chứng tỏ sự thông hiệp mật thiết giữa Ngài với Thiên Chúa như thế nào.
– “Con xin chúc tụng Cha”: Chúc tụng và tạ ơn là hai tâm tình luôn đi đôi với nhau trong truyền thống Thánh Kinh. Vừa mới thất bại khi rao giảng cho một số thành phố mà Đức Giêsu lại cảm tạ chúc tụng Thiên Chúa vì sự thất bại đó: Là vì thất bại hay thành công trong việc rao giảng Nước Trời đều nằm sẵn trong chương trình khôn ngoan của Thiên Chúa.
– “Người khôn ngoan”: Những người thông thuộc luật đạo do thái.
– “Người nhỏ bé đơn sơ”: Những người “nghèo trong tinh thần” mà Ngài đã nói trong Bát Phúc (Tv 19,8 116,6), nhưng người tội lỗi, những kẻ ít học.
– “Các điều ấy”: Những mầu nhiệm về Nước Trời.
c 26 “Cha đã muốn an bài như vậy”: Những thái độ hoặc tin hoặc cứng tin mà Đức Giêsu gặp chẳng phải là chuyện may rủi, cũng chẳng phải do tài năng hoặc bất tài của Ngài, mà là chương trình khôn ngoan của Thiên Chúa là như vậy: Ngài luôn ưu ái những kẻ bé mọn và hạ bệ những bậc khôn ngoan.
c 27 “Cha ta đã phó mọi sự cho ta hết thảy”: Mọi sự đây cũng là “các điều ấy” đã nói ở c 25, nghĩa là các mầu nhiệm Nước Trời.
– “Biết”: chẳng những là trí thức mà còn là yêu mến. Vì yêu mến nhau nên Cha và Con hoàn toàn biết nhau. Và chỉ vì Cha và Con yêu mến nhau trọn vẹn nên chỉ Cha biết Con và chỉ on biết Cha trọn vẹn. Ngoài ra chẳng ai biết, ngoài những người được Con mặc khải. Và Con đã mặc khải cho “những kẻ bé mọn”, đó là một ơn rất lớn.
c 28 “Gánh nặng”: so sánh với Mt 23,4, đó là gánh nặng của Luật mà các rabbi do thái chất lên vai dân.
c 29 – “Ách của Ta”: Trong ngôn ngữ do thái, “mang lấy ách” của ai là làm học trò người đó. Đức Giêsu mời người ta học nơi trường của Ngài.
– “Ách Ta êm ái, gánh Ta nhẹ nhàng”: Học với Đức Giêsu thì êm ái dễ chịu, giữ Luật Ngài thì nhẹ nhàng, vì người thầy dạy và cũng là người ra luật mới không phải như các rabbi, nhưng là kẻ “hiền lành và khiêm nhường”, và vì tinh thần cốt lõi của luật mới là yêu thương. Ubi amatur non laboratur (Augustin).
- THẮC MẮC CỦA BIỆT PHÁI (Chương 12)
1/ Dường như để minh họa cho lời Đức Giêsu nói “Ách ta êm ái, gánh ta nhẹ nhàng” (11,30), ngay sau đó Mt ghi ra 3 tiểu đoạn
– Môn đệ bứt lúa ngày Sabbat (12,1-8)
– Đức Giêsu chữa một người bại tay ngày Sabbat (9-14).
– Đức Giêsu là người Tôi Tớ hiền từ (15-21).
(a) 12,1-8: Trong câu chuyện các môn đệ bứt lúa, điều mà người biệt phái trách không phải vì họ đói mà bứt lúa để ăn, nhưng là vì họ đã “làm việc” trong ngày hưu lễ (Đnl 23,26 cho phép ăn uống nơi đồng của người khác; Xh 34,21 cấm gặt lúa trong ngày sabbat; người biệt phái quá vụ luật đã coi việc bứt lúa có nghĩa là gặt lúa!). trong câu chuyện này, cũng nên lưu ý câu trả lời của Đức Giêsu trích Hôsê 6,6 “Ta muốn tình thương chứ không màng của lễ”
(b) 12,9-14: Trong câu chuyện Đức Giêsu chữa một người bại tay vào ngày sabbat, luật tuy cho phép giúp một người nguy tử nhưng cấm không cho chăm sóc người bệnh trong ngày đó. Đức Giêsu coi người bệnh trọng hơn con vật rớt xuống hố, nghĩa là Ngài cũng đề cao tình thương.
(c) 12,15-21: Chính vì Đức Giêsu đề cao tình thương nên Mt so sánh Ngài với người Tôi Tớ hiền từ mà Is 42 đã nói.
– Mặc dù bị những người pharisêu chỉ trích, Đức Giêsu không trả đũa những “lánh đi nơi khác” (c 15); dù Ngài đã làm những phép lạ hiển hách và được dân chúng ngưỡng mộ, Ngài vẫn khiêm tốn “cấm họ không đươck tiết lộ Ngài là ai” (c 16). Thái độ bất bạo động đó làm cho Ngài rất giống với hình ảnh Người Tôi Tớ hiền từ mà Isaia đã tiên báo: “Ngài sẽ không cãi vã, không to tiếng. Chẳng ai nghe thấy Ngài lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gãy; tim đèn leo lét Ngài chẳng nỡ tắt đi…”
Qua 3 câu chuyện này ta thấy rõ ràng “ách và gánh” của biệt phái nặng như thế nào, còn “ách và gánh” của Đức Giêsu êm ái như thế nào (vì có tình thương).
2/ Tiếp theo, sự bất đồng giữa Đức Giêsu và biệt phái càng ngày càng gay gắt.
a/ Đức Giêsu trừ cho một người bị quỷ ám (24-32) thì họ nói rằng Ngài nhờ sức quỷ vương mà trừ quỷ nhỏ. Đến đây không phải là họ sai lầm nữa mà là cố chấp. Tội cố chấp đó Đức Giêsu gọi là “tội phạm đến Thánh Linh” và “không tha được” (c 32): vì còn có thể tha thứ nếu người ta hiểu lầm về cách thức Messia của ngài (như Gioan hiểu Messia thẩm phán), nhưng đàng này họ đã chứng kiến những phép lạ lẫy lừng của Ngài chứng tỏ Ngài là Messia, vậy mà cứ khăng khăng tìm cách giải thích ngược lại.
b/ Trong cùng chiều hướng đó ta sẽ hiểu tiểu đoạn “dấu lạ Giona” (38-42): người biệt phái không nhận Đức Giêsu là Messia vì họ cố chấp, nhưng họ vịn cớ là họ không thấy dấu chỉ. Thực ra Đức Giêsu đã cho họ biết bao dấu chỉ mà họ có chịu thấy đâu. Vì thế Ngài nói chẳng cần cho họ dấu chỉ nào khác nữa ngoài dấu chỉ Giôna, tức là ám chỉ việc Ngài sẽ chết và sống lại. Nhưng Ngài cũng biết là dấu chỉ đó chẳng mở mắt nổi họ, cho nên Đức Giêsu bảo đến ngày phán xét tội của họ sẽ rất nặng.
TÓM Ý TỔNG THỂ HAI (CÁC CHƯƠNG 10-12)
1/ Bi kich ngày càng rõ dần: Đức Giêsu bắt đầu hoạt động, nhưng đồng bào của Ngài nhiều người (Gioan, dân chúng, biệt phái) thất vọng vì thấy Ngài không phải là Messia như họ viễn tưởng: Ngài hiền từ quá, khiêm nhường quá, :người” quá. Từ đó mà người ta chia rẽ: một số chống đối Ngài (biệt phái), một số tin theo Ngài mà Ngài gọi là “những kẻ bé mọn”. Đức Giêsu chuyên chú quay về những kẻ bé mọn này.
2/ Nhưng nếu vậy thì Nước Trời thất bại sao? Chương 13 sẽ trả lời cho câu hổi đó bằng hình thức những dụ ngôn.